Part 1.1 Không phải sau này thì là lúc nào?
If Not Later, When?
Không phải sau này thì là lúc nào?
"Sau nhé!"
Trông kìa từ câu chữ, giọng nói lẫn cái thái độ của anh ta.
Mashi từ lúc cha sinh mẹ đẻ chưa thấy ai nói "Later!" để chào tạm biệt bao giờ. Nghe cảm giác chỉ thấy thô lỗ, cộc lốc và tùy tiện; ẩn giấu bên trong đó là sự thờ ơ hời hợt, rằng hắn chẳng quan tâm về việc có gặp lại bạn hay không.
Ấn tượng đầu tiên của em về anh ta là như thế, thậm chí ngay bây giờ em vẫn còn nghe được cái âm thanh ấy văng vẳng bên tai.
Sau nhé!
***
Mashi bỗng nhiên khép mắt, há miệng nói lớn một tiếng, "ahhhhhiaz!".
Và giờ thì em đã quay trở về Nhật Bản, nhiều năm về trước, em đi bộ dọc theo con đường với hai hàng cây, chợt nhìn thấy anh bước ra khỏi xe taxi, trên người vận chiếc áo xanh tung bay trong gió, cổ áo mở rộng, mắt đeo kính râm, đầu đội mũ rơm cùng làn da trắng thoắt ẩn thoắt hiện. Rồi đột nhiên anh ta đến và bắt lấy tay em, nhẹ nhàng chuyển giao chiếc ba lô của anh ta, lấy vali khỏi cốp xe rồi hỏi xem cha của em có đang ở nhà hay không.
Có thể chuyện đã bắt đầu ngay chính tại thời điểm đó: chiếc áo sơ mi với tay áo xắn lên, hai gót chân xinh xắn tròn trịa lấp ló trong đôi giày đế cói đã sờn; chúng như đang háo hức muốn thử xem con đường sỏi dẫn vào nhà nóng đến độ nào. Mỗi cái bước đi trông có phần ngộ nghĩnh của anh đều như đang hỏi: Đi ra bãi biển làm sao vậy?
Vâng, vị khách của chúng tôi trong mùa hè năm nay đấy.
Một tên con trai mà Mashi thầm nghĩ, trông có vẻ sẽ làm phiền em nhiều.
Sau đó, hình như chẳng mảy may bận tâm, cũng không có ý định ngoảnh lại, anh vẫy tay và kêu lên hai tiếng 'Gặp sau!' với một hành khách khác đang ngồi trên taxi, người có lẽ đã chia đôi tiền xe từ ga tàu đến đây với anh ta. Không gọi tên người ta, không một câu nói vui đùa giỡn hòng xoa dịu giây phút tạm biệt, chẳng có gì sất. Chỉ vỏn vẹn 2 âm tiết: nhanh chóng, quả quyết và cộc lốc – thế tức là ai đi cùng cũng vậy, anh có lẽ còn chẳng thèm quan tâm.
Mashi nghĩ, đây cũng sẽ là cách anh ta nói lời tạm biệt với gia đình chúng ta cho mà xem.
Chỉ hai tiếng cục cằn, chớt nhả 'Gặp sau!'
Cho tới lúc đó, gia đình em sẽ phải chịu đựng anh ta suốt sáu tuần lễ dài đằng đẵng.
Mashi tự nhiên trong lòng thực sự cảm thấy sợ hãi. Anh là kiểu người khó gần gũi điển hình.
Nhưng biết đâu mình dần dà có thể sẽ thích anh ta chăng?
Mashi nhớ đến cái cằm tròn trịa, cho đến hai gót chân tròn trịa của anh khách kia.
Rồi chỉ vài ngày sau đó thôi, em sẽ lại học được cách để ghét anh ta.
***
Chính là anh ta, Kim Junkyu.
Chính là cái khuôn mặt trông có vẻ đáng yêu và nai tơ này đã được đính kèm trong đơn đăng ký từ nhiều tháng trước, giờ thì đang đứng sờ sờ trước mặt em kèm theo cả những đặc tính hấp dẫn ngay tức thì.
Cho khách ở nhờ vào mùa hè chính là một trong những cách bố mẹ em giúp đỡ các nhà khoa học trẻ tuổi sửa lại bản thảo trước khi xuất bản. Sáu tuần mỗi mùa hè, Mashi phải dọn sạch phòng ngủ của mình và di chuyển sang căn phòng cuối hành lang. Căn phòng này nhỏ hơn rất nhiều và đã từng là phòng của ông em. Trong những tháng mùa đông, khi cả nhà rời khỏi căn nhà này và chuyển vào căn hộ trong thành phố, nơi đây trở thành tiệm bán đồ phụ tùng bán thời gian kiêm kho chứa đồ và căn gác mái để chất các thứ, nơi mọi người truyền tai nhau rằng ông em vẫn tiếp tục nghiến răng trong giấc ngủ vĩnh hằng.
Các vị khách mùa hè không phải trả tiền cho bất cứ thứ gì, họ được phép sử dụng mọi tiện nghi trong nhà, và về cơ bản thì họ có thể làm bất cứ điều gì mình thích, miễn là họ dành ra tầm một tiếng mỗi ngày để giúp bố em gửi và trả lời thư tín cùng các loại giấy tờ khác. Họ đã trở thành một phần của gia đình, và sau khoảng mười lăm năm tiếp đón các vị khách, cả nhà đã quen với việc nhận được hàng tấn bưu thiếp và quà cáp không chỉ trong thời gian Giáng Sinh mà trong suốt cả năm. Quà và thiệp đến từ những người cực kỳ hết lòng với gia đình em và nếu có đến châu Âu, họ sẽ sẵn ghé qua B. tầm một đến hai ngày với gia đình của mình và tham quan lại một vòng qua những chốn hoài niệm xưa cũ.
Trong bữa ăn thường sẽ có hai đến ba vị khách, đôi khi là hàng xóm hoặc họ hàng, có lúc lại là đồng nghiệp của bố mẹ em, luật sư, bác sĩ, người giàu có và người nổi tiếng, những người ghé thăm cha em trên đường tới biệt thự mùa hè của họ.
Đôi khi gia đình Mashi thậm chí sẵn sàng mở rộng cánh cửa đón chào những cặp đôi nghe kể về căn biệt thự cũ này và chỉ đơn giản muốn đi qua, nhìn ngó một chút. Những cặp đôi này đều vô cùng vui sướng khi được yêu cầu dùng bữa tối với gia đình và kể về bản thân họ. Cha của em, một người kín đáo và rụt rè trong thầm lặng, không thích gì hơn khi khách là một người hay chuyện và có thể nói vài thứ ngôn ngữ dưới trời nắng như đổ lửa, để rồi cùng uống vài ly vang rosatello và bắt đầu một buổi chiều tê liệt, mệt mỏi. Gia đình em đặt tên cho nhiệm vụ này là bữa tối cực nhọc – và sau một thời gian, hầu hết khách khứa ở lại nhà trong sáu tuần cũng đồng ý với cái tên này.
Có lẽ chuyện đã bắt đầu ngay sau lần ấy, cái lần anh đi tới và ngồi cạnh em trong suốt bữa trưa tưởng chừng như dài đằng đẵng. Chính lúc ấy em nhận ra rằng, dù da Junkyu đã sạm đi chút đỉnh sau kỳ nghỉ ngắn ở Mie vào đầu mùa hè năm đó, màu da trong lòng bàn tay vẫn nhợt nhạt và mềm mại như màu da chân, da cổ và da phía dưới cẳng tay anh. Đây đều là những phần ít khi lộ ra dưới nắng. Ấy là một màu gần như hồng nhạt, sáng bóng và mịn màng như phần da bụng thằn lằn. Kín đáo, thuần khiết, nhẵn nhụi tựa ráng đỏ trên khuôn mặt của một vận động viên hoặc bầu trời của một buổi bình minh sau đêm bão. Chính những chi tiết ấy đã giúp Mashi hiểu thêm về anh, về những điều em chẳng bao giờ có thể biết đến mà hỏi.
Chuyện có lẽ đã bắt đầu vào khoảng thời gian dài vô tận sau bữa trưa, khi mọi người khoác trên mình bộ đồ tắm, ai nấy nằm dài ra bên trong lẫn bên ngoài căn nhà, chỉ thấy những người là người rải rác khắp nơi; họ nằm để giết thời gian trước khi ai đó đề nghị cùng di chuyển xuống mỏm đá rồi đi bơi. Họ hàng, anh em xa, hàng xóm, bạn bè, bạn của bạn bè, đồng nghiệp hay bất cứ ai quan tâm sẽ đến gõ cửa nhà để hỏi xem họ có thể sử dụng sân tennis của nhà em hay không – tất cả mọi người đều được chào đón đến đây nghỉ ngơi, bơi lội, ăn uống, và nếu họ ở lại lâu thì có thể sử dụng nhà dành cho khách.
Hoặc có lẽ chuyện đã bắt đầu trên bãi biển. Hoặc trên sân tennis. Hoặc trong lần đi dạo đầu tiên của cả hai vào ngay ngày đầu anh ở đây, khi ấy cha đã nhờ Mashi dắt Junkyu đi tham quan ngôi nhà và khu vực xung quanh. Rồi thì chuyện này dẫn đến chuyện kia, Mashi dẫn anh ra tới tận cánh cổng giả kim cũ kỹ; khoảng cách từ nhà tới đây chắc cũng phải tương đương với khoảng cách từ vùng hậu địa dẫn tới phía đường tàu bị bỏ hoang, chính đường ray này đã từng nối thị trấn B. với N.
"Quanh đây có nhà ga bỏ hoang phải không?" anh hỏi, mắt nhìn xuyên qua những tàng cây dưới ánh mặt trời nóng bỏng, có lẽ anh đang cân nhắc xem nên hỏi han cậu con trai chủ nhà thế nào mới phải. "Không, ở đây chưa từng xây nhà ga. Khi nào anh muốn thì kêu xe dừng lại thôi." Anh tò mò về con tàu; và đường ray trông có vẻ thực nhỏ hẹp. Mashi giải thích với anh rằng đó là một đoàn tàu hai toa mang trên mình dấu hiệu của hoàng gia. Giờ nó đã trở thành chỗ ở của người Di-gan. Từ hồi mẹ em còn con gái và đến vùng này nghỉ hè thì đã thấy họ sống ở đây rồi. Những người Di-gan đã kéo hai toa xe khỏi đường ray và mang chúng vào sâu trong đất liền. Anh có muốn nhìn thấy họ không?
"Chắc để sau đi." Lịch thiệp một cách dửng dưng, như thể anh đã phát hiện nỗi sốt sắng hòng muốn lấy lòng anh của Mashi, và chỉ muốn nhanh chóng đẩy em đi.
Nó khiến lòng em trở nên vô cùng nhức nhối.
Thay vì dành thời gian thăm thú những người Di-gan, Junkyu nói muốn mở tài khoản tại một trong số những ngân hàng ở B., sau đó sẽ đến thăm dịch giả tiếng Nhật của anh, người mà bên nhà xuất bản Nhật đã sắp xếp để dịch sách cho anh.
Em quyết định đưa Junkyu tới đó bằng xe đạp.
Cuộc trò chuyện trên xe cũng không khá hơn là bao so với khi đi bộ. Trên đường đi, cả hai dừng lại để uống gì đó. Quán cà phê kiêm hàng bán thuốc lá tối om và trống rỗng. Chủ quán đã lau sàn bằng thứ dung dịch amoniac rất nồng khiến hai đứa phải mau chân rời khỏi quán càng nhanh càng tốt. Một con chim két cô đơn đậu trên nhánh thông Địa Trung Hải hót lên vài tiếng, để rồi ngay lập tức những âm thanh ấy bị át đi bởi tiếng ve sầu rền rỉ.
Mashi uống một hơi thật dài từ chai nước khoáng lớn rồi chuyển sang cho anh, sau đó lại nhận lấy chai nước và làm thêm ngụm nữa. Em đổ một chút nước ra tay rồi vốc lên mặt, dùng bàn tay còn đẫm nước của mình chải lên tóc. Nước không đủ lạnh, cũng chẳng đủ ga, chỉ càng khiến cơn khát thêm phần cồn cào.
Ở đây người ta hay làm gì?
Chẳng làm gì cả. Chờ cho hè kết thúc thôi.
Vậy người ta thường làm gì vào mùa đông?
Mashi mỉm cười khi nghĩ đến câu trả lời sắp đưa ra. Như thể hiểu được ý nghĩa của nụ cười ấy, anh nói, "Đừng nói với anh là đợi mùa hè đến đấy nhé?"
Mashi thích việc Junkyu đọc được tâm trí mình. Anh đã nhận ra và hiểu được ý nghĩa của những 'bữa tối cực nhọc' sớm hơn rất nhiều so với các vị khách từng ở lại nhà.
"Thực ra nơi này rất xám xịt vào mùa đông. Nhà em chỉ đến đây vào dịp Giáng sinh. Thời gian còn lại nơi đây chẳng khác gì thị trấn ma."
"Ngoài ăn hạt dẻ nướng và uống cốc-tai trứng thì em còn làm gì vào dịp Giáng Sinh nữa?"
Anh cười trêu. Và em lại nở nụ cười. Anh hiểu nụ cười ấy. Không nói gì, cả hai chỉ cùng bật cười.
Junkyu hỏi Mashi thường hay làm gì. Em bảo chơi quần vợt, đánh pool, chơi golf. Bóng rổ. Đi chơi đêm. Chạy bộ. Chép nhạc. Đọc sách. Tóm lại em có rất nhiều sở thích.
Anh nói anh thấy chạy bộ cũng thú vị. Nhất là vào lúc sáng sớm. Quanh đây người ta hay chạy bộ ở chỗ nào? Chủ yếu là dọc theo lối đi dạo. Mashi sẽ chỉ đường cho anh ngay nếu anh muốn.
Khi Mashi bắt đầu cảm thấy thích anh hơn rồi, thì lại một lần nữa, câu đáp trả như một cú đấm dội thẳng vào mặt em: "Chắc để sau đi."
***
Mashi đã liệt kê việc đọc sách cuối cùng với ý nghĩ rằng, với thái độ cương quyết cùng mặt mày có phần lãnh đạm tỉnh rụi mà anh vẫn thể hiện, thói quen đọc sách sẽ lưu lại ấn tượng sâu sắc nhất trong anh. Vài giờ sau, khi Mashi nhớ ra rằng anh vừa mới viết xong cuốn sách về Heraclitus và "đọc sách" hẳn phải chiếm một phần đáng kể trong đời anh, Mashi nhận ra rằng mình cần thay đổi quan điểm một cách khéo léo và cho Junkyu biết rằng sở thích của hai đứa là hoàn toàn tương đồng. Tuy nhiên, thứ khiến em thấy bồn chồn khôn nguôi lại không phải việc em cần xem xét lại quan điểm của bản thân như thế nào. Cả trong và sau lần trò chuyện về đường ray tàu, dù không muốn thừa nhận, song việc bản thân ra sức giành lấy thiện cảm từ anh – để rồi thất bại thảm hại – mới chính là điều khiến em lo lắng.
(Heraclitus: nhà triết học cổ đại người Hy Lạp với câu nói nổi tiếng "Không ai tắm 2 lần trên cùng một dòng sông.")
Khi Mashi gợi ý (bởi tất cả các vị khách đều thích việc này) sẽ đưa anh đến San Giacomo và đi bộ lên đỉnh tháp chuông – nơi chúng tôi đã gán cho cái tên Sẵn-lòng-chết-vì-em, nhẽ ra em đã nên nói gì đó thay vì chỉ đứng đực ra đó mà không biết đáp lại anh thế nào. Mashi đã nghĩ đến viễn cảnh sẽ khiến Junkyu phải đồng tình với mình bằng cách dắt anh lên ngọn tháp đó và để anh ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn, bãi biển và sự vĩnh hằng. Nhưng không. Để sau!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top