25

- Chủ nhật đẹp trời, cháu làm gì đấy?

- Cháu đang loay hoay xem làm gì với cái này - Tôi mỉm cười phiền muộn.

- Cái này là cái gì?

- Con cá chép.

Một tràng cười sảng khoái vọng sang, qua đường dây. Đã lâu rồi tôi mới nghe Chú cười. Chú được phép gọi điện ra ngoài hai lần một tuần, vào các thứ Tư và Chủ nhật. Hôm nay là ngày nghỉ của tôi, nhưng tôi vẫn đến làm. Vì đặt một lô cá pecca và cá đù nhiều hơn thường lệ, nên chúng tôi được tặng thêm ba con cá chép. Tôi đâm bối rối, khách hàng không gọi các món hải sản, làm tủ lạnh chất đầy những cá là cá. Giống như là bít tết, cá đắt song chế biến rất dễ. Món ăn càng đơn giản thì hương vị càng nguyên bản. Nhưng tôi cần phải nghiên cứu một công thức khác, một cái gì đó mới lạ hơn nướng, rán hay hấp.

- Thử nướng, nhồi tỏi và hương thảo xem.

Tôi mỉm cười. Công thức của Bà. Tôi đã moi sạch ruột cá vì cũng nghĩ theo hướng đó. Bà không thích vị chua của chanh, nhưng nên cho vào để giảm thiểu mùi tanh và làm nổi hương vị tươi ngon.

- Chú nghĩ thế à? Hay cháu nên áp chảo nó với dầu ô liu và dọn ra cùng a ti sô?

- Nghe cũng ngon đấy - Để làm tôi cười, Chú chép miệng rõ to vào ống nói.

Bây giờ không phải lúc để kể với Chú về Paulie. Chú hỏi liệu tuần tới tôi có thể vào thăm được không. Ngày thăm viếng là thứ Sáu, cùng là hôm nhà bếp bận rộn nhất. Tôi nói, Được. Tuy không thoải mái lắm vì phải rời bếp, nhưng đây là lần đầu tiên Chú yêu cầu tôi đến thăm.

- Có chuyện gì vậy chú?

- Cháu có thể mang cho chú một cái khăn mặt được không?

Tôi ngạc nhiên.

Có một số vật dụng không được mang vào bệnh viên, chẳng hạn lưỡi lam dùng một lần, kéo, bấm móng tay, móc treo quần áo, bật lửa, diêm... rồi chăn, cà vạt, thắt lưng và những thứ tương tự, thậm chí cả bánh gato cũng bị cấm ngặt vì nó có thể gây nghẹn.

- Không. Không phải như cháu nghĩ đâu. Tắm vòi sen, chú thấy không sạch lắm, mà ở đây người ta lại không cấp khăn mặt - Chú cười.

Tôi đặt con cá chép xuống thớt, mừng vi Chú hiểu được suy nghĩ của mình. Dù chỉ nghe thấy giọng nhưng tôi tin quả thật Chú cần khăn mặt.

- Kể cả thế, cháu không nghĩ là có thể mang vào đâu chú ạ - Tôi nói với Chú, cười rồi gác máy.

Nếu một người thân thiết mắc bệnh nghiện rượu, việc cần làm không phải là thông cảm với người đó, mà là tập cách cưỡng lại những cảm giác rối bời của bản thân, hiểu rằng mình gặp trạng thái như vậy chính vì mình ở gần một người nghiện. Và đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tự sức thay đổi họ. Tôi không làm được gì cho Chú, nhưng Chú đang cố gắng cải thiện dần. Những cuộc sum vầy với mục đích trị liệu đã mang lại cho cả hai chúng tôi niềm hy vọng mới. Thân nhân của người nghiện rượu thường chối bỏ họ và vô thức để bệnh nhân sống trong trạng thái đồng phụ thuộc, trong tình trạng mụ mẫm vì nghiện ngập. Vì thế gia đình không chỉ là nạn nhân, khán giả mà có khi còn là đồng phạm. Những cuộc gặp gỡ với mục đích trị liệu cho phép chúng tôi hiểu vị trí của nhau. Nhưng thuật ngữ "đồng phụ thuộc" làm tôi có cảm giác nhoi nhói, giống như bị móng tay bấm vào tim vậy. Điều quan trọng là Chú đang bắt đầu thay đổi, một sự thay đổi khác với quá trình lột xác mà tôi đã trải qua.

Vốn rất tích cực với chương trình chữa trị, Chú đã bắt đầu chơi cầu lông, bóng bàn cùng các bệnh nhân khác, rồi tham gia cả các hoạt động nghệ thuật như thư pháp hay origami. Tôi đâm nghi, Chú đang cố gắng trị liệu thật hay chỉ đang điều chỉnh bản thân để thích nghi với môi trường, ngõ hầu ở lại lâu dài trong bệnh viện. Một lần, tôi dò hỏi bằng giọng gợi ý, Chú có muốn uống không? Như thể tôi sẵn sàng mang rượu vào nếu chú muốn. Thất thần mất một lúc, Chú lắc đầu, Dĩ nhiên thi thoảng chú cũng thèm lắm, nhưng nếu cơn khát trào lên thì chú sẽ đối thoại với bản thân.

Đối thoại thế nào, tôi hỏi.

Chú tự hỏi, Điều gì sẽ xảy ra nếu mình không bỏ rượu?

Tôi nghiêm túc gật đầu. Có ba cấp độ trong quá trình điều trị - thải độc cơ thể, rèn luyện ý chí, thích nghi xã hội - hình như Chú đã đạt đến cấp độ thứ hai. Nhưng tại sao điều đó lại khiến tôi cảm thấy hụt hẫng và trống rỗng như vậy?

Nếu còn cơ hội nói chuyện với vợ Chú lần cuối, tôi sẽ hỏi liệu thím có thật lòng yêu Chú không. Tuy không hiểu tại sao thím lại tự sát, nhưng tôi nghĩ bây giờ tôi đã biết nên nấu cho thím thế nào. Tôi rót một đốt tay dầu ô liu vào chảo nóng để chiên cá chép đỏ. Xốt là hỗn hợp vang trắng và xúp cá. Khi làm món gì lần đầu, tôi thường căng thẳng, nhưng không ngần ngừ hay do dự. Tôi rải thêm a ti sô đã thái nhỏ vào chảo, để nó quăn giòn rồi nêm muối và tiêu. Cuối cùng bày cá chép ra đĩa, trang trí bằng a ti sô, rưới xốt lên trên.

Không. Vẫn thiếu thứ gì đó. Khi làm món mới, việc có cảm giác với nó là rất quan trọng. Tôi nhìn chằm chằm vào con cá chép rồi gật đầu, đoạn tìm cái hũ đựng hạt, đổ ra một ít hạnh nhân. Tôi gõ sống dao lên hạnh nhân cho chúng tróc vỏ và thái thành từng lát mỏng theo cách tôi vẫn làm. Tôi rải hạnh nhân trắng quanh mắt con cá chép, lại nhặt nhãn cầu lấy ra trước lúc thả cá vào chảo đặt về vị trí cũ. Cá mà mất mắt thì những người sành ăn thậm chí chẳng buồn liếc nó lấy một lần. Trang trí hạnh nhân làm nổi bật màu trắng của mắt cá. Nhãn cầu sáng và trong, thích hợp để làm món ăn cho người chết. Thử đi, thím à, tôi nói, giọng ngập ngừng. Có nhiều phụ nữ sáng tạo và giàu tưởng tượng đã phải chịu đựng căn bệnh biếng ăn. Nếu gần gũi với thím hơn, có lẽ tôi đã giúp được thím, như đã làm với Mun Ju. Ngờ đâu thím lại chọn phương pháp kịch tính nhường ấy, một cái kết cho mẫu phụ nữ sáng tạo và giàu tưởng tượng. Tôi nhìn xuống món ăn. Mắt cá tươi, sống động và kỳ dị, chất vấn tôi, Làm sao cháu nhìn thấy gì được, nếu đang mò mẫm trong bóng tối?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #novel