III.2

Bóng ai trong khói lam chiều
Ru con mẹ hát câu hò à ơi
Bắt võng tréo mảy ngó ra
Thấy con gà trống bới mồi cho con

----


Tôi đi qua bàn nhân viên bảo vệ để lấy thẻ, rồi chạy vào gửi xe, xong gấp gáp, co cẳng vào bệnh viện, chính vì hối hả như thế, mà tôi ném bị ngã, vì ở giữa thềm có một cái rãnh nhỏ, đang đi thì dép tôi mắc vào trỏng.

- Chị ơi, chị cho em hỏi bệnh nhân Nguyễn Trần Minh Hiếu ở đâu vậy chị?

- À, ở phòng thường số hai đó em.

- Cảm ơn chị. - Tôi nói xong, chạy vù lên, phòng thường... vậy chắc ổn rồi nhỉ. Vừa chạy tôi vừa nhìn các ô số dán bên trên cửa các phòng, số năm, số bảy, số ba, a, kia rồi, số hai, phòng của ba tôi gần cuối hành lang. Tôi đến, mở cửa, ba tôi ở trỏng thật à, lén lút ngó vào trong, ba tôi kia, có cả mẹ nữa, và...

- Ủa ai đây mẹ? - Tôi đi qua giường của các bệnh nhân khác, đến giường ba thì thấy một người con trai "quen" mặt. Rồi lại lẳng lặng nhìn ba. Hai ba con chúng tôi không hay thể hiện tình cảm, với cả, từ khi lên cấp hai, tôi cũng chẳng còn quấn quýt ba mẹ tôi nữa, cũng chẳng còn chia sẻ nhiều, ờ, mà nhiều lúc tôi thấy mẹ tôi thương tôi hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là ba không thương tôi. Vào một ngày năm cấp ba, sụp tối, cũng khuya lắm, tôi phải chạy xe qua một con hẻm vắng, vì đó là đường tắt nhanh nhất để về đến nhà, và... tôi lúc đó cũng buồn ngủ. Đang chạy giữa chừng thì gặp một đám du côn, buông lời nhạo mạn, chúng nó chưa kịp đến gần tôi thì một cái xe khác từ đằng sau lao ra cái ầm, là ba tôi, lúc đó tôi kinh ngạc vô cùng, sau, tôi và ba cùng về nhà, rồi ba tôi không nói gì nữa, tôi cũng không nói gì. Vài tháng sau, ba tôi nhậu lai rai với mấy ông bác hàng xóm, trong lúc xỉn, ba kéo tôi lại trong lúc tôi đang đi vào nhà, bảo: "Nè, mấy ông xem đi, tôi là tôi phải xách xe theo nó cả mấy năm trời, chứ con gái con đứa mà cứ có cái tật chui vô hẻm vắng, nguy hiểm nguy hiểm, mấy tháng trước nó gặp đám du côn, tôi bay ra cứu nó chứ ai. Phải không con?" Rồi ba tôi say be bét, gục xuống với cái mặt đỏ lừng, lúc ấy, tự nhiên sao trong cổ có cái gì nghẹn nghẹn, bình thường là tôi kêu mẹ dìu ba vô, nhưng khi ấy tôi không kêu nữa, đích thân dìu ba vô. Tôi nghĩ ngợi, rồi lại quay mặt sang hắn, lườm:

- Sao anh lại ở đây? - Tôi nói, rồi lại lặng lẽ nhìn ba. Chân ba tôi bấy giờ quấn một miếng băng to đùng, trông rất nặng nề, kiểu này chắc cả tháng mới lành quá, mà.. nghe nói đụng xe tải cơ, đột nhiên tôi nhớ đến cái xe hồi nãy làm ướt áo tôi, có phải lão ta đụng ba tôi không?

- Tôi về quê thì thấy. - Hắn nói, rồi hắn nhìn ra ngoài cửa, trong đáy mắt có cái gì đó buồn buồn. Một cơn gió thổi cánh mai bên ngoài cửa sổ vào, do giường ba tôi cũng gần cái cửa, nên cánh mai lượn vài vòng rồi đậu lên trên đầu hắn. Hắn như biết được, nhẹ lấy cái cánh mai xuống, nghiêng đầu ngắm nghía một cách yêu chiều, hình như... hắn đang cười? Rất nhanh, hắn lại trở về với cái dáng vẻ ban đầu, nhưng vẫn không giống với vài ngày trước tôi gặp, trông hắn bây giờ có nét buồn buồn, như cành dương liễu rung rinh trong ánh ban chiều.

- Ủa anh về bằng cái xe đạp cùi ấy à. - Ngày trước, tôi đi mua rau bên hàng quán của hắn, thấy trong hốc sạp có một xe đạp cũ kỉ, đến bàn đạp cũng không có, cả cái xe đều toàn màu nâu đỏ, ấy là màu rỉ của đồ sắt đã cũ, cái giỏ xe cũng thủng một lỗ lớn, rồi thấy một đống dây kẽm hơi mới bao lên, chắc hắn tự sửa. Ờ, tôi thấy đấy, nhưng không nói gì, dù sao thì lúc đầu gặp, tôi nhìn sơ đã biết hắn là người ở dưới quê lên đây học rồi, nhìn bộ tướng thư sinh với ốm nhách thế mà.

- Tôi chạy ra mua vé tàu. - Hắn nói, vẫn chăm chú nhìn cánh mai trên tay, vẫn đôi mắt đượm buồn ấy. Trong đôi mắt hắn, dường như có cái gì đó sâu thăm thẳm, sâu tới nỗi tôi không thể với tới được, như rãnh Mariana - Nơi tận cùng của trái đất. Nếu nhìn lâu quá, có thể bạn sẽ bị hút hồn, vô thức nhảy vào đó, rồi chết lúc nào không hay, ờ, tôi đang diễn tả cho bạn hiểu, ý là lúc tôi nhìn hắn, tôi có cảm giác như thế.

- Nhà anh ở đâu mà phải mua tàu? - Tôi hỏi, rồi nhìn qua bên cửa, có một nhân viên dọn vệ sinh bước vào, hình như người ta ở đây toàn dọn từ giường cuối ra giường ngoài, nên chị vào chỗ chúng tôi trước, tôi xích xích ra cho chị quét, vài mảnh bông gòn dưới chân giường theo cây chổi của chị mà được lôi hết ra ngoài.

- Nhà tôi ở Quảng Trị. - Hắn nói, không ngắm cánh mai nữa, hắn từ từ vo cánh mai thành một cục tròn nhỏ, cánh mai bị dập, một vài chỗ chuyển nâu. Hắn thở dài, vứt vào cái thùng rác kế bên, vừa đúng lúc chị nhân viên đem thùng lên xe, đẩy đến giường bên cạnh

- Nhà anh ở miền Trung hả? - Tôi ngạc nhiên hỏi, rồi như thấy mình hơi lố, tôi vội trở về bình thường, ờ, tại tự nhiên cứ nghe ba với mẹ tôi ngồi bên cạnh cười khúc khích, tôi mải nói chuyện với hắn, nên quên bén ở đây còn bao nhiêu người khác nữa. Thấy tôi nhìn, mẹ ghé tai ba tôi, thì thầm, không hiểu sao tôi vẫn nghe rõ, như thể không phải mẹ ghé vào tai ba tôi, mà là tai tôi.

- Suỵt, mình im cho tụi nhỏ nói chuyện.

Tôi nghe xong mà thấy bụng dạ mình sôi lên, ba mẹ hiểu lầm rồi thì phải. Thực tế thì tôi chẳng có cảm tình gì với hắn, từ lần đầu gặp mặt - cái lần mà hắn tỏ ra như mình là một ông thầy giáo làng. Tôi bình tĩnh, không nghĩ ngợi nữa, lại quay qua hắn, hỏi tiếp:

- Này, anh lừa tôi đúng không? Người miền Trung sao mà nói chuyện y như miền Nam thế.

- Vì mẹ tôi là người miền Nam, nên tôi đương nhiên phải nói chuyện giống người miền Nam rồi, như cô thôi, cô thân với mẹ cô hơn đúng không? Tôi cũng vậy thôi, nói chuyện với ai nhiều thì riết thành quen miệng, mình nói theo lúc nào không hay. - Hắn nói, lại giảng dạy như một ông thầy có tuổi, nếu không thấy mặt, thì có ai ngỡ rằng hắn là sinh viên đâu, vì hắn nói năng cứ như người lớn vậy, rất triết lý, và có vẻ cũng đúng, hắn nói mà tôi không cãi được, vì thuyết phục lắm. Tôi chỉ thắc mắc tại sao hắn biết tôi thân với mẹ tôi hơn, hắn nhìn điệu bộ của tôi chăng, ờ, phải không nhỉ, hắn có vẻ thích quan sát và ngẫm nghĩ về mọi thứ. Với cả, tuy đồng trang lứa, nhưng hình như hắn chững chạc hơn tôi nhiều, có thể vì hắn sống ở miền Trung nhỉ, nghe nói miền Trung rất khó khăn, nhất là trong mùa nước lũ, cộng với việc hắn lên đây tự học với kiếm tiền, thì cũng giúp tính tự lập của hắn cao hơn tôi, cũng nhiều kinh nghiệm sống hơn, cuộc đời đã tôi luyện cho hắn một sự trưởng thành hơn bao người khác, và cũng vì điều đó, mà nếu để ý, thấy hắn có vẻ già trước tuổi, và đó cũng là lý do vì sao, mọi điều hắn nói, tôi không thể cãi được, hắn luôn cho tôi vào thế bí, những điều hắn nói cũng không sai. Tôi chẳng moi ra được lý do nào mà cãi với hắn, lúc này, tôi chợt nhận ra mình thật trẻ con, khi đang nghĩ cách để ráng gân cổ mà đấu khẩu với hắn để giành chiến thắng, và... dường như chỉ mỗi tôi nghĩ ra cái điều trẻ con đó, tôi thấy hắn chỉ nói thôi, dường như không quan tâm rằng ai thắng, ai thua, hắn chỉ muốn người ta hiểu. Có vẻ đây là một sự khác biệt giữa tôi - một kẻ mười tám năm trời được đùm bọc trong tổ ấm, và hắn - một người phải đương đầu với khó khăn từ bé, khi chưa đủ lông cảnh mà phải đã bước ra đời để tự bươn chải cuộc sống của chính mình.

- Thế chừng nào cháu về quê? - Mẹ tôi hỏi, trong lúc vừa mở cái hộp cháo ra. Tôi nhìn hộp cháo, không phải vì tôi thèm, mà tôi đang nhìn theo làn khói, khói toả nghi ngút, tôi chẳng biết mình đang nghĩ cái gì nữa.

- Hôm nay là đợt bán vé cuối rồi. - Hắn nói, rồi hắn cười, một nụ cười gượng gạo, nếu không để ý thì sẽ không biết đâu. Người ta thường nói: "Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn", có lý do người nói như thế, vì những đôi mắt đều biết nói, hơn thế, nó không bao giờ nói dối, dù cho chủ của nó muốn đi chăng nữa, nó vẫn phản ánh sự thật về cảm xúc của chủ nó, trừ phi ý thức của chủ nó mạnh mẽ hơn nó thôi, chủ nó sẽ ghìm nó lại, và nó sẽ không thể hiện được bất cứ thứ cảm xúc nào, dù cho bạn nhìn thật chăm chú, bạn vẫn chỉ thấy đó là một đôi mắt vô cảm, nhưng đó là trường hợp hi hữu, rất ít người làm được việc này. Bấy giờ, dù cho miệng hắn vẫn cười, nhưng đôi mắt hắn không thật sự vui, nó buồn như giấc chiều của mùa thu vậy, khi mà những chiếc lá vàng rơi trên thềm nhà, cạnh một đôi móc và cuộn len màu tím nhạt.

- Thế cháu không về quê được à? - Ba tôi nằm trên giường, nói, rồi lại tiếp tục ăn. Múc từng thìa cháu bỏ vào miệng nhai. Ba tôi thích ăn cà rốt lắm, dù ba là người trưởng thành, nhưng mỗi lần mẹ tôi nói làm canh thì ba tôi lại cười cười, bảo: "Nhớ có cà rốt nghe bà xã." Ba tôi mê món cà rốt như con nít mê quà, mỗi lần thấy cà rốt là mắt ba sáng ngời, lúc ấy ba lại đùa: "Ăn cà rốt sáng mắt là đúng rồi". Biết thế, nên bữa nay mẹ tôi mới thêm cà rốt vào cho ba tôi ăn, để ba tôi vui, cũng như mau khỏi bệnh mà sớm về, cũng gần tết rồi chứ đâu có ít ỏi gì nữa.

- Không ạ. - Hắn đáp, rồi hắn lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Nom hắn, tôi bất chợt cảm thấy lạc lõng và cô quạnh. Có lẽ đây chính là cảm giác của hắn khi vừa mới bước chân lên thành phố, tựa như con chim non rời tổ, tự mình sải cánh bay đi để tiếp tục cuộc hành trình còn dang dở. Tôi lại chợt nhớ đến lúc đến lúc hắn bán rau quả ngoài chợ, nhìn hắn bán buôn, lúc nào cũng vui vẻ và cười tươi như thế, người ta đâu biết rằng hắn đã cực khổ ra sao.

- Thế năm nay sao anh ăn tết được? - Tôi ngỏ lời, ý muốn hắn đến nhà tôi chơi, không phải vì tôi thích hắn, mà là tôi thương xót hắn, cũng là phần vì hắn đã cứu ba tôi, tôi muốn đền ơn, bạn biết không, tôi là tôi ghét nợ ơn người ta lắm, nó cứ bứt rứt, khó chịu làm sao, ai tôi không biết, nhưng tôi thì tôi trả liền cho xong, kẻo mai sau, người ta tới nhà mình đòi nợ, nếu mà kể công được, người ta lại kể công suốt đời, lúc đấy chẳng biết làm sao, không trả thì thấy mình có lỗi, mà trả thì cảm thấy sao mà trả mãi vẫn không hết, cuối cùng chả ra sao, nôm na gọi là lỗ.

- Tôi cũng không biết nữa. - Hắn đáp với một chất giọng u sầu, hắn luôn che giấu người khác về nỗi nhọc nhằn, không muốn để người khác bận tâm mà ảnh hưởng đến cuộc sống, hay nỗi niềm của hắn luôn lặn sâu trong tâm trí, để rồi phút chốc, một sự việc xảy đến, tựa như một giọt nước tràn ly, lại làm hắn nhớ đến mà đau khổ.

- Thế cháu đến nhà bác chơi đi. - Mẹ tôi vịn vào thành giường, bảo. Tự nhiên, tôi nhận ra trên tóc mẹ, có vài sợi tóc đã ngả màu. Thời gian trôi nhanh như thế sao, bao năm thoáng qua tựa một cái chớp mắt.

- À thôi bác. - Hắn đưa tay ra sau gáy.

- Thôi gì, cháu là ân nhân của bác mà. - Ba tôi nói, cũng tỏ ý đồng tình với mẹ tôi, đôi mắt ba sáng ngời niềm vui trên khuôn mặt đầy những nốt tàn nhan màu sạm, có vẻ ba cũng muốn giữ hắn lại. Cả nhà tôi đều đồng tình việc này. Mà, ba mẹ tôi có vẻ mến hắn, hay vì hắn là ân nhân của gia đình tôi.

- Dạ... thì... - Hắn đáp ngắt quãng. Tôi chăm chú, nhìn hắn, trông hắn có vẻ mông lung lắm, rồi tự nhiên hắn lại cắn móng tay mình, trong cái sự trưởng thành, hắn cũng có nét trẻ con nhỉ, chắc hắn đang căng thẳng lắm, vì lúc tôi rối bối bởi một điều gì đó, thì, tôi cũng cắn móng tay giống hắn, đó là một thói quen, một hành động vô thức để giải toả căng thẳng.

- Nè, anh tính nói gì thì nói lẹ giùm tôi cái. - Tôi mất kiên nhẫn, nói, sao tôi có cảm giác mình đang bắt nạt anh ta quá. Ờ, hồi cấp một với cấp hai, tôi tự xưng mình là "Bà hoàng", nghĩ lại cũng mắc cười, chả hiểu sao mấy bạn ấy lại sợ mình chỉ vì cái danh đó, có thể tôi hay nói năng dữ dằn giống tụi con trai, dù sao tôi cũng chẳng làm gì họ cả mà.

- Ừ.. rảnh thì tôi qua. - Hắn đáp với một nụ cười nhẹ tựa ánh ban mai, và.. trong đáy mắt hắn, lúc này có cái gì đó ươn ướt, thì phải.

....

Một luồn gió mát thoảng qua, đưa chiếc cỏ bốn lá vào phòng, đậu trên rìa cửa sổ, dường như không ai để ý tới. Nó vẫn lẳng lặng nằm trên đó, cho đến ngày hôm sau...

#Bon 🍀

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top