Ma ở khu căn cứ
Ở căn cứ ấy ngày xưa có một người lính tên Mạnh. Năm nay anh 36 tuổi. Ngày anh lên đường tham gia quân ngũ là đã tròn 34 tuổi. Ở quê anh có một vợ và hai người con trai.
Mạnh là một người lính tuyệt vời. Anh vô cùng hăng hái chiến đấu không nề hà tính mạng. Anh sẵn sàng san sẻ khó khăn với đồng đội. Ai cũng nể phục anh. Anh được lên chức phó chỉ huy sau 9 tháng tại ngũ.
Ở khu căn cứ ấy có một lệ, cứ mỗi tháng sẽ có một tốp gồm 20 người được về quê thăm gia đình trong 3 ngày, mỗi người về 1 lần 1 năm. Nhưng vì bản tính tốt bụng, Mạnh nhường các anh em khác về, đến nay đã qua hai kì phép. Mạnh thầm nghĩ mình là phó chỉ huy, bỏ về thì chiến sự biến đổi khó lường, đành bấm bụng ở lại, không than phiền gì cả.
Bỗng một ngày nọ, có anh lính từ đâu đến gặp Mạnh, giọng vô cùng hốt hoảng bảo:
- Anh Mạnh, vợ anh bị viêm phổi nặng, chắc không qua khỏi. Anh mau về nhìn vợ lần cuối đi.
Nghĩa tử là nghĩa tận, Mạnh quyết về nhà gặp người vợ yêu dấu. Anh chạy khắp nơi khẩn khoản xin được nhường đợt về phép. Duy - một chàng lính trẻ mồ côi, không tha thiết gì việc về quê đã nhường Mạnh đợt phép này. Sáng hôm sau, tốp 20 người nghỉ phép chia thành nhiều hướng khác nhau để về quê. Nhóm đồng hương của Mạnh lần này về 12 người, có cả người lính báo tin hôm nọ. Mọi người đi suốt cả ngày không ngừng nghỉ, rồi đêm đến dừng chân tại một cánh rừng nhỏ. Trời đã khuya, nhưng nỗi nhớ thương vợ không cho phép Mạnh ngủ. Anh ngồi bên đống lửa, lôi tấm ảnh trắng đen đã cũ của vợ ra ngắm mãi. Nghĩ đến cảnh vợ ở nhà quằn quại vì bệnh tật, sao anh muốn khóc quá. Mọi người đã ngủ hết, tiếng ngáy vang, nhưng đột nhiên Mạnh cảm thấy có ai phía sau. Mạnh quay lại, thì ra là anh lính báo tin hôm nọ. Chỉ lạ là ở căn cứ đã lâu đến vậy, nhưng Mạnh lại không biết tên người này. Người đàn ông ngồi cạnh Mạnh, khẽ hỏi:
- Sao anh Mạnh giờ này vẫn chưa đi ngủ?
Mạnh nhìn đống lửa rồi lại nhìn người đàn ông, cất tấm ảnh vào túi:
- Quê nhà còn mỗi vợ con, nay vợ lại bệnh nên tôi bứt rứt không yên.
- Anh nhớ mong vợ tới vậy sao? - Người đàn ông cười - Tôi cũng mong mau về nhà lắm.
- Nhà anh ở đâu ấy nhỉ? Nếu gần thì sau này tôi sẽ ghé thăm.
Người đàn ông nhìn Mạnh bằng ánh mắt khó hiểu:
- Chúng ta cùng làng mà. Nhà anh ở đầu làng, nhà tôi ở cuối làng.
Mạnh gãi đầu:
- Thật sao? Ngại quá. Trước giờ tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, chẳng đi đâu. Từ khi có việc đồng áng rồi vợ con lại càng chẳng đi đâu. Nên tôi không biết nhiều người trong làng lắm.
- Không sao. Trước lạ sau quen. Mạnh hỏi:
- Anh tên là gì?
- Tôi hả? Tôi chẳng muốn ai biết tên. Cứ "anh, tôi" cho gần gũi.
- Ừ. Được rồi.
Hai người ngồi bên đống lửa một lúc rồi người đàn ông thủ thỉ:
- Anh Mạnh ơi. Chỗ thân tình nên tôi bảo anh cái này.
Mạnh ghé tai vào gần để nghe người đàn ông nói:
- Tôi định đêm nay đi tiếp, sáng mai là tới cổng làng. Đêm thế này tôi cũng chẳng ngủ nổi vì sốt ruột. Sáng mai nếu đội thiếu người, anh báo giúp tôi nhé.
Mạnh nuốt nước bọt, hỏi lại:
- Tối thế này, anh định đi một mình sao, nguy hiểm lắm.
- Tôi nôn quá. Không đợi được đến sáng mai.
Mạnh đột nhiên có ý về cùng người đàn ông kia. Vợ anh đang bệnh nặng, ở bên vợ được lúc nào hay lúc ấy, chẳng cần bỏ một đêm ở đây làm gì. Hơn nữa, người đàn ông kia quyết tâm về đến vậy chắc chẳng ngăn được, mà nơi rừng thiêng nước độc thế này, đi trong đêm một mình thật quá nguy hiểm. Mạnh suy nghĩ một hồi rồi đề nghị:
- Hay để tôi về cùng anh? Chúng ta cùng một đích đến mà.
Người đàn ông cười:
- Tôi vừa định nói câu đó đấy. Chúng ta quả là tâm đầu ý hợp. Mới gặp đã thấy có thể làm tri kỉ.
Mạnh cũng cười theo. Cả hai soạn đồ rồi cùng nhau về dưới ánh trăng yếu ớt trong rừng hoang. Tiếng cú, tiếng hú rồi bao nhiêu âm thanh khác khiến cả Mạnh lạnh người. Nhưng nghĩ về ngôi nhà nhỏ cùng người vợ và những đứa con còn chờ phía trước, anh lại bước đi không ngại ngần. Suốt quãng đường, Mạnh có hỏi thăm vài câu, nhưng người đàn ông không nói gì mà cứ lùi lũi đi.
Sáng hôm sau, cả hai về tới cổng làng. Mạnh chào tạm biệt người đàn ông kia:
- Cám ơn anh nhiều. Nhờ anh mà tôi ở nhà sớm thế này.
- Đồng hương mà, có gì đâu chứ. Thôi tôi về, có duyên sẽ gặp lại. Nhà tôi ở tận cuối làng. Anh cứ xuống đó là sẽ thấy tôi nhé.
Mạnh gật đầu rồi hai người chia tay tại ấy. Anh vội chạy vào nhà với vợ con. Vợ anh đang nằm trên giường, đắp chiếc chăn mỏng mà cả hai mua vào ngày cưới. Anh xúc động vô cùng, chạy tới ôm lấy vợ, hỏi:
- Em có sao không? Bệnh viêm phổi đã đỡ chưa?
Vợ Mạnh ngạc nhiên:
- Ơ cái nhà anh này. Tôi khỏe sờ sờ ra đây, cớ gì anh lại trù tôi viêm phổi. Hôm nay em mệt nên dậy trễ một chút.
- Ủa, nhưng mà... - Mạnh nhớ lại lời của người đàn ông lúc ấy, rồi lắc lắc đầu, chép miệng và ôm chầm lấy vợ - Mặc kệ, em không sao là tốt rồi.
- Sao anh về đột ngột thế? Không đi biệt tăm biệt tích luôn đi. Người ta ở nhà chờ anh bao nhiêu mưa nắng rồi. - Vợ Mạnh dỗi.
- Anh xin lỗi. Anh đã ở đây rồi đấy thôi. Thực ra không phải tự nhiên anh về đâu.
Mạnh nói rồi kể lại mọi chuyện cho vợ nghe. Vợ anh nghe xong đột nhiên thất thần hỏi lại:
- Anh có nhầm không? Phía cuối làng đâu có căn nhà nào.
- Gì chứ. Người ta còn lặp lại vài lần cơ. Sao anh nhầm được.
Vợ Mạnh dắt anh tới cuối làng, chẳng có gì ngoài một nấm mộ bỏ hoang. Không rõ danh tính người chết, chỉ biết ngôi mộ này do một vị bác sĩ lập nên. Anh này xui xẻo gặp bác sĩ lúc quá trễ nên không qua khỏi. Mạnh bỗng rùng mình nhớ lại cảm giác khi ở bên người đàn ông ấy. Giữa rừng hoang vu, hai anh đi với nhau mà Mạnh cứ ngỡ mình chỉ có một mình. Chưa hết, Mạnh không nhớ rõ mặt của người kia, nó cứ mờ nhạt thoắt ẩn thoắt hiện trong tâm trí anh. Lạnh toát sống lưng, Mạnh bỗng có chút lo sợ, nhưng dù đó là ma thì nó cũng chẳng làm hại anh, anh không bận tâm nhiều lắm.
Vài hôm sau, Mạnh trở về quân ngũ, bịn rịn chia tay vợ con. Trên đường đi qua chỗ nghỉ đêm nọ thì Mạnh bàng hoàng phát hiện ra những cái xác nằm la liệt, đang phân hủy. Người họ đầy những vết thương, khuôn mặt chẳng còn nguyên vẹn, chỉ còn bộ đồng phục để nhận biết quân địch quân ta. Mạnh khẽ đếm "1,2,3... 11 xác". Quái lạ, đáng ra chỉ còn 10 xác thôi chứ. Mạnh và người kia về là 2 rồi còn gì. Không nghi ngờ gì nữa, người đàn ông đó là ma.
Mạnh đi một mình tới căn cứ, thêm một cảnh tang thương nữa đập vào mắt. Nơi đây bị đánh bom đến xơ xác. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên kia, có lẽ họ đã bị đánh úp.
Mạnh chạy xung quanh xem còn ai sống sót không. Anh thấy Duy đang tựa đầu vào gốc cây, chân đã cụt một nửa.
Anh vội chạy lại hỏi thăm Duy:
- Duy, cậu có sao không?
Duy òa khóc:
- Anh Mạnh. Mọi người chết hết rồi.
Mạnh lo lắng:
- Chân cậu sao thế này?
- Em bị mảnh bom găm vào. Nếu để lâu sẽ không tốt nên em cắt chân.
Mạnh thở dài ngán ngẩm rồi hỏi tiếp:
- Có chuyện gì xảy ra thế?
Duy kể lại chuyện hôm đó. Đúng vào đêm cái hôm tôi đi thì Mĩ đánh úp căn cứ của chúng tôi. Chúng rải bom đúng từ nơi nhóm tôi nghỉ qua đêm ra căn cứ. Duy đi kiếm chút củi đốt để sưởi nên không ở trong lòng cuộc ném bom dã man ấy, chỉ bị mảnh bom găm vào bắp chân.
Mạnh chảy mồ hôi hột. Nếu ma không báo cho anh về nhà thì anh đã chết ở căn cứ. Nếu ma không dụ anh về trong đêm thì anh đã bỏ mạng tại chỗ nghỉ chân. Và trên hết, nhờ ma mà anh đã đoàn tụ gia đình sau gần hai năm xa nhà. Lần đầu Mạnh gặp ma, là lần mà anh chẳng quên được, vì nó đã cứu mạng anh.
Nhiều năm sau, thời bình, vợ Mạnh gửi anh một bức thư:
"Em đã biết ngôi mộ ấy của ai rồi anh ạ. Đó là một bệnh nhân viêm phổi nặng quá, không thể qua khỏi. Em vẫn thắc mắc là chúng ta không quen cậu ấy, sao hồn cậu ấy vẫn giúp anh nhỉ? "
Mạnh nhớ lại cái câu đầu tiên mà anh nghe từ người đàn ông kia rồi vô thức mỉm cười...
"Vợ anh bị viêm phổi nặng... "
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top