iii, chuyện tình anh.

"Một đêm nọ, một đêm nọ.."

Câu chuyện đã bắt đầu như thế. Lại là Nhật, lại chiến tranh, lại nhu cầu, và lại là "phụ nữ giải khuây". Tôi bắt đầu nghe về bốn từ ấy rất lâu về trước, khi những nhà thổ được giới cầm quyền "mở đèn xanh" mọc lên như nấm dại.

Mẹ bán tôi từ độ tiết hạn hán trước Đệ nhị Thế chiến nửa thập kỉ. Sống trong ngôi làng núp dưới cái bóng của đô thị, trộn lẫn vào nhau và nồng nặc mùi của con người.

- Lại một đợt nữa - Bà Jeffera Le, tay cầm nùi giẻ và thanh sắt vẫn còn cháy đỏ ngọn, theo sau là tên lính Nhật với hai phần xác dính chặt vào nhau; bà bước đến chỗ tôi và nói bằng chất giọng như mùn cưa gỗ, nước mắt vẫn chảy nhưng động tác lại thuần thục một cách lạ kỳ.

Tôi hướng đến phía Tây - Nơi những dải đường mòn kéo dài tận đến đuôi mắt - Chi chít những người là người, và đúng, họ đều là những người phụ nữ "tình nguyện" đến nơi đây từ các nước thuộc địa.

Trích trong bản thông cáo của viên sĩ quan nào đấy mà tôi chỉ nhớ mang máng vài từ: "Họ đã đến đây, mang theo một sức sống non trẻ để cống hiến cho quốc nước ta. Vì vậy, hãy 'tiếp đãi' họ một cách 'tử tế' như cách mà một vị chủ nhà nên làm!"

Nực cười xiết bao?

Khoảng độ mấy hôm trước, tôi đã gặp một phụ nữ người Trung Quốc, trong lúc đưa cơm cho cái chòi lợp lá cọ, cô ta thều thào khi cần cổ bị gông vào xiềng xích: "Tôi tưởng chỉ được gặp địa ngục lúc chết.." và rồi ngã gục trước phát súng đến từ tay lính gác.

Trong một mớ hỗn độn đầu người, tôi đã nhìn thấy em. Chỉ là trong phút trót dại lầm lỡ, tôi bị sa vào mụn ruồi đen bên gò má trái và lạ lẫm trôi vào miền vô tận trước làn da trắng hồng ửng đỏ.

Có thể rằng em cũng đang nhìn tôi - Nhìn vào làn da đen sạm bóng nhưỡng mồ hôi, nhìn vào chỏm tóc đen xoăn tợn xơ ngọn, và nhìn vào loại tình cảm lạ lẫm trong mắt tôi.

Những người con gái dần được đưa vào chòi, theo sau là hai tên lính phát xít đã không nhịn được mà trễ fermeture. Nơi em cũng thế, khi tôi chỉ còn được nhìn bóng em xén ngắn đi từng chút một và mất dần khi những bản âm hưởng với tone giọng cao chót vót lại cất lên.

Và trong đó, cũng có giọng em.

Đưa chuông lên kiểng, móc sợi thòng lọng qua cái lỗ to chừng hốc mắt, thắt nút rồi siết thật chặt. Từ đầu dây bên kia, tôi khuỵu cẳng chân phải, dồn lực xuống đùi để kéo cái chuông nặng 188kanme lên quá nửa đầu người.

Tôi ngơi tay, dùng bọc vải thấm mồ hôi. Rằng, lúc quay lại, tôi bắt gặp ánh mắt của em - đôi đồng tử lóng lánh màu biển sẫm màu nước mắt.

Qua cái khung chòi lá, em khẽ gảy ngón tay, tôi cũng chẳng biết sao, chỉ rõ cơ thể cứ vô thức tiến lại gần cái chòi; nhưng, vừa may mắn vừa hụt hẫng bao nhiêu, tôi bị ngăn lại bởi họng súng của một tay lính.

Gã hách dịch nâng cằm, nói bằng chất giọng đặc sệt mùi thành thị: "Tránh ra thằng mọi, mày đ** có cửa đâu nhãi!" và nối tiếp đấy là cái khạc hôi mùi tẩu.

Biến tấu theo một phương pháp kì diệu nào đó, thì tôi đã trải qua mọi cung bậc như năm bị bán qua chợ nô lệ: sợ hãi, vọng tưởng, chống trả và cuối cùng là tuyệt vọng.

Ngay lúc này, tôi không muốn làm một kẻ tạp dịch thấp hèn nữa, tôi muốn bằng một hành động ngu xuẩn hay điên rồ nào đấy để cứu rỗi cuộc đời rồi kết thúc mọi thứ bằng viên đạn 5.56ml nhả ra từ nòng.

Và tôi đã làm vậy - Một điều xuẩn ngốc hoang dại mà những người gốc Phi đã dạy cho tôi lúc lọt lòng.

Đêm, hơn cả thế.

Trời đen đặc.

Đất già cỗi.

Tôi đến khu tập thể nhà thổ, nơi những người phụ nữ được chết trong lúc sống. Giật phăng đi sợi thừng vá chặt hai lán trước cái nhìn hiểm hóc của những kẻ đi săn. Những người phụ nữ bên trong tôi chưa từng gặp, và cũng chẳng muốn biết.

Nhưng tôi nhìn ra, trong hai cặp mắt đối diện nhau đều ánh lại khát vọng sống mãnh liệt của những kẻ đồng khổ.

Và rồi, tôi đến căn chòi có em, tiếng rền vẫn vang mãi, thẳm sâu, chúa chát. Nắm chắc sợi thòng lọng trong tay, tôi lao vào buồng chứa, và cũng như cái hành động treo chuông lặp đi lặp lại suốt nửa thập kỉ qua: móc sợi thòng lọng qua cổ tên sĩ quan, thắt nút rồi siết thật chặt.

Gã chưa kịp la, mắt trợn trùng trắng dã.

Nhưng kìa em, thật lạ thay.

Trên tay em là họng súng chứa viên đạn 5.56ml.

Em chĩa thẳng vào tôi, giống như ánh mắt của em hồi sáng.

Lúc bất chợt, tôi mới kịp nhận ra. Đôi mắt em nào phải vịnh biển xanh lơ, mà nó là mũi cano gắn kiềm.

Xuyên thẳng vào tôi, giống như cái cách em đã từng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: