Điều ước của tôi 7 (Hoàn)
Chỉnh sửa bổ sung đôi chỗ ngày 17/12/2021.
19.
Tôi lại mơ về Minh Hưởng, những giấc mơ chập chờn đan xen hệt như ngày tôi biết gia đình cậu ấy di dân. Minh Hưởng trông vẫn như xưa, vẫn cao gầy má hóp và mỉm cười đứng dưới tán phượng vĩ đỏ rực đợi tôi. Đó vừa là ảo mộng, vừa là ác mộng theo tôi dai dẳng. Từ khát khao của thời niên thiếu đến vết thương của tuổi trẻ, hình bóng ấy thực sự đã cùng tôi đi một chặng đường dài đến không còn nhìn thấy đâu là điểm xuất phát.
Hôm sau máy bay cất cánh trong tình trạng thời tiết rất tệ. Mưa triền miên và mỗi lúc một nặng hạt, kèm theo cả sấm chớp liên hồi. Ban đầu tôi nghĩ chuyến bay sẽ phải tạm hoãn vài tiếng đồng hồ nhưng cuối cùng trạm kiểm soát không lưu vẫn quyết định thực hiện đúng lịch trình. Suốt năm năm đối mặt với bao tình huống nguy cấp nên tôi tích lũy cho bản thân không ít kinh nghiệm lẫn sự bình tĩnh, thế mà chẳng hiểu sao giờ phút này lại choáng váng đứng còn chả vững. Anh đồng nghiệp thấy mặt tôi xanh như tàu lá chuối, chốc chốc ngáo ngáo ngơ ngơ bèn lo lắng hỏi tôi có cần nghỉ ngơi chút không. Sức người hạn hẹp, tôi cảm ơn anh rối rít, hứa mời anh một bữa bún đậu thật ngon rồi vội chuồn về chỗ dành riêng cho phi hành đoàn.
Có lẽ do hôm qua uống đồ cồn cộng với việc ngủ không ngon giấc nên tôi mới mệt thế này. Đang thẫn thờ cố nuốt nốt ly cà phê đắng nghét nhằm lấy lại tỉnh táo, đột nhiên máy bay rung lắc dữ dội, ly cà phê trên tay rơi xuống sàn vỡ choang. Cô bé thân thiết loạng choạng chạy vào khoang tiếp viên, khuôn mặt cắt không còn giọt máu bảo với tôi máy bay gặp sự cố.
- Sự cố gì?
- Một đàn chim bị cuốn vào cánh quạt khiến hai động cơ bốc cháy. Cơ trưởng bất tỉnh rồi, cần tìm người thay thế.
Cái này không phải là phim đấy chứ? Tôi vội theo cô ra ngoài, cùng đồng nghiệp gấp rút trấn an những hành khách đang hoảng loạn. Loa thông báo vang lên giọng nói rành rọt nhưng không che được sự bất lực của tiếp viên trưởng nói rằng vì tình huống khẩn cấp nên cần tìm một người biết lái máy bay. Tin này càng khiến bầu không khí trong cabin căng ra như sợi dây đàn chỉ chút nữa thôi sẽ đứt. Âm thanh xung quanh huyên náo, tiếng tiếp viên trưởng vẫn phát đều đều qua loa, một vài người bắt đầu la hét khóc lóc, số khác không còn giữ được bình tĩnh mà chửi bới dữ dội. Mặt nạ dưỡng khí được thả xuống và đèn báo mặc áo phao vụt sáng. Tôi nghĩ mình sắp không chịu nổi nữa rồi, mọi thứ quay mòng mòng còn tôi thì lảo đảo phải vịn vào thành ghế mới không ngã vật ra sàn.
Bỗng sau lưng tôi ngân vang một giọng nói hòa vào tầng khí quyển cách mặt đất gần chục ngàn cây số: "Tôi có thể giúp, tôi có thể lái được máy bay."
Tôi quay đầu nhìn lại, tất cả mọi người đều quay đầu nhìn lại. Không gian im bặt, cả tạp âm ù ù cũng không còn nghe thấy. Người đàn ông vừa lên tiếng kia đang đi về phía tôi, khuôn mặt khuất sau chiếc kính đen và mũ lưỡi trai cũng một màu đen tuyền. Cảm giác trái tim bùng nổ ngay khoảnh khắc kính mắt hạ xuống và đôi con ngươi nâu sẫm lạnh lùng xoáy thẳng vào đáy mắt tôi, dừng lại đúng một giây rồi lướt qua như không quen biết.
Bên ngoài cửa sổ nhỏ xíu của máy bay, bầu trời đột nhiên chuyển màu hoàng hôn ráng mỡ, tia chớp xanh lục phóng thẳng lên rồi vụt tắt. Phải chăng một linh hồn vừa quay lại thế giới này từ cõi hư vô?
Ngay lúc ấy, ai đó liên tục vỗ vào mặt tôi, bên tai tôi vàng lên tiếng gọi thất thanh.
- Anh Hách...
- Anh Hách tỉnh lại...
- Anh Hách, anh nghe thấy em không?
Từ từ mở hai mí mắt trĩu nặng, tôi nhận ra mình đang nằm dưới sàn, cà phê lênh láng bên cạnh.
"Anh tỉnh rồi, anh ngồi dậy được không?"
Giọng nói đầy lo lắng lần nữa vang lên, tôi cố gắng nương theo đôi tay cô đồng nghiệp, khó nhọc nhấc cơ thể mềm như cọng bún dựa vào chiếc tủ đựng đồ của tiếp viên.
- Máy bay không sao chứ?
- Cái gì mà máy bay không sao chứ, câu này em hỏi anh mới đúng á, vừa vào đã thấy anh nằm sõng soài, anh ngất à? Anh thấy trong người sao rồi? Lên giường nằm nghỉ đi em sẽ báo lại với anh Vĩnh Khâm.
Thì ra chỉ là mơ.
"Anh không sao, chắc do hôm qua mất ngủ nên hơi đau đầu xíu thôi." Tôi vỗ vai cô, cố nở nụ cười trấn an, sau đó mò lên giường và nằm vật ra đó.
Cô lấy hai viên panadol cùng cốc nước, cao giọng dặn dò như một bà mẹ ưa cằn nhằn: "Anh uống thuốc rồi nghỉ ngơi đi, có muốn ăn gì thì nói em liền nha. Tự nhiên lăn đùng ra đó làm người ta hoảng hồn biết không." Nói rồi cô ra ngoài, có lẽ đi tìm anh Vĩnh Khâm báo cáo tình hình. Ảnh là tiếp viên trưởng của chúng tôi - một con người chuyên nghiệp nhưng cũng rất dễ thương, mỗi lần bay cùng anh tôi đều thấy thoải mái dễ chịu.
Uống thuốc xong cũng vừa lúc anh Vĩnh Khâm bước vào. Lần này mới thật đúng là gà mẹ xuất hiện. Anh vồ tới nắn khắp một lượt từ đầu đến chân tôi, mặt nhăn như... ờ... khỉ rồi xổ một tràng tiếng Anh xen lẫn tiếng mẹ đẻ, nội dung đại loại là lớn rồi còn không biết chăm sóc bản thân để ngất đi như thế là sao? Mày quăng tính chuyên nghiệp cùng trách nhiệm của một tiếp viên hàng không ưu tú đi đâu. Nằm xuống nghỉ ngơi cho anh, đợi máy bay hạ cánh xem anh xử mày thế nào. Xét lại thì, ông anh già của tôi đôi khi cũng không được trưởng thành cho lắm.
Nằm một mình nhưng tôi không tài nào ngủ được, đầu óc ì ạch quay theo tiếng động cơ lắp dưới cánh máy bay, bắt đầu mung lung nhớ về giấc mơ vừa nãy. Rất lâu rồi ngoài thằng Tuấn và thằng Lạc, chẳng mấy ai còn gọi tên Minh Hưởng trước mặt tôi. Cậu ấy cũng không hiện hữu mỗi phút mỗi giây quanh thế giới bận rộn lắm lo toan. Có chăng vài lần ba mẹ tôi ngồi uống trà xem tin tức thời sự, thấy nhắc đến nước Mỹ sẽ thuận miệng hỏi cậu bạn đó của con không biết sao rồi nhỉ? Hoặc thi thoảng bạn bè tụ tập, kể lể chuyện cũ ngày xưa, nói đến thầy Thái, nói đến cả Minh Hưởng hồi trước mạnh dạn từ chối chức lớp trưởng. Dù sao trong cuộc sống của nhiều người, cậu ấy vốn chỉ đóng vai phụ mờ nhạt, mười năm là quá đủ để xếp vào lãng quên mãi mãi. Thế mà với tôi, cậu ấy giống như một cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện có sức ám ảnh không thôi, kiên trì tô vẽ từng đường nét khuôn mặt lẫn cơ thể vào trí nhớ bộn bề. Tựa giấc mơ khi nãy, đôi mắt quen thuộc rõ mồn một khuất động tình cảm chưa từng ngủ yên trong lòng tôi.
Ngày trước tôi hay buồn khi nhớ cậu ấy, nhưng buồn mãi nào giải quyết được gì. Tôi quen dần những chai sạn, mặc cho cảm xúc tê dại vẫn học cách ép trái tim đập liên hồi về với thực tại trống vắng. Chuyến bay còn dài, tôi không thể ngồi ỳ đây mãi được, anh Vĩnh Khâm sẽ xử bắn tôi mất.
Cũng may cả tôi và máy bay đều đáp cánh an toàn xuống quê nhà thân thương. Kết thúc tốt đẹp chuyến đi Canada.
Lúc này đang là chiều tà, khoảng thời gian tôi thích nhất và cũng sợ nhất. Kéo vali sải bước vào sân bay ồn ã, tôi thầm nghĩ chắc phải xin thêm vài hôm nghỉ phép để xả hơi mới được.
- Đông Hách!
Ai gọi tôi? Âm thanh rất nhỏ, hơi run run xúc động. Ngó nghiêng một lượt xung quanh chẳng thấy ai phản ứng gì, có khi tôi mệt quá nên tai điếc tai sáng. Ban nãy dọn dẹp cabin, kiểm tra an ninh lần cuối anh Vĩnh Khâm còn phải đặc cách cho tôi được về sớm, cảnh cáo còn không biết giữ sức khỏe sẽ chết dưới tay anh.
- Đông Hách à!
Lại nữa, lần này gần hơn, to rõ hơn và... quen thuộc hơn. Giọng nói này chắc chắn tôi từng nghe thấy ở đâu đó. Nó rất đặc biệt, nằm chính xác ngay giữa bảng xếp hạng âm vực, vừa trầm vừa bổng, vừa tha thiết vừa dửng dưng. Tựa... tựa hừng đông, khi màn đêm và Mặt Trời gặp nhau trong khoảnh khắc đầu ngày đẹp đến nao lòng...
Hình như...
- Sau lưng cậu.
Có lẽ nào...
Tôi nuốt khan liên tục, mắt mở to, nhớ đến giấc mơ về tia chớp xanh, không dám tin vào cả hai tai mình, từ từ quay lại.
Người đứng đó, làn da trắng hệt bông bưởi, khuôn mặt góc cạnh với đôi mắt sáng long lanh bên dưới hàng chân mày cong cong.
Người đứng đó, bờ môi mỏng nở một nụ cười hạnh phúc mãn nguyện lẫn mong chờ không chút giấu giếm.
Người đứng đó, cao lớn hơn, rắn rỏi hơn, sương gió hơn nhưng vẫn phảng phất dáng dấp bỏ mặc sự đời năm nào.
Người đứng đó, như bước ra từ hoàng hôn rực cháy, bước ra từ ký ức bộn bề, bước ra từ những tháng ngày đau thương nhung nhớ.
Lý Minh Hưởng đứng đó đau đáu nhìn tôi.
Thế giới náo nhiệt biến mất trong tích tắc, còn lại mình tôi và cậu ấy cùng ánh nắng vàng vọt tít tận chân trời. Có phải đây là sa mạc còn tôi là kẻ du mục sắp chết khô nhìn thấy ảo ảnh không? Hay vừa nãy máy bay đã thực sự gặp tai nạn và tôi vừa chết đi rồi lập tức chuyển đến chiều không gian khác? Nhưng kìa, ảo ảnh ấy bước về phía tôi, mỗi lúc một gần với hai cánh tay từ từ nâng lên giữa không trung. Lần này nó không khựng lại mà ân cần bao bọc lấy cả cơ thể tôi trong sự ấm áp, trong một tiếng thở phào nhẹ nhõm.
- Đông Hách, tôi về rồi.
Năm chữ ấy vọng ra từ giấc mơ nhiệm màu nhất, dịu êm khe khẽ vang lên bên tai tôi.
Mười năm trước, tôi khóc trông theo bóng lưng cậu ấy dần xa. Mười năm sau, tôi khóc trong vòng tay cậu ấy siết chặt. Ngày cậu ấy đi, tôi mới mười bảy tuổi, chưa sẵn sàng cho một cuộc chia ly. Ngày cậu ấy trở về, tôi hai mươi bảy tuổi, mười năm thoáng chốc như nước chảy mây trôi, tôi đã quen với cô độc, quen với chia ly mà không hề hay biết.
Vì cớ làm sao ngay vào lúc tôi muốn quên người, người lại một lần nữa xuất hiện giống cơn mơ vô thực. Vì sao cơ chứ?
20.
Tôi chưa tìm được nơi ở, có thể tá túc chỗ cậu mấy hôm không?
Vì câu nói này của Minh Hưởng mà hiện tại hai đứa tôi đang ngồi cạnh nhau trên sofa tại căn chung cư mini tôi thuê.
Từ sân bay đến nhà tôi không nói một lời nào, chỉ gật hoặc lắc khi cậu ấy hỏi, giờ thì bó gối nhìn chăm chăm vào mấy đầu ngón chân như đang theo dõi thí nghiệm sinh hóa. Có lẽ phản ứng như không phản ứng của tôi khiến Minh Hưởng lúng túng, cậu ấy cứ lặng yên kế bên chẳng hó hé gì.
Một tiếng đồng hồ trôi qua, cây kim ngắn của chiếc đồng hồ treo tường được thằng Lạc mua ở Thụy Sĩ trong một lần đi công tác tích tắc tích tắc chỉ đến con số tiếp theo tôi mới hoàn hồn quay sang đặt một câu nghi vấn:
- Đằng ấy... là Minh Hưởng thật hả?
Rất giống, giống như từ một khuôn đúc ra. Cũng vì quá giống mà tôi không dám tin. Lâu như vậy sống nhờ quá khứ, tự an ủi bản thân suốt những tháng ngày bị nỗi nhớ giày vò, tôi đã sớm quen với hiện thực tàn nhẫn, quen với suy nghĩ cả đời cũng đừng hòng gặp lại. Bây giờ cậu ấy xuất hiện bằng xương bằng thịt, không phải giấc mơ, không phải ảo giác, càng không phải điều tôi nghĩ có thể xảy ra. Niềm hy vọng lụi tàn từ mấy năm trước nào cho phép tôi tiếp nhận tất cả chuyện này. Niềm vui là điều tốt, nhưng niềm vui đến quá đột ngột sẽ luôn kèm theo cảm giác không chân thực, chỉ nhìn được chứ tuyệt đối không nên chạm vào, biết đâu bên trong chứa gai nhọn đâm ta rướm máu.
- Cậu vẫn giữ cây ghita chứ?
Tôi bàng hoàng.
Nó được đặt bên cạnh giường ngủ của tôi tận mười năm lận đấy.
- Chiếc xe đạp tróc sơn suốt ngày tuột xích có còn không?
Ba tôi vẫn hàng ngày đạp xe qua nhà thằng Tuấn để đánh cờ với ba nó.
- Đã ăn được đậu đen chưa hay toàn húp nước?
Không bao giờ ăn đậu đâu, chả ngon tí nào.
- Hàng phượng vĩ...
Bị chặt gần hết rồi.
Tôi vươn hai bàn tay bịt miệng Minh Hưởng, sợ nghe thêm lời nào nữa sẽ lại khóc mất. Nhưng cậu ấy dường như muốn chọc tôi rơi nước mắt mới chịu.
- Can I see you tomorrow?
"Câu hát này thì sao?" Minh Hưởng nắm lấy bàn tay tôi, nhẹ nhàng đặt xuống đùi cậu ấy, đôi mắt mở to nhìn tôi không chớp, "Cậu có nhớ không?"
Dòng điện chạy dọc sống lưng, tôi cố nuốt xuống cơn nức nở, giọng run run nghẹn ngào mãi mới thốt lên được một từ: "C-có..."
"Cảm ơn cậu! Đó là bài hát tôi tự sáng tác, nó viết về cậu, về chúng ta." Cậu ấy mỉm cười, nụ cười hoàn toàn hài lòng và hạnh phúc.
Thảo nào tôi không thể tìm thấy nó ở đâu khác. Hóa ra trên đời chỉ hai người biết đến nó. Phải chăng giống như một bí mật thiêng liêng, một tín vật định tình mà tôi không hề hay biết.
- Tôi hỏi nốt câu này thôi. Ly Blue Lagoon hôm đó, uống ngon không?
Blue Lagoon? Tròng mắt tôi giãn hết cỡ, miệng vo tròn thành quả trứng gà. Làm sao cậu ấy biết?
21.
Tôi tên Lý Minh Hưởng, bị dị tật tim bẩm sinh nên suốt nhiều năm chỉ làm bạn với thuốc và bệnh viện, còn thở âu cũng là kỳ tích. Vừa sinh ra, tôi đã bước một chân vào hoàng hôn của kiếp người, vào lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết, vào nơi tận cùng cô độc lẻ loi.
Ba mẹ và anh hai rất thương tôi. Tôi cảm nhận được sự bảo bọc nâng niu của họ từ tấm bé. Đó là khi mẹ hai tay bụm miệng nén tiếng khóc vào trong mỗi lần nhìn lượng thuốc tôi phải uống tăng lên. Đó là khi ba lật giở từng trang album, vuốt ve từng tấm hình rồi thầm cảm ơn Trời Phật đã cho tôi bên ông đến tận bây giờ, cầu xin hãy cho ông thêm chút thời gian nữa thôi. Đó là khi anh hai lắc đầu trước mọi lời rủ rê đi chơi của bạn bè, từ nhỏ đến lớn lúc nào cũng theo sát tôi không dám rời mắt, sợ sơ sẩy tôi sẽ chết ngay lập tức. Thậm chí anh hai còn từ bỏ ước mơ trở thành ca sĩ mà thi vào ngành y, thầm mong bảo vệ đứa em trai bệnh tật. Hình như tôi có mặt trên cõi đời chỉ để làm khổ người thân của mình. Họ không được sống cuộc đời mong ước, bỏ qua mọi niềm vui rồi thấp thỏm quay quanh tôi. Tình thương ấy lớn đến mức hóa thành áp lực đè nặng tâm hồn tôi, khiến tôi không thể thở được, không thể ngủ ngon và cũng chẳng bao giờ thực sự vui vẻ hạnh phúc.
Lớn lên đi học, thầy cô biết tim tôi khó ở, bạn bè vì nghe dặn dò mà dù không rõ tôi không khỏe chỗ nào cũng né xa. Không ai muốn rước họa vào thân, không ai muốn mạo hiểm làm bạn với đứa hiếm khi tham gia hoạt động lớp lại còn ra vào bệnh viện như cơm bữa. Từ nhỏ tôi đã hiểu mình chỉ nên làm con gấu ngủ đông, ẩn thật sâu giữa rừng rậm mới có thể qua ngày đoạn tháng.
Thế nhưng rồi tôi gặp được bình minh đời mình. Cậu ấy xuất hiện, mang theo cả dương quang rực rỡ, cả vườn địa đàng ai cũng ao ước để dành riêng cho tôi.
Lần đầu tiên tôi gặp cậu ấy là hôm thi văn nghệ liên trường năm lớp Chín. Ngay lúc cậu ấy cất tiếng hát, tôi cũng vừa uống xong viên thuốc cuối cùng, lập tức bị sặc nước ngẩng phắt đầu dậy giáo giác hướng về phía sân khấu. Tất cả những gì tôi có thể cảm thán chỉ là...
Hay quá!
Giống như âm thanh của sự sống, của điều kỳ diệu, của mầm non mang theo cơ man hy vọng về cuộc đời ngập tràn rực rỡ.
Nhưng tiết mục vừa kết thúc cũng không thấy cậu ấy đâu nữa. Tôi cứ ngỡ mình đã để lạc mất một thiên thần. Có lẽ do cố gắng quá mức, sau đó tôi phải nhập viện cả tuần, tưởng bản thân thấy được thiên thần nên phải sớm chầu Trời cho hợp lệ.
Gần một năm sau, tôi dường như đã không còn nghĩ ngợi đến cậu ấy thì định mệnh sắp đặt chúng tôi chính thức gặp nhau vào buổi sớm mai mùa thu trong trẻo. Cậu ấy ngồi bệt trên con đường đất bụi bặm quê tôi, đôi tay nhem nhuốc loay hoay với chiếc xe đạp tróc sơn. Khoảnh khắc cậu ấy quay lại, ánh nắng Mặt Trời phát ra màu trắng tinh khôi bao lấy cả khuôn mặt đẫm mồ hôi với hàng chân mày khẽ chau cùng bờ môi hơi dẩu lên. Hình ảnh yêu kiều đến mức hóa thành giọt sương long lanh đánh thức nụ hoa tưởng đã héo úa tận sâu cõi lòng tôi.
Phần chữ thêu trên túi trước ngực cho tôi biết cậu ấy tên Đông Hách, học cùng lớp với tôi. Khi đó tôi không hề ý thức hai chữ Đông Hách sẽ mãi như nỗi nhớ niềm đau không thể xua tan, tựa lớp sương mù dày đặc phủ quanh thành phố London thế kỷ trước.
Phải chăng Thượng Đế đã gom tất cả kỳ diệu của thế gian và đặt lên người Đông Hách. Cậu ấy tươi sáng, dễ thương, lạc quan và có kiểu mè nheo làm tôi vô cùng không nỡ từ chối. Buổi tối diễn văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo, không phải mẹ Nhân Tuấn mua thuốc mà tôi biết Nhân Tuấn bệnh đâu, tôi nói dối đấy. Là do tôi không kìm lòng được trước cái bĩu môi xinh xẻo của cậu ấy, là do tôi quá yêu thích giọng hát của cậu ấy mà lén đến trường xem cậu ấy biểu diễn. Ngày qua ngày ngồi trước Đông Hách, nghe giọng nói cậu ấy ngọt như mật ong rừng khi hát lớn, khi thì thầm, khi lại rù rì như gió thổi qua khóm tre, lòng tôi cũng theo đó trải dài giữa tầng tầng lớp lớp cung bậc cảm xúc. Thành Cát Tư Hãn chiếm được thiên hạ trên lưng ngựa, còn cậu ấy chỉ cần cất giọng cũng có thể thu phục tất thảy nhân tâm. Vậy nên tôi đơn giản không muốn cậu ấy buồn, không muốn khuôn miệng xinh xắn thốt ra lời thất vọng, tôi muốn nhìn thấy đôi môi ấy mãi cong lên hạnh phúc. Tôi đã đánh liều trái tim mình, cùng Đông Hách lên sân khấu mặc cho có thể lại tiếp tục nằm viện.
Về sau tôi nhận ra bản thân luôn hướng về Đông Hách. Mỗi khi cậu ấy lên bảng trả bài, mỗi khi cậu ấy đùa giỡn với bạn bè xung quanh, mỗi khi cậu ấy khều khều lưng tôi rủ ăn vụng me ngọt trong giờ học. Giây phút nào Đông Hách cũng thật đáng yêu, vừa giống Mặt Trời ấm áp lại vừa như ánh Trăng dịu dàng làm tôi không sao rời mắt. Tôi bắt đầu theo chân cậu ấy đi khắp nơi và Đông Hách trở thành rất nhiều lần đầu tiên của tôi. Lần đầu tiên tôi thả diều, ra sông chơi, đi câu cá, lần đầu tiên tôi ngồi lên một chiếc xe đạp mà không phải anh hai chở. Cậu ấy song hành bên tôi qua những ngày tháng thơ dại, những mùa phượng thay áo, những kỷ niệm ngập tràn đôi mắt mang bóng dáng Dải Ngân Hà.
Nếu so sánh, tôi tin Đông Hách chính là phần hy vọng còn sót lại trong chiếc hộp Pandora. Vì sao ư? Vì tôi như con tàu bị dính lời nguyền vĩnh viễn lênh đênh giữa biển khơi, chẳng bao giờ thấy ngọn hải đăng hay đường vào bờ. Vậy mà Đông Hách không biết nhờ quyền năng nào, hoàn toàn hóa giải lời nguyền ấy, giúp tôi đặt chân lên mặt đất để cảm nhận vẻ đẹp vạn vật sinh sôi cuộc đời nảy nở. Sự xuất hiện của cậu ấy đã kéo bóng đêm an bài khỏi số phận tôi, thay thế bằng bình minh yên ả khi ánh nắng dần vượt qua đường chân trời, phủ lên mặt biển lớp bụi kim cương lấp lánh. Đông Hách chẳng cần đũa phép cũng có thể ban cho tôi những điều nhiệm màu nhất thế gian, là niềm tin, là hy vọng và cả tình đầu khó phai.
Nhưng tháng ngày xưa cũ, tôi chưa dùng mấy chữ 'rung động đầu đời' để hình dung tình cảm dành cho Đông Hách. Bởi vì tôi là con trai, cậu ấy cũng vậy. Tôi đánh đồng nhịp đập thất thường của trái tim với căn bệnh bẩm sinh. Tôi phớt lờ cảm giác dòng điện chạy dọc sống lưng mỗi lần cậu ấy choàng vai bá cổ. Tôi mặc định mọi thứ muốn trải qua cùng cậu ấy cũng do Đông Hách là người bạn thân đầu tiên của tôi. Càng về sau, tôi càng tự lừa phỉnh bản thân nhiều hơn. Chối rằng hằng đêm tôi không mơ thấy khuôn mặt bánh mật xinh xắn, rằng mỗi bữa cơm tôi chỉ huyên thiên về cậu ấy như một người bạn tốt, rằng sự bồn chồn vào những ngày không gặp mặt chẳng có gì bất thường. Tôi đâu biết, đâu hiểu ngần ấy khác biệt đều báo hiệu cho một tương lai khắc khoải trong mong nhớ.
Lúc nghe mình sắp đi Mỹ làm phẫu thuật, tôi đã rất sợ. Không phải sợ chết, mà sợ rời xa Đông Hách, sợ mãi mãi chẳng thể gặp lại cậu ấy. Tôi vội vàng đòi xuất viện để dạy cậu ấy chơi ghita, tranh thủ từng phút từng giây ở bên cậu ấy nhiều nhất có thể. Chỉ là vẫn không đủ can đảm nói với cậu ấy ngày chia ly đang phăm phăm lao về phía chúng tôi.
Khoảng thời gian đó, tôi buộc phải tăng liều lượng thuốc lên rất nhiều nếu không muốn trái tim nổ tung vì những thổn thức. Khi tia nắng xuân ấm áp cùng con chuồn chuồn ớt đậu trên bông mướp vàng ươm, Đông Hách ôm cây ghita của tôi trong lòng, ngồi sát bên tôi ngập ngừng bối rối, đôi bàn tay cậu ấy run run gảy từng nốt nhạc trầm bổng. Ngần ấy hình ảnh đẹp đẽ kết tinh thành bức tranh sơn dầu hài hòa vô giá in đậm vào tâm trí tôi.
Thế nhưng đến tận thời khắc cuối cùng, đứng chôn chân giữa hoàng hôn u uất, nhìn Đông Hách chắp tay trước ngực ước điều ước sâu thẳm tận đáy tim, tôi mới nhận ra bấy lâu nay mình chưa từng coi cậu ấy như một người bạn đơn thuần.
Chỉ là... muộn mất rồi...
Từ khi dị tật ngang trái kia đeo bám tôi thì tất cả đều đã muộn mất rồi.
Đông Hách giống lộc non vừa mới nhú, tương lai của cậu ấy rất dài và xán lạn. Còn tôi, chiếc lá phong run lẩy bẩy trước cơn gió đông lạnh giá, làm sao xứng sánh bước bên cậu ấy. Ngang dọc xuôi ngược thế nào tôi cũng chỉ mang đến nỗi bất an, sợ sệt cho cậu ấy, hệt cái cách tôi làm với gia đình mình mà thôi. Vậy nên tôi ghim chặt móng tay vào lòng bàn tay trắng bệch, ngăn bản thân ôm cậu ấy thủ thỉ ba từ đơn giản nhưng rất có thể chẳng bao giờ thực hiện được.
Hẹn gặp lại.
Cứ thế tôi ra đi, cứ thế chúng tôi xa nhau. Mối tình đầu của tôi vỡ tan theo giọt nước mắt Đông Hách đánh rơi xuống ống nghe điện thoại. Đau đến không thở nổi.
Nơi đất khách quê người, thời gian đầu gia đình tôi ở nhờ nhà một người họ hàng xa tốt bụng. Ca phẫu thuật đầu tiên không thành công như mong đợi. Mẹ tôi đã khóc ngất đi khi bác sĩ bảo tình hình tệ hơn họ tưởng rất nhiều, đáng ra phải phẫu thuật từ sớm. Suốt hai năm sau đó lưng tôi nằm trên giường bệnh nhiều hơn chân tôi đặt dưới nền nhà. Trải qua thêm bốn cuộc phẫu thuật khác, tiền viện phí, thuốc men và hàng tỉ thứ liên quan đạt đến con số khổng lồ. Gia đình tôi khánh kiệt, ba mẹ tôi vắt cạn sức chạy việc trong những nhà hàng mỗi đêm để giành giật tôi khỏi tay thần chết. Anh hai vừa đi học vừa đi làm còn vừa phải chăm sóc tôi, vẻ điển trai bị bào mòn tới mức đôi lúc nhìn khuôn mặt anh hốc hác, tôi giật mình hồ nghi liệu đây có phải nam thần Lý Thái Dung thuở nào?
Một mình chịu đựng giày vò từ cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, biết bao lần tôi chỉ muốn chết quách đi cho xong. Tôi khóc lóc, tức giận rồi cầu xin ba mẹ làm ơn để tôi nhắm mắt xuôi tay, làm ơn đừng tự hành hạ bản thân vì đứa con bất hiếu này. Mỗi khi đó, mẹ tôi chẳng kìm được lòng mà rơi nước mắt, ôm tôi liên tục nói xin lỗi giữa tiếng nấc nghẹn ngào. Bà xin lỗi vì không thể cho tôi một trái tim khỏe mạnh, xin lỗi vì không thể thay tôi gánh tất cả khổ đau, xin lỗi vì những vết sẹo in hằn trên lòng ngực con trai bà.
Có một lần như thế, đợi ba mẹ rời khỏi, anh hai đứng trong góc phòng bệnh bình thản hỏi tôi: "Em có thấy ba mẹ già đi nhiều không?"
Tôi im lặng. Làm sao có thể không thấy.
- Ba hút thuốc lại rồi đấy. Từ ngày em ra đời ba đã bỏ thuốc, nhưng gồng gánh quá nhiều lo toan khi sắp năm mươi tuổi khiến ba gần như sụp đổ.
Tôi vẫn lặng thinh.
"Em đau, anh hai biết. Em nhớ nhà của chúng ta, nhớ bạn bè, anh hai biết. Em chẳng nhìn ra tia hy vọng nào khi ngày qua ngày cứ phải làm đi làm lại mấy loại kiểm tra chán ngắt, anh hai biết." Anh bước đến gần tôi, giọng anh nhỏ dần, ngưng đọng thành đám mây tích điện: "Ba mẹ càng biết những điều đó, càng đau lòng vì những điều đó, càng cảm thấy ngàn vạn lần có lỗi vì những điều đó. So với em, ba mẹ càng muốn em không phải hứng chịu bất cứ thứ tồi tệ nào. Vậy nên mười mấy năm qua, mỗi việc ba mẹ làm đều vì mong một ngày em được khỏe mạnh, được tự do thoát khỏi sự gò bó của bệnh tật."
Hàng chân mày dày và rậm của anh chau lại trên đôi mắt thâm quầng, "Rất lâu rồi anh hai không nặng nhẹ với em, nhưng lời em nói hôm nay em thử nghĩ kỹ xem em bất hiếu như thế nào. Em nói em muốn chết. Mẹ đau đớn sinh ra em, ba vất vả nuôi dạy em, vậy mà em không hề trân trọng ba mẹ, không hề trân trọng ơn sinh thành. Em chết, em được giải thoát. Nhưng em có nghĩ điều đó chắc chắn sẽ biến thành cái lồng sắt đầy gai nhọn vĩnh viễn giam cầm ba mẹ, để ba mẹ từ giờ tới cuối đời trách cứ bản thân trong tuyệt vọng không?"
"Chết thì dễ lắm, sống mới khó. Và ba mẹ đã chọn con đường khó khăn nhất để đi chỉ vì muốn đổi lại cho em chút hy vọng. Em có thể chọn cách dễ dàng, em có thể không bận tâm đến những gì ba mẹ tình nguyện hy sinh. Nhưng anh hai nghiêm cấm em oán trách ba mẹ dù bất cứ lý do gì." Thở một hơi dài bất lực kèm mệt mỏi, anh đứng dậy xoa đầu tôi dặn dò: "Uống thuốc rồi ngủ đi, giờ anh hai có ca làm. Anh hai không khẳng định ba mẹ đúng hoàn toàn, cũng không phủ nhận em thiệt thòi. Anh hai muốn em suy nghĩ thật kỹ thái độ, hành động của em thời gian qua. Nếu em thấy em không sai, thấy ba mẹ và cả anh hai chỉ đang khiến em thêm mệt mỏi thì anh hai không còn lời nào để nói nữa."
Trước khi lách người khỏi cánh cửa, anh quay lại mỉm cười: "Bắt đầu lên cấp ba em tươi vui hơn, ba mẹ cũng rất hạnh phúc đấy."
Tôi ngây người nhìn theo anh hai, tâm trí chìm trong tiếng bước chân nặng nề vang lên ngoài hành lang bệnh viện. Thì ra tôi chưa từng là một đứa trẻ hiểu chuyện, trước giờ chỉ như kẻ buông xuôi chấp nhận cái chết mà không chịu học cách sống sao cho ra sống. Tôi hờn dỗi thế gian, thịnh nộ chính mình rồi làm tình làm tội ba mẹ. Đúng là vô cùng bất hiếu.
Có lẽ đến lúc tôi phải trưởng thành, phải san sẻ gánh nặng trên đôi vai ba còng xuống, phải yêu thương an ủi mẹ qua những đêm khóc thầm, phải xứng đáng với anh hai đã vì tôi mà từ bỏ cả mơ ước, phải thôi đổ lỗi cho số phận nghiệt ngã. Bởi cuộc đời tôi, không ai có thể thay tôi bước đi mãi được.
Giữa những tháng ngày đen tối ấy, tôi vẫn không thôi nhớ Đông Hách, nhớ da diết từng khoảnh khắc bên nhau. Cậu ấy là người tặng tôi bình minh bừng sáng, dạy tôi nụ cười đáng quý nhường nào. Nhưng khoảng cách giữa chúng tôi tính bằng nửa vòng Trái Đất, rộng lớn như đại dương bao la thăm thẳm, trải dài như lục địa mênh mông vạn dặm. Kỷ niệm giờ đây chỉ còn là tia nắng mong manh chiếu qua kẽ lá, gửi tâm hồn tôi bao nhiêu bình yên cùng bấy nhiêu cay đắng. Tôi buộc phải quen dần với trống vắng trong lòng, hóa nỗi nhớ thành sức mạnh đẩy mình không ngừng tiến về phía trước, về một tương lai có thể thấy bình minh xuất hiện thêm lần nữa.
22.
Minh Hưởng vẫn chưa thôi nhìn tôi, giọng cậu ấy đều đều nhỏ nhẹ tuôn những lời tâm sự suốt mười năm chẳng biết tỏ cùng ai. Vậy là không phải mình tôi ôm mối tương tư ngần ấy thời gian đằng đẵng. Rốt cuộc Minh Hưởng làm thế nào để vượt qua bao đau thương nhung nhớ cùng khoảng cách và rào cản mà về đây? Đột nhiên tôi có rất nhiều điều muốn hỏi cậu ấy nhưng lại chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, chỉ đành im lìm bất động ngồi thu lu một chỗ, hệt như thằng nhóc Đông Hách năm đó nuốt câu bộc bạch vào trong lặng nhìn người khiến trái tim nó rung động rời đi.
"Vì ban đầu ở nhờ họ hàng xa, người cô họ trong lúc dọn dẹp đã lỡ tay vứt nhầm cuốn sổ ghi số điện thoại và địa chỉ nhà cậu. Lúc đó tôi cũng nghĩ mình sẽ chết, không liên lạc để không làm cậu phải buồn thêm, đến khi xuất viện thì đâu biết làm sao gửi về một bức thư báo bình an." Cậu ấy cười buồn, đầu hơi cúi nói tiếp: "Với cả gia đình tôi nợ một khoản không nhỏ, chật vật mấy năm mới trả hết. Vậy nên đến tận bây giờ mới có thể trở về tìm cậu."
Đôi bàn tay cậu ấy chai sạn đi rất nhiều, ngón cái không ngừng vuốt ve tay tôi nhẵn nhụi, "Nhưng mà Đông Hách! Thật sự định mệnh có tồn tại trên đời đấy. Cậu biết tại sao không?"
Tôi lắc đầu, cái gì mà tìm tôi, cái gì mà định mệnh, lòng tôi đang rối bời lắm rồi đây. Giống như Ngày Nhà giáo tôi một mình loay hoay ở hông sân khấu, Minh Hưởng từ đâu bước đến bên cạnh, những ngón tay lành lạnh của cậu ấy chạm vào cổ tay tôi truyền đến cảm giác ngỡ ngàng hồi hộp không lý do.
Minh Hưởng với lấy chiếc điện thoại nằm trên bàn, lục tìm thứ gì đó và đưa cho tôi xem.
Cái này... là hình tôi chụp chung với cô bé từng thích tôi trước đây. Nếu tôi nhớ không nhầm thì nó được chụp bằng điện thoại cô ấy, sao Minh Hưởng lại có nó?
Khoan đã...
Còn ly Blue Lagoon nữa. Làm cách nào cậu ấy biết?
Ôm một bụng nghi vấn cùng khuôn mặt mờ mịt, tôi quay hẳn sang cậu ấy, ngồi xếp bằng trên sofa thắc mắc: "Cậu quen bé Nghi à?"
- Ra Nghi là tên cô ấy, tôi chỉ nhớ tên Facebook là Anne chứ không biết tên thật.
Cậu ấy bình thản trả lời càng khiến tôi mơ hồ hơn, "Ơ thế sao cậu có tấm hình này?
"When you want something, all the universe conspires in helping you to achieve it." Minh Hưởng thuật lại câu thoại kinh điển trong Nhà giả kim, "Khi bạn quyết chí muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để bạn đạt được điều ấy."
"Vì tôi luôn mong muốn có thể gặp lại cậu, vì trái tim tôi dù tật nguyền hay lành lặn cũng chỉ có riêng hình bóng cậu, vì tôi khao khát nhìn ngắm "Mặt Trời" thêm lần nữa trong đời. Vì có cậu, vì cậu mà vũ trụ đã giúp tôi. Tôi nhận được học bổng từ trường đại học ở Vancouver. Định mệnh đẩy tôi chung lớp với người bạn du học của cô bé tên Nghi. Tôi vô tình nhìn thấy tấm hình này và cuối cùng tôi cũng tìm thấy cậu." Minh Hưởng nghiêng người về phía tôi, không ngừng nói như trả tấm lòng, "Pub cậu ghé là nơi tôi làm thêm thời đại học, cuối tuần nào tôi đến đó chơi đàn và tôi đã liên lạc nhờ cô bé đưa cậu đến đó. Tôi định lên sân khấu và hát bài tôi sáng tác tặng cậu. Có điều tôi sợ cậu đã không còn nhớ nữa nên chỉ dám lặng lẽ pha cho cậu một ly cocktail, biết đâu tình cảm kỳ lạ từ tôi sẽ là gánh nặng làm cậu khó chịu."
"Nhưng mà những lời cậu nói với cô bé về mối tình đầu đều ám chỉ tôi đúng không?" Trong mắt Minh Hưởng phản chiếu bóng hình tôi kèm theo sự mong chờ khao khát cháy bỏng không cho tôi cơ hội chối gạt. Yết hầu cậu ấy di chuyển liên tục như có điều khó thổ lộ: "Thật ra thì lần này tôi cố gắng mua bằng được vé chuyến bay của cậu, muốn cùng cậu về nước. Tôi quyết định sẽ sống ở đây luôn, công việc cũng tìm xong rồi. Vậy nên..."
"Đông Hách-" khuôn mặt cậu ấy chỉ còn cách một khoảng mỏng như cánh phượng, "T-tôi...ôm cậu được không?" Minh Hưởng xúc động siết chặt bàn tay tôi, ngập ngừng hỏi. Thoáng chốc chúng tôi vừa quay về tuổi mười lăm, hai tai Minh Hưởng đỏ au như ruột dưa hấu khi lần đầu ngỏ lời muốn đi thả diều cùng tôi. Còn tôi sau bao năm cũng vẫn đắm chìm trong chất giọng tuyệt vời của cậu ấy. Mê man đến nỗi chẳng rõ bản thân gật hay lắc, chỉ thấy cậu ấy nghiêng đầu sang một bên rồi gục xuống vai tôi, một bàn tay cậu ấy đặt sau gáy, một bàn tay còn lại khẽ khàng vuốt vuốt tấm lưng tôi đang cứng đờ.
- Xin lỗi vì đã đi quá lâu, vì đã về quá muộn. Cậu đừng vậy, đừng không tin tôi, đừng không tin mọi thứ. Tôi thật sự đã rất nhớ cậu, vô cùng nhớ cậu.
- Tôi biết rõ bản thân mong muốn điều gì khi nói với ba mẹ và anh hai là mình cần lần nữa gặp lại cậu. Nhưng mà tôi sẽ không ép cậu. Cậu không cần phải bận tâm về tôi hay về lời tôi nói. Chỉ cần cậu cảm thấy vui, thấy hạnh phúc và nhớ rằng tôi sẽ không bao giờ đi đâu quá lâu quá xa cậu nữa.
- Trước đây cậu đạp xe chở tôi đi khắp mảnh đất quê hương chúng ta, sau này hãy để tôi được bù đắp cho cậu, chở cậu đi bất cứ đâu cậu thích. Có được không Đông Hách?
Thứ cảm giác tê dại lướt qua toàn bộ cơ thể tôi. Khoảnh khắc này, một giọng nói vang lên từ tận đáy tim, rõ ràng rành mạnh mà rằng: Chỉ cần cậu trở về, thì không bao giờ là muộn. Chỉ cần cậu trở về, thì với tôi đã là hạnh phúc.
Hu...
Cậu ấy chưa từng quên tôi, còn quay lại tìm tôi. Cậu ấy đúng là Minh Hưởng, là người tôi ngóng trông biết bao năm, là người tôi gìn giữ vẹn nguyên trong trái tim mình. Tôi một lần nữa òa khóc nức nở trong vòng tay ấm áp ao ước hằng đêm.
"Sao lại mít ướt nữa rồi." Minh Hưởng buông tôi ra, dùng mu bàn tay nhẹ nhàng lau đi giọt nước mắt lăn dài trên má tôi. Những ngón tay cứ mãi quyến luyến vuốt ve bầu má tôi.
"Tại vì. Điều ước của tôi. Đã thật sự thành hiện thực m-à..." Tôi mãi mới có thể nói một câu hoàn chỉnh xen lẫn tiếng nấc. Điều ước năm đó tôi dành cho Minh Hưởng, cuối cùng cũng thở phào khi biết nó thật xứng đáng.
"Trùng hợp quá-" cậu ấy bật cười, "-điều ước của tôi cũng đã thành hiện thực rồi."
.
Không ai biết, năm đó Minh Hưởng học theo Đông Hách bắt lấy máy bay, gửi gắm niềm tin tưởng như đã chết vào trò trẻ dại, nỗ lực gieo chút hy vọng xuống nền đất khô cằn sỏi đá.
Nhưng thời khắc nằm trên giường bệnh chờ phẫu thuật lần thứ năm, lúc vươn cánh tay chằng chịt vết kim tiêm về phía chiếc máy bay thứ một ngàn, Minh Hưởng chợt thay đổi điều ước của mình...
Ước gì Đông Hách có thể thực hiện được nguyện vọng trở thành tiếp viên hàng không để rong ruổi khắp năm châu bốn biển, bình yên trải qua cuộc đời mà cậu ấy mong muốn.
.
Cuộc sống mà tôi mong muốn, sẽ luôn có Minh Hưởng trong đó, mỉm cười nắm chặt bàn tay tôi đi qua những bình minh và hoàng hôn, đi qua những niềm vui và nỗi buồn, đi qua những năm dài tháng rộng đơn sơ ấm áp.
-----
"Can I see you tomorrow?" - Lời bài hát Mark và Haechan cùng sáng tác thời còn là thực tập sinh ấy.
Tia chớp xanh lục phóng thẳng lên vào thời khắc hoàng hôn là dấu hiệu một linh hồn vừa quay lại thế giới này từ cõi chết - Cái này là lúc mình xem Pirates of the Caribbean 3 thấy trong phim nói vậy, xong mình bị lậm tới giờ.
Điều cuối cùng mình muốn nói là: "Mark Lee, nhìn người ta như vậy là phạm quy đó."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top