i, chuyện tình chị.

Chị kể tôi nghe về một chuyện xưa già cỗi. Chị tên Dịu, từ cái năm lên lớp Mầm chị vẫn đau đáu một bóng hình, xa xăm và chỉ dành riêng cho mình chị.

Ai cũng bảo chị điên rồi, là bệnh bẩm sinh. Vốn thế. Tôi dõi theo chị, không hay cười và ánh mắt lúc nào cũng da diết hướng về nơi chân trời.

Cho đến một tối nọ, lâu lắm. Chiều ấy ráng màu mỡ gà, men theo lời dạy của ông cha thì có lẽ sắp nổi bão rồi. Và đúng là vậy.

Khi màn đêm giăng giăng, vồ vập và như muốn nuốt chửng cơn khát cầu. Tôi ngồi trên cái võng mắc trước bậc tam cấp, lim dim mắt để những giọt rơi hôn lên mặt, thơm lên sống mũi.

Rồi, tôi nghe tiếng chị văng vẳng vọng về từ xa, hình bóng dần hiển hiện rõ, chị gọi tên tôi, niềm mừng rỡ hoá đỗi phước phần.

"Nam ơi! Chị bầu rồi, chị có bầu rồi, Nam ơi!"

Chỉ trong giây phút giọng cười thánh thót như oanh vàng của chị lao thẳng vào màng nhĩ và tàn phá nó khi tôi hiểu được điều chị muốn truyền đạt. Tôi gượng gạo đứng thẳng lưng, trơ trơ nhìn chị chạy lại gần. Gương mặt hồng hào bị nước mưa xối vào trắng bệch ra nhưng vẫn không giấu được vẻ sung sướng. Cơn giông bên ngoài vẫn ầm ầm như thác lũ.

Chân nam đá chân chiêu vào buồng lấy khăn lau cho chị. Nước mưa vỗ lên mái tôn vọng lên như sấm, là tiếng sấm của trời hay tiếng sấm trong lòng tôi đang dội vang?

Rồi chị kể. Rằng chị gặp anh từ hơi thở đầu tiên được sinh ra trọn vẹn, chị ấp ủ cái niềm tình nỗi cảm sâu lắng và, đến tối nay, trước khi trời đổ bóng, chị đã hiến dâng cho anh tất cả.

Tôi chẳng biết nói làm chi chăng nữa, chị vẫn ngô nghê và trẻ dại, giống như cái cách mà bọn trẻ làng hay xúi nhau "nắm tay là có chửa". Tôi không rõ bản thân mình còn sót lại cảm xúc gì nữa; có thể tình cảm trong tôi đang rơi vãi dưới sân, cuối cùng bị nước mưa dội trôi đi hết; hoặc vẫn chất đầy ụ trong thúng, nhưng đã không còn nhiệt huyết năm xưa.

Tôi để chị ổn định lại tâm lý rồi khuyên chị đừng nói chuyện này với ai, chị cũng vâng vâng dạ dạ tưởng chừng ngoan ngoãn lắm. Nhưng chuyện đời có chắc lắm thay, trời còn chưa hửng sáng, bão còn chưa kịp tắt thì cái tin chị mang chửa ễnh ãng đã truyền khắp cả làng, ra cả thôn bên. Rồi gia đình chị tức tốc thu xếp làm mai, rồi quen, rồi hẹn, rồi cưới, rồi đi xa tôi mãi.

Lúc tôi chạy đến, chỉ kịp nghe tiếng rền rĩ thê lương, tang tóc của chị bị kìm nén trong khoang xe hơi. Tôi bật khóc, trán đập mạnh vào gò đất, máu tươi chảy ra hoà lẫn với nước bùn, một mùi hôi hanh tanh nồng, đặc sệt nỗi tương tư.

Giông lại đến trong một ngày nắng to.

Ngày tôi gặp lại là khi chị đang nằm trong phòng phẫu thuật, vỡ nước ối cùng xuất huyết. Tôi theo chỉ dẫn của hộ lý vào phòng khử trùng một lần rồi mới đi thăm chị.

Người ốm tong teo và hốc hác, đôi gò má đã nhọn hoắt trông chẳng khác nào loài chuột lúa, làn da bệnh chi chít những sẹo là sẹo. Chị thều thào chia sẻ ước mong với tôi, nhưng chị ôi, chị nào đâu còn cái dáng vẻ ngô nghê sinh động của đứa trẻ to xác và suy nghĩ chỉ dừng lại ở những năm đầu đời?

"Chị gặp anh ấy rồi Nam ạ. Ảnh tên Chàm, người thôn Phúc Xá huyện Đinh Đương. Có gì thì em đến tìm ảnh, gửi chị lời chúc phúc, nhé Nam."

Hai câu nói như thể bòn rút hết tất cả sức mạnh của chị. Lần này tôi chẳng thể ứa nước mắt nổi, quỳ bên giường bệnh, đặt lên trán chị một nụ hôn, rồi chuyển dần xuống môi.

Tôi chợt nhớ đến một câu miêu tả nụ hôn rất đẹp.

Cô ấy hôn lên mắt, lên mi, lên cả hơi thở của tôi, hoàn quyện thành một thể đơn bào.

Văn quá. Nhưng đời chị chẳng văn chút nào. Kết thúc rồi chị tôi ơi, những khổ hạnh cùng thống ngưỡng này sẽ đi xa mãi, chị hết một đời rồi, chị tôi ơi!

Tôi ra khỏi phòng bệnh, chồng chị đứng đó, lưng thẳng tắp như tùng bách. Và cái dáng vẻ đĩnh đạc này, tựa hồ một vết dao bào mòn đi nét trẻ của chị, chỉ còn sót lại mảnh hơi tàn của cái dại già, cằn cỗi và xói mòi.

Gã đưa cho tôi một cuốn tự thoại đã cũ mèm sờn nếp. Tôi giở ra, trang đầu tiên là một bức ảnh nhoè nhoẹt được chụp trộm, chàng trai hướng về phía cành sơn chi, cặp mắt như tràng hạt và trong đó là cả một thung lũng hạnh phúc.

Đó là người mà chị yêu.

Tôi hỏi gã có từng yêu chị không, gã trả lời bằng chất giọng nẫu ruột, nao nao: "Trái tim cô ấy, chưa kịp nhìn thì nó đã là của người khác. Sớm là thế."

Đúng vậy, sớm là thế.

Tôi theo lời chị, men theo con kênh của làng ra đường cái bắt xe, chạy một chuyến dông dài tưởng chừng chẳng có kì hạn, cập bến ở thôn Phúc Xá huyện Đinh Đương.

Người nhân nơi đây phác thuần mà chân chất, họ chỉ đường dẫn lối cho tôi đến một căn chòi nằm biệt lập sau rặng dâu dại cùng dàn trầu không, giống như nơi chốn của thi sĩ ẩn dật, có cảnh hữu ý, người hữu tình.

Mùi ruốc rang đượm nồng trong không khí, cảnh tượng đầu tiên khi tiến vào sân là hình ảnh người con trai đang đảo chảo dầu cùng người con gái săn sóc thấm mồ hôi đập vào mắt tôi.

Tôi cất tiếng thăm dò dù lòng đã dám chắc: "Xin hỏi đây có phải nhà của anh Chàm không ạ?"

Đôi tình nhân quay sang nhìn tôi, tưởng chừng như có chút tò mò nhưng người con gái vẫn đáp trả lại: "Vâng đúng rồi, anh có việc gì cho hay ạ?"

Tôi hắng giọng: "À, cũng không phải chuyện gì lớn lao chi. Chỉ là chị tôi gửi lời chúc phúc tới anh và cô đây thôi."

Lúc này, anh mới hỏi: "Xin hỏi, chị anh là ai?"

Tôi cười khổ nhưng không đáp, quay đầu làm thinh. Kể cũng có chút kém phép thất lễ, nhưng tôi thật lòng chẳng muốn kể cho anh về sự tồn tại của chị và dăng dẳng mấy mươi năm thương nhớ chút nào. Chắc do tôi quá ích kỷ đi.

Trước khi về, họ mời tôi vào uống chút nước trà rượu trắng cho vôi miệng, tôi chỉ đáp lại qua loa nhưng vẫn gật đầu đồng ý. Chén anh chén tôi một hồi thì anh bắt đầu ngượng ngùng kể chuyện xưa - về những điều đã cũ và về mối tình của họ khiến tôi cũng phải ngỡ ngàng.

Cô gái tên Dịu - trùng hợp thay, cô gặp anh vào mười mấy năm trước, làm Phóng viên không biên giới cho một Tổ chức Phi chính phủ, trong lúc đang tìm tư liệu để giúp đỡ đồng nghiệp bị tạm giam thì sa vào bẫy của dân mọi ở khu ổ chuột.

Đám người ấy chẳng còn thiết gì nhân tính, chúng liền bán cô cho một đường dây buôn "gái bán hoa" để lấy bảy tạ gạo. Cô theo bọn chúng đi khắp giời Nam đất Bắc, gặp qua bao nhiêu loại người, nằm gai nếm mật suốt mấy năm ròng rã. Cuối cùng, nhân lúc bọn buôn người đang thực hiện giao dịch thì trốn qua ống thông hơi.

Sau khi thoát được cô liền liên hệ với cấp trên mở cuộc họp báo đại chúng cùng Đồn Cảnh sát tỉnh cho soát ổ dịch, cứu được hàng trăm cô gái cùng nhiều đứa trẻ bị lạm dụng tình dục.

Kết thúc vụ việc, cô từ chức về quê, cắt đứt mọi liên lạc với đồng nghiệp và bạn bè cũ, trở thành một giáo viên Mầm non trong thôn.

Ngày có cơ hội trao duyên với anh là vào một đêm giông cuối hè, anh làm thương binh viễn xứ, khó khăn trong việc đi lại nên bị kẹt trong động Sình Lầy - rồi cô gặp anh. Tựa như có thứ gì đó đã xảy ra, khiến cho hai người sớm ngày sa vào bể tình.

Họ nói: đó là duyên.

Trên đường trở về, tôi lật trang cuối cùng của cuốn sổ nhật ký, hàng như ngay ngắn thanh gọn hiện ra trước mắt:

Chàm là giông tố. Dịu là thiên thu.
Khi Chàm có Dịu, gió chuyển mây ngàn.
Khi Dịu có Chàm, phong ba bão táp.

Giống như hai màu mực khác nhau, một sáng một tối pha loãng hoà trộn. Chỉ tiếc một điều, có bao nhiêu "màu sáng", bao nhiêu "màu tối", chắc gì người gặp đúng người?

Và tôi đột nhiên nhớ đến, chị gặp anh vào một ngày giông to...

Hạnh phúc nhé, nửa đời của em!

Trần Hoài Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: