Ma thổi đèn ( Tập 1 - Thành Cổ Tinh Tuyệt ) - Chương 03

NGÔI MỘ TRONG NÚI

Tuy gọi là Nội Mông, nhưng kỳ thực chỗ này cách Hắc Long Giang không xa, gần tiếp giáp với biên giới Ngoại Mông rồi. Cư dân nơi đây phần lớn là người Hán, chỉ có một số ít là người Mãn, người Mông. Đội thanh niên chúng tôi tổng cộng sáu người, bốn nam hai nữ, vừa đến nơi thì ai nấy đều trơ mắt ra, chung quanh chỉ có những dãy núi nhấp nhô trải dài muôn dặm, những cánh rừng nguyên sinh ngút mắt bạt ngàn, rời khỏi thôn tầm chục dặm thì chẳng còn thấy bất kỳ bóng người nào nữa.

Nơi đây vốn không thông ra đường cái, thế nên đừng nhắc tới việc mắc điện, ở đây có thắp cây đèn dầu cũng là đãi ngộ dành cho cán bộ, còn phòng ai có được chiếc đèn pin thì chẳng khác gì dinh tổng thống, người sống trong thành phố hoàn toàn không thể nào ngờ đến được. Lúc ấy, chúng tôi còn nghĩ khắp mọi miền tổ quốc nơi đâu cũng có nhà cao tiệm lớn, đèn điện điện thoại sử dụng tha hồ nữa cơ.

Có điều lúc ấy cũng thấy rất mới mẻ, bởi xưa nay nào đã thấy dãy núi nào sừng sững đến vậy đâu, huống hồ còn lần đầu tiên được nếm bao món đặc sản miền rừng núi nữa. Núi non chung quanh sản vật tương đối dồi dào, cá thì đầy dưới sông, chẳng lo không có thứ ăn. Sau này khi về thành phố, nghe bọn bạn đi Thiểm Tây kể mới thấy chúng nó cực khổ thế nào, cả mấy năm trời có ăn được bữa nào ra hồn đâu.

Công việc của mấy thanh niên trí thức không nặng lắm, bởi nơi đây "gần núi nhiều củi đốt, kề sông lắm cá ăn" nên việc đồng áng không vất vả quá. Có điều, buổi tối mùa hè, chúng tôi phải lần lượt thay nhau đi trông hoa màu ngoài ruộng. Vì lo thú rừng phá ruộng, cho nên mỗi tối phải có hai người ngủ ngoài đồng để canh chừng.

Đồng ruộng nơi đây không phải là những dải xanh mướt, thẳng cánh cò bay như đồng bằng Hoa Bắc, mà thường thì chỗ này một khoảnh, chỗ kia một khoảnh, tuỳ chỗ nào bằng phẳng là xới ruộng chỗ đó luôn, cho nên buổi tối phải ra ngoài đi vòng vòng để canh gác. Đêm hôm ấy đến lượt nhóm tôi và Tuyền béo, cậu ta ngủ trong lều, còn tôi ra ngoài lượn một vòng, cũng thấy chẳng có gì, bèn về lều đánh một giấc cho xong.

Quãng về gần tới lều, bỗng dưng tôi thấy có cái bóng trắng tròn tròn cách lều cỏ không xa, bèn dụi mắt nhìn cho thật kỹ, chắc chắn không phải tại hoa mắt rồi, nhưng trời tối quá nên rốt cuộc chẳng thể nào nhìn rõ được xem là thứ gì. Hồi ấy tôi không tin có ma, đoán là có con gì, bèn nhặt lấy một cây gậy định xua nó đi.

Một đám trắng loá giữa màn đêm tối mịt, lại còn khẽ dặt dờ đung đưa nữa, rốt cuộc là thứ gì đây? "Thứ đó" cũng không giống động vật, nhưng nếu không phải là động vật thì sao nó lại chuyển động được nhỉ?

Tối tuy không sợ ma quỷ, nhưng khi đối mặt với thứ mình không biết là cái gì, thì nói cho cùng vẫn có tâm lý dè dặt, không dám vung gậy đánh thẳng tới. Cây gậy tôi đang cầm trong tay, thực ra là một cành cây tiện tay lượm được dưới đất mà thôi, tôi lấy cành cây ấy chọc nhẹ vào đám trắng mờ ảo kia, cảm giác rất mềm... đột nhiênm trong bóng tối mờ mịt tôi nghe thấy tiếng Tuyền béo gắt lên: "Này... làm gì thế, Hồ Bát Nhất? Sao lại chọc gậy vào mông tôi thế?"

Một phen hú vía, hóa ra là Tuyền béo, tại sáng ăn bẩn nên nửa đêm đau bụng, ngồi chồm hỗm ở đó mà đi ngoài, trong đêm cái mông trắng hếu của hắn trông thật bắt mắt.

Sáng sớm hôm sau, Tuyền béo cứ nằng nặc bắt đền tôi, một mực bảo tối qua tôi khiến hắn sợ phát khiếp, làm não hắn chết đến hàng triệu tế bào. Tôi bảo rằng "Não cậu có nhiều tế bào thế cớ à? Cả tớ lẫn cậu đều nghèo xơ nghèo xác, nhận chỉ thị tối cao của nhà nước tới nông thôn tiếp nhận học tập những điều vô cùng cần thiết từ giai cấp trung ương nghèo khổ, tớ lấy thứ gì đền cậu đây? Tớ đã nói với cậu từ trước rồi, với tư cách là người chiến hữu cách mạng thân thiết của cậu, tớ khẳng định toàn bộ tư trang của tớ chỉ còn lại mỗi chiếc quần đang mặc này thôi, chắc cậu không bắt tớ phải tụt quần ra đền đấy chứ?"

Tuyền béo cười nắc nẻ, nói: "Không cần phải thế, hôm trước tớ phát hiện trong khu rừng Đoàn Sơn có một tổ ong cực lớn, bọn mình đi chọc nó xuống, lấy ít mật uống cho đã, phần còn lại mang về đổi cho bố Yến Tử lấy thịt thỏ mà ăn."

Yến Tử là tên của một cô gái, bố cô là thợ săn già có tiếng trong làng, tôi và Tuyền béo đều sống nhờ trong nhà họ. Hai cha con cô thường vào rừng đi săn, dăm hôm lại mời chúng tôi ăn thịt thú rừng, nhưng ăn mãi đồ ngon nhà người ta, lâu ngày bọn tôi cũng áy náy, ngặt nỗi, hai thằng tôi thực sự quá nghèo, cũng chẳng có gì mà mời lại hai cha con Yến Tử.

Tôi sợ lạc đường, bèn tìm mượn con chó săn của Yến Tử, con chó này chỉ nhỡ nhỡ, được Yến Tử chăm nuôi từ nhỏ. Cô đặt tên nó là Dẻ Vàng, tại nó chưa lớn nên cũng không nỡ đem theo đi săn, giờ thấy chúng tôi bảo lên núi chơi một chốc, Yến Tử liền cho dắt theo ngay.

Tính đường chim bay, rặng Đoàn Sơn cách làng chúng tôi ở cũng không xa lắm, nhưng bởi không có đường đi thẳng nên chúng tôi phải trèo đèo lội suối một hồi lâu mới tới. Khu rừng này rất rộng lớn, người trong làng từng cảnh báo chúng tôi không nên vào đây, nghe đồn trong rừng thường có gấu người xuất hiện. Chúng tôi cũng từng gặp một người đàn ông chỉ có nửa khuôn mặt trong làng, nghe đâu hồi nhỏ anh ta vào rừng gặp phải gấu người, may là bố Yến Tử chạy đến cứu kịp thời, nổ sung đuổi con gấu đi mới cứu được. Nhưng anh ta vẫn bị con gấu liếm cho một phát vào mặt, trên cái lưỡi nhơ nhám của con gấu mọc chi chít những gai thịt, chỉ cần liếm một cái là xé phăng đi một mảng thịt lớn, đến giờ, nửa mặt trái của người đàn ông ấy đã không còn tai mắt, cả mồm mũi cũng đều méo xệch, hơn bốn mươi tuổi đầu mà chẳng lấy được vợ, người già trong làng mỗi khi nhắc đến chuyện của anh thì đều rơm rớm nước mắt.

Chúng tôi tuy to gan, nhưng cũng không dám maok hỉem chạy vào khu rừng già, cái tổ ong mà Tuyền béo nói thực ra nằm lủng lẳng trên cành cây đại thụ gần con suối nhỏ ở bìa rừng, cậu ta phát hiện trong lúc cùng dân làng đi lấy dầu thông.

Có điều mà tôi không ngờ tổ ong này lại lớn thế, còn lớn hơn tất cả những cái tổ ong mà chúng tôi từng chọc trước kia cộng lại nữa, nhìn từ xa, cái tổ tựa như một con nghé không chân bị treo ngược trên cành cây lớn, bên trong xáo xác một lũ ong to tướng bay qua bay lại, những tiếng vo vo khiến người ta rầy tai nhức óc.

Tôi thấy vậy chửi Tuyền béo: "Mẹ kiếp, cậu chơi tớ à? Tổ ong của cậu đấy hả? Bom nguyên tử thì có! Chọc để nó nổ thì có mà vỡ mặt!". Tuyền béo cười hề hề bảo: "Còn gì nữa! Tổ ong thường thì tớ cần gì gọi cậu ra? Một mình tớ với tay một cái là xử lý xong. Sao? Dám làm nữa không?"

Tôi nghe vậy liền nói: "Nhằm nhò gì, đội ngũ chúng ta bất khả chiến bại, cả máy bay xe tăng của đế quốc Mỹ ta còn chẳng sợ, lại sợ mấy con ong nhép này ư? Mẹ tiên sư, toàn lũ hổ giấy cả thôi, hôm nay an hem mình dứt khoát phải xơi mật ong cho bằng được!"

Tuy nói như vậy, nhưng cũng không thể làm bừa được, chỉ một chút sơ suất thôi chắc chắn sẽ bị bầy ong vò vẽ kia đốt cho tới chết, loại ong này to như vậy, hẳn có độc, cần gì nhiều, chỉ bị chích một hai phát thôi là đi đời nhà ma ngay. Cũng may bên cạnh lại có dòng suối, hẳn là trời cũng muốn giúp chúng tôi đây. Đầu tiên tôi bẻ một chiếc bánh ra làm đôi, cho Dẻ Vàng ăn rồi để nó chạy đi thật xa. Sau đó hai bọn tôi chia nhau mặc hai bộ quân phục thùng thình lên người, đội mũ da chó quấn khăn chít cổ, đeo thật chặt găng tay, trước mũ còn che một tấm vải the nhìn xuyên qua được mượn của mấy chị em thanh niên trí thức, sau khi đã kiểm tra trên mình không còn chỗ nào hở thịt, tôi mới bảo Tuyền béo tìm lấy hai cành lau rỗng ruột, mỗi thằng cầm một cành, để đợi chốc nữa dùng hít thở khi nhảy xuống suối tránh lũ ong.

Chuẩn bị xong đâu đấy, chúng tôi như hai con gấu ục ịch tiến lại gần gốc cây, tôi cầm nắm cỏ Đông tử và bao diêm trên tay chuẩn bị sẵn sang, Tuyền béo thì cầm cây sào, đếm: "Một... hai... ba!". Vừa đếm đến ba, cái sào đã chọc mạnh vào chỗ nối giữa cành cây và cái tổ, chỉ vài nhát, cái tổ ong khổng lồ đã rơi bịch xuống đất, từ bên trong hàng vạn con ong vò vẽ to mẫm lao ra ồ ạt, chẳng mấy chốc đã bâu thành đám mây đen kịt giăng trên không trung, phát ra những tiếng vo vo inh ỏi trùm lên đầu chúng tôi.

Tôi đã chuẩn bị tương đối kĩ, bất chấp sự tấn công cùa bầy ong, vẫn ngang nhiên đốt nắm cỏ Đông tử trên tay, rồi đặt ngay cạnh miệng tổ, bị khói hun sặc sụa, những con ong to sụ bị mất phương hướng lao ra nhốn nháo điên loạn, tôi và Tuyền bếo vội lấy đất bùn đắp thành một gờ chống lửa chung quanh đống cỏ khô đang bốc cháy, để tránh lửa lan ra cả khu rừng.

Lúc đó những con ong chuă bị hun sặc đã xác định rõ mục tiêu, lao ầm ập vào chúng tôi bất chấp sống chết. Tôi bấy giờ chỉ cảm thấy nhưu có hàng ngàn hạt mưa đá rơi lộp bộp trên đầu, không dám dừng lại nửa bước, vội vã cùng Tuyền béo lao thẳng xuống dòng suối bên cạnh. Suối không sâu lắm, chưa đến một mét, sau cú nhảy đánh ùm, chúng tôi đã chạm xuống tận đáy nước, những con ong bám trên người lập tức bị nước suối cuốn trôi đi. Tôi một tay giữ chặt lấy cái mũ da chó trên đầu để khỏi bị nước cuốn, một tay móc lấy nhành lau rỗng ruột ra, đưa lên để thở.

Một lúc sau tôi mới dám nhô đầu lên, thấy bầy ong con sặc nước, con sặc khói, tình hình đã không còn nguy hiểm nữa. Thời tiết khi ấy tuy là giữa hè, nhưng sông suối trong rừng núi lại vẫn rất lạnh, khắp người tôi run cầm cập, khó khăn lắm mới bò được lên bờ, rồi nằm trên dải đá hít thở thật sâu, đón những vạt nắng ấm áp sưởi ấm thân mình, cảm giác dễ chịu khôn tả.

Chẳng lâu sau Tuyền béo cũng không thể chịu nổi bèn run rẩy bò lên, mới bò được một nửa, đột nhiên hắn lêu á một tiếng, cánh tay vung phắt lên, chẳng hiểu vì sao trên tay đã bị cứa rách một đường dài, máu chảy lênh láng.

Tôi vội chạy xuống đỡ Tuyền béo, cậu ta vừa bóp chặt vết thương, vừa nói: "Cẩn thận đấy! Hình như dưới suối có cái bát vỡ, cứa đau chết đi được."

Chung quanh vốn không người ở, sao lại có cái bát vỡ ở đây, tôi bỗng nổi trí tò mò, liền cởi phăng quần áo để mình trần lặn xuống suối mò tìm, ở chỗ Tuyền béo bị cứa chảy máu, tôi mò được nửa cái bát sứ, nhìn kỹ kiểu dáng cùng với hoa văn xanh lam, cũng có mấy phần giống với đồ sứ hoa xanh thời Bắc Tống khi trước nội tôi sưu tầm.

Nhưng tranh chữ, đồ cổ của ông tôi, hồi đấu tố đều bị bọn Hồng vệ binh đập nát cả rồi, chẳng ngờ ở chốn thâm cùng sơn cốc này lại có thể nhìn thấy những mảnh vụn của thứ đồ cổ này, cảm giác cũng thân thiết ra phết, nhưng suy cho cùng chúng cũng chẳng có giá trị gì với tôi cả, nghĩ đoạn tôi liền vung tay ném văng mảnh bát vào rừng.

Tuyền béo cũng cởi hết quần áo, băng qua loa vết thương rồi lại nhảy xuống suối. Chúng tôi tắm xong, liền đem quần áo giày tất phơi lên dải đá sỏi trên bờ, tôi huýt một tiếng sáo dài gọi con Dẻ Vàng quay lại.

Chỉ thấy con Dẻ Vàng đằng xa chạy về, miệng tha theo một con thỏ rừng béo mẫm. Chẳng hiểu con thỏ xấu số kia thế nào mà lại để rơi vào mõm con chó săn còn đang trong thời gian tập sự này nữa. Tôi vừa thấy thỏ rừng thì mừng rơn ôm lấy con chó lăn tròn trên mặt đất mấy vòng, quả là một con chó săn cừ khôi, tôi liền bẻ một buồng đẫm mật trên tổ thưởng cho nó.

Tuyền béo nói: "Sau đợt này bọn mình tha hồ xin dân làng mấy nhóc cún về nuôi, mai mốt tha hồ ăn thịt thỏ!"

Tôi đáp: "Cậu đừng có mơ! Bao nhiêu thỏ rừng mới vừa cái miệng sói của cậu đây, thôi đừng ba hoa nữa, tớ đói rồi, cậu xử lý con thỏ kia đi, tớ đi kiếm củi."

Tuyền béo ngồi bên bờ suối làm sạch con thỏ từ trong ra ngoài, tôi ôm một mớ cánh thông khô về đốt một đống lửa, quết một lớp mật ong dày lên mình con thỏ đã lột sạch da, rồi đem nướng. Chẳng mấy chốc, mùi thịt thở nướng mật thơm phức đã lan toả trong lhong khí, tôi cắt đầu con thỏ ra cho Dẻ Vàng, phần thịt còn lại thì xẻ làm đôi, tôi và Tuyền béo mỗi người một nửa đánh chén một trận đã đời. Tôi lớn chừng này rồi mà cũng chưa bao giờ được ăn thứ nào thơm ngon như thứ này, thiếu chút nữa là nuốt luôn cả mấy ngón tay vào bụng, tuy không có muối dầu gia vị, nhưng phết mật ong rừng lên thịt thỏ rồi lại dùng củi thông nướng chin cũng có một phong vị rất riêng, người ở thành phố cả đời cũng không thể nào tưởng tượng ra trên thế gian này lại có thứ đồ ăn ngon như thế.

Sau khi đánh một bữa no nê, thấy trời không còn sớm, quần áo cũng gần khô cả, hai chúng tôi dùng cánh cây to xuyên ngang tổ ong, người trước người sau vác về, vừa đi vừa hát vang bài ca Cách mạng: "Trời bao la, đấy bao la... đâu bằng lòng quyết tâm của nhân dân ta... Thân thay mẹ, thân thay cha... nào thân bằng tình nghĩa Đảng ta.". Thật đúng là "roi quất ngựa chồn chuông reo múa, hát vang một khúc tiến quân về.". Điểm không hài hoà duy nhất chính là tiếng sủa phấn khích của con Dẻ Vàng xen trong tiếng hát hào hung của chúng tôi, điều này khiến cho tôi có cảm giác mình giống hệt bọn giặc Nhật đổ bộ vào thôn làng trong phim vậy.

Về tới thôn, thấy người trong làng vơi đi quá bán, tôi liền hỏi Yến Tử: "Yến Tử! Bố em với mọi người đi đâu cả vậy?"

Yến Tử vừa giúp chúng tôi nhấc tổ ong xuống, vừa trả lời: "Sông Chakanha có lũ, cây gỗ trong lâm trường đều bị ngập cả, buổi trưa người trong làng đều chạy tới giúp khuân gỗ, đồng chí bí thư chi bộ bảo em nhắn các anh trông hoa màu cho cẩn thận, đừng có gây vạ, bọn họ phải bảy tám hôm nữa mới về.

Tôi chúa ghét nghe ai bảo mình không được gây hoạ, cứ làm như tôi sinh ra là để đi khắp nơi reo rắc tai hoạ không bằng, nghe vậy tôi liền nói với Yến Tử:" ĐỒng chí bí thư uống rượu say nói lẫn cả rồi! Bọn anh có gậy vạ gì đâu? Bọn anh đều là cháu ngoan cảu Mao chủ tịch mà!"

Yến Tử cười bảo: "Có thật là mấy anh không gây vạ gì không? Từ sau khi đám thanh niên trí thức mấy anh về đây, gà mái cả làng này đều bị nạt cho không con nào đẻ trứng được nữa rồi đấy."

Hai anh bạn cùng đoàn với tôi cũng đã ra lâm trường, chỉ còn lại tôi, Tuyền béo và hai cô gái nữa, hai chúng tôi chạy đi chơi nên không bị gọi đến lâm trường khuân gỗ, nghĩ cũng may thật! Bọn tôi đổ mật ong vào bình, cả thảy cũng được hơn mười bình đầy, Yến Tử bảo buồng ong thừa lại có thể nấu ăn, bữa tối sẽ nấu cho chúng tôi ăn món thịt nai xào tổ ong.

Vừa nhắc đến ăn, Tuyền béo lại sướng tít cả mắt, bảo rằng hôm nay bọn mình có khác nào ăn Tết, chiều vừa ăn thịt thỏ nướng, tối lại được ăn thịt nai xào tổ ong, mình chảy cả nước miếng ra rồi đây này. Yến Tử hỏi chúng tôi nướng thịt ở đâu. Tôi kể cho cô nghe đàu đuôi câu chuyện. Yến Tử nghe xong thì htốt lên: "Ôi trời ạ, các anh đừng có làm liều thế chứ! Nướng thịt thỏ ở rìa rừng, mùi thịt thơm như thế dụ gấu người ra thì sao?"

Bọn tôi nghe Yến Tử nói vậy mới sực nghĩ lại, đúng nguy hiểm thật, may mà không sao, có lẽ tại hôm nay con gấu đang ngủ cho nên không đánh hơi thấy mùi thịt nướng. Tòi vừa giúp Yến Tử gầy lò, vừa kể chuyện Tuyền béo bị mảnh bát vỡ ở suối cứa vào tay, chẳng biết ở nơi rừng hoang núi hẻm ấy cớ gì lại có bát sứ hoa xanh thời Tống nữa.

Yến Tử nghe vậy, mới bảo rằng: "Có gì lạ đâu, làng mình mỗi khi có ai lấy chồng, nhà nào nhà nấy có đến mấy chiếc bình đựng làm của hồi môn, mà những thứ ấy đều vớt ở dưới suối lên cả."

Tôi càng nghe càng thấy lạ, dưới suối lại vớt được đồ cổ ư?

Thấy tôi ngơ ngác, Yến Tử liền với tay vào gầm giường lôi ra hai chiếc bình sứ chỉ cho tôi xem: "Không phải dưới suối tự mọc ra đâu, đều là từ trên thượng du xối xuống đấy. Gần làng mình có mấy con sông đều bắt nguồn từ núi Tim Trâu ở khe Lạt Ma, nghe người già kể núi ấy có mộ của bà thái hậu nước Kim hay nước Liêu nào ấy, đồ tuỳ táng bên trong đều cũ rích cả rồi, có nhiều người muốn đi tìm cái mộ ấy lắm, nhưng chẳng phải không tìm thấy thì cũng là vào rồi mà không biết lối ra. Khu rừng trong khe Lạt Ma rậm rạp lắm, bố em còn kể từng thấy quanh khu ấy có người rừng xuất hiện, có người cìn nói trong núi Tim Trâu có ma, bao năm nay chẳng ai dám vào đấy đâu.

Trong lúc chúng tôi nói chuyện, màn đêm đã buông xuống từ lúc nào không biết, Yến Tử làm cơm cũng đã hòm hòm, Tuyền béo liền đi gọi hai cô bạn kia đến ăn cơm, nhưng vừa đi được một lúc, cậu ta và cô tên là Vương Quyên đã hớt hơ hớt hải chạy về. Tôi vội hỏi xem có chuyện gì, Vương Quyên thở hổn hển một hồi mới nói rõ, hoá ra cô bạn tên Điền Hiểu Manh ở cùng Vương Quyên nhận được thư nhà, trong thư viết mẹ cô bị hen suyễn phải nằm viện, bệnh tình xem ra khá trầm trọng. Điền Hiểu Manh nghe người ta bảo trong khe Lạt Ma có quả Bồ Tát chữa bệnh hen rất hiệu nghiệm, bèn một mình vào rừng tìm, đã đi từ sáng sớm mà mãi tới giờ vẫn chưa thấy về.

Tôi nghe mà gân xanh giật lên bần bật bên hai thái dương, Điền Hiểu Manh này cũng liều mạng thật, chỗ đó là rừng nguyên sinh, ngay cả thợ săn có kinh nghiệm trong làng còn chẳng dám tuỳ tiện đi vào, làm sao mà cô ta đi một mình cơ chứ.

Vương Quyên khóc bảo tại mình không ngăn Hiểu Manh được, rồi bảo mọi người mau chóng đi tìm, kẻo có chuyện gì thì chẳng biết phải làm sao nữa.

Nhưng bấy giờ lực lượng lao động trong làng đều đến lâm trường cả rồi, chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, xem ra chỉ còn mỗi tôi và Tuyền béo là đi được, Yến Tử cũng dắt theo Dẻ Vàng và súng săn đi cùng chúng tôi, Vương Quyên ở lại trông coi hoa màu.

Trong rừng núi có chó thì chẳng sợ lạc đường, chúng tôi không dám trễ nải, vội đốt đuộc dắt theo Dẻ Vàng phăm phăm vào rừng. Núi sâu rừng thẳng căn bản không có đường nào đi được, tôi cũng thực chẳng thể hiểu nổi Điền Hiểu Manh, con gái sao dám một thân một mình xông vào nơi thâm sơn cùng cốc này cơ chứ, Tuyền béo bảo, có lẽ tại cô lo lắng quá nên không tỉnh táo, mẹ bệnh nặng ai mà chẳng lo cơ chứ.

Trời tối, lại phải nhờ Dẻ Vàng ngửi mùi lần vết, nhưng nó chưa từng được huấn luyện bài bản bao giờ, nên cứ mất dấu suốt, thành ra lại phải quay lại tìm lần nữa, vậy nên chúng tôi đi rất chậm, đoạn đường ngày thường chỉ cần đi bốn năm tiếng, giờ ba chúng tôi phải đi suốt cả một đêm. Phía Đông trời đã hửng sáng, ngọn gió sớm trong rừng già thổi qua làm chúng tôi nổi hết da gà, không khí tươi mới của buổi sớm khiến tinh thần người ta phấn chấn, Yến Tử chỉ tay về phía Tây nói: "Hai anh trông! Ngọn núi lớn kia chính là núi Tim Trâu đấy."

Tôi với Tuyền béo liền nhìn theo hướng tay cô chỉ, trong dãy núi bao trùm bởi biển rừng ngút ngát, sừng sững một ngọn núi khổng lồ hình thù quái dị, cả ngọn núi hình dạng như một quả tim trâu, chín dòng thác trắng muốt như chín con rồng ngọc cuồn cuộn chảy từ trên cao xuống. những đồ sứ mà dân làng nhặt được hẳn là do những dòng thác này cuốn ra, xem chừng lăng mộ của Thái hậu nước Liêu có lẽ chỉ ở trong núi, chỉ là xưa nay chẳng có ai tìm được lối vào mà thôi.

Tôi trong thấy dãy núi hùng vĩ ấy thì đột nhiên có một cảm giác rất lạ, thề có chủ tịch Mao, dãy núi này hình như tôi đã thấy ở đâu đó. Ngẫm nghĩ một lúc, cuối cùng tôi cũng sực nhớ ra đây chính là một đoạn chéo trong cuốn tàn thư ông nội để lại mà hằng ngày khi rảnh rỗi tôi vẫn thường mở ra xem. Nơi có bố cục sơn thuỷ này chính là phong thuỷ tốt nhất để làm huyệt mộ, trước nhìn sông, sau tựa núi, chín dòng thác tuân trào như chín con rồng hút nước, chia ngọn núi thành hình hoa sen nở rộ, đúng rồi, hình như bố cục này được gọi là "Cửu long trạo ngọc liên" (Chín rồng trùm sen ngọc) thì phải.

Chín dòng thác trên núi, nếu nhiều hơn hay ít hơn một, hoặc lưu lượng nước không đủ lớn, đều không thể gọi là bố cục "Cửu long trảo ngọc liên" được. Số chín là đơn vị lớn nhất, có hàm nghĩa "tối thượng, chí tôn", phát âm lại giống với chữ "cửu" là "lâu bền", có ý "vĩnh cửu, trường tồn", bởi thế tự cổ chí kim đều được coi là con số may mắn nhất. Ngoài ra, nếu lượng nước không đủ lớn, thì cũng không thể gọi là "rồng" được, mà chỉ có thể gọi là "rắn" thôi.

Loại huyệt báu phong thuỷ này, còn có một tên khác, gọi là "Lạc thần liễn", trong sách có ghi, bố cục như vậy thích hợp nhất là an táng đàn bà, nếu chôn đàn ông vào, thì gia tộc nhà ấy kể như xúi quẩy muôn đời.

Lúc ấy, đầu tôi lởn vởn một suy nghĩ, cuốn Thập lục tự âm dương phong thuỷ bí thuật của nội tôi nào phải là sách phong kiến bậy bạ, nội dung sách chép toàn là vật thực việc thực, trở về thế nào tôi cũng sẽ đọc lại cho kỹ càng mới được.

Có điều tôi không hề thấy cái thứ thuật phong thuỷ này có giá trị gì cả, Trung Quốc tự xưa biết bao vị đế vwong khanh tướng có ai chết mà lại chọn bừa lấy một mảnh đất đem chôn đâu? Vậy sao triều đại vẫn đổi thay, dòng lịch sử hết hưng thịnh rồi suy vong, lẽ nào do phần mộ tổ tiên mà quyết định được?

Yến Tử chỉ khe sâu phía trước núi Tim Trâu bảo: "Đây chính là khe Lạt Ma nổi tiếng, nghe đồn trong đó có người rừng, mà đêm đến lại còn có ma nữa."

Tuyền béo đưa mắt nhìn khu rừng nguyên sinh rậm rạp âm u, nhíu mày nói: "Hiểu Manh đi vào khe này thảo nào chẳng lạc, chúng ta chỉ có ba người một con chó, muốn tìm cô nàng chắc cũng không dễ đâu."

Tôi thấy hai người có vẻ nản lòng, bèn động viên: "Những người theo chủ nghĩa duy vật Cộng sản không nên tin vào những điều ma quỷ, bất kể là ma hay người rừng gặp phải tớ đây thì coi như vô phúc, tớ sẽ bắt sống mấy con, đem về Bắc Kinh tặng Mao chủ tịch. nhất định người sẽ rất kinh ngạc cho mà xem!"

Tôi và Tuyền béo đều xuất thân trong gia đình quân nhân, trong máu đã có sẵn phẩm chất gan lì chẳng sợ trời sợ đất, cậu ta nghe tôi nói thế, liền lập tức phấn chấn tinh thần, cũng xắn quần xắn áo tiến vào khe sâu.

Chỉ còn Yến Tử là lo lắng chưa yên,Yến Tử dẫu sao cũng là người bản địa, từ bé đã nghe vô số câu chuyện đáng sợ về khe Lạt Ma, tự nhiên trong tâm trí cô hình thành một nỗi sợ tiềm ẩn âu cũng là điều sễ hiểu. Có điều bây giờ cứu người quan trọng, cô cũng đành gác nỗi lo sợ ấy mà đi theo chúng tôi.

Ba chúng tôi ngồi ăn lót dạ chút lương khô, kiểm tra lại đồ đạc chuẩn bị xuất phát, ba người có hai khẩu sung, đều là của bố con Yến Tử, một là khẩu súng ba nòng, một khẩu là sung tự chế của người Ngạc Luân Xuân, cả hai khẩu đều rất lạc hậu, toàn phải nhồi thuốc rồi mới bắn được, bắn cự ly gần thì khả năng sát thương rất lớn, nhưng nếu bắn mục tiêu ngoài ba mươi mét trở ra, thì độ chuẩn xác và sức đi của đạn đều không mấy đảm bảo, dùng bắn hươu bắn thỏ thì còn tạm ổn.

Hồi tôi sáu tuổi đã được bố dắt tới trường bắn chơi súng, các loại súng ngắn súng dài của Quân Giải phóng tôi đều sử dụng thành thạo, nhưng loại súng săn nhồi thuốc này thì tôi không chắc có thể điều khiển được, Tuyền béo cũng không khác tôi là mấy, sau một hồi bàn bạc, tôi với Yến Tử mỗi người cầm một khẩu súng, Tuyền béo thì dắt một con dao chặt củi. Sau khi đã chuẩn bị tương đối, ba người bắt đầu tiến vào rừng cây rậm rạp trong khe Lạt Ma.

Trong khe Lạt Ma, so với ma quỷ và người rừng trong truyền thuyết, gấu người vẫn là mối uy hiếp trực tiếp và chân thực nhất, gấu người và gấu đen tuy cùng là gấu, song gấu người thích đứng thẳng đi như người cho nên mới có tên như vậy. Loài gấu này thân hình to lớn, da thịt săn chắc, thơ săn phải hợp nhau lại, còn mang theo một đàn chó săn mới dám tấn công nó. Còn như chỉ có một thân một mình vác theo cây súng rởm, gặp loại ác ôn này trong rừng sâu thì coi như đã lĩnh trọn án tử hình.

Chúng tôi đi mất nửa ngày trong rừng, tiếng nước tuân rầm rầm ở chin dòng thác trên núi Tim Trâu nghe mỗi lúc một rõ, nhác thấy đã đi đến tận đầu kia của khe Lạt Ma, xem ra cũng gần tới chân núi Tim Trâu rồi.

Gấu người hay ma quỷ đều chẳng gặp, càng chẳng thấy bóng dáng của Điền Hiểu Manh đâu, Tuyền béo đặt bàn toạ phịch xuống đất, mệt nhọc nói: "Dừng thôi... thực sự... không thể đi nổi nữa!"

Yền Tử liền bảo: "Mọi người đành nghỉ một lúc đi vậy, con Dẻ Vàng hình như cũng không đánh hơi được dấu vết gì của Hiểu Manh cả, ôi, thế này thì chẳng xong rồi, ngộ nhỡ không tìm ra cô ấy, bí thư với bố em về sẽ mắng cho chết mất."

Nãy giờ tôi cũng mệt ra trò, vớ lấy bình nước tu ừng ực mất ngụm, đoạn nói với hai người: "Điền Hiểu Manh chắc không phải đã làm mồi cho gấu người đấy chứ? Hay là bị người rừng bắt đem về làm áp trại phu nhân mất rồi?"

Chúng tôi đang nghỉ ngơi nói chuyện phiếm, bỗng thấy Dẻ Vàng xông vào phía rừng cây rậm rạp xủa nhặng lên, mà chó săn đều là những giống chó cực tốt, nếu không gặp chuyện gì nguy hiểm, chúng tuyệt đối không bao giờ xủa nhặng lên như thế.

Tôi hỏi Yến Tử: "Con chó làm sao thế? Có phải phát hiện ra thú rừng đúng không?"

Yến Tử mặt mũi tái nhợt: "Mau... Trèo mau lên cây! Có... có gấu người!"

Tôi vừa nghe thấy hai tiếng "gấu người" thì lập tức ba chân bốn cẳng trèo tót lên một cành cây to, cúi đầu nhìn xuống, thấy Yến Tử còn đang gắng sức đây mông Tuyền béo lên, cái cậu này vốn không biết leo trèo, chỉ biết gắng gượng ôm lấy thân cây nhích dần lên từng tí một. Thấy thế tôi lại vội tụt xuống, cùng Yến Tử đẩy cậu ta lên, nhọc nhằn lắm cuối cùng Tuyền béo mới leo lên được một chạc cây to gần nhất. Cậu ta nằm sấp ôm chặt lấy cành cây, mồ hôi nhễ nhại, nói vọng xuống: "Ôi khổ thân tôi... tổ sư cái cây... cao thế không biết!"

Tiếng sủa của Dẻ Vàng càng lúc càng gấp, tôi với Yến Tử chưa kịp trèo lên cây, thì từ trong bụi rậm một con gấu người khắp mình đen trũi đã xông ra, con gấu thấy có người, lập tức phấn khích đứng thẳng hai chân, gầm lên như sấm.

Yến Tử đã theo cha đi săn trong núi nhiều năm, rất nhiều kinh nghiệm, chẳng nghĩ ngợi nhiều, ngay tức khắc giơ súng lên nhằm thẳng vào con gấu bắn luôn một phát, chỉ nghe "đoàng" một tiếng, tia lửa bắn toé ra, viên đạn đã trúng ngay bụng con gấu.

Khoảng cánh gần, vả lại vung bụng gấu chính là chỗ mềm yếu nhất, phát súng vừa rồi đã khoét ngay trên bụng con ác thú một cái lỗ lớn, máu tươi và phèo ruột đều xổ cả ra. Con gấu bị thương, tức giận vô cùng, liền lấy tai nhét đống phèo ruột vào trong bụng, điên cuồng lao về phía Yến Tử, súng săn của cô không thể bắn liên tiếp, phía sau lại toàn cây cối gai góc muốn chạy cũng không chạy đi đâu được, chỉ đành nhắm mắt chờ chết.

Cứu người là trên hết, tôi chẳng đắn đo gì thêm, vội vàng giương súng ngắm vào đầu con gấu, nếu phát súng này mà trượt thì coi như Yến Tử đi tong, nghĩ đến đây tay tôi hơi run rẩy, vội lập tức nghiến răng bóp cò, một tiếng nổ "đùng" vang lên, lực giật của cây súng Ngạc Luân Xuân khiến tôi ngồi phịch xuống đất, suýt lộn mấy vòng, chẳng rõ do lực sát thương không đủ lớn hay tại tôi ngắm lệch, tuy viên đạn đã trúng đầu con gấu nhưng chỉ khiến nó mù một mắt.

Phát súng ấy tuy không chí mạng, nhưng đã cứư được Yến Tử, con gấu bị chột một mắt, khắp mặt máu me đầm đìa, hốc mắt hẵng còn lủng lẳng nửa con ngươi, con ác thú càng trở nên điên cuồng dữ tợn, bỏ mặc Yến Tử ở đó mà lao thẳng về phía tôi.

Lúc này, Dẻ Vàng từ phía sau cắn mạnh vào chân con gấu, con gấu quay ngoắt lại định túm lấy Dẻ Vàng, nhưng con chó rất cảnh giác, thấy đối thủ xoay mình, liền chạy tít ra xa, nhe hàm răng nhọn hoắt lên thách thức con gấu.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi với Yến Tử vội tranh thủ chục giây quý báu, mỗi người leo ngay lên một cái cây.

Gấu người bị thương không nhẹ, ruột lòi cả ra ngoài, máu chảy đầm đìa, lại mù mất một mắt, ở trong rừng này ngay cả hổ cũng phải sợ nó vài phần, xưa nay đã bao giờ chịu thua thiệt đến thế đâu, muốn xông ra tóm con Dẻ Vàng, nhưng gấu thì chạy làm sao nhanh bằng chó săn được, muốn cắn xé chúng tôi, nhưng cả ba đều đã trèo lên cây hết cả. Nó đảo mấy vòng quanh gốc cây, tuy ôm một bụng căm tức, nhưng nhất thời cũng không biết phải làm thế nào, bèn ngẩng đầu gầm lên như sấm, âm thanh chấn động cả núi rừng.

Tôi sấp mình trên cây, thấy con gấu ở dưới bực bội đảo đi đảo lại, quên khuấy mất đang trong tình thế nguy hiểm, chỉ thấy nực cười, bèn nói vọng sang phía Tuyền béo: "Ê! Béo! Ông hai nhà cậu sao vẫn chưa đi thế? Cứ đảo như đảo trứng phía dưới làm gì? Cậu khuyên ông cậu đi, đừng có nghĩ quẩn nhé!"

Tuyền béo chẳng sợ gấu mà chủ yếu là sợ cao, nói theo thuật ngữ y học ngày nay tức là chứng sợ độ cao, thế nên cậu ta cứ nằm sấp ôm chặt lấy cành cây run rẩy, nhưng thấy tôi đá đểu, cũng chẳng chịu thua thiệt, liền chửi lại: "Hồ Bát Nhất! Cái đồ thất đức! Nhìn cho rõ rồi hãy nó nhé! Dưới kia không phải ông hai tôi đâu, mà hình như là vợ cậu hay sao ấy!"

Tôi cười lên ha ha, rồi chỉ tay vào con gấu bên dưới nói: "Ối! Nhìn nhầm rồi! Hoá ra là bà dì của cậu Béo, tở chẳng muốn làm dượng cậu đâu nhé!"

Tuyền béo tức khí đình ngắt quả thông ném tôi, nhưng hay tay đều bận ôm khư khư lấy cành cây, sợ hế rời tay ra là ngã xuống đất cho nên chẳng dám làm động tác gì mạnh, chỉ giương mắt lên lườm mà thôi.

Tôi thấy bộ dạng Tuyền béo thì lại càng buồn cười, nhưng nụ cười ấy ngay lập tức cứng đờ, con gấu điên khùng bên dưới bắt đầu bất chấp tất cả, một mực trèo lên cái cây tôi đang náu mình.

Tuy con gấu nặng nề, nhưng rất khoẻ, lại bị thương, cái đau đã khiến nó hoàn toàn mất đi lý trí, trong mắt nó giờ đây chỉ còn có ba người chúng tôi và một con chó, con mắt còn lại của nó trợn lên đỏ ngầu, những chiếc gai thịt trên bàn tay nó bấu chắc vào thân cây, cả thân thể to lớn mà nhún một cái đã lên được một mét. Tôi chửi thầm trong bụng: "Tiên sư đứa nào bảo ông gấu chó không biết trèo cây ấy nhỉ? Muốn chơi ông chắc!"

Xưa nay vào rừng, thơ săn già vẫn thường dặn dò đám người trẻ: Thà đánh mãnh hổ, không chấp gấu điên. Bởi loài gấu bị thương mà phát khùng lên thì sức phá hoại và sự tàn bạo thật không ai có thể tưởng tượng ra được. Tôi sợ đến tái mặt, không còn bụng dạ bỡn cợt với Tuyền béo nữa, trong đầu chỉ rặt một suy tính tìm kể thoát thân.

Lúc bấy giờ Yến Tử liền nhắc tôi: " Mau...Mau nhồi đạn! Bắn nốt con mắt còn lại của nó mau!"

Tôi lúc ấy mới sực nhớ ra cây súng săn đeo sau lưng, vừa mắng mình vô tích sự, vừa trèo thêm một quãng nữa lên phía ngọn cây, cởi bở dây lưng, thắt vào một cành cây to đủ chịu trọng lượng cơ thể mình, sau đó một tay giữ chắc, cây súng để giữ trọng tâm, tay còn lại nhồi cả nửa số thuốc đựng trong ống sừng trâu vào nòng súng.

Con gấu trèo rõ nhanh, cách tôi mỗi lúc một gần, Yến Tử và Tuyền béo đều toát hết mồ hôi lạnh. Tôi cố gắng dồn sự chú ý vào việc nhồi thuốc, cố không nghĩ đến con gấu hung dữ đang tiến lại gần mình.

Sau việc nhồi súng là công đoạn nạp đạn, phải dùng ống sắt nhồi thật chặt, tóc mai và lỗ mũi tôi ướt sũng mồ hôi, loại súng săn này quả thật rắc rối, để vỡ nòng thì tôi cũng toi đời luôn. Ở vùng rừng núi Đông Bắc này, đã có biết bao thợ săn vì không có nổi đến một cây súng bắn nhanh mà để mất sinh mạng quý báu, lúc này giá mà tôi có một khẩu súng trường bắn tự động kiểu 56, thì dẫu dăm ba con nữa đến đây cũng chấp hết, bằng không thì súng lục cũng vẫn được.

Ngay sau khi tôi nạp đạn và thay xong mồi lửa, móng vuốt sắc nhọn của con ác thú cũng đã vập sát chân, tôi vội co chân lại, thuận thế xoay ngay nòng súng chĩa xuống dưới. nhằm đúng đầu con gấu mà bóp cò. Lần này vì cho quá nhiều thuốc súng nên khói bay mịt mù, làm mặt tôi đen kịt.

Đạn được nén trong lòng súng bắn ra nhờ sức thuốc nổ, nhưng vì góc độ quá thấp nên bị lỏng, không thể nào phát huy hết được uy lực vốn có của súng, vả lại do tôi bắn súng một tay, phía sau không có điểm tựa, nên cự ly gần thế mà cuối cùng vẫn bị lệch, không bắn trúng đầu mà chỉ làm con gấu tét một bên vai. Con gấu người ngã từ độ cao mười mấy mét xuống đất đành rầm một cái, bên dưới toàn là lá khô cành mủn dày đến mấy tấc, nên rơi từ trên cao xuống cũng không mảy may gì.

Con gấu lại bò dậy, lần này nó không trèo lên nữa, mà rú lên ầm ỹ huých mạnh tảng người vâm chắc vào thân cây như một cỗ xe tăng hạng nặng, làm lá thông quả thông rơi xuống lả tả như mưa.

Cũng may tôi gài cánh tay vào sợi dây lưng treo trên cành nên không đến nỗi bị rơi xuống dưới, chỉ hơi lo cái cây không đủ to chắc, bị con gấu huých thêm vài phát nữa không chừng cũng bật rễ luôn, thật không ngờ hôm nay lại phải chết trong chốn rừng thiêng nước độc này. Phút lâm chung cũng không được mất thể diện, chí ít phải lấy lại chút chí khí lẫm liệt của người chiến sĩ cách mạng vì đại nghĩa quên mình, phải khiến cho Tuyền béo và Yến Tử thấy rằng họ Hồ ta đây không phải hạng tầm thường. Nghĩ đoạn tôi liền cao giọng gọi Yến Tử và Tuyền béo: "Xem chừng tớ phải đi gặp ông Các Mác rồi,xin lỗi các đồng chí, tớ đi trước motj bước đây, tớ đến đó sẽ giữ chỗ cho, hai người có lời nào muốn nhắn gửi tới những người thầy của chủ nghĩa cách mạng của chúng ta không, tôi sẽ chuyển giúp!"

Tuyền béo nằm trên một cái cây cách tôi mười mấy mét, nói vọng lại: "Đồng chí Hồ Bát Nhất! Cậu cứ yên tâm lên đường, sự nghiệp cách mạng có cậu cũng không tốt lên, thiếu cậu cũng chẳng xấu đi, cậu cứ đến chỗ lão Mác học lý luận cách mạng cho tốt đi, nghe nói họ ăn toàn thịt bò sốt khoai tây đấy, có quen được không?"

Tôi đáp lời: "Người làm cách mạng có bao giờ kén cá chọn canh? Này đồng chí Béo! Cỗ xe cách mạng còn chưa đổ thì các cậu vẫn phải tiếp tục đẩy về phía trước đấy nhé! Cờ đỏ tung bay dân cầm mác, tước quyền bá chủ quân gian ác, hai phần ba dân nghèo trong thiên hạ đang chờ các cậu đi giải phóng đấy, tớ đi ăn thịt bò sốt khoai tây đây!"

Yến Tử khóc oà lên: "Giờ là lúc nào rồi mà các anh vẫn còn đùa được chứ? Mau nghĩ cách gì đi!"

Đúng lúc chúng tôi bó tay hết cách, con gấu bỗng dưng không huých cây nữa mà dừng lại, ngồi bệt xuống đất thở phì phò. Hoá ra do chảy quá nhiều máu, lại không ngừng lồng lộn, nên tuy có sức mạnh ghê người, con gấu cũng đến lúc cùng kiệt, cơn điên cũng xẹp đi không ít, chờ cho chúng tôi mệt lả mới tiếp tục ra tay.

Dẻ Vàng cũng biết con gấu ghê gớm, nên không dám bén mảng đến gần, chỉ ngồi chồm hỗm ở một chỗ thật xa, nó hẳn cũng rất đói, nhưng bởi tuyệt đối trung thành với chủ nên quyết không bỏ đi kiếm ăn một mình. Yến Tử xót chó, huýt một hồi sáo cho Dẻ Vàng tự đi kiếm ăn, nó mới lầm lũi bỏ đi.

Ba người chúng tôi nằm trên cây cùng bàn bạc đối sách, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thực sự chẳng còn cách nào nữa cả, giờ mà xuống dưới liều mình, với mấy khẩu súng kiểu cổ lỗ sĩ này khác nào tự tìm cái chết, người trong làng đều đã đi cả, nên chờ người đến cứu là điều không thể. Để khỏi rơi xuống đất, mỗi người đành phải lấy thắt lưng trói chặt thân mình vào cành cây, rồi chờ xem ai lỳ hơn ai.

Vậy là bế tắc, tình thế giằng co thể này rất bất lợi đối với ba người chúng tôi, một phen sống mái kinh hồn bạt vía với con gấu vừa rồi đã khiến sức lực chúng tôi gần nhu cạn kiệt, trời cũng sắp tối, cả ba hơn hai ngày một đêm đều không được chợp mắt, giờ vừa đói vừa buồn ngủ, chỉ e chưa đến sáng sớm đã lả đi mà rớt xuống đất.

Tình cảnh khiến tôi nhớ đến một câu thơ của Mao chủ tịch: "Địch kia vây bủa trùng trùng, ta đây đưng vững không lung không sờn". Có điều trong núi chẳng hề có có lọng phấp phới, chỉ có mỗi con gấu người đang chồm hỗm chờ sẵn.

Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, bất giác cơn buồn ngủ thiu thiu ập đến, tôi nằm úp trên cây rồi thiếp đi. Cũng chẳng biết ngủ được bao lâu, đến khi có cảm giác đói meo khó chịu, mình mẩy đau nhức, tôi mới tỉnh giấc, chỉ thấy trên trời sao giăng kín chi chít, trăng tựa móc câu, đêm chừng đã khuya. Khắp khu rừng im lặng như tờ, tôi mượn ánh trăng quan sát, con gấu đã không còn dưới gốc cây nữa, nó bỏ đi từ lúc nào cũng chẳng ai hay. Cây cối rậm rạp quá, tôi nhìn không rõ Yến Tử và Tuyền béo còn ở trên cây không, liền cất giọng gọi vang: "Yến Tử! Béo ơi! Hai người còn ở trên cây không?"

Tôi gọi liên tục mấy lượt, tiếng gọi vọng vang khắp núi rừng, nhưng mãi chẳng thấy người nào trả lời. Tôi tuy cũng bạo gan, nhưng thoáng nghĩ chỉ còn một mình lạc lõng trong rừng sâu thì không khỏi dựng tóc gáy, thầm nhủ hai tên kia thật chẳng ra gì, quên mất cả tôi, lúc đi cũng chẳng thèm gọi lấy một tiếng.

Tôi lại gọi thêm hai tiếng, vẫn không thấy động tĩnh gì, liền lo lắng ngoảnh nhìn tứ phía, phát hiện ra phía trước không xa có ánh đèn lấp loá, không ngờ nơi đây lại vẫn có người cư trú. Hai đứa kia hẳn cũng thấy ánh đèn nên đã chạy đến đó tìm người rồi?

Đêm tối như mực chẳng thể phân biệt đâu là Đông Tây Nam Bắc, chỉ nghe thấy tiếng nước chảy rầm rầm, tôi đành ngẩng đầu tìm sao Bắc Đẩu, ánh đèn có lẽ hắt ra từ phía núi Tim Trâu, tôi tụt xuống, khập khiễng đi về phía đó.

Tôi bắt đầu tưởng tượng ra chủ nhân của ánh đèn ấy là một ông thợ săn già có chòm râu bạc trắng, rất đỗi hiền từ lại nhiệt tình và mến khách, gặp thanh niên trí thức bị lạc trong rừng như tôi đây, ông nhất định sẽ nhiệt tình khoản đãi, mời uống trà nóng, rồi nướng đùi hươu cho ăn... càng nghĩ, bụng tôi càng đói cồn cào, phải lấy tay áo lau nước miếng đầm đìa nơi khoé miệng.

Tôi vừa đi vừa nghĩ đến bữa ăn, phút chốc đã tới trước một cửa hang khổng lồ, trong hang sâu ánh đèn rực rõ, nhưng cũng thật lạ, vừa nãy còn thấy ánh đèn không xa sao bây giờ lại ở sâu tít trong hang núi, lẽ nào tại tôi đói đâm hoa mắt chăng?

Tôi bị chiếc đùi hươu thơm phức trong tưởng tượng dẫn dụ bước vào trong hang động, rào chân tiến vào tận cùng cái hang vừa sâu vừa tối mò ấy, chợt phát hiện ra không gian trong lòng núi rộng lớn vô cùng, cảnh vật trước mắt bỗng sáng bừng choáng ngợp. Bỗng thấy phía trước có năm sáu cô gái trẻ măng cười cười nói nói sánh vai bước đi, giờ rõ ràng đang mùa hạ, nhưng bọn họ lại toàn mặc áo da cừu lộng lẫy, kiểu dáng cổ điển, không giống kiểu cách ăn mặc thời nay duy chỉ có một người tron số đó mặc áo kaki màu lam đúng mùa, tóc tết hai bím, trên vai khoác chéo một túi vải màu cánh bộ đội in chữ "Vì dân phục vụ", ơ, chẳng phải chính là Điền Hiểu Manh đó sao?

Đúng rồi, chính xác là Điển Hiểu Manh, cô này là thanh niên trí thức đến từ Tô Châu. Còn tôi với Tuyền béo đều là dân Phúc Kiến, tuy cùng là dân miền Nam, nhưng thực ra cũng chẳng thân nhau mấy. Cái chính là vì tôi với Tuyền béo nghịch quá, lại toàn gây họa, thường thì đám con gái hiền lành chân chất chẳng có đứa nào dám gần bọn tôi cả.

Nhưng gặp được người quen ở nơi hang động kì quái này, ít nhiều cũng cảm thấy vững dạ. Tôi vội chạy lên, gọi: "Tiểu Điền! Sao lại ở đây? Có gì ăn được không?"

Hiểu Manh ngoảnh lại thấy tôi, liền vẫy tay gọi, tỏ ý bảo tôi đến gần hơn nữa. Tôi bước lại nói với cô: "Cậu ở đây vui chơi sướng nhỉ, bọn tôi vì tìm cậu mà suýt nữa làm mồi cho gấu đấy. Mà đây là đâu vậy? Cậu có gì ăn không? Tôi đói móp cả bụng rồi đây này."

Hiểu Manh đáp: "Thật xin lỗi các cậu, đều tại mình không tốt, mình vào khe Lạt Ma hái thuốc nhưng lại bị lạc đường, may gặp mấy chị tốt bụng đây giúp, lát nữa bọn họ còn diễn kịch bóng da nữa đấy, cậu đến đúng lúc lắm, mình ở lại cùng xem một lát hẵng về.". Nói đoạn liền giới thiệu với tôi mấy cô gái trẻ bên cạnh, những cô gái này đều nói giọng địa phương, ai nấy đều hết sức nhã nhặn, còn mời tôi ăn thịt hươu khô, rủ tôi cùng vào xem kịch nữa.

Tôi theo mấy cô gái đi vào bên trong, chỉ thấy ngay giữa hang động rộng lớn là một toà thành lầu son gác tía, đèn đuốc sáng trưng, khắp nơi đồ cổ, châu báu chất cao như núi.

Trước cổng thành chăng một tấm vải trắng lớn, phía sau là mười mấy vị nhạc sư khua chiêng gõ trống, phía sai đặt một chiếc bàn dài kiểu cổ, trên bàn là ấm nước chén trà, thứ mào thứ nấy đều rất tinh xảo, ngoài ra còn một chiếc mâm mã não màu đỏ đựng đầy hoa quả và các món điểm tâm nữa.

Trước bàn có đặt ba chiếc ghế, mấy cô gái mặc áo lông vừa nãy lần lượt mời tôi và Hiểu Manh ngồi vào hai ghế trái phải, còn ghế giữa để trống, dường như còn đợi một nhân vật quan trọng khác nữa đến.

Điều Hiểu Manh thấy chỉ có ba ghế, những người còn lại đều đứng hết ở phía sau, cảm thấy có chút không phải cứ lần lữa chối từ. Tôi thì vừa mệt vừa đói, cũng chẳng muốn khách sáo làm gì, dù sao sông núi của dân dân làm chủ, đã có chỗ ngồi như vậy, ai ngồi mà chẳng như nhau, vậy là tôi cứ nghênh ngang ngồi xuống, bốc lấy thức ăn trước mặt xơi tái luôn.

Nhưng chắc vì đói quá, nên đồ ăn làm rất kỳ công phu, mà tôi lại thấy nhạt thếch chẳng mùi chẳng vị, cứ như nhai phải sáp nến, ăn được mấy miếng, càng nghĩ càng thấy quái lạ.

Lúc bấy giờ có hai cô thiếc nữ dìu một bà cụ lọm khọm tóc trắng như cước toát lên vẻ cao sang quý phái từ trong cửa lớn bước ra, tiến lại ghế giữa.

Tôi và Điền Hiểu Manh đều đứng dậy cúi chào chủ nhân, nom bộ dạng bà ta, tôi càng thấy quái dị, giờ thời đại nào rồi mà vẫn còn loại quý bà như vầy chứ?

Bà già gật đầu chào lại chúng tôi, rồi ngồi xuống ghế, chẳng nói chẳng rằng chăm chú đợi xem kịch.

Cô gái trẻ đứng chầu bên cạnh vỗ tay một cái, các nghệ nhân, nhạc sư của gánh hát nghe thấy hiệu lệnh liền ra sức biểu diễn. Kịch bóng da khởi nguồn từ thời Hán Đường, còn có tên "kịch bóng đèn", là một loại nghệ thuật diễn xuất rất được dân chúng yêu chuộng, người ta dùng da lừa hoặc bìa giấy cắt các nhân vật, động vật trong truyện, các nghệ nhân sẽ vừa điều khiển, vừa diễn xướng và khua chiêng gõ trống phía sau màn trắng, đến ngày nay, đã có tới hàng trăm nghìn tiết mục khác nhau.

Có điều trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá loại hình nghệ thuật này cũng không tránh khỏi oan khiên, người ta phê phán thứ kịch này toàn tuyên truyền tán tụng vớ vẩn về những tài tử giai nhân, đế vương khanh tướng, là thứ cỏ rác độc hại, nên không còn ai dám diễn nữa. Tôi có nằm mơ cũng không thể ngờ rằng mình lại được xem thứ này ở đây, trong cái thời buổi đời sống văn hoá là con số không này, thì kịch rối quả thực là hấp dẫn, tôi cứ mải mê mà quên bẵng đi mọi việc khác.

Các tiết mục đều vô cùng đặc sắc, đầu tiên là vở "Thái Tông mộng du cung Quảng Hàn", rồi đến "Địch Thanh đêm chiếm ải Côn Luân".

Trên màn ánh đao bóng kiếm, binh tướng tới lui, sắc màu sặc sỡ, lại cộng thêm tiếng trống kèn cổ động, khiến người xem vỗ tay không ngớt. Tôi xem đến nỗi đầu óc quay cuồng, mồm miệng khô khốc, bèn với tay vớ chén trà trên bàn uống lấy một ngụm, bất chợt liếc nhìn bà già ngồi bên, chỉ thấy bà ta cũng đang cười híp cả mắt lại, vừa xem vừa lấy đồ ăn trên bàn bỏ vào mồm, chỉ có điều bộ dạng nhai thức ăn của bà ta quá ư cổ quái, hai má cứ phồng lên như con vượn già, rệu rạo từng miếng từng miếng một.

Bà nội tôi về già cũng không còn răng, nhưng chẳng bao giờ bà ăn kiểu như vậy, bà già này là người hay là khỉ đây? Trong lúc hoang mang, tách trà trong tay tôi bỗng dưng rơi xuống đất vỡ tan tành, cái tách rơi vỡ cũng chẳng có gì ghê gớm, kinh hơn nữa là cái đầu của bà già cũng rơi ngay xuống theo, hai con mắt vẫn nhìn chăm chăm lên sân khấu, miệng vẫn nhai tóp tép không mỏi.

Mấy cô thị nữ vội vã chạy lại cung kính bưng chiếc đầu lên, lắp lại thân mình bà ta.

Tôi vô cùng sợ hãi, vội kéo Điền Hiểu Manh chạy ra ngoài cửa động, lọ mọ trong đêm đen kịt, chúng tôi lảo đảo ra cửa hang, bên tai ầm ầm những tiếng long trời lở đất, dưới chân rung chuyển dữ dội, hang động đằng sau đã khép lại thành một bức tường đá khổng lồ, chỉ muộn độ nửa phút, hai chúng tôi chắc hẳn đã bị kẹp chết trong vách núi ấy rồi.

Bên ngoài sắc trời đã sáng, tôi dắt Điền Hiểu Manh chạy tới bờ suối ở chân núi, thì bỗng nhiên bụng đau quặn lên, mồ hôi vã ra đầy trán, phải ngồi xuống ôm bụng. Tôi nhớ nội tôi từng kể rặng bọn ma quỷ thường biến đá, sỏi, giun, cóc thành sơn hào hải vị rồi lừa người ta ăn, không viết vừa nãy tôi ăn phải cái quỷ gì, càng nghĩ lại càng muốn oẹ, cuối cùng không nhịn nổi liền nôn thốc nôn tháo.

Trong cơn vật vã, tôi vẫn thấy thấp thoáng có hai người từ xa bước lại, người con gái đi phía trước trông hơi quen, thì ra là Yến Tử, thấy cô đến tôi mới thực sự yên tâm, trước mắt tôi tối sầm lại, cứ thế lịm đi.

Tôi tỉnh giậy thì đã là chuyện của ba ngày sau rồi, hôm ấy Yến Tử và Tuyền béo vẫn nằm trên cây đợi đến khi trời sáng, còn con gấu người dưới gốc cây vì mất nhiều máu quá cũng đã chết. Có điều tìm khắp nơi mà cũng không thấy tung tích của tôi, cuối cùng không ngờ lại gặp tôi và Điền Hiểu Manh bên bờ suối.

Ba ngày nay tôi vẫn hôn mê bất tỉnh, sốt cao hơn bốn mươi độ, Tuyền béo phải chạy cả trăm dặm đường núi mới mời được bác sĩ trên huyện đến chữa cho. Cũng may tôi có sức khoẻ tốt nên cuối cùng cũng tình lại được, nhưng Điền Hiểu Manh từ đầy chí cuối vẫn ngây ngô vô thức, đành thông báo cho gia đình đưa cô về điều trị, về sau thế nào, thì chúng tôi cũng chẳng ai biết rõ.

Tôi kể lại mọi chuyện cho bố Yến Tử, ông bảo vùng này có một truyền thuyết, kể rằng sau khi bà Thái hậu chết đi đã chôn theo rất nhiều nghệ nhân và gánh hát dân gian, ngày xưa cũng có một số người tới núi Tim Trâu và gặp những việc tương tự như chúng tôi đã gặp.

Song trong ký ức tôi những việc vừa rồi đều rất mơ hồ, có lúc bản thân tôi cũng chẳng dám chắc việc ấy cps thực sự đã xảy ra hay không nữa.

Tôi chỉ làm thanh niên trí thức có hơn nửa năm, nhưng những kỷ niệm còn đó thì sẽ suốt đời không bao giờ phai nhạt, mùa xuân năm 1969 đến lượt tôi về nhà thăm gia đình, cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi từ đó.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top