Điều ước của tôi 3
Chỉnh sửa bổ sung (nhiều) ngày 02/11/2021.
5.
Minh Hưởng cùng họ với tôi - họ Lý. Cậu ấy học trường cấp hai phía Tây vậy nên trước đây chúng tôi chưa từng gặp nhau (thật ra đã xém gặp nhau nếu tôi không... e hèm... tham ăn tục uống). Sau vài buổi học tôi phát hiện ra Minh Hưởng hoàn toàn không chảnh như những lời đồn đại. Cậu ấy "chảnh" hơn nhiều.
Tiết sinh hoạt chủ nhiệm đầu tiên, thầy Thái dạy Toán đồng thời là chủ nhiệm lớp chúng tôi đã dựa vào thành tích thi tuyển cũng như tờ khai học sinh chỉ định Minh Hưởng làm lớp trưởng còn thằng bạn thân tôi - Tuấn đại ca - làm lớp phó học tập. Vâng, bạn không đọc nhầm đâu, lớp phó phụ trách chuyện học hành của hơn bốn mươi mầm non đất nước chính là đứa mà tôi từng tả không khác nào hiệp khách giang hồ trước đó.
Người xưa có câu đừng trông mặt mà bắt hình dong chắc để chúng ta dùng vào những hoàn cảnh thế này. Ừ thì thằng Tuấn hơi láo lếu bặm trợn, hay hất mặt song song với những đám mây lửng lơ hỏi người khác muốn gì. Nhưng suốt ngần ấy năm cắp sách đến trường, danh hiệu học sinh giỏi chưa bao giờ thoát khỏi lòng bàn tay chuyên vung quyền của nó. Theo lý lẽ nó thường dùng, chúng ta cần cái đầu để đối phó với người khôn nhưng cũng có lúc lời nói không giải quyết vấn đề ổn thỏa bằng nắm đấm. Vì vậy nó trang bị đầy đủ cả kiến thức lẫn vũ lực giúp linh hoạt trong mọi trận địa. Nhiều khi tôi thắc mắc ba má nó cho nó ăn gì mà sao bộ não bé tẹo trong cái đầu bé tí lại chứa được lắm thứ già dặn thế. Cốt học lỏm bí quyết thành tài cũng như thành đại ca, có giai đoạn ngày nào tôi cũng mò qua nhà nó ăn chực. Ba má Hoàng coi tôi như con cái trong nhà, để tôi mặc sức ăn dầm nằm dề vẫn vui vẻ cưng nựng. Sau một tuần, não tôi chẳng biết có thêm được nếp nhăn nào không nhưng bụng thì đắp đến mấy lớp mỡ. Đúng là cơm nhà khác luôn ngon hơn nhà mình.
Thằng Tuấn rất có năng khiếu học hành, đặc biệt giỏi môn Ngữ Văn. Một bài thơ ngắn bốn dòng tựa Bánh Trôi Nước nó phân tích ra đến ba bốn cặp giấy, nhà thơ Hồ Xuân Hương đọc xong bài kiểm tra một tiết của nó khéo cũng không nhận ra rằng đứa hậu bối này đang phân tích mấy cái bánh trôi ba chìm bảy nổi của bà. Đấy là chưa kể khoản làm thơ xuất thần đấy nhé. Nó ế chỏng ế chơ, ế như đó là sự nghiệp cả đời lại làm thơ tình hay số dách. Nó nâng niu một quyển sổ bìa đen, bên trong ghi chép tất cả những bài thơ do chính mình sáng tác. Hồi lớp Chín tôi đọc lén mới phát hiện ra nó có thiên phú chứ chả đùa. Sau đó cổ tôi đau đến tận mấy ngày vì bị nó kẹp suốt mười lăm phút. Nhưng tôi lì đòn thành thói, cổ hết đau liền chạy theo giở đủ trò năn nỉ ăn vạ để được đọc tập thơ không bao giờ xuất bản ấy lần nữa. Thằng Tuấn miệng cứng chứ lòng mề mềm như úng nước, nó chịu không nổi cái kiểu dai như đỉa đói của tôi đành đầu hàng lôi quyển sổ từ sâu trong ngăn kéo ra kèm theo lời hăm dọa: "Cấm để người khác biết, không thì cẩn thận cái mạng mày." Có đứa học sinh giỏi nào nói chuyện đầu đường xó chợ thế không? Mà thôi kệ đi. Nó vừa dứt câu tôi mừng hơn bắt được vàng, gật đầu lia lịa trịnh trọng giơ tay lên thề thốt đây sẽ là bí mật của hai đứa, sống để bụng chết mang theo, dù có bị gươm đao kề cổ hay súng ống kề đầu cũng tuyệt đối không phản bội nó mà hé răng nửa lời. Bởi mới nói thằng Tuấn gặp phải tôi chắc chắn là kiếp nạn không thể vượt qua.
Trong số rất nhiều bài thơ được ghi nắn nót trên trang giấy trắng, tôi đặc biệt ấn tượng một bài thế này:
Tà dương thả nhẹ lối về,
Màn đêm khe khẽ mân mê chân trời.
Bóng ai từng bước xa vời,
Làn môi hơi ấm chơi vơi đợi người.
Tôi nhớ rõ lúc đọc xong bỗng tâm hồn trống huơ trống hoác, cảm giác mất mát chia ly đột nhiên từ đâu xâm chiếm làm tôi bần thần mất một lúc. Thấy tôi như thế, thằng Tuấn thở dài nói: "Đừng thích thơ, bài thơ mày thích sẽ vận vào đời mày đấy." Chắc kiếp trước nó là Nhị Lang Thần có Thiên Lý Nhãn, nếu không sao lại nhìn được chính xác tương lai của tôi đến vậy. Sau này, tôi thực sự đã vì sự rời đi của một người vào hoàng hôn rực cháy mà trái tim trở nên sống dở chết dở suốt nhiều năm.
Xin lỗi tôi lại lan man rồi.
Lúc đang nghĩ ngẩn ngơ thì nghe thầy chủ nhiệm cho tôi một chân làm lớp phó văn nghệ. Dù sao với giọng hát ngọt như mía lùi của mình tôi không làm thì ai làm. Trước giờ tôi không quan tâm đến quyền lực, càng không thích ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, chỉ muốn là một thường dân áo vải bình đạm sống qua ngày. Nhưng tôi mê hát, thêm đó cái chức vụ này vốn chỉ phát huy tác dụng khi đến các ngày cần diễn văn nghệ, còn đâu tôi chẳng phải lo nghĩ nhiều nên không sao. Tất nhiên ban cán sự cũng mang tính chất lâm thời thôi, sau một tháng khi tình hình lớp đi vào hoạt động ổn định sẽ tiến hành đại hội bầu cử, đến lúc đó nếu không nhận được sự tín nhiệm của các bạn, chức vụ sẽ lập tức bay về tay người khác.
Chốt xong danh sách, thầy Thái đang định nói sang chuyện phân công trực nhật thì cánh tay gầy nhẳng trắng tinh của Minh Hưởng lơ lửng trên không trung.
- Thưa thầy.
Giọng cậu ấy không quá lớn cũng không quá nhỏ, vì một sự màu nhiệm nào đó mà nó nằm chính xác ngay giữa bảng xếp hạng âm vực. Nghe vừa trầm vừa bổng, vừa tha thiết lại vừa dửng dưng. Giống như hừng đông, khi trời nhá nhem tranh sáng tranh tối, màn đêm và Mặt Trời gặp nhau trong khoảnh khắc đầu ngày đẹp đến nỗi khiến con người ta dễ mơ màng đi lạc. Cảm giác rất tuyệt.
Thấy lớp trưởng muốn phát biểu, thầy lập tức tươi rói hỏi ngay:
- Có chuyện gì thế Minh Hưởng?
Nhận được sự cho phép, lớp trưởng vừa mới nhậm chức chừng mười phút từ tốn đứng lên, dõng dạc: "Thưa thầy, em xin từ chối chức lớp trưởng, mong thầy để bạn khác đảm nhiệm ạ."
Cả lớp đồng loạt kêu lên một tiếng "ồ" kéo dài. Học sinh chúng tôi dù nghịch ngợm cỡ nào, đứng trước những lời đề nghị của thầy cô thường rất khó nhắm mắt làm ngơ. Thế mà cậu ấy nói tỉnh bơ, thái độ vô cùng chắc chắn, giọng điệu kính cẩn nhưng kiên định quả quyết chứ không phải kiểu giả vờ giả vịt khiêm tốn, tôi chưa từng thấy ai như thế.
Trong mắt tôi thầy Thái luôn đặc biệt hơn tất cả giáo viên khác. Là sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm được hai năm nhiệt huyết còn dồi dào, tính cách không quá sai khác lũ giặc giã chúng tôi bao nhiêu, thầy hay đùa và có khiếu hài hước đến Thượng Đế cũng phải cười. Do đó thay vì nhăn mặt khó chịu hay chất vấn Minh Hưởng lý do tại sao, thầy chỉ đơn giản mỉm cười phẩy tay ra hiệu cho cậu ấy ngồi xuống rồi nhẹ nhàng bảo với chúng tôi:
- Sau này khi các em lớn lên, nếu có điều gì thực sự không muốn làm thì hãy cứ thẳng thừng từ chối như Minh Hưởng nhé. Đừng vì sự ép buộc của người khác mà bỏ đi nguyên tắc của chính mình. Bởi một khi nguyên tắc không còn, con người ta rất dễ rơi vào cạm bẫy không lối thoát, đánh mất bản thân vào tay số phận.
Tôi nghe như vịt nghe sấm, chẳng hiểu thầy đang thao thao bất tuyệt cái gì. Đầu nghĩ ngợi không biết thầy dạy Toán hay dạy triết lý nhân sinh nữa. Với một đứa sống theo nguyên tắc chả có nguyên tắc nào như tôi thì mấy thứ cao siêu ấy quả thực không phù hợp. Chỉ là về sau vào đời, va vấp đến trầy da tróc vẩy mới nhớ đến lời thầy ngày đó, thầy Thái của chúng tôi thật sự là một nhà giáo tuyệt vời.
Cuối cùng, nhờ sự "chảnh" đến độ dám khước từ cả giáo viên của Minh Hưởng mà thằng Tuấn được (hoặc "bị" theo lời nó) đôn lên làm lớp trưởng, còn chức lớp phó học tập truyền lại cho một nhỏ tên Vân học chung trường cấp hai với Minh Hưởng. Ban cán sự lớp về cơ bản được giữ nguyên suốt ba năm cấp ba đáng nhớ đáng quên ấy.
6.
Vào học hơn một tháng, chúng tôi bắt đầu quen thuộc trường mới bạn mới. Nếu hỏi đâu là điểm khác giữa cấp hai và cấp ba, tôi xin mạnh dạn trả lời chẳng mấy khác biệt, có chăng cũng chỉ thêm nhiều bài tập hơn mà thôi.
Còn về thay đổi thì dần dà tôi nhận ra mối thù không đội trời chung giữa hai trường cấp hai dễ dàng biến mất sau vài cuộc trò chuyện hay trận ca rô bất phân thắng bại. Vì thế giới của thiếu niên chúng tôi khi ấy vốn không có chỗ cho những so kè phiền nhiễu của người lớn trú chân.
Nói có sách mách có chứng. Hiện tại tôi, thằng Tuấn và Chung Thần Lạc - một cựu học sinh trường phía Tây - ngồi ngay bàn sau đã thân thiết hơn rất nhiều. Từ khoảnh khắc giọng cười cá heo của thằng Lạc vang khắp sân trường khi nghe tôi kể câu chuyện đi hái trộm xoài chung với thằng Tuấn xong bị chó rượt chạy mấy vòng quanh xóm, tôi đã biết đây đích thị là bạn mình. Tính tình nó xởi lởi, ăn ngay nói thật không phải loại lưỡi không xương nhiều đường lắt léo nên chơi cùng nó thoải mái lắm. Mới biết nhau dăm bữa nửa tháng nó đã rủ tôi và thằng Tuấn "ghé thăm tệ xá của tao đi?". Gia đình nó có một vườn trái cây nào cam xoài cóc ổi... má nó bưng một mẹt đủ loại bày ra giữa hiên nhà mát mẻ ngồi xẻ cho chúng tôi ăn. Thấy tôi nuốt nước miếng ừng ực, thằng Lạc cười há há bảo sau này thèm thì nói nó chứ đừng trèo tường ăn trộm mất công chó đuổi. Cái ưu điểm có sao nói vậy của nó bây giờ trông ngứa mắt ghê.
Ngoài thằng Lạc, tôi cũng dần làm quen với các bạn khác trong lớp, đời cấp ba chính thức đi vào quỹ đạo. Duy chỉ có Minh Hưởng dường như luôn đứng ngoài tất cả mọi thứ. Nếu so sánh chúng tôi là những hành tinh quay ổn định quanh Mặt Trời thì Minh Hưởng giống thiên thạch xám xịt một mình trôi bềnh bồng giữa vũ trụ vô định. Mỗi ngày cậu ấy đều đặn đi bộ đến trường, nghiêm chỉnh học hành rồi lặng lẽ tản bộ về nhà, không hùa theo mấy trò nghịch ngợm của đám con trai hay tám chuyện với đám con gái. Vài lần tôi rủ cậu ấy đi thả diều hay tắm sông cùng tôi, Tuấn đại ca và Lạc đầu to (vì đầu nó to thật các bạn ạ, không những to mà còn nặng đến 5.1kg, lúc chúng tôi đè nó ra cân cũng hết hồn hết vía) cậu ấy đều lịch sự nhưng kiên quyết từ chối: "Cảm ơn đã rủ, tiếc quá tôi không tham gia được."
Vô vàn cái lắc đầu liên tục, lâu dần làm cho cả lớp không ai buồn quan tâm đến Minh Hưởng nữa. Thi thoảng tôi còn nghe người này người kia lời ra tiếng vào nói cậu ấy vì ỷ nhà khá giả nên không thích giao du với chúng tôi, gọi cậu ấy là kẻ phân biệt giai cấp đáng ghét. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Có thể do ấn tượng lần đầu cậu ấy giúp tôi sửa xe đạp trong buổi sáng đầu thu quá đẹp khiến tiềm thức tôi luôn nhận định Minh Hưởng cực kỳ dễ thương. Tôi bàn với hai đứa còn lại tìm hiểu xem rốt cuộc nguyên nhân gì khiến Minh Hưởng trầm lặng đến thê lương thế.
Chúng tôi ngồi vắt vẻo trên bờ đê, phía dưới một bên là lòng sông êm trôi, một bên là vườn hướng dương người ta trồng cho bò ăn. Nghe tôi trình bày xong, thằng Lạc đang nhai ổi rau ráu lập tức gật gù đồng ý ngay. Nó bảo hồi ở trường cũ nó và Minh Hưởng đều nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Toán, thậm chí Minh Hưởng còn được xem như hạt nhân của cả đội, người chắc chắn mang giải nhất tỉnh về cho trường. Nhưng không biết vì cớ làm sao mà gần đến ngày thi bố mẹ Minh Hưởng đột nhiên xin cho cậu ấy rút khỏi đội tuyển làm cả trường đều thắc mắc vô cùng.
- Trước đó tao đâu biết nó là ai dù học cạnh lớp nhau mấy năm. Tại nó cứ im im còn tao nói liên mồm nên không chung một thế giới. Mà hồi ôn thi có mấy bài khó thấy bà tao không hiểu nổi quay qua hỏi thử, nó cực kỳ kiên nhẫn giải thích tới cùng cho tao luôn. Từ đó tao thấy nó dễ thương quá trời muốn nhận làm con trai thì đùng cái nó xin rút, tao hụt hẫng không hứng thú ôn thi nữa luôn.
Đầu to chẳng thèm nghỉ lấy hơi, kể một lèo hết câu chuyện mà sao tôi nghe giống như nó đang lý do lý trấu cho việc rớt học sinh giỏi tỉnh. Thôi cũng kệ, quan trọng là nó tham gia.
Đứa còn lại, Tuấn đại ca với tư cách lớp trưởng gương mẫu tất nhiên không thể để lớp xảy ra tình trạng chia rẽ mất đoàn kết nên gật đầu cái rụp, dù tôi biết tỏng nó vẫn còn cay cú vụ bị Minh Hưởng giật mất giải nhất văn nghệ liên trường năm ngoái.
Nhân lực đã có nhưng chúng tôi vẫn chưa hình dung rõ ràng phương án tác chiến. Ba đứa chụm lại ôm đầu vận dụng toàn bộ tế bào thần kinh làm việc hết công suất để tìm cho bằng được đường lối cách mạng. Cuối cùng, thằng Tuấn vỗ đùi đánh đét một cái hô to: "Có cách rồi."
"Cách gì?" Tôi và thằng Lạc đồng thanh.
Thằng Tuấn vuốt vuốt cái cằm không có cọng râu nào của mình ra chiều uyên bác nhìn tôi: "Cái này phải để lớp phó văn nghệ ra tay mới được."
Tôi ngớ người mất một lúc mới hiểu ý đồ của nó.
- Ý mày là...?
- Nó đó. Còn một tháng nữa là đến Ngày Nhà giáo, mày lấy danh nghĩa mời nó tham gia vào tiết mục văn nghệ xong tụi mình dần dần giúp nó hòa nhập. Năm ngoái nó đã tham gia nên chắc cũng có hứng thú với văn nghệ văn gừng. Cái mồm dẻo như kẹo mạch nha của mày có đất dụng võ rồi đó.
Ờ ha. Đơn giản như vậy mà tôi không nghĩ ra. Đúng là Tuấn đại... à không Tuấn thiên tài có khác. Đây còn là cơ hội tốt để tôi tiếp xúc với cậu ấy nhiều, sẵn dịp trả ơn sửa xe giúp hôm nào.
Nhưng tôi chưa vui mừng được bao lâu thì đã bị thằng Lạc tạt ngay cho gáo nước lạnh toát toàn thân.
- Tao thấy cách này không ổn. Năm ngoái văn nghệ xong thằng Hưởng nghỉ học hơn một tuần luôn á.
"Tại sao?" Lần này đến lượt tôi và thằng Tuấn đồng thanh.
- Không biết. Sau đó nó rút khỏi đội tuyển học sinh giỏi, tới tháng Mười Hai tụi tao đi thi mà không có nó. Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy khó hiểu nè.
"Nhưng mà mày cứ thử đi Hách. Dù sao đây cũng là một cách gợi chuyện." Thấy vẻ mặt tôi như vừa mất sổ gạo, thằng Lạc vội nói thêm vào, "Với đó là chuyện của năm ngoái, chắc gì đã liên quan đến năm nay."
"Đúng đó, công bằng mà nói nó đánh ghita hay thiệt, có đoạn còn hát đệm nữa. Giọng nó trầm hợp với giọng mày lắm Hách." Thằng Tuấn dù ít dù nhiều cũng từng chứng kiến tài năng của Minh Hưởng. Còn tôi tuyệt đối tin vào khả năng nhận xét đánh giá của nó.
- Được, để tao thử nói chuyện với cậu ấy xem sao.
Lời vừa dứt, tôi đứng dậy phủi phủi quần chuẩn bị về nhà ăn cơm thì thấy có gì đó sai sai. Sao hai đứa kia vẫn ngồi bất động, còn nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét.
- Mặt tao dính gì à?
- Không có.
- Chứ mắc gì nhìn dữ vậy.
"Giờ tao mới để ý..." thằng Tuấn bắt đầu cao giọng, một khi nó cao giọng nghĩa là nó đã pha vào lời lẽ nhiều ý tứ nghi ngờ cùng mỉa mai sẵn sàng phun thẳng mặt người đối diện, "... sao mày luôn lịch sự khi nhắc đến thằng Hưởng thế?"
Tôi chột dạ, mắt đảo như rang lạc chối bay chối biến: "Hồi nào? Mày đừng có huyên thiên."
Hãy tin tôi, lúc đó tôi cũng không nhận thức được vì sao mình lại như vậy. Còn đến khi tôi hiểu ra thì người đã không còn bên cạnh nữa rồi.
7.
Trường cấp ba có một quy định, môn thể dục học trái buổi và bắt đầu từ giữa tháng Mười. Ví dụ như khối tôi lên lớp vào buổi sáng thì sẽ học thể dục vào chiều một ngày cố định nào đó trong tuần tùy theo thời khóa biểu được sắp xếp. Chiều thứ Sáu tuần này lớp tôi có tiết thể dục đầu tiên.
Giữa trưa nắng chang chang, cơm vừa ăn xong chưa kịp tiêu hóa đã phải lóc cóc lần nữa đạp xe đến trường khi Ông Mặt Trời ra sức tỏa nhiệt trên đầu, với cơ thể sinh ra vốn luôn uể oải thích nằm hơn thích đứng của tôi thì đây đúng là cực hình. Tôi đặc biệt không thích môn lắm vận động này, mấy thứ như tâng cầu đủ hai mươi cái, chạy năm vòng sân hay tập chính xác bài thể dục nhịp điệu đều gian nan vất vả không khác gì thầy trò Đường Tăng trèo đèo lội suối đánh yêu quái lúc thỉnh kinh. Vì vậy năm nào tôi cũng ngót nghét rớt lên rớt xuống danh hiệu học sinh khá chỉ vì cái môn vốn chẳng có tí liên quan nào. Nếu trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục, việc đầu tiên tôi làm sẽ là ban bố chính sách mới loại bỏ hoàn toàn môn thể dục khỏi danh sách các môn bắt buộc, ai thích thì học không thích thì thôi. Nhưng đời buồn, cái mùa xuân ấy có khuya cũng chẳng đến thăm tôi. Thậm chí tôi còn từng mè nheo ăn vạ ba tôi lên trường xin cho tôi miễn môn thể dục nhưng chỉ nhận được cái nhìn nghiêm nghị kèm theo lời cảnh cáo vọng ra từ sau tờ báo đọc dở: "Năm nay học hành không đàng hoàng thì cuốn gói ra khỏi nhà." Đời buồn tập hai.
Nói thì nói vậy chứ môi trường giáo dục đâu phải mấy mặt hàng bán buôn ở cửa khẩu để muốn miễn là miễn như người ta miễn thuế. Bởi muốn thoát ly những buổi học hao tốn thân thể, tôi cần tờ giấy chứng nhận bị mắc một căn bệnh nào đó có đóng dấu mộc của bệnh viện đàng hoàng. Mà hên (hoặc xui) rằng tôi tuy sức khỏe chẳng bằng ai nhưng cũng hiếm khi ốm đau chứ nói gì đến bệnh tật. Số phận đã an bài, thôi thì Lý Đông Hách đành ngậm ngùi đối diện và lạy thần tứ phương phù hộ vượt qua kiếp nạn để còn hướng đến tương lai.
Lúc tôi lững thững bước vào sân thể dục phía sau trường, thằng Tuấn và thằng Lạc đã ở đó. Vừa thấy tôi, hai cặp mắt lập tức sáng lên làm ai nhìn cũng muốn đổ mồ hôi lạnh giữa cái nắng như thiêu như đốt, không hiểu sao tháng mười rồi mà Ông Mặt Trời vẫn làm việc hết công suất cho được.
"Hách, nghe tin gì chưa mày?" Thằng Tuấn lên tiếng trước, đôi mắt thiếu niên trong sáng long lanh lóng lánh mở to nhìn chằm chằm vào tôi. Khả năng hóng chuyện của nó thượng thừa không kém tuyệt chiêu kẹp cổ thần chưởng. Biểu hiện thế này đảm bảo sắp nói ra một điều chắc chắn đứa ngơ ngơ như tôi chưa thể nào tiếp cận kịp. Vậy nên tôi thành thật: "Tin gì?"
- Thằng Hưởng được miễn học thể dục.
"Gì?" Tôi hoàn toàn không tin vào tai mình. Kế sách bao năm chỉ nằm yên trong đầu tôi nay đã trở thành hiện thực với người khác. Niềm ai oán này trời xanh có thấu... Ủa khoan... Nó mới nói thằng Hưởng?
"Ý mày là Minh Hưởng lớp mình á?" Tôi lật đật hỏi lại.
- Hỏi thừa. Chứ tụi mình còn quen đứa nào khác tên Hưởng hả.
Nó chửi đúng quá tôi không dám cãi. Nhưng chuyện này vô tình làm rõ nhiều vấn đề. Tôi đề cập rồi đó, nếu được miễn thể dục chứng tỏ khả năng cao phải có bệnh. Vậy Minh Hưởng vì bị bệnh nên mới sống thoắt ẩn thoắt hiện và khép kín thế? Ba đứa tôi đưa mắt nhìn nhau, hình như đều chung một suy đoán.
"Mà ai nói với mày?" Tôi xoa cằm hỏi thằng Tuấn, biết đâu có thể khai thác thêm chút thông tin.
"Khỏi hỏi," thằng Tuấn nghe nhạc hiệu đoán chương trình, nhìn mặt tôi liền bắt bài ngay được tôi đang âm mưu cái gì. "Nãy thầy Thái gọi tao lên thông báo vậy xong còn dặn dò lớp trưởng nên để ý đến nó nhiều hơn giúp nó hòa đồng với cả lớp. Tao có hỏi bệnh gì thì thầy không nói, kêu gia đình nó không muốn ồn ào."
Thế là bít lối.
Vừa lúc đó, tiếng còi báo hiệu tập hợp của thầy thể dục vọng đến. Chúng tôi đành tạm gác câu chuyện dang dở sang một bên và bắt đầu quơ quào khởi động.
Sáng hôm sau đi học, tôi theo đúng kế hoạch hỏi Minh Hưởng có thể tham gia văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo không. Hiện là giờ ra chơi, lớp khá vắng chỉ có tôi, cậu ấy và một vài đứa con gái ngồi tụm năm tụm ba tám chuyện. Thằng Tuấn bị gọi lên văn phòng đoàn, thằng Lạc cũng không biết chạy biến đi đâu để mình tôi lâm trận.
Phản ứng của Minh Hưởng thật sự rất đặc sắc. Đầu tiên đôi mắt cậu ấy đột ngột mở to sáng rỡ, ngay sau đó hàng chân mày đang nâng cao bỗng hơi nhăn lại, hàng mi cong vút vụt lên rồi từ từ cụp xuống như con chó con nhà hàng xóm mỗi lần chạy sang xin ăn mà bị tôi khước từ, lộ rõ vẻ tội nghiệp tủi thân kinh khủng khiếp. Ôi mẹ ơi sao cậu ấy dễ thương quá chừng... Dừng... Tôi đang nghĩ cái gì vậy nè. Hách! Tập trung vào mày. Tôi cố xua mấy cái vớ vẩn trong đầu, mỉm cười thân thiện chờ đáp án từ cậu ấy
Minh Hưởng cũng nhìn lại tôi, chăm chú suy nghĩ mất một lúc lâu. Tôi cảm thấy cậu ấy đang cân đo đong đếm rất nhiều rồi cuối cùng thở một hơi rõ to rõ dài rõ khó nhọc từ chối: "Xin lỗi nhưng chắc tôi không tham gia được."
Mười mấy tuổi, ăn chưa no lo chưa tới biết gì đến mấy thứ như kiểm soát biểu cảm. Mới nghe hai từ "xin lỗi" là mặt tôi đã thộn ra, miệng méo xệ xuống từ cả hai mép, cảm thấy tới lượt mình biến thành con cún xin ăn không thành công.
"Sao vậy? Năm ngoái cậu cũng có tham gia mà, còn giật luôn giải nhất nữa chứ. Hay tại năm nay bắt cặp với tôi nên cậu không thích." Tôi bĩu môi bắt đầu giở thói kỳ kèo không tha. Cái tật xấu hình thành từ khi tôi còn rất nhỏ, cả ba và mẹ tôi đều là con gần út của ông bà nội ngoại, thành thử trước tôi có không biết bao nhiêu là anh chị họ. Mỗi lần tụ tập ở nhà ông bà, tôi vì vừa gần như vai vế nhỏ nhất vừa dẻo miệng hay nịnh nọt nên luôn được cưng như trứng hứng như hoa, muốn gì chỉ cần "anh ơi chị à" là sẽ được chiều ngay. Dần dà tôi mang theo kiểu "ta là cái rốn của vũ trụ" đi muôn nơi khiến ba mẹ nhiều hôm phải xấu hổ về nhà đánh mắng một trận. Có lẽ tốn rất nhiều cây roi quất vào mông tôi mới tỉnh táo, từ đó chỉ chuyên nhèo nhẽo với người thân thiết như gia đình họ hàng hay thằng Tuấn. Thế mà không biết thần quỷ phương nào xúi giục lại không màng hậu quả áp dụng chiêu trò ấy lên Minh Hưởng.
Cậu ấy có vẻ bất ngờ lắm, lúng túng hệt người mới làm chuyện xấu bị bắt quả tang, đáy mắt vẫn còn nét muộn phiền man mát. "Không phải thế đâu. Tôi cũng muốn góp vui cùng mọi người nhưng có lý do riêng không được chứ không phải tại cậu." Nói xong còn tiện thở dài thêm lần nữa.
Thấy Minh Hưởng loay hoay như gà mắc tóc, tôi cũng thôi không gây khó làm dễ cậu ấy nữa, chỉ vỗ vai bảo không sao rồi chuồn luôn ra khỏi lớp.
8.
Văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo của trường tôi chia làm ba vòng. Vòng một là sơ khảo không giới hạn số lượng đăng ký tham gia. Vòng hai trung khảo sẽ chọn ra mười tiết mục xuất sắc nhất để biểu diễn trong đêm chung kết xếp hạng. Nghe hoành tráng không khác gì mấy chương trình truyền hình thực tế bây giờ.
Với tư cách lớp phó văn nghệ, tôi tự đăng ký một tiết mục song ca cùng thằng Tuấn, đúng là hai đứa lúc nào cũng dính liền như dán nhãn. Tôi nhớ hồi đó có lần thằng Tuấn qua rủ tôi đi đá bóng thì vô tình gặp ông thầy bói đang ngồi uống lon bò cụng ở quán nước nhà tôi. Ổng không có mù giống trong truyện ngụ ngôn, cũng không đeo cái mắt kính đen tròn hay để chòm râu dài dài mà vuốt. Ổng bình thường như một người bình thường, mặc bộ đồ kaki sờn vai cùng đôi dép nhựa cài quai. Nhìn thấy chúng tôi, tự nhiên ổng phán một câu xanh rờn: "Tướng mạo hai đứa vừa hòa hợp vừa xung khắc nhưng đúng với câu hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, có già thì cũng vẫn sống gần nhau." Tôi không quan tâm lắm đến mấy thứ ổng nói, chỉ thấy sống rất thọ là được rồi. Chúng tôi sẽ dành mấy chục năm tiếp theo từ từ kiểm chứng lời sấm truyền của ổng.
À quên tôi đang kể đến chuyện văn nghệ nhỉ?
Ngoài bài song ca, lớp tôi còn đăng ký thêm một tiết mục đơn ca của thằng Lạc và múa dân gian đương đại của nhóm mấy bạn nữ. Tôi nộp danh sách lên văn phòng Đoàn, sắp xếp lịch tập cho mọi người rồi tìm chỗ thuê đồ mướn đạc, cũng bận rộn phết.
Nhờ có văn nghệ mà tôi mới biết thằng Lạc ngoài điệu cười cá heo quằn quại còn có thể hát dân ca hay miễn bàn. Lúc nó vừa cất giọng tôi đã bật ngửa ra sau gào lên: "Trời má Lạc ơi là Lạc mày không làm ca sĩ uổng lắm con." Nó gãi đầu cười bẽn lẽn (thì ra thằng này cũng biết ngại cơ đây, bình thường toàn thích nhúng đầu người khác vào nước lạnh cho tỉnh thôi) bảo: "Mày mới uổng á." Về sau thế giới xuất hiện thêm hai cái uổng, cả tôi và nó đều chẳng làm gì liên quan đến hát hò.
Tôi với thằng Tuấn hét vào mặt nhau miết nên quen, có khi chẳng cần tập nhiều cũng đoán được ý đồng đội xem đoạn này đứa nào hát đoạn kia đứa nào bè. Thành thử mọi thời gian rảnh tôi đều tập trung luyện thêm cho thằng Lạc và bài múa của hội chị em. Bỏ công bỏ sức thật không uổng, cả ba tiết mục lớp tôi đều trót lọt vượt qua vòng sơ khảo. Đến trung khảo, màn múa may buộc phải dừng chân trong nuối tiếc, còn lại ba thằng đực rựa chúng tôi gồng mình tiếp tục chinh chiến.
Giờ ra chơi thời gian này, trường tôi biến thành cái ký túc xá của Nhạc viện, khắp các ngóc ngách vang lên đủ loại giai điệu, giọng nam trầm nữ cao hòa vang với gió thu se sẽ thổi. Hai đứa, tôi và thằng Tuấn cũng đang miệt mài chạy thử lần cuối xem tiết mục đã trơn tru chưa. Đứng trên bục giảng, cuộn cuốn vở lại giả làm thành mic, bản song ca huyền thoại của chúng tôi bắt đầu. Bên dưới mấy đứa bạn thi thoảng lại hú hét xuýt xoa khen hay lắm hay lắm làm tinh thần tôi càng hăng máu, lôi hết tâm can ra mà nhả câu nhả chữ. Ngay khi đang phiêu, đôi mắt tôi mơ màng lướt qua chỗ Minh Hưởng ngồi, không biết có phải do tôi tưởng tượng hay không nhưng hình như cậu ấy nhìn tôi mỉm cười. Nụ cười nhẹ chỉ bằng một cái cong môi ý nhị đính kèm khuôn mặt ngưỡng mộ thích thú. Nhiều khi tôi hoa mắt nhìn gà hóa cuốc thôi.
Mọi chuyện thuận buồm xuôi gió cho đến tối Ngày Nhà giáo. Số tôi chắc là số con rệp, năm ngoái thì bị Tào Tháo truy đuổi, năm nay lại đến lượt thằng Tuấn đổ bệnh.
Chiều hôm đó tôi vì là lớp phó văn nghệ nên phải lên trường sớm phụ giúp công tác chuẩn bị cho đêm nhạc chào mừng. Thuở ấy học sinh lấy đâu ra di động mà chỉ cần quẹt quẹt là có thể liên lạc, cùng lắm có cái điện thoại bàn mỗi lần gọi rủ đi chơi chỉ sợ trúng ngay phụ mẫu nghe máy thì bỏ mạng. Cho nên tôi hoàn toàn không biết chuyện thằng Tuấn lên cơn sốt cao ngất ngưởng đến mức ba má nó phải tạm đóng cửa tiệm tạp hóa đưa con trai vào trạm y tế truyền nước.
Ban đầu nó hẹn với tôi sáu giờ, nhưng hiện tại đã bảy giờ hơn mà vẫn không thấy tăm hơi nó đâu. Tôi, thằng Lạc cũng như cả lớp lo đứng lo ngồi không biết xảy ra chuyện gì. Mãi đến lúc thầy Thái đi tới bảo vừa liên lạc được với gia đình bạn Tuấn và báo tin nó bệnh phải cấp cứu, tôi bàng hoàng quay lưng muốn phóng đến thăm nó. Thầy Thái ngăn tôi lại, thầy trấn an tôi bảo tình trạng của nó ổn rồi, chỉ cần nghỉ ngơi vài hôm sẽ không có gì đáng ngại.
"Nếu giờ em bỏ ngang Nhân Tuấn sẽ cảm thấy có lỗi, nghĩ vì mình mà khiến lớp thua thiệt. Nên Đông Hách hãy lên sân khấu hoàn thành phần diễn cho cả Nhân Tuấn nữa nhé." Thầy nhẹ nhàng nói như vậy, đặt tay lên vai tôi như đang khẳng định đàn ông phải biết chịu trách nhiệm đến cùng. Ý định từ bỏ của tôi bay biến theo cơn gió đậu trên ngọn cây bàng nơi góc sân trường.
Hiện tại chỉ còn một tiết mục nữa sẽ đến lượt tôi. Đáng lẽ chuyện song ca biến thành đơn ca phải lập tức báo lại với ban tổ chức xem có tiếp tục được diễn hay không. Nhưng thầy Thái vì không muốn công sức của chúng tôi đổ sông đổ biển đã mạnh dạn đứng về phía học trò, âm thầm bao che để tôi có thể hát mà không gặp trở ngại nào. Tôi đứng bên hông sân khấu, lòng bàn tay mướt mồ hôi vì lo cho thằng Tuấn hơn là việc phải đơn phương độc mã hát hò. Mỗi lần quá tập trung vào việc gì đó, tôi đều vô thức cắn móng tay khiến cho đầu móng lúc nào cũng cụt lủn.
Không biết nó sốt bao nhiêu độ.
Mà sao tự nhiên lại bị sốt chứ?
Lát nữa phải chạy qua nhà nó xem tình hình thế nào.
...
Tôi cứ vừa cắn cắn vừa nghĩ ngợi lung tung hoàn toàn không quan tâm đến mọi thứ xung quanh.
Bỗng nhiên ai đó nắm lấy cổ tay tôi lôi ra khỏi phạm vi hoạt động của hàm răng. Khi tôi định vị lại tinh thần thì đã thấy Minh Hưởng đang lau lòng bàn tay ướt nhẹp của tôi vào quần cậu ấy.
- Đừng để rơi mic.
Cậu ấy không nhìn tôi, nhẹ nhàng nói như vậy. Một lúc sau, chắc chắn hai tay tôi đều đã khô ráo, Minh Hưởng mới ngẩng đầu đối mặt với tôi, truyền đến lời thì thầm như câu thần chú hóa giải mọi lời nguyền xấu xa nhất.
- Tôi hát cùng cậu, yên tâm.
Yên tâm cái con khỉ gió, cậu đột ngột chui từ đâu ra thế này rõ khiến tôi hú hồn chết lặng đó.
Bây giờ nghĩ lại, tôi không thể nhớ hôm đó mình đã bước lên sân khấu thế nào, hát ra làm sao hay bằng cách gì về được đến nhà. Tất cả đọng lại chỉ có đôi mắt như hai hòn bi ve lấp lánh cùng nụ cười trấn an ấm áp. Khoảnh khắc cậu ấy xoay người tôi lại rồi từ sau dùng sức đẩy tôi bước về phía trước, sự vững chãi của đôi bàn tay gầy nhẳng ấy mãi mãi khắc sâu trong thùy thái dương suốt nhiều năm không phai.
Mấy hôm sau tôi mới biết mẹ thằng Tuấn tất tả hối hả chạy đến hiệu thuốc Dung Hưởng mua thuốc hạ sốt. Vì đầu năm họp phụ huynh có gặp một lần, Minh Hưởng lấy tư cách bạn cùng lớp hỏi han nắm được thông tin thằng Tuấn bị sốt trước nhất.
- Vậy nên cậu quyết định đến trường phải không?
- Ừ.
Cậu ấy khẽ trả lời bằng âm thanh nhỏ như tiếng rù rì của cánh quạt máy quay tròn trên đầu mà làm lòng tôi mơ hồ hồi hộp không lý do. Ban đầu Minh Hưởng xin phép không đi xem văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo, nhưng (hình như) đã vì tôi mà năn nỉ ba mình chở đến trường, kịp cứu tôi và cả thầy Thái thoát một mạng bởi tội tự ý thay đổi tiết mục. Màn xuất hiện kỳ diệu như mấy siêu nhân trong phim Nhật hay anh hùng trong phim kiếm hiệp làm cho tôi bấn loạn tinh thần.
"Ủa mà sao cậu làm thế?" Tôi giương tròng mắt vờ vịt hỏi cậu ấy.
Rất dễ nhận biết khi Minh Hưởng xấu hổ, hai vành tai đỏ y chang ruột dưa hấu luôn phơi bày trạng thái ngại ngùng trước mặt bàng dân thiên hạ. Cậu ấy mang dáng vẻ y hệt chàng thiếu niên lần đầu tỏ tình với người thầm thương trộm nhớ, ấp a ấp úng mãi mới hỏi tôi một câu chả liên quan tẹo nào đến chủ đề nãy giờ:
- Lát nữa các cậu có đi thả diều, cho tôi đi với được không?
Này này, giọng cậu rốt cuộc là tiếng người được hình thành từ sự rung động của dây thanh hay thứ ma thuật thần bí nào đó vậy? Nó hay ho quá mức cho phép khiến tôi chỉ biết gật đầu cái rụp đồng ý ngay tức thì.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top