Mạn đàm về Hương vị của đất

Hương vị của đất – Văn Lang dị sử (Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Những câu chuyện thần thoại về thời Văn Lang được Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết lại, sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc. (Lời giới thiệu của nhà xuất bản ở bìa sau quyển sách)

Đây là truyện dành cho thiếu nhi.

*** *** ***

Trước tiên, phải nói là tham vọng của tác giả khi viết quyển sách này rất lớn. Tác giả cho rằng ngày xưa nước ta là nơi giao tiếp của hai nguồn văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, về sau do bị xâm lược nên mới nghiêng hẳn về một hướng. "Sứ mệnh" của quyển sách này là: Trau chuốt lại thần thoại nước ta và khôi phục một ít ảnh tượng có nguồn gốc Ấn để lặp lại sự thăng bằng giữa ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc và Ấn Độ đến văn minh Việt Nam. (Trích có lược lời của tác giả)

Một số hình ảnh gốc Ấn trong sách: công chúa Sita (chữ a có một gạch phía trên), tên của Lạc Long Quân - Nagajara (chữ a thứ nhất và thứ tư cũng có một gạch phía trên)...

Kiến thức mình hạn hẹp, không biết từ thuở sơ khai nước ta bị ảnh hưởng của Trung Quốc nhiều hơn Ấn Độ, hay ngược lại, hay bằng nhau. Nhưng thiết nghĩ để những ảnh tượng gốc Ấn này được chấp nhận thì việc cần thiết đầu tiên là Việt hóa chúng, tối thiểu là về âm đọc.

Tại sao?

Hãy hình dung, bạn đọc cho mấy bé nghe, hoặc được mấy bé hỏi, bạn sẽ ngắc ngứ như thế này: "Na-ga-gia-ta? Ná-ga-gia-tá? Nà-ga-gia-tà? Ờ... con đợi chút, để ba / mẹ tra từ điển. Mà từ điển trực tuyến có phát âm Ấn là trang nào ấy nhỉ?... À, tìm ra rồi, tìm ra rồi... Nhưng chữ a có dấu gạch này thì bấm bằng cách nào mới ra được nhỉ?"

Sau khi hùng hục tìm được cách đọc chính xác, bạn quay sang, bé ngủ gục mất rồi. Hổng thể nào biết thêm chút xíu nào về lịch sử dân tộc đâu, chứ đừng nói là biết sâu sắc.

*** *** ***

Đó là về hình thức, còn về nội dung, thật sự mình không dám lạm bàn. Vì lúc đọc, trong đầu cứ bật ra những câu hỏi không thể trả lời.

Một vài ví dụ cụ thể.

---

Chuyện Chữ Đồng Tử và Tiên Dung.

Sau khi Mỵ Nương đã nếm được sự thanh thoát an lạc của thiền định, nàng đề nghị với chàng đem tất cả của cải tặng cho người nghèo.... Hai người trở thành không nhà không cửa. Họ chỉ còn giữ một cây gậy, một chiếc nón và một chiếc bình bát để dùng chung. Đi đến đâu họ cũng được chủ nhà mời vào nhà. Chủ nhà nào cũng muốn đãi cơm họ và sửa soạn giường chiếu cho họ ngủ lại... Ngày xưa khi còn vàng bạc kho lẫm họ còn sợ trộm cướp, ngày nay họ không còn gì để sợ mất mát nữa cả.

→ Nghèo mà sướng quá trời quá đất, ăn không phải nấu nướng dọn dẹp, ngủ không phải trải chiếu giăng mùng, lại được đi du lịch khắp nơi không vướng bận. Vậy hai vị giúp người ta thoát nghèo làm gì???

---

Chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh.

(Sơn Tinh đã rước Mỵ Nương đi từ sáng sớm.) Đến gần trưa, Thủy Vương mới đến... Đoàn người tuần tự đi vào cung, đặt những mâm châu báu ấy xuống sập ngự... Mấy lần rồi chàng nhờ người vào thông báo, mấy lần rồi Vua Hùng vẫn lặng tiếng.

→ Gì kỳ vậy? Gả hay không gả thì nói một tiếng. Muốn kéo dài thời gian có rất nhiều cách, làm vậy đến cục đá cũng nổi nóng nữa là. Mình nghi ngờ Thuỷ Tinh tức giận vì không cưới được Mỵ Nương một, nhưng tức giận vì bị khinh thường đến mười.

---

Chuyện về chàng Việt Thường sang nước Chu du thuyết để Chu Thành Vương không kéo quân đánh nước ta. Chàng này có thể hiểu được tiếng nói của muôn loài.

Chính một nhà buôn từ miền Bắc đi xuống đã báo cho chàng cái tin nhà Chu có ý sửa soạn binh mã để chinh phục Văn Lang. (Sau đó chàng đang nằm suy nghĩ thì thấy một đàn chim trắng bay ngang, kêu gọi nhau đáp xuống gần chàng.) Việt hỏi:

- Chim có ý gì giúp ta không?

- Sao lại không? Chúng em do Bà Chúa Âu Cơ sai đến dâng kế cho Lạc hầu. Đức bà dạy là Lạc hầu nên sửa soạn du thuyết bên nước Chu.

- Nhưng nước Chu ở xa, đi bao giờ cho đến?

→ Ối trời ơi, sao lúc nãy không hỏi ông nhà buôn? Giả sử ông ta không phải người nước Chu mà chỉ ở đâu khoảng giữa giữa hai nước thì Lạc hầu này lo cái gì? Ta đi không được thì địch đi bằng cách nào?

Cảnh vào chầu Chu Thành Vương.

Cuối cùng, đoàn sứ giả được đưa đến trước điện Vua Chu.

- Kính xin Đức Vua cho chúng tôi làm lễ chào hỏi theo nghi thức Văn Lang.

Chàng nói câu trên bằng tiếng mẹ đẻ của chàng, tiếng Văn Lang, mà không phải tiếng Chu. Chàng nghĩ phải giữ thể thống cho văn hóa nước nhà...

→ Có lòng tự hào dân tộc. Tốt!

Vua Thành Vương không hiểu tiếng Văn Lang. Quay lại hỏi những văn quan đứng hầu phía trái của Vua. Những vị văn quan này cũng nhìn nhau, không ai nói được tiếng Văn Lang. (Sau đó Vua cho tìm người thông dịch.)

→ Lúc còn ở bên ngoài, khi tự giới thiệu và xin diện kiến Vua Chu, chàng này đã nói gì và nói bằng tiếng gì để quân lính cho chàng vào?

Nếu nói bằng tiếng Văn Lang, thì quân lính đâu hiểu chàng là ai, chàng muốn gì, thì làm sao chàng vào đến Kim Loan điện được? Vua nhìn thấy chàng, và chỉ có chàng, không có thông dịch viên đi cùng, thì Vua phải tự hiểu là: "Tên này biết nói tiếng Chu. Ta sẽ ra lệnh cho hắn nói bằng tiếng Chu cho dễ hiểu." chứ. Tìm người thông dịch làm gì cho rộn chuyện?

---

Chuyện Lý Thân (Lý Ông Trọng).

Quan Bồ Chính (Lý Thân) thường hay vời chàng (Cao Lỗ) tới công đường để đàm đạo, uống rượu, làm thơ và tổ chức đi du ngoạn núi nước trong vùng.

Rủi thay một hôm kia, một vị Lạc tướng của Vua Hùng đi tuần thám qua huyện gặp lúc hai người vắng mặt tại công đường. Họ đang uống rượu ngâm thơ trên một chiếc thuyền, lênh đênh ngoài sông nước. Vị Lạc tướng đợi đến chiều mới thấy hai người trở về nhiệm sở. Trước mặt nha môn và binh sĩ, quan Bồ chính và viên đội trưởng bị quan Lạc tướng đánh đòn.

Xấu hổ vì bị làm nhục trước mặt mọi người, Cao Lỗ tìm cách vận động để được trở về Phong Châu...

Sau khi từ chức Bồ chính quận Từ Liêm, Lý Thân ra nước ngoài du học. Ông thường nói: "Đời ta phải được tự do như chim loan chim phụng, một lần bay là xa ngoài vạn dặm, đâu có phải để cho thiên hạ được làm nhục dễ dàng?"

→ Thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt là gì?

Trong giờ làm việc, bỏ nhiệm sở đi chơi bời thì bị phạt là lẽ tất nhiên. Hành động này không thể coi là làm nhục. Nếu có thêm thông tin đi chơi phạt bổng lộc một tháng, mà Lạc tướng lại phạt đòn trước mặt mọi người, thì mới có thể gọi là làm nhục.

Chỉ với bao nhiêu thông tin đó, thì phạt là đúng.

Chi tiết này dễ gây hiểu lầm rằng người tài muốn làm gì thì làm. Dù trái với luật pháp hay nguyên tắc, cũng không ai được phạt. Ai phạt là làm nhục.

---

Chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu

Tiếng vó ngựa đuổi theo phía sau vọng lại rõ mồn một... Bỗng từ dưới nước, một con thần quy màu vàng rực rỡ nổi lên. Kim Quy nói:

- Mau lên, giặc ở ngay sau lưng rồi.

Vua Thục ngoảnh lại nhìn phía sau. Một đoàn kỵ binh xuất hiện phía cửa rừng, bụi tung mờ mịt. Mỵ Nương Thanh Châu tưởng Vua quay lại nhìn mình...

... Nàng rút thanh gươm ở lưng Vua Thục, đâm vào bụng nàng.

Còn ngơ ngác..., Vua Thục không kịp ngăn cản...

- Mau lên đi, giặc ở ngay sau lưng rồi!

Tiếng nói oang oang của thần Kim Quy lại vọng lên..."

→ Thần thánh gì kỳ vậy nè???

Phải thừa nhận rằng phiên bản này "có hậu" hơn phiên bản chính tay An Dương Vương đâm chết Mỵ Châu. Vì dù sao trong chuyện này, nếu Mỵ Châu lơ là nhẹ dạ cả tin một, thì bản thân là vua một nước, An Dương Vương lơ là nhẹ dạ cả tin đến mười. Nếu nói "giặc" nào phải chịu trách nhiệm lớn nhất về việc mất nước, thì đó chính là An Dương Vương, chứ không phải Mỵ Châu.

Có điều, đọc phiên bản này, mình lại bị đơ mất mấy giây. Cảm giác lạ lẫm! Không phải vì không chấp nhận được cách lý giải mới, mà là vì cứ mãi thắc mắc "Sao thần Kim Quy "ngố" vậy? Gây ra hậu quả nghiêm trọng rồi thấy chưa?"

*** *** ****

Sau Trăng nước Chương Dương (viết năm 1972) của cố nhà văn Hà Ân thì đây là quyển sách thứ hai dành cho thiếu nhi (viết năm 1974, xuất bản lần đầu năm 2016) mà mình phải thừa nhận rằng mình không hiểu.

Ở cái tuổi huốt thiếu nhi lâu rồi, mình phát hiện ra mình không hiểu truyện dành cho thiếu nhi. Có vẻ là một phát hiện rất thú vị!

Nhưng hai cái không hiểu này khác nhau lắm.

Nếu Trăng nước Chương Dương thôi thúc mình đi tìm những quyển từ điển xưa nhất, cũ nhất để tận hưởng đến tận cùng vẻ đẹp tuyệt vời của những phép so sánh văn hoa mà bình dị rất Việt Nam của tác giả Hà Ân, thì Hương vị của đất hoàn toàn làm mình nhụt chí. Không hiểu quá nhiều, mà không biết hỏi ai, và cũng không muốn hỏi.

Vâng, không muốn hỏi. Bởi lẽ, mình nhận ra mình quá già để có thể bỏ qua những chi tiết thần thoại phi logic trong truyện; nhưng mình lại quá trẻ để có thể hiểu hết những ẩn ý của tác giả khi đưa những chi tiết mới vào. Và việc hiểu này, theo cảm giác của bản thân, chỉ có thể thực hiện bằng tâm, mà không phải bằng trí.

*** *** ***

Lời kết, hôm nay là ngày 16/05/2018, Hương vị của đất đã biến mình thành nơi cất chứa mười vạn câu hỏi tại sao. Mười hay hai mươi năm nữa, khi đọc lại quyển này, mình có thể vô sự tự thông hay không??? Đến lúc đó rồi biết.

--- --- ---

Phần mạn đàm này chỉ đăng duy nhất ở nhà yakikoza trên Wattpad. Trang doctruyenhot.com, truyenfun.com, yeudoctruyen.com, truyenkul.com đang trộm truyện của mình và những tác giả khác trên Wattpad hòng kiếm tiền quảng cáo. Xin các bạn đừng đọc truyện trên những trang này nhằm chung tay dẹp nạn trộm cắp trắng trợn và kiếm tiền trên công sức, đam mê của người khác. Rất cảm ơn!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top