02 - Chuyến công tác không lường trước
"Nhà của tôi...?"
Tôi còn chưa kịp thắc mắc với cô gái kia thì cánh tay phải bỗng nhói lên một cảm giác bỏng rát khó chịu, tựa hồ như đang bị ai dùng tay trần đánh mạnh vào. Rồi đầu óc tôi quay cuồng, đau như búa bổ, chỉ thấy hình ảnh căn nhà cổ kính kia nhoè đi, trả lại màn sương mờ như ban đầu.
Rồi tôi tỉnh dậy, mắt mở to, dán chặt vào trần nhà trắng đục. Tiếng điều hoà kêu ro ro, xung quanh vẫn là một mảng tối đen. Cho đến khi tôi bắt đầu cho phép những giác quan khác hoạt động thì mới nhận ra lý do khiến cánh tay bỏng rát là do đâu. Thì ra là Vy đang cật lực kêu tôi tỉnh.
Sau khi thấy tôi đã tỉnh hẳn, cậu ấy đứng dậy mở cửa sổ, tắt điều hoà, trên gương mặt bầu bĩnh vẫn còn phảng phất chút nét lo lắng nhàn nhạt. Tôi cảm thấy khó hiểu, chẳng biết vì sao bản thân lại bị đánh thức vào cái thời gian mặt trời còn chưa ló dạng như thế này, dù sao thì công việc ở toà soạn bắt đầu khá trễ.
Vy kéo cửa sổ ra rồi thì vội lấy chiếc khăn mùi soa nho nhỏ đặt trên bàn làm việc đến chỗ tôi, thấm lấy mồ hôi đang chảy ròng ròng. Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra cơ thể mình ướt đẫm, mồ hôi đã thấm hết vào chăn tự bao giờ. Gió sáng sớm từ ngoài lùa vào trong lạnh toát, khiến tôi rùng mình mà sởn gai ốc.
"Mày mơ cái gì mà người đầy mồ hôi rồi còn rên hừ hừ thế hả? Tao sợ quá đếch ngủ được luôn đấy?"
Tôi cúi mặt xuống, không nói gì. Có lẽ đây chính là tác dụng phụ của việc bước vào Vực Huyễn Mộng sinh tử mà không phải người sắp chết.
Khác với đa số, tôi là một người khá... mê tín dị đoan. Tôi tin vào tâm linh và cũng khá yêu thích những câu chuyện kỳ ảo mà người lớn phỏng ra cho trẻ con. Khi nhỏ đã thế, lớn lên vẫn không bỏ được. Nhiều người bảo đầu óc trên mây như tôi thì nên đi làm nhà văn, chắc chắn sẽ rất nổi tiếng. Nhưng đời mà, nhà văn thì chắc gì đã xuất bản được hay sách viết chắc gì đã thành hiện tượng mà kiếm tiền? Tôi thì không chăm chỉ đi phóng sự hay phỏng vấn như Vy, nên có lẽ làm biên tập là ngành nghề phù hợp nhất cho tôi rồi, một người không có định hướng cụ thể.
"Mày đi tắm trước đi, tao thay ga giường rồi đi sau."
Thấy tôi trở lại như bình thường thì Vy cũng an tâm hơn mà đi vào nhà vệ sinh. Tôi cố nén một tiếng thở dài, thật là phiền người bạn này quá, chẳng biết kiếp trước tôi đã tu gì mà bây giờ lại có được đứa bạn tốt như nó.
Chậm rãi nâng đệm lên, tôi tháo chiếc ga giường ra, tháo cả áo gối nằm, gối ôm rồi vứt vào một cái rổ đồ bẩn cùng hai cái chăn đã xỉn màu rồi ung dung đem ra máy giặt. Sau khi đổ xà phòng giặt đồ và bấm nút thì trời đã đã sáng, tôi ung dung đi vào phòng vệ sinh tắm gội
"Há cảo!"
Vy la lên một tiếng phấn khích khi thấy tôi lấy bịch há cảo và xíu mại đông lạnh ra khỏi tủ, bỏ vào xưởng hấp cách thuỷ. Trong lúc đợi, tôi tranh thủ đắp mặt nạ và hoàn thành chỉnh sửa một số bài báo được gửi về. Tiếng sôi ùng ục của xưởng hấp cùng tiếng gió phần phật bên cửa sổ khiến tôi cảm thấy cứ yên bình làm sao đấy.
CẠCH.
Một khoảng thời gian trôi qua, tôi đóng máy lại và quay qua chiếc xưởng bấy giờ đã đóng đầy nước đọng trên nắp nồi. Tôi gắp hết số bánh trong đó ra, bỏ đều vào hai dĩa, lấy thêm hai chén nước tương với sa tế rồi mang ra.
"Ăn đi." Tôi gọi với ra cô bạn đang cặm cụi ngồi cặn cái máy quay phim cũ kỹ. Nó nghe tôi gọi thì cũng bỏ chiếc máy quay xuống mà lóc cóc đi ra ăn với cái băng đô thun lúc rửa mặt vẫn còn y nguyên trên đầu chưa gỡ xuống. Chúng tôi ngồi ăn với nhau và như thường lệ, Vy luôn là người nói nhiều hơn.
"Nè, hình như tụi mình sắp phải đi công tác á!"
"?"
"Ông sếp đó, sáng nay tự dưng ông ấy nhắn tao là lên phòng họp sớm, mà còn dặn tao ở nhà chuẩn bị đồ sắp vali trước đi nữa!"
"Ờ..."
Cũng không biết nói gì.
Nhưng có lẽ rời thành phố này một chút sẽ giúp tình trạng hiện tại của tôi khá hơn chăng? Dù gì thì tôi cũng hơi chán cái không khí ở đây rồi.
Tôi đưa một miếng xíu mại lên miệng nhai, bất chợt lại nghe thấy một âm thanh rì rào kỳ lạ.
Bên ngoài cửa sổ, có một con cá voi xanh đang nhào lộn.
*****
"Hai đứa em đến tỉnh X á?"
"Ừ, đúng rồi. Có một bảo tàng khá nổi tiếng ở đấy yêu cầu hợp tác với chúng ta để quảng cáo cho truyền thống của làng họ. Trùng hợp là tòa soạn chúng ta cũng đang có ý định làm một dự án về văn hoá biển trên cả nước, nên cứ xem đây là điểm đầu tiên đi. Nếu hai em thấy được thì anh sẽ bảo bên nhân sự chính thức thêm tụi em vào dự án này, chuẩn bị vé máy bay và một khoản kinh phí dự án cho hai đứa."
Tôi cầm xấp tài liệu, lật qua lật lại, trong lòng vẫn thấy mông lung khó hiểu.
"Vy là phóng viên thì em hiểu, nhưng em là biên tập viên mà? Nếu cần đi cùng thì anh nên cử một bạn nào đó giỏi edit, đồ hoạ hay quay phim hơn chứ?"
"Anh cũng có cân nhắc rồi. Thực ra bây giờ nhân lực bên edit của mình hơi eo hẹp, với cả anh để ý là Vy cũng khá giỏi quay phim nhỉ? Chắc không thành vấn đề đâu. Còn em thì không sao, anh thấy mấy đợt nghỉ em vẫn nộp bài khá đầy đủ và đúng hạn, nên nếu cần thì anh gửi bài cho em qua mạng là được. Dù gì trước đây em cũng là phóng viên nên ổn mà."
"Chỉ vậy thôi ạ? Chỗ mình thiếu gì phóng viên?"
"Nhưng em là dân bản địa mà, đúng không?"
"Thì liên quan gì..."
"Àm... Hai đứa là bạn thân mà phải không? Ý là... anh cũng tính nhờ em cho nó ở chung nhà để đỡ khoản kinh phí thuê trọ..."
... Cạn lời.
Hoá ra đây là mục đích chính của anh ấy.
Nhưng cũng không tệ lắm, rời khỏi thành phố một tháng rưỡi để đi công tác, nhưng cũng coi như đi về quê chữa lành vậy.
Với cả...
Đó cũng là điềm báo của tôi.
Ngôi nhà thân thuộc ẩn mình sau lớp sương mờ lại hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi thậm chí có thể tưởng tượng ra những mùi hương của cá, của hoa bạch trinh, của nước biển mằn mặn... Có lẽ trở về đó lúc này có thể giải quyết phần nào những điều kỳ lạ tôi đang gặp phải.
"Thế nhé! Để anh báo nhân sự chuẩn bị!"
"...Vâng."
*****
Trên con đường mòn đầy sỏi đá, có một người nào đó đang ung dung bước đi. Người đó mặc một bộ trang phục không thuộc về thời đại hiện tại, hiên ngang đi qua khu chợ. Thật lạ thay, các tiểu thương lẫn dân làng đều ngó lơ hắn, không một lời hỏi han thân mật, không một ánh nhìn, cứ như hắn chẳng hề tồn tại mà chỉ là sương mù loang lổ trong không khí giữa trời đông rét lạnh.
Người đó mặc chiếc áo ngũ thân màu xanh dương đậm, đầu đóng khăn cùng màu, đi chân trần trong không khí sôi nổi của phiên họp chợ sáng sớm. Tay hắn cầm chiếc quạt xếp màu vàng nhạt, phe phẩy vài cái khoa trương dù trời đang lạnh đến cắt da cắt thịt. Dáng bộ hắn hệt như một chàng thư sinh, bước từng bước chậm rãi, thong dong không vội vã. Hắn lại ghé mắt trông vào từng hàng rau, hàng cá. Những con cá tươi roi rói vừa đánh bắt từ biển về hãy còn quẫy đạp mạnh bạo trong chậu nước. Quan tâm làm gì chứ, dù sao thì bọn cá đó cũng sẽ chết sau khi được mua về thôi.
Bước chân của hắn dừng lại cạnh một khoảng trống vô chủ trong khu chợ. Tại nơi không ai để ý đó có một khóm hoa mọc lên. Chúng rực rỡ, phảng phất mùi hương ngọt ngào mát mẻ khiến người ta dễ chịu, chẳng hề bị ám mùi hôi tanh của những sạp cá xung quanh. Mùi hương lan toả theo những cơn gió biển, mang theo hơi muối mặn mặn quyện lại, bay đến nơi của tên mặc áo lễ xanh.
Hắn bước đến, cúi xuống, dùng quạt phất phơ cho mùi hương bay lên.
Hoa bạch trinh biển là một loại thực vật phổ biến ở các làng chài, thường được trồng để làm cảnh hoặc cứ mọc dại ở bất cứ đâu. Một loài hoa với sức sống bền bỉ, có thể mọc bất kể mùa màng, luôn ra những bông hoa trắng xinh quanh năm với mùi ngọt dễ chịu. Hắn nghiêng đầu, nheo mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa quen thuộc. Loài cây thân củ với đoá hoa có phần trong tròn tròn như hoa rau muống nhưng màu trắng, từ đó có những cánh nhỏ thuôn dài như cọng hẹ mọc ra, trắng nõn, xoăn tít lại vào bên trong đài hoa. Những hạt mưa đọng lại trên cánh rơi xuống đất khiến cây hoa phập phồng, đung đưa. Trông thật lạ nhưng cũng thật xinh đẹp.
Hắn dùng tay ngắt nhẹ vài đoá. Dường như cũng chẳng ai phát hiện hay ngăn cấm hành động đó. Những bông hoa bị ngắt lên tỏa ra một mùi cỏ ngọt thoang thoảng. Một mùi hương chết chóc, báo hiệu một tình trạng không hề tốt đẹp của thực vật.
Sự tự vệ yếu ớt cuối cùng trước khi chết.
Khi cỏ, hay nói chung là các thực vật bị tổn hại, chúng sẽ giải phóng một mùi ngòn ngọt đặc trưng, đặc biệt là những nhân viên cắt cỏ sẽ gặp rất thường xuyên. Chất hoá học mang mùi hương này được tạo thành do sự phá vỡ các loại chất béo trong cây và chuyển hóa thành các chất hoá học và enzyme khác nhau. Loại chất này được tạo thành mang ý nghĩa phòng vệ, nhằm bảo vệ phần bị thương của cây hoa khỏi vi khuẩn, vi trùng gây hại, tựa như những chất được hệ miễn dịch tiết ra nhằm lôi kéo bạch cầu đến các mô bị tổn hại ở cơ thể người.
Nàng thích bạch trinh biển, hắn lại thích nhất nàng khi nàng giống như này.
Hắn lại sải bước trên con đường dài, xuyên qua làn sương đông mà bước thẳng về nhà. Căn nhà nằm ngập trong những làn sương dày đặc, trắng xoá, theo kiểu ba gian thường được thấy ở các vùng quê. Thế nhưng nơi này nom qua lại xưa cũ hơn rất nhiều, tựa như đã được xây từ thời phong kiến cách đây mấy trăm năm.
Chiếc cổng sờn cũ được đẩy vào, một khoảng sân rộng rãi hiện ra trước mắt. Những ngôi nhà như này thường là nơi ở của cả một đại gia đình chín mười người, nhưng khó tin làm sao, nơi này chỉ thuộc về mình hắn.
Chiếc áo lễ phất phơ khi hắn đóng sập cánh cửa nhà. Đường hoàng ngồi xuống bộ ghế long phượng bằng gỗ lim đen, hắn cắm những bông bạch trinh biển ấy vào chiếc lọ sứ, lại rót ít nước để giữ hoa tươi. Xong xuôi, hắn pha một ấm trà, từ từ thưởng thức cảm giác ấm áp nơi cuống họng giữa thời tiết lạnh lẽo.
Đôi mắt hắn híp lại, nhìn vào căn phòng nhỏ sau nhà. Ở nơi đó, có một thứ lấp lánh được trưng bày trong chiếc lồng kính.
Ta và nàng sắp gặp lại nhau rồi.
*****
"Hả hả hả hả!? Chị về á? Nhưng chưa tới Tết mà? Có chuyện gì vậy chị?"
"Bây giờ tao muốn về thăm nhà cũng không cho tao về nữa à..."
"Không không, ý em không phải vậy!"
"Tao đi công tác thôi, được phân công tác với Vy ở làng."
Tôi xếp đồ vào vali, chuẩn bị cho chuyến bay sáng mai. Vy thì vẫn đang cặm cụi sửa lại cái chân máy quay.
Tôi có một người em gái tên Nguyễn Viên Dương, con bé nhỏ hơn tôi ba tuổi, hiện đang là một giáo viên mầm non. Tối hôm qua tôi mới nhắn tin cho cả nhà về chuyến công tác của tôi, nhưng lúc đó thì mọi người đã đi ngủ hết. Đến sáng thì có bố mẹ hỏi han, trả lời, còn Dương thì đến tối gọi thẳng một cuộc điện thoại cho tôi.
"Mày đang cắt gì đó hả?"
"Vâng... Em cắt giấy cho tụi nhỏ, mai mang lên cho tụi nó gấp hoa gấp lá, hoạt động học tập ấy mà chị."
"Vậy à... Vậy thôi mày làm đi. Sáng sớm mai tao đến nơi ấy, có gì mày nấu đồ sáng nha."
"Vâng ạ!"
Tôi cúp máy, tiếp tục với công việc xếp đồ còn đang dở dang. Thực ra tôi không cần phải mang quá nhiều như Vy, vì dù gì ở đó cũng là nhà của tôi mà, thiếu gì đồ? Chỉ cần mang vài ba bộ đẹp đẽ một chút để khi đi phỏng vấn chung với Vy trông chỉn chu là được.
Tôi lại đi vào nhà vệ sinh, vệ sinh răng miệng rồi skincare các kiểu. Sau khi xong hết thì cũng đã mười một rưỡi tối, khá trễ, tôi nhanh chóng thay bộ đồ ngủ rồi trèo lên giường.
*****
Đêm nay tôi lại tiếp tục nằm mơ.
Tôi đang đứng ở giữa sân nhà mình, ngôi nhà nho nhỏ ở làng Ngọc Biếc. Không khí lạnh lẽo đặc trưng của vùng biển thốc liên tục vào người tôi, khiến gai ốc nổi hết cả lên, lạnh lẽo và chân thật vô cùng. Cũng giống như đêm trước, tôi nhận thức được mình đang mơ, nhưng lại chẳng có cách nào để thoát ra.
Rồi tôi thấy cánh cổng nhà mình từ từ mở ra. Tiếng kẽo kẹt ghê rợn vang lên giữa trời đêm tĩnh mịch khiến người ta sợ hãi. Nó cứ mở ra, mở ra, đến khi mở toang hoác.
Có hai người đang đứng.
Một là cô gái với chiếc váy rách ố vàng quen thuộc. Cơ thể cô ấy vẫn đầy máu và vết thương, nhưng cô ấy không khóc nữa.
Đứng bên cạnh cô ấy là một người mà tôi chẳng biết nam hay nữ, già hay trẻ. Cơ bản vì người ấy trùm kín cả cơ thể bằng một chiếc áo choàng lụa đen, thêm cả trời tối che khuất nên tôi không thể nhìn rõ. Người đó cầm một chiếc đèn măng-sông cũ kỹ, ánh sáng mập mờ từ chiếc đèn là thứ duy nhất giúp tôi nhận ra sự hiện diện của họ.
Rồi tôi nhận ra một điều ghê rợn.
Họ đều đang nhìn tôi, nhìn chòng chọc một cách quỷ dị.
Xa xa kia, có tiếng cá heo đang kêu eng éc.
*****
Hết chương 02.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top