Về

12-5-1998

Nắng sớm dịu phản nhẹ lên trên dòng sông đang gợn sóng bởi những lực hút của chân vịt, ánh lên như những mảnh kim tuyến lấp lánh trên mặt nước, ông Thanh nheo mắt lại mỗi khi nó loé ngang qua mắt ông. Cũng may trời chỉ mới 8h sáng và ở đây là Cà Mau, cây cối hai bên bờ sông cũng nhiều.

- Dậy đi con gần tới nhà rồi - ông Thanh lay Tâm dậy.

Tâm đang nằm trên xuồng gối đầu lên đống hành lý, ngồi dậy một cách uể oải, cậu mới từ bệnh viện trở về.

- Một tí nữa là tới rồi - ông Thanh nói

- Cha lấy cho con chai nước - Tâm vừa nói vừa chỉ tay vào chai nước cạnh ông Thanh

- Nè cầm lấy

Tâm uống một hơi hết nửa chai nước suối, vừa uống vừa nhìn sang người lái đò, thắc mắc hỏi:

- Ủa cha? Ông Dư đâu?

- Từ hồi con lên tỉnh nằm viện ông Dư ổng không lái đò nữa, nhà ổng mới chuyển qua xã khác ở rồi.

- Trời đất, chỗ mình cách xa xa mới có căn nhà, có mỗi nhà ông Dư gần nhà mình mà giờ ổng cũng chuyển đi nữa.

- Sống ở quê phải chịu thôi con

- Người ta đã tìm được mẹ chưa? - Tâm hỏi giọng lo lắng, lúc nằm viện cậu biết mẹ cậu mất tích.

- Tới nay vẫn chưa!

Chiếc đò dừng lại bên bậc thềm bắt từ con đường nhỏ xuống dòng sông, đường quê nhỏ chỉ toàn đá xanh xen lẫn cát và đất, một bên đường là sông, bên còn lại là cánh đồng xanh cao tới đầu gối. Ông Thanh trả tiền cho người lái đò rồi mang hành lý của Tâm lên.

Bên cánh đồng có một con đường nhỏ khác đủ để một chiếc xe máy chạy, chính là đường vào thôn làng mà Tâm sống. Tâm theo sau cha mình, vẻ mặt mệt mỏi, một chút buồn hiện rõ trên đôi mắt còn ngáy ngủ. Con đường dài cong dần theo lối vào, không đèn đường, xung quanh không nhà cửa, 8h30 phút, nắng gắt hơn nhiều, chỉ vào lúc này mà ta mới đủ can đảm bước vào. Hãy tưởng tượng xem đi trên nó vào buổi tối như thế nào. Xung quanh chỉ toàn lúa, đằng sau là con sông nằm dưới hai bên bờ đầy ấp những cây dừa, cây chuối rũ lá xuống dòng nước, âm thanh ban đêm toàn tiếng ếch nhái, tiếng dế và một chút ánh sáng của mặt trăng soi xuống làm lộ ra những khói sương lơ lửng trong không khí, che đi chút tầm nhìn trước mặt.

Hai cha con rảo bước hồi lâu, tán cây rộng xuất hiện ở đằng xa, dấu hiệu của cổng làng, một cây đa lớn cao bằng toà nhà 2 tầng nằm trên một bãi đất trống rộng, không biết từ bao giờ chỗ này là nơi của mấy đứa trẻ làng tụ họp và chơi đùa, với tán cây rộng che phủ tất cả những gì nằm dưới nó. Trên thân cây khắc vỏn vẹn hai chữ "LÀNG THƯA".

Tâm nán lại dưới tán cây đa, ông Thanh cũng nán lại theo. Một cảm giác lạ, cảm giác bồi hồi và bồn chồn xuất hiện trong Tâm, dù nó chỉ mới xa làng có 5 ngày:

- Đi về con, ở đây làm gì

Tâm rời đi theo cha.

Một rãnh nước nhỏ được cấp nước từ dòng sông phân chia thành hai bên bờ, nhà ở quê có một kiểu cách rất đặc trưng, đa số là mái ngói nung đỏ hoặc mái lá, điểm chung là tường ngoài màu trắng bị phong hoá theo năm tháng và rong rêu mọc dọc theo vết nứt trên tường. Nhưng một nhà cổ kiểu Pháp nói thật là rất hiếm ở đây, lối kiến trúc phương Tây của một ngôi nhà rộng 3 gian, hoạ tiết độc đáo được khắc lên trên khoảng trống của bức tường uốn cong hình vòng cung nối các cây cột nhà lại, hai cánh cửa gỗ lim ở giữa nhà bị bào mòn theo năm tháng khẽ cọt kẹt theo sự chuyển động của hai bàn tay nhăn nheo đang mở ra, bà ngoại Tâm:

- Về rồi đó hả!

- Thằng Tâm tới nay cũng khoẻ, người ta cho nó xuất viện là không sao rồi - ông Thanh nói khi thấy bà ngoại Tâm ra mở cửa.

- Con mới về, ngoại khoẻ không? - Tâm bước vào nhà

Khi người thân mình đi xa chữa bệnh chỉ 5 ngày thôi, người ta có thể mừng rỡ một chút hoặc có thể xem như đang gặp lại họ sau chuyến đi xa vài ngày, những phản ứng tự nhiên đó quá quen thuộc, hoặc họ có thể khóc, khóc có khi để bộc lộ sự đau khổ, có khi bộc lộ sự xúc động hay vui mừng quá mức. Và ngoại Tâm khóc khi thấy cháu của mình trở về trước mặt, dòng nước mắt đó đau khổ hay mừng rỡ, khi đôi mắt đỏ ửng và sưng lên mà chỉ vừa mới khóc. Khóc vì mừng cháu trai khỏi bệnh hay khóc vì giờ đây con mình vẫn biệt tăm biệt tích, hay cả hai. Bà chậm rãi ôm Tâm, dùng hết sức của tuổi già 70 ôm chặt lấy.

Tâm nhẹ nhàng ôm bà mình, cậu không hiểu sao bà phản ứng như thế và một chuyện cậu vẫn không thể hiểu, mẹ mình tại sao lại biến mất trong một đêm, và tại sao cậu lại ngất đến nhập viện 5 ngày, một dấu hỏi lớn giờ đang lơ lửng trong đầu cậu, buột cậu phải tìm ra lời giải đáp này.

Bà cậu chậm rãi lom khom đi vào trong, hai dòng nước mắt vẫn chảy dài trên đôi má, bà đã bảy mươi tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, tuổi tác chỉ cản trở bà việc đi lại và việc phát ra vài từ ngữ, bà bước vào căn buồng nhỏ của mình được che lại bằng một tấm màng vải mỏng được thêu dệt lên những đoá hồng màu đỏ và lá xanh. Đối với người già ở quê, họ chỉ ở suốt trong cái buồng nhỏ đó, nằm trên giường gỗ cạnh cửa sổ, đôi lúc đi ra ngoài để hít thở, tận hưởng một chút gió trời hoặc để chờ đợi ai đó trở về.

Tâm đi vào căn buồng nhỏ đối diện với căn buồng của bà, hành lý ông Thanh đã để sẵn ở bên trong, chỉ cần gói gọn tất cả vào tủ đồ. Mười tám tuổi, cái tuổi mới lớn ở vùng quê phải ra đồng theo cha, đi cấy, đi cày, đi tát nước vào thửa ruộng, chuyện đó quá quen với tất cả đàn ông ở đây. Tâm đẹp, nó có khuôn mặt và dáng vẻ góc cạnh bởi quá quen với cái sương gió ở thôn quê, dáng vẻ đó đã không còn như xưa sau lần chữa bệnh, giờ nó chỉ hiện hữu trong bức ảnh trắng đen treo trên tường, Tâm đang đứng giữa cha và mẹ mình, bà ngoại ngồi trên ghế ở giữa trước ba người họ, tất cả mỉm cười. Nụ cười hiền của bà ngoại có khuôn mặt hiền hậu, đẹp lão, nụ cười niềm nở của người đàn ông vững chải, mạnh mẽ, trụ cột của cả nhà, và nụ cười đoan trang hiện hữu trên khuôn mặt hiền hậu có đôi mắt sáng trong long lanh xinh đẹp, một vẻ đẹp thuần khiết của bà Thà, mẹ Tâm.

Ông Thanh cặm cụi dưới bếp nấu vài món đơn giản, hơi nước từ nồi luộc rau lan ra bốc lên vướng vào tóc thành những giọt nước li ti hoà quyện vào mồ hôi đổ trên trán, ông lúng túng bày biện gia vị một cách máy móc ra từng chén nhỏ, theo đúng lượng như công thức rồi trộn lại ướp 3 con cá trong tô. Việc bếp núc từ lâu đã trở thành một công việc thường ngày của người phụ nữ mà ông yêu thương, và giờ có lẽ nó đang dần trở thành một việc khó khăn nữa của ông khi mà ông còn phải lo việc đồng án và việc làm bác sĩ ở làng. Cái nắp xoong giờ đang làm khiên đỡ đạn bắn ra từ bể dầu nóng có 3 con cá, một cảnh tượng nấu ăn khổ nhọc. Nhiều bà nội trợ hẳn sẽ rất ngứa mắt.

Tâm đang say giấc nồng thì ông Thanh khều nó dậy, nó mơ màng ngồi dậy nhìn ông cầm mâm cơm trước mặt, ông để mâm xuống bàn cạnh giường, con cá cháy xém trong dĩa đưa mùi mời gọi.

- Đi đường xa mệt lắm hã, ăn chút đi rồi ngủ tiếp, cha chiên cá hơi cháy một chút, ăn tránh mấy miếng khét nghe hông.

- Có mẹ ở đây là đỡ rồi, mà sao mẹ lại biến mất? Sao con nhớ hoài mà không thể nhớ nổi ngày hôm đó mình làm gì! Sao con bất tỉnh đúng cái hôm mà mẹ mình mất tích?

Ông Thanh không nói gì, đứng dậy bước ra khỏi của buồng, Tâm ngồi dậy chạy ra trước chắn đường ông.

- Cha biết chuyện gì đúng không? Sao cha không nói gì?

- Ông Dư! - ông Thanh ngồi lại vào giường, mặt cúi xuống.

- Là sao? - Tâm sững sờ.

- Ông Dư giết.

Tâm bàng hoàng, đầu óc đột nhiên trống rỗng, cậu không thể hiểu nổi tai mình đang nghe chuyện gì, cậu nghe tiếng khóc rít lên từ buồng bên cạnh, ngoại cậu đang khóc, tiếng khóc nứt nở đứt đoạn.

- Là sao hã cha, xảy ra chuyện gì? - Giọng Tâm run rẩy.

Ông Thanh chậm rãi.

- Hôm đó mình định qua nhà ông ta làm một tiệc mừng bất ngờ nho nhỏ mừng vợ ông ta có mang, bà Thảo. Con không nhớ lại được sao? Lúc đó cha còn bận một số việc ở chỗ làm nên dặn hai mẹ con sang nhà ông ta trước, con nhớ ra chứ? Cái cảnh tượng đó!

Tâm cố lụi lọi trong ký ức của mình, một dòng ký ức loé lên, một vệt máu trải dài khuôn mặt cậu xuất hiện trong ký ức, lập tức trở thành cây búa đập mạnh vào đầu cầu, cơn đau đầu quằn quại lập tức khiến ký ức đó biến mất, cậu ôm đầu nhăn mặt, không thể nhớ.

- Ông Dư giết bà Thảo ngay lúc đó, ngay lúc hai mẹ con vừa bước tới trước nhà. Rồi thì con biết đó, chắc là giết người diệt khẩu.

Thêm một tiếng khóc nữa, hai dòng nước mắt lăn dài trên mặt Tâm.

- Chỉ về trễ một chút nữa thôi, chắc có lẽ con cũng bị ông ta giết, khi cha qua bển, con đang nằm bất động trong sân nhà ổng, với một vết thương ở đầu, rồi trong nhà là xác mẹ con với bà Thảo, máu cứ tuôn ra từ bụng.

Ông Thanh kéo tay áo lên tới vai, một vết sẹo dài chưa lành hẳn nằm trên bắp tay ông.

- Ổng dùng dao đâm lén cha, may mà né kịp, ổng chỉ đâm sượt qua thôi, rồi cha đánh ngất ổng bằng cái khúc gỗ gần đó. Rồi biết làm gì nữa, lật đật cõng con về chở đi bệnh viện, gấp quá không kịp báo cho công an, tới khi họ tới, chỉ còn lại máu, ông ta tỉnh lại rồi giấu xác hết rồi.

- Con vừa tỉnh lại trong bệnh viện, do chấn thương quá nặng, con không nhớ được gì hôm đó, cũng không muốn kích động thêm khi con hỏi nên cha mới nói dối là mẹ mất tích.

Tâm ngồi gục xuống dựa vào thành tường mà khóc, cậu không thể tin nổi sự thật này, thật điên rồ, giờ đây mẹ mình chết, vẫn chưa tìm được xác mẹ, cậu cố nhớ lại khoảnh khắc đó, càng cố chỉ càng thêm đau.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top