Mạnh dạn rời xa vòng tay cha mẹ

Trước nay tôi luôn cảm thấy mình thông suốt vì dạo đó tôi quyết định rời xa nhà, rời xa vòng tay của cha mẹ để sống cuộc đời tự lập. Mặc dù đôi lúc tôi yếu lòng chỉ muốn chạy ùa về nhà vì những sóng gió của cuộc đời.

Những năm hai mươi hai tuổi, sau một năm bước ra đời đi làm, vật lộn ngoài xã hội mới nhận ra đời không như là mơ, lúc ấy lý tưởng của tôi là muốn được làm việc gần nhà, ăn cơm mẹ nấu ngày ba bữa, sống cuộc đời bình an ngày qua ngày. Tôi như con nhím bị nhổ sạch gai nhọn, không thể xòe ra với đời nên trở nên yếu mềm. Tìm kiếm hàng vạn lý do để được dừng chân tại quê nhà càng lâu càng tốt. Song may thay, lúc đó một chút sôi nổi tuổi trẻ của tôi còn xót lại, đôi chân cuồn đi của tôi vẫn muốn sải những bước dài ra những vùng đất mới. Muốn được đi du lịch đó đây ngắm cảnh hay vật lạ. Một chút xót lại đấy đã đưa tôi đến quyết định mà bây giờ tôi luôn cảm thấy may mắn vì lựa chọn ấy.

Không chỉ riêng gì mình tôi, tôi tin chắc có khá nhiều cô cậu cùng tuổi bấy giờ khi gặp phải một vài sự cố nhỏ đều muốn trốn về ở cạnh cha mẹ. Bởi ai cũng muốn cuộc sống yên bình chứ ai lại chịu cuộc đời lắm bể dâu.

Lắm người hay nói: "Nếu đi làm xa thì một năm về nhà thăm cha thăm mẹ được bao lần. Nhiều lắm là một năm hai lần, nhân thêm vài chục năm nữa cũng lắm cũng chỉ được một trăm lần được ở cạnh cha cạnh mẹ."

Họ bấu víu vào những điều đó mà thoái thác với cuộc đời, muốn dừng chân lại bên đồng quê bát ngát. Nhưng mấy ai hiểu cha mẹ nào sống ngàn đời bên ta. Bạn từ bỏ tuổi trẻ đầy hừng hực sức sống để ở cạnh cha mẹ, song những năm về sau cha mẹ một mai khuất bóng thì đâu còn ai lo cho bạn, chỉ có thể tự bạn lo cho bản thân, nhưng khi bước sang tuổi tứ tuần không tiền tài không sự nghiệp, khi ấy càng dễ nhận ra cuộc đời thất bại, rồi lại hối hận tại sao tuổi trẻ lại không vương dài tay ra để cố gắng.

Những năm hai mươi mấy tuổi, áp lực công việc ngày ngày bủa vây. Cơm ăn bỏ bữa như một điều tất nhiên. Tôi thật chỉ muốn về cạnh bên gia đình, sum quầy bên nhau như những ngày còn thơ ấu. Song Ba tôi luôn nhắc nhở tôi rằng. "Để các con ăn học là muốn các con có một tương lai tốt đẹp hơn. Ở quê nhìn thì thư thả thoải mái, nhưng làm nông tay chân nhọc nhằng không phải ai cũng chịu đựng được. Nắng gió ngoài đồng, mưa bão ngập lụt. Sâu bọ quanh năm. Thu hoạch ba tháng một vụ dùng chi tiêu tiết kiệm lắm cũng luôn bị thâm hụt." Vì những câu nói này mà những lúc tôi yếu lòng, tôi cố bám trụ lại nơi đất khách mà cố gắng. Tương lai tươi sáng, không chôn vùi những năm ăn học ở quê nhà đó chính là điều làm cho Cha mẹ vui lòng rồi.

Sang năm 30 tuổi, tôi có cái nhìn khác về cuộc đời. Thế giới bao la là để ta khám phá. Được rời xa vòng tay cha mẹ để tự lập cũng là một quyết định ảnh hưởng to lớn đến tương lai cuộc đời về sau. Bạn quyết chí rời xa cha mẹ, rời xa làng quê yên bình để đến với thế giới to lớn ngoài kia, thì rủi ro bạn có thể va phải cũng to lớn hơn nhiều, song thành công bạn có thể đạt được thì người ở quê chỉ có thể ngước nhìn mà ao ước. Đi qua nhiều chông gai ngoài cuộc đời, thì về sau dù có gặp phải vạn vật cản nào nữa ở phía trước, thì bạn vẫn có thể điềm tĩnh vượt qua.

Nếu ai đó chỉ muốn sống an nhàn tự tại thì ở lại quê nhà không ganh đua, không bon chen, thì cũng đừng nhìn vào cuộc đời của người khác tươi đẹp bên ngoài kia mà chạnh lòng. Bởi quyết định làm điều gì cũng phải trả giá nghiêm túc mới có thể đạt được thứ mình mong mỏi.

Tôi có một cô bạn tên là Ni Ni. Dạo gần đây tâm trạng Ni Ni ngày một tồi tệ. Cô ấy hay tâm sự với tôi rằng: "Mình chả biết bản thân mình thích làm gì, cũng chẳng biết làm tốt điều gì cả. Đã gần 30 tuổi nhưng mình thật sự không rõ ước mơ của mình là gì. Mình lại học hành không giỏi, đầu óc cũng không thông minh lanh lợi như cậu. Cậu lại được học Đại Học, nay lại làm cho công ty nước ngoài lương cao. Mình thì lại làm công việc nhà nước nhưng không được vào biên chế, lương bèo bọt không quá chục triệu một tháng bao giờ. Thật sự cuộc đời này mình thấy bản thân mình thật thất bại chả ra làm sao. Cũng chưa quen được ai tử tế, con nhà khá giả để nuôi được mình sau này. Chỉ thấy tương lai một màu đen tối. Hay là mình cũng nên nhắm mắt đưa tay, lấy đại một anh Việt Kiều Mỹ rồi qua đó ăn sung mặt sướng như Ái Ái cho rồi."

Ái Ái là một người bạn khác của chúng tôi. Xưa giờ Ái Ái luôn mộng cao hơn người. Từ lúc tốt nghiệp cấp ba lẫn suốt quãng thời gian học đại học, Ái Ái chỉ muốn lấy chồng ngoại quốc, lấy chồng Việt Kiều Mỹ, để được đến vùng đất mới giàu sang trù phú ấy sinh sống. Sau này Ái Ái được một người quen bên Mỹ giới thiệu cho một người đàn ông đã có tuổi, nhỏ hơn mẹ của Ái Ái chừng vài tuổi thôi. Nhưng Ái Ái bảo đó là tình yêu, tuy chỉ gặp mặt được đúng hai lần nhưng Ái Ái vẫn quyết kết hôn. Cuộc đời riêng của mỗi người nên chúng tôi không tiện can ngăn hay khuyên giải. Chỉ biết cầu chúc bạn mình được hạnh phúc ở trời Tây. Ái Ái sang bên Mỹ chừng được vài tháng, hình ảnh tươi mới hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ ngập tràng mạng xã hội. Xe hơi đưa đón, phong cảnh thời thường khiến chúng bạn ở quê nhà không khỏi suýt xoa. Bởi vậy nên Ni Ni nhìn vào đấy cũng không khỏi ganh tỵ.

Thấy Ni Ni buồn tôi khuyên nhũ Ni Ni thế nào thì Ni Ni cũng không chịu. Mỗi khi tôi đưa ra lời động viên hay lời khuyên can thì Ni Ni cũng bảo cuộc đời của tôi khác, không thể hiểu cảm giác của cô ấy đang trãi qua như thế nào. Bởi Tôi đang có một tình yêu đẹp với người có công việc thu nhập ổn định. Đã thế công việc của tôi lại có tiềm năng phát triển cao. Nên cho dù tôi có phân tích khuyên can cô ấy, hay vực cô ấy dậy, cô ấy cũng đều thấy như quá sức đối với bản thân.

Ni Ni có lúc muốn nhảy việc, muốn đi làm cho công ty tư nhân trong Tỉnh chứ công việc nhà nước lương bèo bọt không đủ chi tiêu. Tôi cũng khá ủng hộ cô ấy, nhưng vẫn phải giải thích kỹ càng cho cô ấy biết trước:

"Cậu bây giờ cũng còn trẻ, có thể bước ra ngoài để làm ở môi trường mơi năng động hơn, có thể sẽ làm cậu thay đổi suy nghĩ về bản thân mình. Tuy nhiên cậu nên biết làm công ty tư nhân cần cậu quyết tâm hết sức, có sự cạnh tranh rất rõ ràng, bản thân lúc nào cũng phải cố gắng và cố gắng. Thời gian cũng sẽ không rảnh rỗi nhiều như hiện tại một tuần làm 2 ngày nghỉ. Mà đôi khi ngày nghỉ cậu cũng phải giải quyết cho hết việc còn dang dở ở công ty. Nhưng được đổi môi trường mới tốt hơn thì cậu sẽ gặp được nhiều người bạn mới, va chạm nhiều việc sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn nữa. Đây cũng là việc tốt, cậu có thể đi làm trong 3 năm, vừa có kinh nghiệm, vừa có thêm thu nhập ổn, sau đó cậu suy nghĩ kỹ hơn về chuyện mình muốn làm trong tương lai"

Nghe xong thì Ni Ni đổi ý hẳn, không muốn nhảy việc nữa, vì sợ đi làm công ty Tư nhân sẽ bận rộn giống như lời tôi nói. Bởi Ni Ni đã quen với nếp sinh hoạt 1 tuần nghỉ 2 ngày thứ 7 chủ nhật. Công việc thì chỉ có vậy, lập đi lập lại, việc ai nấy làm, không ai nổ lực, không ai tranh giành.

Sau đó Ni Ni lại có ý định nhận công việc làm thêm về nhà làm. Có thể nhận hồ sơ sổ sách ở các doanh nghiệp tư nhân về để lập báo cáo, viết báo cáo tháng ... Nhưng Ni Ni làm đâu vỏn vẹn được hơn hai tháng thì cô ấy lại từ bỏ. Bởi vì phải ngồi máy tính nhiều, Ni Ni sợ ảnh hưởng mắt, ảnh hưởng đến da. Lương làm thêm ngoài giờ cũng chẳng bao nhiêu nên cô ấy không muốn cố gắng nữa.

Rất nhiều lần tôi khuyên cô ấy cố gắng theo đuổi một điều gì đó mà bản thân thích trong vòng một năm. Chứ đừng cả thèm chóng chán như vậy vừa tốn thời gian vừa mệt mỏi. Song từ nhỏ đến lớp Ni Ni vốn là người chỉ chú trọng vẽ bề ngoài của bản thân, chỉ thích làm theo cảm tính chứ chưa thật sự chuyên tâm về điều gì. Nên e rằng bây giờ để cô ấy sửa đổi điều đó thật sự rất khó.

Cô ấy nói rằng tôi là người khá may mắn, vì sinh ra vốn là người thông minh, bản lĩnh. Muốn làm gì là được đấy, được cha mẹ hết mực yêu thương ủng hộ. Còn cô ấy từ nhỏ cha mẹ chỉ biết kèm cặp dè chừng, đi chơi cũng phải bắt về đúng giờ, thậm chí đi tắm biển về cũng bị mẹ rầy la chỉ vì da bị cháy nắng.

Nhưng Ni Ni thật sự không để ý rằng, tuổi thơ của chúng tôi đôi khi chẳng ai hơn ai. Có khi cô ấy còn được ưu ái hơn tôi về nhiều mặt. Gia đình tôi thu nhập chủ yếu dựa vào việc làm nông sản của cha mẹ. Còn gia đình Ni Ni ngoài việc làm đồng án ra, còn có lương của các anh chị lớn đi làm gửi về, thêm nữa hàng tháng đều có người họ hàng từ Mỹ gửi tiền về cho. Có lúc vài trăm có khi vài ngàn USD. Nhưng tôi nghĩ chính là do cách sống, do tính cách con người làm nên số phận riêng biệt nhau.

Tôi và Ni Ni bạn từ thời cấp 2. Trường cấp 2 lúc ấy ở xã khá nhỏ, chỉ được chia ra làm 3 lớp cùng khối. Nhưng suốt những năm cấp 2 chúng tôi chưa từng học cùng lớp với nhau. Song vì gần nhà nên chúng tôi khá thân thiết. Mãi đến năm cấp 3, trường Huyện gồm 13 lớp cùng khối, nhưng may sao chúng tôi lại được xếp học cùng lớp. Nên chúng tôi càng thân nhau như hình với bóng. Thời đấy tôi là người khá đen đúa, cao cao, gầy còm, Còn Ni Ni lại khá trắng trẻo tròn trịa. Chúng tôi được mệnh danh là đôi bạn số 10.

Trong lớp tôi là người khá trầm tính, khó làm quen với các bạn khác, song Ni Ni lại là người dễ gần gũi, tuy chúng tôi ngồi cùng tổ với nhau nhưng mọi người lại gần gũi với Ni Ni hơn. Lúc đấy bản tính tôi khá hướng nội, những người mới tiếp xúc lần đầu hầu như rất ít có thiện cảm với tôi. Nên sau mỗi giờ học, những giờ giải lao tôi thường ngồi yên một chỗ đọc sách báo hoặc đọc truyện. Có khi suốt 4 tiếng liền không nhếch mông ra khỏi ghế lần nào nếu như không bị thầy cô gọi lên bảng.

Song Ni Ni lại khá hòa đồng, có thể nói chuyện rộn rã với những người bạn mới quen, cùng nhau ăn xoài, ăn ổi và kể truyện cười. Khi thân thiết với các bạn cùng tổ hơn thì Ni Ni thường kéo thôi theo các buổi hội họp ngoài giờ. Vì có Ni Ni nên dần dần tôi cũng quen các bạn khác, khi đã quen quen rồi thì tôi cởi mở hơn được một chút.

Song trong giao tiếp tôi lại khá tự ti, vì lúc xưa tuổi dậy thì, mặt tôi lại lấm tấm mụn trứng cá nhìn không thiện cảm chút nào. Tôi hay tự soi gương và nhiều lần oán hận, đôi lúc là khóc lóc thảm thiết ỉ ôi vì chữa trị mãi không hết mụn. Nhìn các bạn nữ khác mặt trắng nõn nà, môi hồng xinh xắn không khiến tôi khỏi ganh tỵ. Nước da của Ni Ni cũng nổi bật hơn hẳn các bạn cùng lớp, vì vốn dĩ Ni Ni là dân gốc vùng khác chuyển về quê chúng tôi sống. Nắng cháy khô đồng nhưng không làm da Ni Ni đen đi chút nào theo năm tháng.

Lúc đấy không có điều kiện tìm hiểu các loại thuốc tốt để trị dứt điểm, mà chỉ mua vài tuýp thuốc rẻ bèo ngoài chợ tầm vài chục nghìn, nên khiến da tôi ngày một tệ hơn. Điều đó khiến con người tôi càng trầm lặng và u tối hơn. Nhìn Ni Ni luôn tự tin nhìn vào mắt người khác cười nói tôi rất ngưỡng mộ, cũng có khá nhiều chàng trai để ý đến Ni Ni hơn. Sau những buổi học Ni Ni thường hay tụ tập với bạn bè để đi cà phê, hay picnic, hát hò.

Còn tôi thi thoảng lắm, cực chẳng đã bị Ni Ni kéo theo thì mới đi một lần, còn lại tôi thường nằm nhà đọc truyện hơn.

Ni Ni được Bố mẹ yêu thương hết mực, vì là con út trong nhà nên Ni Ni chẳng cần động tay vào việc gì, đã có các chị gái lo cho tất cả. Ni Ni chỉ việc học, ăn và ngủ. Nhưng Ni Ni vốn là người ham chơi, trong giờ học cũng hay mơ màng suy nghĩ, không tập trung bài giảng nên đôi lúc không hiểu bài.

Những lần cận kề các tiết kiểm tra hay thi giữa kỳ, các bạn cùng lớp thường tụ tập nhà của một bạn học để học nhóm, ôn bài cũ, và giúp nhau giải đề thi thử. Lúc đấy tôi phải thức nguyên cả một đêm cùng các bạn khác để đọc bài cho hiểu bằng được. Quay sang thì Ni Ni đã lẻn về nhà ngủ mất rồi.

Ni Ni là người phải ngủ trưa bằng được. Buổi chiều có giờ kiểm tra thì tôi hay lôi các sách ra đọc cho thuộc nằm lòng. Còn Ni Ni thì phải ngủ ít nhất 1 tiếng rồi mới thức dậy vội vàng chạy đến lớp.

Ngoài giờ học Ni Ni thường xem các chương trình truyền hình, xem ca sĩ hát múa... Không thì lại lén bố mẹ để tập tụ đi chơi.

Tôi lại hay dành tiền tiêu vặt mẹ cho để mua những quyển báo Hoa học trò, hay Mực Tím rồi nằm nhà đọc dù trời mưa hay trời nắng. Lúc tiết kiệm được hơn một trăm ngàn thì tôi mạnh dạn đạp xe ra thư viện Huyện để đăng ký làm thẻ hội viên. Tôi có rủ Ni Ni đi cùng để có thể ngồi đọc sách cùng nhau vào cuối tuần. Nhưng Ni Ni bảo không hứng thú lắm. Về sau, tôi nói mãi Ni Ni mới chịu đi cùng. Nhưng sách Ni Ni mượn về đọc chủ yếu chỉ có Tiểu Thuyết, thời đấy nổi tiếng nhất là tiểu thuyết của Quỳnh Giao. Tôi lại thích đọc truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh, thi thoảng thì là sách về khoa học tự nhiên, môi trường, đôi lúc là sách về nghị lực hơn. Tôi chỉ mượn Tiểu Thuyết về cho chị gái và các dì của tôi ở nhà đọc ké thôi. Tôi mà đọc truyện tình cảm đúng 3 trang là lăn ra ngủ khì rồi. Có khi đã vội lật sang trang cuối xem cho mau biết hồi kết. Đôi lúc chỉ cần đọc vài trang đầu, vài trang giữa, rồi đến trang cuối là tôi đã nắm được toàn bộ câu chuyện tình yêu trong câu truyện đó. Ni Ni thì có thể đọc xuyên ngày xuyên đêm, khóc lóc ỉ ôi khi gặp cảnh nữ chính bị ngược. Hay khóc lóc vì nhân vật Nam chính đau lòng.

Sau khi đọc truyện tôi thường hay ngẫm nghĩ về các nhân vật, đôi khi cũng thử viết cảm nhận về tác phẩm như một dạng văn phân tích, nghị luận. Nên điểm văn của tôi cũng được xem là khá cao trong lớp. Xong môn văn của Ni Ni thì lúc nào cũng không được quá điểm trung bình.

Đến năm chúng tôi chuẩn bị thi đại học. Tôi yêu thích ngoại ngữ nên có tìm hiểu qua các ngành ngoại ngữ đang cần hiện tại. Đến trường mượn sách về ngôn ngữ đó để làm quen trước. Song Ni Ni lại vẫn mãi mê đắm chìm trong các câu chuyện tình yêu, và miệt mài tụ tập chơi bời cùng các bạn. Khó khăn lắm Ni Ni mới đủ điểm Tốt nghiệp và đăng ký đại một chuyên ngành Đại Học, chứ hoàn toàn không tìm hiểu gì về ngành nghề, hay là sở thích của bản thân.

Sau đó tôi rời quê lên thành phố Đà Lạt học 4 năm ròng. Còn Ni Ni đậu một trường cao đẳng tư nhân trong thành phố nhưng bố mẹ Ni Ni sợ Ni Ni vào Thành Phố thân con gái nguy hiểm trăm điều. Lại bao bọc Ni Ni trong vòng tay từ nhỏ nên không có suy nghĩ cho con gái đi học xa xôi. Nên Ni Ni đành học Trung cấp tại một trường trong tỉnh theo ý bố mẹ.

Còn Bố mẹ tôi thì ngược lại, luôn luôn tin tưởng rằng tôi dù chỉ có một mình, hay ở bất cứ đâu đều có thể tự lập được. Từ đấy, con đường tương lai của chúng tôi rẻ sang hai ngã khác nhau.

Tôi không nói học Đại Học thì con đường tươi sáng hơn. Hay tại Ni Ni học Trung cấp nên cuộc đời đang tàn lụi. Ở đây chính là vì tôi lựa chọn rời xa quê để tự lập trên con đường đời của mình. Tôi va chạm nhiều người, gặp phải nhiều sự việc, vượt qua nhiều chuyện khiến tôi có nhiều cái nhìn khác hơn về cuộc sống. Tôi cũng không còn là con bé u tối như ngày xưa, không còn là con người khó gần gũi như thời học sinh nữa. Mà dần dần, cuộc đời bên ngoài rèn giũa tôi ngày một tinh tươm hơn.

Còn Ni Ni, ngày xưa nếu cô ấy dù có học Trung cấp, hay thậm chí học nghề nhưng rời xa khỏi vòng tay bố mẹ thì cuộc đời cô ấy chắc đã khác hiện tại rồi. Nhưng bây giờ, Cô ấy đã quen cách sống có Bố mẹ bao bọc, ăn cơm mẹ nấu ngày 3 bữa. Sáng thức dậy chỉ biết đánh răng rửa mặt rồi đi học. Cho đến tận năm 30 tuổi khi đã đi làm nếp sống của cô ấy cũng không thay đổi gì mấy. Cô ấy không gầy dựng được niềm tin cho bố mẹ, để bố mẹ thấy năng lực của bản thân có thể tự lập như thế nào, cô ấy chủ động dựa vào Bố mẹ mình đến cùng, âm thầm nghe mẹ mắng không cho đi học xa là vội nghe theo. Bố mẹ bảo đi biển nắng cháy da cô ấy liền ngồi nhà. Bố mẹ bảo lên núi đầy thú dữ thì cô ấy ngoan ngoãn ở nhà xem truyền hình. Bố mẹ cô ấy bảo con gái chỉ cần xinh xắn, da đẹp thì không lo ế chồng. Nên cô ấy chăm chăm chú trọng vào vẻ bề ngoài của mình. Để rồi suốt gần 30 tuổi, chưa lựa chọn được chàng hoàng tử nào theo đúng tiêu chí của cô ấy cả.

Chúng ta dù làm gì, học cao hay học thấp, dù trong điều kiện như thế nào, nếu thật sự tự lập được về tính cách trong những năm tuổi trẻ, thì tương lai sẽ vững vàng hơn. Vậy nên, khi bạn đủ mười tám tuổi, bạn nên có suy nghĩ độc lập, và có cuộc sống tự lập. Mạnh dạn rời xa vòng tay của cha mẹ một lần.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top