I - Mùa xuân đã già (1)
Mình viết "Mùa xuân đã già" lâu lắm rồi ấy, từ năm kia lận, nhưng cứ mãi không viết xong vì nó lấy bối cảnh lịch sử nên mình cần rà soát nhiều điểm, với cả vì nó buồn nữa. Cơ mà sau đó mình lại viết tiếp "Mùa hè đẹp nhất" và nảy ra ý tưởng làm một bộ đủ bốn mùa kể về bốn câu chuyện khác nhau trong bốn bối cảnh khác nhau. Cuối cùng "Bốn mùa ngủ mê" ra đời.
Mặc dù lấy bối cảnh lịch sử, có kha khá mốc thời gian, sự kiện, địa điểm cùng tên nhân vật được nhắc đến trong fic là thật, nhưng tình tiết đều là tưởng tượng, đều không có thật. Mong bạn không khó chịu về điều đó bởi vì thứ chủ đạo trong fic là tình yêu chứ không phải bom đạn.
---------
1.
Tháng 3 năm 1971, Mark, một công dân tiêu chuẩn làm việc cần mẫn ở một công ty xuất bản nằm trong trung tâm New York, Hoa Kỳ, đặt chân đến miền Nam Việt Nam lần đầu tiên trong đời.
Chiều xuân hôm đó ẩm ướt khác thường. Cơn mưa trái mùa ồn ào vội vàng trút những nhọc nhằn thời đại, rồi tất tả rời đi để lại Phi cảng Sài Gòn Tân Sơn Nhứt bị vây lấy bởi quang cảnh đìu hiu sầu muộn. Việt Nam trong ấn tượng sơ khai của Mark, hiện lên với hình ảnh ánh hoàng hôn chiếu tia hào quang sắp tàn xuống đường xá vừa được gột rửa, xuống cỏ cây vừa được tưới tắm, xuống bầu không khí ngai ngái đặc trưng vùng nhiệt đới sau giông tố. Mọi thứ trông như khoác lên mình vẻ đẹp tưởng chừng vĩnh hằng, ngờ đâu đã quá xa thời hoàng kim ngự trị.
Nguyên nhân gì khiến vị nhóm trưởng trẻ tuổi ít quan tâm thế sự từ bỏ văn phòng an toàn của mình ở nơi được coi là thủ đô tài chính Hoa Kỳ để chạy tới mảnh đất suốt cả trăm năm nay chỉ nghe tiếng gươm giáo súng đạn rúng động đất trời?
Trải dài ba thập niên 1954 - 1975, người Mỹ đến Việt Nam vì nhiều lý do.
Một vài người xuất phát từ thứ lý tưởng tự do mà theo Mark, đang chết dần chết mòn như cái cây thiếu nước trầm trọng, hoặc, đã thay hình đổi dạng khá nhiều so với giai đoạn các quốc gia thi nhau thoát khỏi chế độ chiếm hữu nô lệ, hay gần hơn nữa là so với thời kỳ Cách mạng Mỹ thành công vang dội. Hoa Kỳ xây dựng nền dân chủ từ mười ba thuộc địa dưới ách đô hộ của Anh quốc, họ tự cho rằng họ hiểu rõ bản chất và cách thức dẫn tới độc lập, họ tự quyết định họ có trách nhiệm với điều đó không chỉ trên lãnh thổ nước Mỹ hơn bất cứ ai khác. Ồ! Nghe thật vĩ đại. Nhân vật tầm cỡ chứng minh luận điểm ấy ư? Nên nhớ không một con người đương đại nào đủ khả năng khẳng định tương lai. Tất cả đều phải đợi thời gian đi qua, rồi lịch sử sẽ kể lại theo lời kẻ chiến thắng, hay lưu truyền trong những tác phẩm văn học nghệ thuật lấy cảm hứng hiện thực vô tận.
Số khác, lớn lên vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh leo thang căng thẳng, trái tim lẫn lý trí đặt niềm tin rằng việc một hình thái kinh tế - xã hội khác sẽ gây biến đổi bản chất con, biến đổi thế giới theo chiều hướng giam cầm kìm kẹp. Vậy nên thay vì để người dân Việt Nam tự giải quyết vấn đề của chính mình với tư cách một đất nước vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa đang muốn tìm đến hòa bình, người Mỹ lại hăm hở nhúng tay hòng thực hiện thứ trách nhiệm mà họ cho là cao cả, cứu Nam Việt Nam khỏi thuyết âm mưu Quốc tế Cộng sản. Họ đứng mãi dưới góc độ Chiến tranh Lạnh - cuộc chiến thuộc về những kẻ cầm quyền nhiều toan tính - rồi nhận định thế giới tự do sẽ sụp đổ và họ cảm thấy phải hành quân bảo vệ nền tư bản dẫu cho bị giằng xé giữa sợ hãi hay thương cảm. Giá có ai đó nói cho họ biết thời đại đã lừa dối họ như thế nào, còn lịch sử đã che mắt họ ra làm sao.
Cũng có những công dân Mỹ muốn hoàn thành nghĩa vụ phụng sự tổ quốc vô điều kiện. Vị tổng thống họ bầu lên khẳng định họ cần cầm súng đổ bộ sang một đất nước cách xa hơn 8500 dặm vì lợi ích thiết thân của chính Hoa Kỳ. Thế là quá đủ để viên đạn đồng được bắn ra, bom napalm được thả xuống và xe tăng thiết giáp được phép lội qua cánh đồng lúa chín vàng thơm. Là quá đủ để máu chảy thành sông và thịt chất thành núi vì vũ khí hạng nặng cùng lòng người băng giá. Là quá đủ cho những kẻ ngoại lai tàn phá vùng đất văn hiến ngàn đời mà không thèm nghĩ đến hậu quả khốc liệt của hành động được bao biện bằng thứ chính nghĩa chẳng mấy ai công nhận.
Hoặc có những người là con cái của thế hệ cựu binh thuộc Thế chiến thứ Hai, sinh ra và trưởng thành mang niềm kiêu hãnh khi phe Đồng Minh đã giành chiến thắng vinh quang trước phe Trục. Dựa trên quá khứ kiêu hãnh, họ quên mất việc gây chiến chẳng bao giờ giúp nhân loại tử tế hơn, ngược lại, nó chỉ biến chúng ta thành cỗ máy giết người không ghê tay. Tội ác lộ liễu không phải điều đáng sợ, thứ đáng sợ là tội ác nhân danh công lý, nhân danh sứ mệnh, nhân danh niềm tự hào quốc gia lấp lánh như huân chương gắn đầy trên ngực áo, như dấu tích sót lại của máu thịt đồng loại la liệt khắp chiến trường.
Ngoài ra, còn có kẻ tin vào sự vĩ đại của nước Mỹ, có kẻ vì tiền trang trải cho gia đình lao động nghèo, có thương gia khai phá thị trường, có nhà báo phóng viên tìm kiếm tin tức, có tướng lĩnh muốn lập công, muốn rằng sự nghiệp tương lai sẽ thăng tiến, v.v.
Trải dài ba thập niên, người Mỹ đến Việt Nam vì nhiều lý do như vậy đấy.
Riêng Mark, căn nguyên thôi thúc anh đến Việt Nam khi chính phủ Mỹ đang dần rút quân nằm ngoài các lý lẽ nêu trên. Không phải lý tưởng trách nhiệm hay nghĩa vụ, càng không phải chủ nghĩa anh hùng hay niềm tin công lý. Người an phận như anh, rời khỏi bàn làm việc ngập tài liệu, rời khỏi hàng dài chồng sách chờ hiệu đính, rời khỏi cuộc sống bình yên hằng mong ước, chỉ vì để thực hiện nguyện vọng cuối cùng của người mẹ vừa qua đời ít lâu.
Mẹ Mark là người Việt Nam, một tiểu thư phú hào gốc gác Sài Gòn. Khi người phụ nữ Á Đông đầu thế kỷ XX còn sống trong bầu không khí thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, cuộc đời chỉ quẩn quanh tam tòng tứ đức chờ chồng dạy con thì cô Hai Vân nhà họ Lý đã có thể nói lưu loát cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp và được gia đình gởi sang du học tại Paris ở trường Couvent des Oiseaux từ năm mười hai tuổi. Tròn mười tám xuân xanh, bà đỗ tú tài Pháp, chuẩn bị hồi hương theo yêu cầu của ông Bá Hộ Lý cha bà. Ngay thời điểm ấy, bà vô tình gặp gỡ chàng trai người Mỹ gốc Bắc Âu sở hữu đôi mắt xanh lơ thăm thẳm hơn đại dương và bao la hơn bầu trời. Đôi tài tử gian nhân phải lòng nhau, yêu nhau, rồi quyết định chung sống trọn đời mặc gia đình hai bên phản đối hay thậm chí từ mặt. Trẻ tuổi, sống ở thời đại nơi tư tưởng về sự tự do cứ như cơn gió lướt qua cánh đồng bất tận, mạnh mẽ không thể bắt nhốt chẳng thể cản phá. Có lẽ chính mẹ Mark cũng chẳng ngờ người con gái ngoan đạo chưa từng dám cãi lời cha má lại vì tìm thấy tình yêu, tìm thấy khát khao cháy bỏng được là chính mình, được làm điều mình muốn mà liều lĩnh đến vậy.
Nhiều năm trôi qua, cặp đôi kết hôn, lần lượt sinh ra năm người con đủ nếp đủ tẻ. Mark là con út và cũng là người duy nhất di truyền mái tóc đen, đôi mắt nâu và hàng chân mày cong cong hình cánh cung từ mẹ. Nhiều năm trôi qua, những đứa trẻ dần trưởng thành, đều giỏi giang và thành đạt, tạo nên cái kết đẹp đẽ cho câu chuyện cổ tích ngoài đời thực giữa con trai một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cùng cô thiếu nữ xứ Đông Dương xa xôi. Nhiều năm trôi qua, mẹ Mark vẫn đợi chờ đến khi hoa ti gôn rơi bên hiên nhà và lá rụng về nguồn cội, đến khi tiếng chuông nhà thờ vang vọng giấc chiều muộn, bà sẽ hạnh phúc dắt con cái xuất hiện rạng ngời trước cổng căn biệt thự sơn màu trắng ngà nằm trên đường Taberd*, được chào đón bởi những người thân yêu nhất của mình.
(Đường Taberd: bây giờ là đường Nguyễn Du, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.)
Nhiều năm trôi qua... đúng thật là đã rất nhiều năm trôi qua. Cơ mà, người tính sao đặng lại với Trời.
Vợ chồng Bá Hộ Lý tạ thế sau cơn bạo bệnh ngày Mark còn chưa chào đời. Bởi vì bị cắt đứt liên lạc nên đến khi mẹ Mark nhận được bức điện tín từ người bà con xa hiện sống ở Pháp thời gian sau đó, thì mới hay gia đình ly tán chẳng còn ai. Và rồi suốt cuộc đời mình, cô Hai Vân của dòng họ Lý không bao giờ có cơ hội trở về quê hương thêm lần nào nữa.
Không chỉ ngoại hình, Mark giống mẹ ở cả tính cách tự do, trọng tình cảm và tật hay nghĩ ngợi. Dường như vì thế mà bà dành nhiều thời gian kể chuyện Việt Nam cho Mark hơn những đứa con khác. Dường như vì thế mà Mark luôn cảm thấy một sợi dây gắn kết vô hình giữa anh với mảnh đất quê ngoại hiện lên trong từng lời ru câu hát mẹ thủ thỉ bên tai. Dường như cũng vì thế mà Mark nỗ lực học giao tiếp, học đọc học viết bằng tiếng Việt, học cả đôi nét văn hóa để thấu hiểu nỗi niềm tha hương của mẹ, để san sẻ với bà sự cô đơn ẩn giấu sâu tận tâm khảm chẳng biết tỏ cùng ai.
Ba Mark bảo lúc mới thành gia lập thất, ông có ý định sang Việt Nam thuyết phục phía bên kia, mong được chấp nhận để tổ chức một đám cưới đúng phong tục tập quán theo ước nguyện của vợ. Nhưng tin tức ngài Thượng nghị sĩ đột quỵ bởi con trai duy nhất tự ý kết hôn buộc đôi vợ chồng trẻ trở lại Mỹ ngay lập tức. Đó thực sự là giai đoạn khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần. Bị người thân xa lánh trong khi cơn khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 giống trận bão lớn cuốn phăng cả thế giới. Bắt đầu từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, cuộc suy thoái nhanh chóng lan rộng mọi lĩnh vực, một chủ thầu xây dựng nhỏ lẻ như ba Mark bị thất nghiệp và phải vắt kiệt sức lao động để nuôi sống gia đình. Mọi thứ vào guồng chưa bao lâu thì Đệ nhị thế chiến ập đến, hệ quả tất yếu của những bất ổn, những xung đột chính trị, lãnh thổ, kinh tế và cả tôn giáo đang diễn ra nhang nhảng khắp Địa Cầu. Người Mỹ từng nghĩ họ là ngoại lệ lịch sử, Tân Thế giới quá xa tầm với của chiến tranh. Rồi trận Trân Châu Cảng đã thay lịch sử tuyên bố họ nhầm to, đồng thời đặt họ vào con đường duy nhất, tham chiến ở cả hai mặt trận châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Nhân loại bị chia cách thì làm sao tìm thấy đường về nhà. Chúng ta đợi mãi, đợi hẳn tới năm 1945, một năm đặc biệt trong tiến trình lịch sử, Chiến tranh Thế giới Thứ hai cuối cùng chấm dứt, trật tự thế giới lần nữa thay đổi. Nhưng số phận Việt Nam vẫn tựa con thuyền nhỏ lênh đênh ngoài đại dương bão táp, dân trong nước lầm than, người xa quê mong nhớ, chẳng lần mò nổi hạnh phúc nơi đâu.
Cứ thế, hết nguyên nhân này đến lý do khác cầm chân cô gái trẻ, người thoắt cái đã làm vợ, làm mẹ, làm bà, thoắt cái đã thấy mình trong hình hài một lão niên lụ khụ.
Năm tháng cuối đời, mẹ Mark mắc căn bệnh Alzheimer nghiêm trọng, bà dần lãng quên mọi thứ, lãng quên chồng mình, lãng quên con cái, lãng quên cháu chắt. Điều duy nhất bà lặp đi lặp lại mỗi ngày là câu hỏi bằng tiếng Việt mà chỉ mình Mark hiểu:
- Hoa ti gôn đã nở hết chưa?
Mark nhớ mẹ kể ngày cô Hai Vân lên tàu rời xa cố hương, vừa đúng vào mùa xuân ti gôn nở rộ những chùm hoa thắm màu nhất. Suốt cuộc đời, mẹ hay nói với Mark rằng bà tự hứa lúc bông hoa đầu tiên rơi xuống, bà nhất định sẽ trở về.
Bây giờ mẹ không còn, Mark thầm hỏi linh hồn bà có thật sự được yên nghỉ bên Thượng Đế hay không khi bốn chữ "quê cha đất tổ" vẫn mãi như vết thương chưa thể lành trong tim bà?
Lúc Mark thông báo sẽ mang tro cốt mẹ sang Việt Nam thay vì chôn thân thể bà xuống phần mộ đã được chuẩn bị từ trước, gia đình anh phản đối kịch liệt. Giữa hàng tá câu gặng hỏi cùng rất nhiều lo lắng về tình hình chiến sự bất ổn, Mark tìm thấy đôi mắt ba bình lặng không chút gợn sóng. Mark không dám chắc ánh nhìn ấy phản chiếu điều gì, nhưng anh tin khả năng phán đoán và sự nhạy bén của bản thân, tin rằng ông đang ủng hộ đứa con trai ít giống ông nhất. Mặc dù chẳng còn trẻ trung với nhiệt huyết trào dâng để quan tâm đến chiến tranh, nhưng ông đã dành cả kiếp nhân sinh yêu thương người vợ được sinh ra ở nơi chiến tranh đang tàn phá. Thế nên, dẫu tại thời điểm chỉ kẻ ngoan cố hay kiêu ngạo đến điên rồ mới dám huênh hoang chính quyền Nam Việt Nam sớm muộn cũng lật ngược thế cờ, dẫu ngay cả người dân bình thường nghe tin tức về Việt Nam qua bản tin buổi tối chiếu trên vô tuyến cũng hiểu thất bại ê chề là thứ mà người Mỹ xứng đáng và chắc chắn đang gặp phải, ông vẫn thầm cầu nguyện, thầm mong con cái hoàn thành được nguyện vọng ông đã không thể hoàn thành cho vợ mình.
Sau hơn một tháng chuẩn bị thủ tục giấy tờ, cuối cùng Mark cũng có thể mang theo ít bộ quần áo, mấy cuốn tiểu thuyết cũ cùng lọ đựng tro cốt mẹ được bọc trong tấm vải đen tuyền bước lên chiếc máy bay dân dụng hướng tới phía bên kia thế giới.
Đi cùng Mark chuyến này còn có một sĩ quan thân cận của cố vấn cấp cao thuộc MACV* tên Kevin, đã từng đến Việt Nam vài lần trước đây. Kevin sở hữu vẻ ngoài cứng cỏi, đôi mắt xếch cao như diều hâu kèm chiếc cằm chẻ ương ngạnh, một kẻ kiệm lời, thân trọng và đa nghi. Mark tự đánh giá điều đó khi hắn thẳng thừng từ chối thanh kẹo được mời với lý do "an toàn". Thành thật thì anh cũng không quá quan tâm dù có lẽ sẽ phải làm việc với người này một thời gian.
(MACV: The US Military Assistance Command, Vietnam - Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam.)
Vừa bước xuống khỏi con chim sắt khổng lồ, hơi đất bốc lên nóng hầm hập phả vào cơ thể mệt mỏi do chuyến bay dài gây ra cảm giác uể oải. Mark lúc này đang khoác trên người bộ com-lê màu đen tuyền cùng chiếc cà vạt đồng bộ, lần đầu tiên trải nghiệm thế nào là nóng như thiêu như đốt. Dù vậy anh hoàn toàn không hối hận. Anh mặc bộ đồ này thay cho nghi thức đưa tang mẹ, do đó có chết ngạt cũng chẳng sao. Mark hít một hơi thật sâu bầu không khí bản thân từng mường tựa rất nhiều trong những đêm lẻn sang phòng mẹ lúc ba đi vắng, nũng nịu đòi bà kể lại câu chuyện thời niên thiếu. Một chút hoài niệm, một chút phấn khích, một chút mơ hồ và một chút tự hào ít ỏi len lỏi trong từng giác quan. Không ngờ có ngày bản thân thực sự được nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy mảnh đất mẹ thương nhớ cả cuộc đời.
Vì trụ sở của MACV đặt ngay tại phi trường nên Kevin cần báo cáo cấp trên trước khi thực hiện những nhiệm vụ khác. Mark ngồi lên chiếc Mercedes 190 Ponton, một mình tiến vào Sài Gòn. Xe chầm chậm lăn bánh trên con đường Công Lý*, bỏ lại sau lưng sân bay, lướt qua những cánh đồng lúa, những ngôi nhà thưa thớt, đi ngang qua pháp đình, đưa anh dừng chân trước khách sạn Đại Lục Lữ Quán nằm trên đường Tự Do* sầm uất rợp bóng cây xanh. Nghe tài xế bảo trước đây khách sạn mang tên Continental, nhưng do chính sách dùng bảng hiệu tiếng Việt của chánh phủ Sài Gòn nên mới đổi sang cái tên này.
(Đường Công Lý: bây giờ là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh.)
(Đường Tự Do: bây giờ là đường Đồng Khởi, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.)
Làm xong thủ tục nhận phòng và trò chuyện đôi ba câu với nhân viên phục vụ, Mark lười nhác nằm ngửa trên chiếc giường lớn, thơ thẩn nhìn bốn cánh quạt trần quay tròn. Được tạm trú tại nơi chuyên đón tiếp nhân vật nổi tiếng, ký giả, nhà báo, chính khách và thương gia trong lúc chờ sắp xếp chỗ ở trong đại sứ quán thế này, tất cả đều nhờ người anh cả hơn Mark mười hai tuổi đang giữ chức vụ quan trọng trong Bộ Ngoại giao Mỹ. Chẳng biết Robert dùng cách nào mà có thể thêm Mark vào danh sách "thông dịch viên đặc biệt của phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng hòa", giúp anh nghiễm nhiên nhận được những đãi ngộ đặc biệt tốt.
Trời đã tối hẳn, Mark quá đuối sức để ra ngoài ngắm nhìn thành phố ban đêm, chỉ lẳng lặng lấy hũ tro cốt từ trong hành lý xách tay, mỉm cười tự lẩm bẩm một mình bằng tiếng Việt:
- Dạ thưa mẹ, chúng ta về tới nhà rồi ạ.
2.
Vào cuối tuần thứ hai đặt chân đến Việt Nam, Mark gặp chàng trai mang cái tên rực rỡ như Mặt Trời. Chàng trai ấy cũng là người về sau sẽ khiến anh thấu hiểu tình yêu cùng nỗi đau mãi mãi là cặp bài trùng song hành cả một đời.
Nằm bên cạnh đại sứ quán Pháp, đối diện đại sứ quán Anh và khá gần Dinh Tổng thống*, Đại sứ quán Mỹ có khuôn viên rộng lớn được di dời đến vị trí hiện tại sau vụ đánh bom năm 1965 của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Đây không chỉ là chốn công tác của phái bộ ngoại giao, Mark mở mang tầm mắt khi nhận thấy lực lượng Thủy quân Lục chiến tinh nhuệ cùng CIA cũng có mặt thường trực. Bầu không khí quanh họ hầu như luôn đặc quánh sự căng thẳng và dềnh dàng nỗi thất vọng. Phải thôi, trong tình hình hiện tại, lạc quan xem chừng quá xa xỉ. Hàng loạt chỉ thị mang tính đánh cược danh dự của không chỉ một đời tổng thống thuộc cả hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã dẫn tới kết quả ngày hôm nay. Nhiều quyết định thậm chí còn khiến thế hệ trẻ Hoa Kỳ băn khoăn về nhiều thứ, về bản chất của dũng cảm và hi sinh, về ranh giới của nhẫn tâm và bác ái, về lòng tin vào chính quyền và về cả định nghĩa 'yêu nước'.
(Dinh Tổng thống: là cách gọi trước năm 1975 của Hội trường Thống Nhất.)
Theo lý mà nói, Mark không hẳn là cần một công việc tại số 4 đại lộ Thống Nhứt* để có thể sang Việt Nam. Nhưng Robert cho rằng với ý tưởng ở lại quê mẹ một thời gian, Mark nên làm việc cho Bộ Ngoại giao để được ưu tiên bảo vệ tính mạng cũng như những quyền lợi lúc cấp thiết, đặc biệt là vào thời điểm sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Hòn ngọc Viễn Đông đang ngày càng lâm nguy. Trở thành thông dịch viên có vẻ vô cùng phù hợp bởi Mark tương đối thành thạo tiếng bản địa và Đại sứ quán Mỹ sẽ cảm thấy an tâm hơn khi dùng người mang cùng quốc tịch. "Anh không đồng tình với quan điểm của Bunker* về Đông Dương. Tuy nhiên, làm việc dưới trướng ông ta không hẳn là phương án tệ cho em, ít nhất là bây giờ." - Robert đã nói như vậy và kiên quyết bảo đây là điều kiện để giúp đỡ nên Mark chẳng tìm được lý lẽ phản bác. Anh đành đồng ý dù ít tin tưởng vào sự an toàn khi nhớ lại việc tòa đại sứ từng bị tấn công suốt nhiều giờ đồng hồ trong sự kiện Tết Mậu Thân.
(Đại lộ Thống Nhứt: bây giờ là đường Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Lãnh sự quán Mỹ hiện tại cũng nằm ở số 4 Lê Duẩn.)
(Bunker: Ellsworth F. Bunker, một doanh nhân và nhà ngoại giao người Mỹ, làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa nhiệm kỳ 1967–1973, là người ra sức ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chiến tranh của Tổng thống Johnson và Tổng thống Richard Nixon - theo Wikipedia.)
Công việc mới của Mark bắt đầu bằng yêu cầu dịch thuật nhiều loại văn bản khác nhau chứ không phải theo chân một vị lãnh đạo nào đó hòng giúp ông ta giao tiếp với chính quyền sở tại. Kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm quần quật cho công ty xuất bản giúp anh sớm khắc phục những khó khăn mà nhanh chóng quen tay quen mắt. Dù vậy, Mark cũng chỉ có thể dành cuối tuần để thực hiện mục đích thực sự khiến anh có mặt ở mảnh đất đang rung chuyển giữa làn mưa bom bão đạn.
Trước hôm lên đường, Mark cố gắng liên lạc với người bà con đằng ngoại sống ở Pháp, muốn hỏi thêm thông tin về gia đình họ Lý. Dựa vào những gì con gái người đó thuật lại, anh biết được đại khái vợ chồng Bá Hộ Lý, cũng tức là ông bà ngoại anh, lúc sinh thời đã quyên rất nhiều đất đai tiền bạc để xây cất một nhà thờ. Khi ông bà quy tiên, con cháu theo đúng nguyện vọng chôn cất thi hài tại phía sau cung thánh của nhà thờ ấy. Người nọ không nhớ chính xác tên và địa chỉ nhà thờ vì cụ thân sinh ra cô cũng mất khá lâu rồi, đành mơ hồ mô tả hình như nó nằm khuất dưới một hàng xà cừ xanh thẫm.
Mark định bụng tìm tới ngôi nhà mẹ từng lớn lên dựa vào mấy chữ viết tay nhòe nhòe phía sau tấm hình bà lưu lại, tấm hình đen trắng chụp bà mặc áo ngũ thân đứng trước cổng căn biệt thự, dưới giàn ti gôn. Nhưng những năm tháng đầy biến động đã đến và đi, tên đường cùng số nhà theo đó thay đổi ít nhiều. Mark dò hỏi vài đồng nghiệp mà không thu thập được thêm gì. Bởi cũng như anh, họ chỉ mới sang Việt Nam chưa bao lâu, ngoài công việc và thú vui đàn đúm, hầu hết họ chẳng biết thêm gì về dân tộc nhỏ bé quật cường này. Đất nước rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu trong mắt họ chỉ là một cuộc chiến đi kèm lợi ích đế quốc kiểu mới, nền văn hóa lịch sử cả ngàn năm nào bị lay chuyển bằng thế lực ngoại bang hùng mạnh trong mắt họ chỉ là con tốt trên bàn cờ chiến lược không hơn không kém.
Giữa lúc Mark đang chán chường chuẩn bị đi lễ ở Nhà thờ Đức Bà nhằm bình ổn tâm trạng, gã nhân viên ngoại giao tên David sống cùng phòng tại Đại sứ quán nói rằng gã biết một nơi có người trả lời các câu hỏi của anh và bảo anh cuối tuần tới đi cùng mình. Mặc dù Mark không muốn vướng vào rắc rối, càng không thích chuyện phức tạp xảy ra, nhưng xem chừng anh chẳng còn lựa chọn nào khác.
Cuối tuần tiếp theo rất nhanh đã đến. Tối thứ Bảy trăng tròn vằng vặc lửng lơ giữa bầu trời quang đãng. Sài Gòn là chốn phồn hoa, được ví von như Hòn ngọc Viễn Đông, được xem như nơi giao thoa giữa quá khứ cũ kỹ và thời đại mới mẻ. Đêm đêm ánh đèn nhấp nháy trong những khu ăn chơi hưởng lạc, tiếng nhạc khi xập xình lúc du dương ru người vào đời lắm mộng mơ. Trông thế, ai dám tin chỉ cách đó vài chục cây số, khói lửa đang thay thế ánh đèn và đạn bom đang thay thế âm nhạc, tàn phá oanh tạc từng tấc đất mỗi mảnh đời. Có lẽ thời chiến, chúng ta luôn muốn làm chuyện điên rồ.
Mark hồ nghi bám gót David đến một phòng trà nằm ở đường Tự Do. Xuân Lạc là tên gọi của nơi này. Thời gian sau Mark mới biết Sài Gòn tồn tại rất nhiều phòng trà lớn nhỏ, vốn là biểu tượng rực rỡ của nền tân nhạc miền Nam, cũng là bước đệm ban đầu dành cho những ca sĩ mà tên tuổi họ rồi sẽ gắn liền với một phần lịch sử. Không gian bên trong thiết kế nửa Âu nửa Á tinh tế. Sân khấu đặc trưng bởi cây cầu gỗ bắc ngang để ca sĩ giao lưu cùng khán giả. Ánh sáng chiếu rất đẹp. Bàn ghế được sắp xếp tuần tự hợp tình hợp lý cho khách đi một mình, khách có đôi có cặp hay khách có hội có thuyền. David bảo thay vì tìm vui ở vũ trường bên vài cô nàng nóng bỏng, lặng yên nghe nhạc phẩm trữ tình thích hợp với gã hơn. Cả hai ngồi xuống chiếc bàn nhỏ ngay góc khuất nhưng tầm nhìn bao quát, David vừa sành điệu ngoắc tay gọi chạy bàn, vừa thì thầm rằng chỗ này nhiều người Việt Nam, tuyệt đối không tin tưởng bất cứ ai mà nói những điều không được phép tiết lộ.
(Phòng trà Xuân Lạc là chi tiết không có thật.)
Một cậu nhóc bản xứ lon ton chạy tới hỏi hai vị dùng gì bằng thứ tiếng Anh bập bẹ. Dưới ánh đèn khi mờ khi tỏ, cậu nhóc đó xuất hiện với làn da khiến Mark liên tưởng đến ly cacao pha sữa béo ngọt ngào. Mái tóc đen nháy bồng bềnh xoăn nhẹ rẽ ngôi như hầu hết những người đàn ông Việt Nam khác. Chóp mũi tròn tròn và hai má hơi phồng giống con sóc ngậm một mồm toàn hạt dẻ. Đôi môi đầy đặn mím mím, cặp mắt mở to chớp chớp cố nghe yêu cầu của khách. Tất cả hình ảnh ấy tạo nên thứ cảm giác lạ lẫm không tên. Vẻ bối rối dần chiếm lĩnh nét ngây thơ do cậu không biết chính xác David yêu cầu thức uống đồ ăn nào, Mark nhìn thấy mà không thể kìm lòng nhẻo miệng cười bởi nghĩ tới đám thực tập sinh dưới trướng ở New York. Anh mở lời phiên dịch ngắn gọn giúp cậu, vô tình bắt gặp con ngươi đen lay láy khẽ rung rinh tựa nhành hoa ti gôn trong gió mẹ thường kể. Cậu cười lộ ra hàm răng trắng đều tăm tắp và hai viền mắt cong cong kéo theo đuôi mắt dài dài như đứa trẻ.
"Đồ uống của hai ông sẽ được mang lên ngay ạ, vui lòng đợi chốc lát thưa hai ông!". Cậu nhóc lễ phép đáp lại rồi chạy biến giữa căn phòng đông đúc đang chìm dần vào giọng hát du dương của cô ca sĩ nào đó.
"Mối tình đầu xuân ai thấu chăng?
Lòng tha thiết buông theo tiếng đàn
Mơ đời ái ân, những ngày phong trần
Sống trong mộng đẹp ngày xuân"
Năm bảy phút sau, cậu nhóc ấy xuất hiện trở lại, mang theo thức uống và đĩa trái cây đủ loại. Mark chăm chú theo sát từng hành động của cậu, chẳng hiểu vì sao buột miệng hỏi:
- Tên em là gì?
- Lý Khải Xán thưa ông.
Câu trả lời không hề ngờ tới. Lý ư? Cùng họ với mẹ anh? Chút gần gũi bỗng chốc len lỏi trong từng giác quan, Mark cảm thấy nơi xa lạ này dường như không còn quá xa lạ. Phát hiện ấy khiến anh thêm một lần buột miệng:
- Em mấy tuổi?
Xán đã bày biện xong đồ ăn thức uống lên bàn, bây giờ mới thực sự nhìn Mark, ánh mắt cậu trong ngần như viên ngọc và phẳng lặng như mặt hồ:
- Thưa ông, tui người lớn rồi, vừa đậu luật năm rồi.
Luật? Tương lai mang dáng vẻ xán lạn. Thiện cảm Mark dành cho đối phương tăng thêm đôi ba phần. Anh không rõ hệ thống giáo dục ở đây, nhưng bề ngoài của cậu chắc rơi vào tầm mười tám hai mươi tuổi là cùng. Trẻ, quá trẻ, cực kỳ trẻ, thua anh hơn thập kỷ dài đằng đẵng. Chà! Mình đã trưởng thành lâu thế rồi sao? Mark không khỏi tự cảm thán khi cậu nhóc lại biến mất giữa tiếng nhạc công đệm đàn. Suốt đêm đó, anh chẳng mảy may trông thấy dáng chạy lon ton ấy lần nào nữa.
Trời mỗi lúc một khuya, dù mát mẻ hơn ban ngày nhưng Mark vẫn chưa quen khí hậu miền nhiệt đới thành ra khó tránh cảm giác mệt mỏi. Anh sốt ruột quay sang hỏi David xem nhân vật biết tuốt gã nhắc tới đang ở đâu.
Ngay lúc David vừa mở miệng định đáp thì một người đàn ông gầy gò hom hem xuất hiện chào hỏi gã làm cắt ngang cuộc trò chuyện giữa họ. Qua giới thiệu, Mark biết đối phương họ Phạm, chủ phòng trà Xuân Lạc, là người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, là người mà gã bạn cùng phòng đinh ninh rằng có thể cho anh đáp án anh cần.
Thật vậy!
Thông qua ông Phạm, Mark nghe ngóng được đường Taberd đã đổi tên thành Nguyễn Du hơn mười lăm năm nay. Riêng địa chỉ trong tấm hình, ông Ngô quả quyết cả con đường ấy chỉ có duy nhất một căn biệt thự trồng hoa ti gôn nên rất dễ tìm, bảo anh chịu khó đến hỏi thử xem sao.
Cuối cùng cũng thấy chút "ánh sáng cuối đường hầm" tăm tối. Mark chẳng chờ nổi, định ngay hôm sau sẽ ghé qua do địa chỉ ấy khá gần đại sứ quán, nhưng phút chót lại phải tạm hoãn kế hoạch vô thời hạn. Đầu đuôi cũng vì trụ sở MACV mấy ngày kế đó rơi vào hỗn loạn khi tin tức xấu liên tục ập tới, đại sứ quán sao tránh được liên can.
Từ đầu tuần tháng Hai năm nay, dưới sự yểm trợ của pháo binh và không quân Hoa Kỳ, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành chiến dịch Cuộc Hành quân Hạ Lào*. Bề ngoài, người Mỹ rêu rao họ muốn tập trung lực lượng hòng đánh gãy đường mòn Hồ Chí Minh, cắt đứt nguồn viện trợ người và vũ khí Hà Nội tuồn vào ứng cứu Việt Cộng Nam Việt Nam. Nhưng thực chất đây chỉ là cuộc thử nghiệm nhằm đánh giá khả năng tác chiến độc lập của Sài Gòn trong trường hợp Mỹ cùng các đồng minh rút quân hoàn toàn khỏi chiến trường. Lầu Năm Góc lấy lý do thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh để tô vẽ cho sự thật trớ trêu rằng họ đã thất bại thảm hại trong nhiều kế hoạch bình định "con tim và khối óc" trước đó. Số lính Mỹ thương vong gia tăng, những báo cáo mất lợi thế quân sự, mất khả năng kiểm soát đất đai, mất luôn uy tín vốn dĩ chỉ tồn tại ở trí tưởng tượng, toàn bộ đều gióng lên hồi chuông báo tử liên hồi thay tối hậu thư gửi kẻ ngoại bang. Vì vậy, mọi nỗ lực bây giờ chẳng phải xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp như họ khẳng định, mà chỉ là kẻ tận số vớt vát chút thể diện tự mình bôi tro trát trấu lâu nay.
(Cuộc Hành quân Hạ Lào: là một chiến dịch chiến tranh theo cách gọi của Chính quyền Sài Gòn. Chiến dịch còn có tên khác là Chiến dịch đường 9 - Nam Lào hoặc Chiến dịch Lam Sơn 719 theo cách gọi của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.)
Sau bốn mươi lăm ngày đêm hết tiến công chiếm đóng lại rút quân tháo chạy chóng vánh khắp vùng Trường Sơn Tây, vài bảng thống kê kèm tài liệu nội bộ Mark được phép tiếp cận đều chứng minh người Mỹ đã sai lầm và đang lo sợ. Những quan điểm cố hữu của hệ thống chỉ huy, những yếu kém trong việc lập kế hoạch tác chiến, những bất lực khi thực sự đối mặt với bộ đội cụ Hồ, cuối cùng dẫn tới thiệt hại nặng nề bậc nhất về cả người, khí tài quân sự cùng nhuệ khí chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Tại sở làm, Mark bận rộn luôn chân luôn tay, đầu óc lại thanh tỉnh chẳng coi trọng mấy trò hề mà những người cùng quốc tịch với anh đang diễn cho nhau xem. Mớ hỗn loạn ở đây như minh chứng cho những quan điểm mẹ anh từng coi trọng. Mark nhớ khi đó, ngày mẹ anh còn tại thế và tỉnh táo, bà bỏ ngoài tai sự khuyên can của chồng con, một mình tham gia cuộc biểu tình vỏn vẹn mấy chục người trước cổng nhà máy sản xuất chất độc hóa học. Chiều hôm ấy sau khi kết thúc công việc thực tập ở nhà xuất bản, Mark lo lắng chạy đi đón mẹ, thấy bà phờ phạc ngồi bên vệ đường dựa vào vai ba anh, trên tay còn cầm biểu ngữ phản đối chiến tranh. Thời điểm trẻ người non dạ, Mark chưa đưa ra kết luận cho riêng mình về vấn đề Mỹ nhúng tay vào tình hình Việt Nam, anh khó hiểu trước phản ứng gay gắt mẹ dành cho chính phủ, anh đơn giản tin tưởng giới thượng tầng biết việc họ làm là điều tốt nhất để bảo vệ Hợp chúng quốc Hoa kỳ. Nhưng rồi những trận ném bom leo thang từ trả đũa sang mở rộng chiến tranh; số lượng cố vấn quân sự tăng từ vài trăm lên vài chục ngàn; các binh chủng lũ lượt vượt đại dương đổ bộ xuống vùng nhiệt đới mang khí thế bắn giết hừng hực; những cuộc biểu tình, diễu hành đả đảo chính sách tham chiến với sự góp mặt của hàng vạn công dân Mỹ đã phơi bày bản chất của sự nhiệt thành giả dối mà mẹ Mark thấu tỏ từ lâu. Hiện tại, tận mắt chứng kiến lòng người lạnh lùng thối nát, Mark càng như khắc sâu nỗi đau xa vời, càng như nắm rõ mệnh đời khó đoán. Thế nên tất cả điều anh quan tâm hiện tại, chỉ là ngày tháng nào mới có thể hoàn thành nguyện vọng đưa mẹ anh về nhà.
3.
Ngày Chúa Nhật cuối xuân, tiết trời chiều lòng người mà thôi dở chứng, nắng ửng hừng Đông và mây trôi bềnh bồng êm ả. Mark ôm hũ tro cốt đứng trước ngôi nhà trong ký ức của mẹ. Giàn hoa ti gôn nở hồng rực rỡ cả vùng không gian thay lời chào đón người con xa xứ mấy mươi năm hồi hương. Làn gió mang mùi thơm ngọt ngào miền nhiệt đới nhẹ nhàng thổi mái tóc đã lâu chưa cắt của anh xõa bung. Mark nương theo gió, vô thức nhìn quanh tứ phía, lòng bồi hồi nghĩ ra đây chính là nơi mẹ anh chào đời và lớn lên, nơi mẹ khao khát được nhìn thấy lần cuối cùng trước khi nhắm mắt xuôi tay, nơi mẹ vẫn hay xúc động gọi bằng bốn chữ thiêng liêng 'quê cha đất tổ'.
Cũng vào ngày Chúa Nhật cuối xuân hôm đó, tại vỉa hè phía đối diện rợp bóng cây, Mark một lần nữa bắt gặp chàng trai mang cái tên rạng rỡ như Mặt Trời.
Lý Khải Xán ngồi bệt trên bệ bê tông vây lấy gốc cổ thụ, bên cạnh dựng chiếc xe Honda do Nhật sản xuất, dưới ánh nắng loang lổ bị cản bởi tán lá xanh um. Cậu đi đôi giày loafer không dây, bận áo sơ-mi dài tay màu trắng với tay áo xắn hờ, đóng thùng gọn gàng cùng chiếc quần tây ống suông, dáng vẻ vừa tự do vừa quy củ khó miêu tả thành lời. Làn da đậm màu lấm tấm những giọt mồ hôi lấp lánh tựa pha lê, trở thành vật trang trí quý giá tôn lên cái đẹp tự nhiên ban tặng. Bàn tay nhỏ cầm chắc cây viết chì than gọt nhọn nhoắt cả hai đầu, hết nâng lên lại hạ xuống xấp giấy đặt ngay ngắn nơi đùi, không khác nào phác họa một kiệt tác để đời. Khuôn mặt non nớt chăm chú quan sát căn biệt thự, đầu tròn xoe nghiêng nghiêng, mắt long lanh ngắm nghía, phần giữa hai chân mày thi thoảng nhíu nhẹ thể hiện chút xíu ưu tư thoáng qua. Mark dường như rơi vào ảo giác, cảm thấy nắng kia không phải đang soi rọi một con người, mà là soi rọi tàn tích còn sót lại của một mùa xuân tràn trề sức sống. Mọi thứ tổng hòa thành bức tranh được tô vẽ hoàn mỹ, là nơi neo đậu của tất thảy điều tuyệt diệu tồn tại lay lắt trên thế giới nhiễu nhương tàn khốc.
Khung cảnh bình yên đến lạ, nhất là sau những gì đã xảy ra suốt tuần qua, sau những mưu tính, những thủ đoạn, những dối trá phơi bày trước mắt anh. Mark chẳng nghĩ ngợi nhiều, liền xin qua đường bước về phía vầng sáng chói lọi ấy. Trông đối phương rất tập trung, hoàn toàn không phát hiện có người đang tiến tới gần. Do đó lúc Mark chỉ còn cách cậu tầm hai sải tay, anh thấy cậu khẽ giật mình ngước nhìn anh đầy hoang mang.
"Chào-" Mark dừng bước, mỉm cười mở lời, bàn tay giơ lên ngỏ ý muốn bắt tay "-còn nhớ tôi không?"
Đối với người xứ Đông Dương, Tây đều là đám mắt xanh mũi lõ khó phân biệt ai ra ai. Nhưng bởi vì Mark thừa hưởng hầu như toàn bộ đặc điểm di truyền từ mẹ, ngoài khuôn mặt góc cạnh hốc mắt sâu cùng chiếc cằm chẻ, những chi tiết còn lại đều y xì người con đất Việt, nên Xán không mất nhiều thời gian để nhận ra vị khách từng ghé Xuân Lạc cuối tuần trước. Cậu lật đật đứng dậy, nhét vội cây viết chì vào túi quần để bắt tay đối phương, lúng túng nói:
- Xin chào, thưa ông...?!
"Tôi tên Mark." Thay vì họ, người đàn ông giới thiệu thẳng tên mình.
- Dạ, xin chào ông Mác.
Cách Xán phát âm tên anh nghe dân dã khiến Mark bật cười, nhưng vì không muốn tỏ ra sỗ sàng nên vội vã điều chỉnh biểu cảm mà tiếp lời: "Tôi ghé sang vì... vô tình gặp, muốn chào hỏi một tiếng. Em đang vẽ gì sao?"
Xán gật nhẹ đầu, cặp mắt nhìn anh dò xét, tay chỉ về phía đối diện: "Tui vẽ bông ti gôn thưa ông?"
"Vậy, em có quen biết chủ nhân ngôi nhà đó không?" Mark chẳng buồn giấu ngữ điệu khấp khởi mừng, cậu cùng họ với mẹ anh nên biết đâu...
- Không thưa ông!
"Ồ!" Tiếc thật, Mark thầm nghĩ, tâm trạng khó tránh hụt hẫng.
Xán bên cạnh ngớ cả người không hiểu sao khách lạ đột nhiên mặt mày ủ ê như bị cướp giật hết của nả. Cuối cùng, cậu đánh liều lên tiếng sau khi liếc thấy cái hũ anh ôm khư khư trong lòng, bàn tay nhỏ lần nữa chỉ chỉ ngôi nhà.
- Ông tìm ai sống ở trỏng sao, thưa ông?
Bên ngoài kín cổng cao tường không nhìn được vào bên trong, căn biệt thự im lìm tĩnh lặng như phớt lờ thời gian đang chảy trôi xung quanh. Mark tần ngần một lúc mới đáp:
- Gần như vậy.
Chàng Mặt Trời mỉm cười, dè dặt đề nghị mở đường cho anh: "Nếu ông ngại thì để tui giúp ông gọi cửa nghen."
Lúc này đây, đôi môi cậu hơi hé mở làm lộ một phần nhỏ hai răng cửa trắng tinh. Mark chắc hẳn chẳng ngại nhấn cái chuông nhỏ kia, anh chỉ hồi hộp với việc tự giới thiệu thân phận cho những họ hàng chung huyết thống lần đầu gặp mặt. Nhưng mà, kể có người đồng hành cũng không tệ. Thế nên Mark gật đầu, nói tiếng cảm ơn thay lời chấp thuận.
Xán thu dọn giấy viết, bỏ vào cái túi vải dù rút dây treo lủng lẳng trên con Honda 67 đen tuyền mới cứng của mình. Cậu dắt xe qua đường cùng Mark, vuốt vuốt lại mái tóc rối vào ngôi đàng hoàng rồi mới nhấn chiếc chuông xám ngoét.
Cánh cổng màu thiên thanh từ từ mở ra kéo theo tiếng kêu cót két già cỗi. Từ khoảng trống nhỏ, một người đàn ông luống tuổi cao lớn rõ ràng không phải sắc tộc Á - Đông ló đầu xuất hiện. Ông ta nhìn một lượt từ Xán sang Mark, không nhanh không chậm hất hàm hỏi hai người tìm ai bằng chất giọng Anh - Mỹ đặc sệt.
Xán ngay tức thì trở nên bối rối, vừa ấp úng "I... I..." vừa quay lại cầu cứu một Mark cũng đang vô cùng kinh ngạc. Nhưng anh rất nhanh bước lên vài bước, chắn giữa cậu và người đàn ông, điềm tĩnh trò chuyện.
Ít phút trao đổi, cuối cùng Mark biết được cô vợ người bản địa của đối phương đã mua rẻ căn biệt thự từ một tay nghiện cờ bạc cần cầm cố đất đai để trả nợ vài năm trước. Điều sau chót ông ta tiết lộ là chủ nhân cũ của nơi này tên Lý và tầm tuổi trung niên. Mark đoán đó có thể là một trong những người em trai mẹ anh từng đề cập khi còn minh mẫn, bởi vì xứ Đông Dương đặt họ trước tên nên thật ra người ấy họ Lý chứ không phải tên Lý.
Sao chợt thấy đau lòng, sao chợt thấy thất vọng, sao chợt thấy xót xa cho người mẹ cả đời tha hương, đến lúc chỉ còn là nắm tro tàn vẫn chẳng thể yên nghỉ ở nơi chôn nhau cắt rốn.
Xán không hiểu hết hai người họ xí xô xí xào những gì vì âm lượng cứ nhỏ dần, sau đó ngạc nhiên trố mắt khi cánh cổng to nặng nề đóng lại còn vị tên Mark kia thì đeo lên khuôn mặt bao nhiêu là thất thần.
"Thưa ông?!" Cậu nhỏ giọng gọi bằng thái độ e dè, "Chúng ta hỏi sai địa chỉ rồi sao?"
"Không." Mark quay sang nhìn cậu, viền mắt hơi đỏ lên: "Chúng ta đúng nơi. Chỉ là..." một tiếng thở dài rất khẽ bị cơn gió nhẹ cuốn bay tới thủ thỉ u sầu cùng những đóa ti gôn bé xinh: "... chỉ là không đúng lúc mà thôi."
Nhiều năm sau này, khi tất cả đã qua đi, khi cuộc đời sắp tàn như tia nắng cuối buổi chiều tà, Mark mới nhận ra ngay từ lúc bắt đầu, mọi thứ có lẽ đều đã không đúng thời điểm mà chúng nên xuất hiện.
Còn hiện tại, anh giữ chặt hũ tro cốt của mẹ, ngước nhìn đám mây lững thững trên cao, miên man cảm giác lạc lõng như con thuyền bị sóng đánh dập dềnh khơi xa. Nơi để sống mất rồi, đành chỉ mong tìm được chốn nương náu cho người khuất lối.
- Em biết nhà thờ nào nằm dưới những tán cây xà cừ không?
Anh ôm niềm hy vọng ít ỏi hỏi một câu hỏi mơ hồ. Không hề yêu cầu đáp án thuận ý vừa lòng.
- Thưa ông, hình như tui biết chỗ giống vậy.
Xán đột nhiên vỗ mạnh hai bàn tay vào nhau, không gian vang lên tiếng reo đầy hân hoan.
"Có ư?" Anh lập tức cúi đầu, tầm mắt va phải hàng mi chớp chớp ngây ngô cùng ánh mắt sáng bừng như những ngôi sao xa xôi giữa đêm không mây.
- Ngay đường Cường Để* trồng hai hàng xà cừ to lắm, có một nhà thờ ở đó.
(Đường Cường Để: khúc đường có hai hàng cây cổ thụ như trong fic bây giờ là đường Tôn Đức Thắng.)
(Nhà thờ nhắc đến trong fic là tưởng tượng nhé.)
Mark nhìn cậu trân trối, chẳng dám đặt nhiều mong mỏi nhưng lại không tài nào thoát được sự chân thành chắc nịch nằm gọn trong đôi đồng tử long lanh như bi ve. Chúng khiến Mark liên tưởng đến bức hình Earthrise được chụp cách đây mấy năm, mang trọn vẻ đẹp lạc lõng hiên ngang không gì sánh kịp, gieo trồng cảm giác ngưỡng mộ tôn sùng lẫn khát khao níu giữ trọn vẹn.
Vậy nên là. Lần đầu tiên Mark ngồi sau một chiếc Honda. Bởi vì cậu nhóc đặc biệt sở hữu đôi mắt kia vỗ ngực hào phóng nhận chở anh đi tới nơi về tới chốn.
Hai kẻ xa lạ cứ thế đồng hành, lướt qua những đường xá rợp bóng cây vương sắc xanh, lướt qua những góc phố lắm hàng quán đương nhộn nhịp, lướt qua xe cộ đông đúc, lướt qua dòng người vi vu, lướt qua tất cả sự hữu tình và vô ý của nhân gian trải dài trước mắt. Mark để mặc làn gió vuốt ve da mặt, để mặc tiếng nói trầm bổng bên tai, để mặc sức sống mới mẻ nảy mầm trong tâm hồn, chào đón tia nắng xuân đang thong dong bước sang mùa hạ rực cháy. Cho đến khi Xán gạt chân chống xe trước một nhà thờ Công giáo Rôma có khuôn viên khá lớn, anh thật sự nhận thức dường như mình vừa có cuộc dạo chơi ở ngưỡng cửa thiên đàng.
"Chúng ta tới rồi thưa ông." Xán vừa dắt xe vừa vui vẻ nói, trông hào hứng thấy rõ, "Tui đi lễ ở đây hoài, bên trong đẹp lắm."
Mark theo cậu bước vào một khuôn viên rộng rãi, ngước mắt nhìn lên tòa kiến trúc ốp đá hoa cương được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic, phảng phất nét cổ kính tráng lệ, có lẽ lưu giữ từ cái thời người Pháp còn hiện hữu nhan nhản trên mảnh đất này. Mark từng được nghe mẹ kể về thời ấy, về thực dân đô hộ quê hương bà như thế nào, về những vị anh hùng nghĩa sĩ hy sinh ra làm sao, về cả ông Bá Hộ Lý cha bà, ngay từ thuở còn cắp quạt mo cau đi học chữ đã hằn sâu tư tưởng tìm lối thoát cho dân tộc. Nhưng cụ không gặp thời, không tìm đúng con đường cứu nước. Vốn cứ nghĩ giúp dân mình giàu lên là sẽ dần giành lại quyền tự chủ. Ai ngờ sự mục rữa của chế độ cũ lại ghìm chân kẻ thức thời xuống bùn sâu thối nát, sự biến chuyển của thời đại mới lại lãng quên kẻ hoang mang nơi bóng tối mịt mù. Để rồi nhiều thế hệ đều ngậm đắng nuốt cay trở thành trò cười của vòng xoáy nhân sinh và lịch sử.
Lúc anh đang tần ngần phía ngoài ngắm núi Đức Mẹ Lộ Đức, Xán đã biến mất phía sau cánh cửa gỗ nặng nề như vách ngăn chia cách thế giới tâm linh với thế tục. Quay sang không thấy người, Mark mới giật mình nghĩ vì cớ làm sao anh lại đi theo cậu nhóc này nhỉ? Vì cớ làm sao tin những gì cậu nói mà chẳng buồn thắc mắc nửa câu? Vì cớ làm sao dù biết giữa bối cảnh chiến tranh cận kề mà tâm hồn anh vẫn cứ phiêu diêu lạc lối trong thế giới nội tâm dềnh dàng. David dặn dò anh không được tin tưởng ai, sự kiện tuần rồi chứng minh cho anh sự hỗn loạn của nền văn minh nhân loại. Vậy hóa ra cậu nhóc Lý Khải Xán chẳng phải người phàm ư? Cậu và mấy thứ phức tạp rối ren dường như tách biệt hoàn toàn.
Chả biết Xán tìm đâu ra một linh mục trẻ họ Nguyễn, dù bản thân cậu không hiểu sự tình gì nhưng vẫn niềm nở giới thiệu Mark với tư cách người bạn mới quen. Hỏi han sơ sơ thì nắm được Nguyễn vốn là hàng xóm cũ của cậu, về sau dù đi theo con đường tu hành phụng sự Thượng Đế, hai người vẫn giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp. Khi nghe anh nhắc cái tên Bá Hộ Lý, linh mục Nguyễn bèn lập tức dắt anh tới gặp một đức giám mục già, miệng không ngừng bảo hên quá đúng dịp ngài giám mục ghé thăm.
Vị đó có mái tóc hoa râm cùng đôi mắt sáng ngời mang nhiều nếp nhăn chồng chéo. Ông nâng cặp kính lão, ngẩng đầu khỏi trang sách cũ, lặng lẽ quan sát Mark khá lâu, lặng lẽ nghe anh trình bày câu chuyện gia đình cùng lý do lặn lội tới nơi này. Mọi thứ ngưng đọng kể cả thời gian, rồi đột ngột xoay chuyển khi tiếng chuông nhà thờ vang lên bất chợt và lắng dần trong giọng nói nghẹn ngào của ông lão có lẽ đã ngoài bảy mươi.
- Cháu, thực sự rất giống má của cháu.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, ai có ngờ còn được lần nữa nhìn thấy những đường nét bản thân từng thầm thương trộm nhớ. Mặc dù hàng chục năm một lòng hướng về Thượng Đế, nhưng chút kỷ niệm đẹp đẽ thuở xưa vẫn luôn khiến người ta hoài niệm. Đức giám mục quan sát hũ tro cốt trên tay Mark, khẽ mỉm cười nói:
- Cô Hai Vân về nhà rồi đó hả!
Sau đó, ông dẫn một mình Mark vào căn phòng nhỏ bên trong, bàn tay nhăn nheo run run rót chén trà nhỏ, ôn tồn kể cho anh dăm ba câu chuyện cũ kĩ liên quan đến những người họ hàng mà có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ gặp mặt. Ông kể nhiều năm trước, hai cụ Lý lâm trọng bệnh vẫn luôn mong ngóng đứa con gái duy nhất, thời khắc nhắm mắt xuôi tay còn cẩn thận dặn dò ông đôi điều. Ông kể gia sản họ Lý bị các công tử ăn chơi chia năm sẻ bảy rồi tiêu tán vào cờ bạc rượu chè tới nỗi họ lần lượt bỏ xứ ra đi. Ông kể quãng thời gian lắm thăng trầm khiến dòng họ Lý hầu như chẳng mấy ai bám trụ lại đất Sài Thành. Từng lời nói như ôn lại ký ức mấy đời người cho Mark hình dung thoáng qua về lịch sử dòng tộc nuôi nấng mẹ anh, cảm xúc cũng vơi bớt những nuối tiếc không rõ.
Cuối cùng, Mark chẳng tốn chút công sức nào, thậm chí còn chưa kịp mở lời nhờ vả chuyện chi, đức giám mục già đã như thấu tỏ tất cả mà đưa anh đến phía sau cung thánh, chỉ cho anh nơi mà mẹ anh sẽ nằm lại bên song thân của bà. Ông bảo lúc sinh thời, cụ Lý vẫn luôn mong một ngày con gái cụ sẽ trở về, thế nên trước khi hai cụ nhắm mắt xuôi tay đã nhờ ông lo liệu chu toàn.
Mặt Trời lên cao chót vót lúc hai người bước qua cánh cổng nhà thờ. Nắng, chia thành từng giọt long lanh, đẹp mà chói chang, vài giọt hờ hững đậu trên chùm hoa xà cừ trắng muốt, vài giọt xuyên qua tán lá um tùm nhảy nhót xuống mặt đường thưa vắng. Mark hòa mình vào vẻ đẹp dịu dàng đó, nỗi lòng bay biến chút ưu tư. Thế giới biến động, đời người đổi thay, tương lai mảnh đất này chẳng ai biết rồi sẽ đi về đâu, nhưng sau tất cả anh tin rằng, dẫu cho thân thể có tan biến và tàn tro có lạc bay, thì mẹ anh chắc chắn cũng đã bình yên khi cuối cùng cũng được trở về với phù sa quê nhà.
Mark nghiêng đầu nhìn Khải Xán ngồi hờ hững gác một chân lên bình xăng chiếc xe 67 ngắm mấy cô nữ sinh mặc áo dài trắng đạp xe ngang qua, bần thần mà nhẹ nhàng nói tiếng cảm ơn chân thành sâu sắc. Cậu vẫn còn lưu luyến nét duyên dáng đang khuất dần, mãi mới nhảy khỏi xe đến gần anh mỉm cười, vừa phẩy tay bảo có gì đâu với thái độ phóng khoáng hào sảng như anh hùng chẳng màng chuyện lưu danh, vừa hỏi ông Mác ở đâu có cần tôi đưa về không thưa ông.
- Em gọi tôi là Mark được rồi. Cho phép tôi mời em một bữa nhé? Xin đừng từ chối.
Kết quả Xán vẫn từ chối. Cậu đã hứa sẽ về nhà ăn cơm cùng ba má nên đề nghị một buổi hẹn khác. Cậu nói cuối tuần luôn ghé phòng trà Xuân Lạc làm phục vụ và Mark có thể tìm cậu ở đó.
Hai người tạm chia tay khi cơn gió thoảng qua khiến hoa xà cừ bay lất phất đánh tan bao nực nội. Mark trông theo chàng trai thong dong lái xe rời đi, bóng lưng gầy mỗi lúc một nhỏ dần cho đến tận cùng chỉ còn là một chấm nhỏ li ti mờ nhạt giữa dòng đời xuôi ngược.
----------
Rào trước là chưa biết khi nào mới đăng phần tiếp theo ạ. Hihi!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top