Người bạn nhỏ tuổi
Mấy ngày ở quê, tôi cũng chẳng có gì làm ngoài việc ăn ngủ đến cuối ngày lại đi dạo vòng quanh xóm vừa hóng mát vừa tập thể dục. Thi thoảng trên đường tôi gặp một vài người trong xóm, nhưng trước khi tôi kịp nhận ra họ là ai và tôi phải chào họ bằng gì thì họ đã đi ngang qua mặt tôi. Quả thật khả năng nhận người của tôi rất kém. Cũng chính vì thế cả xóm thưởng rỉ tai nhau rằng tôi mắc bệnh trầm cảm, họ thì rì rầm sau lưng tôi, mấy đứa trẻ con ở xóm cũng chẳng dám lại gần tôi, vì bố mẹ chúng bảo thế hoặc đơn giản chúng cũng thấy sợ tôi. Tôi cứ coi như câm điếc không nghe cũng không nói gì hết. Đây cũng chính là chuyện khiến mẹ tôi và bà tôi vô cùng phiền não. Tôi đang đi thì chợt bị vật gì đó rơi bốp trúng đầu đau điếng, tôi nhìn quanh xem có phải ai đó đùa dai mà ném tôi không, nhưng tuyệt nhiên không nhìn thấy bóng người nào hết. Tôi hết ngó trước, ngó sau rồi quay trái, quay phải. Một tiếng cười khúc khích vang lên, tôi ngẩng mặt lên nhìn cây ổi thì thấy cô nhóc hôm bữa đi cùng dì Vân một tay ôm cái vạt áo đựng đầy ổi chín, một tay đang vịn vào cành cây loay hoay tụt xuống. Nhỏ tiến lại gần, đưa cho tôi một quả ổi đào chín vàng:
- Anh ăn đi.
Tôi ngây người nhìn cô nhóc đó, khuôn mặt lanh lợi với đôi mắt to tròn, sống mũi cao và đôi môi nhỏ. Khuôn mặt nó nhìn vô cùng xinh xắn nhưng trông nó lấm lem, bẩn thỉu, bộ quần áo thì toàn bùn đất với ngựa cây, mái tóc rối bù xù cháy nắng đến xơ xác như sợi rơm. Tôi nhìn nhóc và hỏi:
- Em không sợ anh à?
- Có gì mà sợ - nhỏ nói trống không với tôi – Anh trắng, lại cao nữa, ở xóm đâu có thằng nào được như anh đâu, sao em phải sợ anh?
Tôi thầm cười, cô nhóc ngây thơ này khiến tôi thấy cởi mở hơn chút:
- Em tên gì?
- Em tên Tũn – Con bé chun mũi trả lời tôi.
- Không, anh hỏi tên thật của em cơ.
- Vâng đó là tên thật của em mà, mẹ em bảo, con gái chẳng cần tên đẹp làm gì, tên đẹp quá lớn lên sẽ khổ giống mẹ.
Nghe câu trả lời vừa thật thà, vừa hồn nhiên của con bé, nụ cười ban nãy của tôi bỗng dưng bay đi mất. Con bé dẫn tôi ra chỗ con đập ở xóm. Đây có lẽ là nơi đẹp nhất, mát nhất nơi đây, ít nhất thì với tôi là vậy. Con nhỏ ra hiệu cho tôi xòe tay ra, nó đổ mấy quả ổi vừa hái được cho tôi:
- Cho anh đấy, từ nay mỗi chiều em sẽ ra đây chơi với anh. Mẹ em bảo vì anh là con của dì Hạnh nên dù anh có bị bệnh em cũng không được xa lánh anh. Vậy nhé, em về nấu cơm đây.
Con bé tuôn một hơi rõ dài rồi quay lưng chạy thẳng. Người gì đâu mà vừa dễ thương, vừa ngây thơ, bằng tuổi nó mà mấy đứa ở nhà tôi đã tỏ ra kiêu căng và khó gần rồi, đâu có được thật thà như nhỏ Tũn, chuyện tốt chuyện xấu gì miễn là nó biết, nó đều tuôn ra hết. Tôi chợt nhận ra con bé có lẽ là niềm vui và người bạn duy nhất của tôi ở đây. Từ hôm đấy, cứ đúng hẹn là tôi và nhỏ lại ra bờ đập, nhỏ luyên thuyên kể chuyện trường lớp cho tôi nghe, tôi chỉ ừ hữ rồi im lặng lắng nghe, còn nhỏ thì cứ thao thao bất tuyệt. Thật may mắn vì có con bé làm bạn, không tôi cũng không biết làm gì cho hết quãng thời gian ở đây nữa. Chuyện nhà cửa, chuyện đồng áng tôi chẳng phải đụng tay vào việc gì, vì dù gì tôi cũng là trai thành phố, dù tôi có cố chen chân ra giúp mọi người rồi cũng bị đuổi về nhà vì chân tay lóng ngóng, vụng về.
4 rưỡi chiều, tôi xách cái máy ảnh đi dần ra đập hóng mát và chờ nhỏ Tũn. Tôi ngồi chán chê 1 tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy cón bé ra. Mãi về sau tôi mới thấy nó lững thững đi từ trong xóm ra. Trong tay nó là con búp bê bằng nhựa đã bong tróc hết lớp sơn đẹp bên ngoài, quần áo con búp bê cũng lấm lem, tóc thì rụng gần hết còn lơ phơ vài cộng. Tôi ngẩng lên nhìn nhỏ Tũn, thấy đôi mắt to tròn của nó ngấn lệ, mắt và mũi đỏ sọng lên, hai má ửng hồng. Nó sụt sùi ngồi xuống bên cạnh tôi rồi lại gục mặt vào gối khóc thút thít. Thấy con bé khóc tôi cũng chẳng biết dỗ dành nó làm sao, đành ngồi chờ cho nó khóc chán rồi thôi. Một lúc sau con bé ngẩng đầu lên. Lấy hai cánh tay quệt vội những giọt nước mắt còn lại trên gò má. Tôi nhanh tay mở ống kính máy ảnh, dơ lên ngang mặt nó chụp cái tách. Nó quay ra hỏi tôi:
- Sao anh lại chụp em vậy?
- Em làm sao thế Tũn? – Tôi không trả lời câu hỏi của con bé mà hỏi ngược lại.
Dường như câu hỏi của tôi lại động vào nỗi buồn của con bé, môi nó run run, mắt ngân ngấn nước:
- Mẹ...mẹ...đánh em – Nó nấc lên từng tiếng – Em xin mẹ mua cho em một con búp bê baby mới nhưng mẹ không chịu...hức..., mẹ em bảo...hức...nhà em nghèo, không được đua đòi với bạn bè.
Con bé nói không ra hơi, nó nghỉ một lúc rồi lại kể:
- Con búp bê này em được chị họ cho từ hồi mẫu giáo, em giữ đến bây giờ...hức...mẹ không cho nên em khóc...Mẹ cầm chổi đánh em...hức.
Tôi thở dài, đưa tay xoa đầu con bé:
- Hay để anh Huy mua cho em nhé?
- Không được đâu – Con bé vội vã xua tay - Búp bê baby những 200 nghìn cơ, đắt lắm, mẹ em bảo không được nhận quà đắt tiền từ người khác.
- Ơ hay, anh Huy con dì Hạnh chứ người khác nào?
- Không, anh mà mua mẹ em lại đánh em tiếp đấy, hôm nay muộn rồi, em phải về nấu cơm, mai em cho anh tệp ảnh để đền nha.
Thấy tấm lưng gầy gò của nhỏ chập chờn rồi khuất dần, lòng tôi bỗng trùng xuống. Tôi chống hai tay xuống đất rồi ngửa mặt lên trời, thả hồn bay theo ngọn gió chiều, mắt tôi nhắm nghiền thưởng thức tiếng sóng vỗ. Tiếng diều sáo văng vẳng như khúc tình ca nơi thôn quê. Hương ổi, hương sen quyện vào nhau bay khắp xóm làng tạo thành một mùi hương ngọt ngào và dễ chịu. Đây có lẽ chính là cuộc sống mà tôi luôn mong ước, khác xa với nơi thành thị xô bồ, tấp lập. Nhưng sao lòng tôi thấy xót xa quá, tôi cũng tự thấy lạ lùng về chuyện này, vì trước nay tôi vẫn luôn bỏ ngoài tai câu chuyện của người khác. Tôi nhớ lại những lúc vô tình thấy bố mẹ cãi vã, rồi những lúc chiến tranh lạnh làm không khí gai đình tôi luôn ở trong trạng thái căng như dây đàn. Ngoại trừ việc đó, thì chắc chẳng có đứa trẻ nào may mắn hơn tôi. Vì bố mẹ tôi vẫn luôn rất quan tâm tới mọi chuyện của tôi, từ bé đến lớn chỉ cần tôi nói muốn có thứ gì đó, là tôi sẽ có được. Tôi nhớ lại hình ảnh con búp bê của Tũn, tôi lại thở dài, có vẻ cuộc sống của gia đình nhỏ rất khó khăn, vì 200 nghìn không phải là quá nhỏ nhưng cũng là số tiền hết sức bình thường đối với người khác, đối với tôi cũng vậy. Tự nhiên nghĩ đến nhỏ làm tôi thấy bản thân mình thật tệ, tôi cứ sống dật dờ như một cái bóng mặc dù tôi có một cuộc sống đầy đủ hơn ai hết. Còn nhỏ Tũn, một cô bé ngây thơ, hồn nhiên và yêu đời lại luôn phải chìm trong mớ quần áo bẩn thỉu. Miệng nó có thể luôn túc trực nụ cười nhưng đánh đổi lại cũng chính là những giọt nước mắt long lanh, nóng hổi.
Tôi về đến nhà là chạy ngay vào phòng mẹ và bà. Bà tôi đã đi chùa từ sớm chưa về, chỉ còn mẹ tôi ở đó lau chùi, dọn dẹp. Tôi rụt rè tiến lại phía mẹ tôi.
- Mẹ, con muốn hỏi mẹ một chuyện... – Tôi ngập ngừng – Cuộc sống gia đình cô Vân như thế nào hả mẹ?
- Sao tự nhiên con lại tò mò vậy? – Mẹ tôi buông cái chổi quét nhà xuống, ngồi xuống mép giường nhìn tôi.
- Tại...con hơi tò mò.
Mẹ tôi im lặng mất một lúc, rồi ra hiệu cho tôi lại ngồi cạnh mẹ, mẹ tôi kể:
- Chắc con còn nhớ, trước cô ấy cũng là một người vô cùng xinh xắn. Nhưng cô ấy trái lời bố mẹ và lấy người mình yêu, người đàn ông đấy ai ngờ lại là một tên cặn bã, suốt ngày rượu chè rồi đánh hai mẹ con cô ấy – Tôi thấy giọng mẹ tôi run run – Khổ thân, giờ cô ấy tiều tùy, xuống sắc hẳn. Chẳng ai tin được rằng cô ấy là cô bé Vân xinh đẹp của ngày xưa. Ngày xưa bà ngoại con cũng hay chép miệng nhìn con bé và bảo những người có đôi mắt ướt thường bất hạnh lắm, lúc đó mẹ không tin còn mắng bà nói linh tinh. Ai ngờ..
Nghe mẹ tôi nói đến đây, tôi giật mình nhớ lại hình ảnh nhỏ Tũn lúc chiều. Đôi mắt nó rất giống mắt cô Vân, to tròn nhưng lúc nào cũng thấy long lanh, ngấn lệ. Tôi vội vàng lắc đầu xua tan cái suy nghĩ quái gở của mình. Tôi chạy xuống nhà, vơ lấy balo rồi đại xe lên thị trấn cách đấy 5km. Với sức của tôi không thể làm gì được cho con bé, nhưng chỉ một con búp bê mà nó thích thì tôi làm được, dù sao số tiền đó cũng chẳng đáng là bao so với tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top