Truyện ngắn: MÀU XANH HY VỌNG (Nguyễn Lâm Anh Kiệt)
Một buổi chiều đẹp trời trong công viên nhỏ ở ngoại thành Sài Gòn, các em học sinh cấp 1 và lũ trẻ ở khu vực gần đó tạo thành hình tròn vây quanh một ông lão. Chỉ bằng những dụng cụ quen thuộc như ly nhựa, chiếc vòng, vài quả bóng bé bé xinh xinh kết hợp đôi tay nhanh nhẹn là ông đã phù phép ra vô số tiết mục ảo thuật mê hoặc mọi người. Chính vì sự vui tính, hài hước và tài năng này mà ông Nam được rất nhiều em thiếu nhi yêu mến. Quan trọng hơn, sau mỗi màn biểu diễn, ông bán được kha khá chong chóng và bong bóng cho tụi nhỏ.
Trung, một anh chàng chạy xe ôm thường đón khách ở công viên cũng rất thích xem ông Nam ảo thuật. Anh và ông Nam rất hay trò chuyện với nhau, nhất là các câu chuyện cười được ông Nam kể lại vô cùng thú vị. Do sống ở thành phố một mình, không phải lúc nào cũng về quê được nên Trung xem ông Nam giống như người thân ruột thịt, cùng anh chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống.
Có điều đặc biệt là chiều nào đậu xe ở đây, Trung đều thấy một bé gái bán vé số đến tìm ông Nam mua bong bóng. Cô bé này da ngăm đen, bộ đồ cũ kỹ với chiếc áo sơ mi sờn vai. Ông Nam vẫn bán cho cô bé một cái bong bóng màu xanh lam như thường lệ. Cô bé cầm cái bong bóng trên tay, mắt nhắm lại, miệng lẩm nhẩm rồi thả quả bong bóng xanh bay lên trời cao. Cảm thấy tò mò trước hành động kỳ lạ này, Trung kêu cô bé tới để tìm hiểu nguyên nhân.
Nhìn Trung dáng vẻ bụi bặm, lại là người lạ nên Trang có đôi chút dè chừng. Cô bé đi từ từ lại chỗ Trung ngồi. Nghĩ anh xe ôm mua vé số, Trang hỏi ấp úng:
- Dạ, anh mua vé số hả? Còn khoảng mấy tờ à, anh lựa giúp em nha!
Trung lắc đầu và nói:
- À không, anh chỉ muốn hỏi em một chuyện thôi. Sao chiều nào em cũng lại đây mua bong bóng và thả lên trên trời vậy?
Trang gãi đầu lúng túng. Cô bé cười rúc rích, trả lời Trung:
- Dạ, tại em đang cầu nguyện cho ước mơ của mình đó anh. Chị Hai em nói nếu muốn điều ước của mình thành hiện thực thì chỉ cần gửi hộ vào bong bóng và thả nó lên trời thôi. Mỗi ngày em sẽ thả 1 quả, đến khi đủ 100 quả thì em sẽ được toại nguyện.
Trung thích chí vì lời giải thích ngây ngô của cô bé bán vé số. Anh chồm người tới hỏi khẽ:
- Em ước mơ điều gì vậy? Tiết lộ cho anh biết được không?
Bị tra hỏi liên tục nhưng Trang vẫn vui tươi nói ra bí mật của mình:
- Em cầu nguyện cho mẹ em sớm khỏi bệnh và cha em quay về với gia đình.
- Mà sao em toàn mua bong bóng màu xanh lam không vậy? Em không thích mấy màu khác à?
Trang hướng mắt mình lên bầu trời. Cô bé hồn nhiên nói với Trung:
- Chị Hai em dạy màu xanh lam là màu của hy vọng và điều thần kỳ. Em tin đó là sự thật. Em đã thả được 90 quả bong bóng rồi. Chỉ còn 10 quả nữa thôi là hạnh phúc sẽ mỉm cười với gia đình em.
Giải đáp xong những thắc mắc ngộ nghĩnh về chuyện Trang thả bong bóng, Trung vui vẻ mua ngay 2 tờ vé số ủng hộ cô bé này. Trước lúc Trang rời đi, Trung hỏi cô bé thêm một câu:
- Em năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Sao không học mà đi bán vé số thế này?
- Dạ, em 11 tuổi rồi. Hết hè em bắt đầu học lớp 6. Tại em muốn phụ chị Hai kiếm tiền nuôi mẹ nên tranh thủ nghỉ hè đi bán vé số thôi anh.
Đột nhiên, Trang mừng rỡ chỉ tay về phía người con gái đang đạp xe tới công viên. Cô bé hấp tấp chào Trung:
- Chị Hai tới đón em rồi! Em về trước nhe!
Trung chăm chú nhìn theo cô gái cao cao dừng xe trước mắt mình. Anh không ngờ chị Hai của Trang lại xinh xắn đến vậy. Thấy Trung thờ thẫn ngắm người đẹp, ông Nam từ đằng sau lên tiếng làm anh hú hồn. Ông lão này cho Trung biết cô gái kia tên là Trâm và cả nhà cô ấy thuê phòng cùng xóm trọ với ông. Khi Trung chưa hết ngạc nhiên về điều này thì anh nghe đằng xa có tiếng kêu giúp đỡ dồn dập. Trung lập tức chạy xe đi xem chuyện gì xảy ra.
Hai chị em Trâm, người hoảng loạn, người trơ mắt nhìn hai gã thanh niên cướp xấp vé số của mình nhanh như chớp. Trâm nhảy dựng lên, miệng liên tục la lớn "cướp cướp" cho mọi người xung quanh nghe thấy. Gặp Trung chạy đến, Trâm quýnh quáng nhờ anh đuổi theo hai tên cướp giúp cô. Do đã quá quen với chuyện cướp giật trên đoạn đường này, Trung mau chóng lao xe với tốc độ cao rượt bắt bọn cướp. Chạy vào một con hẻm nhỏ vắng người, hai tên cướp vẫn chưa chịu đầu hàng bất chấp tiếng truy hô từ sau của Trung. Đến lúc này, anh xe ôm mới tăng tốc vượt mặt bọn cướp và chặn đầu xe chúng lại. Hai tên cướp đánh trả Trung quyết liệt. Một tên lượm cục gạch đánh lén vào lưng Trung làm anh té xuống đau đớn. Biết tình hình không ổn khi bị người dân phát hiện, hai tên cướp sợ hãi bỏ chạy để lại xấp vé số dưới đất, trước khi bị công an tóm gọn bên ngoài con hẻm.
Trâm và Trang mặt mày méo xẹo, ngồi xổm ở công viên. Ông Nam ra sức an ủi họ đừng rầu rĩ nữa, coi như chỉ là của đi thay người. Rồi Trâm nghe có tiếng xe máy inh ỏi bên tai, cô chống cằm liếc mắt sang thì thấy bộ dạng Trung tả tơi cầm xấp vé số trả lại cho mình. Cảm kích lòng nghĩa hiệp của anh xe ôm, Trâm xúc động, rối rít hỏi thăm Trung từ tên tuổi cho đến số điện thoại làm anh chàng cứng đơ không biết trả lời như thế nào.
Giao lưu, làm quen nhau vài câu, Trung được chị em Trâm rủ về phòng trọ uống nước thay cho lời cảm ơn. Căn phòng gia đình Trâm thuê nằm sát phòng của ông Nam, thế mà trước giờ ghé nhậu với "ông bạn chí cốt", Trung không hề để ý.
Do chị em Trâm đi làm suốt ngày nên phòng trọ của họ hơi bề bộn. Trâm bảo Trang đi pha nước để mời vị khách quý. Trâm lau dọn, xếp đặt đồ đạc cho gọn gàng rồi lấy thuốc đỏ xức lên vết thương ngoài da của Trung. Được người đẹp chăm sóc thương tích, tuy thân thể vẫn còn ê ẩm nhưng Trung vui thầm trong bụng. Anh chàng đưa mắt nhìn trộm Trâm nhiều lần và thấy môi cô nàng cứ tủm tỉm cười. Nghĩ Trâm đang chọc quê mình, Trung lắp bắp hỏi:
- Làm gì mà em cười hoài vậy? Mặt anh nhìn khôi hài lắm hả?
Trâm lấy tay che miệng lại. Cô nhìn chếch nhanh qua vẻ ngoài của Trung mà không nhịn được cơn cười. Cô vừa nói vừa diễn tả:
- Tại trông hình thức, tướng tá anh cũng phong độ, lãng tử mà lại chạy xe ôm nên em thấy có gì đó kì kì.
Tưởng Trâm vướng mắc chuyện gì to tát, Trung cũng bật cười và trả lời:
- Có gì đâu em. Cuộc sống khó khăn mà. Mình không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn thì phải chịu cực hơn người ta thôi. Còn em chắc đang là sinh viên hả?
- Dạ, em đang học trung cấp nghề kế toán. Còn 1 năm nữa em ra trường rồi.
Ngồi nói chuyện với Trung, Trâm không hiểu sao tay chân mình cứ run rẩy không tự chủ được. Cô mím môi, tỏ ra bẽn lẽn:
- Ủa, chắc nhà anh Trung ở gần đây đúng không?
- Ừ, anh thuê phòng trọ ở bên Quận 12. Anh có nghe bé Trang nói hai chị em đang tranh thủ nghỉ hè đi làm thêm đúng không?
Nụ cười Trâm bỗng mất đi nét hớn hở như ban đầu. Cô cúi mặt, lời nói chùng xuống:
- Dạ, ban ngày em làm bán thời gian ở quán ăn, đến chiều thì em đi giúp việc nhà cho một gia đình giàu có. Nếu mẹ em không bị bệnh nặng thì em cũng không muốn bé Trang bán vé số vất vả như vậy. Trong khi bạn bè đồng trang lứa được nghỉ hè vui chơi thì nó lại phải...
Đang nói nửa chừng, giọng Trâm bị nghẹn lại. Dù luôn cố gắng cho người khác thấy bản thân mình mạnh mẽ nhưng sự thật thì tinh thần Trâm đã đổ gục sau bao nỗi đau không thể cứu vãn. Nhìn ánh mắt Trâm buồn bã sắp khóc, Trung bối rối:
- Anh xin lỗi vì đã khơi lại chuyện buồn của em.
- Không sao đâu anh. Ai cũng có số phận của mình mà.
Em gái Trâm đem nước ra mời Trung. Cô bé xem lại đồng hồ và nhắc chị Hai mình tới giờ đi làm rồi. Trâm luýnh quýnh buộc tóc, đeo túi xách vào người và dắt xe đạp ra ngoài. Cô chỉ kịp nói gấp gáp với Trung:
- Thôi anh ở lại chơi nha! Để bữa khác mình gặp lại!
Hai ngày sau, Trung theo Trâm vào Bệnh viện Ung Bướu thăm bà Khuê. Sau hơn 3 năm điều trị căn bệnh ung thư trực tràng quái ác, tình trạng sức khỏe của bà Khuê vẫn không có tiến triển tốt hơn. Bệnh của bà đã bước vào giai đoạn cuối, và theo lời bác sĩ thông báo cho Trâm, thì thời gian với bà không còn nhiều nữa.
Người mẹ gầy yếu nằm trên giường bệnh. Chiếc khăn quấn đầu đã ở bên bà Khuê suốt khoảng thời gian dài bà được thực hiện hóa trị để duy trì sự sống. Nghe tiếng cửa phòng mở, bà Khuê mở mắt ra nhìn con gái bà. Đôi bàn tay thô ráp của bà Khuê chạm nhẹ vào má Trâm. Bà vuốt ve mái tóc của đứa con gái mà bà yêu thương hết mực, bà luôn làm điều đó khi gặp chị em Trâm, vì bà biết rằng cơ hội mình gần gũi với con cái đang được đếm từng ngày. Trâm giới thiệu bà Khuê về anh bạn cô mới quen, người anh hùng giúp cô lấy lại xấp vé số bị cướp.
Trung đứng lặng lẽ, âm thầm quan sát hình ảnh đẹp về tình mẹ bao la đầy ấm áp, những tình cảm gia đình khiến một người vốn sống bất cần như Trung cũng phải rung động. Tự dưng Trung nhớ về quê nhà, về người mẹ tần tảo sớm khuya lo cho anh từng miếng ăn giấc ngủ và người cha không quản ngại khó khăn làm lụng nuôi anh lớn khôn.
Biết con gái mình quen được người tốt, bà Khuê kêu Trung lại gần bà để bà nhìn cho rõ mặt mũi. Tới ngày đóng viện phí cho mẹ, Trâm nói Trung ngồi trông mẹ cô một lát, đợi cô chạy đi đóng tiền rồi quay lại. Khi trong phòng chỉ còn hai người, bà Khuê mới nói lên những điều mà bà cất giấu suốt những ngày bà nằm viện. Bà chỉ dám tâm sự chuyện này với người lạ vì không muốn hai đứa con của mình lo lắng thêm nữa.
Bà Khuê kể cho Trung nghe nhiều điều về gia đình bà trước đây, dù thiếu thốn vật chất nhưng tràn đầy tình yêu thương. Đến khi bà phát hiện ra mình bị bệnh nan y, cuộc sống viên mãn của bà tan vỡ. Chồng bà thì bỏ theo người phụ nữ khác, dồn hết gánh nặng lo toan cơm áo gạo tiền cho con cái. Trâm và Trang phải vừa học vừa làm để kiếm tiền chữa trị cho bà, nhưng chỉ có Trâm biết rõ sự tình. Bà Khuê căn dặn Trâm giấu đứa em út chuyện cha nó sống với người vợ khác và căn bệnh bà mắc phải. Đối diện với cái chết, bà Khuê không bi lụy, điều bà day dứt nhất là khi bà ra đi, không còn ai chăm sóc con cái của bà nữa. Tâm nguyện cuối cùng trong đời bà Khuê là được nhìn thấy chồng bà trước khi mất. Còn nếu được sống thêm 1 năm nữa, bà muốn chứng kiến con gái lớn của bà lấy được một tấm chồng tử tế.
Ngồi tập trung lắng nghe mong ước nhỏ nhoi của người mẹ già khắc khổ, Trung không biết nên làm gì để giúp đỡ bà cả. Lời tâm tình trên gián đoạn khi Trâm về lại phòng. Trung xin phép bà Khuê đi ra ngoài có chút chuyện, nhưng thực ra là anh muốn kiềm chế sự thương xót trong lòng. Trung đi lòng vòng ở sân bệnh viện, suy nghĩ về điều bà Khuê nói nhưng anh hoàn toàn không tìm được cách nào giúp bà đạt được ước nguyện.
Hơn một tuần trôi qua, ngày quả bong bóng xanh thứ 100 được Trang thả lên bầu trời. Cô bé luôn giữ niềm tin chỉ cần làm đúng theo lời dạy của chị Hai thì mẹ cô sẽ khỏi bệnh. Trang tung tăng chạy về phòng trọ báo cho Trâm biết tin vui này. Vì không muốn Trang bị tổn thương, Trâm giả vờ chúc mừng em gái mình. Trâm không ngờ Trang muốn đến đón mẹ yêu xuất viện vào ngày mai. Trang thậm chí còn hỏi:
- Chị Hai ơi! Vậy là cha sắp về với chị em mình hả chị? Cha đi làm xa lâu quá rồi, bây giờ em đã thả hết 100 bong bóng màu xanh, điều em cầu nguyện sẽ thành hiện thực đúng không chị?
Trâm ôm chặt Trang vào lòng. Trước niềm hy vọng lớn lao của em gái, Trâm định nói ra sự thật nhưng cô lại không nỡ để tâm hồn trẻ thơ của Trang có những vết nứt đau khổ giống mình. Trâm gượng cười, kéo dài thêm thời gian dắt em gái gặp mẹ bằng cách viện cớ:
- Tất nhiên rồi em. Cả nhà ta sẽ lại sum vầy như ngày xưa. Cha sẽ trở về nhà, mẹ sẽ hồi phục sức khỏe. Nhưng thời điểm này chưa được đâu. Còn mấy ngày nữa thôi, chị em mình sẽ cùng đợi nha!
- Dạ, em biết rồi. Chừng nào tới ngày cha mẹ quay về, gia đình ta sẽ làm tiệc linh đình luôn!
Trâm hôn lên trán đứa em bé nhỏ và cố nuốt nước mắt vào lòng cho nó khỏi nghi ngờ. Trong sự bế tắc khốn cùng không cách nào gỡ rối được, Trâm đạp xe đến công viên tìm Trung. Cả buổi sáng chẳng chở được người khách nào, Trung tính chạy xe về nghỉ sớm thay vì tiếp tục ngáp dài ngoài nắng nôi. Thấy Trâm tới kiếm mình, Trung vui sướng còn hơn đón được khách sộp. Trung phóng nhanh ra ghế đá ngồi cạnh Trâm, miệng nói huyên thuyên đủ các câu chuyện hài hòng chọc cười cô. Lan man mãi vẫn không làm cho Trâm lấy lại mùa xuân, Trung bèn hỏi:
- Rốt cuộc là có chuyện gì mà mặt mày em chù ụ vậy? Nói cho anh nghe đi.
- Anh Trung, em phải làm sao hả anh? Mẹ em không thể cầm cự lâu hơn được nữa.
Đôi mắt Trâm rưng rức, còn giọng thì ngắt quãng. Từng lời nói của Trâm là tất cả những gì sâu kín nhất trong tâm khảm cô. Ngoài Trung ra, cô không biết bộc lộ nỗi buồn này cho ai hết. Trung cũng kể lại nội dung bà Khuê tâm sự với anh để Trâm tìm cách hoàn thành tâm nguyện của mẹ cô. Trung khoác tay qua vai Trâm và khuyên nhủ:
- Anh nghĩ là em nên nói sự thật cho bé Trang biết đi. Em không thể nói dối con bé hoài được đâu. Trước sau gì con bé cũng biết chuyện, thà chuẩn bị tinh thần sớm còn hơn sau này khi mọi thứ đã quá muộn, nó sẽ càng sốc nhiều hơn nữa.
Trâm kéo tay áo chặm nước mắt. Cô mấp máy:
- Nhưng bé Trang đã hy vọng rất nhiều, liệu khi biết tin mẹ không còn sống được bao lâu nữa, nó có chịu nổi không anh?
- Hãy tin lời anh, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Cơ hội để mẹ em chữa khỏi bệnh vẫn còn nhiều mà. Quan trọng là em phải liên lạc với cha em, nói ông ấy quay về.
Cứ khi nhớ đến cái ngày người cha nhẫn tâm phụ bạc mẹ mình lúc ốm đau, bao vết thương hằn sâu trong lòng Trâm lại trỗi dậy. Giọng cô hằn học:
- Em không muốn nhắc tới cha em nữa. Kể từ ngày ông ấy bỏ mẹ con em, em biết chắc ông ấy sẽ không bao giờ quay lại nữa đâu.
- Biết đâu cha em đã suy nghĩ lại. Em thử gọi cho ông ấy xem.
Cả người Trâm mệt nhoài và cô chỉ muốn buông bỏ tất cả khổ đau đang bủa vây lấy mình. Trâm nép đầu nhẹ vào vai Trung, cô khụt khịt mũi rồi thầm thì:
- Em hận ông ấy. Em không bao giờ nhìn mặt ông ấy nữa đâu. Bây giờ, em mệt mỏi lắm rồi. Với tiền lương đi làm hiện giờ, em sợ mình không lo nổi cho mẹ thời gian tới nữa. Giá như em được đánh đổi mạng sống mình để mẹ em khỏi bệnh.
- Bình tĩnh đi em, mọi người luôn sát cánh bên em mà. Em hãy thả lỏng đầu óc ra, như vậy em mới đủ tỉnh táo vượt qua khó khăn được.
Đêm đó, Trung ghé qua phòng trọ của ông Nam. Hai người ngồi uống rượu giải sầu đến say mèm. Trung ngậm ngùi tâm sự với ông Nam về chuyện gia đình Trâm, về những mất mát mà hai chị em cô sắp phải hứng chịu. Bản thân Trung dù rất muốn giúp đỡ Trâm nhưng điều kiện kinh tế hạn hẹp không cho phép anh làm việc đó. Vì ở trong xóm trọ khá lâu nên ông Nam thấu hiểu rõ hoàn cảnh gia đình Trâm. Nay biết tin bà Khuê phải giành lấy sự sống từ tử thần, ông Nam đưa ra quyết định mà bấy lâu ông còn do dự.
Lúc Trung nằm nghỉ, ông Nam lục ngăn bàn lấy ra một cuốn sổ tay, trong đó có kẹp xấp tiền tiết kiệm ông cất giữ rất kỹ. Ông đánh thức Trung và đưa xấp tiền này cho anh. Tưởng mình còn mê ngủ, anh nhất quyết không chịu nhận lấy tấm lòng của ông Nam. Trung hỏi đi hỏi lại tại sao ông Nam không trực tiếp đưa xấp tiền cho Trâm, vì ông vốn dĩ là hàng xóm thân thiết với gia đình Trâm hơn anh. Hai ông cháu nhường nhau "trách nhiệm nặng nề", không bên nào chịu đứng ra cầm số tiền lớn chuyển đến người được nhận. Trong thế không còn lựa chọn nào khác, ông Nam cố gắng thuyết phục Trung:
- Trung à, con giúp giùm ông đưa số tiền này cho con bé Trâm đi! Nếu chính tay ông đưa cho nó, ông biết chắc chắn nó sẽ ngại không nhận. Con thì khác, ông thấy nó có vẻ thiện cảm với con đó. Con đưa cho nó sẽ dễ hơn.
Vì ông Nam yêu cầu quá đột ngột, Trung lăn tăn, chưa biết làm sao cho đúng:
- Nhưng con với Trâm biết nhau chưa được bao lâu hết, tự nhiên con đưa tiền cho cổ, lỡ cổ hỏi con biết trả lời sao đây? Con nghèo thì lấy đâu ra số tiền lớn vậy?
- Đơn giản thôi, con cứ nói là tiền con để dành. Nếu bé Trâm từ chối thì con nói con cho nó mượn, mai mốt có tiền nó trả lại cho con.
- Nhưng sao ông lại đem tiền tiết kiệm cho Trâm mượn vậy? Con nghĩ ông phải giữ lại số tiền này để dưỡng già chứ.
Ông Nam nốc cạn ly rượu đế và nhét xấp tiền vào túi áo Trung. Ông lão nhìn Trung với ánh mắt hiền từ và bộc bạch:
- Đây là số tiền ông dành dụm hồi còn làm ảo thuật gia và dạy hóa trang. Tuy không đáng là bao nhưng có thể giúp ích cho gia đình bé Trâm lúc này. Ông không có vợ con, người thân, sống chết không biết ngày nào, nên còn giúp được ai đó thì giúp thôi.
Cuộc nhậu của hai ông cháu lắng lại bởi những lo âu đang chờ đợi phía trước. Trung xúc động trước tấm lòng nhân hậu của ông Nam. Anh thay lời Trâm cảm ơn ông và hứa lát nữa sẽ qua phòng Trâm, tận tay đưa số tiền này cho cô. Trong muôn điều trăn trở ấy, Trung chợt nhớ đến tấm ảnh Trâm đưa anh xem. Người đàn ông đứng cạnh Trâm trong ảnh chính là cha của cô. Đầu Trung lé lên một sáng kiến, anh nói ông Nam đứng yên để anh quan sát cho kỹ. Ngẫm nghĩ ít phút, Trung phát hiện ra giữa ông Nam và cha của Trâm có đôi nét tương đồng về ngoại hình và khuôn mặt. Trung hỏi ông Nam:
- Ông ơi! Có phải ông nói hồi xưa ông từng dạy hóa trang đúng không?
Ông Nam vẫn chưa hiểu biểu hiện bất thường của Trung:
- Đúng rồi. Mà con muốn biết điều gì? Sao lại kêu ông đứng dậy rồi dòm ông chằm chằm vậy?
Trung mừng rỡ ôm lấy ông Nam. Anh hét lên:
- Tốt lắm! Con biết mình phải làm gì rồi!
Đúng một tuần sau, Trung cùng hai chị em Trâm vào bệnh viện thăm bà Khuê. Theo kế hoạch đã bàn bạc kỹ lưỡng, mọi người vẫn tỏ ra bình thường như không biết chuyện gì sắp đến. Bà Khuê rất vui vì được con cái và Trung đến trông nom ân cần. Do cơ thể yếu, bà Khuê chỉ có thể nằm dựa vào thành giường trò chuyện cùng mọi người. Trâm khoe với bà Khuê là bé Trang đã được tuyển thẳng vào trường chuyên cấp 2, cô mong bà mau chóng xuất viện để về kịp ngày nhập học của đứa con gái út. Trâm và Trang tươi cười ngả vào lòng người mẹ bao dung. Hai cô gái muốn cảm nhận hơi ấm từ bà Khuê và để truyền cho mẹ mình nguồn sức mạnh chiến thắng căn bệnh ung thư.
Trong niềm hạnh phúc lan tỏa của tình thân, Trâm không quên báo cho bà Khuê một tin vui còn lớn hơn. Cô và Trung đan tay lại, hai người tiết lộ cho bà Khuê rằng họ đang yêu nhau và dự tính sẽ đi đến hôn nhân vào cuối năm. Trang cũng lanh trí vỗ tay chúc mừng chị Hai mình. Đón nhận nhiều tin tốt cùng lúc, bà Khuê cười mãn nguyện vì tin con gái mình đã tìm được chỗ nương tựa trong tương lai. Nhưng đó chưa phải là điều cuối cùng mọi người mang đến cho bà Khuê. Trâm lấy tay ra dấu để bé Trang chuẩn bị dẫn một người vào gặp mẹ cô.
Bà Khuê nghe có tiếng bước chân chậm rãi tiến sát cửa phòng. Bà nghiêng đầu sang một bên thì thấy một người đàn ông ngoài 50 tuổi đeo khẩu trang, da đen, vóc dáng hơi tròn trịa, mái tóc hớt cua và mặc chiếc áo sơ mi màu nâu bị vá ở vai trái. Như tiềm thức mách bảo, bà Khuê tưởng người đó chính là chồng bà. Bà nhờ Trâm đỡ bà đứng dậy. Tay bà giơ thẳng ra đằng trước, giọng thì nghẹn đắng: "Ông hả? Có phải là ông đúng không? Ông đã quay về với mẹ con tôi rồi à?"
Người đàn ông lùi ra sau rồi ngoảnh mặt đi không nói lời nào. Em gái Trâm khóc nức nở đuổi theo ông ta. Trung xin phép bà Khuê để anh chạy ra ngoài giữ người đàn ông ở lại. Bà Khuê nằm xuống giường mà tâm trí ngỡ như trong cõi mơ. Trâm giải thích với mẹ cô là cha cô đã dọn đồ về nhà được mấy ngày rồi, nhưng vì ông chưa tha thứ lỗi lầm của bản thân nên không dám vào viện gặp lại vợ. Trâm nắm tay bà Khuê, liên tục động viên bà không ngừng, cô sinh viên luôn giữ niềm tin là cả nhà cô sẽ đoàn tụ êm ấm như ngày xưa. Chính nhờ niềm tin mãnh liệt của con gái, bà Khuê phần nào nguôi ngoai được nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Bà nhìn thấy được ánh sáng le lói trong màn đêm che lấp tâm hồn mình, và trên hết là sự nhẹ nhõm vào khoảng thời gian ít ỏi còn lại.
Đến chiều, Trung trở lại bệnh viện xem tình hình gia đình Trâm có gì mới không. Khi anh đặt chân vào phòng thì thấy sắc mặt bà Khuê nhợt nhạt, hơi thở không đều khác xa buổi sáng. Trung định kêu bác sĩ thì bà Khuê lên tiếng bảo anh dừng lại. Bà nói Trung không cần lo lắng gì cả, bà thấy trong người rất khỏe, bây giờ bà chỉ muốn nói vài điều quan trọng với anh.
Trung ngồi xuống giường nghe bà Khuê căn dặn. Anh rót nước cho bà Khuê uống để bà giảm bớt cơn ho khan kéo dài. Ngón tay bà Khuê khẽ ngọ nguậy chạm vào lòng bàn tay Trung. Giọng nói bà thều thào:
- Cảm ơn cậu đã bên cạnh tôi suốt những ngày vừa qua. Con Trâm thật may mắn khi quen người tốt như cậu. Nhờ những ngày nằm trong phòng bệnh mà tôi biết được cuộc sống này đã ban tặng cho tôi nhiều điều tươi đẹp, không chỉ là tình thân máu mủ mà cả những người hiền hậu xung quanh. Cậu chuyển giúp tôi lời cảm ơn đến ông Nam. Ông ấy cải trang thành chồng tôi rất khéo.
Biết vở kịch mình sắp đặt cùng hai chị em Trâm và ông Nam bị bại lộ, Trung đơ cứng người, rối trí không biết nói năng thế nào với bà Khuê:
- Bác nói sao? Vậy là bác đã biết con và mọi người đánh lừa bác?
- Chồng tôi thì sao tôi không nhận ra được. Ban đầu nhìn thoáng qua, tôi công nhận là rất giống, từ ngoại hình cho đến chiếc áo rách tôi may cho ổng năm xưa. Nhưng cậu và con Trâm quên mất chi tiết này, chồng tôi cổ tay ổng có vết sẹo sâu nổi lên, ông Nam thì không có.
- Con xin lỗi bác. Chuyện này là do con bày ra. Con làm vậy vì muốn hoàn thành tâm nguyện của bác. Bác đừng giận con nha bác.
Bà Khuê lắc đầu, mỉm cười nhẹ nhàng với Trung:
- Tôi không trách gì cậu đâu. Ngược lại, tôi còn phải biết ơn cậu vì cậu đã cho tôi thấy được ý nghĩa của cuộc đời này. Hãy luôn lạc quan trong mọi nghịch cảnh, vì bên cạnh ta luôn có những trái tim yêu thương. Giờ tôi tin điều đó là sự thật.
- Bác à, bác phải cố gắng lên, Trâm và bé Trang đang chờ bác hồi phục từng ngày.
Cơn đau trong cơ thể làm bà Khuê rã rời. Bà nhúc nhích người, nhờ Trung kê gối thấp xuống để bà nằm nghỉ ngơi. Trước lúc khép mắt lại, bà ráng nói thêm vài lời nữa với Trung. Hơi thở yếu ớt khiến tiếng nói của bà phát ra không còn liền mạch nữa. Bà khàn giọng:
- Tôi sắp đi đến một nơi rất xa, đó là nơi chữa lành mọi nỗi đau bệnh tật, các con tôi sẽ không phải vướng bận thêm nữa. Ở nơi đó, tôi vẫn có thể nhìn thấy chúng mỗi ngày. Cậu nói muốn giúp tôi hoàn thành tâm nguyện đúng không?
- Dạ, bác muốn con làm gì bác cứ nói đi.
- Hãy thay mặt tôi chăm sóc hai chị em con Trâm. Khi tôi đi rồi, tụi nó không còn người thân nào bên cạnh nữa. Hãy giúp tôi, tôi mong cậu yêu con Trâm như những gì cậu nói, dù tôi biết cậu và nó chỉ đóng kịch để làm tôi vui thôi.
Trung vỡ òa cảm xúc dồn nén trong lòng. Anh bám chặt tay bà Khuê và nghẹn ngào:
- Không đâu bác, con yêu Trâm thật lòng. Con hứa với bác con sẽ lo cho chị em cổ.
- Đây là mong ước sau cùng của tôi. Chỉ cần như thế là tôi hài lòng rồi. Giờ tôi mệt quá.
- Bác ơi, bác ơi! Con sẽ đi gọi bác sĩ!
Bà Khuê níu tay Trung lại. Bà nói Trung không cần gọi bác sĩ, bà chỉ muốn được ngon giấc sau những mệt mỏi vừa qua. Bà thở chầm chậm, thì thào một câu "Cuộc đời thật đẹp" và từ từ nhắm đôi mắt tìm đến giấc mơ bình yên của riêng mình. Trung ngồi lặng người nhìn bà Khuê nằm bất động. Giọt nước mắt trên khóe mi Trung rơi xuống thấm vào tay áo, còn bà Khuê nở nụ cười thanh thản ấm áp. Các đầu ngón tay của bà Khuê vẫn bíu chặt bàn tay Trung không rời.
Ba tháng sau, trên đường chở bé Trang đi học về, Trâm ghé qua công viên nơi ông Nam biểu diễn ảo thuật để mua một trái bong bóng theo sự nài nỉ của nhỏ em gái. Ông Nam tỏ vẻ ngạc nhiên khi cô bé này vẫn còn thích mua bong bóng màu xanh lam. Lần này, ông không lấy tiền mà tặng luôn chùm bong bóng cho bé Trang như quà mừng sinh nhật muộn. Mỗi khi gặp ông lão vui tính là Trâm lại bị ông chọc ghẹo chuyện đám cưới giữa cô và Trung. Mắc cỡ quá, Trâm chào lẹ ông Nam rồi đạp xe chở em gái mình về nhà.
Ngồi sau lưng chị gái, Trang thích thú cầm chùm bong bóng xanh, nhưng Trang không thả lên trời nữa, vì cô bé muốn giữ mãi hình ảnh người mẹ yêu dấu bên mình. Trang tin rằng khi bà Khuê nhìn những trái bong bóng xanh, bà sẽ biết hai đứa con của bà đang có cuộc sống yên ổn. Thấy nhỏ em im lặng thay vì lải nhải như mọi ngày, Trâm thử "đá xoáy":
- Trang nè, sao nãy giờ em không nói tiếng nào vậy? Có bong bóng rồi quên chị hay gì?
Cô em tinh nghịch của Trâm nhanh nhảu đáp lại:
- Đâu có, tại em đang suy nghĩ những lời chị nói thôi. Có thật mẹ luôn dõi theo chị em mình không chị?
Nhân lúc em gái hỏi, Trâm cũng "bắt nhịp" theo để chọc vui nó:
- Đúng rồi em, mẹ luôn ở bên chúng ta mọi lúc mọi nơi, nên em không được lì lợm đâu biết chưa?
- Nhưng mẹ ở nơi nào, chị đạp xe nhanh vậy mẹ có bị bỏ lại phía sau không?
Trâm đưa mắt mình lên bầu trời xa xăm, nơi có những áng mây trôi bồng bềnh như đang lắng nghe lời cô nói:
- Em đừng sợ mẹ không đuổi kịp mình, vì mẹ có đôi cánh bay khắp mọi nơi. Chắc mẹ đang ở gần đây thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top