5

Ngày Tết cuối cùng, trời lạnh đến nỗi dọc đường đi dạo về tôi phải mua một chiếc áo phao, màu xanh nhạt. Mỗi chuyển động đều làm thân thể tôi kêu lách cách như xương xóc trong thùng thiếc.

Tôi mặc áo phao đi làm. Để lên nhà hàng ở tầng hai, phải băng qua những bậc thang gỗ rìa đóng đầy tuyết. Tôi đã chạy trên những bậc thang này hằng ngày, từ tuổi hai mươi ba đến hai mươi chín, sau đó thì nghỉ để mở trường dạy nấu ăn. Bây giờ, ở tuổi ba mươi ba, ước gì tôi có thể nói rằng mình đã trở lại sau chuyến đi tạm thời đến một nơi không ai hay biết. Nhưng, giống như những vết bỏng lớn nhỏ khắp hai cánh tay, do bắn dầu mỡ hoặc đụng phải chảo nóng, bao giờ cũng còn dấu tích xấu xí để lại đâu đó trên người, dưới lớp áo phao nặng nề này.

Tôi nắm cả hai tay vào tay cầm lạnh băng của cửa kính. Lòng bàn tay áp lên mặt tay cầm. Bây giờ tôi là một trong bảy đầu bếp ở đây. Cánh cửa sau một tiếng rít kháng nghị, vẫn nhẹ nhàng trượt mở, như một người thân thiện nhưng luôn tỏ ra lạnh lùng. Tôi hít một hơi thật sâu. Bánh mì đang được nướng trong bếp rồi.

Bằng vào sự câm nín bất thường của các đầu bếp mỗi lần thấy tôi, tôi biết mình vẫn bị đem ra bàn tán những khi vắng mặt.

Trong nhà bếp tất bật ban sớm, người thì ướp thịt, người nướng bánh mì bánh ngọt hay rửa rau arugula, còn tôi cố nghĩ về bản thân mình như nghĩ về một người khác. Giả sử một người tên K đi. K từng là học trò của Bếp trưởng, vừa tốt nghiệp trường nấu ăn Appennino chuyên về món Ý đã được Nove nhận vào làm luôn. Trong suốt sáu năm làm việc, cô ấy luôn là cánh tay phải đáng tin cậy của Bếp trưởng và được cùng anh giám sát nhà bếp. Trở thành đầu bếp chính chưa đầy một năm, cô rời Nove để mở trường dạy nấu ăn riêng, thậm chí còn mang theo về Bếp Won một số khách hàng thường xuyên của Nove. Các lớp nấu ăn của K nổi tiếng đến nỗi đã từng được truyền miệng khắp khu Gangnam sành điệu. Đột nhiên, mối tình giữa K với anh kiến trúc sư trẻ đổ vỡ sau bảy năm hai người sống chung. Anh ta phải lòng một người mẫu nổi tiếng tên O. K, bị bỏ lại với một con chó, đóng cửa trường dạy nấu ăn và quay về Nove. Cuộc đời của K có thể tóm tắt chỉ trong dăm ba câu như thế. Nghĩ cho kỹ, tôi thấy mình cũng có thể đàm tiếu về K sau lưng cô ấy, và điều đó khiến tôi dễ chịu hơn. Ít ra thì K cũng không sống kiểu chẳng ai thèm bận tâm bàn tán.

Vị trí hiện thời của tôi còn dưới quản lý Park, đầu bếp trẻ nhất ở Nove hồi tôi nghỉ việc, nhưng tôi không phải rửa thái rau, bóc vỏ tôm hay tách xương gà gì hết. Mặc kệ ý nghĩ của những người khác, tôi cứ việc nướng, luộc, rim, áp chảo, rán, hầm trong căn bếp chật hẹp, giữa những đầu bếp không hiểu chút gì về cuộc đời K. Dù họ có bàn tán chì cũng chỉ đến mức, hồi mới đến, K đã bị các đấu bếp tiền bối bắt nạt, thành ra cô ấy chiếm cứ bếp một cách hơi quá công khai như để cho mọi người thấy rằng khát vọng cháy bỏng của cô ấy là làm việc ở đây. Không ai đả động đến nguyên nhân khiến K tái xuất hiện ở Nove sau bốn năm từ bỏ, mặc dù tất cả đều tò mò. Tôi không hé một lời, như thể không hề quen biết K. Người ta có thể nói về con dao làm mình đứt tay hay đôi giày chật làm mình đau chân, nhưng không ai nói về khúc mắc trong trái tim mình. Sau giờ ăn trưa bận rộn, trong khi trải tấm vải lanh trắng đã là phẳng phiu ra thay khăn trải bàn, tôi tự hỏi, cuộc đời K đã đi sai từ đâu?

Như tôi đã nhận thấy ngay hôm mới quay lại, Nove vẫn duy trì thói quen đóng cửa nhà hàng từ ba đến năm giờ chiều. Chúng tôi dành thời gian đó để chuẩn bị cho giờ ăn tối, và một trong các đầu bếp sẽ làm nhanh món lót dạ - một cái nem đơn giản nhân quả bơ hoặc trứng cá chuồn, hay một lượng mì nhỏ có thể khoắng hết trong ba đến năm lần gắp - rồi chia cho các đầu bếp khác. Trước kia, tôi thường làm trứng ốp lết rắc ít đường hoặc xa lát hoa quả từ phần hoa quả còn thừa, thêm nước cam vắt tay, và mật. Món lót dạ phải vừa ngọt vừa mặn.

Tôi đang tựa mình vào thành kim loại của cầu thang dẫn xuống tầng dưới, chỗ cuối hành lang trước cửa nhà tắm, thì nghe có tiếng bước chân tới gần. Không thích bị bắt gặp luẩn quẩn ở đây một mình, tôi bèn phủi tay và đi vòng đường khác để quay trở vào thì thấy Bếp trưởng. Sải bước tới từ cuối hành lang với bộ dạng giận dữ, cùng nửa chiếc bánh mì que dày cui trong tay và, không cho tôi cơ hội cự tuyệt, anh nhét luôn vào miệng tôi:

- Tôi không cần một đầu bếp không ăn uống gì.

Tôi sửng sốt.

- Đã quên rằng phải có thể chất thích hợp cho công việc rồi ư?

Tôi im lặng.

- Nói là sẽ ăn đi.

Tôi không trả lời được vì chiếc bánh đang ứ đầy trong miệng. Ở trong bếp, tôi theo dõi Bếp trưởng nấu nướng, chăm chú lắng nghe những lời anh thi thoảng thốt ra, hít hít mũi ngửi và, thay vì đặt câu hỏi, sẽ lén nếm thử món anh làm khi anh vắng mặt, y như hồi còn học việc. Làm sao Bếp trưởng nhận ra là tôi không ăn gì? Tôi mới đi làm được có ba ngày thôi mà.

Sau khi nằm liệt giường bằng ấy thời gian, tôi nhận ra mình đã coi hành vi ăn như một nghệ thuật thiền, ăn vừa đủ, mỗi lần một chút, chậm rãi. Chính xác là theo cách thức tôi chưa bao giờ áp dụng với chức ăn. Cũng như khiêu vũ mà không có đam mê, ăn như thế sẽ không bao giờ đánh thức được sự ngon miệng. Có lẽ K đã đánh mất một điếu cốt yếu khác: nỗi ám ảnh với thức ăn ngon, cơn thôi thúc mạnh mẽ được làm và ăn những món khoái khẩu. Bếp trưởng nói đúng. Không ai cần một đầu bếp lười ăn, nấu nướng không chỉ là việc người ta cầm con dao đứng trong bếp.

Sức nặng xô tới, dồn đến tận cổ họng tôi. Tôi bèn gật đầu. Bít tết lạnh phủ xa lát nấm, rau dầm, hành, cà chua, Ổ, phô mai camembert nữa, và còn mù tạt nguyên hạt rải trên bánh mì. Tôi nuốt cái xăng uých, nhìn Bếp trưởng quay trở lại bếp. Anh hiếm khi tự làm lót dạ, thường chỉ vớ lấy một quả chuối hoặc cam, thi thoảng uống tách cà phê thay cho bữa ăn. Anh chẳng hề thay đổi, tôi nghĩ trong khi nuốt cái xăng uých anh làm cho mình, quả thật, quá to và ngon.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #novel