Câu chuyện thứ hai: Kiếp này, tôi chỉ là một chú mèo!
Đầu xuân, trời mưa rả rích cả ngày, độ ẩm lên tới hơn 90% nên thứ gì cũng ẩm ướt, đến cả mặt kính còn mờ nhòe đi vì hơi nước đọng. Nhưng cho dù màn mưa ngoài kia có xám xịt đến đâu, mặt kính có nhòe đến mức nào, nếu em về, tôi vẫn nhận ra bóng dáng của em ngay.
Kiếp này, tôi chỉ là một chú mèo!
Năm nay tôi đã 12 tuổi, có lẽ so với tuổi con người thì không là gì, nhưng so với loài mèo, tôi đã đi được cả một chặng đường dài lắm rồi.
Tôi nằm lì trên bậu cửa sổ, đợi em đi làm về, bà chủ của tôi, cũng là mẹ của em, thấy tôi cả người run lẩy bẩy vẫn cố lết đến chỗ này, liền lót cho tôi một cái ổ ấm áp, còn cẩn thận bật thêm đèn sưởi vì sợ thân nhiệt của tôi quá thấp để duy trì sự sống.
Phải, tôi là một chú mèo đã già, đang trong cơn đau ốm và sắp giã từ thế giới này.
Không phải thương xót cho tôi đâu, bạn biết không, điểm khác biệt giữa một con mèo và một con người, đó là con người lãng phí cuộc sống nhưng lại sợ hãi cái chết, còn loài mèo thì khác, tận hưởng từng giây phút trong đời, rồi lặng lẽ tìm một góc, ung dung nằm chờ Tử Thần đến.
Đáng lẽ tôi cũng phải tìm cho mình một góc rồi, dưới chân giá sách, hay trên nóc bể cá cũ trong kho chẳng hạn, nhưng tôi còn phải chờ em!
Cả người tôi mềm nhũn, da dán vào xương, số thịt mỡ tích trữ được mười mấy năm biến mất sạch kể từ khi ốm, hơi thở dồn dập trong vô thức, thỉnh thoảng thấy bà chủ lo lắng đẩy lưỡi vào miệng cho mình, tôi nhận ra cơ hàm của mình cũng đã rệu rã lắm rồi. Hai con mắt lờ đờ trông ra ngoài cửa, híp lại thành một dải mỏng dính, chỉ đủ để lọt vào bóng dáng của một người.
Trong cơn nửa tỉnh, nửa mê, tôi chợt nhớ đến những lần gặp gỡ em, ở những kiếp sống khác, tất thảy đột nhiên được ùa về một cách cực kì chân thực.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên gặp em, cách đây rất lâu rồi, chẳng đến ngàn năm nhưng cũng đã ngót nghét vài trăm năm. Lúc ấy, tôi cũng là người, một chàng trai trẻ măng, vừa nông nổi vừa tràn đầy hi vọng. Tôi lên kinh ứng thí cùng bạn bè, dừng chân lại ở hàng nước nhỏ dưới gốc đa khổng lồ, trời trưa nóng bức, em cầm chiếc quạt phe phẩy, hai gò má ửng hồng, nở một nụ cười rạng rỡ hơn cả nắng. Bát nước trà xanh tỏa mùi hương khiến người ta thanh thản, phản chiếu gương mặt đã đỏ dừ của tôi. Tài học của tôi chẳng bằng chúng bạn, cũng chẳng đỗ đạt được gì cao, đành làm một ông đồ mở lớp dạy trẻ ở ngoài thành, may mà em không chê, cứ như vậy mà chúng ta nên duyên vợ chồng. Có điều, sau đó vài năm, quan tham mù quáng vô độ, đê điều không được tu sửa bị vỡ, lũ dâng cao tràn khắp xóm làng, nhấn chìm hết đồng ruộng. Hai vợ chồng ôm đứa con nhỏ đương khóc đến lạc giọng, cố níu vào thân cây giữa con nước dữ, nước mỗi lúc một dâng cao, hai người lớn chen chúc không đủ chỗ bấu víu, em nhìn quanh bằng đôi mắt lạc thần, rồi quay ra quả quyết ấn đứa con nhỏ vào tay tôi, xé lấy mảnh vải buộc chặt tay tôi vào nhánh cây. Sau đợt nước lớn cuộn đến, em bị dòng nước xiết cuốn trôi, trước khi đi vẫn mỉm cười rạng rỡ y như lần đầu gặp mặt. Tôi không bao giờ tìm thấy em, giữa hàng núi xác người chết trôi đã trắng bợt, không thể đắp cho em một ngôi mộ tử tế.
Thân thể nhỏ bé của tôi run lên bần bật, đứa em trai nhỏ của em lo lắng vỗ nhè nhẹ, cậu nhóc tội nghiệp, chẳng ngồi yên lúc nào, chốc chốc lại đến bên xem xét, thì thầm động viên tôi:
"Cố lên Miu ơi, ngày mai mày sẽ khỏe lại thôi mà!".
Cảm ơn cậu bạn nhỏ, tôi thấy cậu lén chạy vào nhà tắm khóc mấy lần, tôi cũng đang cố gắng đây, vậy nên cậu cũng cố gắng nhé, đừng khóc!
Kiếp thứ hai, nghĩ lại thấy cũng hơi buồn cười, thế nào mà tạo hóa lại cho tôi trở thành một cô gái, đã vậy còn là mỹ nhân có tiếng khắp kinh thành. Tất nhiên, tôi vẫn đem lòng yêu em ngay từ cái nhìn đầu tiên, chẳng khác gì kiếp trước, có điều lại là mối duyên oan nghiệt. Em không những là hòa thượng, lại còn là một hòa thượng trẻ tuổi nhưng đạo hạnh cao thâm, được vua mời vào phổ tự trong cung cầu phúc cho quốc thái dân an, nguyện vĩnh viễn chẳng đặt chân ra ngoài nửa bước. Kiếp này thì chẳng có gì nhiều, em thậm chí còn chẳng nhớ cô gái chăm chú chạy theo mình suốt dọc đường nhất quỳ nhất bái vào cung. Sau này, cô gái ấy mù quáng đến độ, dùng nhan sắc kiều diễm của mình vào cung làm phi tử của vua, chỉ để mỗi năm một lần, đến dịp Phật Đản, được cùng chúng phi quỳ phía dưới nghe em giảng kinh. Cô gái si tình ngu ngốc, à, mà cô ấy chính là tôi còn gì.
Kiếp thứ ba thực sự đau khổ, nếu bây giờ, tôi là một chú mèo, ít nhất vẫn có thể ở bên em, an ủi em, còn lúc ấy, tôi đầu thai thành cây hồng trước sân nhà em, không những chẳng thể che chở, bảo vệ em dưới thời mưa bom bão đạn, đã vậy còn phải nhìn em và thằng nhóc nhà bên lớn lên bên nhau, tình tự bên nhau, kết hôn rồi sinh con. Cũng đành là thằng đó sẽ đem lại hạnh phúc cho em đi, nào ngờ hắn lại theo lời tổng động viên, cầm súng ra chiến trường bảo vệ quê hương xứ sở. Em nuôi con cái lớn, chăm sóc cha mẹ hai bên, và đứng dựa vào thân cây của tôi mà chờ đợi từ năm này qua năm khác. Chưa bao giờ tôi lại giận sự vô dụng của bản thân đến thế, sao không phải cây cao bóng cả gì mà chỉ là cây hồng mảnh dẻ, ngay cả bóng mát cũng nhỏ bé. Rồi cũng dưới tán cây thưa thớt ấy, em ngã quỵ khi hay tin chồng mình hy sinh trên chiến trường. Ngay từ đầu, tôi đã biết thằng nhóc ấy không đáng tin mà, nước mắt của em thấm vào đất, khiến tôi cũng rùng mình chua xót. Mấy chục năm sau, cũng dưới tán cây ấy, con cái đã trưởng thành, cha mẹ về với đất, em trở thành bà cụ tóc bạc, ngồi tựa bên gốc cây trút hơi thở cuối cùng.
Bà chủ quay lại kiểm tra tôi, bơm thuốc vào miệng tôi, chỉnh lại đèn sưởi cẩn thận rồi mới trở vào bếp, trước khi đi vẫn ngoái lại không yên. Ông chủ, tức là ba của em, đang an ủi con trai nhỏ:
"Bố trông hôm nay Miu thở đã mạnh hơn hôm qua rồi đấy!"
"Lúc nãy con còn thấy nó ngẩng lên nhìn con nữa! Nó sẽ không sao đâu!".
Cảm ơn vì đã lo cho tôi nhé!
Cả người tôi như sắp tan thành nước đến nơi, ngoài trời mưa vẫn không ngừng, có lẽ em về sẽ gặp mưa, đường đã hay tắc, lại còn mưa lạnh, mong em đi về bình an.
Mà đến đâu rồi nhỉ, kiếp thứ tư, chúng ta gặp nhau hết sức thuận lợi, học chung đại học, kết hôn, rồi sống với nhau đến già, bình yên cả một đời. Tôi sống lâu hơn em vài năm, đến lúc tỉnh lại ở kiếp này, đã thấy mình làm một chú mèo nhỏ.
Tôi sinh ra trong ổ mèo hoang, trong một hốc tường rỗng gần nhà em, mèo mẹ đã bỏ đi đâu không rõ, đám mèo con vì đói bụng bỏ ra ngoài, đứa bị xe chẹt chết, đứa chết đói ngoài đường. Lúc ấy em mới học lớp 8, trên đường đi học về, trời cũng mưa rả rích như hôm nay đây, em nghe thấy tiếng kêu yếu ớt của tôi như một định mệnh. Hóa ra sợi dây gắn bó chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác cũng chặt chẽ đến thế. Và tôi về đây, sống với gia đình em hơn 12 năm trời. Thân từng mặt người, quen từng ngóc ngách trong nhà, nhìn em trưởng thành, đợi em đi học về, ở bên em khi em buồn bã, khi em tập tành làm chiếc bánh đầu tiên, rồi công việc đầu tiên...
Hai ngày trước, tôi đột ngột đổ bệnh, em đã đứng rất lâu, ôm tôi vào lòng, tôi gác mặt lên vai em, áp mặt vào má em để ghi nhớ mùi hương của em, hơi ấm của em, để không bao giờ quên được. Và hình như em cũng như vậy, vùi mặt vào bộ lông của tôi, em đã khóc rất lâu.
Xin lỗi vì đã làm em lo lắng, trong những đêm ấy, em ngủ chập chờn, thỉnh thoảng lại trở dậy xem tôi còn thở không.
Tôi thở hắt thật mạnh, nhỏm người dậy, nhìn bóng người ngoài cửa sổ, đang vội vàng dựng xe, cởi bỏ áo mưa, chạy vào nhà.
"Miu thế nào rồi mẹ!?". Em thở hồng hộc vì gấp gáp, hai bên tóc còn ướt nhẹp vì mưa.
"Hôm nay nó còn nhỏm dậy nhìn em đấy!". Em trai em khoe.
"Thế à, cầu trời, mong cho Miu mau khỏe lại! Chị cứ thấp thỏm mãi nên xin về bằng được, nhất quyết không làm thêm giờ!". Em nhẹ nhàng vuốt ve cái đầu của tôi.
Tôi thở hắt thêm lần nữa, ngẩng đầu nhìn em, lưu luyến hơi ấm trong lòng bàn tay em, tôi sẽ nhớ kĩ cảm giác ấm áp này.
"Mẹ ơi...con không thấy Miu thở nữa...Mẹ ơi, mình làm thế nào bây giờ...?". Em hoảng hốt, nước mắt vốn chực rơi bất cứ lúc nào khiến cho giọng nói đặc quánh lại.
Ngả đầu vào lòng bàn tay em, tôi thanh thản ra đi. Cảm ơn em, vì đã yêu thương tôi một lần nữa.
Hẹn gặp lại.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top