Chương 1: MẸ CHỒNG GIÁ LÂM
Mẹ chồng đến rồi!
Bà đã đến hơn nửa tháng nay, thế mà Giang Tiểu Tuyết vẫn chưa thể tiếp nhận cái sự thật này, hàng ngày đi làm trở về, đẩy cửa bước vào nhà là thấy bà đang lặng lẽ ngồi ngay ngắn ở phòng khách xem ti vi. Cô bất giác lùi lại một bước, ngờ ngợ có phải mình đã vào nhầm nhà hay không.
Vậy là bà ấy đã đến. Tiểu Tuyết lại không thể có bất cứ lý do gì để từ chối. Nguồn cơn chuyện này ra sao, cô thật không dám nhớ lại nữa.
Bố chồng Tiểu Tuyết mất. Tuy mọi bà con thân thích và bạn bè của cô đều nói sự việc đó không hề liên quan gì đến cô, nhưng cớ sao cô vẫn cảm thấy không yên lòng? Ông ấy đi làm ở công trường xây dựng tại quê nhà, bị ngã rồi chết; còn Tiểu Tuyết thì liên tục công tác và sống ở Thâm Quyến xa lắc xa lơ, cái chết của ông đâu có liên quan gì đến cô? Nhưng Tiểu Tuyết hiểu rằng không chỉ bà mẹ chồng mà có lẽ ngay Lý Văn Long - người chồng thân yêu của cô – cũng đều ngầm trách cứ cô rất nhiều. Cả hai đều cho rằng ông ấy mất là tại cô. Chú em trai của Văn Long là Lý Văn hổ đang học năm thứ tư đại học, học phí và sinh hoạt phí của chú em suốt mấy năm qua đều do Văn Long chăm lo, tiểu tuyết thì rất phản đối cái lối hy sinh vô điều kiện như thế của chồng. Khi Văn Hổ gọi điện cho Văn Long xin tiền, thì cô gọi điện cho mẹ chồng nói thẳng rằng từ nay vợ chồng cô không chi tiền sinh hoạt phí cho Văn Hổ nữa. Từ đó dẫn đến bi kịch bố chồng cô đi làm ở công trường xây dựng rồi ngã, tử vong!
Những ngày gần đây, kể từ sau khi về quê chồng tổ chức xong tang lễ rồi quay trở lại, hai vợ chồng cô trò chuyện với nhau không nhiều. Nhất là Văn Long. Trước đây anh luôn miệng nói nói cười cười, giờ đây ngoài những câu không thể không nói như "Anh đi làm đây", "Anh đã về rồi"... nếu Tiểu Tuyết không chủ động bắt chuyện thì Văn Long chỉ im lặng. Đôi lúc Tiểu Tuyết cố ý trêu để cho anh phải nói, anh cũng chỉ ậm ừ mấy câu cho xong. Có lúc cô ngẩng đầu nhìn Văn Long, chỉ thấy anh ngồi thẫn thờ mắt nhìn tận đẩu tận đâu, cứ như người mất hồn.
Những lúc như thế, Tiểu Tuyết thấy rất sợ hãi, cô muốn ôm lấy Văn Long khóc một hồi, và nói với anh rằng cô không làm gì sai, rằng cô không muốn như thế này, cô chỉ muốn hai vợ chồng sống khá hơn một chút, có thể sớm trả hết khoản tiền vay mua nhà, có thể sớm mua ô-tô, có thể sớm yên tâm sinh con; và nói rằng cô chỉ một lòng vì cái gia đình này nên mới làm như thế. Cô muốn ôm choàng lấy anh và nói: "Văn Long, Văn Long, anh đừng để xảy ra chuyện gì, em yêu anh, anh đừng để xảy ra chuyện..." nhưng không ăn thua, mỗi khi cô rơm rớm nước mắt nhìn anh và gọi "Văn Long..." thì anh đều tìm cớ để tránh đi, khiến cô không có cơ hội để nói tiếp.
Từ sau cái chết của bố chồng, quan hệ giữa hai người bỗng lạnh nhạt, dường như bao tình cảm ngọt ngào nồng thắm trước đó đều đã tan biến theo ông bố chồng. Văn Long luôn trầm mặc im lặng, chỉ biết mải miết làm việc, và từ chối giao lưu với Tiểu Tuyết.
Trạng thái này kéo dài gần nửa tháng, cho đến một hôm Văn Long đi đến bên cô, chủ động nói: "Tiểu Tuyết, anh có việc này muốn bàn với em."
Tiểu Tuyết thật sự vui mừng, lập tức nhoẻn cười: "Có việc gì, anh cứ nói đi?"
Kể từ sau khi bố chồng qua đời, đây là lần đầu tiên Văn Long chủ động nói chuyện với cô. Trước đó anh không hề nói với cô nửa lời, cũng không hề trách móc cô. Chỉ vì anh buồn rầu nên không muốn trò chuyện với Tiểu Tuyết, như thế lại khiến cô càng thêm não lòng. Đôi lúc cô nghĩ chẳng thà Văn Long mắng cô một chập còn hơn, nhưng anh lại không làm thế. Có khi nửa đêm cô chợt tỉnh giấc, thấy Văn Long ôm ghì lấy cô, mặt anh có nước mắt, lúc đó cô hiểu rằng giả sử cô đã sai, cái chết của cha khiến Văn Long rất buồn nhưng anh vẫn yêu cô, vì yêu cô cho nên khi cha mất, chuyện lớn như thế xảy ra, anh không nỡ trách móc cô. Nhận ra điều này, Tiểu Tuyết càng thêm tự trách mình và càng buồn rầu.
Giờ đây Văn Long bỗng chủ động đến bên cô, nói chuyện với cô, đương nhiên cô rất mừng.
Văn Long mỉm cười, nụ cười của anh tựa như mặt trời ló ra khỏi đám mây đen khiến người ta thấy ấm áp sáng tươi. Nhìn anh cười, Tiểu Tuyết có phần nhẹ nhõm.
Cô rất yêu Văn Long, anh là bầu trời, là mặt đất, là tất cả của cô. Lúc này hình như anh đã trở lại trạng thái bình thường, anh lại là Văn Long hay nói hay cười ngày trước, Tiểu Tuyết mừng vui khôn xiết.
Cô mỉm cười, bước đến bên anh, nói: "Là việc gì, Văn Long, anh cứ nói đi?"
Văn Long nhìn cô, im lặng một lát rồi nói: "Tiểu Tuyết, hôm qua anh gọi điện về quê, mẹ nói rằng mẹ ở nhà một mình, rất cô đơn, chẳng có ai trò chuyện, mẹ muốn đến Thâm Quyến ở cùng chúng ta. Anh nghĩ... rồi bằng lòng với mẹ. Tiểu Tuyết em sẽ không trách anh chứ?"
Mẹ chồng đang ở vùng quê miền bắc sẽ chuyển đến ở cùng vợ chồng cô?
Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tiểu tuyết là "Không", nhất định không thể đồng ý! Nhưng nhìn ánh mắt buồn bã và tự trách mình của Văn Long, cô lại gật đầu và cố gượng cười: "Được ạ, đương nhiên là tốt anh ạ!"
Và thế là việc này coi như đã được thỏa thuận. Rất nhanh chóng, Văn Long mua cho mẹ vé tàu hỏa đi Thâm Quyến, tiếp đó là bà gọi điện báo cho hai vợ chồng biết khi nào bà đến nơi. Nay bà đã đến ở với đôi vợ chồng được nửa tháng.
Bao chuyện cũ hiện lên rõ mồn một, cô và Văn Long lấy nhau đã bốn năm, những năm tháng qua đã xảy ra bao sự việc. Nếu quê hương Văn Long không phải là như thế, nếu cuộc sống không có bao áp lực, nếu cuộc đời này chỉ có cô và Văn Long thì cô sẽ cảm thấy rất hạnh phúc.
Nhưng tất cả vẫn chỉ là "Nếu..."
Văn Long là trưởng phòng thiết kế của một công ty phát triển địa ốc, có thu nhập hàng chục ngàn tệ từ lương tháng cộng với các khoản tiền thưởng, anh thật sự xứng danh là chàng trai đầu bảng. Văn Long cao lớn khôi ngô, không chỉ đẹp trai mà còn rất hiên ngang phong độ, trái tim Tiểu Tuyết đã rung động ngay từ lần đầu gặp anh. Nay Văn Long đã gần 30, người đàn ông càng thêm tuổi lại càng ưa nhìn; khi Tiểu Tuyết và anh đi dạo phố, cô đã không ít lần nhận ra những ánh mắt của các thiếu nữ dõi nhìn anh, cô cảm thấy rất thỏa mãn đồng thời cũng thấy lo lo.
Văn Long là chàng trai có năng lực, có sự nghiệp, đẹp trai, cũng rất khéo tay trong việc bếp núc, lại không thuốc lá, không cờ bạc rượu chè trai gái; hầu như anh không có bất cứ sở thích không lành mạnh nào. Trước đây anh còn hút thuốc lá, mỗi khi cặm cụi trước các bản vẽ thiết kế môi anh đều ngậm điếu thuốc, nhưng từ sau khi người cha qua đời, anh đã bỏ hẳn thuốc lá.
Thật sự là một chàng trai hoàn mỹ, ngoại trừ việc Văn Long xuất thân từ nông thôn, quan niệm về gia đình họ hàng rất nặng, rất hay nghĩ đến người nhà và thân thích của mình, thì anh không có bất cứ điểm nào gọi là dở.
Tiểu Tuyết ngẫm nghĩ, hẳn là ai ai cũng có những chỗ bất cập, một cuộc hôn nhân tất phải có những khía cạnh không hoàn hảo. Cô sẵn sàng tiếp nhận điểm yếu duy nhất của Văn Long - chấp nhận miền quê nông thôn ấy cùng vô số họ hang thân thích của anh. Cô nghĩ đến sự thỏa hiệp.
Trước đây cô đã từng phản đối, kháng cự. Phản đối và kháng cự, tuy cô đã thắng, Văn Long đã nhượng bộ, nhưng rốt cuộc bố chồng cô bị ngã ở công trường rồi qua đời. Biến cố này thiếu chút nữa đã khiến tình cảm của hai vợ chồng đi vào ngõ cụt. Cho nên tiểu tuyết sẽ không kháng cự nữa,và sẽ thỏa hiệp. Cô không muốn nhìn thấy Văn Long lại đờ đẫn như người mất hồn, buồn rầu chẳng thiết mở miệng nói một câu.
Bà mẹ chồng nói muốn đến Thâm Quyến ở chung với hai người, nếu cứ như trước đây thì cô chắc chắn sẽ phản đối, nhưng lần này cô đã thỏa hiệp, cô hy vọng cái gia đình này sẽ không xảy ra chuyện gì lớn nữa.
Tiểu Tuyết tuy miệng không nói gì nhưng lòng cô vẫn cứ hồi hộp, cô thầm cầu khấn đừng có xảy ra chuyện gì. Mẹ chồng đã đến rồi, nhà này chớ nên nảy sinh vấn đề gì lớn thì tốt.
Cả Giang Tiểu Tuyết lẫn Lý Văn Long vốn đã rất bận rộn, lại thêm chuyện về bố chồng cô vừa qua, khiến tâm trạng cả hai đều rất sa sút. Trước đây mỗi tuần Tiểu Tuyết mới dọn dẹp lau chùi nhà cửa một lần, giờ đây đã hơn hai tuần trôi qua mà hai vợ chồng đều chẳng màng nữa, căn nhà đã tích tụ một lớp bụi kha khá. Bà mẹ vừa bước vào nhà đã thấy chướng mắt, bèn lập tức sắp đặt quét dọn, rồi bà chuyển các món đặc sản quê hương như thịt cầy đậu xí... bà vừa mang ra, xếp vào tủ bếp. Thấy gian bếp của đôi vợ chồng không có dấu vết của dầu mỡ mắm muối, bà đứng trong bếp thò đầu ra hỏi con trai: "Mao Long, hai đứa không nấu ăn bao giờ à?" (Ở quê hương bà, bố mẹ gọi con trai thường thêm một chữ Mao ở trước tên, tỏ ý thân thiết; gọi Lý Văn Long là Mao Long, gọi Lý Văn hổ là Mao Hổ.)
Văn Long cười, trả lời: "Mẹ ạ, chúng con đi làm rất bận, không có thì giờ nấu ăn."
Bà ném bỏ cái khăn lau đang cầm trong tay, hậm hực đi ra ngồi bên rìa đi-văng, nói với con: "Cô vợ con hay quá nhỉ? Lấy chồng bốn năm rồi, nó đã làm được những việc gì của người vợ? Con nhìn xem, nhà cửa bẩn thỉu lộn xộn, có ra nhà nữa hay không?"
Văn Long chỉ còn cách cười xòa: "Mẹ ạ, Tiểu Tuyết rất có năng lực làm việc, nhà con cũng góp một nửa tiền để mua căn nhà này; lương tháng cũng chẳng kém gì con. tiểu tuyết có công việc ổn định, ngoài ra nhà con còn viết bài đăng báo cũng ra tiền. Tiểu Tuyết rất tốt với con."
Khi kết hôn, Văn Long và Tiểu Tuyết cùng góp tiền mua căn hộ này, có diện tích trên trăm mét vuông, trả tiền lần đầu 200 nghìn nhân dân tệ, nhà mẹ đẻ tiểu tuyết bỏ ra 100 nghìn, Văn Long bỏ ra 100 nghìn. Cha mẹ Văn Long không góp một đồng nào. hiện nay hai vợ chồng anh còn nợ một khoản tiền nhà rất lớn.
Văn Long cũng biết mẹ chồng nàng dâu sống chung không dễ gì, bố anh vừa mất, mẹ anh rất đau xót, bà oán hận Tiểu Tuyết là điều không tránh khỏi.
Quả nhiên, bà độp lại ngay: "Con đừng nói hay cho nó nữa, nó là cái hạng gì, mẹ biết rất rõ. hôm nay vừa nhìn thấy nó mẹ đã điên tiết. Nếu không nể mặt con thì mẹ đã chì chiết hoặc đã gây ra chuyện gì đó cũng nên."
Văn Long ngồi đối diện với mẹ, nói: "Mẹ ạ, Tiểu Tuyết không làm gì sai, đó chỉ là một tai nạn..."
"Sao lại nói nó không làm gì sai? Đó là lỗi của nó!" Nói đến đây bà nghẹn ngào, lập tức trào nước mắt.
Nhìn thấy mẹ khóc, Văn Long cũng buồn theo. "Mẹ ạ, mẹ cứ trách mắng con, đó là lỗi của con. Bấy lâu nay con cũng không dễ chịu gì, con đã không phải với bố."
Bà mẹ nhìn anh, bà lau nước mắt rồi nói: "Con ơi, đúng là tại nó chứ không tại con. Con là người như thế nào, bố mẹ hiểu rất rõ. Hồi đó nó gọi điện cho mẹ, nói rằng từ nay sẽ mặc kệ em trai con, sẽ không gửi tiền cho em con nữa; lúc đó mẹ đã nghĩ nó làm vợ kiểu gì thế này? Mẹ hiểu ngay rằng những năm qua con thường xuyên gửi tiền cho bố mẹ và chăm sóc em trai, chắc chắn nó đã cãi nhau với con không ít; nếu không tại nó thì bố con đã không chết. Mẹ rất hận nó, rất hận!" Bà vừa lau nước mắt vừa hạ thấp giọng kể lể.
Văn Long nhìn mẹ, rồi nói: "Mẹ ạ, Tiểu Tuyết cũng chỉ vì... Mẹ ạ, nhà con rất tốt nết, hai chúng con rất có tình cảm với nhau, nay mẹ đã đến với chúng con, cả nhà ta sẽ sống vui vẻ. Xin mẹ hãy nghĩ cho con, mẹ và nhà con hãy thuận hòa chung sống. Con xin mẹ đấy!"
Bà mẹ nói: "Mao Long à, mẹ hiểu ý con. Mẹ biết, mẹ hiểu chứ. nhưng mẹ vẫn rất hận. Thật đáng thương cho bố con, ông ấy chịu bao gian khó để con và Văn hổ ăn học đại học, hưởng phúc chưa được mấy năm thì đã thế rồi, mẹ thương ông ấy biết chừng nào, con bảo mẹ đừng trách đừng hận nó mà được à?"
Văn Long cũng phát hoảng, thấy bà mẹ nước mắt đầm đìa với vẻ mặt đầy oán hận, anh nói đầy lo lắng: "Mẹ ạ, mẹ hận nhà con, mẹ định to tiếng với nhà con, nhưng chắc mẹ không định ép chúng con ly hôn đấy chứ? Mẹ muốn con và nhà con bỏ nhau hay sao?" Văn Long đôi mắt đỏ hoe nhìn bà.
Thấy tâm trạng con trai như thế, bà cũng rầu lòng, đành nói: "Thôi được, mẹ hiểu, mẹ biết con không muốn ly hôn, mẹ cũng không ép; mẹ về đây, mẹ chẳng mong gì khác, bố con đã mất, em con còn đang học đại học, mẹ sống một mình ở quê chẳng ai thân thích thì thật chán ngắt, mẹ đến đây chỉ mong ngày nào cũng được ở bên con, được nhìn thấy con, là được. Các chuyện khác mẹ cho qua. Mẹ hứa với con sẽ không trách cứ gì nó, mẹ sẽ sống hòa thuận với nó. Được chưa?"
Bà lại lau nước mắt. Nhưng nghĩ đến cái chết của chồng, bà vẫn xót xa ấm ức rất nhiều. Thấy mẹ đã bằng lòng, Văn Long mới thở phào, anh nói: "Thôi nào, mẹ đừng khóc nữa. Nay đã về đây chung sống với chúng con, mẹ đừng buồn nữa. Mẹ ơi mẹ đã đói chưa? Con đưa mẹ ra ngoài ăn hiệu, sau đó con dẫn mẹ đi xem ngắm Thâm Quyến."
Bà mẹ đứng phắt ngay dậy, nói luôn: "Không đi! Nhà cửa đang lem nhem thế này, đâu có thì giờ đi dạo chơi? Con đã gần ba chục tuổi đầu mà chẳng có ai nấu nướng giặt giũ cho, thế thì lấy vợ để làm gì chứ? Mẹ nay đã tuổi tác chừng này, chẳng sống được mấy năm nữa đâu, cứ nghĩ đến khi mẹ đã chết rồi mà con vẫn chẳng có ai cơm nước giặt giũ cho thì mẹ lại buồn, chết khó mà nhắm được mắt." Bà lại nhặt chiếc khăn lau lên, đưa mắt nhìn gian bếp lạnh tanh suốt mấy năm của đôi vợ chồng, bà lại thấy xót xa.
Văn Long đành mỉm cười bước đến trước mặt bà mẹ, nói: "Nhưng đã có mẹ về đây rồi mà. Mẹ đến, là phúc cho con và Tiểu Tuyết. Chúng con ngày ngày sẽ được ăn các món do mẹ nấu. Mẹ biết không, năm đó hai chúng con về quê tổ chức đám cưới, mẹ đã làm món bánh rán chay cho nhà con ăn, nhà con vẫn nhắc mãi là rất ngon, ngon hơn hẳn bánh rán hoa quả vẫn mua ngoài phố." Văn Long rất không muốn mẹ chồng nàng dâu to tiếng, anh gắng sức nói tốt cho cả hai người.
Bà mẹ nguýt anh, rồi nói: "Mẹ tốt với nó thì ích gì? Nó tốt với mẹ chắc? nó là đồ lạnh lùng bạc bẽo. thôi, con cứ đi nghỉ đi, mẹ sẽ dọn dẹp, rồi làm vài món cho mà ăn. Chiều nay con có phải đi làm không?"
"Không, mẹ ạ. Mẹ vừa mới đến, hôm nay con không đi làm nữa, con đã xin nghỉ phép."
"Thế thì lát nữa con ra phố mua cho mẹ túi bột mỳ. Mẹ sẽ làm mấy món. Dạ dày con người ta không có chất bột mỳ, thì sống sao được? Thật tội nghiệp cho con. Nếu mẹ sớm biết con sống ở thâm Quyến suốt ngày không được ăn uống tử tế, thì mẹ đã về đây từ lâu. hễ nghĩ rằng con chỉ cả ngày ăn bên ngoài vừa bẩn vừa đắt lại vẫn không ngon, mẹ thấy xót cho con quá." Bà mẹ lại rơm rớm nước mắt.
Văn Long chỉ còn biết vỗ về: "Mẹ ạ, hiện giờ con vẫn sống ổn cả, chỉ không được ăn cho tử tế mà thôi. nhưng nay mẹ đã đến thì con sẽ ngày nào cũng được ăn uống ngon lành."
Bà mẹ cười nhẹ nhõm: "Chỉ tiếc là mẹ tuổi đã cao, chẳng chăm sóc con được mấy năm nữa."
Văn Long nói để bà vừa lòng: "Mẹ còn khỏe chán, mẹ sẽ sống đến trăm tuổi. Ở vùng này có rất nhiều cụ bà tuổi đã 95 mà vẫn có thể đi du lịch như ai. Chắc chắn mẹ sẽ được như các cụ ấy. Còn con cũng sẽ được mẹ cho ăn ngon rất nhiều năm nữa."
Bà bật cười khanh khách rồi nhìn con trai, nghĩ bụng nó rất hiếu thảo và ngoan ngoãn. Về đây, hàng ngày đều được nhìn thấy con, bà đã vui lên rất nhiều. Hồi còn ở quê, sau khi ông lão ra đi, bà vò võ một mình ở nhà, đêm ngày nhớ ông khôn nguôi, bà chỉ biết ngồi khóc thút thít. Những ngày ấy, dù bà đi đến đâu dường như cũng thấy bóng người bạn đời ở bên; nay về đến đây bà mới thấy dễ chịu hơn chút ít. Người bạn đời không còn nữa, bà vẫn còn con trai làm chỗ dựa, coi như cũng chưa phải là quá bi đát. Tuy vẫn thấy ngứa mắt với cô con dâu,nhưng ngày ngày lại luôn được ở gần con trai, nên bà cũng có thể nén nhịn cho qua vậy.
Bà thật sự không ưa cô con dâu, nhưng vì con trai mình, bà chỉ đành im lặng. Còn Giang Tiểu Tuyết thì sao? Sau cái chết của bố chồng, cô cứ như một con thỏ luôn nơm nớp sợ sệt. Nay thấy chồng mình không còn âm thầm buồn bã như trước, anh lại bắt đầu nói nói cười cười, thì cô cảm thấy rất mãn nguyện rồi. Dẫu bà mẹ chồng đã đến, Tiểu Tuyết rất không quen cái tình cảnh này, rõ ràng là bà đã thế chỗ cô để trở thành nữ chủ nhân của nhà này, thì cô vẫn gắng nhịn được.
Nửa tháng đã trôi qua. Có vẻ như gió lặng sóng yên, nhưng thực tế là Tiểu Tuyết ở trạng thái cố mà chịu đựng.
Nửa tháng trời, ngày nào bà mẹ chồng cũng mải miết trong gian bếp, bà luôn dậy sớm và thức khuya hơn vợ chồng cô, bà tất bật hết việc này đến việc khác. Những lúc Tiểu Tuyết nhìn thấy bà, thì bà đều bận rộn trong gian bếp. Không thể nói bà không để tâm cho cái nhà này.
Bà ấy bận rộn với những việc gì?
Bận làm bữa sáng và bữa tối cho vợ chồng cô.
Sáng ngày ra, khi cô và Văn Long thu xếp sửa soạn bước ra khỏi cửa để đi làm, thì bà bưng các món ăn còn nóng hổi bày lên bàn, với đủ loại: bánh bao nhân thịt, nhân rau quả, màn thầu bột mỳ, màn thầu bột ngô, màn thầu sô-cô-la, bánh gối, bánh rán nhân rau, bánh rán nhân thịt... mỗi ngày đều được đổi món. Ngoài ra, còn có các loại cháo, cháo đậu xanh, cháo khoai lang, cháo đậu nành, cháo gạo nếp cẩm, cháo khoai môn... cũng được thay đổi mỗi ngày cho vợ chồng cô đỡ chán. Nếu nói bà không linh hoạt, khéo tay hoặc không cần mẫn thì rất sai.
Nhìn một lô các món ăn như thế, Tiểu Tuyết không thể không kinh ngạc. Trông món nào cũng rất hấp dẫn và đẹp mắt, không hề thua kém các đồ ăn bày bán ngoài hiệu hoặc siêu thị.
Có điều, xưa nay vợ chồng cô không ăn sáng ở nhà, thường là trên đường đi làm sẽ mua ổ bánh mỳ hoặc hộp sữa chua, sữa đậu nành là được rồi. Cho nên, sáng sớm mỗi ngày, khi Tiểu Tuyết và Văn Long vội vã bước ra khỏi nhà, thì bà mẹ lại bưng các thức bánh trái hoặc cháo ra, rồi nói: "Đừng vội đi, ăn sáng đã rồi hãy đi!"
Văn Long nhìn đồng hồ, vừa đi giày vừa đáp: "Mẹ ơi, đã áp sát giờ rồi."
Bà chẳng nói gì thêm. Chẳng rõ chuẩn bị từ lúc nào, bà rất nhanh gọn chìa ngay ra hai cái túi bên trong đã có vài cái bánh bao, hoặc màn thầu hay bánh rán gì đó, và ấn vào tay hai người. "Hết giờ thì cầm đi mà ăn dọc đường, bữa sang là quan trọng nhất, không ăn sao được? Đói meo thì còn ra sao nữa?"
Tiểu Tuyết đón lấy cái túi đựng đồ ăn sáng còn nóng hổi, hơi ấm của các đồ ăn được chế biến tuyệt khéo truyền sang tay cô. Tiểu Tuyết thật sự rất cảm động, ngẫm nghĩ: Mình có được bà ở bên chăm sóc, thật là quá hay.
Đây là một điều tốt đẹp mà cô cảm nhận được từ sau khi bà đến đây.
Tuy nhiên, sáng sáng đều ăn chất bột mỳ cũng không sao, hoặc một đôi ngày ăn chất bột mỳ cũng được, điều đáng sợ nhất là các bữa trong ngày đều ăn kiểu này, ăn hết ngày này sang ngày khác.
Nửa tháng nay Tiểu Tuyết chiều chiều về nhà ăn bữa tối, các món chờ đón cô đều là chất bột mỳ, mỳ sợi, bánh gói, bánh rán, bánh bao đậu đỏ, màn thầu, kèm với một món cháo, thêm vài thứ rau quả nữa. Đó là bữa tối của cả nhà.
Tiểu Tuyết thèm ăn cơm tẻ quá chừng, nhưng mẹ chồng không thổi. Đã nửa tháng trời cả nhà không ăn cơm. Tiểu Tuyết sinh ra và lớn lên ở miền nam, toàn ăn cơm tẻ, cô ăn bữa trưa khi đi làm, gần nơi làm việc chỉ có một hiệu mỳ, nên cô toàn ăn mỳ. Khi trước, vì mỗi ngày chỉ ăn một bữa mỳ nên cũng không sao, nay đã ăn mỳ bên ngoài, về nhà lại ăn mỳ, suốt nửa tháng đều như thế nên cô không chịu nổi nữa.
Nhưng cô chẳng thể nói điều này với mẹ chồng, đành chờ buổi tối sắp đi ngủ mới nói riêng với chồng: "Anh Văn Long, em muốn ăn cơm... anh có thể nhắc mẹ đi mua ít gạo về để thỉnh thoảng nấu cơm ăn được không?" Nghe cô nói vậy, Văn Long mỉm cười: "Được! ngốc ạ, em có thể cứ nói với mẹ, chắc mẹ sẽ đồng ý thôi!"
Tiểu Tuyết nói: "Nhưng bà là mẹ anh, chứ đâu phải mẹ em. Em không dám nói."
Hôm sau, khi bà mẹ đưa cho hai người hai túi đồ ăn sáng, Văn Long bèn nói: "Mẹ ơi, con muốn ăn cơm, hôm nay mẹ tranh thủ đi mua ít gạo về nhé!"
Khuôn mặt đang tươi tỉnh của bà mẹ bỗng sa sầm, bà chỉ im lặng.
Tiểu Tuyết thấp thỏm cúi đầu, tuy mẹ chồng chẳng nói gì nhưng cô cảm nhận rằng chắc chắn bà biết đó là ý của cô. Văn Long ăn mỳ ngon miệng nhẹ nhõm cứ như không, bỗng dưng lại nói muốn ăn cơm thì rõ là ý của cô vợ rồi.
Nhìn vẻ mặt bà bỗng trở nên nặng nề, Tiểu Tuyết thật sự rất ân hận. Cô không ngớt thầm trách mình, mình làm thế này rành rành là thêm chuyện rồi. Gay rồi, bây giờ bà ấy không vui, khơi ra cái chuyện này rõ thật là...
Nghĩ đến đây, cô gắng gượng mỉm cười, nói với bà: "Mẹ khỏi cần đi mua gạo nữa mẹ ạ, ăn mỳ vẫn rất ngon mà!" Nghĩ rằng bà đã biết chính Tiểu Tuyết muốn ăn cơm, cô đánh bạo thừa nhận vậy.
Hai vợ chồng đi làm cho đến tối trở về nhà, bà mẹ đưa mắt nhìn Tiểu Tuyết rồi nói rành rọt: "Tối nay nhà ta ăn cơm."
Tiểu Tuyết rất cảm động mỉm cười, rồi thưa: "Con cảm ơn mẹ."
Ngồi vào bàn, Tiểu Tuyết ăn một lèo ba bát cơm, cô nói năng rất ngọt ngào, không ngớt tán dương bà nấu ăn rất khéo, và luôn miệng gọi "Mẹ, mẹ ơi..." rất thân thiết. Bà mẹ cũng cười rất tươi.
Vậy là đã êm chuyện. Tiểu Tuyết nghĩ rằng từ nay sẽ không vấn đề gì, muốn ăn cơm tẻ thì sẽ được ăn. Nhưng cô nhận ra rằng chẳng phải như thế. Hôm sau đi làm trở về, cô thấy bữa ăn lại là bánh gói, thì cho rằng hôm qua vừa ăn cơm, hôm nay đổi món thì cũng là chuyện bình thường, nên cô không nói gì. hôm sau nữa đi làm trở về, thấy trên bàn ăn toàn là bánh rán chứ không có cơm tẻ, Tiểu Tuyết vẫn im lặng. Rồi ngày thứ tư, ngày thứ năm thứ sáu lại vẫn là các món ăn khác kiểu làm từ bột mỳ.
Tiểu Tuyết lại bắt đầu thấy rất nhớ cơm tẻ, đến khuya hai vợ chồng nằm sóng đôi, cô nói với Văn Long: "Anh ạ, em không quen ăn bột mỳ, em muốn ăn cơm..."
Văn Long nói: "Ôi, đúng là đồ ngốc, nhà này cũng là của em, em muốn ăn thì cứ bảo mẹ nấu là được mà!"
Tiểu Tuyết chỉ thấy chua xót. Nhà này vẫn thuộc về mình hay sao? Cô cố gượng cười: "Em không dám nói với mẹ."
Văn Long ôm cô vào lòng, mỉm cười nói: "Thế thì, chiều tối về, em cứ vo gạo thổi cơm là ổn!"
Tiểu Tuyết đáp: "Làm thế thì còn ra sao nữa? Đã đi làm cả ngày, bữa ăn đã chuẩn bị xong cả, mà em lại đi nấu thêm nồi cơm, liệu có nghe được không?"
"Có gì mà không nghe được?" Văn Long đáp.
Tiểu Tuyết không nói nữa. Cô nghĩ bụng, rõ ràng là nhà mình, sao chỉ một bữa ăn mà mình phải hỏi thế này phải xin thế nọ dăm lần bảy lượt?
Văn Long dường như cũng cảm thấy vợ không vui, bèn nói: "Được, để mai anh sẽ nói với mẹ."
Hôm sau, ngồi trước bàn ăn, bà mẹ tuyên bố với hai vợ chồng: "Hôm nay ăn cơm." Nhưng sau bữa đó lại vẫn là các món bột mỳ.
Cứ mỗi khi Tiểu Tuyết không chịu nổi nữa, rất thèm cơm tẻ, cô đều phải nói với Văn Long, rồi Văn Long "truyền đạt" lại với bà mẹ, thì bà mới nấu bữa cơm. trước khi ăn, bà đều cố ý nhắc nhở: "hôm nay nhà ta ăn cơm tẻ."
Tiểu Tuyết thật sự cảm thấy mình đã là người ngoài của cái nhà này.
Rất lâu, rất lâu sau đó, khi Văn Long nhìn thấy cái bao gạo sắp hết đến nơi, anh mới thận trọng ướm hỏi vợ: "Nhà ta sắp hết gạo tẻ, liệu có mua nữa không?"
Tiểu Tuyết đã có ý định chấm dứt cái chuyện ăn cơm tẻ này rồi, nên cô chỉ im lặng không đáp.
Bà mẹ bước đến bên Tiểu Tuyết, và nói: "Tiểu Tuyết con vẫn thích ăn cơm kia mà, có nên mua gạo nữa hay là thôi?"
Tiểu Tuyết cố gượng cười: "Không mua nữa mẹ ạ, ăn mỳ cũng rất ngon miệng, con ăn đã quen, nên ăn gì cũng thế cả."
Bà mẹ lặng thinh.
Và thế là từ đó Tiểu Tuyết ở nhà không còn được ăn cơm tẻ nữa. Cô cũng biết, chỉ cần nói với Văn Long, thì anh sẽ lại nhắc bà mẹ đi mua gạo về; nhưng cô nghĩ làm thế thật là vô vị. Chẳng qua chỉ là vài lưng bát cơm tẻ, mà mình phải đi cầu đi xin thì khác nào kẻ ăn mày? Đây là nhà của cô, cô không muốn có cái cảm giác đó.
Cho nên, cô chấp nhận cứ ăn các món mỳ đáng ngán, hoặc chịu đói bụng cũng xong.
Để giải quyết cái chuyện thích ăn cơm tẻ, đến bữa trưa, Tiểu Tuyết cũng xếp hàng mua cơm ở nhà ăn như cánh sinh viên. Thấy Tiểu Tuyết ăn cơm nhà ăn, một đồng nghiệp trêu cô: "Sao không ăn mỳ nữa à?"
Tiểu Tuyết mỉm cười: "Không ăn nữa. Ăn cơm, tôi thích ăn cơm."
Bạn đồng nghiệp cười vang: "Cơm thì ngon cái nỗi gì? Ăn ở nhà chưa đủ no à? Cơm nhà ăn khô khan ít dầu mỡ, lại phải gian khổ chen chúc với đám học sinh."
Tiểu Tuyết chỉ cười cười, cô rất ấm ức.
Có vô số những sự việc tương tự. Không chỉ là không được ăn cơm tẻ ở nhà, Tiểu Tuyết còn chịu nhiều ấm ức khác nữa. Bà mẹ chồng vốn có cách nhìn nhận cách nghĩ riêng của mình về cuộc sống, sau khi đến Thâm Quyến, bà nghiễm nhiên nắm quyền điều hành và ngày ngày "chăm lo" cho cái gia đình nhỏ này. Ví dụ, Tiểu Tuyết vì muốn lấy lòng mẹ chồng, trên đường đi làm về cô mua con cua bể hoặc ít tôm đồng xách về, vì nếu mua ở hiệu ăn thì sẽ rất đắt, nào ngờ mẹ chồng lại chặt con cua thành những miếng to, cho thêm ít bột hồi hương tiêu ớt, thả vào nồi nấu canh bưng ra; còn tôm đồng thì... bà không muốn làm vài món trong một bữa, bèn cất vào tủ lạnh cho đến khi "có mùi" mới lấy ra, cho thêm vài nhánh hành, một ít đậu xí đem từ quê ra, rưới vài thìa mỡ lợn, xào lên. Những món kiểu này Tiểu Tuyết không hề đụng đũa. Một ví dụ khác, bà nhất quyết "tổng càn quét" căn nhà nhỏ này. Hàng ngày, khi Tiểu Tuyết và Văn Long đã đi làm, bà vào phòng ngủ của họ vào một giờ nhất định để làm vệ sinh, giặt giũ đám quần áo đã mặc, kể cả các đồ lót bà cũng chẳng nề hà; nhưng vấn đề là bà dùng nước rất hà tiện, chỉ nhào bột giặt, vò vài nhát, rồi giũ một lần nước là xong. Lại cũng dè xẻn cả bột giặt nữa, cho nên bà giặt đâu có sạch? áo quần giặt rồi vẫn lấm tấm các vết hạt bột giặt. Văn Long và Tiểu Tuyết trong một năm rất ít mua quần áo, nhưng hễ mua thì phải là hàng tốt, chiếc áo khoác phải hàng ngàn tệ, chiếc áo lót cũng vài trăm tệ, mà bà lại giặt giũ kiểu này thì khác nào xử tử đám quần áo của họ! Những chuyện như thế này, Tiểu Tuyết đều im lặng không nói gì.
Nhưng đến một hôm, cô đã nhẫn nhịn hết mức rồi, thì sự việc bùng phát.
Hôm đó đi làm về, đẩy cửa bước vào, thấy phòng khách im ắng không một bóng người. Cô xách các thứ vào, thở phào, và gọi "Anh Văn Long, anh ơi... Mẹ ơi?" và đi tìm hai người.
Thấy trong bếp có tiếng nói nói cười cười, cô bước lại. Đứng cửa nhìn vào, cô như ngây đờ ra.
Cái bàn nhỏ bằng kính mọi ngày cô vẫn ngồi đọc sách viết lách đã bị lôi vào gian bếp, trên mặt bàn là đám bột mỳ; bà mẹ chồng đang ngồi bên mải miết nhào bột.
Tiểu Tuyết rất xót ruột, cái bàn lấm lem bột mỳ và nước dính nhớp bết, gần như hết cách để khôi phục như cũ. Mọi ngày cô chỉ đặt trên bàn vài cuốn sách hoặc chiếc máy tính xách tay, giờ đây lại là đám bột mỳ đang nhào nặn thế kia, Tiểu Tuyết không dám nhìn thêm nữa.
Bà mẹ nhìn thấy Tiểu Tuyết. Bà nhớ rằng con trai mình đã dặn hãy chung sống thuận hòa với con dâu, bấy lâu nay sống cùng con trai, hai mẹ con trò chuyện đã nhiều, nỗi buồn thương trong lòng cũng đã vợi đi quá nửa, bà cũng muốn cư xử tốt hơn với con dâu, bèn chủ động nói: "Con đã về rồi à?" Và bà còn định mỉm cười với cô nhưng chợt nhớ đến người bạn đời nên bà không cười được. Tiểu Tuyết cố gượng cười, cô biết nét cười của mình còn khó coi hơn là khóc mếu.
Thấy bà nói chuyện với mình, cô đành nén chặt nỗi bực dọc, rồi đáp: "Con đã về, mẹ ạ. Con đã mua nhiều thức ăn. Anh Văn Long nhìn xem, anh sẽ chế biến mấy món..."
"Được!" Văn Long cười cười. Bà mẹ nghe mấy câu này, thấy chẳng khác gì bị kim đâm vào ruột. Bà nói luôn: "Đàn ông sinh ra để nấu nướng hay sao? Hôm nay ăn bánh gói. Khỏi phải nấu món gì nữa."
Tiểu Tuyết sững sờ. Hôm nay sau khi tan tầm cô đã vào siêu thị lựa chọn mãi, tiêu tốn kha khá, xách về đến nhà vã cả mồ hôi, sao chẳng được nghe nửa câu cảm ơn thế này?
Văn Long nhận ra Tiểu Tuyết không vui, bèn mỉm cười đứng lên nói: "Mẹ ạ, cứ nấu thêm vài món cũng được, con đang rất đói; con ăn bánh gói và cũng làm thêm vài món nữa. Con cũng đã thạo nấu ăn, lát nữa mẹ sẽ thưởng thức tài nghệ của con..."
Rồi anh bước đến trước Tiểu Tuyết, khẽ nắn nắn vai cô, nói: "Anh cảm ơn em. Em thật tốt quá."
Tiểu Tuyết cảm thấy ấm lòng, cô mỉm cười, nói nhỏ: "Anh hiểu em là được rồi. nào, anh ra nhìn đi. Mẹ không thiết nhìn thì anh nhìn xem, rồi ta nấu. Mẹ không ăn thì anh và em ăn vậy."
Cả hai bước ra ngoài, Tiểu Tuyết nhấc ra các món vừa mua về, lần lượt đặt vào tủ lạnh. Loáng một cái các ngăn tủ đầy nghẹt. Cô cầm mấy thứ bánh bột mỳ, nói với Văn Long: "Anh ạ, mẹ là người miền bắc mới về sống ở miền nam, em lo mẹ ăn không quen nên em đã mua khá nhiều màn thầu và bánh gói đây." Nói rồi cô tiếp tục xếp đám bánh này vào tủ lạnh.
Văn Long thấy cô mua về rất nhiều bánh loại này, hiểu rằng cô thật lòng rất tốt với bà mẹ, anh rất cảm động cầm tay cô: "Tiểu Tuyết em thật tốt quá." Anh mỉm cười, nắm tay cô thật chặt.
Tiểu Tuyết nhoẻn cười: "Kìa nói gì thế? Anh cũng rất tốt với em mà!"
Văn Long cười cười, nói: "Mẹ anh cũng nói em rất hiểu biết."
Tiểu Tuyết cười buồn bã, khẽ nói: "Thế ư? Mẹ không hận em, đã là quá may rồi. Mẹ nghĩ tốt về em, có chăng là chờ kiếp sau."
Hai người đang nói chuyện thì bà mẹ từ gian bếp bước ra, thắt lưng vẫn đeo tạp dề, bà nói với họ: "Văn Long đừng làm nữa. Con muốn ăn gì thì mẹ làm cho. Mẹ đã nặn xong bánh gói, lát nữa sẽ luộc."
Văn Long cười, nói: "Mẹ cứ để con làm, con biết nấu món ăn mà!"
Nhưng bà mẹ lại phớt lờ anh, bà bước đến tủ lạnh mở cửa tủ ra xem. Nhìn thấy đám bánh gói đông lạnh Tiểu Tuyết mua về, bà nói ngay: "Mua làm gì chứ? Lãng phí quá!"
Bà cầm một túi bánh lên xem, vẫn còn dán tem ghi giá bán. Tiểu Tuyết không bóc tem vì nghĩ rằng mua về nhà dung thì cần gì phải bóc, chỉ là mấy đồng bạc... Và cô cũng không ngờ mẹ chồng lại nhìn tem nhãn.
Bà thấy chỉ hai chục cái bánh gói, giá bán hơn chín tệ, thì bà lập tức "bốc hỏa" la làng: "Sao lại không biết cách sống gì cả? Chín đồng bạc tôi có thể mua một cân thịt lợn, thêm tý rau cải tý bột mỳ, tôi sẽ nặn được trên trăm cái bánh! Đúng là đốt tiền!"
"Bộp", bà ném cái túi bánh gói vào tủ lạnh, rồi tiếp tục lần giở các món khác ra xem. Nhìn thấy đám màn thầu xinh xinh bảo quản đông lạnh, bà lại đùng đùng "khai hỏa": "Mua chúng về làm gì? Thật là lãng phí. Quá đắt! Chỉ cần mua một túi bột mỳ hơn chục đồng, thích ăn bao nhiêu tôi làm bấy nhiêu, bánh còn to hơn, lại ngon hơn, an toàn hơn! Bắt được tiền hay sao mà tiêu bừa thế này?"
Tiểu Tuyết chỉ cảm thấy có một người đứng đối diện đã cho cô hai cái tát má phải má trái. Cô mím chặt môi, tự nhủ "Mình chấp nhận, chấp nhận".
Nhận ra vẻ mặt Tiểu Tuyết mỗi lúc thêm nặng nề, Văn Long thấy mình phải đứng ra dàn xếp cho yên, bèn nói với bà mẹ: "Mẹ ơi, Tiểu Tuyết có lòng hiếu thảo, Tiểu Tuyết mua bằng tiền riêng của mình..."
Bà mẹ càng thêm điên tiết, bà nói với anh: "Đã lấy nhau rồi, thì tiền bạc là của chung. Còn phân biệt tiền của anh của tôi gì nữa? Tiền của nó không phải của con hay sao? Dù sẵn tiền thì cũng không thể tiêu như thế. Xem đi, hai đứa sống kiểu gì thế này? Chi tiêu bừa bãi, mấy trăm bạc cũng chỉ loáng một cái là hết! Mao Long con có biết không: Năm xưa cha con muốn gửi cho con một trăm đồng sinh hoạt phí, ông ấy phải hai ngày trời đi gánh đất thuê cho người ta đắp đường! Và nếu không vì kiếm vài trăm bạc để gửi tiền sinh hoạt phí cho em trai con, ông ấy tuổi tác như thế, đã không phải ra công trường lao động, thì sẽ không bị... chỉ vì mấy trăm bạc!" Nghĩ đến nỗi đau ấy, đôi mắt bà lại rưng rưng, bà đứng đó lau nước mắt.
Tiểu Tuyết không sao chịu nổi nữa. Lòng tốt của mình rốt cuộc đổi lấy... nào là cái bàn kính, nào là đồng lương của cô... vì bà mẹ chồng về đây ở nên cô mới mua những món mà mọi ngày cô cũng không ăn. Còn bà ấy, là ý gì vậy? Hơi một tý là nêu ra cái chết của ông chồng, hình như bà ấy cho rằng hai vợ chồng cô chẳng thà tiêu hoang chứ không muốn gửi tiền sinh hoạt phí cho chú em Văn Long, vì thế mà ông chồng tuổi tác mới phải đi công trường làm thuê rồi bị ngã bỏ mạng!
Tiểu Tuyết cảm thấy mình hết sức khó xử. Cứ thế này thì sống sao nổi?
Cô nhìn bà mẹ chồng, rồi nói: "Mẹ ạ, hôm nay con mua các thứ này vì con thấy mọi ngày mẹ tự làm màn thầu và bánh gói rất mệt mỏi, con muốn mẹ được ngơi tay... mong mẹ đừng hiểu lầm. Vợ chồng con mọi ngày tiêu pha cũng rất tiết kiệm." Nói xong cô thấy mình không sao gượng nổi nữa, cô rảo bước về phòng mình, "xoạch" một tiếng chốt chặt cửa, rồi ngồi xuống khóc thầm.
Mình có làm gì sai? Dù mình cố gắng đến đâu, cũng không thể làm vừa lòng bà mẹ chồng, tại sao lại thế? Tại sao cô phải chịu ấm ức oan uổng thế này? Cô có học vấn, có nhan sắc, có năng lực, lại là người thành phố, thiếu gì chàng trai thành phố có tiền có thế, cô không lấy, lại lấy Văn Long, cô đã rất chịu thương chịu khó vì cái gia đình nhỏ này rồi, sao cô vẫn phải chịu uất ức thế này?
Bà ấy chuyên soi mói bắt bẻ đủ đường, thật khó chiều! Tiểu Tuyết càng nghĩ càng thấy chua xót, nước mắt rơi lã chã.
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, cô biết chắc là Văn Long đang gõ cửa. Đó là người chồng mà cô rất yêu, cô nhớ đến vẻ mặt tươi vui của anh sau khi bà mẹ về đây ở, cô lau nước mắt đứng dậy bước ra mở cửa.
Đúng là Văn Long đang đứng đó, Tiểu Tuyết mở rộng cánh cửa rồi quay người trở vào ngồi xuống mép giường.
Văn Long bước vào phòng, anh định chốt chặt cửa nhưng lại nghĩ bà mẹ đang ở trong bếp, nếu nhìn thấy anh đóng cửa bà sẽ cho rằng hai vợ chồng đang nói gì đó sau lưng bà, bà sẽ càng buồn bực, nên anh tặc lưỡi cứ để cửa hơi hé ra.
Anh bước đến chỗ Tiểu Tuyết, thở dài, rồi ngồi xuống bên cô.
Cả hai đều im lặng ngồi đó, cùng cảm thấy các vấn đề cứ tiếp nối nảy sinh. Tiểu Tuyết vốn nghĩ bà mẹ chồng về đây thì "chiến tranh lạnh" giữa hai vợ chồng sẽ kết thúc, hai người sẽ trở lại như trước, nay cô mới nhận ra rằng tâm trạng của Văn Long đã khá lên nhưng bà mẹ chồng thì lại coi cô như kẻ thù, dù cô làm gì thì cô vẫn cứ là sai.
"Mọi chuyện hôm nay, anh đã nhìn thấy cả rồi chứ?" Cô nói rất ấm ức, nước mắt lại trào ra.
Văn Long gật đầu, nhìn Tiểu Tuyết. Đôi mắt cô đỏ hoe, khóe mắt đẫm lệ. Anh ôm lấy cô, nói: "Tiểu Tuyết, anh đều biết cả... Mẹ anh ăn dè hà tiện đã quen, bà không thể hiểu nổi tại sao hơn chục cái bánh gói bán chín đồng vẫn là hợp lý. Bà đã sống gian khổ suốt bao năm, nên rất tiết kiệm. Cho nên chắc chắn em và bà khó mà thông cảm với nhau. nhưng mẹ vừa mới đến đây, Tiểu Tuyết em hãy nể anh, em cho bà ít thời gian để quen dần, được không? Mẹ anh vốn không xấu tính, bà rất thương anh và cũng rất thương em, hãy cho bà ít thời gian. Anh cũng sẽ khuyên nhủ mẹ, được chứ em?"
Tiểu Tuyết trào nước mắt, khẽ nói: "Cái bàn kính của em... cái bàn kính em mua hơn nghìn tệ, mọi ngày em chẳng nỡ để ướt nước trà... thế mà mẹ dùng nó để cán bột làm bánh gói..."
Văn Long chỉ biết thở dài và nói với cô: "Chuyện đó cũng là tại anh. hôm nay lúc anh quay người đi nghe điện thoại thì mẹ đã nhấc cái bàn kính vào bếp để nhào bột. anh biết em rất không vui. Thế này vậy: Anh hứa, sẽ cọ rửa nó tinh tươm. Nếu không thể rửa sạch, thì vài hôm nữa anh sẽ đến cửa hàng nội thất mua chiếc bàn khác y hệt như thế. Được chưa?"
Anh ôm lấy cô và nhẹ nhàng vỗ về an ủi. Tiểu Tuyết cũng thấy dễ chịu một chút. Văn Long lắc lắc đôi vai cô, xoay người cô quay lại, anh hơi cúi đầu hôn những vệt nước mắt trên mặt cô. Tiểu Tuyết đỏ mặt mỉm cười, nói: "Cửa chưa đóng kia kìa, anh thật là...nếu mẹ nhìn thấy thì không hay đâu." Cô đưa tay xoa xoa những vệt nước mắt.
Văn Long bật cười, xoay mặt cô lại tiếp tục hôn lên má... Rồi cả hai đứng dậy, lại ôm ghì, Tiểu Tuyết cố tránh né vùng ra, nói: "Đừng... kẻo mẹ nhìn thấy thì sao?"
Văn Long mỉm cười: "Không đâu. Mẹ đang trong bếp nấu cơm. Và, nhìn thấy thì nhìn thấy. Mẹ đang mong chúng mình sớm có con kia mà! Lấy nhau đã bốn năm,chúng mình cũng nên sinh con đi thôi."
Văn Long ôm cô thật chặt, cả hai bước dần đến cửa, anh tặc lưỡi cài luôn cửa lại rồi ấn tiểu tuyết lên giường. Tiểu Tuyết mặt đỏ bừng, mỉm cười: "Đang ban ngày ban mặt, sao lại... sắp ăn cơm đến nơi rồi..."
Văn Long cười nói: "Mặc kệ!" Anh nhào lên cô, hai người quấn lấy nhau. Tiểu Tuyết cũng hào hứng đón nhận. Kể từ sau khi bố chồng mất, đây là lần đầu tiên hai vợ chồng làm tình. Văn Long đã trở lại tâm trạng như trước, họ cùng lạc vào nhau, bồng bềnh... những tiếng dao thớt lách cách bà mẹ đang nấu nướng trong bếp vọng sang. Hai người hưng phấn cực độ.
Chắc cả hai đều lo bà mẹ sắp gọi ra để ăn cơm, nên họ cùng nhanh chóng kết thúc. "Chất lượng" vẫn cứ là khả quan, Tiểu Tuyết rất thỏa mãn. Hai người mặc quần áo vào, Văn Long ôm Tiểu Tuyết, ngồi ở đầu giường. Anh nói: "Em ạ, thời gian vừa qua tâm trạng anh bất ổn, lúng túng gỡ mãi không ra nên em đã bị khổ lây. Mẹ đến đây, anh đã thấy nhẹ nhõm hơn. Bố anh thì đã mất, anh cần cư xử với mẹ cho thật tốt, và anh cũng sẽ không băn khoăn nhiều nữa. Anh mong em hãy vì anh, chung sống với mẹ cho hòa hợp. Tuổi anh đã gần ba chục, về sự nghiệp đã tạm được, ước mong duy nhất của anh là mẹ anh và em có thể vui vẻ chung sống, và cùng được sống sung túc, yên lành. Em có thể chiều ý anh được chứ?"
Văn Long cười, rồi hôn Tiểu Tuyết. Cô cũng nhoẻn cười. Anh đã nói ra những điều rất chân thật, cô đâu có thể không bằng lòng?
Văn Long ôm cô vào lòng, hôn cô. Vào lúc này Tiểu Tuyết nghĩ mình có thể gạt bỏ mọi nỗi ấm ức và những điều bất mãn trước đây. Cô tin chắc sẽ có ngày cô và bà sẽ giải tỏa được mọi khúc mắc, mẹ chồng nàng dâu sẽ thật sự thân thiết.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top