Chương 8. Bãi bỏ chương trình Obamacare
Chúng ta phải thông qua dự luật này, để các vị có thể thấy có gì trong đó.
— Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, ngày 9/3/2010
Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã nói rằng chúng ta phải
thông qua chương trình Obamacare thì mới biết có gì trong đó. Giờ thì chúng ta biết rồi đấy. Và những gì có trong 2.733 trang này là một thứ phá hỏng hệ thống chăm sóc y tế và giết chết việc làm. Ta không thể cải cách, giải cứu hay sửa chữa nó. Đến năm 2014, Obamacare có hiệu lực hoàn toàn. Nếu nó không bị bãi bỏ trước thời điểm đó, nó sẽ không đơn giản chỉ là một chương trình phúc lợi thất bại khác của chính phủ - nó sẽ là gánh nặng nghìn tấn vĩnh viễn đè nặng nền kinh tế của chúng ta.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hơn 80% người Mỹ tương đối hài lòng với kế hoạch bảo hiểm sức khỏe hiện tại của họ. Đó là một con số ấn tượng. Tuy nhiên, mọi người đều đồng ý rằng chúng ta cần có những bước đi cắt giảm chi phí chăm sóc y tế đang ngày một tăng và làm sao để bảo hiểm nằm trong tầm chi trả hơn nữa. Tuy nhiên, xã hội hóa y tế không phải là giải pháp. Đó là lý do tại sao đa số người Mỹ phản đối chương trình Obamacare. Họ biết rằng, trao cho chính phủ liên bang vụng về của ta quyền kiểm soát lĩnh vực chăm sóc y tế là một lời mời gọi thảm họa. Obamacare là một quả tên lửa tầm nhiệt sẽ phá hủy việc làm và các doanh nghiệp nhỏ; nó sẽ làm phình nở chi phí chăm sóc y tế; và nó sẽ dẫn tới một hệ thống chăm sóc y tế kém đổi mới hơn hiện tại nhiều lần. Bãi bỏ chương trình Obamacare có thể là một trong những hành động quan trọng nhất và đưa đến những thành tựu đáng tự hào nhất cho vị tổng thống tiếp theo của chúng ta.
Obamacare đẩy các doanh nghiệp nhỏ vào cảnh sống đời thực vật.
Thật buồn khi phải chứng kiến biết bao nhiêu công dân − một số trong đó là những người khôn ngoan − bị lừa tin vào mồi nhử của Obama và rồi sau đó phải thay đổi tuyên bố về Obamacare. Lấy CEO của Starbucks, Howard Schultz, làm ví dụ. Schultz đã xuất sắc xoay chuyển Starbucks. Thế nhưng khi dính đến chương trình Obamacare, ông lại hoàn toàn cắn câu. "Khi tôi được mời tới Nhà Trắng vào thời điểm trước khi hệ thống chăm sóc y tế được cải tổ, tôi rất ủng hộ kế hoạch của tổng thống", ông Schultz nói. Tuy nhiên, sau khi Schultz và đội của ông nghiên cứu dự luật đồ sộ này một cách kỹ càng hơn, ông đã thay đổi. "Như những gì dự luật hiện được viết ra và nếu nó được đưa vào thực tế năm 2014 theo các hướng dẫn hiện tại, áp lực lên các doanh nghiệp nhỏ, từ chỉ thị [cá nhân] này, là quá lớn."
Nói thế là nhẹ nhàng. Một báo cáo tháng 9 năm 2011 của UBS, một công ty dịch vụ tài chính tiếng tăm, cho biết: "Điều đáng bàn cãi
ở đây là trở ngại lớn nhất cho việc tuyển dụng (cụ thể là tuyển dụng lao động kỹ năng thấp) là chương trình chăm sóc y tế cải tổ, chương trình này gia tăng thêm điểm trừ là kéo căng ngân sách của bang và liên bang." Báo cáo tiếp tục giải thích bằng thứ ngôn ngữ đơn giản tại sao Obamacare lại là kẻ thủ tiêu việc làm hết sức đáng sợ:
Luật mới yêu cầu hầu hết các doanh nghiệp phải cung cấp một gói đãi ngộ "thiết yếu" hào phóng, vượt xa những gì mà nhiều doanh nghiệp nhỏ hiện đang cung cấp. Nó buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định hết sức phức tạp làm tăng chi phí, rủi ro, và "yếu tố gây rối" khi bổ sung thêm nhân sự cho bảng lương. Các doanh nghiệp có chế độ bảo hiểm cho người lao động có thể bị bắt phạt nếu lao động có thu nhập thấp chọn kế hoạch có trợ cấp chính phủ. Tất cả các doanh nghiệp có từ 50 lao động trở lên phải cung cấp đãi ngộ cho người lao động, và việc này sẽ cho các doanh nghiệp nhỏ động cơ giữ [lao động] "dưới giới hạn quy định" bằng cách mở rộng ở nước ngoài, thuê ngoài hoặc chia nhỏ thành hai công ty.
Và rồi những người theo chủ nghĩa tự do nhăn trán gãi đầu, băn khoăn không hiểu tại sao các doanh nghiệp lại không muốn thuê
tuyển nhân công nữa.
Đơn giản thôi: cuộc thôn tính hệ thống chăm sóc y tế về tay chính phủ của Obama đã khiến doanh nghiệp mất hết ý chí tuyển dụng thêm người. Vì thế mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không tuyển dụng nhân công nữa. Thay vì thế, họ sẽ đơn giản tăng cường chuyển việc ra nước ngoài hoặc tự động hóa hệ thống của họ với máy móc. Hãy thử làm một phép tính đơn giản. Nếu bạn có một công ty với 50 nhân viên, bạn có tuyển nhân viên thứ 51, và ngay lập tức đẩy bản thân vào một án phạt trị giá hơn 100.000 đô-la (2.000 đô-la cho mỗi nhân viên trong công ty) vì đã gan góc tạo thêm việc làm, mở rộng kinh doanh và kích thích nền kinh tế không? Đương nhiên là không rồi. Bạn sẽ hoặc là tạm ngưng tuyển dụng (với hy vọng Obamacare sẽ bị bãi bỏ hoặc bị Tối cao Pháp viện lật ngược), chuyển việc làm qua các nước khác, hoặc lập ra một công ty thứ hai (công ty này sẽ tăng trưởng chậm hơn so với khi ta tập trung nguồn lực vào một chỗ) để tránh án phạt. Đó là vị thế của chúng ta ngày hôm nay, và đó lý do tại sao chúng ta lại lập kỷ lục về tình trạng thất nghiệp. Đó chẳng phải là kiến thức khoa học cao siêu gì hết.
Obamacare cũng đánh vào các công ty đã đóng bảo hiểm cho nhân viên với mức 3.000 đô-la mỗi nhân viên nếu các đãi ngộ y tế mà họ đưa ra không đạt chuẩn của Obama. Chuỗi cửa hàng hamburger White Castle đã chạy số liệu và phát hiện thấy rằng sau năm 2014, những quy định mới này sẽ ngốn mất 55% thu nhập ròng của họ. Ai còn có thể mong chờ các doanh nghiệp tuyển lao động mới dưới những yêu cầu kiểu này kia chứ?
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, các doanh nghiệp đồ ăn nhanh bắt đầu cắt giảm con số, hàng nghìn doanh nghiệp và bang bắt đầu xin "giấy miễn trừ [tham gia]" chương trình Obamacare. Đến nay mới chỉ có dưới 1.500 đơn xin miễn trừ được chấp thuận. Và đoán xem ai là người thắng lớn ở đây? Những người trợ lưng lớn nhất cho Tổng thống Obama, những người ủng hộ chương trình Obamacare! Hơn 50% các đơn xin miễn trừ rơi vào tay thành viên các nghiệp đoàn. Và trong lượt xin miễn trừ mới gần đây, 20% số đơn xin miễn trừ thuộc về khu vực mà Nancy Pelosi làm đại diện. Chuyện thật không thể tin nổi. Làm sao mà lại là công bằng khi để cho nhóm của Obama thoát khỏi móc câu và được quyền miễn trừ tham gia chương trình, trong khi buộc những người Mỹ khác phải chết dính với chương trình Obamacare?
Obamacare được thông qua, phí bảo hiểm trên trời.
Điều không ai ngờ được là Obamacare đã gây ra thiệt hại to lớn ngay từ khi vẫn chưa có hiệu lực. Trong suốt cuộc thảo luận về chương trình chăm sóc y tế, Obama đã cam đoan rằng việc thông qua chương trình Obamacare sẽ "giúp giảm chi phí y tế cho các gia đình, doanh nghiệp và chính phủ liên bang". Ông ta cũng nói rằng việc thông qua kế hoạch này "làm giảm 2.500 đô-la chi phí bảo hiểm một năm cho một gia đình bình thường". Tháng 9 năm 2011, tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation, tổ chức theo dõi bảo hiểm y tế hàng năm cho người lao động, công bố một nghiên cứu tiết lộ phí bảo hiểm y tế đã tăng vọt 9% trong năm 2011. Nói như Thượng nghị sỹ Orrin Hatch: "Lời hứa hẹn của tổng thống rằng luật y tế lưỡng đảng của ông ta sẽ làm giảm chi phí chỉ là những lời khoa trương rỗng tuếch."
Những người theo chủ nghĩa tự do không tin nổi chuyện này − họ không thể hiểu nổi làm sao chi phí chăm sóc y tế có thể tăng nhiều như vậy khi người anh hùng Barack Obama của họ đã cam đoan rằng nó sẽ không tăng. Obama tuyên bố kế hoạch y tế xã hội hóa của ông ta sẽ ngay lập tức "bẻ cho đường cong chi phí đi xuống". Ông ta nói rằng các yêu cầu trước năm 2014 của dự luật này, như buộc nhà tuyển dụng lao động phải lo cho hàng triệu "trẻ em" − người lớn theo kế hoạch y tế của cha mẹ đến tận 26 tuổi, sẽ giúp làm giảm chi phí. Chà, báo cáo của Kaiser lại phát hiện thấy rằng có 2,3 triệu "trẻ em" người lớn như thế đã được thêm vào danh sách sau khi chương trình Obamacare được thông qua. Và bạn đoán xem chuyện gì đã xảy ra? Dưới thời Obama, phí bảo hiểm y tế của một hộ gia đình trung bình đã tăng 2.393 đô-la. Và điều này ngược lại hoàn toàn với những gì mà vị tổng thống hứa hẹn. Làm sao điều này có thể là vì "hy vọng và thay đổi" được kia chứ?
Như cây bút đứng mục kinh doanh và kinh tế Robert Samuelson đã kết luận: "Nghiên cứu này nhắc chúng ta rằng chi phí vượt tầm kiểm soát là vấn đề cốt lõi của hệ thống y tế; [Obamacare] không làm gì để giải quyết vấn đề này − trên thực tế nó sẽ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Nếu có khoảng 30 triệu người Mỹ có bảo hiểm và không có thay đổi cơ bản nào ở hệ thống cung cấp dịch vụ [chăm sóc y tế], khi đó cầu lớn hơn sẽ dẫn tới chi phí cao hơn, thời gian chờ đợi dài hơn,
hoặc cả hai... [Obamacare] cũng sẽ làm gia tăng chi phí tuyển dụng lao động khi buộc nhà tuyển dụng lao động phải chi trả các gói hỗ trợ đắt đỏ. Triển vọng này sẽ không thể giúp gì cho việc tạo ra việc làm." Nhìn lại, thật không thể tin nổi lại có ai tin vào những lời khoa trương hết cỡ của Obama và Nancy Pelosi. Bạn có nhớ khi Pelosi đã cam đoan với chúng ta rằng việc thông qua chương trình Obamacare sẽ tạo ra việc làm một cách thần kỳ không? Những lời chính xác mà bà này nói ra thậm chí còn táo bạo hơn thế. Pelosi nói: "Nó liên quan đến việc làm. Khi ra đời, [Obamacare] sẽ tạo ra 4 triệu việc làm – 400 nghìn việc làm gần như ngay lập tức." 400 nghìn việc làm gần như ngay lập tức... thật không tin nổi, đúng không? Những người theo chủ nghĩa tự do là những kẻ ngốc khi tin vào những lời ấy, đặc biệt là khi có quá nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ khẩn nài chính phủ đừng phá tan khả năng tạo việc làm của họ.
Obamacare đang xóa sổ việc làm.
Thay vì tạo ra việc làm mới, Obamacare đang phá hoại việc làm. Và điều tồi tệ nhất vẫn còn đang chờ phía trước, bởi đến năm 2014, các điều khoản thật sự khó chịu mới có hiệu lực. Các doanh nghiệp như Boeing, Caterpillar và Deere & Company đã tính toán tổn thất phá hoại việc làm của chương trình Obamacare. Các con số đều xấu. Những công ty này hiện sẽ phải tìm tương ứng 150 triệu đô-la, 100 triệu đô-la và 150 triệu đô-la để bù đắp − và đó mới chỉ là chi phí đáp ứng một điều khoản của luật mới. Obama nghĩ những con số này sẽ từ đâu mà đến vậy? Ông ta chẳng lẽ không hiểu rằng các doanh nghiệp tồn tại để sinh lợi hay sao? Mỗi khi chính phủ tăng thêm một chi phí cho doanh nghiệp, doanh nghiệp hoặc là phải chuyển chi phí đó qua cho người tiêu dùng, hoặc phải sa thải hoặc ngừng tuyển dụng lao động, hoặc cả hai. Ba công ty này đủ lớn để trụ vững sau khi tiếp nhận cú đòn trời giáng của chương trình Obamacare. Nhưng còn những doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng để tăng trưởng và muốn tuyển dụng thêm lao động thì sao? Đó là những công ty sẽ chịu nhiều tổn thất nhất bởi chương trình Obamacare. Và đừng quên, các doanh nghiệp nhỏ là những cỗ máy tạo công ăn việc làm lớn nhất đất nước này. Trên thực tế, trong 15 năm qua, các doanh nghiệp nhỏ đã chịu trách nhiệm tạo ra 64% việc làm mới.
Obamacare sẽ xóa sổ bao nhiêu việc làm? Một nghiên cứu từ Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia thấy rằng tiến hành Obamacare
đồng nghĩa với việc 1,6 triệu việc làm sẽ mất đi, 66% trong số này sẽ là từ các doanh nghiệp nhỏ. Obama có lẽ sẽ bác bỏ nghiên cứu này bởi nó là nghiên cứu của một tổ chức có tên gắn với từ "doanh nghiệp". Cũng được thôi. Thế thì khi đó, có thể ông ta nên lắng nghe giám đốc Cục Ngân sách Quốc hội, một cơ quan phi đảng phái, chính vị này đã nói trong một buổi điều trần ở quốc hội rằng tính riêng trong mười năm đầu, dự luật này sẽ xóa sổ 800 nghìn công ăn việc làm toàn thời gian. Điểm mấu chốt: Nói như John Kline, dân biểu đại diện cho bang Minnesota: "Nói rằng [Obamacare] không phá hoại quá trình tạo việc làm là phủ nhận thực tế."
Obamacare sẽ phá hỏng lựa chọn của người bệnh và làm bùng nổ chi tiêu.
Ngoài việc xóa sổ việc làm, Obamacare còn phá hỏng quyền lựa chọn bảo hiểm và bác sỹ theo ý muốn riêng của người bệnh. Đã có những cuốn sách dành toàn bộ nội dung nói về những điểm không ổn
ở chương trình Obamacare và làm sao chúng ta có thể cải thiện hệ thống chăm sóc y tế mà không phá hỏng nền kinh tế, như The Truth about Obamacare (Sự thật về chương trình Obamacare) của Chủ tịch Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương Sally C. Pipes. Nhưng ngay cả một người quan sát bình thường cũng có thể nói rằng những lời hùng hồn, khoa trương của Obama không phù hợp với thực tế. Bạn còn nhớ khi Obama hứa hẹn với chúng ta rằng "nếu bạn có bảo hiểm y tế, bạn thích bác sỹ của mình, bạn thích kế hoạch của mình, bạn có thể giữ cả bác sỹ và kế hoạch ấy. Không ai tước đi của bạn điều đó" chứ? Vâng, đó là một lời nói dối. Lý do là như sau: khi luật này hoàn toàn có hiệu lực vào năm 2014, cứ ba nhà tuyển dụng lao động sẽ có một người lên kế hoạch giảm toàn bộ gói đãi ngộ y tế cho nhân viên và đơn giản là trả tiền phạt của chính phủ. Điều đó có nghĩa là những lao động này sẽ bị đẩy vào các chương trình trao đổi bảo hiểm mà chính phủ bao cấp. Và sẽ chẳng có gì làm các nhà tự do chủ nghĩa vui sướng hơn thế.
Theo cách nhìn của những người theo chủ nghĩa tự do, đẩy các doanh nghiệp vào thế buộc phải vứt bỏ các kế hoạch chăm sóc y tế hiện tại và đẩy người lao động vào các kế hoạch chăm sóc y tế do chính phủ điều hành là lối cửa hậu kéo nước Mỹ đến gần hơn với cái gọi là "hệ thống một người thanh toán", tức hệ thống chăm sóc y tế
hoàn toàn nằm dưới sự điều hành của chính phủ. Như Howard Dean đã sung sướng nói: "Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ sẽ không còn dùng bảo hiểm y tế nữa sau khi dự luật này có hiệu lực." Vì vậy, những lời mà Obama dùng để thuyết phục cả nước về việc mọi người có thể giữ kế hoạch chăm sóc y tế của mình hoàn toàn là một sự lừa mị. Như vị tổng thống này biết từ đầu, kế hoạch bảo hiểm hiện tại của hàng triệu lao động sẽ bị bỏ hẳn. Obamacare chẳng là gì khác hơn ngoài sự lảo đảo hướng tới một hệ thống chăm sóc y tế do chính phủ kiểm soát.
Điều bất thường ở chỗ người ta thậm chí đi đề xuất kế hoạch này khi Mỹ là một đất nước con nợ. Làm sao lại hợp lý khi tạo ra một chương trình chính phủ ngốn ngân sách như Obamacare khi Mỹ đã nợ 15.000 tỷ đô-la kia chứ? Đó là một vụ tự sát tài chính.
Mức giá ban đầu mà Obama và những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ ông ta báo với chúng ta cũng hoàn toàn là một sự bịa đặt. Không muốn báo giá với con số có từ "nghìn tỷ", Obama và Pelosi đã đảm bảo sàng sẩy sao cho ông ta có thể tuyên bố rằng chi phí cho Obamacare sẽ là 940 tỷ đô-la trong mười năm. Nhưng như Bác sỹ Jeffrey H. Anderson đã chỉ ra: "Ngay cả con số tính kiểm sơ khổng lồ này cũng chỉ như mức giá giới thiệu được báo bởi một nhà cung cấp điện thoại. Đó là mức giá trước khi bạn trả cho số phút, cước phí và phí vượt gói cước − và trước khi giá phình lên sau khi lời chào giới thiệu hết hạn." Sử dụng các con số của Cục Ngân sách, Anderson tính toán rằng chi phí thực sự của chương trình Obamacare tính từ năm 2014 (khi kế hoạch này có hiệu lực hoàn toàn) đến năm 2023 sẽ là
2.000 tỷ đô-la, quá hai lần những gì mà Obama và Pelosi tuyên bố, để đảm bảo bảo hiểm cho 30 triệu người Mỹ mà Obama nói chưa có bảo hiểm. Chính quyền Obama nói rằng họ sẽ chi trả cho chương trình bằng cách cắt 575 tỷ đô-la từ chương trình Chăm sóc Y tế và phần còn lại thì lấy từ số tiền tăng thuế. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể dựa vào nhiều - rất nhiều - cuộc tăng thuế.
Giờ hãy xem xét kỹ hơn số người Mỹ không có bảo hiểm − 30 triệu người. Trong suốt cuộc thảo luận về vấn đề chăm sóc y tế, Obama liên tục nói về "46 triệu người Mỹ không có bảo hiểm". Hết lần này đến lần khác, chúng ta để người ta nhồi con số đó vào đầu chúng ta như đóng đinh. Rồi, đùng một cái, Obama lại quyết định rằng, không, số người thực tế không có bảo hiểm y tế là 30 triệu. Đó là một sự sụt giảm thấy rõ! Nhưng tất nhiên ông ta dùng con số nhỏ
hơn sau khi đã thổi con số phóng đại kia đi xa và rộng khắp.
Nhưng hãy cứ coi như con số 46 triệu đó là thật. Theo tờ báo cực hữu New York Times, con số này được chia nhỏ như sau "và xin báo trước có sự chồng lặp giữa các con số này" (đó là lý do tại sao họ không tăng thêm chính xác thành 46 triệu). Cứ năm người mà Obama tuyên bố là không có bảo hiểm thì có một người thậm chí còn không phải là công dân Mỹ! Thêm 13,7 triệu người khác có thừa tiền để mua các gói chăm sóc y tế (họ kiếm được hơn 75.000 đô-la một năm) nhưng lại chọn không mua. 11 triệu người Mỹ nghèo hơn đủ điều kiện nhận hỗ trợ của chương trình Hỗ trợ Y tế hoặc SCHIP thì lại chưa đăng ký. Còn lại 13 triệu người trẻ (tuổi từ 19 đến 29) hoặc là mới tốt nghiệp, hoặc có khả năng mua bảo hiểm nhưng nghĩ mình thuộc diện bất khả bại, hoặc đang nhảy việc hoặc đang tìm việc làm. Chắc chắn có một số trong số này thật sự cần đến tấm lưới an toàn đỡ dưới cho họ cho đến khi họ bắt đầu sự nghiệp của mình. Câu hỏi ở đây là: có đáng phải phá hỏng hệ thống chăm sóc y tế lớn nhất thế giới và trói chân nước Mỹ với khoản nợ 2.000 tỷ đô-la nữa để giải quyết nhu cầu chăm sóc y tế tạm thời của 4% dân số đất nước hay không? Hay chúng ta có thể đưa ra một giải pháp khôn ngoan hơn, hiệu quả hơn, bớt đắt đỏ hơn mà vẫn có thể hoàn thành đúng mục tiêu này? Chỉ có kẻ ngốc mới bỏ sau mà chọn trước.
Có thể chúng ta sẽ may mắn và Tối cao Pháp viện sẽ tuyên bố chương trình Obamacare là vi hiến. Nói cho cùng, việc chính phủ buộc tất cả các công dân mua một sản phẩm chắc chắn là hành vi vi phạm trực tiếp Điều khoản Thương mại. Việc làm này sẽ tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm. "Nếu Quốc hội có thể yêu cầu các cá nhân mua một hàng hóa hay dịch vụ cụ thể", Thượng nghị sỹ bang Utah, Orrin Hatch, nói, "chúng ta có thể đơn giản yêu cầu người Mỹ mua những chiếc xe nhất định. Như thế, chúng ta cũng có thể tấn công vấn đề béo phì bằng cách yêu cầu người Mỹ mua hoa quả và rau củ." Hatch nói đúng. Chỉ thị cá nhân này là một sự vượt quyền liên bang quá lớn và rõ ràng là vi hiến. Nhưng như tất cả những người thủ cựu đều biết, Tối cao Pháp viện suốt ngày giẫm lên Hiến pháp. Vì vậy, ai cũng đoán được họ sẽ làm gì.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn có cơ ngang bằng là Tối cao Pháp viện bãi bỏ cái được gọi là "chỉ thị cá nhân" của Obama về việc mua bảo hiểm y tế. Nếu điều đó xảy ra, ngay cả những người ủng hộ Obama cũng phải thừa nhận rằng nó sẽ hủy hoại chương trình
Obamacare, bởi vì toàn bộ chương trình này dựa trên việc chính phủ buộc mọi người mua bảo hiểm bất kể họ có muốn hay không. Nhưng không ai đoán được liệu Tối cao Pháp viện có ra phán quyết đúng đắn hay không.
Cắt giảm chi phí thông qua cạnh tranh.
Bất kể điều gì diễn ra ở Tối cao Pháp viện, và ngay cả trong trường hợp chúng ta bầu chọn một tổng thống thật sự hành động cứng rắn và bãi bỏ chương trình Obamacare, chúng ta vẫn cần cắt giảm chi phí chăm sóc y tế và làm cho bảo hiểm y tế phù hợp hơn với túi tiền của mọi người. Việc này bắt đầu từ việc tăng cường cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm. Cạnh tranh sẽ làm mọi thứ tốt hơn và hợp túi tiền hơn. Khi tôi xây một tòa nhà, tôi để cho các nhà thầu xây dựng và các kiến trúc sư tranh thầu với nhau. Tại sao phải làm vậy? Bởi vì việc đó rèn giũa nước đi của họ, khiến họ bỏ thầu với giá cạnh tranh và khuyến khích họ mang đến cho tôi sản phẩm có chất lượng tốt nhất có thể. Điều đó đúng với bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào. Đó là lý do tại sao người Mỹ cần có thêm các tùy chọn khi chuyện liên can đến việc mua bảo hiểm y tế.
Một cách để thu hút thêm cạnh tranh trên thị trường là để các công dân mua các kế hoạch chăm sóc y tế ở các bang khác. Có sự khác biệt về chi phí y tế cực lớn giữa các bang. Chẳng hạn, một người 25 tuổi ở California có thể mua kế hoạch bảo hiểm y tế HMO với chi phí 260 đô-la/tháng. Nhưng một người New York muốn mua một kế hoạch với các quyền lợi tương tự sẽ phải trả 1.228 đô-la/tháng.
Tại sao không cho mọi người mua bảo hiểm từ các bang khác và để các công ty cạnh tranh đưa ra kế hoạch bảo hiểm chất lượng nhất với mức giá tốt nhất? Việc này có thể thực hiện dễ dàng nếu Quốc hội can đảm và làm điều đúng đắn. Hiến pháp Mỹ cho phép Quốc hội kiểm soát mậu dịch giữa các bang. Nhưng vì một lý do nào đó, Quốc hội chưa bao giờ dùng đến quyền này trong vấn đề bảo hiểm y tế. Các dự luật cho các thỏa thuận bảo hiểm giữa các bang đã được đề xuất hơn sáu năm qua. Dù vậy, như thường lệ, các chính trị gia ở Washington chẳng làm gì trong chuyện này. Họ cần phải bắt tay thực hiện. Như dân biểu bang Florida, Thomas Feeney, đã chỉ ra, tạo ra một thị trường quốc gia cho các kế hoạch chăm sóc y tế sẽ giúp cắt giảm chi phí cho những người Mỹ có thu nhập thấp − những người ở
độ tuổi 19-29 không có bảo hiểm − và đưa đến cho họ những tùy chọn mà họ đủ sức trang trải.
Nguyên do có sự khác biệt giá lớn đến vậy giữa các bang là vì mỗi bang lại có chỉ thị riêng mà họ yêu cầu trong kế hoạch bảo hiểm của họ. Nói như Devon Herrick, một nhân viên lâu năm làm việc cho Trung tâm Phân tích Chính sách Quốc gia: "Nếu người tiêu dùng không muốn những kế hoạch bảo hiểm sức khỏe đắt đỏ dạng 'Cadillac' để chi trả cho dịch vụ châm cứu, chữa trị khả năng sinh sản hay cấy thêm tóc giả, họ có thể mua kế hoạch bảo hiểm từ những nhà cung cấp dịch vụ ở những bang không đưa ra những quyền lợi ấy." Tăng cường cạnh tranh là việc làm hợp lý. Chúng ta cần thông qua những đạo luật khuyến khích điều đó.
Tiến hành cải cách tình trạng kiện tụng phi lý ngay từ bây giờ.
Một cách nữa có thể giúp chúng ta cắt giảm chi phí là thừa nhận rằng các bác sỹ ngày nay đang làm "y tế phòng thủ". Nói cách khác, các bác sỹ thường yêu cầu làm những xét nghiệm hoặc những thủ tục không cần thiết để tránh bị kiện. Pricewaterhouse Coopers đã tiến hành một nghiên cứu để xem kiểu làm y tế phòng thủ đã cộng thêm bao nhiêu tiền vào chi phí y tế tổng thể. Họ phát hiện thấy rằng hiện tượng này chiếm ít nhất 10% tổng chi phí y tế. Đó là con số lớn.
Chẳng khó hiểu tại sao các bác sỹ lại làm y tế theo kiểu phòng thủ. Hãy nhìn vào vị ứng viên phó tổng thống đáng xấu hổ của Đảng Dân chủ John Edwards. Trước đây, Edwards là một luật sư xúi kiện hàng đầu thế giới. Chỉ trong 12 năm, Edwards đã thắng 175 triệu đô-la từ các phán quyết làm sai nguyên tắc khi kiện các bác sĩ, công ty bảo hiểm và bệnh viện vì đã gây ra chứng liệt não ở trẻ sơ sinh. Và điều này diễn ra bất chấp việc Đại học Sản Phụ khoa Mỹ từng tuyên bố rằng "phần lớn" các trường hợp liệt não không liên quan đến cách đỡ đẻ trẻ. Đó chỉ là một ví dụ nữa cho thấy John Edwards là một người đáng khinh đến thế nào.
"Tòa án đầy nghẹt các vụ như thế", bác sỹ Cecil Wilson của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho biết. "Các bác sĩ sợ bị lôi ra tòa và do đó yêu cầu làm những xét nghiệm mà bình thường ra họ sẽ chẳng yêu cầu."
Với những nhân vật nhớp nhúa như Edwards ẩn nấp quanh mọi góc bệnh viện, chẳng có gì ngạc nhiên khi các bác sỹ cảm thấy buộc phải thêm tất cả những xét nghiệm đắt đỏ vào để bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, việc làm này đẩy chi phí chăm sóc y tế của chúng ta tăng lên ít nhất 10%. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một cuộc cải cách nghiêm túc tình trạng kiện tụng phi lý. Cụ thể, chúng ta cần quy định mức đền bù thiệt hại cho cái được gọi là "đau đớn và khổ sở" ở mức 100 nghìn đô-la. Chúng ta cũng cần những đạo luật quy định "người thua trả tiền" buộc người thua phải trả các hóa đơn pháp lý của người thắng nếu cáo buộc được chứng minh là không có cơ sở − đây là hệ thống mà gần như tất cả các nền dân chủ phương tây khác đều áp dụng. Việc này sẽ giúp cắt giảm những vụ kiện phù phiếm làm tăng chi phí chăm sóc y tế và làm nghẹt cứng các tòa án của chúng ta. Mới đây, bang Texas đã thông qua luật người thua trả phí. Các bang khác cũng nên làm thế.
Có lý do cho việc vì sao hầu hết người Mỹ phản đối Obamacare: đó hoàn toàn là một tai họa. Barack Obama đã đẩy chúng ta vào tình trạng nợ sâu đến độ người Mỹ không đủ sức gánh thêm một chương trình chi tiêu 2.000 tỷ đô-la nữa. Chương trình Obamacare đã làm chi phí chăm sóc y tế tăng, và nó vẫn chưa có hiệu lực đầy đủ. Tồi tệ hơn, nó tuyệt đối triệt hạ việc làm. Không một doanh nhân có đầu óc nào sẽ xem xét mở rộng nghiêm túc khi thảm họa luật này còn treo trên đầu họ. Dù là thông qua phán quyết của Tối cao Pháp viện hay là thông qua một cuộc bầu cử tổng thống, nước Mỹ phải bãi bỏ Obamacare ngay lập tức.
Phá hỏng hệ thống chăm sóc y tế tốt nhất thế giới để Obama có thể có chương trình y tế xã hội hóa của ông ta là việc làm xuẩn ngốc và thiếu cẩn trọng. Cách đúng đắn để cắt giảm chi phí chăm sóc y tế là tạo môi trường cho các công ty bảo hiểm cạnh tranh trên toàn quốc và kiểm soát lối làm y tế phòng thủ thông qua cải cách nghiêm túc tình trạng kiện tụng phi lý bao gồm điều khoản người thua trả phí.
Chúng ta cần một tổng thống cứng rắn và bãi bỏ chương trình Obamacare ngay lập tức. Khi họ làm vậy, họ sẽ thực hiện được nhiều điều chỉ với một lần đưa bút hơn hẳn những gì mà Obama thực hiện được với nhiệm kỳ tổng thống của ông ta.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top