Chương 1
Tôi chợt thức giấc khi cơn giông ngoài kia liên tục rít lên những âm thanh ghê rợn và tiếng va đập chát chúa của những cành cây khẳng khiu liên tục lên bề mặt lớp kính khiến tôi không tài nào ngủ được. Tôi vò đầu, khuôn mặt lộ rõ vẻ tức giận và một chút khó chịu khi giấc ngủ của tôi bị phá vỡ bởi thời tiết ngoài kia, phần nào cũng do giấc ngủ ngắn hạn lúc nãy của tôi cũng không êm đẹp lắm. Tôi khua tay trong bóng tối, cố vớ lấy chiếc đồng hồ quả quýt tôi thường đem bên mình được đặt trên chiếc bàn bên cạnh, đoạn thở hắt ra một tiếng đầy thất vọng khi đồng hồ chỉ điểm gần ba giờ sáng. Tình trạng này đã diễn ra gần như cả tháng, tất nhiên, tôi cũng có đi gặp bác sĩ, nhưng dường như họ chỉ có thể cho tôi một số lời khuyên chung chung như hãy thắp nến thơm, đọc một cuốn sách hoặc đếm cừu. Không ai trong số họ thực sự chẩn đoán ra nguyên nhân hoặc giúp tôi đưa ra lời khuyên thích đáng, hoặc có thể, nhưng họ vẫn muốn giông dài một chút để kiếm chác chút đỉnh. Vốn dĩ, thời gian phục vụ cho quân đội cũng đủ giúp cho tôi có được một chút vốn liếng để sống một cuộc sống dễ thở hơn trong thời đại xoay chuyển của xã hội sau khi bước ra khỏi bức màn của chiến tranh. Người ta thường nói, chiến tranh khó khăn một thì thời hậu chiến phải khó khăn mười. Tôi vốn dĩ không đồng tình với việc đó, vì việc phải chật vật giữ mạng cho mình trên chiến trường quả thực rất khó khăn, với lại, tôi cũng được trợ giúp phần nào về kinh tế sau cuộc chiến khốc liệt này. Nhưng đó là trước khi tôi thực sự hòa nhập vào cuộc sống của những người ở vùng hậu phương, tôi mới thực sự hiểu ra, họ phải chật vật và khốn đốn tới mức nào để có thể vùng vẫy trong vùng biển đầy sự biến động này.
Có lẽ chứng mất ngủ của tôi hiện giờ vẫn đang tung hoành trên khắp thị trấn, từ những đứa trẻ sơ sinh đói sữa khóc oe oe cả đêm không ngớt, những bà mẹ lầm lũi, gầy rạc bơ phờ trên giường nhìn những đứa con thơ, trong hốc mắt không giấu nổi nỗi mệt mỏi và uể oải. Những chàng thiếu niên, những người chồng còn sống sót trong trận chiến, đem theo cả những vết tích chiến tranh trên cơ thể và một tâm trí bị mai một một cách tàn nhẫn, từ những gương mặt sáng sủa, phúc hậu giờ cũng trở nên cộc cằn, cau có với những cơn đau nhức khủng khiếp phát ra từ đôi chân hay đôi tay bị cụt, những cơn ác mộng lôi họ từ trong giấc ngủ đứt quãng dậy với một cơ thể đầy mồ hôi và sự sợ hãi, cứ như thể viên đạn hoặc mảnh bom vô tình ấy vừa mới cắt đứt một phần cơ thể của họ nhẹ nhàng như cách các y tá cắt phăng sợi chỉ mỏng để khâu vết thương cho họ.
May mắn là chân tay tôi không làm sao cả. Mặc dù cơ thể tôi cũng phải chịu không ít thương tích, nhưng so với những người đồng đội cùng vào sinh ra tử với tôi thì chúng cứ như chỉ là vết kiến cắn. Tôi đã từng chứng kiến những cánh tay rụng rời bê bết máu, những đôi chân giây trước vẫn còn lành lặn, giây sau đã phải tạm biệt chủ nhân của nó mà nằm lại một nơi. Cũng không ít lần, tôi đã nhìn thấy những thi thể không còn nhận diện được khuôn mặt, và những xác chết chất chồng trên thùng xe như những chiếc bao tải mềm nhũn khiến tôi kinh sợ, nhưng tôi luôn tự nhủ bản thân phải thật cứng rắn. Bởi vì, biết đâu chừng, nếu tôi để cho những nỗi sợ thầm kín trong lòng mình tuôn ra ngoài một cách không kiểm soát, thì ở một góc khuất nào đó cũng sẽ có một viên đạn luôn chực chờ găm vào trái tim tôi và ngay lập tức lấy đi mạng sống của tôi.
Tôi cố trở lại giường và đi ngủ, nhưng tiếng gió thét gào và tiếng cành cây liên tục đập vào cửa sổ như thể nó đang cầu xin tôi hãy cứu rỗi nó khỏi cuộc đời đầy giông tố của nó. Tôi cảm giác như tôi đang hóa thân thành Johnsy, ngày ngày nằm trên chiếc giường với hi vọng chiếc lá thường xuân mong manh kia sẽ níu giữ lấy sợi dây sinh mệnh mong manh của mình, và rằng sẽ có cụ Behrman nào đó xuất hiện, đội mưa đội gió vẽ lại chiếc lá thường xuân ấy để thay tôi thắp nên ngọn lửa sinh mệnh heo hắt.
Thật ra tôi biết, chẳng có ai gọi là cụ Behrman ở đây cả, và tôi cũng chẳng phải Johnsy. Không, thật ra ai cũng là Johnsy cả. Ai cũng mang trong mình một căn bệnh khó tả nào đó, và luôn luôn ngóng trông vị anh hùng của mình sẽ xuất hiện vào thời khắc tăm tối nhất của cuộc đời họ. Có thể có, có thể không. Nhưng càng tuyệt vọng, càng cùng cực, họ lại càng cố níu lấy chút hi vọng mong manh mà khi đủ đầy và thỏa mãn, họ coi nó chỉ như là một mẩu bánh mì thừa chỉ đáng vứt cho chim tha quạ mổ, mà giờ đây, chỉ với mẩu bánh mì thừa ấy cũng có thể cố cho họ cầm hơi được dăm ba ngày trước khi tìm thấy được một mẩu bánh mì khác thay thế.
Có lẽ tôi sẽ không thể ngủ được...
Đúng như dự đoán. Tôi vẫn không ngủ được.
Đồng hồ điểm 3:17 sáng. Mới chỉ khoảng 20 phút kể từ lúc tôi thức dậy. Tôi không biết với chừng ấy suy nghĩ thì thời gian đang trôi nhanh hay chậm nữa, chỉ biết mà mắt tôi vẫn đang nhìn chằm chằm lên trần nhà trong suốt khoảng thời gian ấy. Tôi bắt đầu sinh ra ảo giác, tưởng tượng đâu đó sẽ có một con nhện to bằng cả bản tay, một con thạch sùng dài bằng cả cây gậy chỉ nhạc, hay thậm chí mà một con quái vật gớm ghiếc nào đó sẽ nhảy xổ vào tôi khi tôi vừa chớp mắt một cái. Tôi cố lăn lộn trên giường, đoạn giãy nảy như một con cá sống nằm trên thớt mà không mảy may về số phận của nó, hay nằm úp mặt xuống gối sổ một tràng những từ ngữ khó hiểu như đang niệm phép để xua đuổi phù thủy. Thật ngu ngốc, tôi nghĩ. Mày thật ngu ngốc, Rosalyne, thật ngu ngốc.
Tám phút nữa đã trôi qua, giờ đồng hồ đã điểm 3:25 sáng. Tôi quyết định ngừng giãy nảy, như một con cá đã chịu một cú chém dứt khoát và mạnh bạo mà thôi giãy nảy, đầu của nó bị gạt đi và rơi xuống như thể báo hiệu cho một nhà độc tài hoặc một vị hoàng đế nào đó bị dân chúng xử tử công khai. Sau khi xỏ chân vào đôi dép để dưới giường, tôi quyết định đi pha cho mình một tách trà nóng rồi ngồi ở phía đối diện nguyên nhân khiến tôi mất ngủ. Có lẽ nó đang cảm thấy khó chịu với phong thái ung dung của tôi nên gió càng ngày càng rít mạnh lên, và cành cây đáng thương kia cũng không tránh khỏi số phận bị vạ lây.
Tôi trầm ngâm suy tư trong khi hơi ấm của tách trà vẫn đang tỏa ra và làm ấm đôi tay lạnh lẽo của tôi. Tâm trí tôi dần mơ màng theo từng đợt khói nhả, mặc cho cơn mưa ngoài kia vẫn cố gắng để gây sự chú ý cho tôi. Loại trà mà tôi đang uống là quà mà chủ nhà tặng cho tôi, nói rằng nó sẽ giúp thần kinh của tôi bớt căng thẳng, dễ đi vào giấc ngủ hơn sau khi nghe được tình trạng của tôi ở đâu đó. Với tính cách của bà ấy thì đúng là không có gì không lọt được vào tai bà cả, nhưng bà không hề lấy nó ra làm chủ đề để bình phẩm khi nói chuyện phiếm với người khác, trái lại, bà rất quan tâm đến những vị khách thuê trọ của mình và coi họ như con cháu trong nhà. Tôi hiểu cảm giác của bà, một người phụ nữ lớn tuổi, chồng mất sớm, đứa con trai duy nhất bà hết mực yêu thương lại trở về với bà bằng một tờ giấy báo tử. Dù không nói ra, nhưng tôi biết trong lòng bà vô cùng nặng trĩu, những tiếng thở dài nối tiếp nhau tuôn ra thật não nề từ khuôn miệng móm mém của bà. Tiếng kim đan liên tục va vào nhau tạo thành những tiếng lách cách nhỏ nhanh chóng bị áp đi bởi âm thanh phát ra từ những khúc củi khô cháy rực trong lò lửa, toát lên một vẻ trầm ngâm khó tả trên khuôn mặt của bà. Đêm nay bà cũng mất ngủ giống như tôi, và tôi chỉ mới nhìn thấy khi lén nhìn bà qua thanh chắn của cầu thang.
Tôi tính trốn bà ra ngoài để đi uống rượu đêm, nhưng tiếng kẽo kẹt mà tôi vô tình tạo ra khi bước chân xuống đã báo cáo tội trạng của tôi cho người bên dưới. Bà Magarett nhanh chóng đặt chiếc khăn đang đan dở sang một bên, quay ra sau và gọi khe khẽ.
"Rosalyne, hôm nay con lại lén ta đi uống rượu sao?"
"Rượu? Không, con bỏ lâu rồi. Bác sĩ đã dặn là con không được uống rượu cho tới khi..."
"Chà, không phải hôm trước thằng nhóc Lucas đã vác một đứa nhóc xỉn quắc cần câu ở chỗ quán rượu của lão Wolfgang sao? Hay là già cả rồi nên ta nhớ nhầm nhỉ?"
Bị nói trúng tim đen khiến tôi ngay lập tức im lặng, không thể nói nên lời. Quả là người già cao tay, vì thế mới có câu nói "Kẻ cắp gặp bà già."
Tôi biết là tôi sẽ không có cơ hội thanh minh cho tội lỗi của mình, vì vị thẩm phán cao tay kia đã nắm thóp được tôi, có chối cũng không chối được. Tôi thở dài nhìn bà, ánh mắt lộ rõ vẻ hối lỗi và nịnh nọt, như cách mà một đứa trẻ hay làm để tránh bị khiển trách khi nó vô tình làm vỡ bình hoa yêu thích của mẹ vì mải nô đùa với con mèo.
"Bà à, con chỉ là..."
Tôi vừa nói, vừa ngước đôi mắt to tròn, giả bộ rưng rưng lên với bà để tìm cơ hội nói chuyện với bà, nhưng có lẽ là do diễn xuất của tôi quá dở tệ, nên từ cái thời còn đi học, tôi chỉ đứng lên sân khấu một lần duy nhất, đó là trong buổi biểu diễn kịch của trường, vì "nhân vật chính" của vở kịch, nàng "Juliet" xinh đẹp, bất ngờ bị cảm vào phút chót và không thể lên sân khấu, khiến một người dự bị như tôi phải chạy đôn chạy đáo suốt hai ngày ngắn ngủi để tiếp nối vở kịch này. Mọi người vốn đã hi vọng vào nó, nhưng tôi vốn không phải kiểu con gái thục nữ, dịu dàng nết na điển hình, nên suốt quá trình "diễn" ngày hôm ấy, tôi chỉ có thể trưng ra được bộ mặt hết sức gượng gạo mà tôi cho rằng là tôi đã cố gắng để làm cho nó trở nên tự nhiên hơn. Thật tồi tệ, tôi đã nghĩ, và càng tệ hơn khi mọi người bắt đầu truyền tai nhau cái biệt danh "Rosalyne Mặt Đơ" hay "Juliet Vô Cảm" đã phá hỏng cái nghệ thuật và sự lãng mạn của vở kịch ấy.
Đau đầu hơn là cái biệt danh ấy vẫn ám lấy tôi kể cả khi đã trưởng thành, cho tới tận lúc tôi nhập ngũ, chẳng hiểu sao cái biệt danh ấy vẫn văng vẳng bên tai tôi khiến tôi vừa tức vừa buồn cười, khuôn mặt nhiều lúc còn đỏ hơn cả màu tóc của tôi. Mặc dù có chút xấu hổ và không dám thừa nhận, nhưng trong tình huống này, tôi vẫn phải cố "diễn" một chút để lấy lòng bà Magarett.
Đúng như dự đoán, bà không nói gì tôi cả. Bà lặng lẽ đặt một tay lên vai tôi, cái chạm ấy nhẹ tới mức tôi không tài nào nhận ra, nhưng lại vô cùng ấm áp và dịu dàng. Giọng bà khe khẽ vang lên trong căn phòng nhỏ, mặc cho gió bão ngoài kia vẫn rít gào từng cơn, tôi vẫn có thể cảm nhận được sự trầm ấm như một người mẹ bao dung cho đứa con nghịch ngợm nhưng biết nhận lỗi một cách chân thành, ánh mắt bà trìu mến nhìn thẳng vào tôi, bàn tay còn lại nắm lấy đôi tay mảnh khảnh, sần sùi và đầy vết sẹo của tôi mà vỗ về, rồi bắt đầu kể cho tôi một câu chuyện ngắn.
"Rosalyne, để ta kể cho con nghe nhé. Có một chàng trai khi đang đi cắm trại cùng nhóm bạn của mình trong rừng, vì mải đi kiếm đồ ăn cho cả nhóm mà không may bị lạc. Anh ta đã rất hoảng hốt, cố gắng đi khắp khu rừng để tìm kiếm nhóm bạn của mình, nhưng trước mắt anh ta chỉ toàn là sương mù, và có cố tới mấy thì anh ta vẫn có cảm giác mình đang đi lòng vòng ở chỗ cũ. Mệt mỏi, anh ta ngồi thụp xuống dưới một gốc cây nọ, trong lòng không ngừng sinh ra những nỗi hoài nghi, và anh ta không ngừng cho rằng mình sẽ phải chôn chân ở đây cho tới khi hoặc là mình được tìm thấy, hoặc là anh ta sẽ mắc kẹt ở nơi này vĩnh viễn. Nhưng nhắm mắt một cái, anh ta đã xuất hiện ở bên cạnh bạn bè của anh ta như chưa hề có chuyện gì xảy ra cả. Con có biết tại sao không?"
"Con không biết, thưa bà.", tôi lắc đầu.
"Câu trả lời rất đơn giản. Là vì anh ta có niềm tin."
"Niềm tin? Chẳng phải anh ta đã tuyệt vọng tới mức muốn bỏ cuộc rồi sao?"
"Phải, đúng thế, nhưng con biết gì không? Bởi vì trong nỗi tuyệt vọng cùng cực ấy, trong lòng anh ta đã nhen nhóm một niềm hi vọng bé nhỏ. Chỉ là một tia sáng nhỏ thôi, như đom đóm ấy, bỗng xuất hiện trong tâm trí của anh ta. Con có thể nghĩ đó là bản năng sống còn của con người, nhưng Rosalyne, con biết không, anh ta đã sống sót nhờ vào niềm tin đó đấy. Anh ta tin rằng chỉ cần cố một chút nữa thôi thì anh ta có thể làm được. Cầu nguyện với Chúa, tất nhiên rồi, đó là điều cơ bản mà ai cũng sẽ thốt ra thôi. Nhưng hơn hết là anh ta có niềm tin vào bản thân mình, hoặc một niềm tin nào đó, tức là anh ta chưa thực sự từ bỏ. Rosalyne, con đã bao giờ nghĩ đến việc tìm cho mình một 'niềm tin' riêng chưa?"
Niềm tin. Thú thực là tôi chưa từng nghĩ tới nó. Quá vô vọng, khi những lời cầu nguyện tưởng chừng như thành tâm của chúng tôi vẫn không được Chúa đáp lại, hoặc Người đã đáp lại bằng cách đưa linh hồn của những con người khổ đau về với miền cực lạc.
"Từng có, nhưng bây giờ con đã không tin vào nó nữa."
Mặc dù cơn giông ngoài kia vô cùng ồn ã, nhưng tất cả những gì tôi nghe thấy chỉ là tiếng lách tách của những khúc củi khô bị đốt cháy và tiếng nói chuyện khe khẽ giữa tôi và bà chủ nhà. Bà im lặng một hồi lâu, sự im lặng tuyệt đối bao trùm lên khắp căn phòng. Chẳng ai lên tiếng cả, giữa hai chúng tôi dường như đã xuất hiện một khoảng cách vô hình nào đó. Bà Magarett nhanh chóng cầm lấy chiếc khăn đang đan dở của mình lên để tiếp tục công việc mà bà đã tỉ mỉ gần như một đêm để hoàn thành nó.
Dường như bà đang ngẫm nghĩ về một điều gì đó, khi những ngón tay nhăn nheo của bà vẫn điều khiển hai chiếc kim đan vô cùng điêu luyện, trong khi mắt bà vẫn đăm chiêu nhìn về phía lò lửa, nơi có một bức ảnh gia đình được bà hết sức nâng niu đặt ở phía bên trên, có lẽ là bà đang hồi tưởng về gia đình, về người chồng, người con mà bà vô cùng yêu thương.
Tôi vừa cảm thông cho bà, vừa có cảm giác thán phục bà. Có lẽ là do bà cũng có "niềm tin" như bà đã từng nói. Nhưng đôi lúc, dáng vẻ đăm chiêu của bà càng làm tôi thấy thêm phần lung lay, vội vã nuốt ngược câu trả lời vào trong cuống họng.
Chẳng biết từ khi nào mà cơn giông ngoài kia đã ngớt hẳn, và tia nắng đầu tiên hé vào ô cửa sổ nhỏ đã đánh thức tôi dậy với thực tại. Tôi cảm nhận được một vật rất mềm, là một cái chăn mỏng, và tôi nhận ra mình đã thức dậy khi đầu đang tựa vào một chiếc gối êm ái. Tôi mơ màng vươn vai một chút, và nhận ra bà đã không còn ngồi cạnh tôi nữa.
Ra vậy, hóa ra là mình ngủ quên. Tôi thầm nghĩ. Hóa ra cơ thể tôi sau bao đêm mất ngủ và lạm dụng cà phê hay trà đã sản sinh ra đề kháng để "chống" lại chúng, hoặc là, bà Magarett cao tay đã làm gì đó để khiến tôi ngủ quên. Nhưng như vậy cũng tốt, chí ít là bà ấy sẽ không có khả năng làm hại tôi trong lúc ngủ.
"Nhóc con, dậy rồi sao?"
"Con đã ngủ thiếp đi từ lúc nào vậy bà?"
"Chuyện đó đâu có quan trọng. Nào, ra đây, ăn sáng đi, đêm qua con đã ngủ không đủ giấc rồi."
Khi mới bắt đầu chuyển tới đây, tôi đã bị sự nhiệt tình của bà làm cho choáng váng, nhưng về lâu cũng thấy quen, và sẽ luôn có cảm giác thiếu thốn nếu một ngày nào đó bà không chào đón chúng tôi trở về bằng nụ cười niềm nở trên môi. Người thuê nhà chủ yếu là người trẻ tuổi, tầm trạc tuổi tôi, cùng lắm cũng chỉ ngoài ba mươi một chút, nên bà luôn coi những vị khách thuê trọ này như con cháu của mình và luôn chăm sóc rất tận tình và chu đáo.
Bữa sáng hôm nay gồm hai lát bánh mì phết mứt dâu và một cốc sữa nóng. Không nhiều, nhưng cũng không ít, đủ để tôi lót dạ, nhưng thật tình tôi thấy nó giống bữa sáng cho mấy đứa nhóc khoảng chừng mười tuổi đổ xuống. Giờ không ăn thì không được, nên tôi đành ngồi xuống và ăn hết chúng trước sự chứng kiến của bà.
"Cảm ơn bà vì bữa ăn.", tôi nói.
"Không cần khách sáo đâu. Mà này, Rosalyne, sáng nay con có lịch trình gì không?"
"Con không có, sáng nay con chỉ dự định đi lang thang trong thị trấn thôi, kiểu như đi dạo ấy. Hôm nay là ngày nghỉ của con mà."
"Cũng phải nhỉ? Vậy con đã từng đến nhà thờ bao giờ chưa?"
"Con không nhớ rõ nữa, nhưng hình như có một lần, chỉ là lần ấy con tò mò đi theo cha thôi, sau đó thì không đi nữa."
"Vậy sao? Vậy hôm nay sao con không thử đến đó lần thứ hai xem?"
"Bà à, con không phải người theo Đạo..."
"Không cần phải là người theo Đạo đâu.", bà ngắt lời tôi, vừa dọn dẹp lại dụng cụ trên bàn ăn vừa nói. "Con có thể đến đó xem thử, và cầu nguyện. À, ý ta không phải là ta đang ép buộc con đâu, nhưng hôm nay nhà thờ có tổ chức lễ đấy, biết đâu con lại có thể tìm..."
Nói đoạn, bà thở hắt ra một tiếng, nhưng tôi đoán là bà đang cười tôi và đang che dấu một suy nghĩ nào đó đang nhen nhóm trong lòng bà. Nhìn khẩu hình miệng của bà là tôi có thể đoán ra là bà đang định nói gì, nguyên văn có lẽ là "định mệnh của đời mình".
Đúng là đã có nhiều cặp đôi nên duyên nhau ngay khi vừa mới gặp nhau ở trong nhà thờ, và câu nói đầu tiên họ được nghe cha xứ nói khi nắm tay nhau lên lễ đường là: "Dưới sự chứng kiến của Chúa, giờ đây hai con chính thức là vợ chồng."
Có nằm mơ tôi cũng không thể tưởng tượng nổi cảnh mình mặc váy cưới, bước đi trên tấm thảm đỏ trải đầy hoa để nắm lấy tay của một người đàn ông xa lạ, khi tôi nhiều lúc còn cảm thấy mình nam tính hơn nhiều người đàn ông ngoài kia, nên tôi đã sớm dẹp bỏ suy nghĩ đấy của bà rồi.
"E hèm, ý ta là, một người đủ xứng đáng để con trao niềm tin cho ấy!"
"Bà à, chuyện đó chỉ có trong sách báo thôi."
"Đúng là người trẻ bi quan mà. Rosalyne nhà ta vẫn còn trẻ thế này cơ mà, suy tính gì đâu những chuyện của người già như ta chứ?"
"
Nói chung là, con cứ tới nhà thờ đi, không uổng công chuyến này đâu! Có mất niềm tin vào cái gì cũng đừng mất niềm tin vào ta chứ?"
Thật lòng, bà Magarett vẫn luôn có rất nhiều chiêu trò để khiến tôi câm nín một cách tâm phục khẩu phục, chẳng thể nào phản bác nổi lại bà. Tôi nhanh chóng bị bà đẩy ra phía cửa, dúi vào tôi một đôi ủng, một chiếc ô và một cái áo khoác, ngụ ý rằng hãy làm theo lời bà ấy đi, nhỡ đâu sẽ có thu hoạch bất ngờ. Tôi bước ra khỏi nhà sau khi chiếc chuông đồng treo trên cửa kêu leng keng một chiếc, trên người trang bị đủ thứ vật dụng mà bà chủ nhà đã dúi cho tôi, không quên quay lại chào bà một tiếng cho tới khi căn nhà trọ cũ kĩ ấy khuất dạng trong tầm mắt của tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top