III. 3

Sau cả tuần lễ, thì ba tôi cũng khỏi được cái chân, xuất viện đi về. Vừa đúng hôm giao thừa, không khí tết tràn ngập trên đường Nguyễn Trãi, nhà nhà tất bật đi ra đường chơi tết. Nhưng nhà tôi khác, như đã nói thì quê gia đình tôi vốn ở Tây Ninh, tập tục nó đã thấm nhuần vô cái máu mủ của ba mẹ tôi rồi.

Còn khoảng hai tiếng là tới giao thừa, tôi nằm một đống trên võng, coi phim, lười biếng để chân xuống, đưa qua đưa lại cho con muỗi nó khỏi đốt, chả biết sao nay muỗi nhiều quá, chắc sau tết phải coi lại mấy cái bình sau nhà mới được. Tôi nghĩ ngợi một chốc, rồi bốc miếng đậu phộng, tung lên, đớp lấy, cảm giác mình như con hải cẩu trong chuồng, người ta thảy cá mà mình ngoạm lấy vậy á, ờ, tôi đang nghĩ cái gì vậy trời, cơ mà lại hụt rồi, hụt thế này không biết có phải điềm báo năm sau không nữa.

- Này con, chạy tới rủ Hoàng đi đi. - Mẹ tôi vừa bưng mâm ngũ quả ra cái bàn đã được dựng sẵn trước cửa, vừa nói, rồi lại hì hục đặt xuống. Tôi nhìn, thèm lắm, tôi cũng thích ăn trái cây, vì chúng ngon và làm đẹp da, nhưng còn sống nhăn thế kia, ăn vào chắc gãy cả hàm. Đón giao thừa bao năm rồi, tôi cũng phải biết chút ít chớ. Mâm giao thừa chẳng ai chọn quả chín cả, vì chưng mấy ngày lận, lấy quả sống để từ từ nó chín, đến lúc đó, ăn là vừa, cơ thế mà vẫn có mấy quả quá ngày thúi luôn.

- Mẹ ơi, sao con phải đi chứ. - Tôi vươn người, uể oải, nói với mẹ mình. Xong lười biếng với tay ra đằng rổ hạt hướng dương để lấy cái đồ mốt, đưa lên bật qua kênh htv7, tầm giao thừa vầy ở nhà nằm xem phim, nghe nhạc là sướng nhất còn gì, và tôi cũng không phải kiểu người ra đường chơi với bạn bè. Đột nhiên, tôi chợt nhớ đến cái Thanh, chắc giờ này nhỏ với gia đình nhỏ đang ra phố đi bộ rồi.

- Hoàng nó đi xe đạp, bữa ở bệnh viện còn bị trật dây sên, phải dắt bộ về, sao mà tới đây được, mà ba cũng gọi báo nó rồi. - Ba tôi vừa mở tủ lạnh, vừa lấy vài lon bia ra, lại chuẩn bị nhậu với mấy ông bác hàng xóm. Năm nào tôi cũng hỏi sao ba nhậu nhiều thế, thì mấy ổng bảo nhậu lai rai, lấy lộc đầu năm thôi, vậy mà lần nào cũng nhậu say be bét, ói đầy cả sàn, nói chung là thúi kinh khủng, lúc đó hai mẹ con tôi phải vào lấy cái kẹp để kẹp mũi lại, lôi cây chổi chà, cây lau nhà, với cái xô ra dọn, rồi mẹ tôi lại bảo: "Đầu năm đầu tháng mà kiểu này... không còn một cắt mà xài nghe ông xã." Tôi cũng hùa theo, song trong sự vui vẻ, mặc cho ba tôi còn nằm chình ình dưới sàn.

- Dạ, dạ, con biết rồi. - Tôi ngồi dậy, thật hết cách với mẹ và ba tôi, cơ mà tôi nghĩ hơi bị ngược ngạo nhở, cái câu đó phải là mẹ hay ba nghĩ mới đúng, thôi kệ đi, ai nghĩ không quan trọng, vì rốt cuộc vẫn là tôi đi chứ có ai khác thay đâu. Tại hắn ta, làm tôi khổ sở thế này. Chả biết sao năm nay lạnh bất thường, tôi phải trùm mấy cái áo thun vào, rồi mặc thêm một cái áo khoác dày bên ngoài, mang găng tay vào, đi đôi giày thể thao màu đen, đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm lên, dắt chiếc xe cúp 81, vòng ra ngoài đường, không khéo người ta lại tưởng tôi là con trai thì đời này coi như bỏ.

Có thể bạn không biết, gia đình tôi ở quận 5 Sài Gòn, nơi đây có một phố thời trang nổi tiếng, mấy du khách đến đây thử đồ cũng rất nhiều. Đằng kia kìa, trong shop Hoài Thương, một ông chồng Việt Nam đang dắt một cô vợ tây vào thử váy cưới, ồ, họ tính định cư ở đây luôn sao, trông thích nhở, nhưng tôi biết chả được dự, còn phải hỏi, vì tôi đâu có quen họ, tự nhiên tôi cảm thấy tiếc hùi hụi, cơ mà sao tôi phải tiếc chứ nhỉ, nhiều lúc tôi cũng chả hiểu mình đang nghĩ gì nữa. Lắc lắc đầu, tôi lại tập trung phi đến chỗ hắn.

Lúc ở bệnh viện, tôi có hỏi hắn ở đâu, thì hắn bảo hắn trọ ở quận 6, hên thiệt, tôi tưởng cũng xa lắm chớ, khỏi mắc công đi nhiều, vì quận 6 nằm kế quận 5 mà. Rồi lúc ấy, tôi lại hỏi sao không bán ở quận 6 mà sang tận quận 5 bán chi cho xa, hắn nói với tôi là hắn dạy kèm cho mấy em nhỏ, nhưng kiểu gì nhà mấy ẻm toàn ở đây. Hằng ngày phải chạy đi chạy lại giữa hai quận mệt lắm, mà hắn còn bảo hắn đâu có đi không, mỗi ngày còn phải mang bọc rau với trái cây để bán tiếp, sáng bán tới trưa, trưa tới nhà người ta dạy kèm cho mấy em, hắn nói chủ nhà nào tốt bụng thì bao ăn cơm, còn không thì nhịn, tới tối về trọ. Hắn còn cười khì khì, nói chủ nhà trọ có nuôi mấy con chó dữ lắm, lại cưng đám chó hơn con họ nữa, ba con được chủ trọ lần lượt đặt tên là Xinh, Thơm, Ngát. Hắn bảo, lúc mới trọ, về khuya, mấy con chó chưa quen hơi hay sao, mà sủa inh ỏi, con Thơm nó cắn cái chân hắn không còn cái gì, lần đó phải xách xe lên bệnh viện chích ngừa, bắt đền thì chủ trọ không chịu, thế là hắn phải gọi cho ba mẹ hắn dưới quê. Nghĩ tới đây tôi sợ quá, rủi tôi tới chỗ, bị cắn, mang cái thân tàn về nhà là chết, vừa dứt cái suy nghĩ đó, tôi đã đặt chân trước dãy nhà trọ của hắn rồi, mấy con chó bắt đầu sủa inh ỏi như lời hắn nói, tôi hoảng quá la làng lên, cũng hên chủ trọ đang tám với mấy bà dì trước sân, thấy vậy liền kêu mấy con chó vô nhà.

- Cháu tới trọ hả? Hết phòng rồi cháu. - Bả - Chủ nhà trọ nói, nhìn mặt bả gian gian kiểu gì ấy, chưa gì mà bả vội xét người ta tới thuê nhà trọ, chắc tôi đứng từ xa nên bả chỉ thấy nguyên cái đống đen xì, nên tưởng tôi không có nhà, rồi nói vậy để tăng giá cao đây. Không phải tôi đoán đâu, tôi nghe từ cái câu chuyện tám của bả đó, không hiểu sao gần đây tôi có cái năng lực nghe người khác nói chuyện dù họ nói rất nhỏ. Sắp sang năm mới mà gặp loại người gì kiêu ngạo thế này, sao giống điềm xui quá, nói thật, tôi thèm chạy vào để bả thấy tôi ăn mặc sang chảnh ra sao, cho bả bẽ mặt chơi, nhưng tôi nghĩ lại, thôi mình làm phước tích đức cho năm sau vậy, chứ bình thường là coi như bả tới số rồi, cơ mà không biết bả tới số hay là tôi tới số nhỉ.

- Không, cháu kiếm Hoàng, bác ạ. - Tôi nói, giọng hơi khinh thường bả, chả biết bả có nhận ra không, mà bả nghe tới tên hắn là mặt bí xị, nhìn kiểu khinh khinh rõ, ờ, chắc do hắn nghèo, nên hắn bị người ta khinh, mà tôi thấy đa số người trong cái dãy nhà trọ này đều y chang hắn, chủ trọ gì mà làm ăn không tích đức cho con cháu gì cả, kiểu này chắc bả lấy giá cắt cổ lắm.

Tôi ngó ra ngó vào một chốc, cuối cùng cũng thấy hắn ra. Hôm nay hắn gọn gàng hơn bình thường, đầu tóc được cẩn thận chải chuốt, đường nào thẳng đường đấy, hắn vẫn mặc bộ áo sơ mi trắng và quần ống đen như cái lần tôi gặp hắn trong tiệm hoa.

- Chào cô.

- Chào, có bộ đồ mặc quài vậy?

- Tôi đâu có dư tiền.

Sau những câu chào hỏi ngắn ngủn đó, thì tôi kêu hắn lên xe, để tôi chở về. Trong lúc cái xe cúp 81 này chạy bon bon trên đường, chúng tôi, không ai nói câu nào, vẫn yên lặng, như chìm vào khoảng không gian riêng, bất chấp sự tấp nập của xứ đô thị phồn hoa và dòng người nhộn nhịp trên đường phố.

-----

- Mẹ ơi, con về rồi. - Tôi nói lớn, rồi nhích nhích, ý là kêu hắn xuống. Hắn ậm ậm ừ ừ một chốc, cuối cùng cũng hiểu, xong hắn vòng chân bên phải sang. Sau đó, tôi hạ ga, chạy qua cái bàn đặt trước cửa để vào nhà, tháo khẩu trang với gỡ nón bảo hiểm, máng lên xe.

- Cháu chào cô ạ. - Hắn cũng đi theo tôi, vào đến thì lễ phép cúi đầu chào, tự nhiên thay đổi gớm, ờ, mà thôi, dù sao tôi cũng bằng tuổi hắn, đâu thể bắt hắn phải thái độ như thế với tôi, sẽ có ngày tôi bắt hắn gọi tôi là "chị đại".

- Mùi nhang thơm nhỉ. - Hắn nói thầm, tôi nghe được, rồi cười, tôi cũng chả hiểu vì sao mình lại cười, thích thì cười thôi, nhỉ. Cũng có lẽ do tôi cũng giống hắn - thích mùi nhang, cơ mà mấy người như tôi với hắn không hiếm, có người còn cầm cây nhang rồi ngửi, thật sự tôi cũng chả biết mình ghiền cái mùi này tự bao giờ, chỉ biết hồi nhỏ, mẹ cúng gì đấy, tôi cứ bám theo, chựt lúc mẹ đốt nhang rồi ngửi, chả biết người khác ra sao, nhưng tôi thấy nó thơm khó tả lắm, song gần đây, tôi đọc được trên mạng là ngửi mùi nhang nhiều sẽ không tốt nên tôi cũng hạn chế rồi, cơ mà lâu lâu cũng ghé tí, nhang nhà tôi xài là loại tốt nên chắc không sao đâu nhỉ.

- Vào nhậu không cháu? - Ba tôi ngồi lót dép kế cái bàn đá thấp dựng trước sân, trên ấy còn có vài ba lon bia với đôi đĩa khô mực, vừa quay qua hỏi hắn, thì ba lại quay sang nhà mấy ông bác bên cạnh, ngoắc tay: "Tí nữa làm ly chú Tư, ông Hai ơi." Ờ, may là mấy người kế nhà tôi rất vui tính, thích xôm xao, nhộn nhịp, cơ mà không phải kiểu đi ra ngoài đường chơi tết, mà là ở nhà chơi tết chung với hàng xóm, có năm nhà ông Hai được con ông mua cho dàn karaoke, thế là rủ cả khu qua hát tới sáng. Nói chung người kế nhà tôi được cái thân thiện với dễ thương hết biết, họ sống theo châm ngôn: "Bán anh em xa mua láng giềng gần.", "Tối lửa tắt đèn có nhau."

- Nửa tiếng nữa tới giao thừa rồi, con vào nhà rót một ấm nước ra đây đi, Nhi. - Mẹ tôi vừa sắp xếp cái bàn cúng, vừa nói, đoạn đưa cái ấm trà cho tôi, thế là tôi chạy hì hục vào nhà, rót cái nước, tiện rửa mặt luôn cho tỉnh, đi ra đường bụi bẩn, dù tôi đeo khẩu trang rồi nhưng vẫn thấy không an tâm, để cái mặt nhờn nhờn vầy, sáng mai mà nổi mụn thì nguyên năm coi như xong, vì mai là mồng một mà, là ngày đầu tiên của năm đó, nghĩ tới đây làm tôi háo hức ghê.

Xong, tôi đem cái ấm ra cho mẹ tôi, rồi lặng lẽ nhìn ba tôi đứng ngay cái tường, trèo lên, chào ông bác hàng xóm, sau lại quay qua nhìn hắn. Hắn đang nom cái cành mai để ở giữa nhà, chính là cái cành mà hắn chọn trong tiệm hoa đó. Hắn ngắm nghía, đầy vẻ yêu chiều và dịu dàng, ờ, con người này lâu lâu cũng lãng mạng phết nhờ, cành mai có gì mà hắn chăm chú thế, nó đặt biệt lắm à, chắc tại tôi không có khiếu cảm nhận cái đẹp cũng nên.

Nghĩ đoạn, tôi chợt nhớ tới cái đống hạt hướng dương trong rổ ở dưới nhà mà mình chưa kịp bóc hạt nào, tô đậu phộng nữa, cơ mà tôi ăn rồi nhỉ, còn vỏ đống đó ra, dù hắn là người tôi ghét, nhưng mà như lúc nãy tôi nói ấy, đầu năm đầu tháng nên tích đức một chút, để khách ăn đồ thừa là không nên.

- Ăn lấy thảo. - Bưng cái rổ hạt hương dương ra, tôi nói, rồi kéo cái ghế nhựa, ngồi xuống, ờ, tôi bảo cái ghế nhựa, chắc bạn sẽ nghĩ đó là một cái ghế cũ và lùn, nhưng sự thật thì cái ghế này cao và có cả điểm tựa, để tương đương với cái bàn, cũng chả phèn lắm đâu nhỉ. Rồi không nói không rằng, tôi tóm ngay một cái hạt to nhất, vỏ của nó có màu đen với mấy sọc trắng, trông cũng rất bắt mắt, tôi đập hạt tách vỏ ra rồi bỏ vào miệng, thấy nó cũng chẳng có vị gì mấy, ăn cho vui vui miệng vậy thôi.

- Cảm ơn cô. - Hắn cũng tự nhiên ngồi xuống, tự nhiên bóc rồi tự nhiên ăn, ờ, người ngoài nhìn vô cứ tưởng hắn là người nhà cũng không chừng, song nếu để ý thì có cái gì đấy lấn cấn ở đây. Hiện tại, chúng tôi chẳng nhìn nhau, mà cứ nhìn ở đâu đâu ấy, hắn thì nhìn ra cổng, tôi thì nhìn vào trong nhà, lâu lâu, tôi thử liếc coi hắn ra sao rồi, mà bất chợt thấy hắn cũng liếc sang tôi, mặt giáp mặt, mắt chạm mắt, hoảng hồn một cái, tôi với hắn đồng thời quay về vị trí cũ, sao tôi thấy tim mình đập nhanh quá chừng, không lẽ tôi thích hắn, không, sao tôi có thể thích hắn được chứ, thật vô lý.

- Tới giờ rồi, ra cúng con. - Mẹ tôi ở ngoài nói, hên thiệt, nếu mẹ tôi không lên tiếng thì chả biết cái hoàn cảnh éo le này sẽ diễn ra bao lâu nữa đây. Nghe xong, như được cái cớ tẩu thoát, tôi liền hối hả ra ngoài, rồi bỗng lại cười toe toét như nắc nẻ, ờ, tự dưng bị khùng vậy đó, cảm giác nó giả tạo kiểu gì.

Tôi, ba tôi, mẹ tôi bắt đầu quỳ trước sân, mấy nhà hàng xóm khác cũng vậy, không khí xung quanh bắt đầu trở nên thiêng liêng hơn, rồi đột nhiên mẹ tôi kêu hắn ra trước cổng, không biết chi nữa, nhưng có vẻ hắn dường như hiểu ra điều gì đó, gật gật, rồi cười nhẹ một cái, vâng vâng dạ dạ xong đứng chờ theo lời mẹ tôi. Cái góc giày của hắn thò lò, tôi nhìn, cứ nhìn chăm chú như thế, như hắn ngắm cái cành mai mà hắn chọn vậy, chỉ là một đôi giày cũ kỉ, sao tôi lại chú ý thế, hay vì tôi cảm thấy nó đẹp về một khía cạnh nào đó, khi mà nó được hắt sáng bởi ánh đèn đường, ở gần hắn riết rồi tôi cũng được hưởng cái khả năng cảm nhận cái đẹp của hắn à.

- Nhi, lạy con. - Mẹ tôi nói, làm tôi giật nảy mình, bối rối, hối hả lạy theo ba và mẹ tôi. Chúng tôi lần lượt lạy các hướng đông, tây, nam, bắc, tôi cũng chả biết làm gì nữa. Mẹ với ba tôi chắp tay, nhắm mắt, lẩm nhẩm cái gì đó không rõ, còn tôi chả biết gì, cứ chắp tay theo thôi, những lễ cúng thế này tôi không rành lắm, chỉ làm theo người khác. Được một chốc thì xong xuôi, tôi đứng dậy, vươn người, nói thật lúc quỳ rạp xuống lưng tôi khá mỏi, chắc là do tôi làm biếng từ ngày này qua ngày khác, năm nay tôi phải siêng vận động hơn mới được, cơ mà chẳng biết làm được không nhỉ, hình như tết năm ngoái tôi cũng đã tự hứa với mình như vậy.

- Hoàng, xông đất đi con.

- Phải đó.

Ba mẹ tôi cùng nói, sao đột ngột thế, mà có vẻ họ tính từ trước rồi, sao ba mẹ không hỏi ý kiến của tôi gì hết vậy, tự tiện quyết định thế là sao. Hay do ba mẹ hiểu lầm tôi với hắn là một cặp, vậy lúc trong bệnh viện, tôi nghĩ đâu có sai, mà ban nãy hắn cũng tỏ vẻ hiểu và đồng tình lắm, chả lẽ hắn biết, đúng là có âm mưu từ trước mà, cơ mà hắn cũng tận dụng cơ hội quá nhỉ, nhưng hắn có thích tôi đâu, sao phải làm vậy, ờ, mà nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, tuổi hắn đồng tuổi tôi, mà tuổi tôi lại hợp với năm nay, nên suy ra tuổi hắn cũng sẽ hợp, ờ, chắc vì vậy ba mẹ tôi mới kêu hắn xông đất, chứ tôi là người nhà mà sao xông đất được, chắc tại tôi nghĩ quá nhiều rồi.

Nghe xong, hắn bước vào nhà, cùng với sự cười đùa của mọi người.

- Chà, năm nay có thằng Hoàng xông đất, nhà mình sẽ làm ăn phát đạt nhỉ, bà xã.

- Đúng vậy.

Rồi tôi chợt nhận ra, mấy ông bác hàng xóm kế bên nhà tôi, cúng xong lại đứng bên hàng rào chựt nãy giờ, nên chắc họ nghe hết rồi, thấy bên nhà tôi xong xuôi, thì các bác liền ngoắc tay bảo:

- Thằng Hoàng, con Nhi qua nhà bác xông đất cái coi, bác lì xì cho nè.

- Qua nhà bác Ba rồi nhớ qua nhà chú nha mấy con.

Thế là, chúng tôi tự nhiên bị ghép thành một cặp, cùng nhau qua từng nhà, cùng nhau xông đất, cùng nhau chúc tết, rồi lại cùng nhau nhận lì xì, mọi thứ đều cùng nhau như thể nó vốn dĩ là như thế, tâm tư tôi chợt rối rắm khôn nguôi, lẳng lặng nhìn lên trời cao xa thẳm, chợt thấy một đôi cánh mai bay ra từ ngõ hẻm, rồi cũng cùng nhau đáp xuống một chiếc vòng bạc trái tim.

#Bon. Giao thừa ( 31/1/2022 )

Tây Ninh

/ Mất lượt tàu hoả, được vé người thương /

--- End ---

Chuyện đầu năm, khởi đầu của một cuộc tình đẹp nhé :33, ây dô, có lẽ tới cuối năm ta sẽ được ăn đám cưới nè.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top