tấm áo cưới
ngày đó, nắng nhuộm vàng ruộm cả đồng lúa còn chưa kịp trổ bông, gió cũng thổi mạnh tới mức muốn kéo cả cái đồng nghiêng mình theo nó. chu huyền chương đung đưa nhành bông lau khô cong làm nó nghiêng bên này, ngả bên kia, mặc cho gió thổi.
"chí huân, ngày mốt là em đi rồi."
trương chí huân nhảy qua nhảy lại trên mấy cái rễ cây to tướng, nắng gió phủ lên tấm lưng gầy gò của em.
"dạ, ngày mốt em đi."
"ngày mốt.. anh cũng đi. anh đi theo thằng lì gỡ bom cho xe chạy."
".. từ hồi thằng lì nó đi gỡ bom, em thấy nó tốt tính hẳn. hoặc do nó không còn muốn ghẹo mấy đứa như mình nữa."
"bận trước nó nghe tin người ta cử em lên chiến tuyến, nó cũng là đứa duy nhất chịu chạy sang cái cầu cọt kẹt nhà anh để báo tin."
"cái gì của mình nó cũng biết cả anh ha."
ừ, từ chuyện hai đứa mình thương nhau, đến chuyện ba má hai đứa theo giặc bỏ con lại ở cái làng này. kể cũng lạ, sao ngày đó tụi nó chưa chết vì đói mà còn sống tới tận giờ, còn sống để tìm thấy nhau, rồi lại trót trao lòng cho người kia vậy cà? lưu lạc đến làng trồng lúa nước này, người ta thương nên cho nó cái ăn lót dạ, rồi chỉ cho nó chạy đi vác lúa phụ ông chủ đồn điền để kiếm kế sinh nhai qua ngày. nó từ đứa trẻ trắng trẻo ngày nào cũng đã đen nhẻm đi. nhưng vì đã đến được cái làng này, nên tụi nó mới được thương nhau kia mà. dẫu cho tụi nó biết cái thứ tình cảm này thật kì cục, nhưng tụi nó đâu còn gì để mất nữa đâu? giờ mà mất thêm người ta, tụi nó hối hận sao cho kịp.
chương còn nhớ như in cái đêm bão tố mấy năm trước, mấy cơn gió táp như muốn lật cả cái nhà tranh tạm bợ của nó lên, rồi nó thấy huân ngồi co ro dưới cái ao cạn trước nhà hòng tránh bão, quần áo thì chỉ độc một bộ đồ mỏng dính nhẹp nước, người còm nhom như mấy cây tre già mọc quanh đình làng. lúc nó ra lôi được em vào nhà, người em đã lả đi vì đói và lạnh, tay chân em cũng chẳng khác mấy nhành tre là bao, gầy trơ xương và lạnh cóng. đêm đó, nó còn tưởng nếu nó không ra ngó cái cầu cọt kẹt trước nhà coi nó ra sao, rồi bắt gặp bóng hình em ngồi ôm gối bên ngoài, phải chăng em đã thật sự nằm im mãi ở đó, chứ không phải là còn ngồi kia ăn vội mấy củ khoai luộc, phải không?
nó cũng đã trót thương em từ thuở đó. nó thương cái cảnh côi cút một mình của em, dù rằng nó cũng khá hơn là bao. nó cũng thương cái lòng yêu nước quyết không theo giặc của em, cái ý chí bất khuất kiên cường chảy cùng dòng máu trong người em. nó thương em, chỉ đơn giản vì đó là em.
chu huyền chương thôi không chơi cây bông lau kia nữa, tựa lưng vào gốc cây thuở trước hai đứa hay trèo lên bẻ cành, nhìn trương chí huân ngồi xổm ở trên một cái rễ to nhô lên gần mương nước, cầm cây bông lau quét qua quét lại mặt đất ẩm.
"chí huân."
em nghe, nhưng em chọn ngắt lời nó.
"anh chương, em đi rồi anh có chờ em không?"
lòng nó sao mà nhốn nhao.
".. anh có. anh không chờ em, thì để ai chờ?"
"anh chương, người ta nói, sáng sớm người ta sang nhà đưa em đi."
"sang nhà anh. nhà anh cũng là nhà em, đừng ngủ bờ ngủ bụi nữa em."
"dạ, em cũng muốn.. ở với anh mấy bữa chót."
"huân.."
"anh chương, em thương anh lung lắm."
"anh cũng thương em lung lắm, huân à."
tối trước ngày huân đi chiến trường, tụi nó tắt đèn từ sớm, cũng nằm xuống từ sớm, nhưng không đứa nào ngủ cho được. tụi nó mò mẫm trong bóng tối, tìm thấy tay người ta, nắm chặt tay nhau, nhích gần vào nhau. tụi nó muốn ở cạnh nhau đêm chót này, rồi mai mỗi đứa một phương đấu tranh cho tổ quốc. không còn kề bên nhau như đêm nay nữa.
"chí huân."
"dạ?"
"anh thương em."
".. em cũng thương anh."
sáng sớm gà còn chưa gáy, ông trưởng làng đã đến để dẫn huân ra chỗ tập trung. ổng cũng thương chí huân lắm. em lưu lạc đến nơi này, ông cho em cái ăn cái mặc, dạy em nên người, ổng chỉ tiếc không thể đem em về nhà nuôi như con như cái. giờ em đi bảo vệ đất nước, ổng cũng muốn đưa em đoạn cuối, coi như là đưa con đưa cái mình ra chiến trường.
chương lẽo đẽo theo sau hai ông cháu đến tận chỗ tập trung của mấy cậu trai trẻ trong làng. ai cũng bịn rịn với gia đình cả.
đột nhiên, huân quay đầu chạy lại chỗ nó, nắm lấy hai bàn tay nó.
"anh chương, anh chờ em nha?"
"anh chờ mà."
"hòa bình rồi em sẽ cưới anh."
"ừm, anh chờ, huân về với anh."
em ôm chầm lấy người nó. "anh chương giữ gìn sức khỏe. sau mình cưới nhau, em sẽ nhờ người may cho anh cái áo cưới. anh có nhớ cái áo mà ông thợ may cuối ngõ trưng trước tiệm không?"
"anh nhớ chứ." cái áo đỏ thắm đính nào là hạt, vẽ nào là rồng rồi phượng lỗng lẫy làm sáng bừng cả cái ngõ cụt. ngày đó hai đứa đứng tần ngần nhìn cái áo, nắm chặt tay nhau mơ về cái ngày tụi nó được nhìn thấy người mình thương khoác trên mình cái áo đỏ thắm đó, hẹn ước trăm năm với mình. "huân về rồi, anh cũng sẽ cho huân một tấm áo cưới."
nó xoa lấy lưng em, rồi lại đẩy em về lại hàng ngũ.
mắt hai đứa rưng rưng toàn nước là nước.
"huân phải đi rồi anh mới chờ." "rồi sau hòa bình hai đứa mình cưới nhau."
em vội quẹt đi mấy giọt nước mặn đắng còn chưa kịp rời khóe mi, nghiêm chỉnh đứng thẳng người như đám bạn quanh mình. "dạ!"
gió mang cái mùi lúa trổ sớm mai tạt ngang, theo bước chân mấy cậu thanh thiếu niên bước đi, mang cái niềm tin đất nước sẽ hòa bình lấp đầy buồng phổi của những con người máu đỏ da vàng.
chiều đó, thằng lì mượn con xe đạp duy nhất của mấy anh em trong đội sang tận nhà đèo nó đến chỗ mấy anh em gỡ bom tạm trú.
nó tạm biệt căn chòi lá đã chở che cho nó suốt mấy năm qua, ngồi trên yên sau để thằng lì chở mình đi, nhìn căn chòi xa dần trong tầm mắt, tay nó lại nắm chặt thêm cái vòng chí huân bện cho nó hồi mới đầu tụi nó yêu nhau.
cuộc sống ở trại tạm trú của mấy anh em gỡ bom khác lắm.
khác nhất là chuyện nó phải học cách gỡ bom và thật sự chạy trên đường xe chạy để dò mìn rồi gỡ chúng đi. làm nhiều cũng quen, nhưng cái cảm giác hồi hộp mỗi khi tìm thấy một trái mìn vẫn luôn khiến nó vừa thấy sợ mà cũng vừa thấy mừng. sợ vì nó không gỡ được trái bom, trái mìn này và bỏ mạng ở chốn này thì lấy ai chờ chí huân của nó đây? nó cũng lại mừng vì nếu nó tìm thấy một trái mìn, vậy sẽ có một trái mìn được gỡ, đường chạy của mấy anh em chở thực phẩm cho mấy anh em nơi xa trường cũng sẽ êm thêm một đoạn.
huyền chương được thằng lì cõng vào nằm xuống tấm phản gỗ. cánh tay nó tê tái vì bị mảnh bom văng trúng tróc ra một mảng da thịt, máu cũng thấm ra cả tấm vải thằng lì cột vội để cầm máu cho nó.
cùng lúc đó, anh phùng, đội trưởng đội gỡ bom của tụi nó, đi vào. mặt anh cũng lấm lem toàn bùn với bùn, nhưng hai đứa đều nhận ra anh đang căng thẳng. anh phùng không nói gì, chỉ mở cái tủ của anh và lấy ra một hộp thuốc mất tem, nhét vào miệng nó một viên thuốc từ trong hộp.
viên thuốc đó đắng nghét, nhưng vì biết anh phùng muốn tốt cho mình nên nó cũng gắng mà nuốt viên thuốc xuống. mồ hôi lấm tấm khắp trán và gáy nó. lúc nó tỉnh lại sau giấc ngủ ngắn ngủi vì tác dụng của viên thuốc, anh phùng đã băng bó cho nó xong.
miệng nó lại thêm đắng ngắt. không phải là vì viên thuốc kia, mà là vì nó đã làm phiền đến đội trưởng và đồng đội của mình. gỡ một trái bom mà lại thành làm nổ một trái bom, suýt chút nữa đã làm cánh tay của mình tàn phế. nó tàn phế rồi anh em trong đội lại thêm cực nhọc thì biết phải làm sao?
anh phùng đứng dậy, đội lại cái mũ cối đã sờn suốt mấy năm qua lên, che đi vết sẹo sau mang tai kéo dài một đường không có tóc mọc cũng do mảnh bom đập vào.
"đừng suy nghĩ, thương tích là chuyện sớm muộn. đừng nghĩ mình là gánh nặng mà hãy gỡ bom đi."
nó nhìn anh, cảm thấy cánh tay còn được băng kín của mình chẳng còn bao nhiêu đau đớn nữa.
giữa mấy giọt nước mắt lưng tròng, nó "dạ!" một tiếng trả lời anh.
anh phùng ôm cái radio cũ đến, ngồi xuống cái ghế bố rồi xoay nút tìm đài cho tụi nó nghe.
tiếng một người phụ nữ phát ra từ cái loa rè, thông báo về tình hình hiện nay của đất nước nhỏ nhoi vang trong trại tạm trú nhưng lại đủ để mấy anh em đang ồn ào từ ngoài đi vào phải dừng câu chuyện lại để nghe cô nói.
chương ngồi trên tấm phản cùng thằng lì và hai người anh em khác. lòng nó gợn sóng khi nghe được những thắng lợi mà nhân dân và các chú bộ đội đã đem về cho đất nước.
bản tin chợt ngừng vì cái đài kia lại giở chứng, anh phùng không sửa được nên lại đặt nó về lại đầu tủ. nhưng chỉ chừng mười phút ngắn ngủi được nghe giọng của người phụ nữ kia lại khiến anh em thêm hừng hực ý chí, ai nấy đều muốn chạy ra ngoài dò thêm mấy trái mìn nữa mới chịu nghỉ ngơi.
anh phùng xoa tấm ảnh trắng đen sờn hệt như cái mũ cối của anh, chợt nói với mấy anh em trong trại tạm trú.
"bây định làm gì sau khi đất nước độc lập?"
thằng lì thắc mắc trước tiên. thằng này lì như tên nó, nên cái gì nó cũng hỏi cho hiểu mới thôi.
"dạ? nước mình còn tụi ba que nhơn nhởn ngoài đó. anh nghĩ mình đánh đuổi được hết tụi đó hả?"
"anh tin nước mình làm được." "vậy nên anh mới ở đây gỡ bom. anh sẽ gỡ cho đến khi nào nước mình độc lập. ba que đến là anh bắn cho bằng hết. đến khi nào anh chết thì sẽ còn người khác bắn tụi phản quốc đó."
chương lại thấy nghèn nghẹn trong cuống họng. đầu nó cứ nghĩ mãi về câu hỏi ban nãy của anh.
"khi về rồi.." "hòa bình rồi em sẽ đám cưới."
nó vừa dứt lời, mấy anh em đã nhao nhao lên chuyển đối tượng bị truy cứu sang nó. cứ hỏi người thương của nó là ai, đòi xem hình của chí huân dù mấy anh em còn chưa rõ người thương của nó là trai hay gái, bẹo hình bẹo dạng ra sao.
nó biết mình lỡ lời rồi. nhưng nó vẫn không ngăn được cái cảm xúc chờ mong và hạnh phúc khi nghĩ về ngày đất nước độc lập, rồi nó và em sẽ có được cái đám cưới của chính tụi nó.
"nào tao cưới, tao mời tụi bây đầu tiên!"
mấy anh em lại quàng vai bá cổ nhau bàn về tương lai của mình sau ngày độc lập.
không khí ở trại tạm trú của anh em đội gỡ bom vui hơn hẳn.
anh phùng lại ngồi xuống ghế, ôm trong lòng tấm hình khi nãy, khuôn mặt anh lại thêm trầm ngâm. nó nghe thằng lì nói đó là hình vợ và con gái của anh phùng. nhưng hồi trước, cái hồi anh phùng rời nhà đi chỉ huy đội gỡ bom, làng anh bị bọn phản quốc ập đến rồi giết hết. anh ở lại đội gỡ bom cũng một phần là vì vợ anh rất yêu đất nước này, trước khi anh đi còn dặn dò anh phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình ở đây, nên khi vợ anh đi rồi, anh vẫn chọn ở lại đây. một phần là vì vợ anh, phần còn lại là vì chính anh cũng yêu đất nước này xiết bao.
nó chợt nghĩ đến chí huân. nó không biết hiện giờ em đang ở đâu, ăn uống thế nào, có được thoải mái như nó ở trại tạm trú hay không? nó chỉ có thể nắm chặt cái vòng của em mỗi đêm, cầu mong em bình yên cho đến cái ngày đất nước hòa bình.
và nó thật sự đã chờ được đến ngày đó.
sau nhiều cuộc tấn công vào trụ sở và căn cứ của địch, bọn chúng cuối cùng cũng nhận ra sức mạnh của nhân dân nước ta.
qua cái radio rè duy nhất ở trại tạm trú, có lẽ vì hôm nay là ngày vui của toàn dân nên nó cũng chẳng còn rè nữa, nó nghe rõ mồn một tiếng đại tướng của phe địch yêu cầu toàn bộ phe địch buông vũ khí, đầu hàng không điều kiện với quân giải phóng. cả đội gỡ bom của tụi nó vỡ òa, bỏ lại mọi thứ ở trại tạm trú mà nhào ra đường. anh phùng còn đặc biệt lái con xe bốn bánh chở tụi nó về lại thành phố thiệt nhanh để tụi nó có thể hưởng ứng niềm vui này với đồng bào dân tộc.
chương đeo cái vòng mà em bện cho vào cổ tay trái, sợi chỉ được bện lại cọ vào vết sẹo trên cẳng tay. nó thấy cả tim và máu mình đều nóng hừng hực. trong lòng hân hoan vì nước nhà đã độc lập, hòa bình. con tim lại một lòng nghĩ đến chí huân, đến cái đám cưới trong mơ của tụi nó.
chiều muộn anh phùng mới đèo nó và thằng lì về đến làng.
làng nó dù chẳng còn mấy ruộng lúa vàng ươm nhưng giờ lại thoang thoảng mùi lúa chín ngả đầu mà khi xưa nó hay hít vào đầy buồng phổi.
tối đến, nó cuốc bộ ra mương nước, ngồi bệt xuống cái gốc cây gần ruộng, nghĩ về em, nghĩ về cách nó nên chào đón em trở về làng như thế nào, nghĩ về cách sau này hai đứa chung sống với nhau ra sao.
giữa chừng, nó nghe tiếng ai đó chạy vội về phía nó, đạp lên mấy vũng sình nghe lẹp bẹp rồi lại đạp lên cỏ nghe lạo xạo. thằng lì hét lên từ xa.
"huyền chương!"
"lì? sao mày chưa về nhà mà còn chạy ra đây?"
"chương.. mấy thằng quân giải phóng làng mình về rồi..."
"gì!? sao mày không nói tao-"
"mày nghe tao nói."
nó khựng lại, nhìn vẻ mặt căng thẳng xưa nay chưa từng thấy của thằng lì mà lòng bồn chồn không thôi.
"mày hứa với tao, mày phải bình tĩnh, được không chương?"
".. tao hứa."
thằng lì căng thẳng đến độ phải hít vào một hơi sâu trước khi tiếp lời nó.
"chương, chiều này quân giải phóng về, tụi nó nói.. thằng huân hy sinh trên chiến trường rồi. nó trúng đạn lạc không biết của địch hay của ta. mấy đứa cùng quân khu với nó chỉ gửi lại cho tao cái này, nhưng tao nghĩ mày nên giữ nó thay vì tao."
rồi thằng lì xòe bàn tay năm ngón đang nắm chặt của nó ra, trên tay nó là một cái vòng bện giống với cái của chương. về sau chương mới biết từ đồng đội của huân, rằng em luôn cất kĩ cái vòng này dưới mấy lớp quần áo trong ba lô của mình, mỗi lần ai hỏi thì cứ cười khì nói là vật hẹn thề với người yêu. nên khi em hy sinh, đồng đội không thể lao vào lòng địa phận của giặc mà tìm em, chỉ đành gom góp mấy món đồ của em còn sót lại mà đem về cho người thân, người thương của em đang chờ ở nhà.
nó không cầm lấy cái vòng ngay, cứ ngồi bần thần ở gốc cây đó, mãi đến khi thằng lì vì chẳng biết kiềm nén cảm xúc làm sao chạy đến ôm chầm lấy nó, để rồi làm cho một giọt nước mặn đắng rơi xuống từ khóe mắt nó, rồi nó mới gào khóc, tay trái còn nắm chặt lấy cái vòng mà thằng lì đưa cho.
"huân ơi!"
nó gọi mãi trong đêm thanh vắng. nhưng đã chẳng còn ai đáp lời nó nữa rồi.
huân em ra đi bảo vệ tổ quốc thân yêu, đấu tranh vì độc lập của nước nhà. em đổi bình yên của mình để lấy hòa bình của đất nước. vậy còn em thì sao đây huân ơi? nằm nơi xa trường lạnh lẽo biết bao nhiêu. chẳng phải em từng nói, hòa bình rồi em sẽ cưới nó hay sao? cớ sự gì bây giờ em lại để nó đơn côi một mình trên cõi đời này?
huân ơi, em làm nó buồn là em tệ lắm.
em nói, 'hòa bình rồi em sẽ cưới anh.'
nhưng em ơi, 'hòa bình rồi sao em chưa về?'
sấp nhỏ cầm cờ đỏ sao vàng chạy lon ton trước căn nhà cũ kỹ, trước sân đặt một tấm phản gỗ đủ chừng hai người nằm. trên tấm phản, có một ông già đã quá tuổi trung niên và hai đứa con nít trai gái mặt mũi lấm lem vì chơi đất cát ngồi ngắm đất ngắm trời.
hai đứa nhỏ này chả biết ông là ai đâu, chỉ là tụi nó thấy ba má tụi nó hay sang thăm ông, rồi biếu ông đồ ăn, quà cáp nên tụi nó biết chắc ông là người tốt. bình thường thì tụi nó sẽ chạy theo lũ bạn trèo cây, phá phách khắp xóm, nhưng bữa nay tụi nó lại thấy ông già sống cô độc một mình trong căn nhà cấp bốn cuối xóm diện cái áo đỏ thắm đó ra nên tụi nó thấy làm lạ, tò mò ngồi xuống bên cạnh ông.
đứa bé gái nhỏ hơn không chịu được mà phải hỏi.
"ông ơi ông, tay ông bị làm sao vậy ông?"
"à, ông bị bom nổ trúng."
hai đứa ngoác miệng trầm trồ, đòi ông kể cho tụi nó nghe chuyện ngày xưa ông đi gỡ bom và chuyện làm sao mà ông lại có cái vết sẹo to tướng trên cẳng tay trái như vậy. ông cũng rất vui vẻ, thoải mái nhớ lại rồi kể cho hai đứa nghe.
khi dứt câu chuyện, đứa con gái lại vội vàng hỏi để thôi tò mò.
"ông ơi, đây là áo gì mà lạ vậy ông?"
ông mỉm cười hiền từ trả lời đứa nhỏ.
"đây là áo cưới."
đứa con trai trông cứng cáp hơn thốt lên.
"áo cưới gì mà ngộ đời! con thấy ba con mặc vét kìa!!"
"hồi xưa, ông thích cái áo cưới này ấy mà."
con bé nhỏ lại rụt rè hỏi tiếp.
"vậy giờ ông có thích không ông?"
"ông có chứ!"
"ông cưới ai vậy ông!? vợ ông đâu rồi ông!?"
ông già xoa đầu thằng bé, nụ cười hiền vẫn còn treo trên gương mặt đứng tuổi.
"ông không có vợ, ông cũng chưa cưới ai hết." ông ngừng lại vài giây rồi mới nói tiếp. "hồi đó, người ta hy sinh mất rồi, nên ông và người đó chưa kịp cưới nhau."
"ông ơi ông." con bé lại tiếp tục hỏi. "vậy sao ông có áo cưới này vậy ông? ông tự mua hả?"
"ừ, ông tự mua, ông cũng tự mặc."
"năm nào ông cũng mặc vào ngày này hết! có phải ông muốn hôm nay là ngày cưới của ông với người ta phải hông ông!" thằng bé la lên như vừa phát hiện ra sáng kiến gì đó thú vị lắm.
"đúng rồi! con trai giỏi quá!"
ông bật cười, vỗ vai đứa nhỏ, rồi lại kiên nhẫn ngồi đó trả lời hết những câu hỏi thú vị của hai đứa cháu lạ vừa lẻn vào nhà mình.
nắng chiều dần buông, rẽ mấy nhành lá cây trong hiên nhà rọi lên mặt ba ông cháu.
bé gái vỗ lên đùi ông tìm sự chú ý, hỏi thêm vào.
"ông ơi, tên người ta là gì vậy ông?"
"tên người ta à.." ông nheo mắt nhìn vào ánh nắng vàng cam, nhớ lại cái ngày đó chính ánh nắng này cũng từng rọi lên tấm lưng gầy gò ấy. "người ta tên là trương chí huân."
"tên con gái gì mà ngộ đời!"
ông không trả lời, chỉ vuốt tóc hai đứa nhỏ.
cũng giống như khi xưa ông chưa từng nói cho anh em trong đội gỡ bom biết về người thương của mình là ai. rồi khi chiến tranh qua đi, mọi người đều chỉ biết người thương của ông đã hy sinh, về sau cũng không còn ai hỏi đến vấn đề này một lần nào nữa.
người hy sinh, người ở lại.
trương chí huân sẽ mãi là một phần của cuộc giải phóng oanh liệt năm đó.
cũng sẽ mãi là một phần của hòa bình đất nước tươi đẹp hiện nay.
và cũng sẽ mãi là một phần không thể xóa nhòa trong trái tim của chu huyền chương, đứa con trai thuở xưa từng một lòng thề non hẹn biển với em chưa từng một lần thay lòng đổi dạ.
fin.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top