X
Công tước Pietro Ucrìa không hề mảy may tranh cãi về những quyết định của vợ đối với việc xây biệt thự.
Ông chỉ khăng khăng là có làm gì thì cũng phải dựng trong vườn một thứ mà ông thường gọi là "coffee house) bằng sắt, có mái vòm, gạch lát nền màu trắng và xanh và phải nhìn ra biển.
Và ông đã được toại nguyện, hay ít ra thì mọi thứ cũng sẽ được làm như ông muốn vì sắt thì đã có sẵn rồi nhưng còn thiếu mấy người thợ sắt để lắp đặt. Hiện tại ở Bagheria có tới hàng chục cái biệt thư đang được xây nên không dễ kiếm thợ xây, thợ sắt. Ông bác-chồng của Mar-ianna vẫn nói đi nói lại là dẫu sao cái khu nhà cũ cũng rất tiện, nhất là cho việc đi săn. Chẳng ai hiểu tại sao ông ta lại nói vậy vì ông chưa từng đi săn lấy một lần. Ông ghét sự hoang dã. Thậm chí ông còn ghét cả súng ống tuy có cả một bộ sưu tập. Thú vui của ông là những cuốn sách nói về các tước hiệu quý tộc và trò đánh bài whist kiểu Anh, ngoài ra ông cũng thích đi dạo dọc những luống chanh do đích thân ông chiết ghép.
Ông biết mọi điều về tổ tiên, về nguồn gốc dòng họ Ucrìa nhánh xứ Capo Spagnolo, nhánh xứ Fontanasalsa và các chi nhánh trước, về ngôi thứ dòng tộc và tất nhiên là về các tước hiệu. Trong phòng đọc của mình, ông cho treo một bức tranh lớn tái hiện cảnh hành quyết thánh Sig-noretto. Bên dưới bức tranh ông cho khảm đồng dòng chữ: Thánh Signoretto Ucrìa xứ Fontanasalsa và xứ Campo Spagnolo, sinh tại Pisa năm 1269". Tiếp theo là hàng chữ nhỏ kể sơ lược cuộc đời vị thánh, ông đã đến Palermo ra sao, và đã tham gia như thế nào vào "các hoạt động từ thiện tại bệnh viện, cứu giúp biết bao người nghèo tràn ngập thành phố khi đó. Rồi năm khoảng ba mươi tuổi ông rút lui về ở ẩn tại một nơi vô cùng hoang vắng gần biển" như thế nào. Nhưng cái "nơi vô cùng hoang vắng này ở chỗ nào không biết? Liệu ông có rút lui về tận bờ biển châu Phi không?
Tại cái nơi hoang mạc "gần biển", thánh Signoretto đã bị "người Ả rập hành quyết", nhưng tại sao ông bị hành quyết thì trên cái biển đồng đó không nói. Chỉ vì ông là thánh sao? Không phải thế, mình ngốc thật - Marianna nghĩ - ông trở thành thánh sau khi bị hành quyết chứ.
Một cánh tay của thánh Signoretto, trên dòng đề tựa viết, đang được các thầy tu dòng tu Domenico gìn giữ và coi nó như thánh tích. Trên thực tế ông bác-chồng đã làm tất cả để lấy lại thánh tích của gia đình nhưng đến giờ ông vẫn chưa làm được. Các thầy tu dòng Domenico thì nói đã trao lại cho một tu viện của các nữ tu dòng Carmel, các nữ tu dòng Carmel thì nói đã tặng lại cho các nữ tu dòng Clara. Đến khi đến hỏi các xơ dòng Clara thì họ cho biết chưa từng nhìn thấy cái thánh tích đó bao giờ. Trong bức tranh có màu tối đen của biển: một con
thuyền thả neo gần bờ, trên thuyền không một bóng người, một cánh buồm nâu đã được cuộn lại. Ở tiền cảnh có một luồng ánh sáng dội từ bên trái như thể có ai đó đứng ngay cạnh bức tranh và soi ngọn đuốc cháy sáng vào. Một người đàn ông lớn tuổi - nhưng chẳng phải là ông thánh khoảng ba mươi tuổi sao? - đang bị hai thanh niên lực lưỡng ở trần dùng dao đâm (đấm đá). Trên cao, chếch về phía bên phải là hình ảnh ba thiên thần đang bay, tay nâng một vòng gai. Với công tước Pietro, câu chuyện gia đình dù là truyền thuyết và tưởng tượng cũng vẫn đáng tin hơn những gì các cha xứ thường kể. Với ông, Chúa ở rất xa và đang cười khẩy"; Christ "nếu là con của Chúa thật thì, nói cho ngắn gọn, cũng chỉ là một kẻ chẳng có tríkhôn". Còn Đức Mẹ Maria "nếu là một người đàn bà cao quý thì đã không cư xử hời hợt đến mức để thằng con nhỏ giữa lũ sói rồi mang nó đi khắp nơi trong ngày lễ thánh, làm cho nó tin rằng mình bất khả chiến bại nhưng ai cũng biết kết cục của nó thế nào".
Theo ông bác-chồng, người đầu tiên của dòng họ Ucrìa không phải ai khác mà chính là một ông vua của thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, nói chính xác ra thì người đó là vua xứ Lidia (1). Từ vùng đất hẻo lánh ấy, vẫn theo ông, người họ Ucrìa đã qua cả Roma và làm Nguyên lão của nền Cộng hòa ở đó. Sau cùng họ trở thành người theo đạo Kitô dưới thời Costantino Đại đến.
Khi Marianna đùa mà viết cho ông chồng rằng chắc chắn người nhà Ucrìa là người không có chính kiến nên thường đứng về phe kẻ mạnh, ông liền nổi cáu và không nhìn mặt cô mấy ngày liền. Không được đùa cợt với các vị tổ tiên đã khuất.
Nhưng nếu cô yêu cầu giải thích về những bức tranh lớn được chất thành đống ở căn phòng khách màu vàng để rồi sẽ được treo lên tường khi ngôi nhà hoàn thiện, ông chồng cầm ngay lấy bút và viết kể cho cô về ông giám mục Ucrìa, người đã từng chiến đấu chống quân Phổ và về ông nghị sĩ Ucrìa, người đã từng có một bài diễn văn nổi tiếng bảo vệ chế độ con trai trưởng hưởng thừa kế.
Không quan trọng Marianna trả lời thế nào. Rất hiếm khi ông đọc những gì vợ viết cho dù rất thích ngắm những nét chữ dốc đứng và sạch sẽ của vợ. Việc vợ hay qua lại thư viện làm ông không hài lòng nhưng ông cũng không dám phản đối; ông biết với Marianna việc đọc là một nhu cầu không thể thiếu và dù câm nhưng cô vẫn có cái lý của mình. Ông không thích đọc sách vì chúng "giả dối". Trí tưởng tượng là một thứ tự do đáng ghê tởm.
Với công tước Pietro, thực tế được hình thành từ một loạt những nguyên tắc trường tồn và bất di bất dịch; người có học thức không thể không hòa nhập với những nguyên tắc đó.
Chỉ khi phải đi thăm một đứa trẻ sơ sinh, như người ta vẫn làm ở Palermo, hay khi phải có mặt tại một nghi lễ chính thức, ông mới yêu cầu vợ mặc lịch sự, đeo thêm cái ghim cài đính kim cương của bà Ucrìa xứ Scannatura để lại và đi theo ông ra thành phố.
Mỗi khi quyết định ở lại biệt thự tại Bagheria là ông luôn tìm cách gọi thêm người vào bàn ăn. Khi thì ông mời Raffaele Cuffa, người vừa làm quản gia, vừa làm bảo vệ kiêm luôn thư ký cho ông, nhưng không khi nào mời bà vợ. Khi thì ông cho gọi ông luật sư Mangiapesce từ Palermo đến; hoặc cho kiệu đến tu viện dòng Clara rước bà bác Teresa xơ xưng tội về hay cho người cưỡi ngựa mang thư mời đến một trong những anh em họ Alliata xứ Valguarnera.
Ông bác-chồng thích nhất gã luật sư Mangiapesce vì hắn không bắt ông phải nói mà có thể ngồi yên nghe. Không cần phải yêu cầu thì gã "thầy cãi trẻ tuổi như ông vẫn gọi thế cũng luôn miệng nói. Hắn rất thích tranh luận về những vấn đề tinh tế của luật học và luôn cập nhật các sự kiện chính trị nổi bật diễn ra trong thành phố và cả những câu chuyện ngồi lê đôi mách ở những gia đình quyền quý của thành phố Palermo.
Nhưng khi có bà bác Teresa thì gã luật sư rất khó mở miệng vì bà luôn ngắt lời hắn và quả thực khi nói về những câu chuyện ngồi lê đôi mách trên phố thì bà biết nhiều hơn hắn.
Trong số người thân trong gia đình thì bà Teresa, chị gái bố vợ, là người được ông bác chồng yêu quý nhất. Đôi khi ông còn nói chuyện một cách hăng say với bà. Họ trao đổi với nhau về các vấn đề trong gia đình và còn tặng quà cho nhau: thánh tích, tràng hạt được ban phép và cả đồ gia bảo. Bà bác mang từ tu viện đến món cà tím cuộn pho mát trộn đường và thì là bỏ lò. Món ăn ngon tuyệt đến mức mỗi lần như thế công tước Pietro ăn đến cả chục cuộn, vừa ăn vừa nhăn mũi như con chuột chũi háu đói.
Marianna nhìn ông bác-chồng nhai và tự nhủ bộ não ông có cái gì đó giống cái miệng: cắn, xé, nghiền, trộn, nuốt. Nhưng những thứ nuốt vội nuốt vàng ấy ông cũng chẳng hấp thụ được gì. Vậy nên ông mới gầy đến thế. Ông mất quá nhiều sức lực cho việc nghiền ngẫm các ý nghĩ nên trong cơ thể ông chỉ lưu lại những thứ hương hoa.
Vừa mới ăn vào cái gì là ông vội vàng đào thải ra những thứ cặn bã mà ông cho là không xứng đáng lưu lại trong cơ thể của một người thanh cao.
Với rất nhiều quý tộc ở tuổi ông, những người đã sống và trưởng thành trong thế kỷ trước, tư duy một cách có hệ thống là cái gì đó tầm thường và thông tục. Về nguyên tắc thì sự đối chiếu cùng các trí tuệ khác, tư tưởng khác được coi như một sự đầu hàng. Dân đen thường suy nghĩ theo nhóm, theo bầy đàn còn một quý tộc thì làm việc đó một cách độc lập và sự vinh quang, lòng quả cảm được cấu thành từ chính sự đơn độc ấy.
Marianna biết dù tôn trọng vợ nhưng ông chồng không coi vợ ngang hàng với mình. Với ông ta vợ là một cô gái của thế kỷ mới, khó hiểu và có cái gì đó quá dân đã trong những lo nghĩ về chuyện đi lại, làm lụng hay việc xây dựng.
Hành động là cái gì đó khác thường, nguy hiểm, chẳng có ích lợi gì và luôn giả dối. Có thể nhận thấy điều đó trong đôi mắt buồn rười rượi của ông khi nhìn cô đi đi lại lại bận rộn trên cái sân ngổn ngang vôi vữa, gạch ngói, Hành động là một việc đã được lựa chọn và sự lựa chọn là cần thiết. Định hình cho thứ ta không biết, làm cho nó trở nên thân quen, nổi bật nghĩa là cách xa dần sự tự do, xa dần với nguyên tắc cao quý của sự nhàn hạ mà chỉ một quý tộc thực thụ mới tự cho phép mình, học đòi theo Đấng cao xanh.
Dù chưa một lần được nghe giọng chồng nhưng Marianna biết điều gì nung nấu trong cái cổ họng quàu quạu kia: một thứ tình yêu kiêu ngạo, đầy cảnh giác với những mơ mộng vô hạn, những ham muốn không phương hướng và với đam mê không được thỏa mãn. Một giọng nói chát chúa vì buồn chán nhưng vẫn hoàn toàn được kiểm soát như những người không bao giờ thả lỏng mình. Chắc chắn là như vậy, Marianna cảm nhận được điều đó qua hơi thở hổn hển và nóng bỏng của ông mỗi khi ở gần cô.
Công tước Pietro coi ý muốn của vợ kiên quyết ở lại Bagheria cả trong những tháng lạnh lẽo trong khi họ có cả một ngôi nhà lớn, tiện nghi ở Palermo là điên rồ. Ông như phát cuồng khi phải từ bỏ các buổi tối ở sòng bạc quý tộc trên phố, nơi ông có thói quen chơi bài whist kiểu Anh hàng giờ và uống nước hoa hồi trong khi chán nản nghe những câu tán gẫu ngu ngốc của mấy người bạn đồng niên. Trái lại, với Marianna ngôi nhà ở phố Alloro quá tối tăm, chật chội với quá nhiều tranh ảnh tổ tiên và quá nhiều khách không mời mà đến.
Vả lại quãng đường từ Bagheria đến Palermo đầy rẫy những ổ gà to nhỏ và bụi mù làm cô não ruột. Nhiều lần đi qua khu Acqua dei Corsari cô nhìn thấy ngay trước mặt mình, trên cây cọc cạnh dinh tổng đốc là đầu của những tên cướp bị xiên lên để thị uy với người dân. Những cái đầu đang khô đi dưới ánh nắng, ruồi nhặng bu kín và thường đi kèm với các mẩu chân tay lem luốc máu đen.
Nhắm mắt hay quay mặt đi cũng chẳng ích gì. Một cơn gió xoáy xua tan mọi ý nghĩ. Cô biết chỉ một lát nữa là đi đến hai cây cột trụ ở cổng Porta Felice và họ sẽ đi về hướng Cassaro Morto và rồi ngay lập tức đi vào quảng trường Marina thênh thang hình chữ nhật, giữa cung điện Zecca và nhà thờ Santa Maria della Catena. Phía bên phải sẽ xuất hiện nhà tù Vicaria, gió thổi trong đầu mạnh như cơn bão, những ngón tay cô sẽ co lại nắm chặt lấy cái áo choàng dài của người cha đang đội mũ kín hết đầu để rồi kéo rách cả cái áo ngắn bằng nhung choàng trên vai cô.
Vậy nên cô rất ghét đi Palermo và thích ở lại Bagheria hơn. Ngoại trừ những dịp đặc biệt như đám tang, lễ đặt tên thánh hay đi thăm trẻ sơ sinh là cô lại phải lên phố, tiếc là những dịp như vậy không hề ít chút nào vì vốn họ hàng nhà Ucrìa rất mắn đẻ. Marianna quyết tâm sống ổn định cả trong dịp mùa đông tại ngôi biệt thự Ucrìa ở Bagheria, dù mọi người có phải co cụm lại trong mấy căn phòng quanh lò sưởi lúc nào cũng đỏ than để tránh rét.
Giờ thì ai cũng biết và đến tìm cô ở đó khi đường đi vào không quá khó khăn những dịp nước sông Eleuterio dâng cao và làm ngập úng các khu vực nông thôn nằm giữa Ficarazzi và Bagheria.
Cuối cùng cha cũng đến và ở lại với Marianna tron một tuần. Chỉ có hai cha con như cô vẫn luôn mong muốn, không có sự hiện diện của con cái, anh chị em và các họ hàng khác. Kể từ khi mẹ cô qua đời đột ngột không ốm đau gì, cha thường một mình đến gặp cô. Ông thường ngồi trong căn phòng màu vàng, dưới bức chân dung bà cố Giuseppa hút thuốc hoặc ngủ. Cha cô thường ngủ rất nhiều, về già lại càng nhiều hơn; nếu đêm nào không ngủ đủ mười tiếng là ông cảm thấy không được khỏe. Và vì khó có thể ngủ liên tục nhiều giờ đồng hồ đến vậy nên có lúc giữa ban ngày ông cũng ngủ thiếp đi trên ghế bành hoặc đi văng.
Lúc tỉnh dậy ông thường rủ con gái chơi một ván pikê. Ông vẫn mỉm cười, vui vẻ dù chứng thấp khớp đã làm biến dạng đôi tay và làm lưng ông còng xuống, nhưng ông cứ coi như không và lúc nào cũng sẵn sàng vui đùa và làm mọi người vui lây. Ông chậm chạp hơn và không có khả năng ngẫu hứng như bà bác Manina nhưng ông cũng có khiếu hài hước, nếu không phải vì lười thì chắc chắn ông cũng là một tay bắt chước có hạng.
Đôi khi ông cầm lấy cuốn sổ nhỏ Marianna buộc ở thắt lưng và giật ra một tờ giấy rồi viết vội lên đó: "Con là một con ngốc, con gái ạ, nhưng lúc về già ta lại phát hiện ra là mình thích lũ ngốc hơn tất cả những người khác." "Chồng con, ông con rể-anh họ của ta, là một thằng đại ngốc nhưng nó rất yêu con." "Ta không thích phải chết vì ta sẽ phải để con lại nhưng ta cũng thích thử đi xem có bỏ công được gặp Đức Chúa không."
Điều không khi nào hết làm Marianna ngạc nhiên là sự khác biệt giữa ông bác-chồng Pietro và cô em gái, mẹ cô, cũng như với người em họ, cha cô. Mẹ cô phương phi và lười biếng bao nhiêu thì ông anh lại gầy gò, xông xáo bấy nhiêu, lúc nào cũng sẵn sàng động đậy chân tay dù chỉ là để đi ngang đi dọc mấy ruộng nho. Mẹ cô nhàn tản, cam chịu bao nhiêu thì ông anh lại khó khăn, cứng đầu bấy nhiêu. Đấy là còn chưa kể đến sự khác biệt của ông ta với với người em họ, trông cha cô tươi tắn bao nhiêu thì ông ta lại u ám bấy nhiêu, cha cô cởi mở với mọi người bao nhiêu thì ông ta lại thù địch, ngờ vực họ bấy nhiêu. Tóm lại ông bác-chồng của cô giống như một hạt giống lạ nảy mầm không đúng lúc trên mảnh đất gia đình và khi lớn lên thì nó mọc xiên mọc xẹo, thô kệch, đầy vẻ hoài nghi.
Lần gần đây nhất, Marianna và cha đã chơi bài pikê đến tận hai giờ sáng. Hai cha con vừa chơi vừa ăn mứt quả và uống rượu vang thơm xứ Malaga. Trước đó công tước Pietro đã khởi hành đi Torre Scannatura vì đã đến mùa thu hoạch nho.
Và vậy là xen giữa ván bài hay đợt nghỉ giải lao để uống rượu, cha cô đã viết kể cho Marianna những lời đàm tiếu mới nhất từ Palermo: mọi người nói cô nhân tình của thống đốc thường ngủ trên đống chăn ga màu đen để tôn thêm màu da trắng nõn của mình; thuyền buôn vừa cập bến từ Barcellona chở đầy bô bằng thủy tinh trong suối và mọi người đua nhau mua để làm quà tặng bạn bè, má váy kiểu Adrienne được khởi xướng từ triều đình Paris đã nhanh chóng lan tới Palermo như một quả cầu tuyế không gì ngăn cản nổi làm tất cả thợ may trên phố như ngồi trên đống lửa. Thậm chí cha còn thổ lộ với cô về tình yêu ông dành cho một thợ thêu ren tên là Ester, có ta làm việc tại một ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của ông ở Papireto. “Ta đã tặng cho cô ấy một căn phòng nhìn xuống phố nơi cô ấy làm việc... con không tưởng tượng được cô ấy vui thế nào đâu."
Vậy mà cái người là cha cô này, người yêu cô nhất mực lại chính là người đã gây cho cô sự kinh hãi nhất trong cuộc đời mình. Nhưng ông không biết điều đó. Ông đã làm vậy để giúp cô: một bác sĩ có tiếng của trường phái Salerno đã khuyên ông chữa bệnh câm cho cô con gái mà có vẻ như nguyên nhân là do một nỗi sợ hãi khủng khiếp, bằng một nỗi sợ hãi lớn hơn. Timor fecit vitium, timor recuperabit salutem). Nếu cuộc thử nghiệm không thành công thì đó không phải lỗi của ông.
Lần cuối cùng đến thăm Marianna, cha đã mang đến cho cô một món quà: một bé gái mười hai tuổi, con một tửtù được ông đưa lên giá treo cổ. "Mẹ nó chết vì bệnh đậu mùa. Cha nó bị xử tội chết và đã gửi gắm nó lại cho ta trước khi lên giá treo cổ. Các huynh đệ áo trắng muốn gửi nó đến một tu viện dành cho trẻ mồ côi nhưng ta thì nghĩ sẽ tốt hơn nếu nó đến ở với con. Ta tặng nó cho con nhưng con phải chăm sóc nó, nó chỉ còn một mình trên thế gian này. Nghe nói nó có một em trai nhưng chẳng hiểu thằng bé đi đằng nào, có khi chết rồi cũng nên. Cha chúng nói không nhìn thấy con trai kể từ khi gửi nó cho một bà nông dân đi xin sữa bú. Con hứa sẽ chăm sóc nó chứ?"
Vậy là con bé Filomena mà mọi người vẫn gọi là Fila ở lại nhà Marianna. Nó được cho ăn cho mặc nhưng dường như nó vẫn chưa hết rụt rè, ngờ vực: nó nói rất ít hoặc chẳng nói gì, thường trốn sau cánh cửa và vẫn chưa thể cầm nổi một cái đĩa mà không làm vỡ. Ngay khi có thể, nó chạy ra chuồng gia súc, ngồi lên đống rơm ngay cạnh mấy con bò. Khi vào nhà lúc nào trên người nó cũng có mùi phân gia súc nồng nặc đến mức đứng cách xa mười bước chân vẫn còn ngửi thấy.
Trách mắng con bé cũng chẳng ích gì. Marianna nhận ra trong cái nhìn hoảng hốt, lúc nào cũng cảnh giác của nó cái gì đó giống như tâm trạng hồi nhỏ của mình và cô để mặc nó làm những gì nó muốn. Việc này làm cáu tiết chị bếp Innocenza, Raffaele Cuffa và đến cả ông bác-chồng cũng chịu đựng một cách khó khăn cô hầu mới chỉ vì tôn trọng ông em họ bố vợ và cô vợ câm điếc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top