1. Tang sự

Kim gia Tông chủ qua đời, những người đến tiễn đưa lại chẳng có mấy ai. Không phải bọn họ không muốn đến, mà trong chúc thư hắn để lại có ghi một dòng: “Tang sự của ta không được làm lớn, sau khi phát tang không tổ chức quá ba ngày ba đêm, chỉ những người máu mủ ruột thịt mới được tham dự.” Không chỉ thế hắn còn tiếp tục viết: “Sau khi lễ thành phục kết thúc, thi thể của ta không được lưu lại Kim gia, phải đem đốt thành tro bụi rồi rải xuống hồ Tịnh Lạc ở Vân Mộng.”

Hôm nay đã là ngày thứ ba.

Con trai của hắn là Kim Vận Khanh, cũng chính là Tông chủ Kim gia đời kế tiếp nay đã 35 tuổi, hiện đang đóng nắp quan tài để đưa hắn đi hoả táng. Những người khác vẫn quỳ xung quanh, tiếng nức nở vẫn không một khắc ngưng lại. Bỗng có một môn sinh từ ngoài bước vào, kính cẩn hành lễ rồi khẽ cất lời, tựa như sợ sẽ khiến Kim Tông chủ đang nằm kia tỉnh giấc…

“Tông chủ, ở ngoài có một lão nhân gia nói muốn vào thắp cho cố Tông chủ một nén nhang.”

Kim Vận Khanh liền hỏi:

“Là ai?”

Môn sinh lắc đầu:

“Ông ấy chỉ nói mình họ Lam, khi xưa có quen biết cố Tông chủ. Nhưng nhìn y phục thì hình như không phải người của Cô Tô Lam thị."

Suy nghĩ một lát, cuối cùng y khoát tay áo, tiếp tục quay lưng vào hoàn thành việc đang dang dở:

“Di nguyện của cha đã như vậy, ta cũng không muốn làm khác. Thôi thì ngươi ra mời ông ấy vào nghỉ lại mấy hôm. Sau khi đưa cha đến Vân Mộng trở về ta sẽ ra tiếp đón.”

Môn sinh kia liền vâng lệnh lui ra. Khi trở vào, cậu ngập ngừng nhìn hắn, đoạn dâng lên một chiếc chuông bạc khắc hình hoa sen chín cánh rồi lại cất lời:

“Ông lão đó nói không vào cũng không sao. Dù gì bản thân cũng chỉ muốn trả lại vật này cho cố Tông chủ.”

Chỉ cần nhìn qua một cái, Kim Vận Khanh liền nhận ra đó là tín vật của Vân Mộng Giang thị. Mỗi người ở Liên Hoa Ổ đều mang trong mình chiếc chuông bạc đó, tuỳ theo cấp bậc trong gia tộc mà hoa văn khắc hình khác nhau. Mà gia huy chín cánh khắc lớn thế này, lại còn có một miếng ngọc màu tím khắc thành hình hoa sen đính kèm thì chỉ có thể là của con cháu dòng chính. Nhưng từ khi sinh ra, y chưa từng thấy chiếc chuông bạc nào trên người cha, mà cha cũng chưa từng nói cho y nghe lí do tại sao bản thân lại không có cái chuông đó. Dù gì ông ấy cũng mang trong mình dòng máu của Vân Mộng Giang thị, lại yêu quý hoa sen Vân Mộng hơn kim tinh tuyết lãng của Lan Lăng, cữu cữu của ông lại là Tam Độc Thánh Thủ; sao có thể không đem trong mình tín vật nhà họ Giang? Đến nay y mới hiểu, thì ra không phải không có, mà là có nhưng lại ở trong tay người ngoài.

Cầm trên tay chiếc chuông bạc, Kim Vận Khanh bất chợt nhớ đến lời trăng trối của cha hơn hai tháng trước khi ông rơi vào hôn mê:

“Nếu có người nào đem vật gì đến nói muốn trả lại ta, tên là Lam Nguyện thì con nhớ đem chiếc hòm gỗ trong thư phòng ta đưa cho người ấy. Nếu ba ngày sau khi phát tang không có ai đến, hãy đem nó đi hoả táng cùng ta. Nhưng nhất định, không được để y nhìn thấy mặt ta lần cuối.”

Khi đó y đã thắc mắc không biết tại sao ông lại nói ra di nguyện kì lạ như vậy, liền hỏi lại. Ai ngờ cha chỉ cười, trong đôi mắt già nua chẳng rõ vì sao lại thấp thoáng buồn thương:

“Cũng chỉ là cái xác chết già nua xấu xí, có gì đáng xem đâu?”

Suốt ba ngày nay, vì đau buồn trước sự ra đi của cha mà Kim Vận Khanh suýt chút nữa đã quên lời trăng trối ấy. Nhưng may thay hiện tại đã có vật này nhắc y nhớ lại. Nhanh chóng bảo môn sinh ra ngoài đuổi theo người đó, còn bản thân y thì gấp gáp chạy đến thư phòng của cha, Kim Vận Khanh không lâu sau liền cùng một người khác khiêng ra một hòm gỗ Cẩm Lai rất lớn. Chiếc hòm ấy không khắc bất cứ hoa văn gì, cũng không có gì bắt mắt. Thứ duy nhất nổi trội có lẽ chính là cái ổ khoá bằng đồng màu vàng kim.

Băng qua hành lang trải đầy những đóa kim tinh tuyết lãng cao quý sắp lụi tàn, tiến vào khách phòng chỉ còn lại hai màu trắng đen tang tóc, Kim Vận Khanh lập tức nhìn thấy một lão nhân gia tóc bạc phơ đang ngồi đó, y phục ông ta mặc hoàn toàn không có gì đặc biệt, có vẻ không phải là người trong giới chân tu. Tuy tuổi đã cao nhưng lưng ông không hề còng, ngay cả gương mặt cũng không bị chảy xuống, chỉ là đã có quá nhiều nếp nhăn… Nhìn thấy ông, y có cảm giác đây chính là những bậc tiên nhân đắc đạo mà cha hay nhắc tới.

Sau khi hai bên chu toàn lễ nghi, Kim Vận Khanh cũng không dông dài mà giao luôn hòm gỗ ra, đoạn nói:

“Lam tiên sinh, hiện đã đến giờ lành để hoả táng cố phụ, thứ cho vãn bối không thể tiếp đãi ngài. Ngài đường xá xa xôi tới đây, mời ngài nghỉ lại Kim Lân Đài mấy hôm. Đến khi lo xong tang sự, đích thân ta sẽ mời những bằng hữu của ông ấy đến để thắp hương.”

Lão nhân gia thấy y liền lặng người không đáp, chỉ mở lớn mắt nhìn. Kim Vận Khanh cứ nghĩ ông đã già cả, nghe không rõ nên lặp lại thêm lần nữa. Cuối cùng ông cũng như bừng tỉnh mà đáp lại:

“Ta có thể vào nhìn y lần cuối không?”

Kim Vận Khanh liền lắc đầu:

“Vì di nguyện của cha, xin thứ lỗi.”

Ông lão ấy cũng không làm khó y nữa, chỉ đành thở dài. Đúng lúc toan đứng dậy rời đi thì Kim Vận Khanh mới lại giữ ông lại, vội nói:

“Lam tiên sinh, cố phụ trước khi ra đi muốn ta đưa cho người vật này.”

Vừa dứt lời, hai môn sinh đi cùng y đã khiêng chiếc hòm ấy đến trước mặt ông. Đúng lúc này tiếng chuông từ xa cũng vọng lại khiến Kim Vận Khanh giật mình. Biết giờ lành đã điểm, y đành cáo lui trước, dĩ nhiên không quên phân phó người khác dẫn lão nhân gia đó đến khách phòng.

Vốn dĩ ông cũng không muốn ở lại, nhưng vì không có sự đồng ý của Kim Tông chủ nên các môn sinh không thể để ông về. Ông ta đành theo bọn họ đến gian nhà cho khách.

Đến khi mọi thứ đã được sắp xếp ổn thoả, ông lão mới mở ra chiếc hòm.

Dưới ánh nến chập chờn, ông nhìn thấy trong hòm gỗ là rất nhiều phong thư được xếp ngay ngắn. Những phong thư ấy tuy dày mỏng khác nhau nhưng cái nào cũng cùng một kích thước, đều tăm tắp; chứng tỏ cố Tông chủ rất dụng tâm với những thứ này. Ngoài ra còn có một chiếc hộp gỗ khác đậm màu hơn chỉ nhỏ bằng bàn tay. Ông cầm nó lên trước.

Khi mở ra, ông lão liền cảm thấy mắt mình như nhoè đi.

Bên trong đó chỉ có đúng một dải lụa trắng tinh như sương như tuyết. Dường như cố Tông chủ Kim gia đã bảo quản thứ này rất kĩ, đến một hạt bụi cũng không thấy đâu… Thứ này chính là mạt ngạch của Cô Tô Lam thị. Hay nói đúng hơn, mạt ngạch này chính là của ông.

Nhớ lại năm đó bản thân đã giải thích cho Di Lăng Lão Tổ nghe về ý nghĩa của vật này, ông liền cảm thấy trong lòng có chút nao nao. Đã mấy chục năm sống trong Lam gia, lại từng ngồi lên chức Tông chủ, ý nghĩa của cái mạt ngạch này sao có thể không nhớ rõ?

“Mà tổ tiên Lam An lúc lập nên Cô Tô Lam thị có lời, chỉ khi ở trước mặt người định mệnh, người mà mình một lòng hướng về, mới không cần bất cứ quy tắc trói buộc nào cả. Vậy nên dây buộc trán của Lam gia từ các đời nay, trừ mình ra, ai cũng không được tuỳ tiện chạm vào, không được tuỳ tiện gỡ xuống, càng không thể buộc lên trên người, đây là cấm kị. Chỉ có…”

Chỉ có người mình tâm duyệt mới được chạm vào.

Vật mà Lam Tông chủ không được tuỳ tiện gỡ xuống, thế mà lại ở trong tay Kim Tông chủ suốt mấy chục năm. Nếu người đời biết được thì ắt hẳn sẽ có nhiều chuyện để nói lúc trà dư tửu hậu.

Mân mê chiếc mạt ngạch của chính mình một hồi lâu, cuối cùng ông cũng đặt nó về chỗ cũ rồi cầm lên một phong thư được xếp sát phía ngoài. Bên ngoài phong thư có đánh một chữ “nhất”, ông liền hiểu đó chính là số thứ tự.

Tần ngần một lát, sau đó ông mới quyết định mở phong thư.

“Vân Mộng, ngày… tháng… năm… Trời mưa lớn.”

Ngay từ dòng đầu tiên, ông đã nhận ra đây chính là nét chữ của Kim gia cố Tông chủ. Vốn muốn đóng ngay tờ giấy lại, nhưng dòng tiếp theo đã kịp thời lọt vào mắt khiến ông phải ngây ngẩn mất mấy khắc…

“Tư Truy, hình như có chút nhớ ngươi.”

Cuối cùng, Lam Tư Truy chỉ còn cách tiếp tục đọc. Nhìn những con chữ thẳng hàng ngay lối trên tờ giấy đã ngả màu, ông không thể rời mắt. Cũng như năm đó khi nhìn thấy cố Tông chủ Kim Lăng mười mấy tuổi, ông cũng không thể nhìn đi qua bất cứ người nào...

 

 

 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top