Nỗi Buồn Chiến Tranh

Nỗi Buồn Chiến Tranh
Tác giả: Bảo Ninh
Xuất bản đầu tiên năm 1987
Số trang: 283

Nếu đang tìm một tác phẩm lấy đề tài chiến tranh ác liệt và những trang sách oai hùng thấm đẫm các pha hành động máu lửa điên cuồng, thì Nỗi buồn chiến tranh không phải là quyển sách mà bạn đang tìm. Vì sao ư? Nó ám ảnh.

Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của tác giả Bảo Ninh tựa như một quyển hồi kí đầy đau thương của Kiên, người kể truyện, viết và nhớ về những kí ức tàn khốc mà bản thân anh đã từng trải qua thời chinh chiến. Từng câu chuyện rời rạc, về những con người rời rạc, chấp ghép từ gần mươi năm đời lính của anh tựa như một bức tranh dã man và sắc lạnh cứa vào tâm hồn người đọc hàng dãi những năm tháng đau thương tang tóc mà chiến tranh đã gắn ghép vào cuộc đời của một con người.

Sở dĩ tôi nhận xét tác phẩm này ám ảnh, rất ám ảnh, là vì, nó không phải là một quyển hồi kí bình thường, nó dằn vặt về những sai lầm của tuổi trẻ, nó đau đớn, nó đầy rẫy những thương tích, những vết súng đạn, khắc sâu vào tâm trí người lính sự xâu xé dai dẳng vô cùng... khó tả. Có rất ít cảnh chiến đấu trong tác phẩm này, dù nó lấy đề tài chiến tranh, nhưng chính những vết cắt, chính những vết đạn, những bàn tay, bàn chân đứt lìa khỏi xác, những đau đớn và nghiệt ngã đã gián tiếp khắc họa không thể rõ nét hơn sự tàn khốc của chiến tranh xâm lược, tác phẩm đã vẽ lên chiến trường bằng chính ngòi bút và mực làm bằng xương bằng máu, từ những hậu quả của chiến trường đó.

Nỗi buồn chiến tranh khắc họa một cách bi thương những câu hỏi hãy còn bỏ ngõ sau cuộc chiến, còn lại gì? Đời của những người lính, họ đang ở đâu, họ nên đi về đâu, con người của họ đang ở chốn nào? Rất nhiều những dằn vặt, rất nhiều những suy tư, ý nghĩa nhân văn được thể hiện qua vô vàn những bộ mặt khác nhau của cuộc sống. Những hình ảnh trầm đọng, yên bình đến nghẹn ngào, những dấu tích hủy diệt thân thể, và cả những cái hồn, cái vấn vương còn đó, cứ ám ảnh tôi mãi dù là cho đến khi những trang cuối cùng của quyển sách này khép lại.

Chiến tranh đã thay đổi con người ta như thế nào? Có bao giờ ta tự nghỉ, những người trong cuộc, những người may mắn còn sống sót sau chiến tranh, họ đã trải qua những gì không? Bảo Ninh thực sự, thực sự, đã in tạc vào từng câu từng chữ những hình ảnh vô cùng bi thảm và tuyệt vọng của người lính trước sự dai dẳng tra tấn của thời gian, của nhân tính và của tình yêu, khát vọng. Những thứ mà giờ đây ta đều được thừa hưởng trong một xã hội thái bình, ấm no, thì thời đó sao lại khó khăn và tàn nhẫn đến thế. Tôi đã rất xúc động khi đọc được những góc tối ấy, những góc tối ám ảnh, những góc tối không rõ nhân tính, tình người mà không một tác phẩm nào cùng thể loại có thể truyền tải nổi cho hết.

Nỗi buồn chiến tranh có một cái nhìn rất khác về chiến tranh Việt Nam, một góc quan sát tăm tối và mang tính thực tế rất cao, bỏ xa những khái niệm oai hùng và lòng tự hào dân tộc trong những tác phẩm viết về chiến tranh cùng thời lúc đó. Suy cho cùng, dù đã chiến thắng trên mặt trận bảo vệ tổ quốc, nhưng những con người ấy, dù sống sót trở về, cũng như đã bỏ mình cho vòng xoáy của những góc tối đầy bi thương và tội lỗi kia rồi.

                  

Cáo.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top