3.
Năm lên 5, Minh Hưởng cùng gia đình sang định cư tại Canada vì ba phải chuyển công tác. Cũng giống như nhà chú Hùng, gia đình cô Hằng chú Long chỉ có một cậu con trai duy nhất chính là Hưởng. Thằng bé thừa hưởng gen của ba nó, rất thông minh và sáng lạn, nhưng cũng có gen từ mẹ nó, ân cần và vô cùng nhỏ nhẹ. Đôi khi chú Long sẽ đột nhiên đánh vào vai anh mà nói rằng con trai không nên quá nhỏ nhẹ như thế, mình cần phải ăn to nói lớn lên. Mặc dù Hưởng đã cố, nhưng đúng là anh không thể làm được. 10 năm sống tại Toronto, đến giờ quay trở về nước thật vô cùng lạ lẫm, cô Hằng đã nói rồi con sẽ quen với nơi này thôi. Sau khi về thành phố này được 2 năm rồi, Hưởng mới nhận thấy con người nơi đây thực sự rất là tận hưởng cuộc sống của họ. Sáng sớm anh sẽ thấy họ đạp xe, đi thể dục, ngồi uống cà phê ở đầu đường, hay vài người sẽ chạy đến tiệm của cô Hằng vào buổi sớm để mua hoa. Đơn giản là họ thấy đẹp, hoặc họ sẽ mua tặng người thân không vì dịp gì cả. Đôi khi buổi tối cô chú, các bác, bọn trẻ con sẽ mang ghế ra trước cửa tiệm cô Hằng mà nghe Hưởng đánh đàn, như là đến tận hưởng một buổi nhạc sống không mất vé vào cửa. Mặc dù mới 2 năm thôi nhưng Minh Hưởng vô cùng thích cái nhịp sống ở thành phố này, ở khu phố Mới. Thế rồi cho đến một ngày, anh lại được làm quen với một cách tận hưởng cuộc sống khác chính là ở phố Hạnh Phúc.
Phố Hạnh Phúc thì tấp nập hơn vì chủ yếu ở đây toàn là dân buôn bán, có hàng này hàng kia, cực kỳ đa dạng. Hưởng nhớ quán nem lụi đầu phố, cứ 4 giờ chiều đi qua là sẽ thơm nức mũi mà buộc phải dừng xe để vào làm ngay một mẹt. Hay quán chè đỗ đen ở cách đó hai nhà, giờ tan tầm nào cũng sẽ chật kín xe trên vỉa hè, chỉ muốn mua một cốc chè đỗ đen thôi cũng phải chờ tới 10 phút mới đến lượt, ngày nào cũng nườm nượp khách như vậy đấy. Thế mà lần nào Hưởng qua mua, bác Liên cũng vui vẻ mà cho anh gấp đôi thạch đen cùng với dừa khô. Còn có quán điện tử ở đối diện, chú Khánh cực kỳ đắt khách, đặc biệt là học sinh sinh viên. Đôi khi đi qua sẽ thấy vài phụ huynh đang chờ sẵn những đứa con của mình với cây chổi hoặc cái dép trong tay. Đi đến giữa phố là quán phở chú Hùng, trên báo không viết linh tinh đâu, ăn rồi mới thấy ngon nhức cái nách. Hưởng quý chú Hùng lắm, đơn giản vì anh quý những người nấu ăn ngon. Nhưng khi Đông Hách bảo mình cũng nấu ăn ngon thì Hưởng lại lờ đi. Thực ra Hưởng thừa biết Đông Hách không trêu người không được, anh cũng cảm thấy nó hơi hướng ngoại quá rồi.
Ở phố Mới, nhiều người không biết Hưởng là ai, có thể do anh mới về nước chỉ được 2 năm, hoặc đơn giản là họ không biết. Còn ở phố Hạnh Phúc, thật lạ khi cả phố đều biết Đông Hách là ai. Biết ở đây không chỉ là biết em ấy dưới danh nghĩa con trai chú Hùng, biết ở đây còn có thể là hiểu về em ấy (?!), Hưởng nghĩ vậy. Đông Hách thân quen với các cô chú hàng xóm như người trong gia đình, ví dụ dễ hiểu là em ấy có thể chạy sang nhà bác Quyên để mở tủ lạnh một cách tự nhiên? Nếu đấy là Hưởng, chắc chắn anh bị đập cho vài đập rồi cũng nên.
Lối kiến trúc ở khu phố này cũng kì lạ như cái tên. À không, khu phố của Minh Hưởng cũng có cái tên kì lạ mà. Ý là mọi thứ ở thành phố này đều kì lạ. Các nhà ở phố Hạnh Phúc đều san sát nhau, thấp tầng, nhà cao nhất cũng chỉ tới 4 tầng thôi. Mỗi nhà đều sơn các màu khác nhau, nhưng nếu nhìn từ đầu phố đến cuối phố sẽ thấy màu sơn nhà được xếp từ nhạt tới đậm, đúng là kì lạ. Nhà của Đông Hách là một ngôi nhà nhỏ ba tầng, tầng 1 là quán phở của chú Hùng, tầng 2 có một chiếc cửa sổ gỗ hai cánh cỡ đại ở chính giữa, tầng 3 với một chiếc ban công rộng, nhìn từ dưới lên sẽ thấy toàn hoa giấy rủ xuống vì trên đó là một khu vườn thu nhỏ của chú Hùng với người chịu trách nhiệm chăm sóc hàng ngày chính là Đông Hách. Tiện đang nói đến chuyện này thì cũng phải nhắc đến việc chú Hùng đã tạm nghỉ bán hàng được một tuần. Lí do là bởi quán phở nhà Đông Hách dạo gần đây lên báo khá nhiều nên chú Hùng đã quyết định tạm nghỉ để sửa lại tổng thể cửa hàng. Đông Hách nói nhìn trên báo quán nhà mình trông phèn lắm, ba sửa lại cho xịn sò hơn đi được không nên chú Hùng đã đồng ý. Nhà đang sửa chữa nên rất bụi bẩn, ngày nào Đông Hách đến lớp cũng dính một đám bụi trên quần áo, balo,...
Hôm nay Minh Hưởng đến lớp sớm, thật ra ngày nào cũng thế, vì anh sẽ ôn lại bài để chuẩn bị cho buổi kiểm tra miệng. Còn Đông Hách thì luôn tới sát giờ, thậm chí nhiều hôm còn đi học muộn đến nửa tiếng, đó cũng chính là một trong những lí do khiến chú Hùng phải tới gặp giáo viên chủ nhiệm 1 tháng 2 lần. Top 1 cách biết Đông Hách vừa đến lớp chính là chưa thấy mặt đã thấy tiếng:
"Anh Hưởng," - Đông Hách chạy vù vù đến trước bàn của anh và cậu, nhưng đứng cách xa 3 mét, phủi người mình bộp bộp vài cái - "anh có bị dị ứng bụi không ạ?"
Minh Hưởng lúc này mới ngẩng mặt lên, thằng bé này tự dưng phải đứng cách xa như thế để làm gì? Thấy Đông Hách đầu hơi bù xù, chắc là do ngủ quên nên không kịp chải chuốt. Nhưng tóc xù thế nào mà nhìn lại hơi giống tai gấu, trông buồn cười.
"Tóc của cậu, bị rối," - Minh Hưởng vừa nói vừa đưa hai tay lên đầu để minh họa - "chỉnh nó lại đi."
Đông Hách phải bật cười vì cách diễn tả của anh, nhìn cứ ngốc ngốc thế nào ấy. Cậu đưa tay lên vuốt vuốt lại tóc, ánh mắt kiểu em vuốt thế này được chưa ạ, cho tới khi Hưởng gật gật rồi mới tiếp tục nói - " Bụi ấy, anh có bị dị ứng không ạ?"
"Không, sao thế?" - Hưởng nói.
Anh nói xong Đông Hách mới tung tăng chạy vào chỗ ngồi, miệng cứ liến thoắng mà giải thích vì nhà mình đang sửa nhà, trên người có rất nhiều bụi, nếu anh Hưởng dị ứng thì sẽ phải xin tạm đổi chỗ. Minh Hưởng thấy Đông Hách cứ vừa nói vừa sụt sịt, giọng còn nghẹn nghẹn, anh liền hỏi có phải cậu bị cảm không? Đông Hách xua xua tay, chúi đầu vào cặp sách để tìm gì đó.
"À không ạ, em bị viêm mũi dị ứng, cũng không nghiêm trọng đâu, cứ gặp bụi là nó lại sụt sịt một tí ấy mà." - Đông Hách vừa nói vừa xì mũi. Thực ra bệnh viêm mũi dị ứng của Đông Hách đôi khi khá khó chịu, nó sẽ xuất hiện vào lúc chuyển mùa, vào mùa đông sẽ thấy nó nặng hơn một chút, gặp phải bụi thì bệnh này cũng lại xuất hiện. Mình bị dị ứng thì không lo, lại đi lo cho người khác có bị dị ứng không..., cái này Minh Hưởng chỉ nghĩ trong đầu chứ tất nhiên anh không trực tiếp nói ra. Đông Hách là đứa trẻ ngoan, đúng là có nghịch ngợm nhưng nghịch ngợm kiểu thiếu niên nhiệt huyết (?!). Thằng bé nói rất nhiều, nếu là người khác chắc chắn sẽ cảm thấy cực kỳ nhức đầu. Minh Hưởng luôn làm việc riêng trong lúc Đông Hách kể chuyện, nhưng đúng là kì lạ khi anh nghe không bỏ sót chữ nào, thậm chí còn hỏi ngược lại. Khác với Minh Hưởng, Đông Hách lúc nào cũng bày tỏ sự quan tâm của mình một cách rõ ràng nhất, đối với thằng Tuấn thì là quá phô trương. Còn Minh Hưởng thì sẽ quan tâm âm thầm trong lúc người ta không để ý. Giả dụ như bây giờ Đông Hách đang liên mồm nói về bộ phim đêm qua em mới xem được, Minh Hưởng thì bận lướt điện thoại để tìm những loại thuốc giúp cho người bị viêm mũi dị ứng cảm thấy tốt hơn. Đó chính là việc riêng mà Minh Hưởng làm trong lúc Đông Hách kể chuyện.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top