MÁY MÓC VÀ DỤNG CỤ CHỮA RĂNG

MÁY MÓC VÀ DỤNG CỤ CHỮA RĂNG

1. GHẾ, MÁY NHA KHOA

1.1. Các loại ghế nha khoa

Gồm có ghế cho bệnh nhân và ghế cho người điều trị.

1.1.1. Ghế cho bệnh nhân  Thường có hai loại

- Ghế ngồi: Bệnh nhân được điều trị ở tư thế ngồi, thường là ghế bơm dầu.

- Ghế nằm: Bệnh nhân được điều trị ở tư thế nằm, loại ghế này thường có những nút điện để điều khiển ghế lên, xuống, ngửa ra phía sau, chồm ra trước.

1.1.2. Ghế ngồi cho người điều trị

 Thường có bánh xe, chỗ tựa lưng và có thể điều khiển lên xuống.

1.2. Các loại máy nha khoa

1.2.1. Máy đạp chân

 Dùng chân đạp để vận chuyển hệ thống ròng rọc - dây tua truyền đến tay khoan, loại này chạy chậm, chỉ tiện dùng cho những vùng chưa có điện (hiện hay không còn dùng).

1.2.2. Máy điện tốc độ thường

Sử dụng mô tơ có vận tốc từ 10.000 đến 15.000 vòng/phút. Lực quay được truyền đến tay khoan qua hệ thống ròng rọc-dây tua hoặc cần dẻo.

1.2.3. Máy điện tốc độ cao (máy siêu tốc)

Sử dụng khí nén từ 6-8 kg lực, khí được chuyển đến tay khoan qua hệ thống dây dẫn, luôn luôn có dây dẫn nước đi kèm.

Các loại máy nha khoa trên thường kèm theo các bộ phận để tiện sử dụng, các bộ phận này được lắp kèm theo máy hoặc để rời.

- Đèn chiếu sáng: Để chiếu sáng vùng làm việc, dùng công tắt hoặc cảm ứng từ

- Bàn nhỏ: Để khay dụng cụ và hóa chất, có thể di chuyển đến gần hoặc ra xa

- Bộ phận xịt hơi, nước: Để rửa sạch và thổi khô, nếu ghép chung có thể tạo phun sương. 

- Ống hút nước bọt: Để làm khô vùng làm việc

- Ống nhổ: Để bệnh nhân nhổ nước bọt và súc miệng.

Ngoài ra, có thể kèm theo máy chụp phim nha khoa, đèn trám quang trùng hợp, máy thử tuỷ răng, đầu cạo cao siêu âm…

2. DỤNG CỤ CHỮA RĂNG

2.1. Dụng cụ khám

2.1.1. Gương  Có hai loại

- Gương phẳng: Cho hình ảnh, trung thực.

- Gương lõm: Có tính phóng đại làm ảnh to hơn.

- Công dụng:

+ Phản chiếu ánh sáng đến răng.

+ Nhìn gián tiếp.

+ Banh môi má, gạt lưỡi.

2.1.2. Thám trâm: Tuỳ theo hình dạng có 3 loại:

- Số 6: thẳng, dùng tìm lỗ sâu mặt trong, mặt ngoài, mặt nhai, tìm lỗ vào ống tủy…

- Số 17: gập khúc  hai lần có móc nhỏ để tìm lỗ sâu mặt bên.

- Số 23: cong, công dụng như cây số 6.

- Công dụng: Dùng để khám, phát hiện lỗ sâu, cao răng dưới nướu, túi nha chu… và những cái mà mắt thường không thể thấy.

2.1.3. Kẹp gắp

Đầu mũi khép chặt, trơn hoặc có khía, dùng để gắp bông, các loại dụng cụ nhỏ.

Ngoài ra còn có khay để đựng dụng cụ khám.

2.2. Dụng cụ cắt

2.2.1. Dụng cụ cắt bằng tay

- Cây đục men:     Có 2 loại.

+ Cây đục men thẳng:

Cán dụng cụ và lưỡi cắt nằm trong cùng một trục.

          Dùng để vạt men và tạo rãnh lưu cho xoang.

+ Cây đục men khuỷu

Lưỡi cắt nằm trong một mặt phẳng tác dụng không cùng trục với cán dụng cụ và có độ vát nghiêng thay đổi tuỳ theo cây đục dùng cho phía gần hoặc phía xa. Nó có thể trình bày dưới dạng 1 cặp hai cây hoặc dưới dạng 1 cây hai đầu; dùng để vát men ở bờ nướu của thành xoang.

- Cây nạo ngà:

Có nhiều hình dạng khác nhau: Hình tròn, hình muổng, hình lá lúa...Có thể là cây một đầu, 1cặp 2 cây, hay cây hai đầu.

          Dùng để lấy đi lớp ngà bệnh lý.

2.2.2. Dụng cụ cắt bằng máy

2.2.2.1. Tay khoan

-  Tay khoan chậm (Low speed) Có 2 loại:

Loại chạy bằng cần ròng rọc dây tua (hoặc cần dẽo), loại này không có hệ thống phun nước kèm tay khoan. Vận tốc khoảng 10.000 – 15.000 vòng/phút

Loại chạy bằng hệ thống hơi nén, có thể có hệ thống phun nước. Vận tốc khoảng 40.000 vòng/phút. Loại này cần có phần trung gian để gắn vào, gọi là mô tơ, vận tốc có thể lên đến 100.000 vòng/phút

Mỗi loại có tay thẳng và tay khuỷu

+ Tay khoan thẳng dùng để:

* Tạo xoang các răng phía trước hàm trên (ít dùng), phẫu thuật

* Cắt hoặc mài ngoài miệng như mài chỉnh răng hàm giả, cắt chốt...

+ Tay khoan khuỷu dùng để:

* Tạo xoang .

* Gắn các dụng cụ sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, thí dụ: gắn lentulo để trám ống tuỷ các răng, gắn chổi và đài cao su để đánh bóng răng…

- Tay khoan siêu tốc (High speed)

Chỉ có tay khuỷu, chạy bằng hơi nén, vận tốc có thể từ 200.000 – 400.000 vòng/phút, vì vậy luôn  luôn sử dụng với hệ thống phun nước. Phần đuôi có loại 2 lỗ (một lỗ hơi và một lỗ nước vào), có loại 4 lỗ (2 lỗ cho hơi và nước vào, 2 lỗ cho hơi và nước thừa thoát ra). Đầu lắp dụng cụ nhỏ (mũi khoan) có dạng bấm, dạng vặn, dạng ấn. Tay khoan siêu tốc thường được dùng để:

+ Tạo xoang.

+  Mài cùi, cắt răng và cầu răng giả.

- Micromotor

Là một loại tay khoan được lắp vào bộ điều khiển riêng, hoặc được gắn vào máy nha khoa nhưng có phần gắn trung gian có mô tơ với vận tốc cao hơn mô tơ cho tay khoan chậm  có hai loại:

+ Loại chỉ có tay khoan thẳng, thường được dùng trong labo răng giả.

+ Loại vừa có tay thẳng và tay khuỷu, tay khuỷu được gắn vào tay thẳng. Tùy theo yêu cầu sử dụng, nếu dùng để mài răng giả thì dùng tay thẳng, nếu muốn tạo xoang thì gắn tay khủyu vào tay thẳng

2.2.2.2. Mũi khoan

- Cấu tạo:

          Mũi khoan được cấu tạo gồm 3 phần:

+ Phần đầu: là phần tác dụng, có nhiều hình thể khác nhau.

+ Phần cổ: là phần nối giữa phần đầu và phần thân, thuôn nhỏ từ thân đến đầu

+ Phần thân: là phần được gắn vào tay khoan, phần này khác nhau về kích thước, đường kính, kiểu dáng ở mỗi loại tay khoan. Thí dụ, với tay khoan chậm thẳng và tay khoan siêu tốc, phần đuôi của thân tròn trơn còn phần đuôi của tay khoan chậm khuỷu có vát một nửa để khi lắp vào tay khoan được lưỡi gà nơi tay khoan gài lại.

- Phân loại:

+ Theo tay khoan:

* Mũi khoan cho tay khoan chậm thẳng:

          Phần đầu có nhiều hình dạng để phù hợp cho mỗi công dụng của nó, phần thân dài khoảng 35mm, đường kính khoảng 2mm, đuôi trơn .

* Mũi khoan dùng cho tay khoan chậm khuỷu:

Phần đầu có nhiều hình dạng, phần thân có đường kính như tay khoan thẳng nhưng ngắn hơn và có 3 kích thước, phần đuôi mũi khoan có một mặt vát và một rãnh để ăn khớp vào lưỡi gà trên tay khoan khuỷu.

* Mũi khoan dùng cho tay khoan siêu tốc:

Phần đầu có nhiều dạng, phần thân có đường kính nhỏ hơn tay khoan chậm, khoảng 1.2mm, và cũng có 3 kích thước, đuôi mũi khoan trơn láng

+ Theo kích thước phần thân:

          Để thuận tiện trong động tác sử dụng, phần thân của mũi khoan dùng cho tay khoan khuỷu và siêu tốc có thể dài, trung bình hay ngắn. Loại dài thường được sử dụng để mở tủy, loại ngắn dùng tạo xoang cho những vùng hẹp, vướng khó thao tác như mặt ngài răng cối lớn, vùng răng khôn…

+ Theo chất liệu nơi đầu tác dụng.

* Mũi khoan  bằng thép

* Mũi khoan bằng carburre tungsten

* Mũi khoan có phủ kim cương ở bề mặt, với loại này có nhiều độ thô mịn khác nhau

+ Phân loại theo hình dạng  của đầu tác dụng

Tất cả các mũi khoan thường có số từ nhỏ đến lớn và  có các hình dạng :

* Mũi tròn: thường được dùng để mở rộng lỗ sâu, lấy ngà mềm, tạo lưu..

* Mũi bầu dục: thường dùng mài mặt trong răng cửa hoặc mặt nhai

* Mũi trái trám: mài tạo rãnh mặt nhai

* Mũi trụ: có nhiều dạng: trụ đầu bằng, trụ búp, trụ thuôn đầu, trụ đầu tròn, trụ nhọn ...

Mỗi dạng có một chức năng riêng. Thí dụ trụ đầu bằng thường dùng làm phẳng đáy xoang và tạo thành xoang thẳng đứng, trụ búp mài đường hoàn tất của cùi răng…

* Mũi ngọn lửa

* Mũi trái lê

* Mũi bánh xe

* Mũi nón cụt: Làm phẳng đáy xoang tạo các đường góc, tạo phần lưu (ngày nay ít dùng)

2.3. Dụng cụ đánh bóng

2.3.1. Trục lắp (Mandrel)

          Là phần trung gian để gắn các phương tiện dùng để đánh bóng như dĩa giấy nhám, đá mài…Có 2 loại ngắn và dài để lắp vào tay khoan thẳng hay khuỷu.

2.3.2. Chổi và đài cao su

          Có loại rời để gắn vào trục lắp, có loại gắn sẵn như mũi khoan. Được dùng với bột đánh bóng để đánh bóng răng hoặc đánh bóng miếng trám Amalgame, composite     

2.3.3. Mũi silicon

          Gồm nhiều hình dạng khác nhau, dùng để đánh bóng miếng trám composite

2.4. Dụng cụ trám

2.4.1. Bộ trám xi măng

- Bay đánh xi măng: dùng để đánh vật liệu trám như Eugenate, Zinc phosphate cement, Ca(OH)2,...

- Kính: là một tấm kính dày từ 1,5 - 2 cm. Gồm hai phần, phần nhám để trộn Eugenate                        Phần trơn để trộn các loại xi măng khác và Ca(OH)2.

- Bay đưa vật liệu vào xoang và nhồi xi măng:

Thường đầu nhồi trơn, dùng để nhồi chặt xi măng vào xoang, trên mỗi cây có thể vừa có một đầu lấy vừa có một đầu nhồi.

2.4.2 .Bộ dụng cụ trám amalgam: gồm.

- Cây lấy Amalgam (porte d’ amalgam): dùng lấy Amalgam cho vào xoang.

- Cây nhồi Amalgam: Để nhồi chặt Amalgam vào xoang, đầu cây nhồi thường có những khứa hình quả trám.

- Cây điêu khắc Amalgam:

Có nhiều hình dạng khác nhau dùng để điêu khắc, tạo lại hình dạng giải phẫu của răng.

- Cây miết bóng amalgam: có nhiều hình dạng khác nhau, để miết láng và làm sát bờ miếng trám

- Máy đánh Amalgam hoặc cối chày bằng thủy tinh (hoặc inox) dùng để trộn Amalgam.

2.4.3. Dụng cụ đặt khuôn

- Khuôn trám (băng trám: Matrix bands): dùng làm khuôn khi trám các xoang kép hoặc xoang vỡ lớn, có nhiều hình dạng, có thể bằng kim loại hoặc bằng plastic

- Dụng cụ giữ khuôn: Để giữ khuôn trám, có nhiều loại

2.4.4. Chêm kẽ

          Dùng để chêm vào kẽ răng khi trám các xoang ở mặt gần và xa, chêm có thể làm bằng gỗ hoặc bằng plastic

2.4.5. Dụng cụ trám Composite

- Chổi quét acid và chổi tạo hình miếng trám

- Bông quét keo dán

- Cây điêu khắcvà đưa vật liệu vào xoang.

- Cây nhồi vật liệu

- Cây súng để bơm vật liệu vào xoang

- Đèn quang trùng hợp: đèn halogen và đèn Led

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: