15

Chú toàn gặp những người phụ nữ có vấn đề. Người thì nhạy cảm đến nỗi chỉ ngửi đã vội xác định rằng món này món nọ mình không thể ăn được. Người thì mở miệng nói vẫn ổn, nhưng mở miệng nhai là thấy đau dội lên cổ và vai. Có người ngất xỉu khi nghe từ "cà rốt", và người khác nữa cả đời chỉ ăn quýt ngọt. Theo cách Chú kể, tưởng chừng họ phải chịu đựng nhiều loại bệnh tật khác nhau, nhưng tôi nhận thấy họ mắc chung một bệnh. Họ chưa được ăn ngon bao giờ, không cảm nhận được hương vị thức ăn, hoặc không biết ăn gì và ăn ra sao. Nhưng kể cả thế thật thì mọi việc cũng không đơn giản với Chú. Nhiệm vụ của Chú là chữa trị cho những người phụ nữ này, và trong số bệnh nhân đó, Chú đem lòng yêu người chỉ ăn quýt ngọt.

Chú thường so sánh nhận thức của con người với món hầm. Theo lời Chú, nhận thức của con người gồm bảy giác quan mà sáu trong đó là dưới dạng chìm; món hầm thì đặc, gồm mấy miếng thịt bò, cà rốt, bắp cải và khoai tây cùng ninh vài tiếng trong nước xuýt. Với một cái nồi hầm bằng đồng, có đáy dày và tay cầm chắc dài, nguyên liệu nào được thả vào cũng lập tức biến dạng rồi tan chảy. Khi hơi nóng bắt đầu bốc lên khỏi nồi và hơi nước tản rộng ra không khí, tầm nhìn sẽ mờ đi. Không ai biết người làm món hầm đang khóc hay cười, và cũng chỉ đầu bếp mới rõ trong món hầm có rau, đầu gà lôi, gan lợn hay một cái tất bẩn.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về vợ Chú là, nên nói thế nào nhỉ, trông như một con cừu non. Da hồng lợt nhợt nhạt, người gầy đét, đôi mắt đen to lóng lánh thường đông cứng vì sợ hãi. Miệng thím luôn đeo một cái khẩu trang như tuyên thị, tôi sẽ không bao giờ ăn gì đâu. Nhưng nếu ngồi vào bàn thì hai tay thím cũng cầm nĩa và dao, như thể quyết xoay xở để cố ăn. Thím là dạng thần kinh suy nhược điển hình. Bà N, một bệnh nhân của Freud, cứ đói triền miên mà không sao ăn được, chỉ vì tiềm thức của bà bị đè nặng bởi một cái nĩa to sắc với một răng bẻ cong. Hồi còn nhỏ, bà hay bị cha trừng phạt nếu không chịu ăn hết miếng thịt đầy mỡ đã lạnh ngắt. Chú nghĩ chắc cũng có cái gì đó kiểu nĩa sắc răng cong lẩn quất trong đời thím, nhưng chưa thể tìm hiểu được nó là cái gì, mà cũng chẳng vội vàng, cứ nhẩn nha như vo gạo thổi cơm. Hồi ấy Chú rất hớn hở, tôi nghĩ đàn ông đang yêu đều thế.

Thím đã cho tôi thấy rằng có rất nhiều phụ nữ không muốn ăn, và rằng thức ăn có thể gây nên những con giày vò kinh khủng. Thái độ chối bỏ thức ăn khác hẳn với việc không thích nên không hớp những lớp váng trắng trên ca cao nóng, trên sữa nóng hay trên cháo nguội. Phải ăn thứ mình ghét không thể mang lại những cơn đau dẫn tới cái chết.

Ăn là một hoạt động tuyệt đối, lặp đi lặp lại. Giống như yêu. Hễ bắt đầu là không dừng được nữa. Đói mà không ăn nổi còn đáng sợ hơn cả gục ngã vì trọng bệnh. Vợ của Chú, vốn ở trong trạng thái ngon miệng chập chờn, cuối cùng đã tự sát theo một cách kịch tính nhất, thím thoa dầu ăn lên khắp cơ thể trần truồng của mình và treo cổ. Có lẽ đây là cách thím tỏ thái độ chống đối những món không ăn được, hoặc là một cuộc hiến thân đau đớn theo nghi thức. Đó là sự cam chịu hay nghi lễ thánh? Nếu thím có ý định bắt người ta tưởng nhớ mình trong hình ảnh mạnh mẽ nhất, thì thím đã đạt được nguyện vọng. Tới giờ, thi thoảng tôi vẫn còn nhớ lại các xác đung đưa dưới trần nhà, dầu loang loáng trên tấm thân còm cõi.

Sau ngày đó, Chú mơ thấy thím thường xuyên, trong giấc mơ Chú luôn kiểm tra răng miệng cho vợ. Mỗi lần tưởng tượng ông chú vươn cổ ra nhìn sâu xuống cuống họng cô vợ, tôi lại cảm thấy một cơn đau có thể xé toang cả lồng ngực mình. Tôi không biết cơn đau này bắt nguồn từ nỗi buồn hay sự ghen tị bản năng. Tôi bắt đầu giận thím. Cái chết đòi hỏi thêm nhiều tình yêu từ người ở lại. Tôi hy vọng Chú có thể gặp được một người đàn bà khác, một người biết rõ mình muốn ăn gì. Nhưng Chú không yêu bất cứ ai nữa, thay vì thế lại nhanh chóng sống nhờ vào rượu. Rượu là cách chắc chắn và dễ dàng nhất để tìm quên, nhưng cũng là xuất phát điểm của một căn bệnh gần như không thể chữa khỏi.

Bác sĩ điều trị chỉ trích tôi về thái độ không rõ ràng với Chú, bảo rằng thật vô nghĩa khi cứ nhắm mắt làm ngơ và dung túng cho việc Chú uống rượu liên miên, vì như thế là giảm nhẹ thực tế rằng nghiện rượu là một căn bệnh thực sự, có khả năng gây trở ngại cho việc bình phục; và rằng, chẳng ai dễ dàng uống mãi nếu có người khuyên nhủ. Ông nói với tôi những điều này bằng một giọng quở trách, như thể nhìn thấu ruột cái phích giữ nhiệt của tôi. Chắc đây là lý do khiến ông gọi tôi tới bệnh viện. Tôi tự hỏi nên thanh minh cho Chú hay tự biện bạch cho bản thân.

Chú ở với chúng tôi chừng sáu tháng, hồi chưa vào viện. Một hôm Seok Ju dắt Paulie đi dạo cùng Chú, trở về thì lo lắng nói rằng Chú cứ ngã suốt. Cây bắp cải tôi đang cầm rơi xuống nền nhà. Bịch. Âm thanh đùng đục khuấy động không gian, giống như mùi thối người ta vẫn dùng để báo động. Ngã là một trong những dấu hiệu đầu tiên của hội chứng Korsakoff. Anh nghĩ chúng ta không nên để Chú đi lại một mình nữa, anh nói, nắm vai tôi nhẹ nhàng kéo về phía mình. Sáu tháng, không lâu không chóng, đủ để Chú nhận thức rằng bệnh tật sẽ phát triển vượt quá khả năng kiểm soát của mình, dẫn đến quyết định chấp nhận nhập viện. Cởi chiếc áo choàng bác sĩ, Chú lảo đảo dọn vào nơi công tác cũ.

Bác nói thế là vì bác chưa nhìn thấy chú ấy ngã lên ngã xuống, tôi muốn nói với bác sĩ. Bây giờ Chú chỉ còn cháu là người thân thích. Cháu biết làm gì hơn là mang cho Chú cái bình nhỏ này đây? Liệu tôi có nên nói thế không? Cuối cùng tôi chẳng nói gì cả. Bởi vì tôi không muốn tỏ ra đã quên, rằng Chú là người duy nhất biết tình yêu có các vị tàn úa, chín nẫu, thối rữa, và đắng ngót.

Chú ngồi trên ghế băng, áo cardigan màu nâu khoác ngoài bộ đồng phục bệnh viện. Chú thư thái ngồi đó, trông giống đợi tiêu cơm sau một bữa ăn nhẹ hơn là đợi tôi. Chú nhìn sang tôi, đôi mắt nheo nheo trong ánh mặt trời. Giờ thì chẳng có gì cho chúng tôi làm ngoại trừ mỉm cười với nhau. Trông Chú gầy quá, nhưng giả vờ không nhận ra thì hơn. Ắt hẳn Chú cũng băn khoăn nhiều về tôi nhưng không đả động.

– Cháu đang nghĩ thế đấy, chú ạ.

– Hử?

– Cháu rất mừng vì xuân đã sang.

– Ừa, sang xuân, tháng Tư rồi, thế mà đứng mấy chỗ bóng râm vẫn còn thấy lạnh. Sống ở đây thật khó xác định đã chuyển mùa chưa.

– Thì về nhà vậy.

– Sao, đột ngột thế?

– Đây không phải là nhà mà.

– Cũng có thể dễ chịu như ở nhà vậy.

– Chú về trông Paulie và chăm nom mấy việc khác thì tốt hơn.

– Mọi chuyện vẫn còn chật vật với cháu hả, chú đoán thế?

Tôi không nói gì.

– Ở đây chú thấy thoải mái.

– Chú sợ gì vậy?

Chú im lặng.

Theo bác sĩ, việc quan trọng nhất với Chú bây giờ là quyết định thời điểm kết thúc điều trị. Trong thời gian ở đây, Chú đã vòng đi vòng lại giữa uống và cai, chỉ khiến Chú nhận ra rằng không thay đổi được điều gì cả, rất có thể kéo theo cảm giác tội lỗi và chán ngán. Bác sĩ nói rằng Chú đang bứt rứt ghê gớm vì đề xuất ra viện.

– Tin tưởng đi ạ.

– Tin cái gì?

– Tin rằng chú sẽ không uống nữa.

– Cháu biết rằng chú chưa bao giờ tin mà.

Tôi không tranh luận.

Bác sĩ điều trị, cũng là đồng nghiệp cũ của Chú, cố gắng thuyết phục tôi rằng, cai nghiện rượu là một việc đáng làm. Tôi gật đầu, nhưng không biết đáng đến mức nào. Tuyệt đối thôi uống là một việc rất khó thực hiện. Bệnh nghiện rượu có thể được coi là dứt điểm khi người ta uống vừa phải và kiểm soát được bản thân, chứ không phải hoàn toàn không uống một giọt nào. Chú biết điều đó. Chú không thể triệt để tránh xa chất cồn, cũng như không thể tẩy sạch ký ức về người vợ quá cố. Bây giờ Chú nên chôn vùi cảm xúc, hay là cố để quên thím? Không thể kiểm soát được lượng rượu uống, đó là lựa chọn của Chú chứ không phải kết quả của một sự thiếu ý chí. Vì thế cả bác sĩ lẫn tôi đều không có quyền quyết định thời điểm chấm dứt điều trị. Tất cả những điều chúng tôi nên làm là chăm sóc Chú. Biết đâu Chú chỉ đang cần thời gian để nhận ra rằng cồn không cần thiết trong cuộc đời và có thể sống được mà không cần uống. Là người thân của Chú, tôi phải quyết định xem liệu mình có nên can dự vào quá trình điều trị hay không.

– Chú muốn cháu làm gì?

– Nếu chú nghĩ là cần giúp đỡ thì chú sẽ đề nghị.

– Đề nghị là một từ xa lạ, chú à.

– Vậy sao, vậy thì chú sẽ bảo cháu giúp – Chú cười hết cỡ, khoe cả hàm răng.

Có lúc ta nên nghe theo bác sĩ. Bác sĩ bảo người nhà bệnh nhân phải xác định khi nào tiến hành điều trị và khi nào ngừng lại. Nếu can thiệp quá sớm, thu hoạch chỉ là trốn tránh hoặc giận dữ. Hôm nay đến đây là đủ. Tôi đứng lên khỏi ghế bằng và phủi bụi trên mông quần.

Rượu là thứ thật khó ngưng khi đã thử cốc đầu tiên. Hành vi uống biến thành cỗ máy phòng thủ, hễ có kẻ cố gắng cản bước, người ta sẽ lại càng xông xáo thêm, hủy hoại không chỉ bản thân mà cả những người yêu quý họ. Phải ghi nhớ hai điều khi đối diện với bệnh nhân nghiện rượu như Chú: một là họ không thể uống ít hơn hoặc thôi ngay lập tức, và hai là họ vẫn cố cai đều đặn. Người nghiện tin rằng họ đủ sức kiểm soát bản thân và rằng họ đủ ý chí để bỏ rượu. Không điều nào là đúng cả.

Tôi chợt bối rối.

Tôi đang nói về Chú hay về chính mình đây?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #novel