Về quê ngoại
Tôi là một đứa trẻ bất hạnh và không có tuổi thơ. Từ bất hạnh trong ngôn ngữ của tôi cũng không phải là cuộc sống cơ cực và khổ sở gì cho cam, mà đơn giản là tôi không thấy hạnh phúc. Cuộc sống ấy, cũng chính là cuộc sống mà tôi tự chọn cho bản thân mình. Khép kín và vô cảm. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, tuy bố mẹ tôi không nói gì hay kể gì cho tôi biết, nhưng tôi cảm nhận được cuộc hôn nhân của hai người không hề có tình yêu mà chỉ tồn tại sự đồng cảm. Và rồi họ vẫn sống với nhau hai mấy năm là vì trách nhiệm đối với đứa con chung, là tôi. Có lẽ do ngay từ bé tôi đã nhận thức được không khí khác lạ trong gia đình mình, vì vậy trong khi những đứa trẻ khác làm nũng đòi bố mẹ cho đi chơi công viên, đòi mua quà này quà kia thì tôi ngày ngày vẫn làm bạn với chiếc máy tính. Có lẽ chính vì thế, cho đến bây giờ tôi vẫn luôn sống một cuộc sống khép kín với mọi người xung quanh. Tôi luôn bao bọc cảm xúc của mình trong khuôn mặt lạnh tanh, vô cảm. Những người lớn xung quanh tôi, ngày tôi bé họ luôn thi nhau ôm ấp, nựng má tôi, nhưng càng lớn họ càng thấy tôi kì lạ, thậm chí còn cấm con họ không được chơi với tôi vì sợ...lây. Còn bạn bè đồng trang lứa thì sau những lần rủ rê tôi đi hết chỗ nọ chỗ kia tôi đều từ chối, chúng nó dần dần cũng chán rồi bỏ luôn tôi vào cái góc u tối và xa xăm nhất của kí ức rồi khóa chặt lại. Vậy là tôi, một thằng con trai 23 tuổi, không một mảnh tình vắt vai, cũng không có lấy nổi một người bạn quanh mình...
Trong khi tôi đang cắm đầu vào với những game online, tay thì bấm bàn phím liên hồi, mẹ tôi mở cảnh cửa phòng tôi và bước vào:
- Huy, về quê ngoại chơi hè với mẹ đi.
Và tôi còn chưa kịp suy nghĩ gì nhiều, chưa đầy 3 tiếng sau tôi đã có mặt tại quê ngoại, nơi cách thành phố ổn ào tôi đang sống hàng trăm cây số. Vì đây là chuyến thăm quê của tôi, nên tôi về với đúng bản chất quê của nơi đây. Điều tôi quan tâm nhất là...ở đây không có wifi. Nhìn chiếc smartphone của mình trở thành cái điện thoại không khác những chiếc điện thoại "cục gạch" là mấy, tôi thở dài thườn thượt. Tôi đút chiếc điện thoại vào balo, rồi lôi ra một chiếc máy ảnh kỹ thuật số mà tôi được bố mua cho sau chuyến công tác nước ngoài vào năm ngoái, tôi chào hỏi ông bà và họ hàng rồi xin phép ra ngoài đi dạo. Và tất nhiên, dù tôi mới có mặt ở quê chưa đầy 1 tiếng, còn chưa nói chuyện được nhiều với mọi người nhưng thấy một thằng suốt ngày ở lì trong nhà như tôi xin phép ra ngoài, mọi người đều gật đầu đồng ý. Tôi lững thững đi bộ xung quanh xóm nhỏ, ngửa mặt đón những cơn gió nhỏ miên man khắp khuôn mặt. Lâu lắm rồi tôi mới được hít thở bầu không trí trong lành như thế này. Lúc ở nhà, ngoài cái nóng nực và tiếng còi xe lúc nào cũng inh ỏi, tôi cũng chẳng ấn tượng gì đặc sắc về nơi tôi đang sống cả. Tôi thầm nghĩ liệu tôi sống ở đây, tôi có thể vẽ ra cho mình một cuộc sống khác tốt đẹp hơn được không? Một cuộc sống mà tôi hàng ngày thả diều, chơi đá lon, chơi đuổi bắt với lũ trẻ con cùng trang lứa, nơi tôi trao những rung động đầu đời cho cô bạn bàn bên...Đang mải suy nghĩ, chợt có tiếng người hỏi khiến tôi giật mình:
- Ai như thằng Huy con dì Hạnh đấy phải không? – Đó là một người phụ nữ tuy còn trẻ nhưng khuôn mặt đã hằn in lên bao sương gió của cuộc đời. Tôi không nhận ra đấy là ai, vì đã mấy năm rồi tôi không về quê. Tôi đang lúng túng không biết phải xưng hô như thế nào thì cô ấy đã bỏ đi, kèm theo là giọng nói vừa tò mò, vừa khó chịu:
- Ơ hay, thằng này càng lớn càng không biết trên dưới gì hết.
Mặt tôi đơ ra như khúc tượng gỗ, vừa thấy oan ức, vừa xấu hổ. Đứa con gái của cô ấy nhìn tôi, rồi bụp miệng cười khúc khích. Tôi như muốn độn thổ luôn, hai mấy tuổi đầu rồi còn bị con nhóc 10 tuổi cười vào mặt cho. Tự nhiên cái hứng thú đi dạo và chụp ảnh của tôi bị thổi bay hết, tôi tiu ngỉu quay về nhà bà. Mọi người trong nhà vẫn cười nói vui vẻ, tôi thấy bà tôi đang lọ mọ ở giếng, tôi liền lại gần:
- Bà ơi...- tôi ngập ngừng – Cháu muốn hỏi bà chuyện này.
Bà tôi buông cái rổ trong tay xuống, từ từ ngẩng mặt lên nhìn tôi âu yếm:
- Ừ, ngoại nghe, con hỏi đi.
- Ở xóm mình có một cô trẻ trẻ, có vết sẹo to đùng trên trán đó bà, cô ấy tên gì ạ? Nãy cháu gặp cô ấy mà nghĩ mãi không ra ai.
Nét mặt ngoại tôi bỗng trùng hẳn xuống, không còn tươi vui như trước nữa.
- Cô Vân, bạn thân hồi bé của mẹ con đấy, ngày con bé con vẫn hay sang nhà con bé chơi còn gì, con quên rồi sao?
Tôi "À" lên một tiếng, thì ra là cô Vân, cô ấy thì tôi đâu lạ lẫm gì. Cô ấy hồi còn trẻ còn là người đe dọa danh hiệu hoa hậu xóm của mẹ tôi, mà sao bây giờ trông cô khác quá, chẳng trách tôi không nhận ra. Trong lúc tôi đang suy nghĩ lan man, các dì gọi tôi vào nhà hỏi chuyện, mỗi người hỏi mấy câu liên tục khiến tôi chóng mặt ấp úng, mẹ tôi phải trả lời thay tôi. Thấy biểu hiện của tôi mọi người liền thất vọng, dì Hoa thở dài:
- Lâu lắm rồi không gặp nó, tưởng bây giờ nó phải khác chứ, bệnh trầm cảm đó chẳng lẽ hết thuốc chữa?
Mọi người nhìn tôi ái ngại, dì Hoa vẫn vậy, dì là em thứ 2 của mẹ tôi sau cậu Dũng, dì là người nóng nảy và thẳng tính. Dù sao tôi đã quen rồi, từ năm tôi bắt đầu lên cấp 2, tôi vẫn luôn bị đối xử như một thằng mắc bệnh trầm cảm. Mọi người làm gì cũng phải xem xét thái độ của tôi, bởi tôi vốn thích cũng không nói mà không thích tôi cũng im lặng luôn. Nhưng tôi cũng không quan tâm lắm, tôi cười trừ rồi bỏ xuống nhà dưới một mình.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top