Vân Mộng Giang Thị

Yupppp, các chị em yêu dấu của mị, sau gần 2 tháng trời đu bám quắn quéo quằn quại rồi nức nở khóc lóc với Trần Tình Lệnh và Ma Đạo Tổ Sư thì mị cũng đã đủ dũng khí để lên đồng mà viết.

Thực sự là phim chọn nhân vật rất sát với nguyên tác hoặc nói rằng diễn viên chính là từng nhân vật bước trong nguyên tác ra. Mị có một thói quen xem phim khó bỏ như này, nghĩa là phim càng ngọt ngào đáng yêu thì chỉ xem vài lần là ngán ngẩm sau đó quên bặt luôn còn những thể loại mà đầu sủng đuôi ngược ấy thì mị thật sự xem đi xem lại, khóc đi khóc lại, thề đi thề lại (thề không xem nữa nhưng cuối cùng vẫn cứ mò vào mà tiếp), nhây đi nhây lại mà không biết ngán. Bi kịch của Ma Đạo Tổ Sư và Trần Tình Lệnh chính là khởi nguồn từ Vân Mộng Giang Thị, cũng chính nơi đây, những tập phim đẫm nước mắt của mị và chị em bắt đầu từ đoạn Giang cố tông chủ và Ngu phu nhân bị Ôn Thị sát hại, cũng kể từ đấy cao trào, bi kịch, đỉnh điểm bùng nổ của các nhân vật cứ thế mà dâng.

Cha mẹ mất, trụ cột vững chắc của Liên Hoa Ổ gãy chính là bi kịch của ba đứa trẻ. Nàng tiểu thư duy nhất được nâng niu của Vân Mộng Giang Thị gạt nước mắt để vững vàng làm trụ cột cho gia tộc và các em. Hai thiếu niên vô tư vô lo bắt đầu dấn bước đến tương lai mà cả hai đôi ngả đôi đường. Cái hay của phim chính là các diễn viên chính là các nhân vật bởi tính cách đời thường của các diễn viên có rất nhiều điểm tương đồng với nhân vật. Trần Tình Lệnh dường như không còn là phim nữa mà là một ký sự dài của tất cả các diễn viên. Họ diễn mà không diễn, không diễn nhưng lại rất nghệ thuật. Họ sống một cuộc sống chân thực của các nhân vật. Họ làm chúng ta rớt nước mắt xót thương cũng khiến chúng ta khao khát được trùng phùng một lần cho thỏa nỗi niềm.

Đương nhiên, rất cảm tạ sự tinh tế và tư duy mà tác giả Mặc Hương Đồng Khứu đã xây dựng nên một thế giới rất chân thực và cũng rất bình dị gần gũi. Một Giang Phong Miên khô khan chính trực, một Ngu phu nhân "khẩu xà tâm Phật", một Giang Yếm Ly dịu dàng ân cần, một Giang Vãn Ngâm sĩ diện nhưng trọng tình và một Ngụy Vô Tiện tùy tiện nhưng lại tốt bụng. Mặc Hương Đồng Khứu xây dựng một Giang gia với "nghiêm phụ nghiêm mẫu" nhưng bù lại bằng một cô gái ôn nhu ấm áp như vầng thái dương - Giang Yếm Ly. Đôi phu phụ Giang gia đương thời vẫn thường xuyên bất đồng khắc khẩu nhưng đến giây cuối cùng của sinh mệnh họ vẫn tay đan tay, huyệt đồng huyệt. Viết đến đây nước mắt đã rưng rưng. Cha mẹ như một căn nhà bảo bọc đàn con thơ. Mất đi cha mẹ, những đứa trẻ chính thức bị ép trưởng thành để đối mặt với nội loạn ngoại thù. Mất đi cha mẹ, những đứa trẻ phải tự bươn chải, tự nếm trải đủ loại ngọt đắng giữa thế thái nhân tình. 

Giả sử, Giang Thị vẫn còn đôi phu phụ ấy thì liệu Giang Vãn Ngâm có bị mất kim đan? Liệu Ngụy Vô Tiện có còn tu quỷ đạo khi linh lực và thiên phú đương độ cực thịnh? Nếu A Tiện không tu quỷ đạo thì liệu kẻ khác có lợi dụng hắn để khuấy đảo giang hồ? Nhưng đau lòng chính là tất cả chỉ là "giả sử". Ngụy Vô Tiện tu quỷ đạo để bảo vệ Vân Mộng Giang Thị, để gây dựng lại Liên Hoa Ổ, để bảo vệ tín ngưỡng của bản thân để rồi cuối cùng lại ngộ sát tỷ phu, gián tiếp hại chết sư tỷ, càng gián tiếp khiến một đứa trẻ đỏ hỏn vốn sinh trong hạnh phúc sum vầy phải trở thành cô nhi không cha không mẹ. Giang Vãn Ngâm mất kim đan để bảo vệ Ngụy Vô Tiện và chị gái nhưng cũng hắn vì mất kim đan đã gián tiếp dẫn Ngụy Vô Tiện đến con đường tu quỷ đạo, cuối cùng khiến cháu ruột trở thành trẻ mồ côi chịu sự cười nhạo của thế gia. Nên trách ai đây? Lỗi do ai mà nên? Do Giang Vãn Ngâm ngu ngốc, đưa đầu chịu trói để rồi mất kim đan sao? Không, hắn chỉ là không may mà thôi. Do Ngụy Vô Tiện cao thượng nhường đan cho sư đệ để rồi trở thành phế nhân tu quỷ đạo sao? Không, hắn chỉ là không thể phụ lòng phu phụ Giang gia lại càng không thể nhẫn nhịn trước nỗi đau của người thân.

Năm mảnh của Vân Mộng Giang Thị thật sự chính là năm mảnh của một gia đình, một hình mẫu tốt đẹp giữa thế gia tu tiên đạo. Người mẹ tuy hung tàn, dữ dằn nhưng đến phút cuối lại hết lòng vì con. Người cha tưởng rằng thiên vị, lạnh lùng nhưng phút cuối vẫn nguyện cùng sống cùng chết với thê tử. Người chị tưởng rằng dịu dàng, yếu đuối lại có thể trưởng thành chỉ trong nháy mắt. Hai cậu thiếu niên tưởng rằng ngày ngày chỉ biết đùa giỡn, tị nạnh nhưng lại có thể hy sinh vì nhau. Đó chính là gia đình. Chỉ là đáng tiếc, vì dã tâm của một số người, nhà nát người tan, cuối cùng hai thiếu niên năm nào vĩnh viễn không thể làm huynh đệ nữa rồi. Rõ ràng tình cảm keo sơn dường ấy nhưng cuối cùng lại hai người hai đường...

Xét về tính cách thì tất cả các nhân vật đều có ưu và khuyết - đây chính là điều chân thực mà Mặc Hương đã thể hiện. Đã là con người thì phải có khuyết điểm, không ai hoàn hảo. Nhưng cũng chính vì khuyết điểm cá nhân, họ đã trải qua biết bao sóng gió chông gai để trưởng thành. Những ký ức vừa vui vẻ vừa đau thương ấy sẽ theo chân họ đến cùng trời cuối đất, tồn tại dai dẳng trong lòng đến phút nhắm mắt xuôi tay. Nếu xét về diễn xuất thì có lẽ bộ ba thiếu niên của Giang Thị thật sự sống lại dưới dáng vẻ của Tuyên Lộ, Tiêu Chiến và Uông Trác Thành cũng như đôi phu phụ Giang Phong Miên và Ngu phu nhân đã khiến bao khán giả nén lệ không thành trước sự ra đi của họ. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top