Phần 1: Tan đàn xẻ nghé

Đầu năm Gia Tĩnh, thời triều Minh thịnh trị, lê dân yên ổn, đất nước thái bình, là một trong những thời đại thịnh nhất của Trung Hoa.

Triệu Tử Minh lên ngôi, lấy hiệu là Minh Vương, đặt tên nước là Vạn An.

Tục truyền, Tử Minh bề ngoài thư sinh nho nhã, hào trang tuấn dật, bên trong lại là kẻ mưu mô xảo quyệt, tuy đa mưu túc trí, trọng dụng hiền tài, y tham tính đa nghi, khiến hậu cung sinh nhiều bất hòa.

Một viên ngoại nhỏ họ Tống ở ngoại thành, cách kinh thành ba trăm dặm, gia tư khá giả, lại kén được vợ đẹp đoan trang. Quả là không còn gì hạnh phúc hơn.

Tống Liễn sinh thời gặp may, từ nhỏ đã ngậm muỗng bạc, vừa dạm 20 tuổi đã được cha mẹ kén cho người nâng khăn kết tóc.

Hạ Mao Sơ là con gái của một nông dân bần cùng, may mắn gả được vào nhà họ Tống, lại được chồng nâng niu yêu quý rất mực.

Nàng rất thạo nghề thêu dệt, ai cũng khen Tống Liễn đã bắt được viên ngọc quý, Mao Sơ vừa xinh đẹp, lại hiền thục chăm chỉ như thế, rất nhiều chàng trai nhòm ngó dạm hỏi, nhưng nàng vẫn lắc đầu, lấy cớ nhà nghèo không dám trèo cao.

Lấy vợ được nửa năm, Tống Liễn chưa từng một lời mắng mỏ, dẫu nàng là người cha mẹ kén chăng nữa, chàng cũng không nỡ phụ bạc mà kiếm thê tìm thiếp thêm.

Mao Sơ ăn ở với chàng nửa năm, đã mang hỷ mạch ba tháng khiến Tống Liễn vô cùng vui mừng, càng nâng niu trân quý nàng hơn.

Không ngờ một đêm nọ, châu huyện xảy ra một trận hỏa hoạn rất lớn, nhà Tống nọ chỉ kịp chạy hai mạng người, bao nhiêu của cải mất sạch, chưa kể cha mẹ Tống Liễn không qua khỏi kiếp trời định, liền khuất núi trong biển lửa đêm ấy, không kịp trăn trối gì.

Tống Liễn phải vay mượn khắp nơi, dựng một căn nhà nhỏ ở chân núi, sống bằng nghề đánh bắt, còn Mao Sơ ở nhà dệt vải.

Tống Liễn hằng đêm không khỏi day dứt bởi cái chết của cha mẹ, quay lại nhìn phần bụng ngày càng cao dần của Mao Sơ, càng không khỏi tự trách.

Y đã không làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, nay phải để vợ hiền mang nặng vất vả mưu sinh.

Công việc làm ăn ngày càng khó khăn, tuy Mao Sơ đã qua kì nghén nhưng vẫn vật vã không kém trước, rất kén ăn, lại hay đau đầu, đau lưng khiến việc thêu dệt đã khó còn khó hơn.

Triệu Tử Minh vốn hay cải trang vi hành, một mặt xem thử nhân dân sống ra sao, một mặt là muốn lấp đầy hậu cung. Sống trong cảnh nhung lụa gấm vóc, y ngày càng đâm chán, muốn có gì đó khác lạ để tiêu khiển.

Trong đó món y thích nhất là đạp lên đau khổ của người khác để mua vui, y không thích dùng cực hình tra tấn, thịt nát xương tan, điều đó trong mắt người dân lại cho rằng y là người hiền đức.

Tử Minh đã nghe về cuộc hỏa hoạn kinh khủng ở châu nha, tỏ ra rất hứng thú khi nghe tới nhà viên ngoại họ Tống, xác cháy hai thây, hai vợ chồng cho dù thoát cũng ngoắc ngoải lênh đênh.

Hắn cho người dò tìm, phát hiện căn nhà nhỏ gần chân núi vẫn hay sáng đèn đến khuya.

Một thời gian sau, Mao Sơ hạ sinh một bé trai, lấy tên là Tống Vĩnh, rất kháu khỉnh. Tống Liễn vừa vui mà cũng vừa buồn. Vui là vì ông ta đã có người giữ bát hương chân nến, buồn vì gia cảnh ngày càng khó khăn, chăm lo cho con chắc chắn không thể đầy đủ.

Mao Sơ vẫn đang ở cữ, không thể tiếp tục thêu dệt, kế sinh nhai ngày càng bí bách, đòi hỏi. Nhiều hôm cả đôi vợ chồng nhịn đói, bấm bụng nhìn con khát sữa.

Cái đói càng lâm vào khủng hoảng khi ở gần xóm lá bắt đầu có hung tặc quấy nhiễu, đã đói còn đói hơn.

Một hôm, trời vừa chập tối, Tống Liễn đang loay hoay bên vó câu, liền thấy một toán lính đi tới, toan la lên nhưng chợt thấy bất lợi, xung quanh vắng tanh, hét lên lỡ Mao Sơ chạy ra, cũng chẳng làm được gì, còn khiến cả hai mẹ con gặp nguy hiểm.

Tống Liễn được đưa tới chỗ Tử Minh, nhận lệnh phải lập tức về nhà giết vợ, đứa con được tha nhưng phải thả trôi sông, tùy vào số trời mà sống. Nếu y không làm theo lệnh vua, lập tức bị chém đầu, còn đổi lại, Tống Liễn sẽ được phong làm tể tướng, chia đôi đất nước để cả hai cùng cai trị.

Tống Liễn sợ mất mật, đành phải mang theo một thanh đao về nhà. Trời đã tối khuya, Tống Liễn bước vào nhà thấy vợ đang cho con bú trên chiếc chõng tre cọt kẹt, thanh đao giấu sau lưng bỗng không cầm nổi nữa, rơi xuống.

Mao Sơ giật mình tỉnh giấc, thấy Tống Liễn ôm mình cứng ngắc, mặc cho Tống Vĩnh đang khóc ầm ĩ. Nàng còn chưa kịp hỏi gì liền bị Tống Liễn ra hiệu dừng lại, dúi vào tay nàng vài đồng kẽm rồi cầm vật rơi giữa nhà chạy đi.

Tống Liễn xin vào gặp Tử Minh, trình bày rõ và xin chết chứ không giết vợ.

Tử Minh không những không tức giận, còn tha chết cho về. Tống Liễn về nhà, thấy Mao Sơ hỏi chỉ ậm ờ cho qua rồi đi ngủ.

Sáng hôm sau, Tống Liễn ra một khúc sông xa nhà thả vó câu vì gần đây, cá hay tụ tập nơi này kiếm ăn.

Mao Sơ vừa ru con ngủ, vừa thêu khăn tay để mang bán, bỗng thấy một thư sinh vô cùng anh tuấn bước vào nhà.

Sau vài lần gặp gỡ, anh ta ngỏ ý muốn chung sống cùng nàng. Mao Sơ thoạt đầu hơi sợ, nhưng khi thấy rõ chàng trai kia giàu có như thế nào, lại vô cùng ân cần với mình, nàng cũng suy lại.

Ngặt nỗi, Tống Liễn vẫn đang sống, nàng không thể cùng chàng trai kia kết tóc duyên sau được. Vài lần ngỏ ý sau, Mao Sơ cảm thấy không thể nào sống cùng Tống Liễn trong căn nhà nghèo nàn này nữa, liền đồng ý.

Trưa hôm đó, Mao Sơ nhận cây trâm vàng của chàng trai, vội đem đi bán mua một bữa thịnh soạn cho chồng. Tống Liễn thấy lạ hỏi thì nàng chỉ bảo là đôi khăn tay nàng thêu được giá rất cao nên muốn làm một bữa ngon cho chồng.

Tống Liễn thấy vậy rất cảm động, bởi chàng thấy đôi khăn tay Mao Sơ thêu từ hồi còn khá giả, đến nay hoàn thành lại mua đồ ngon cho chàng. Nghĩ lại lần trước định ra tay giết Mao Sơ, Tống Liễn càng giận mình.

Nhưng khi vừa uống một ngụm rượu Mao Sơ rót, chàng liền giật ngửa sùi bọt mép, rồi chết trợn mắt, trong miệng vẫn chưa nhai hết thức ăn.

Mao Sơ sát chồng, liền phi tang tất cả, đợi người tình đến. Nhưng sáng hôm ấy, không phải là chàng thư sinh giàu có hôm nào, mà là cả toán lính ập tới, bắt nàng nhốt vào đại lao. Đúng canh ngọ, Mao Sơ bị điệu ra trước pháp trường, phạt hình ngũ mã phanh thây.

Trước khi chết, nàng thấy bóng dáng Tống Liễn trước mặt nàng với hai hàng nước mắt, nàng hiểu ra tất cả, kêu lên một tiếng cuối cùng rồi tắt thở. Đúng lúc ấy, Tống Vĩnh đang nằm trong nôi bỗng khóc ré lên.

Đến sau, Tử Minh băng hà, lập chiếu cho Cửu hoàng tử lên ngôi vua, nhưng bị một nhân tài đứng lên, lãnh đạo chống đối, truất ngôi, giết vua, tru di cửu tộc họ Triệu.

Anh tài ấy tên gọi Tống Vĩnh, được Triệu Tử Minh nhận nuôi ngay từ nhỏ.

Lời bình: Xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, phụ nữ phải biết an phận, người đời cho đấy là phải đạo.

Dẫu biết rằng " Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", nhưng khi lên ngôi, mệnh là thiên tử, phải biết anh minh mà xử, nghĩa lý mà suy. Tử Minh được trời thương trọng dụng, lấy mạng người đùa vui, khiến gia đình tan tác bi ai. Oán hồng trần tất trả, hà cớ phải để đời sau kéo cốt tru di.

" Đừng nói nhân quả không ai thấy
Xa trả con cháu, gần trả mình"

Nàng Mao Sơ đáng giận nhưng cũng đáng thương, hoàn cảnh bi đát đẩy nàng vào chốn đáng giận. Một phần cũng vì xã hội phong kiến, không cho phép phụ nữ được lựa chọn, bày tỏ nỗi lòng.

Trách Tống Liễn quá mực thương vợ, quá hiền lành nhu nhược. Cũng đành chịu thôi, vua là thiên tử, lời vua là thánh mệnh, Tống Liễn cũng chỉ là một trong những nạn nhân của bất công, bị ép vào đường cùng.

Tống Vĩnh sau này tuy truất ngôi, giết vua, là tội tày trời, nhưng cũng không thể trách. Thiếu thốn tình thương, trả thù cho cha mẹ, Tống Vĩnh cũng là làm trọn đạo.

" Ác giả ác báo vần xoay
Hại nhân nhân hại xưa nay lẽ thường"

Xã hội thối nát, lạc hậu đã đưa đẩy con người ta vào vũng bùn tội lỗi.

Đừng trách Mao Sơ, thương Tống Liễn, giận Tử Minh, oán Tống Vĩnh, họ có cái cần giận, nhưng cũng có cái cần thương, họ cùng mang thân phận nạn nhân mà thôi...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top