Chương 1: Những vấn đề cơ bản về tài chính

LÝ THUYẾT TÀI CHÍNH

Chương I:

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TÀI CHÍNH

1. TIỀN ĐỀ RA ĐỜI, TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TÀI CHÍNH

Tài chính chỉ ra đời và tồn tại trong những điều kiện lịch sử nhất định, khi mà ở đó có những hiện tượng kinh tế - xã hội khách quan nhất định xuất hiện và tồn tại. K.Marx trong tác phẩm nghiên cứu Kinh tế chính trị học đã chỉ ra hai tiền đề ra đời của tài chính, là: sự ra đời, tồn tại của Nhà nước và sự xuất hiện, phát triển của nền sản xuất hàng hoá - tiền tệ.

1.1 Tiền đề sản xuất hàng hóa – tiền tệ

Lịch sử xã hội loài người chỉ ra: Vào cuối thời kỳ công xã nguyên thủy, phân công lao động bắt đầu phát triển, sản xuất hàng hóa được hình thành, theo đó tiền tệ xuất hiện như một đòi hổi khách quan của sự phát triển.

Ở giai đoạn sơ khai, khi sản xuất và trao đổi hàng hóa mới phát triển, sự trao đổi còn mang hình thức trực tiếp, gọi là hàng đổi hàng. Người sản xuất gạo và cần thịt có thể gặp người sản xuất thịt và cần gạo để đổi trực tiếp gạo lấy thịt. Tuy nhiên, nếu không gặp được người có thứ mình cần và cần thứ mình có, thì trao đổi không được thực hiện. Phức tạp hơn khi sự trao đổi xảy ra giữa nhiều cá nhân hoặc sự trao đổi vượt qua một khu vực địa giới nhỏ, tiền bắt đầu ra đời mà hình thức sơ khai của nó là vỏ sò, lúa, gạo, vải vóc,… Như vậy, con người bắt đầu sử dụng tiền làm phương tiện trao đổi. Người A bán gạo cho người B và nhận tiền để mua rượu từ người C. Người C bán rượu cho người A và nhận tiền để mua thịt từ người B. Người B lại bán thịt cho người C và nhận tiền để mua gạo của người A. Lúc này, nền kinh tế hàng hóa đồng thời là kinh tế tiền tệ.

Như vậy, sự tồn tại và phát triển của kinh tế hàng hoá - tiền tệ là một tiền đề khách quan quyết định sự ra đời và phát triển của tài chính.

1.2                   Tiền đề Nhà nước

Khi Nhà nước xuất hiện đã có những tác động chủ quan tới sự phát triển của kinh tế hàng hóa - tiền tệ và tài chính. Nhà nước ngoài việc ấn hành, xác định đồng tiền còn tạo ra môi trường pháp lý cho việc lưu thông, sử dụng đồng tiền cũng như các quỹ tiền tệ nhất là các quỹ tiền tệ trung gian và ngân sách Nhà nước.

Tùy theo từng giai đoạn phát triển của tiền tệ mà Nhà nước có tác động trực tiếp tới tiền thông qua việc xác định đồng tiền. Khi tiền mới ra đời (hóa tệ), ở Trung Quốc kê và lụa được sử dụng làm tiền. Tiền kim loại đầu tiên ở Anh làm bằng thiếc, ở Thụy Sĩ và ở Nga bằng đồng,… Nhà nước đầu tiên trong xã hội loài người là Nhà nước chủ nô, những hình thức sớm của tài chính bắt đầu được xuất hiện cùng với sự ra đời của nó, nổi bật là các loại thuế như: Thuế quan, thuế gián thu, thuế chợ, thuế tài sản…. Trong chế độ phong kiến, với sự mở rộng các quan hệ thị trường và sản xuất hàng hoá - tiền tệ, lĩnh vực của các quan hệ thuế bằng tiền đã mở rộng và tiến hành thường xuyên hơn (như thuế đất, thuế gián thu với vật phẩm tiêu dùng, thuế hộ gia đình…), tín dụng Nhà nước cũng bắt đầu phát triển. Trong các hình thái xã hội có Nhà nước, tài chính đã tồn tại với tư cách là một công cụ của Nhà nước để phân phối sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, đảm bảo cho sự tồn tại và hoạt động của Nhà nước. Các Nhà nước với chức năng quản lý xã hội trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, quốc phòng,… đều tăng cường tài chính của mình.

Như vậy, có thể nói rằng khi có sự xuất hiện, tồn tại và hoạt động của Nhà nước thì có sự xuất hiện, tồn tại và hoạt động của tài chính.

Bàn về tiền đề của tài chính, một số nhà lý luận kinh tế nhấn mạnh đến
tiền đề sự tồn tại của Nhà nước nhưng một số nhà kinh tế khác không tán thành quan điểm đó mà theo họ, sự ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa - tiền tệ là tiền đề có tính chất quyết định sự ra đời và tồn tại của tài chính.

Kết luận: Tài chính là một phạm trù kinh tế, một phạm trù lịch sử. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của tài chính gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của nền kinh tế hàng hóa – tiền tệ và Nhà nước.

2. BẢN CHẤT CỦA TÀI CHÍNH

Bên ngoài, tài chính biểu hiện là sự vận động của các quỹ tiền tệ (hiện tượng tài chính). Bên trong, bản chất của tài chính là nhumối quan hệ giữa người chi trả và người thu nhận vốn tiền tệ, đây là mối quan hệ giữa hai chủ sở hữu, mối quan hệ kinh tế - xã hội.

2.1 Biểu hiện bên ngoài của tài chính

Biểu hiện bên ngoài của tài chính thể hiện dưới dạng các hiện tượng thu bằng tiền chi bằng tiền giữa các chủ thể kinh tế - xã hội.

Ví dụ:

Thu bằng tiền: Nhà nước thu thuế, công nhân được nhận lương, nhà sản xuất thu tiền bán hàng hóa,…

Chi bằng tiền: Dân cư mua sắm hàng hóa, nộp bảo hiểm, Nhà nước mua thiết bị, Doanh nghiệp thanh toán lương, mua máy móc, thiết bị,….

Nhận xét: Hình thức biểu hiện bên ngoài của tài chính thể hiện ra như là sự vận động của vốn tiền tệ. Tiền tệ xuất hiện trước hết là với chức năng thanh toán và chức năng cất trữ. Ở đây, tiền tệ đại diện cho một lượng giá trị, một sức mua xác định và được gọi là nguồn tài chính hay nguồn lực tài chính.

Trong thực tế, tài chính được thể hiện dưới nhiều tên gọi khác nhau như: Tiền vốn, vốn tiền tệ, vốn bằng tiền, vốn kinh doanh, vốn tín dụng, vốn ngân sách, vốn trong dân,… Khi nguồn tài chính được tập trung lại (thu vào) là khi các quỹ tiền tệ được hình thành (tạo lập) và khi các nguồn tài chính được phân tán (chi ra) là khi các quỹ tiền tệ được sử dụng. Quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ cũng là quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tài chính.

2.2 Nội dung kinh tế - xã hội của tài chính

Tài chính được đặc trưng bằng sự vận động độc lập tương đối của tiền tệ với chức năng phương tiện thanh toánphương tiện cất trữ trong quá trình tạo lập hay sử dụng các quỹ tiền tệ đại diện cho những sức mua nhất định ở các chủ thể kinh tế - xã hội. Nói cách khác, tài chính là tổng thể các hoạt động kinh tế trong phân phối các nguồn lực tài chính thông qua việc tạo lập hay sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng yêu cầu của các chủ thể trong xã hội.

Hình 1.1: Các chủ thể kinh tế trong xã hội (nền kinh tế đóng)

Các hiện tượng – biểu hiện bên ngoài của tài chính là sự vận động của vốn tiền tệ, quá trình phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị. Các quan hệ kinh tế như vậy được gọi là các quan hệ tài chính. Các quan hệ tài chính biểu hiện mặt bản chất bên trong của tài chính ẩn dấu sau các biểu hiện bên ngoài của tài chính. Như vậy ta có thể xác định bản chất của tài chính trên các khía cạnh sau:

-  Tài chính là những quan hệ kinh tế nhưng không phải là mọi quan hệ kinh tế trong xã hội đều thuộc phạm trù tài chính. Tài chính chỉ bao gồm những quan hệ phân phối dưới hình thức giá trị.

-  Tài chính là những quan hệ phân phối phát sinh trong quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ.

-  Tài chính là những quan hệ kinh tế chịu tác động trực tiếp của Nhà nước, pháp luật nhưng tài chính không phải là luật lệ tài chính.

Tóm lại: Về bản chất, tài chính là hệ thống các mối quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thái giá trị thông qua việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng yêu cầu tích lũy và tiêu dùng của các chủ thể trong nền kinh tế.

 

3. CHỨC NĂNG CỦA TÀI CHÍNH

3.1 Chức năng phân phối

Đây là chức năng khách quan của phạm trù tài chính.

·    Khái niệm:

Chức năng phân phối của tài chính là chức năng mà nhờ vào đó, các nguồn lực đại diện cho những bộ phận của cải xã hội được đưa vào các quỹ tiền tệ khác nhau để sử dụng cho những mục đích khác nhau, đảm bảo những nhu cầu, những lợi ích khác nhau của đời sống xã hội.

·    Đối tượng phân phối: Là của cải xã hội dưới hình thức giá trị, là các nguồn tài chính có trong xã hội.

·    Chủ thể phân phối: Là các chủ thể tham gia vào quá trình phân phối tổng sản phẩm xã hội.Bao gồm: Nhà nước, các cơ quan, các tổ chức, các doanh nghiệp các hộ gia đình hay cá nhân, dân cư.

·    Quá trình phân phối

Phân phối của cải xã hội trải qua phân phối lần đầu và nhiều lần phân phối lại.

Phân phối lần đầu là phân phối tiến hành trong lĩnh vực sản xuất vật chất cho những chủ thể tham gia vào quá trình sáng tạo ra của cải vật chất hay thực hiện các dịch vụ.

Phân phối lần đầu hình thành nên quỹ bù đắp tư liệu sản xuất, những khoản thu nhập ban đầu cho người lao động và thu nhập cho các chủ sở hữu của các Doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế (quỹ bảo hiểm, công đoàn, …), thu nhập của Nhà nước và các đối tác liên quan. Phân phối lần đầu, mới chỉ tạo ra những khoản thu nhập cơ bản, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Do đó phải trải qua quá trình phân phối lại.

- Phân phối lại thu nhập là tiếp tục phân phối những phần thu nhập cơ bản được hình thành qua phân phối lần đầu, để đáp ứng nhu cầu tích luỹ và tiêu dùng của toàn xã hội (các ngành không sản xuất: Quân đội, Giáo dục, Y tế…).

Phân phối lại được tiến hành thông qua ba biện pháp: Biện pháp tài chính – tín dụng, biện pháp giá cả và hoạt động phục vụ. Trong đó, biện pháp tài chính – tín dụng giữa vai trò trung tâm.

·Kết quả phân phối:

Là hình thành lên các quỹ tiền tệ ở các chủ thể trong xã hội nhằm những mục đích nhất định.

3.2 Chức năng giám đốc

·Khái niệm:

Chức năng giám đốc của tài chính là chức năng mà nhờ vào đó việc kiểm tra bằng đồng tiền được thực hiện đối với quá trình phân phối của cải xã hội thành các quỹ tiền tệ và sử dụng chúng theo các mục đích đã định.

·Đối tượng giám đốc: Là quá trình hình thành, sử dụng và vận động của các quỹ tiền tệ.

·    Chủ thể giám đốc: Là các chủ thể tham gia vào quá trình phân phối: Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình va các tổ chức xã hội.

·    Quá trình giám đốc:

-  Giám đốc thông qua quá trình lập và thực hiện kế hoạch Ngân sách, kế hoạch tài chính để lựa chọn phương án tối ưu nhất cho tổ chức.

-  Giám đốc thông qua công tác kế toán: Ghi chép quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ.

Thông qua giám đốc tài chính, chúng ta phát hiện các vấn đề nảy sinh và có biện pháp điều chỉnh.

·Kết quả giám đốc:

Phát hiện ra những mặt được và chưa được của quá trình phân phối, thông qua đó đưa ra những biện pháp điều chỉnh quá trình vận động của nguồn tài chính nhằm đạt được hiệu quả cao nhất của việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ.

Chức năng giám đốc và chức năng phân phối của tài chính có mối quan hệ mật thiết với nhau.

4. HỆ THỐNG TÀI CHÍNH CỦA VIỆT NAM

4.1 Khái niệm:

Hệ thống tài chính quốc gia là tổng thể các bộ phận khác nhau trong một cơ cấu tài chính, mà ở đó các quan hệ tài chính hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau nhưng giữa chúng có mối liên hệ tác động lẫn nhau theo những quy luật nhất định.

Các bộ phận (khâu) trong hệ thống tài chính quốc gia hoạt động trên các lĩnh vực: Tạo ra nguồn tài chính, chu chuyển c ác nguồn tài chính. Toàn bộ hệ thống tài chính thực hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân là đảm bảo nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế - xã hội.

4.2 Các khâu của hệ thống tài chính quốc gia

Hệ thống tài chính của một quốc gia là một thể thống nhất do nhiều khâu hợp thành, việc xác định các khâu lại phụ thuộc vào căn cứ như thế nào là một khâu tài chính của mỗi quốc gia.

Có 3 căn cứ xác định khâu tài chính bao gồm:

Thứ nhất: Một khâu tài chính là điểm hội tụ của các nguồn tài chính. Nói cách khác, được coi là khâu tài chính khi ở đó có quỹ tiền tệ đặc thù được tạo lập và sử dụng.

Thứ hai: Được coi là khâu tài chính nếu ở đó sự vận động của các quỹ tài chính là gắn liền với một chủ thể phân phối cụ thể và xác định.

Thứ ba: Được xếp vào cùng một khâu tài chính nếu các hoạt động tài chính có cùng tính chất, đặc điểm, vai trò, đồng nhất về hình thức các quan hệ tài chính và mục đích sử dụng các quỹ tiền tệ trong lĩnh vực hoạt động.

Như vậy, khâu tài chính là nơi hội tụ của các nguồn tài chính, nơi diễn ra việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chủ thể trong lĩnh vực hoạt động.

Dựa trên các căn cứ trên có thể xác định trong điều kiện nước ta hiện nay, hệ thống tài chính quốc gia có các khâu tài chính như sau:

- Tài chính doanh nghiệp

- Ngân sách Nhà nước

- Tài chính dân cư và các tổ chức xã hội

- Tài chính của các tổ chức trung gian 

- Tài chính đối ngoại

4.3  Khái quát nhiệm vụ của các khâu tài chính

4.3.1 Tài chính doanh nghiệp

Là cơ sở của hệ thống tài chính quốc gia, nơi chủ yếu tạo ra của cải xã hội. Tại đây, nguồn tài chính xuất hiện và đồng thời thu hút trở lại phần quan trọng các nguồn tài chính trong nền kinh tế. Tài chính doanh nghiệp có các nhiệm vụ sau:

-  Bảo đảm vốn và phân phối vốn hợp lý cho nhu cầu sản xuất kinh doanh.

-  Tổ chức cho vốn chu chuyển liên tục và có hiệu quả

-     Phân phối thu nhập theo đúng quy định của Nhà nước

-  Kiểm tra mọi quá trình vận động của nguồn tài chính trong doanh nghiệp

Tài chính doanh nghiệp có quan hệ với các khâu khác trong hệ thống tài chính quốc gia như: Quan hệ với tài chính hộ gia đình thông qua trả lương, trả cổ tức,…; Với NSNN thông qua nộp thuế, phí, lệ phí; Với các tổ chức tài chính trung gian thông qua vay vốn, đầu tư,…; Với tài chính đối ngoại thông qua hoạt động đầu tư, gửi (nhận, vay) tiền ở nước ngoài,….

4.3.2 Ngân sách Nhà nước

Là khâu giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính quốc gia. Đây là nơi hội tụ các nguồn tài chính gắn với các quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước với mục đích phục vụ cho hoạt động của bộ máy Nhà nước thực hiện các chức năng của Nhà nước.

Nhiệm vụ của NSNN:

-  Động viên, tập trung các nguồn tài chính cho việc tạo lập quỹ tiền tệ của Nhà nước thông qua các khoản thu bắt buộc như: Thuế, phí và lệ phí hay các khoản tự nguyện thông qua phát hành công  phiếu, trái phiếu chính phủ hoặc các quỹ viện trợ, đầu tư từ nước ngoài.

-  Phân phối và sử dụng ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước.

-  Giám đốc và kiểm tra các khâu tài chính khác và với mọi hoạt động kinh tế - xã hội liên quan tới thu, chi ngân sách.

4.3.3 Các tổ chức tài chính trung gian

Theo lĩnh vực hoạt động, các tổ chức tài chính trung gian được chia thành: Các ngân hàng thương mại và các tổ chức phi ngân hàng: Bảo hiểm, tài chính, ….

Đối với nhóm các ngân hàng thương mại (các tổ chức tín dụng) các quỹ tài chính được huy động từ các nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi theo nguyên tắc hoàn trả có thời hạn và lợi tức (lãi suất) rồi được cho vay theo nhu cầu của các cá nhân và tổ chức cũng theo nguyên tắc hoàn trả có thời hạn và lợi tức. Sự tồn tại của nhóm này phụ thuộc vào sự chênh lệch của 2 khoản lợi tức cho khách hàng vay và tiền gửi của khách hàng.

Đối với nhóm các quỹ bảo hiểm (Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm nghề nghiệp,…), tính chất chung và đặc biệt của các quỹ bảo hiểm so với các trung gian tài chính khác là sự hình thành và sử dụng quỹ là để bồi thường thiệt hại cho những chủ thể trong xã hội.

4.3.4 Tài chính hộ gia đình và các tổ chức xã hội

Là những khu vực kinh tế mà tài chính có những đặc điểm chung gần giống nhau, đại diện cho khu vực tiêu dùng. Quỹ tiền tệ hộ gia đình được thành lập từ các khoản thu nhập của các thành viên trong gia đình, biếu tặng, thừa kế,…. và được dùng cho mục đích tiêu dùng là chủ yếu, thực hiện các nghĩa vụ với NSNN, với các khoản tiền nhàn rỗi thì có thể được dùng cho đầu tư.

Quỹ tiền tệ của các tổ chức xã hội chủ yếu được thành lập từ các khoản đóng góp của các thành viên trong tổ chức (hội phí) và chủ yếu được dùng cho tiêu dùng, tuy nhiên khi có nguồn tài chính nhàn rỗi thì họ có thể gửi vào các tổ chức tài chính trung gian hoặc tham gia vào các hoạt động của thị trường tài chính.

4.3.5 Tài chính đối ngoại

 Trong nền kinh tế thị trường, khi các quan hệ kinh tế được quốc tế hóa thì hệ thống tài chính quốc gia cũng là một hệ thống mở với những quan hệ tài chính hết sức phong phú và phức tạp. Có thể kể ra các kênh vận động chủ yếu của tài chính đối ngoại như:

-  Quan hệ nhận viện trợ hoặc vay vốn nước ngoài cho NSNN, cho các doanh nghiệp và dân cư.

-  Quan hệ về tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài giữa các tổ chức kinh tế trong nước và ngoài nước.

-  Quá trình thanh toán xuất – nhập khẩu giữa các tổ chức kinh tế trong nước và ngoài nước.

-  Việc thực hiện các hợp đồng tái bảo hiểm, chuyển phí bảo hiểm và thanh toán bảo hiểm đối với các pháp nhân nước ngoài hoặc ngược lại.

-  Quá trình chuyển tiền và tài sản giữa các cá nhân ngoài nước cho thân nhân trong nước và ngược lại.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #phiêulưu