Trận Pares

Trận Pares(23 tháng 8 năm Louis thứ 3(507) – 2 tháng 2 năm Louis thứ 3(508) là một trận đánh lớn diễn ra trong Nội chiến Marcellus(506-512) giữa Khối Tứ Giáo liên minh với các Quý tộc phản bội và Quân đội Marcellus tại thành phố Pares ở miền Đông Bắc Đế chế Marcellus. Trận đánh diễn ra từ tháng 8 năm 507 đến ngày 2 tháng 2 năm 508, kết thúc với việc Tập đoàn quân số 12 "Phán Quan" của quân Tứ Giáo bị bao vây và buộc phải đầu hàng.

Ý nghĩa của trận đánh vẫn còn gây tranh cãi khi cả hai phe đều có cách lý luận riêng về kết quả của nó. Nhưng tất cả đều công nhận đây là sự kiện đẫm máu nhất trong lịch sử lục địa tính đến thời điểm đó với con số thương vong của hai bên lên đến hơn 2,6 triệu người, 3% trong số đó là dân thường.

Chiến thắng về mặt quân sự đã giúp Quân đội Marcellus chặn đứng được đà tiến công của phe Tứ Giáo hướng về thủ đô Domitia, đánh dấu thất bại lớn đầu tiên của Impletus III trong cuộc nội chiến. Dù cho những cuộc phản công tiếp theo của Marcellus không đạt được nhiều thành công nhưng việc tập đoàn quân số 12 bị xóa sổ đã buộc quân nổi dậy phải từ bỏ việc tiến chiếm mỏ đá mana vùng bán đảo Voxty cũng như giảm cường độ quấy rối vùng hải cảng Makarov. Trận đánh cũng là tiền đề dẫn đến Khori, trận chiến cơ giới quy mô khổng lồ đầu tiên, đánh dấu việc Khối Tứ Giáo để mất hoàn toàn thế chủ động trên chiến trường và phải bước vào giai đoạn tử thủ.

I. Bối cảnh

Ngày 20 tháng 6 năm Louis thứ 2(506), lực lượng Tứ Giáo trong lãnh thổ Marcellus bất ngờ nổi dậy dưới sự chỉ huy của Giáo Hoàng Impletus III, người trước đó đang sang thăm Lewin. Những thành phố vùng viễn đông Đế Chế, nơi phần lớn dân cư thờ phụng Tứ Giáo lập tức thất thủ hoặc quay đầu phản bội.

Ngày 21 tháng 6, Thánh Quốc Lewin tuyên bố sáp nhập những tỉnh và thành phố ly khai vào Khối Tứ giáo, chính thức tuyên chiến với Marcellus với lý do bảo vệ đồng đạo. Chiều cùng ngày, Elf Quốc Sabana và Cộng hoà Liên chủng Droog cũng tuyên chiến với Marcellus.

Rạng sáng ngày 22 tháng 6 Vệ binh Thánh chiến Lewin và Quân đội Elf tiến vào Marcellus từ cửa ngõ thành phố phản bội Judias, nơi mà Cơ quan An ninh Đế chế trước đó đã thất bại trong việc dự đoán mưu đồ nổi dậy của Tứ Giáo.

Ngày 23 tháng 6, hạm đội Lizard "Rồng Biển" droog tiến hành đổ bộ lên lãnh thổ quý tộc Makarov nhưng đã bị hải quân Makarov đánh thiệt hại nặng và phải rút lui, chỉ còn dám cùng với hải quân Lewin phong toả xa bờ.

Từ cuối tháng 6, nhiều vùng đất liên tiếp rơi vào tay Tứ Giáo. Ngày 20 tháng 10, tỉnh Balatimov thất thủ, toàn bộ mười tám tỉnh và thành phố miền Đông đã rơi vào tay Tứ Giáo.

Tại phía Nam, lần lượt các tỉnh và vùng quý tộc cũng bị chiếm đóng. Quý tộc vùng Điền Nam, Sơn Nam dù cho đa phần chọn ở lại với Đế Chế, song họ không phải là đối thủ của lực lượng phản bội. Khi mùa đông đến, lợi dụng việc kẻ thù bị những cơn bão tuyết kìm chân, các quý tộc này đã triệt thoái về phía Tây, miền Nam Marcellus cũng rơi vào tay Impletus III.

Ngày 2 tháng 7 năm 507, sau nhiều tháng tấn công, quân nổi dậy ở thảo nguyên Khori giành thắng lợi, đốt cháy dinh Toàn quyền và thu giữ được 5 trên tổng số 12 khẩu pháo ma pháp hạng siêu nặng đang thử nghiệm tại đây, hành lang hướng đến Pares đã mở toang.

Phản ứng của Quốc tế:

Ngày 22 tháng 6, Thịnh Vượng chung Tox(giáp biên giới với hướng Tây Nam của Đế Chế) tuyên chiến với Lewin và lập tức gửi quân đến Marcellus. Ngày 25 tháng 6 năm 506, các chư hầu ở phía Tây gồm Shavas và Cộng Hòa Echothage tuyên bố sẽ không chống lại Đế Chế.

Song, ngày 1 tháng 7 năm 506 Shavas lại tuyên chiến với Lewin khi các tàu hàng của họ đến Marcellus bị tấn công. Nhân quốc Lukar dù cho có thù với Đế Chế cũng tuyên bố trung lập ngay sau đó khi Tox đưa quân áp sát biên giới nước này. Biên giới phía Tây Marcellus có thể coi là an toàn.

Các quốc gia khác ban đều tỏ ra trung lập, coi đây là cuộc nội chiến tôn giáo khi mà chính bản thân họ cũng không đủ tiềm lực để nhảy vào.

Vai trò của Pares:

Những thắng lợi liên tiếp trong những tháng đầu tiên đã khiến Impletus III cùng Bộ chỉ huy Khối Tứ Giáo ngày càng vững tin vào một chiến thắng, song họ cũng nhận ra không thể đánh quỵ một đế chế khổng lồ như Marcellus một cách chớp nhoáng được. Từ nhận định đó, Impletus đã giao cho tâm phúc của ông, Tổng Tuyên uý Luck và các đồng sự vạch ra chiến lược đánh tiêu hao: tiêu diệt mọi nguồn lực sản xuất hòng làm Marcellus phải suy kiệt.

Hai mục tiêu lớn nhất của chiến lược trên là thành phố Pares, thủ phủ nền công nghiệp Đế chế và bán đảo Voxty đặc biệt là mỏ mana tự tái tạo duy nhất của lục địa. Chưa kể, vùng đồng bằng duyên hải của bán đảo còn là vựa lương thực khổng lồ, đủ sức cung cấp cho cả khối Tứ Giáo mà không cần vận chuyển từ Lewin sang.

Cả hai mục tiêu, một để cướp đoạt, một để phá hoại đều vô cùng phù hợp cho mục đích tối thượng của Impletus III và Lewin nên kế hoạch mà Luck đề ra được phê duyệt gần như ngay lập tức.

Việc chiếm được Pares sẽ có tầm quan trọng khổng lồ đối với cuộc nổi dậy, không dừng lại với khối Tứ Giáo hay Lewin mà còn cả với người Droog và Elf.

Thứ nhất, nơi đây không chỉ là trung tâm công nghiệp lớn nhất lục địa với vô số nhà máy lớn nhỏ mà còn có những cơ sở nghiên cứu với những phát minh tiên tiến nhất của thời đại về cả khoa học kỹ thuật và ma pháp. Nơi đó còn có cả quảng trường Afetiria với toà tháp biểu tượng cùng tên và cũng là nơi Lục quân Marcellus nhận làm quê hương. Việc thành phố thất thủ sẽ đánh dấu sự sụp đổ của Đế Chế về không chỉ vật chất mà cả về tinh thần.

Thứ hai, Thành phố đóng vai trò như một mũi lao găm vào vùng đồng bằng trống trải dẫn đến Voxty. Việc đánh chiếm Pares sẽ củng cố sườn phía Đông của quân Tứ Giáo vốn dự sẽ tiến nhanh về bán đảo Voxty. Sau đó, với cảng nước sâu và trung tâm mạng lưới giao thông bộ, nó sẽ trở thành bàn đạp tiến thẳng về Domitia, thủ đô Đế Chế, nơi mà Hoàng Đế không được phép rời đi.

Bộ Tổng Tham mưu Marcellus, đứng đầu là Thượng tướng Dũng cũng nhận ra rằng họ đang chịu một sức ép nghiêm trọng về thời gian và nhân, vật lực, vì vậy tất cả những ai có thể cầm súng chiến đấu đều được điều về bảo vệ Pares. Vào thời điểm này, 70% lực lượng không quân, phần lớn do quý tộc xây dựng đã tạo phản. Những chiếc xe tăng dự bị đời đầu với học thuyết chiến đấu dựa nặng vào chiến tranh hầm hào không phải là thứ thích hợp để đối đầu với những sư đoàn pháp sư cơ giới cơ động cao của Lewin và sự chậm chạp của chúng cũng dễ làm mồi cho máy bay địch.

Tuy nhiên, việc chủ động điều quân đã giúp một phần lực lượng thiết giáp củng cố được trận địa trong thành phố và điều kiện tác chiến đô thị cũng phần nào giúp Marcellus giảm thiểu được thương vong từ không quân của Heirman.

II. Diễn biến

Chiến dịch Gió Bấc:

"Nếu không chiếm được bán đảo Voxty cùng vựa lúa mì và những viên tinh thể của nó thì Đế chế sẽ đuổi chúng ta đến tận giường ngủ."

_Maus Van Luck_

Cụm tập đoàn quân Judias là lực lượng được Luck chọn làm nhân tố chủ chốt trong ván bài này với những tập đoàn quân giàu kinh nghiệm 12, 29, 6 và Tập đoàn quân ma pháp cơ giới số 44. Đơn vị 44 sẽ được giao nhiệm vụ càn quét vùng ngoại vi, giúp cho 12 và 29 tiến nhanh, giải quyết gọn Pares. Trong lúc đó, tập đoàn quân số 6 sẽ cùng với ba đơn vị Lewin khác tiến nhanh vào Voxty

Song, đến khi chiến dịch Gió Bấc sắp diễn ra thì Impletus III lại cho hoãn kế hoạch. Tập đoàn quân số 29 bị tách khỏi hướng Pares mà ở lại Khori, đối phó với quân du kích phá hoại người bản địa. Impletus III tin rằng, với sức cơ động cao và kinh nghiệm tác chiến đô thị của Tập đoàn quân 12, kết hợp với yểm trợ của không quân và nhất là những khẩu pháo ma pháp siêu nặng từ Khori sẽ là đủ để khuất phục Pares. Việc thay đổi đó làm chiến dịch Gió Bấc chậm đi ba tuần, cho phép Thượng tướng Dũng điều thêm những đơn vị viễn tây về tham gia bảo vệ thành phố.

Luck không thể cãi lời vị chủ chăn và giờ đây, mọi con chip đều được đặt vào Tập đoàn quân số 12 "Phán Quan" của Thiếu Tướng Friedrich Moth, một con chiên ngoan đạo ngầm thờ phụng Tứ Giáo và là mầm mống truyền bá tư tưởng của nó trong Cụm tập đoàn quân Đông(cũ) của Marcellus.

Cuối cùng, ngày 20 tháng 7, chiến dịch Gió Bấc chính thức mở màn. Lực lượng Tứ Giáo từ Cụm Tập đoàn quân Judias và các đơn vị Lewin xuất phát từ Khorin, đâm thẳng xuống phía Nam Đế chế Marcellus. Trong những ngày đầu, đà tiến công của các đơn vị ma pháp cơ giới nhanh như vũ bão. Quân đội Marcellus gần như không có bất kỳ động thái chống trả nào mà chỉ tập trung rút về phía Tây, co cụm lại trong các thành phố.

Quân Tứ Giáo từ cánh Pares cũng nhanh chóng tách ra và chiếm được những vệ tinh xung quanh Pares, bến cảng trên hồ Ladoge và cù lao của nó lập tức nằm trong tầm ném bom của quân phản bội. Đến lúc này, Marcellus mới cho lệnh di tản thành phố nhưng chỉ áp dụng với quý tộc và mãi một tuần sau mới đến lượt thường dân. Hành động đó của giới chức Đế chế về sau bị đặt một dấu hỏi lớn về tính nhân đạo khi họ vừa chậm trễ vừa có vẻ như phân biệt gia cấp.

Đà tiến công của quân Tứ Giáo hướng Pares nhanh đến bất ngờ. Ngày 31 tháng 7, phòng tuyến trên quốc lộ 15 nối Pares và Khori đã bị đánh vỡ, một lượng lớn quân Marcellus bị bao vây và tiêu diệt. Nguy cơ bị bao vây của cánh quân Tứ giáo hướng đến Pares đã hoàn toàn không còn khi tập đoàn quân số 8 Thánh quốc Lewin và số 5 Droog băng băng theo quốc lộ 15 và lập một phòng tuyến ở sườn hướng Bắc.

Thành công bước đầu của Friedrich Moth đã gây ấn tượng mạnh với Impletus III. Ngày 1 tháng 8, Đức Giáo Hoàng ra lệnh cho tập đoàn quân cơ giới số 44 tách khỏi quốc lộ 15, hướng xuống phía Nam hỗ trợ quân Tứ Giáo đang sa lầy ở hướng Voxty. Mệnh lệnh đột ngột mang tính bốc lên này đã tạo ra tình trạng ách tắc giao thông khủng khiếp trên con đường quốc lộ khi mà hàng ngàn cỗ xe phải chen chúc nhau. Đến khi Luck lại phải lên tiếng cầu xin thì Impletus mới lật đật ra lệnh cho mọi thứ trở lại như cũ song đã làm đoàn quân chậm đi đến cả tuần lễ.

Ngày 10 tháng 8, Quân Tứ Giáo đã áp sát được phòng tuyến Pares. Friedrich Moth cho tiến hành xây dựng các kho tàn và nhất là chuẩn bị trận địa cho những khẩu siêu pháo. Như đã nói, những đơn vị đồng minh Lewin và Droog được giao nhiệm vụ bảo vệ sườn phía bắc cho đại quân. Khác với quân đội phản bội, vốn là những đơn vị biên giới giàu kinh nghiệm và được Marcellus ưu tiên trang bị trước khi họ trở cờ, quân đội Lewin bị đánh giá là thiếu khả năng và tinh thần chiến đấu, thường bị quân Tứ Giáo xem thường vì hèn nhát và đỏng đảnh. Droog còn tệ hơn khi đến quá nửa quân đội là lính đánh thuê chiêu mộ từ đám đầu đường xó chợ với mức kỷ luật cực kỳ thấp. Mọi sự tệ đến độ chỉ cần có dấu hiệu bị bao vây thì cả chỉ huy của hai đội quân trên thường xuyên ra lệnh rút lui, thậm chí bỏ trận địa mà tháo chạy. Song, hiện tại Tập đoàn quân số 12 "Phán Quang" chỉ còn cách Pares vài chục cây số.

Tại phía Nam, chiến dịch của Impletus lại ít suông sẻ hơn. Đầu tháng 8, đà tiến của hướng Voxty đã chậm lại rõ rệt khi mà tuyến hậu cần của họ bị kéo căng ra. Việc đó đã cho phép quân đồn trú Voxty kịp dựng nên những phòng tuyến dựa vào các ngọn núi dọc bán đảo, càng làm bước tiến của liên quân thánh chiến thêm chậm chạp. Những cỗ xe thiết giáp cồng kềnh lợi hại nơi đồng bằng lại đang chật vật vượt qua từng con dốc nơi núi đá. Mặc cho nỗ lực của lực lượng pháp sư, tốc độ tiến quân của họ vẫn là vô cùng chậm chạp, thậm chí có ngày chỉ tiến được không đầy một cây số.

Để giảm tải cho tuyến hậu cần, sư đoàn thiết giáp số 15 đã được lệnh tách khỏi tập đoàn quân số 6 mà quay đầu hỗ trợ tiến công vào Pares. Ngày 23 tháng 8, lực lượng này đã đến được phía đông nam thành phố.

Hướng Voxty sa lầy dẫn đến việc Pares từ chỗ là mục tiêu thứ yếu đã trở thành trọng tâm của cả chiến dịch tiến công. Lực lượng tham gia tấn công ban đầu chỉ có 15 sư đoàn đã phình to thành 85 sư đoàn với xấp xỉ 1.5 triệu quân, hàng ngàn xe cơ giới, máy bay và hàng vạn khẩu pháo. Ngày 5 tháng 8, Tập đoàn quân 12 đã có những cuộc tấn công thăm dò đầu tiên ở hướng bắc và đông bắc thành phố. Kế hoạch của Friedrich Moth rất đơn giản song cũng rất kinh điển: cho tập đoàn quân thiết giáp số 44 chọc thủng tuyến phòng thủ bên ngoài Pares rồi đánh thúc lên từ hướng đông nam dọc bờ sông Ladoge, Tập đoàn quân số 12 của ông sẽ theo cửa mở đã tạo trên phòng tuyến mà vu hồi lên phía tây bắc, tiến công ngược chiều với tập đoàn quân 44, cùng nhau hợp vây quân Marcellus trong thành phố.

Marcellus cũng sớm nhận ra ý đồ của quân Tứ giáo, tất cả quân dự bị chiến lược đã được dồn hết về phục vụ nỗ lực phòng thủ thành phố. Các sư đoàn cơ giới hiếm hoi cũng được rút từ phía Tây mà bổ sung cho Tập đoàn Quân 78 và 89. Đồng thời, phương diện quân Domitia cũng bắt đầu gây sức ép hữu ngạn sông Pares, sườn phía Bắc Tập đoàn Quân 12.

Phương diện Quân Domitia, vốn là những sắc lính quý tộc trung thành được điều động và đặt trực tiếp dưới trướng của Hoàng Đế. Chính họ đã đánh bật cố gắng vượt sông của người Lewin và Droog, giữ vững phòng tuyến thẳng về Domitia. Dù vậy, trong năm 508-509 họ vẫn bị đánh giá là một lực lượng ô hợp, yếu kém trong hiệp đồng binh chủng và không có khả năng tổ chức phản công quy mô lớn.

Phòng thủ Pares:

Ngày 23/8/507, cuộc tấn công thật sự đầu tiên đã bắt đầu. Tập đoàn quân ma pháp cơ giới 44 dẫn đầu mũi nhọn của Friedrich Moth, găm thẳng vào phòng tuyến của quân Marcellus. Địa hình trống trải cùng với ưu thế không quân vượt trội của đối thủ đã khiến các đơn vị Marcellus bị đánh bật ra. Chỉ trong nửa ngày, lớp phòng tuyến đầu tiên đã bị khoan thủng, các sư đoàn thuộc Tập đoàn Quân 78 sau đó cũng phải bỏ trận địa. Song việc họ rút lui quá nhanh và liên lạc yếu kém đã khiến đơn vị bạn bị hở sườn. Cuối ngày 23, gần phân nửa Tập đoàn Quân 89, tức tương đương một trăm ngàn người đã bị bao vây ở ngoại vi thành phố. Trong số đó, có cả Trung tướng Lam Quân, tư lệnh tập đoàn quân.

Để xảy ra thảm họa trên, tư lệnh Tập đoàn Quân 78, Trung tướng Lumiov bị cách chức và thay thế bởi Trung tướng Kholbov. Việc đổi tư lệnh cũng chẳng thể ngăn việc Tập đoàn quân 78 vẫn phải rút lui.

Song, những đơn vị bị vây vẫn tiếp tục kháng cự làm chậm bước tiến của quân Tứ Giáo. Những người lính gọi cái "túi" đó là "Chiếc bè 89", sự kiên cường của họ đã có lúc khiến Friedrich phải lo lắng cho tiến độ cuộc tiến công.

Mãi đến ngày 29/8, khi những khẩu pháo siêu nặng từ Khori đến nơi, Friedrich mới có thể dập tắt được cái "túi" này, 50.000 quân Marcellus còn sống sót phải ra hàng. Trước đó, vào rạng sáng 29/8 Tướng Lam Quân hy sinh khi lãnh đạo cuộc phản công cuối cùng bằng lưỡi lê. Năm 510, ông được truy tặng danh hiệu "Anh hùng Đế chế".

Tướng Kholbov tranh thủ nhận thêm cũng như thu gom tất cả những đơn vị còn lại của 89 hòng tổ chức phòng thủ ở ngoại vi song đến ngày 31/8 đã phải tiến hành tái bố trí trong thành phố.

Tập đoàn Quân 44 trong cùng ngày đã tách ra khỏi hướng Pares mà vòng ra phía Nam, dọc theo phòng tuyến của Kholbov, nhường đường cho Tập đoàn Quân 12.

Ngày 31/8, 500 chiếc oanh tạc cơ hạng nặng của Heirman đã xuất hiện trên bầu trời Pares. Lực lượng không quân Marcellus vốn đã tơi tả từ đầu cuộc chiến chẳng thể tạo ra được bất ngờ. Hàng ngàn tấn bom trút xuống, san bằng 95% bề mặt Pares. Trong đó có những quả bom cháy đã đánh trúng kho đá mana của thành phố. Dòng chảy mana ào ra từ các silo đốt cháy tất cả trên đường đi của nó.

"Qua ống nhòm, chẳng thể nhìn thấy gì ngoài khói và lửa. Lạy Tiên Đế! Cả một hỏa ngục trần gian hiện ra trước mắt chúng tôi."

-Hans-Đại đội cơ giới số 3-

Bộ tư lệnh Marcellus ném tất cả những gì họ có thể ném về phía Pares, song khi những đơn vị đó đến nơi thì tất cả bến tàu đều đã bị phá huỷ. Những thổ và thuỷ pháp sư quăng mình dưới làn bom cũng chỉ hoàn thành được một điểm phà để đưa người sang sông. Những tốp dân thường bị mắc kẹt cũng được di tản ra theo con đường đó. Từ ngày 23 đến 26 tháng 8, không quân Tứ giáo đã tiến hành ba cuộc ném bom quy mô lớn vào thành phố. Lực lượng Không quân Đế chế Marcellus( Forza Aerea Imperii Marcellus- FAEM) bị áp đảo hoàn toàn khi mà trang bị của họ đa phần là những chiếc máy bay dự bị lỗi thời rút ra từ các kho niêm cất. Trong các ngày từ 23-31 tháng 8, FAEM đã mất đến hơn 300 máy bay, đến tháng 9 họ chỉ còn 152 máy bay ở Pares, 51 trong số đó là tiêm kích và cũng chỉ có 10 máy bay I-507 ngang hàng với kẻ thù. Mọi nỗ lực tiếp tế cho thành phố bằng đường hàng không đều bị không quân của Heirman tắm trong biển máu. Tổng kết, chỉ từ này 23-31 tháng 8, 15000 người Marcellus đã chết, đa số là dân thường.

Tuy nhiên, việc ưu tiên di tản các cơ sở công nghiệp xa về hậu phương phía Tây đã giúp Marcellus có thể bổ sung cho các thiệt hại khủng khiếp của họ. Ví dụ như chỉ trong tháng 9 họ đã nhận được 100 máy bay tiêm kích kiểu mới ngang hàng với Heirman ở Pares và đến cuối năm 509, đầu 510 đã sản xuất được 20000 máy bay các loại. Nhờ đó, FAEM đã có thể áp đảo hoàn toàn quân phản bội vào nửa sau của cuộc chiến trong khi Heirman không thể bù đắp được thiệt hại của ông ta nhanh như vậy.

Giữa trưa ngày 30, khi những tiếng bom cuối cùng vừa dứt, sư đoàn 5, Tập đoàn Quân 12 trở thành những người lính Tứ Giáo đầu tiên tiến vào Pares. Khác với những gì họ dự đoán về một điểm đột phá dễ dàng, quân đội Marcellus chào đón những kẻ phản bội bằng những loạt đạn dày đặc. Cuộc oanh tạc ban sáng lại vô tình biến những con phố thành những thành lũy vững chắc cho quân phòng thủ.

Sư đoàn 5 quân Tứ Giáo bị chặn đứng hoàn toàn khi chỉ vừa tiến qua vài dãy nhà bởi Trung đoàn sơn cước 1052, một đơn vị vừa được bổ sung cấp tốc từ miền Tây xa xôi. Việc quen thuộc với địa hình đồi núi đã giúp họ dễ dàng chiếm được lợi thế giữa các đống đổ nát và nhà cao tầng. Sự chống trả quyết liệt của trung đoàn mặt dù không được hỗ trợ bởi bất kỳ một thứ gì ngoại trừ đạn dược đã khiến Friedrich phải điều thêm đến đây Sư đoàn thiết giáp số 33 hòng xuyên thủng tuyến phòng ngự.

"Chúng tôi trườn bò trên đống gạch vụn như loài rắn. Lũ phản bội không thể nhìn thấy chai mana lỏng bùng cháy trên nóc xe của chúng. Thật kỳ lạ, chúng tôi cảm giác như mình đang ở nhà, đi săn trên những vách đá quê hương".

-Alicia, Nữ anh hùng Đế chế, hy sinh ngày 4/09/507 khi cố diệt chiếc xe tăng thứ ba liên tiếp.-

Song, mặc cho sự quả cảm của các đơn vị Marcellus, Cánh quân của Tập đoàn Quân Ma pháp Cơ giới 44 vẫn đến được bờ sông Ladoge phía Nam thành phố. Ngày 31 tháng 8 họ đã hội quân cùng Sư đoàn thiết giáp 15 tách ra từ hướng Voxty.

Những chiếc xe tăng T-07 biệt danh "Titan" của lực lượng Tứ Giáo hoàn toàn áp đảo lực lượng thiết giáp Marcellus trang bị dòng LT-03 "Faun" hạng nhẹ và TT-02 "Goliath" hạng nặng, vốn cũng vét từ trong kho niêm cất mà đẩy ra chiến trường. Những chiếc T-07 được thiết kế cân bằng giữa độ cơ động cao và hoả lực mạnh nhanh chóng càn quét đội hình những chiếc xe lỗi thời. Chưa kể họ còn vừa được trang loại thiết giáp ma pháp MAV Mk I ngay trước khi trở cờ. Những chiếc MAV với hoả lực vượt trội và cả chức năng độc đáo khi có thể lấy mana của pháp sư vận hành làm lá chắn nên dù cho có trâu bò hơn hẳn dòng TT thì MAV vẫn giữ được độ cơ động của dòng LT và hoả lực tương đương dòng T. MAV cũng là dòng xe đầu tiên của Marcellus có khả năng vừa vận chuyển vừa hỗ trợ bộ binh phục vụ cho học thuyết "Đâm sâu, nở hoa". Đáng tiếc, những kẻ phát triển nó lại phải đối mặt với chính phát minh của mình trước tiên.

Dẫu vậy, Ban chỉ huy tối cao quân đội Marcellus cũng có những cố gắng hòng giảm sức ép cho thành phố. Ngày 5 tháng 9, Tập đoàn quân 72 và Tập đoàn quân thiết giáp 99 đã mở một cuộc phản công vào Tập đoàn quân 44. Tuy nhiên, dưới sự áp đảo của không quân và pháo binh Tứ Giáo, quân Marcellus đã phải rút lui. Sau trận đánh ngắn nhưng ác liệt, quân tứ giáo ghi nhận được 55 xác xe bị bỏ lại, tức tương đương một phần ba lực lượng phản công. Lực lượng không quân địch là bài toán nan giải đối với chỉ huy Marcellus. Trong các ngày 12 và 14 tháng 9 các tập đoàn quân 72, 99 và cả Quân đoàn Hoàng gia số 10 đã mở nhiều cuộc tấn công vào quân Tứ Giáo ở phía Nam thành phố, song đều không ngăn được đà tiến của Tập đoàn quân 44 Tứ Giáo.

Những chiếc máy bay cường kích bổ nhào DA-95 của Heirman là nỗi ác mộng đối với lực lượng phòng thủ khi có thể ném bom chính xác vào những địa điểm cụ thể trong đống đổ nát, chúng lại còn được bảo vệ bởi tiêm kích I-507. Tính riêng trong thời điểm phản công, I-507 đã bắn rơi đến 81 máy bay Marcellus, trong khi chỉ bị rơi có 21 chiếc(1 trong số đó là bắn nhầm). Quân Tứ Giáo cũng tuyên bố tiêu diệt đến 126 xe tăng địch. Tập đoàn quân 78 của Khobov và 89( lúc này đã có chỉ huy mới là Trung tướng Lima) buộc phải lùi vào sâu trong thành phố, củng cố những vị trí phòng ngự ở từng góc phố, từng ngôi nhà.

Những đơn vị đặc biệt như người droog, elf và chư hầu của họ cũng được tung vào trận với số lượng khá lớn. Song, chỉ có những đơn vị dày dặn như Sư đoàn 337 "Chân màn" vốn được tách ra từ quân đổ bộ của hạm đội Lizard "Rồng biển" của Thương quốc Droog, Lực lượng Farseer của người elf là có đóng góp vào mặt trận chung. Chính những binh lính thằn lằn của sư 337 đã chặn đứng nhiều cuộc phản công của các đơn vị Marcellus. Ngoài ra còn có vài sư đoàn của Vệ binh Thánh chiến Lewin, song họ chỉ đóng vai trò bảo vệ sườn cho Tứ Giáo tiến công.

Nhận thấy sự yếu kém trong phối hợp giữa các tập đoàn quân, ngày 15 tháng 9 năm 507, Phương diện quân Pares được ra đời gồm các Tập đoàn quân 78, 72, 99 với Tập đoàn quân 78 đóng ngay quảng trường thành phố, bên xác tháp thông tin Afetiria. Chỉ huy của nó, Trung tướng Kholbov được bầu làm tổng chỉ huy, ngày 16 tháng 9 năm 507, ông được Thượng tướng Phan Văn Dũng đề bạc lên Hoàng Đế Afetiria và được phong hàm Thượng tướng. Quân đoàn Hoàng gia số 10 dưới quyền Thân Vương Henry dù từ chối tham gia phương diện quân nhưng những sư đoàn ma pháp được trang bị những chiếc MAV hiếm hoi của họ cũng giúp sức đắc lực cho việc phòng thủ thành phố.

Ngày 17 và 18 tháng 9, Phương diện quân Pares phòng thủ thành công một đợt tấn công lớn của Tập đoàn quân 44 Tứ Giáo và phản công đẩy lui họ khỏi vành đai cuối cùng quanh quảng trường. Từ đó đến cuối chiến dịch, các đơn vị thiết giáp Tứ Giáo không thể tiến lên được nữa, càng không thể đột phá đến cảng Ladoge. Những Chiếc MAV lộ rõ nhược điểm khi đòi hỏi nguồn mana sinh học lớn, điều mà những pháp sư dù cho được rèn luyện tốt thế nào cũng không thể đáp ứng liên tục trong thời gian dài.

Mọi chú ý còn lại dồn hẳn về phía Bắc và Đông Bắc Pares. Ngày 11 tháng 9, Phương diện quân Pares được thành lập (Từ ngày 15 tháng 9 đổi tên thành Phương diện quân Bắc Pares) gồm các tập đoàn quân 12, 31, 58 và những sư đoàn còn lại của Tập đoàn quân 89. Trong số đó có Trung đoàn sơn cước 1052 phía trên. Tư lệnh ban đầu là Trung tướng Lima, sau đổi thành Thượng tướng Vĩnh Xuân khi ông này chuyển đến từ miền Tây. Trong số họ, chịu áp lực lớn nhất là Tập đoàn quân 89 khi phải đối đầu với những sư đoàn mạnh nhất của Friedrich dù cho họ được bổ sung đáng kể binh lực sau ngày 23 tháng 8. Tập đoàn Quân 12 cố tìm cách xé nhỏ, cắt đứt lực lượng của Lima ra khỏi những đơn vị khác của Phương diện quân hòng tiêu diệt họ. Quân Tứ Giáo nhận ra một điều khủng khiếp rằng mùa đông đang đến gần, họ phải chiếm được thành phố làm chỗ trú chân. Quân đội Marcellus bị bao vây tứ phía, chỉ có thể nhận tiếp tế từ những chuyến phà đêm lặng lẽ qua sông Ladoge.

"Trời đen kịt, chẳng nhìn thấy gì cả, chỉ có tiếng nước, tiếng mái chèo và tiếng bom. Nhưng lòng ta sáng, ta nhìn rõ hướng đi, hướng về những chiến sĩ."

-Talia, nữ dân công phục vận tải qua sông-

Cuộc chiến tại nội thành Pares diễn ra vô cùng khốc liệt và đẫm máu. Quân Tứ Giáo liên tiếp xông lên còn quân Marcellus cũng anh dũng chống trả, giành giật với nhau từng khu phố, từng con hẻm, từng tòa nhà, từng tầng, từng phòng, từng mét đất đến cả từng bước chân.

Ngày 25 tháng 9, một ngày đặc biệt. Lần đầu tiên sau 200 năm, lời của Hoàng Đế Afetiria được phát đi qua tất cả làn sóng.

"Hỡi đồng bào! Hỡi tất cả những ai còn đủ danh dự để gọi mình là người Marcellus!

Trong thời khắc hiểm nghèo của Tổ quốc, có những tiếng nói yếu đuối muốn chúng ta rút lui, rằng chúng ta còn nhiều đất đai và người. Nhưng chúng đã nhầm!

Đất nước chúng ta không phải vô tận, dân tộc chúng ta không phải bất tử. Mỗi bước rút lui đều có nghĩa là hy sinh một phần xương máu của Tổ quốc!

Chúng ta đã chiến đấu quá lâu, đã đổ quá nhiều máu. Bây giờ không thể lùi bước nữa!

Người lính các ngươi đang bảo vệ những gì quý giá nhất - Không phải ta hay những thứ luật lệ gì cả mà là gia đình, là vợ, là chồng, là con cái, làng mạc, cuộc đời và tương lai của tất cả các ngươi!

Hôm nay, ta kêu gọi mỗi người dân hãy nỗ lực hết mình, hãy trở thành một người lính, một thầy thuốc, một người dân công,... gì cũng được, miễn không phải là kẻ phản bội! Hãy cống hiến tất cả cho Tổ quốc, cho Marcellus!

Chúng ta sẽ chiến đấu cho tới người cuối cùng, hy sinh tất cả để bảo vệ Tổ quốc và nhân dân của chúng ta! Chúng ta sẽ giành lại Khori, Julias, Venfield, Điền Nam,... Tất cả những gì lũ phản bội đã lấy từ chúng ta và còn nhiều hơn thế nữa!

Nhân dân đang tin cậy ở các ngươi!

Danh dự và vinh quang thuộc về Marcellus!"

-Afetiria II, Hoàng Đế-

Bài phát biểu hai thế kỷ có một của kẻ đứng đầu Marcellus là liều thuốc tinh thần cực mạnh cho những người đang phòng thủ Pares. Những câu như "Nhân dân đang tin cậy ở các ngươi!" hay "Bây giờ không thể lùi bước!" trở thành khẩu hiệu. Những đơn vị của Tập đoàn quân 89 có lẽ thấm nhuần lời kêu gọi nhất khi họ là những người giành giật quyết liệt từng tấc diện tích trước quân thù. Chính tướng Lima đã nghĩ ra lối đánh "nắm cổ áo địch", lùa quân lên áp sát các vị trí Tứ Giáo khi bị không kích, buộc những chiếc HB-2200 phải huỷ bỏ nhiệm vụ vì lo ngại sẽ ném bom xuống đầu quân mình.

Song không có nghĩa là chiến trường bớt đi chút đổ máu. Trái lại, chiến sự mỗi lúc càng trở nên khốc liệt hơn. Tiêu biểu như trận đánh tại trạm xe lửa số 13 nằm ngay trong khu công nghiệp thành phố diễn ra ngày 26 rạng sáng ngày 27. Sư đoàn súng trường số 8 đã liều mình tấn công hòng giải phóng nhà ga và điểm cao kề bên khu công nghiệp. Trong chưa đến nửa ngày, chỉ còn 326 trong số một vạn lính của sư đoàn là còn có thể cầm súng, và chỉ có 50 người lành lặn. Nhà ga trong 6 giờ đã đổi chủ đến 14 lần. Đến trưa ngày 27 họ đã làm chủ được nhà ga, xác của các chiến sĩ nằm la liệt khắp điểm cao, kề bên số lượng tương đương kẻ thù. Sau trận đánh, người ta thu được nhiều bằng chứng cho thấy lực lượng phòng thủ không chỉ gồm con người mà còn hỗn tạp của nhiều chủng loài khác, đặc biệt thu giữ được một thi thể còn tương đối lành lặn của một Farseer người elf.

Giao tranh cũng bùng nổ dữ dội ở tòa nhà Công đoàn thành phố, cách bờ sông Ladoge chỉ 8km. Đại uý chỉ huy đại đội bộ binh 34 đã cho đào những mạng lưới chiến hào dày đặc kết hợp cùng dây thép gai và mìn xung quanh tòa nhà. Đại đội chỉ còn ba trung đội này đã anh dũng bảo vệ trụ sở Công đoàn Pares suốt mười hai ngày dưới áp lực khủng khiếp từ ba sư đoàn thiết giáp Tứ Giáo. Ngày 21, đòn tấn công bằng thiết giáp cuối cùng của quân Tứ Giáo diễn ra, có lúc họ đã ập vào được đến bậc tam cấp. Song, nhờ được chi viện kịp thời của một đại đội khác qua đường hầm ngầm bên dưới của tòa nhà mà cuộc tấn công đã bị bẻ gãy.

Tình hình bế tắc trên toàn mặt trận đối với quân Tứ Giáo khi những con đường bằng phẳng bị đào tung lên bởi vô số những chiến hào. Những toà nhà cao tầng bị không quân đánh sập lại trở thành nổi ác mộng cho quân tấn công khi mà những đống đổ nát khiến lực lượng gây sốc là thiết giáp, xe tăng rất khó cơ động và từ trong đó, một quả lựu đạn, một chai cháy, một phát chống tăng hay một viên đạn có thể bay ra bất kỳ lúc nào. Những chiếc MAV dần dần mất đi giá trị khi những pháp sư vận hành của chúng thi nhau đổ gục vì kiệt sức hoặc những phát bắn tỉa của kẻ thù.

Hai khẩu lựu pháo ma pháp 800mm cũng chẳng thể phát huy được hết sức mạnh sang lấp mặt bằng như khi chúng dập tắt "chiếc nè 89", càng bò đến gần tiền tuyến thì lại càng dễ lọt vào tầm hảo lực của pháo binh Marcellus ở bên kia bờ sông Ladoge. Song chúng cũng có đóng góp trong việc bóp nghẹt tiếp tế cho thành phố. Ngày 19 tháng 9, một phát đạn mang 7.2 Tấn mana rắn đã bắn trúng tàu tuần dương C-776 khi chiếc này đang tham gia tiếp tế và yểm trợ cho thành phố khiến nó phát nổ cùng với hàng trăm tấn hàng và 300 thuỷ thủ đoàn. Từ sự kiện đó, việc tiếp tế phải chuyển sang hẳn ban đêm bằng phà.

Để trả thù, một đội đặc nhiệm cảm tử của Hải quân đánh bộ Marcellus được cử luồn sâu vào lòng địch. Ngày 23 tháng 9 họ thành công tiêu diệt khẩu lựu pháo số 3 có tên Midory, buộc Impletus III phải ra lệnh thu hồi khẩu còn lại, chấm dứt nhiệm vụ của nó sớm hơn dự định. Việc làm cách nào mà hải quân đánh bộ Marcellus phá huỷ được vũ khí của đối phương vẫn chưa được làm rõ.

Một chiến trường nơi thiết giáp sa lầy lại là cơ hội cho bộ binh trổ tài, nhiều đội bắn tỉa được gấp rút thành lập hoặc rút từ các đơn vị vùng núi cao về. Thành tích của họ đôi lúc khiến người nghe phải rùng mình, có nhiều chiến sĩ ở cả hai phe đã hạ được đến cả trăm kẻ thù. Đỉnh điểm có thể là khi một lính bắn tỉa Marcellus tên Alexander Vito Makarov biệt danh là "Sasha" đã phát hiện được điểm tập kết của sư đoàn thiết giáp số 15 khi đơn vị này chuyển hướng lên phía bắc và gọi pháo binh chùm cả lên bản thân và quân thù. Trước đó, thành tích của anh cũng đã lên tới 192 mạng( đã kiểm chứng)

Với quyết tâm tiêu diệt quân đội Marcellus trong thành phố, Lực lượng không quân của Heirman đã tiến hành vô số cuộc không kích vào vị trí của đối phương. Ngày 1 tháng 10 năm 507, họ đã thực hiện đến hơn 600 lượt không kích vào lò luyện kim hãng Latex, đánh tan tác hai trung đoàn trấn giữ khu vực này. Riêng một quả bom chống lô cốt vào rạng sáng ngày 2 tháng 10 đã làm sập hầm trú ẩn, chôn vùi toàn bộ ban tham mưu trung đoàn phòng không 906. Dù cho toàn bộ cơ sở sản xuất, máy móc đã di tản từ trước, lò luyện đã bị đập vỡ song Friedrich vẫn rất vui mừng khi nghe tin chiếm đóng được nhà máy này. Đến mức ông còn đích thân gắn huân chương lên cờ của sư đoàn trực tiếp chiếm được nó.

Mùa đông càng đến gần, các đơn vị không quân Tứ Giáo càng điên cuồng bắn phá hơn. Hàng hoá không thể vượt sông khi mà những bến phà bị dội bom. Chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 10, lực lượng DA-95 của không quân Tứ Giáo đã thực hiện đến gần 12000 lượt bay, ném đến gần 3000 tấn bom xuống đầu kẻ thù. Phòng không và không quân Marcellus- FAEM hoàn toàn bất lực. Ngày 7 tháng 10, một đợt không kích quy mô lớn của 3 không đoàn DA-95 đã khiến trận địa pháo binh Marcellus bị tê liệt hoàn toàn mặc cho lượng máy bay bị bắn rơi lên đến 24 chiếc chỉ trong một buổi chiều. Thiếu yểm trợ pháo binh, hàng hoá, đạn dược, các đơn vị Marcellus dù anh dũng song cũng dần dần bị đẩy lùi về bờ sông Ladoge. Ngày 9 tháng 10, những đơn vị Tứ giáo đầu tiên đã đặt chân được đến bờ sông, chính thức cắt đôi lực lượng phòng thủ trong thành phố.

Những thành công nhờ không quân dù nhanh chóng song lại khó có thể được duy trì. Việc bay liên tục với tần suất cao khiến các phi công vô cùng mệt mỏi và đi kèm với đó là tỉ lệ bị bắn rơi cũng tăng dần theo. Tính từ ngày 23/7 đến 9/10, chỉ trong chưa đầy 3 tháng chiến đấu, Không Tước Heirman đã mất gần phân nửa số máy bay ông nắm trong tay trước chiến tranh, từ 1800 chiếc xuống chỉ còn 1000. Đặc biệt, số DA-95 thiệt hại quá nửa khi chỉ còn 223/510 chiếc. Đến đầu tháng 11, sự áp đảo về không quân đã dần bị phai mờ.

Dù bị áp đảo và chịu thiệt hại rất lớn, song FAEM cũng không chịu khoanh tay đứng nhìn, những cuộc oanh tạc bằng HB-2200 vẫn diễn ra đều đặn hàng đêm dù cho yếu ớt song nếu cộng dồn lại thì con số cũng không đến nỗi nới hơn một vạn cuộc không kích vào các đơn vị Tứ Giáo, song ngoài hiệu quả gây rối thì cũng chẳng có gì đáng bàn.

Mọi việc có dấu hiệu đảo chiều khi quý tộc Makarov tiến hành đổ bộ ngược trở lại vào đất của người Droog, buộc họ phải cầu cứu Heirman. Lực lượng không quân Tứ Giáo vốn đã thiếu khả năng bổ sung nay lại còn bị dàn trải quá mỏng. Ngược lại, những lô hàng mới được chuyển đến đều đặn cho ban chỉ huy Marcellus, trong số đó có những chiếc máy bay I-507 và nhiều xe MAV cũng như T-07 mới toanh. Đến tháng 11, mọi ưu thế về số lượng máy bay của Heirman đã tiêu biến.

Tổng kết chiến dịch Gió Bấc đến tháng 11 năm 507. Quân Tứ Giáo với ưu thế về số lượng, chất lượng trang bị và nhất là áp đảo hoàn toàn về không quân đã chiếm đóng 90% diện tích thành phố. Ở hướng lò luyện kim Latex, quân phản bội đã tiến được đến bờ sông Ladoge, cắt đôi Tập đoàn Quân 89 của tướng Lima. Song đó cũng là tất cả những gì họ có thể làm khi mà đường tiếp vận đã ở quá xa và sức kháng cự đến cực đoan của các đơn vị Marcellus đã bào mòn họ đến cạn kiệt. Chiến trường dần ổn định vào tuần đầu tiên của tháng 11. Pares từ một mục tiêu thứ yếu trở thành cái hố đen hút mọi nguồn lực vốn không lấy gì làm dồi dào mà Impletus III gom góp được trước khi phản bội. Những đồng minh như Lewin hay Droog lại tỏ ra quá yếu ớt về mọi mặt, thậm chí không thể tạo bàn đạp trước phương diện quân Domitia ở phía Bắc thành phố. Tổng cộng, Impletus III đã mất tại đây đến nửa triệu quân Tứ Giáo và một phần tư triệu quân chư hầu cùng với hàng ngàn máy bay, hơn một ngàn xe tăng.

Chiến dịch Gió Bấc chính thức phá sản khi những bông tuyết đầu tiên rơi và kho tàn của Friedrich ở ngoại vi Pares đã trống rỗng.

Marcellus phản công:

Ngày 3 tháng 11, đích thân Thượng tướng Phan Văn Dũng đã bay đến thị sát tiền tuyến và vào tối cùng ngày đã có cuộc họp với tất cả ban tham mưu của cả hai phương diện quân đóng trong thành phố. Trung tướng Lima cũng tham dự qua sự kết nối của một phong pháp sư dù cho ông đang bị bao vây.

Bộ chỉ huy Marcellus mà đứng đầu là tướng Dũng nhận ra được sự yếu kém trong chuẩn bị của quân Tứ Giáo. Một kế hoạch phản công được vạch ra, với mục tiêu không gì cả ngoài tiêu diệt Tập đoàn quân số 12 "Phán Quan" của Friedrich Moth- Lúc này đã được thăng hàm Trung tướng. Tất cả đều cố gắng biến mùa đông 507-508 thành một mùa đông lịch sử.

Quân Tứ Giáo vẫn tiếp tục cố gắng tiến công trong thành phố cho đến ngày 20 tháng 11 song không đem lại bất kỳ đột phá nào. Mùa đông đã đến, cũng là lúc quân Tứ Giáo nhận ra mình đã sa lầy. Lực lượng tiếp vận đã bị kéo căng tới cực đại trong khi kho tàn mà Friedrich chuẩn bị từ mùa hè đã trống trơn. Như càng xát muối vào vết thương, những đơn vị Vệ binh Thánh chiến Lewin luôn là những kẻ được tiếp vận đầy đủ và đúng lúc.

Một tù binh Tứ Giáo sau khi đầu hàng đã khai: "Bọn nó được ăn cả thịt tươi trong khi bọn tôi phải nhai thứ bánh mì có thể dùng thay búa."

Không chỉ Lewin mà đến những đồng minh khác cũng không ý thức được sự quá tải của công tác hậu cần, đặc biệt là các đơn vị Droog trấn thủ sườn phía bắc bên ngoài Pares khi mà họ liên tục đòi tăng viện dù cho số lần tham chiến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Song, những chỉ huy người Droog cũng có cái lý của họ. Dù cho có yếu đuối trang bị và cả kinh nghiệm thì họ cũng dễ nhận ra rằng Phương diện quân Bắc Pares đã giữ được nhiều điểm vượt sông ở phía Bắc thành phố, ngay trước công sự của những đơn vị này, khiến đó trở thành địa điểm mỏng và yếu nhất trên toàn tuyến của quân Tứ Giáo.

Tương tự, việc Sư đoàn thiết giáp số 15 bị pháo binh Marcellus tiêu diệt phần lớn khí tài đã khiến sườn của Tứ Giáo ở phía Nam thành phố suy yếu khi mà nó chỉ được giữ bởi Quân đoàn Lewin số 36 và Sư đoàn 15- lúc này chỉ còn bộ binh.

Maus Van Luck có vẻ như là người tỉnh táo duy nhất trong những kẻ chỉ huy tối cao của Tứ Giáo. Ông đã nhiều lần tâu với Impletus III về tiếp vận kém và tình trạng tồi tệ của hai bên sườn Tập đoàn Quân 12 song tất cả đều bị vị chủ chăn gạt đi. Impletus III lí luận rằng "Tập đoàn quân 12 sẽ chiếm được Pares một tuần sau khi mùa đông bắt đầu. Khi đó lũ ngoại đạo sẽ phải tìm cách tái chiếm cái thành phố dơ bẩn đó và đó sẽ là lúc chúng ta thâu tóm Voxty." Có thể thấy Impletus tự tin như thế nào với hơn 1 triệu quân Tứ Giáo, Lewin, Droog, Elf và các chư hầu xung quanh thành phố, việc Friedrich bị bao vây là viển vông. Luck vẫn ra sức thuyết phục song những gì ông ta nhận lại chỉ là quyết định cắt chức vào cuối tháng 10. Và thay vì những viên đạn pháo hay thuốc men, lương thực, thứ được gửi đến các đơn vị Tứ Giáo tham chiến là những quyển kinh thánh dày cộm.

Kế hoạch của Marcellus:

Bộ tư lệnh Marcellus cũng nhìn ra được lực lượng đông đảo của Impletus III sẽ là thách thức trong việc bao vây toàn bộ Tập đoàn quân 12. Đầu tháng 11, tướng Dũng với sự đồng ý của Hoàng Đế Afetiria đã tập trung một lượng lớn binh lực ở phía Bắc và vùng đồng bằng phía Nam thành phố.

Bài bản của tướng Dũng rất đơn giản. Những đơn vị yếu kém hai bên sườn của kẻ thù sẽ trở thành mục tiêu bị tiến công đầu tiên và chủ yếu, những đơn vị mạnh như các Sư đoàn thiết giáp Tứ Giáo sẽ được bỏ qua khi có cơ hội. Cùng lúc, lực lượng Marcellus bên trong thành phố cũng sẽ phản công, ép Friedrich vào thế không thể ứng cứu hay rút lui. Cứ như vậy mà từ từ khép chặt vòng vây xung quanh thành phố.

Kế hoạch chi tiết được soạn thảo nhanh chóng song lại vô cùng kỹ lưỡng, đặc biệt cân nhắc đến những kinh nghiệm đổi bằng máu trong suốt thời gian thất thế trước kẻ thù, thậm chí còn được Cơ quan An ninh Đế Chế xem qua và bổ sung- một hành động đẹp của tướng Dũng khi cho họ cơ hội chuộc lỗi sau sai lầm ở Judias. Xương sống của chiến dịch sẽ là những đơn vị còn sung sức từ viễn Tây điều về và cả những cỗ xe tăng, MAV và máy bay I-507 mới sản xuất.

Chiến dịch Ngọn Nến:

Cuộc phản công của Marcellus chính thức mở màn vào rạng sáng ngày 21 tháng 11 từ cả hai hướng của thành phố với ba tập đoàn quân cơ giới mới nguyên (65,5, 32), tập đoàn quân số 17, tập đoàn quân số 23 và Quân đoàn Hoàng Gia số 10(rút ra khỏi Pares vào cuối tháng 10). Tổng cộng, tướng Dũng và Bộ tư lệnh Marcellus đã huy động được đến 1,4 triệu quân, gần 1000 xe tăng, hơn 500 máy bay và 10000 pháo cối các cỡ để đối đầu với hơn 1 triệu quân Tứ Giáo.

Những mũi nhọn của Marcellus thi nhau xuyên vào phòng tuyến của quân Tứ giáo vốn đã bị dàn trải quá mỏng. Mục tiêu đầu tiên là Quân đoàn Lewin số 36 bị áp đảo và nghiền nát ngay lập tức dưới xích những chiếc T-07. Ngay trong ngày đầu tiên, mũi phía Nam đã tiến được đến 35km. Ở hướng Bắc, với sự giúp sức của phương diện quân Domitia cũng đã đánh tan quân Droog và Lewin đóng giữ ở đây từ hồi tháng 7, uy hiếp trực tiếp tuyến tiếp tế của các đơn vị Tứ Giáo trong thành phố.

Chiến thuật của các chỉ huy Marcellus rất đơn giản: khi đội hình đi đầu chạm trán với địch, khối phía sau sẽ vu hồi sang cánh mà tiếp tục tiến liên. Việc đối mặt với nguy cơ hở sườn sẽ khiến quân Tứ Giáo phải chuyển hướng hoặc rút lui trong khi đơn vị giao chiến ban đầu sẽ ngay lập tức dựng trận địa phòng thủ, cứ thay phiên như vậy đến khi vây được địch.

Chỉ sau bốn ngày, tức ngày 25 tháng 11 năm 507, hai cánh quân Marcellus đã bắt tay nhau tại làng Baland, chính thức bao vây toàn bộ Tập đoàn quân số 12 "Phán Quan" và phần lớn Tập đoàn quân cơ giới số 44. Trên đường tiến công, Sư đoàn xung kích số 1129 đã tìm thấy và thu hồi Quân kỳ của Tập đoàn quân 89 được chôn giấu dưới một gốc cây cách vị trí của "chiếc bè 89" không xa. Có vẻ như khi họ bị bao vây hồi tháng 7, tướng Lam Quân đã cho chôn giấu niềm tự hào của Tập đoàn quân, không cho nó rơi vào tay kẻ thù. 30 năm sau, hài cốt của ông cũng được tìm thấy cách gốc cây đó chỉ 200m.

Nỗ lực giải vây của Tứ Giáo:

Một cuộc triệu tập khẩn cấp tại tổng hành dinh quân Tứ Giáo đã diễn ra. Trong buổi họp, Tổng Tuyên Uý Lucias- người thế chỗ Luck đã đưa ra những con số kinh hoàng. Ước tính bốn mươi vạn quân Tứ Giáo và đồng minh cùng đã bị bao vây trong thành phố. Chỉ ba vạn quân thuộc Tập đoàn quân số 12, đa phần là lực lượng hỗ trợ kịp nhảy ra khỏi vòng vây.

Đa phần các tướng lĩnh đều bị kích động sau khi nghe thông báo, họ lập tức kêu gọi điều động Tập đoàn quân 29 cho một cuộc phá vây nhanh chóng trước khi Marcellus kịp dựng lên các phòng tuyến xung quanh. Impletus III lúc đó đang làm lễ thánh ở tận Sanctorum phải tham gia cuộc họp thông qua một pháp sư. Không Tước Heirman, kẻ nắm trong tay Không quân Tứ Giáo khi được đấng chủ chăn hỏi đã khẳng định chắc nịch rằng có thể tiếp tế cho lực lượng bị vây tiếp tục chiến đấu. Impletus III rất hài lòng trước cái tự tin của Heirman, những chiến tích trước đây của ông ta là bằng chứng mà đức Giáo Hoàng vịn vào. Kế hoạch của Impletus được đề ra, chẳng có lấy một viên tướng nào dám lên tiếng phản đối: Tập đoàn quân số 12 sẽ tiếp tục chiến đấu dưới sự hỗ trợ của Không quân Tứ Giáo trong lúc lực lượng phá vây được triệu tập

"Tôi có thể ném xuống đầu quân thù một vạn tấn bom thì cũng có thể chuyển chừng đó hàng hoá cho người anh em Friedrich!"

-Không Tước Heirman-

Cả Heirman và Impletus III đều không nhận ra rằng kẻ thù của họ- Quân đội Marcellus không còn là một lực lượng bị bất ngờ, non nớt và thiếu thốn trang bị như một năm trước nữa mà đã lột xác hoàn toàn cả về quy mô và chất lượng. Ngày 26 tháng 7, Impletus III đã có một bài phát biểu ngay tại Santorum, tuyên bố Tứ Giáo sẽ không bao giờ rút khỏi Pares. Kẻ duy nhất đủ dũng cảm và thông minh để ngăn quyết định này là Maus Von Luck thì lại đang nghe bài nói qua radio ở vùng quê Judias.

Con số tiếp tế mà Friedrich thông báo qua truyền tin lên đến 900 tấn mỗi ngày, gây sốc cho bất kỳ chỉ huy không quân nào dưới quyền Heirman. Số lượng vận tải cơ của Tứ giáo tại Pares đơn giản là không đủ nên cả những chiếc HB-2200 quý giá cũng bị xẻ thịt, hàn khoan ném bom để chuyển sang chở hàng. Song, Impletus III vẫn tràn đầy tự tin, tuyên bố Pares sẽ bị chiếm đóng.

Không được đầu hàng hay tự tổ chức phá vây, số phận bỗng nhiên trở nên khắc nghiệt đối với gần nửa triệu quân Tứ Giáo bị vây trong thành phố. Mặc cho có tinh nhuệ đến đâu thì họ cũng chẳng thể tồn tại nếu không được tiếp vận, chẳng cần bàn đến chiến đấu. Song, quyết định khó hiểu về mặt chiến thuật của Impletus III lại có thể được giải thích nếu nhìn rộng ra ở tầm chiến lược. Theo ông ta, Tập đoàn quân 12 bây giờ đã trở thành một "hố đen", hút tất cả những gì tinh túy nhất của của quân đội Marcellus về Pares để các lực lượng đang tiến đến Voxty có thời gian để từ từ rút về Khori. Việc quân Tứ Giáo ở Pares rút lui hoặc đầu hàng quá sớm thì các lực lượng Marcellus sẽ rảnh tay mà chọc thẳng vào đường tiếp tế của cánh quân Voxty ở hướng Nam và thất bại của Tứ Giáo sẽ lớn hơn rất nhiều. Nên về cơ bản Tập đoàn quân 12 "Phán Quan" và Friedrich đã bị chọn làm con tốt thí, vai trò của họ đã trở lại thành thứ yếu.

Chiếc cầu hàng không của Heirman vừa dựng lên đã ngay lập tức đổ sập. Chiếc máy bay vận tải đầu tiên trong phi đội tiếp tế bị bắn rơi ngay trên bầu trời thành phố. Trong những ngày tiếp theo, có đến 200 máy bay vận tải TC-5 bị bắn rơi, kéo theo cái chết của gần 800 phi hành đoàn và hàng ngàn tấn hàng không thể đến nơi. Bên cạnh đó còn có 51 chiếc HB-2200 hoán cải bị thiệt hại. Có đến 3 không đoàn(43,45,49) bị xóa phiên hiệu vì đơn giản không còn đủ máy bay để duy trì. Mùa đông cũng góp phần vào thiệt hại chung của Heirman, nhiều hỏng hóc kỹ thuật phát sinh do thời tiết khắc nghiệt, chất chống đông không đủ nên có trường hợp mana tinh chế chuyển lại thành dạng rắn ngay trong buồng đốt.

Số hàng vận chuyển được cũng theo đó mà nhỏ giọt, ngay trong ngày đầu tiên chỉ chuyển được 91 tấn hàng, thậm chí không đạt chỉ tiêu thấp nhất được đề ra là 150 tấn. Ngày 10 tháng 12 là ngày đỉnh cao nhất cũng chỉ thả được 213 tấn song phải đổi bằng 25 máy bay rơi. Đã vậy hàng hoá vận chuyển đến lại ít khi nào đáp ứng được nhu cầu của binh lính.

"Họ cho chúng tôi muối, gia vị, mana lỏng và kinh thánh, không phải đạn dược hay bánh mì, gạo lại càng không. Ai dám đem mana đi đốt lửa sẽ bị xử bắn nên thôi thì chí ít giấy in cháy cũng ổn."

-Henry, Đại đội 3, Sư đoàn cơ giới số 15 Tứ Giáo-

Một sân bay dã chiến được cấp tốc thi công ngay trên chỗ đất trước đó được chọn làm kho tàn. Những chiếc phi cơ đủ nhỏ để đáp xuống đường băng tạm bợ bị nhồi nhét đến chật cứng những chuyên gia, cha sứ và thương bệnh binh trước khi cất cánh trở lại. Tướng Dũng đã đặt biệt chỉ thị không bắn vào những chiếc vận tải cơ rời khỏi thành phố, song dưới áp lực của chiến trường, nhiều máy bay chở thương binh đã bị bắn rơi. Trong số các nạn nhân, có cả những tù binh bị Tứ Giáo bắt giữ.

Nhiều phi công lái máy bay vận tải bị sốc khi nhìn thấy những người lính được giao nhiệm vụ dỡ hàng đã yếu tới mức không thể làm nhiệm vụ được giao. Maus Van Luck sau khi nghe tin đã khóc nức nở ngay trong phòng khách, ông đã tự cắt giảm bữa ăn của mình xuống bằng với những người lính Tứ Giáo bị bao vây lúc này là một lạng thịt và 150 gram bánh mì mỗi ngày. Ảnh hưởng của khẩu phần ăn trên đến sức khỏe của ông thật kinh hoàng, Luck sụt đến 15kg sau chỉ hai tuần. Impletus III sau đó đã ra lệnh cho ông phải trở lại chế độ ăn ban đầu.

Một sĩ quan quản lý bếp đã viết trong nhật ký: "Một con gia súc có thể được chia làm 1000 khẩu phần và 800 đối với ngựa. Chúng tôi lùng sục khắp nơi nhưng chỉ còn cải đỏ có thể làm rau. Binh sĩ bỏ tất cả những gì họ tìm được từ chuột cống, chó mèo đến cả xương khô vào nồi hòng có cái ăn. Bờ sông và ao có rất nhiều cá nhưng ra đó đồng nghĩa với tự sát."

tổng cộng, nỗ lực tiếp tế của Heirman đã khiến ông ta mất đến 270 máy bay vận tải TC-5, 189 máy bay vận tải hạng nhẹ Griffin do Lewin viện trợ, 57 máy bay ném bom bị hoán cải HB-2200 tức hơn phân nửa lực lượng vận tải được huy động. Đó là chưa cộng thêm 90 máy bay I-507 và 35 máy bay DA-95 bị mất khi tham gia yểm trợ. Thiệt hại quá lớn đã kéo sụt khả năng yểm trợ của Không quân Tứ Giáo trên khắp các mặt trận, tạo điều kiện cho quý tộc Makarov khoan sâu vào lãnh thổ của người droog trên sa mạc.

Chiến dịch Suối Đỏ:

Ngày 5 tháng 12 năm 507, những nỗ lực giải vây đầu tiên cuối cùng cũng được tiến hành. Tập đoàn quân 29 đặt dưới quyền Trung tướng Mustang được điều từ Khori đến với 3 Sư đoàn thiết giáp, 4 Sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn thiết giáp ma pháp MAV. Mustang lập tức cho tấn công vào phòng tuyến của quân Marcellus song chỉ tiến đến được khu vực cách Pares 60km trước khi rút lui.

Sau khi xem xét lại tình hình, nhiều tướng lĩnh nêu ý kiến tiến quân dọc theo Quốc lộ 15 như cách Friedrich đã làm hồi tháng 7, song Mustang gạt đi ngay vì ông cho rằng tường Dũng cũng nhìn ra được ý định đó và Quốc lộ 15 sẽ là nơi phòng thủ kiên cố nhất. Ngày 10 tháng 12, một cuộc tấn công mới được phát động. Mustang chọn các sư đoàn bộ binh với MAV yểm trợ làm quân tiên phong thay vì thiết giáp như bình thường, xuất phát từ rừng cây ở phía Nam quốc lộ 15, ngược hoàn toàn với đòn tấn công ban đầu.

Mũi tấn công ngay lập tức nhận phải sự kháng cự của Quân đoàn Hoàng Gia số 10 của Thân Vương Henry ngay bên bờ phía Nam sông Lame. Lần đầu tiên trong lịch sử, những chiếc MAV đối đầu trực tiếp với nhau trên quy mô lớn. Cuộc chiến giằng co kéo dài suốt một tuần lễ, quân Tứ Giáo chỉ tiến lên được có 50km. Mặt trận chỉ dịch chuyển khi một sư đoàn thiết giáp Tứ Giáo liều chết mở đường băng qua con sông ngay bìa rừng, giúp các đơn vị khác tiến lên chiếm được hai cây cầu vượt sông. Trở ngại bị dẹp bỏ giúp Tứ Giáo tiến nhanh hơn, đến ngày 20 tháng 12 họ chỉ còn cách Pares 70km.

Đen đủi cho Mustang, cùng lúc với cuộc tấn công của ông, ngày 10 tháng 12, quân Marcellus cũng mở chiến dịch Ánh Sao, tấn công thẳng vào các đồng minh Lewin, Elf và Droog của họ ở phía Nam. Mục tiêu được chọn là Tập đoàn quân số 5 Droog vừa rút từ phía Bắc xuống sau khi friedrich bị vây. Những chiếc LT-03 "Faun" của Sư đoàn thiết giáp số 30 dù lỗi thời, song trước một lực lượng không hề có vũ khí chống tăng chúng lại như cá gặp nước, quét tan những đơn vị bộ binh nhẹ của droog. Ngày 16 tháng 12, các quân đoàn thuộc tập đoàn quân số 65 và 5 Marcellus tấn công vào vị trí quân droog ở cánh phải quân Lewin. Cùng lúc, tập đoàn quân 23 và 17 cũng tấn công vào cánh trái giữ bởi người elf. Tập đoàn quân số 8 Vệ binh Thánh chiến Lewin không thể ứng cứu khi mà chính họ cũng bị tập đoàn quân 32 tấn công vỗ mặt. Ngày 21 tháng 12, lực lượng đồng minh của Tứ Giáo bị bao vây và bị quét sạch trước sức mạnh áp đảo hoàn toàn. Trưởng Lão Malimu- tổng chỉ huy các lực lượng hỗ trợ đồng minh chết trận.

Lực lượng đồng minh bị tiêu diệt tạo một khoảng không lớn ngay bên nách Tập đoàn quân 29 của Mustang, nếu Marcellus tiếp tục vòng lên tiến về phía Quốc lộ 15 thì sẽ cắt đứt hoàn toàn không chỉ đường tiếp tế của Mustang mà còn là toàn bộ hướng tiến công Voxty của Tứ Giáo. Tổng Tuyên Uý Lucias phải lập tức điều sư đoàn thiết giáp số 99 đến đây phòng thủ. Đau đầu ở chỗ, đây là lực lượng dự bị còn mới toanh của Mustang. Quyết định bắt buộc trên khiến cuộc giải vây gặp vô cùng nhiều khó khăn.

Bất chấp không còn lực lượng dự bị, Mustang vẫn quyết định tiếp tục tiến hành giải vây cho Friedrich và Tập đoàn quân 12. Sau khi sốc lại lực lượng, quân Tứ Giáo gom góp tất cả số MAV còn lại, lập tức tiến công về phía cánh phải và thành công trong việc xuyên thủng phòng tuyến trên quốc lộ 15, nhờ đó mà các xe tăng của ông ta dễ dàng băng băng về Pares.

Impletus III đã ra lệnh cấm Tập đoàn quân 12 tự phản công phá vây, bất chấp thỉnh cầu của Lucias. Sư đoàn xe tăng 36 bên phía cánh trái cũng tiến hành vượt sông Lame, đánh mạnh vào phòng tuyến Marcellus. Sự cơ động và hoả lực mạnh của MAV được khai thác hết mức có thể. Các đơn vị Marcellus vừa đến vị trí, chưa kịp lập chốt phòng ngự hay chôn mìn thì đã phải giao chiến và bị áp đảo về hoả lực.

Tướng Dũng ra lệnh phải lập tức ngăn chặn quân Tứ Giáo tiến về Pares. Phương án lập chốt phòng ngự bị loại bỏ mà thay vào đó, những đơn vị thiết giáp sẽ đối đầu trực tiếp với quân thù. Ngày 21 tháng 12, quân Marcellus tiến hành phục kích quân Tứ Giáo dọc theo con đường sắt kề bên quốc lộ 15, bộ binh của Sư đoàn 25 được xe tăng yểm trợ đã ào ra từ trong hẻm núi mà giáp chiến với kẻ thù. Song với hoả lực và lớp bảo vệ của MAV, quân Marcellus đã bị đẩy lùi. Ngày 23 tháng 12, được pháo binh hỗ trợ, quân Marcellus lại tấn công quân Tứ Giáo ở cả hai mũi. Sau hai ngày liên tiếp, chứng kiến những cuộc giao tranh vô cùng ác liệt, quân hai bên ở gần nhau đến mức đã có ghi nhận việc một chiếc TT-04 "Goliath" hạng nặng cán nát chiếc MAV bé hơn. Với kiểu chiến đấu đó, thiệt hại lớn cho cả hai bên là không thể tránh khỏi nhưng Marcellus có thể bù đắp những mất mát đó trong lúc Tứ Giáo thì bất lực.

Mặc kệ mệnh lệnh của Impletus III, Mustang đã đích thân liên lạc trực tiếp với Friedrich, yêu cầu ông ta tự phá vây để liên kết với Tập đoàn quân 29. Friedrich từ chối, viện cớ không bao giờ trái lệnh vị chủ chăn.

Đêm ngày 24 tháng 12 năm 507, ba sư đoàn xe tăng, phối hợp với Quân đoàn Hoàng Gia số 10 đã cùng hợp lực đánh thẳng vào đoàn xe MAV dưới sự yểm trợ của pháo binh. Mũi xung kích của Tứ Giáo bị đánh bật khỏi quốc lộ 15, phải bán sống bán chết chạy về bờ Bắc sông Lame. Từ bên cánh trái, sư đoàn xe tăng 36 của họ cũng bị đánh dữ dội và buộc phải rút lui. Bộ tư lệnh Marcellus quyết phải nhổ cho bằng được cái gai Mustang, ngày 25 tháng 12, một lượng lớn quân thuộc Tập đoàn quân thiết giáp số 5 được bí mật điều động từ phía Nam lên, phục sẵn ngay bên bờ sông với hơn một trăm thổ pháp sư vừa được bổ sung.

Trưa ngày 25, pháo binh Marcellus nổ cấp tập vào vị trí quân Tứ Giáo dọc bờ sông Lame, ngay sau đó là trận tấn công của các sư đoàn thiết giáp và bộ binh Marcellus trên quốc lộ 15. Bị đánh bất ngờ, song quân Tứ Giáo đã chống trả quyết liệt, gây thương vong lớn cho quân tấn công. Mặc cho màn trình diễn của họ, pháo kích và FAEM(không quân Marcellus) hoạt động dữ dội đã khiến quân Tứ Giáo tại đây bị bào mòn dần và phải cầu viện từ các sư đoàn thiết giáp bên mũi trái. Chỉ chờ có vậy, quân Marcellus phục sẵn ào ra từ sau khu rừng bờ Nam, những thổ pháp sự lập tức dựng lên một chiếc cầu kiên cố cho xe tăng vượt sông. Mọi nỗ lực của Mustang tan biến vào chiều hôm đó khi mà toàn bộ lực lượng MAV và thiết giáp của sư đoàn tăng 36 bị xoá xổ hoàn toàn.

Tin quân của Mustang bị đánh tan không đến được với Tập đoàn quân 12. Nhiều người, thậm chí là các tướng lĩnh vẫn tin rằng viện quân đang đến. Nhiều người trong số họ đã khẩn thiết đề nghị Friedrich phản công phá vây, song ông ta không đồng ý. Xét đến tình trạng của lực lượng Tứ Giáo bị vây, việc họ đột phá thành công là hoàn toàn không khả thi khi mà toàn bộ số xe MAV không còn khả năng tạo lá chắn, tất cả pháp sư vận hành đều đã chết hoặc sơ tán, những xe tăng còn lại thì không có đủ mana lỏng để vận hành. Thậm chí Friedrich còn không chắc bộ binh của ông có thể sống sót khi hành quân trong mùa đông khắc nghiệt.

Trận đánh hạ màn:

Số phận nửa triệu quân liên minh Tứ Giáo bên trong Marcellus coi như đã được định đoạt. Tập đoàn quân 12 "Phán Quan" lừng lẫy một thời nay phải chui rúc trong các toà nhà đổ nát với ba vạn thương binh. Chỉ huy của nó, Trung tướng Friedrich gần như mất hết tinh thần và việc chỉ huy coi như giao lại hết cho Impletus III, người đang ở Santorum, cách đó 10.000km. Những mệnh lệnh, những lời hỏi han, những buổi phát thanh giảng đạo đều được đón nhận như sự giễu cợt.

Việc giải phóng sông Lame giúp Marcellus chiếm được các sân bay mà lúc trước Heirman dùng để chuyển hàng tiếp tế cho quân Tứ Giáo trong Pares, buộc không quân Tứ Giáo phải lùi ra xa. Lúc trước, những chiếc TC-5 có thể thực hiện tiếp vận từ 2-3 chuyến mỗi ngày còn bây giờ chỉ còn một chuyến. Quãng đường bay xa hơn đồng nghĩa với khả năng làm mồi cho pháo phòng không Marcellus và FAEM cũng tăng lên. Những phi công Marcellus tha hồ lập công, số phi công Ách( có thành tích bắn rơi trên 5 máy bay) ngày một nhiều. Tiếp tế nhỏ giọt khiến Tập đoàn quân 12 thiếu hụt trầm trọng về đạn dược, thuốc men và cả lương thực. Vào tuần cuối cùng của năm 507, thậm chí không có được một tấn hàng đón năm mới. Những chuyến bay cuối cùng rời khỏi thành phố được trông ngóng đến điên cuồng, đám quân lính sẵn sàng chen chúc, chà đạp lên nhau để lên máy bay. Những kẻ rời đi sau chót lại là đám còn khoẻ mạnh nhất thay vì các thương binh.

Thượng tướng Phan Văn Dũng dự định tổ chức một cuộc đối thoại, thương thuyết việc đầu hàng của Friedrich( hai người trước chiến tranh từng là bạn) thì Hoàng Đế đã gạt đi ngay

"Ta biết khanh có lưu ân tình với hắn, song việc mở hội đàm chính là gián tiếp công nhận tên phản loạn Impletus. Khanh nên thấy biết ơn khi ta không khơi lại các mối quan hệ của khanh, ta chỉ có thể làm đến chừng đó mà thôi."

-Afetiria II, Hoàng Đế Marcellus-

Nói là như thế, Afetiria vẫn đồng ý với việc gọi hàng các binh sĩ trong thành phố. Ngày 1 tháng 1 năm 508, ngay vào buổi sáng đầu năm, lời kêu gọi đầu hàng đã được phát qua các loa phóng thanh. Một trong số những chiếc loa gần sở chỉ huy của Friedrich bằng một cách thần kỳ nào đó vẫn còn hoạt động được đã truyền toàn vẹn bài nói:

"Hỡi anh em chiến sĩ, hỡi những con người bị lừa dối của Tập đoàn quân Viễn Đông số 6( tên cũ của Tập đoàn quân số 12) Tên phản nghịch Impletus đã lừa dối các anh em, ném anh em vào chảo lửa chiến tranh và giờ đây chẳng thể cung cấp cho anh em một bữa ăn no, một viên đạn để chiến đấu. Tình cảnh của anh em hiện giờ rất hiểm nghèo, đói, lạnh rét và cái chết luôn liền kề bên. Tôi khẩn thiết kêu gọi các anh em lầm lỡ hãy trở về với nhân dân, về với Hoàng Đế, về với tổ quốc!

Tất cả những người bị thương, bị ốm đau và bị rét cóng sẽ được điều trị. Tất cả các quân nhân đầu hàng vẫn được giữ đồng phục đang sử dụng, phù hiệu, quân hiệu, đồ dùng cá nhân, vật trang sức có giá trị và nếu không phạm tội ác sẽ được miễn truy tố và trở về với cuộc sống. Các sĩ quan cao cấp được giữ lại vũ khí cá nhân được tặng và cũng sẽ được miễn truy tố nếu chưa phạm phải tội ác. Các anh em hãy đến bên bờ sông hoặc liên lạc với đơn vị trung thành gần nhất, giơ cao vũ khí và chờ đợi, sẽ không ai làm hại anh em.

Thời hạn cho anh em là đến hết ngày 4 tháng 1 năm 508. Sau thời gian đó, tất cả anh em còn kháng cự không còn được hưởng những quyền lợi vừa nêu mà sẽ phải đón nhận những đòn sấm sét từ cơn thịnh nộ của Hoàng Đế.

Tôi, Thượng tướng Marcellus Phan Văn Dũng xin lấy danh dự của người quân nhân ra đảm bảo cho tất cả anh em nào quay về với tổ quốc."
-Thượng tướng Phan Văn Dũng- 

Friedrich báo cáo ngay lập tức cho Impletus III và yêu cầu được tự do hành động nhằm cứu mạng các binh sĩ, song đã bị bác bỏ. Quan điểm của Impletus III rất rõ ràng, quân Tứ Giáo và đồng minh đang rút khỏi hướng Voxty, nếu Friedrich đầu hàng vào lúc này thì ba Tập đoàn quân đang bao vây Pares sẽ rảnh tay đến các chiến trường khác mà khả năng lớn là đâm thẳng vào lưng cánh quân Tứ Giáo vừa nêu. Do đó, ra lệnh cho Friedrich tiếp tục kháng cự để đồng minh rút lui an toàn.

Đúng 0 giờ ngày 4 tháng 1, khi mà thời hạn tướng Dũng đưa ra vừa hết thì pháo binh và FAEM cũng lập tức gầm thét. Hai mũi tiến công khổng lồ từ hai hướng Đông và Nam Pares đánh thẳng vào những gì còn lại của Pares. Mũi phía Nam, lấy điểm xuất phát từ phần không bị chia cắt của Tập đoàn quân 89 đánh thẳng vào trong thành phố. Quân Tứ Giáo ở mũi này dựa vào các công sự và các toà nhà kháng cự quyết liệt. Ngược lại, mũi phía Đông tiến theo quốc lộ 15 thì thắng dễ dàng khi mà những đơn vị thiết giáp của Friedrich còn không lết được đến ngoại vi thành phố, sư đoàn Thiết giáp số 33- đơn vị đã hỗ trợ sư đoàn 5 tiến vào thành phố đầu tiên hồi tháng 8 bị xoá sổ tại đây. Ngày 5 tháng 1, Marcellus tiếp tục tiến công, khoét vào thành công ở mũi phía Đông, tiếp tục xoá sổ nhiều sư đoàn địch, trong đó có cả sư đoàn bộ binh số 5 và những đơn vị lẻ tẻ còn lại của Lewin, droog, elf. Càng vào sâu trong thành phố, số xác quân thù chết cóng mỗi lúc một nhiều. Tại nhà máy luyện kim Latex, phát hiện một bãi chôn cất tập thể của gần 10.000 lính Tứ Giáo. Nghỉ một ngày lấy lại sức lực, ngày 7 tháng 1, quân Marcellus tiếp tục tiến công dữ dội và càng lúc càng áp sát sân bay dã chiến của Tứ Giáo.

Chiều ngày 8 tháng 1, Friedrich triệu tập cuộc họp các chỉ huy các quân đoàn. Trái với sự u ám lúc trước, viên Trung Tướng đề nghị tổ chức một đơn vị mạnh phá vây song các tướng lĩnh đều phản đối hành động tự sát đó. Chán nản càng thêm chán nản, Friedrich ngồi thu lu trong một góc tối, mặc kệ tất cả rời đi.

Ngày 10 tháng 1, Impletus III ra lệnh cho tất cả sĩ quan tham mưu và các sĩ quan từ cấp Đại tá trở lên phải bỏ đơn vị mà di tản. Các sĩ quan được những chiếc MAV không có pháp sư- thứ vẫn còn có thể chạy vào thời điểm đó đưa ra sân bay song cùng ngày chỉ có bốn chiếc máy bay đáp được xuống đường băng và hai chiếc về được vùng Tứ Giáo kiểm soát. Ngày 11 tháng 1, chiếc vận tải cơ hạng nhẹ Griffin cuối cùng rời khỏi Pares cất cánh, mang theo 20 thương binh nặng.

Chiều ngày hôm sau, Marcellus chiếm được sân bay, mọi hy vọng di tản cuối cùng tan vào mây khói. Việc tiếp tế chỉ còn diễn ra bằng dù nhưng cũng chỉ vài chục chiếc rơi xuống chỗ quân Tứ Giáo mỗi ngày. Ngày 13 tháng 1, tướng Dũng lại có thêm một bài nói kêu gọi đầu hàng, song mệnh lệnh của Impletus cho Friedrich vẫn như cũ.

Lần kêu gọi thứ hai này có tác dụng hơn hẳn lần đầu tiên, ghi nhận được đến hai vạn quân Tứ Giáo ra hàng, đặc biệt là ở mũi phía Đông. Ở hướng Nam, dù ít thành công hơn nhưng tướng Khobov và tướng Lima cũng đã khoan thủng được hàng phòng ngự của Quân đoàn 2 Tứ Giáo. Tập đoàn quân 12 bị cắt ra thành 3 mảnh nhỏ, mảnh phía Bắc là nơi Friedrich đặt sở chỉ huy, ngay trong trường đại học phép thuật. Ông đã nhận ra mọi nỗ lực tiếp tế đã đổ vỡ, Heirman đã không thể giữ lời hứa tiếp tế cho ông qua đường hàng không. Có những đơn vị hết sạch đạn, chỉ còn ngồi chờ quân Marcellus vào bắt ra. Trong cuộc gọi cuối cùng cho Impletus III, ông đã ngỏ ý xin được đầu hàng tuy nhiên nó đã bị gạt phăng đi mà thay vào đó là lời chúc mừng thăng chức. Ngày 14 tháng 1 năm 508, ông ngồi trong góc phòng chỉ huy, nghe Impletus III ba hoa về những chiến công của Tập đoàn quân số 12 "Phán Quan" và quyết định thăng ông vượt cấp làm Đại Tướng. Friedrich hiểu người chủ chăn muốn ông phải làm gì, ông vừa khóc vừa lên đạn khẩu súng rồi kề nó lên thái dương. Nhưng trước khi ông kịp kéo cò thì phong pháp sư ập vào thông báo ông có một cuộc gọi đến. Friedrich kết nối, đầu dây bên kia là tướng Dũng và ông vỡ oà khi nhận được tin gia đinh của ông cũng đang ở bên vị chỉ huy tối cao của quân đội Marcellus. Đội đặc nhiệm của tướng Dũng, kết hợp với cơ quan An ninh và quân nổi dậy Khori bằng một cách nào đó đã đưa họ về thủ đô Domitia, vừa kịp khi Impletus III tuyên bố thăng chức cho ông.

"Mọi gánh nặng như rơi khỏi vai tôi sau cuộc gọi đó. Tên hề Impletus và cả cái danh hiệu Đại Tướng bỗng trở nên chẳng còn nghĩa lý gì"

-Friedrich Almaste Heimer Moth-

Ngày 15 tháng 1 năm 508, Friedrich Moth quyết định đầu hàng, đây là lần duy nhất trong suốt thời gian qua ông bất tuân lệnh của Impletus III. Ngày 20 tháng 1, những đơn vị còn lại của Tứ Giáo buông súng đầu hàng nhưng phải mãi đến ngày 2 tháng 2, tiếng súng mới không còn vang trong thành phố Pares. Những người lính thằn lằn của sư đoàn droog "Chân Màn" là những người cuối cùng ra hàng.

Sau này, khi được hỏi về Friedrich, Impletus III chỉ đáp gọn lỏn "Thằng hèn!".

Thương vong:

Quân Tứ Giáo và đồng minh tổng cộng đã mất ở Pares 1.250.000 binh sĩ. Trong đó:

-Tứ Giáo là bên gánh chịu tổn thất cao nhất với 800.000 thương vong bao gồm chết, bị thương, mất tích và bị bắt làm tù binh. 500.000 tại Pares và 300.000 trong nỗ lực phá vây.

Ngoài Friedrich, có 25 tướng lĩnh khác cũng đầu hàng theo ông. 18 người trong số đó bị kết án, 3 người bị treo cổ. Bản thân Friedrich cũng bị truy tố, song chỉ phải cải tạo không giam giữ trong 10 năm.

-Quân droog gánh chịu 195.000 thương vong trong tổng số 250.000 quân huy động.

-Người elf thiệt hại tương đối ít hơn vì họ tham chiến chủ yếu bằng các đơn vị tinh nhuệ, số lượng nhỏ với chỉ 10.000 thương vong nhưng số lượng Farseer chết hoặc bị bắt lên đến 600, một con số chưa từng có trong lịch sử.

-Lewin chịu mất mát tương đương người droog với 190.000 trong tổng số 300.000 quân.

Marcellus:

Marcellus tuy là bên chiến thắng nhưng con số thương vong của họ lại lên đến khoảng 1.350.000 người. Trong đó:

-558.293 chết hoặc mất tích, 744.892 bị thương. Trong thời gian phòng thủ thành phố, Marcellus đã có đến 329.541 liệt sĩ và thêm 221.395 trong giai đoạn phản công.

-Ngoài ra còn có đến hơn 48.726 dân thường thương vong, đa phần là do các cuộc oanh kích bằng không quân.

III. Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng của trận Pares

Trận Pares là bước ngoặt của cuộc Nội chiến Marcellus về cả chính trị lẫn quân sự. Việc xoá sổ Tập Đoàn quân 12 đánh dấu thất bại lớn đầu tiên của Tứ Giáo trên chiến trường với gần 1/5 quân số bị bao vây và tiêu diệt. Chưa kể đó toàn là những lực lượng tinh nhuệ, tinh tuý nhất trong hàng ngũ quân nổi dậy và đồng minh, tiêu biểu là Tập đoàn quân số 12( từng tham gia đánh bại Elf quốc Sabana khi họ còn trung thành và đánh chiếm vùng Điền Nam khi phản bội). Dù có bắt lính hay tổng động viên tới cỡ nào thì Empletus III cũng không thể bù đắp được cho những đơn vị này.

Bên cạnh đó chiến dịch Ánh Sao còn tiêu diệt đến 80% quân droog tham chiến, chính thức loại hoàn toàn quân đội Thương Quốc khỏi chiến trường Marcellus. Những vết nứt bắt đầu xuất hiện trong hàng ngũ liên minh, uy tín của Impletus III bị tổn hại nghiêm trọng, nhiều chư hầu bắt đầu tìm đường ra khỏi cuộc chiến. Chiến thắng ở Pares đã cổ vũ rất lớn cho phe trung thành ở những vũ đất bị chiếm đóng, phong trào du kích, phá hoại, gián điệp cũng được đẩy mạnh. Gia tộc Makarov lợi dụng việc không quân Heirman bị giàn mỏng đã đột kích thành công lên lãnh thổ người Droog và đánh chiếm được thành phố ốc đảo Puulo làm bàn đạp.

Song, dù chiến bại thảm hại tại Pares thì tiềm lực và khả năng quân sự của Tứ Giáo vẫn còn rất mạnh khi mà hậu phương xa Lewin vẫn chưa bị đe doạ gì. Chín tháng sau thất bại, Impletus III vẫn cố gắng tấn công một lần nữa ở Khori hòng giành lại quyền chủ động trên chiến trường, song thất bại thứ hai liên tiếp tại đó khiến liên minh lún sâu vào thế bị động và phải liên tục phòng thủ cho đến lúc Santorum bị chiếm đóng tháng 6 năm 512.

Đánh giá:

Đây có thể coi là trận đánh tàn khốc nhất và cũng là quyết định nhất của cuộc chiến. Mặc cho Tứ Giáo đã chiếm được 90% thành phố Pares, song những thất bại trong nỗ lực hậu cần và nhất là sức kháng cự quyết liệt của quân đội Marcellus đã kéo sập mọi nỗ lực của Friedrich. Để rồi vào tháng 11 họ đã phản công và bao vây hoàn toàn quân liên minh trong thành phố.

Sự áp đảo về cơ giới, không quân và độ cơ cộng của các đơn vị mũi nhọn đã đóng góp rất nhiều cho thành công của Tứ Giáo vào đầu trận đánh nhưng việc họ bao vây Tập Đoàn quân 89 Marcellus có thể được xem là quá tham lam khi mà nó ngốn của họ đến tận 6 ngày khiến đà tiến công bị trì trệ đi rất nhiều. Song, trận Pares cũng thể hiện rằng tiềm lực của Marcellus là khủng khiếp như thế nào khi có thể huy động một lực lượng khổng lồ trong thời gian ngắn.

Quân Tứ Giáo hoàn toàn có thể bỏ qua Pares, hướng thẳng mũi dùi lên phía Bắc đánh thẳng vào Phương diện quân Domitia để tiến về Domita- thủ đô của Đế Chế Marcellus và bản thân các ngành công nghiệp tại Pares đã sơ tán đi từ lâu. Hoặc đơn giản hơn là dồn quân đánh chiếm Pares ngay từ đầu thay vì cố tấn công theo hai hướng riêng biệt, số quân bị phung phí vào cuộc phiêu lưu đến Voxty hoàn toàn có thể giúp Friedrich củng cố vững chắc hai bên sườn hoặc thậm chí tham gia trực tiếp việc chiếm đóng thành phố. Song, Impletuss III lại chọn phương án ngược lại, quá tham vọng và có nhiều tính toán chính trị hơn là thực tiễn. Việc theo đuổi quá nhiều mục tiêu cũng như đánh giá sai lầm về cả thực lực bản thân và tinh thần quyết chiến của Marcellus đã góp phần lớn vào kết quả của thất bại mà ông ta không thể bù đắp này. Không tướng lĩnh nào dám đứng ra chỉ mặt chỉ trích đức Giáo Hoàng, song trong hồi ký của mình, không ít người cố đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu vị chủ chăn.

Sự kỷ luật của cả hai phe cũng là điều đáng được nhắc đến, đào ngũ, phản bội rất hiếm khi xảy ra trước thời điểm lời kêu gọi thứ hai của tướng Dũng. Nhiều đơn vị ở cả hai phe hy sinh đến người cuối cùng chứ nhất quyết không ra hàng. Ngay cả trong giai đoạn phòng thủ thành phố, tỷ lệ thương vong của quân đội Marcellus cao đến khủng khiếp, mỗi tân binh chỉ sống sót trung bình có 26 giờ và 82 giờ đối với sĩ quan, nhiều người thậm chí không đến được mặt trận. Những trận đánh ác liệt như ở trạm xe lửa số 13 với con số thương vong lên đến hàng chục ngàn người không phải là hiếm. Đến nay, trên vách tường trung tâm nhà ga- nơi đã đổi chủ 14 lần trong 6 giờ vẫn còn lưu dấu những vết đạn và dòng chữ "Máu chúng con đổ để Phượng hoàng không phải khóc!" được chính những người lính năm xưa viết.

Quân Tứ Giáo cũng đã bám trụ kiên cường và chỉ tan vỡ khi Marcellus mở cuộc tiến công cuối cùng đầy áp đảo bất chấp cái đói, lạnh và thiếu thốn về đạn dược thuốc men. Quân kỷ được giữ nghiêm minh bằng những biện pháp cứng rắn, những kẻ cướp bóc, đào ngũ hay phá hoại đều bị sĩ quan có mặt xử bắn ngay lập tức. Friedrich cũng đã chấp tuân mệnh lệnh của Impletus III trong suốt trận đánh, nhất quyết không phản công phá vây dù cho Mustang có khẩn khoản yêu cầu.

Một cuộc nội chiến dù cho là huynh đệ tương tàn thì cũng đã khẳng định tinh thần của người Marcellus, gián tiếp khiến cho những nước xung quanh dù muốn cũng khó có thể nhảy vào.

Vinh danh:

Chiến thắng ở Pares là chiến thắng đúng nghĩa đầu tiên của Marcellus trước một kẻ thù quá đỗi hùng mạnh do chính họ tạo ra, trang bị và huấn luyện chứ không phải những địch thủ dưới sức như những cuộc chinh phạt trước đây. Vì sự dũng cảm, anh hùng của tất cả quân dân tham gia bảo vệ thành phố, ngày 2 tháng 2 năm 520, tức 12 năm sau trận đánh, Pares được phong danh hiệu "thành phố Phượng hoàng", từ lúc đó trở đi nó sẽ là danh hiệu chính thức của thành phố. Tượng đài Chiến sĩ, một bức tượng cao 70m mô tả người lính ôm súng được dựng lên ngay nơi tìm thấy quân kỳ của "chiếc bè 89", ngay dưới bệ tượng là tên tuổi, quân hàm, đơn vị và quê quán của đầy đủ 607.019 công dân đã hy sinh vì thành phố. Mãi đến 50 năm sau, người ta vẫn thi thoảng khai quật được hài cốt hay di vật của những chiến sĩ đã hy sinh quanh ngọn đồi.

Huân chương Kim Khổng Tước- danh hiệu cao quý nhất dành cho chỉ huy được trao tặng cho Thượng tướng Dũng, Thượng tướng Kholbov, Thượng tướng Vĩnh Xuân và Thân Vương Henry nhờ những công lao của họ. Riêng Trung tướng Lima và Thân Vương Henry và hơn một nghìn chiến sĩ khác được trao Anh Hùng Đế Chế, Trung tướng Lam Quân, truy tặng. Đây là lần mà số lượng danh hiệu anh hùng được tặng lớn nhất trong lịch sử.

Ngoài ra còn nhiều địa điểm trong thành phố và những ngôi làng được giữ nguyên trạng sau trận đánh. Tòa nhà Công Đoàn, nơi đánh bật tất cả cố gắng của 3 sư đoàn thiết giáp Tứ Giáo hay nhà ga xe lửa số 13, xưởng luyện kim Latex hay đặc biệt là làng Baland( nơi quân Marcellus khép vòng vây) đều trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.

Từ năm 515, tất cả những công dân tham gia phòng thủ thành phố đều được trao tặng huân chương "Bảo vệ Pares". Sau ba đợt, kéo dài từ năm 515 đến 540, đã có đến hơn một triệu người được trao tặng. Có những trường hợp, một người mẹ lên nhận 5 huân chương cùng một lúc, thay cho những người con của bà.

Trong tất cả các nước, Tox có lẽ là nơi đón nhận tin tức về trận đánh cuồng nhiệt nhất với hẳn một cuộc duyệt binh lớn ngay trên thủ đô để mừng chiến thắng của Marcellus. Shavas thì ít ồn ào hơn nhưng cũng gửi điện chúc mừng, trong đó có câu "Chiến thắng của quân và dân Marcellus ở Pares là một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa Ma pháp Toàn trị."

Lewin và các nước trong khối Tứ Giáo để ra 3 ngày quốc tang thương tiếc cho số phận Tập đoàn quân số 12 và quân đồng minh. Friedrich bị bắt làm tù binh, chính ông đã sáng lập hội Về Với Tổ Quốc, tập hợp những quân nhân phản bội bị bắt với mục đích kêu gọi Impletus III thoát khỏi sự kiểm soát của Lewin và đàm phán hòa bình với Hoàng Đế. Năm 523 ông được trả tự do và trở thành một người chống chủ nghĩa Ma pháp Toàn trị( chủ nghĩa đặt những ai có sức mạnh tâm linh cao hơn người thường) nhiệt thành. Năm 543, ông qua đời tại nhà riêng bên cạnh con cháu và các chiến hữu cũ, thọ 89 tuổi. Đích thân Hoàng Đế Marcellus là Afeteria III(Người kế vị Afeteria II) đã gửi điện chia buồn cùng gia quyến, một cử chỉ hiếm hoi trong lịch sử.

IV. Vũ khí và trang bị:

Cả phe Tứ Giáo và quân đội Marcellus đều dùng chung nhiều loại vũ khí, đơn giản vì quân phản bội cũng chính là những sắc lính Marcellus một thời. Tiêu biểu như súng trường Mana lên đạn phát một MR-84( Súng trường mana kiểu 84) và những biến thể như MR-84M, MR-84C, đặc biệt là vào cuối trận đánh quân Marcellus được cấp loại bán tự động MR-05 được cải tiến thêm cơ chế trích khí và hộp mana chứa 10 phát bắn. Trung bình cứ mỗi người lính ngoài chiến trường thì sẽ có từ 1-2 khẩu súng loại này trong kho. Các sĩ quan hay những quân chủng đặc thù như phi công, pháo binh sẽ được trang bị súng ngắn KP-90(Súng ngắn kiểu 90 thiết kế bởi Katov) hoặc loại cổ lỗ hơn là KP-301 ổ quay. Sĩ quan Tứ Giáo đặc biệt ưa thích KP-301, chủ yếu là vì kiểu cách chứ không phải tính năng.

Những loại tiểu liên đơn giản như MMP-90(Súng tiểu liên mana), RMP-91(Tiểu liên mana bắn nhanh) dùng cơ chế nạp bằng phản lực cũng được sử dụng rộng rãi. Độ gọn nhẹ và nhất là tốc độ bắn cao của chúng rất được binh lính ưa thích khi đánh chiếm những ngôi nhà. Trong nội thành Pares, cứ mỗi đại đội Marcellus sẽ tổ chức một trung đội chuyên trách, trang bị hoàn toàn bằng tiểu liên. Tứ Giáo cũng nhanh chóng học hỏi kiểu biên chế đó, song số lượng tiểu liên của họ lại không đủ để đáp ứng cho toàn quân.

Tương đương với súng cá nhân, các loại vũ khí cộng đồng cũng rất đa dạng. Tiêu biểu như súng máy, ghi nhận được việc sử dụng của ít nhất là 10 mẫu súng, song nổi tiếng và có số lượng lớn nhất là súng máy hạng nặng KM-70 thường gọi đơn giản là "súng máy Katov". Cứ mỗi đại đội sẽ có từ một đến hai khẩu Katov và mỗi chiến sa tối thiểu một khẩu.

Loại pháo được sử dụng rộng rãi nhất là các loại pháo kéo H-105, H-122 bảo vệ bởi pháo phòng không AA-37 và AA-57. Lực lượng pháo binh của cả hai phe là tương đồng, ngoại trừ 2 khẩu siêu pháo 800mm của Tứ Giáo. Marcellus vào đầu trận đánh cũng có sự hỗ trợ của các tàu của Hạm đội Băng Hải với nhiều pháo 305mm song sự kiện tàu C-776 bị bắn chìm đã khiến hoạt động chi viện này bị huỷ bỏ.

Các nước khác trong liên minh Tứ Giáo cũng có vũ khí của riêng họ ví dụ như người droog có mẫu súng bắn phát một nạp hậu Jen 480, pháo 76.2mm. Vệ binh Thành chiến Lewin dùng mẫu súng carbine Python và pháo Basilisk.

Về tăng- thiết giáp cũng chứng kiến nhiều mẫu xe. Tiêu biểu như xe tăng hạng nhẹ LT-03 "Faun", hạng nặng TT-02 "Goliath" hay tiêu biểu là tăng hạng trung T-07 "Titan". Thiết giáp ma pháp MAV Mk I với khả năng tạo lá chắn từ mana sinh học và vận chuyển binh lính cũng có lần thử lửa đầu tiên. Những chiếc MAV cũng đánh dấu lần đầu tiên học thuyết "Đâm sâu, nở hoa" được thực nghiệm, mở đường cho một dòng thiết giáp hoàn toàn mới- Xe chiến đấu bộ binh.

Không quân của cả hai phe cũng sử dụng nhiều loại trang bị trùng lặp nhau với tiêm kích I-507, ném bom HB-2200, cường kích DA-95,... Đầu cuộc chiến còn chứng kiến Marcellus dùng nhiều máy bay I-490 lỗi thời vét từ các kho niêm cất, song đến giữa và cuối trận Pares, đa phần chúng đều đã bị bắn hạ hoặc cho nghỉ hưu.

Một điều thú vị về cuộc chiến trên không trong Nội chiến Marcellus: Ban đầu cuộc chiến, Heirman nắm trong tay nhiều máy bay tiêm kích I-507 và cả máy bay ném bom hạng nặng HB-2200 do chính những nhà máy ở Pares sản xuất. Việc ông ta phản bội đã khiến Marcellus phải lôi từ trong kho ra dòng máy bay I-490 vốn đã bị loại biên. Heirman không thể bù đắp cho tổn thất của mình trong khi FAEM(Lực lượng Không quân Đế chế Marcellus- Forza Aerea Imperii Marcellus) luôn được bổ sung dòng I-510/ HB-2500 (Bản nâng cấp của I-507 và HB 2200). Đến năm 510, trước những tổn thất lớn, Heirman buộc phải nhận những chiếc tiêm kích ma pháp Wyvern(bản sao chép từ I-507) của Lewin song tính năng của chúng lại kém hơn I-510. Việc I-507 có trong biên chế cả hai phe vào đầu cuộc chiến đôi lúc đã dẫn đến báo động giả thậm chí có lúc xảy ra quân ta bắn quân mình.

Người elf tham chiến bằng cung, nỏ, giáo và áo giáp được phù phép, không hề có một quy chuẩn nào cả. Đặc biệt, các Farseer của họ hoàn toàn đánh nhau bằng ma pháp, rất mạnh mẽ song lại không thể duy trì được lâu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #marcellus