2
Trời nhá nhem, giá lạnh, tuyết dữ và gió rát. Cảnh tượng đặc trưng của tháng Giêng. Vậy mà có hồi tôi thực sự không biết gì về thời tiết bên ngoài, về chiều gió hay hướng tuyết. Tôi luôn ngồi bên cửa sổ, ủ trong tay một tách cà phê nghi ngút khói hoặc một cốc sô cô la nóng điểm vị cô nhắc, ngắm tuyết lả tả rơi lúc chiều muộn, phết bơ lên bánh mì que mới nướng rồi nhúng vào sô cô la, cắn một miếng mà cảm thán, Oa, tuyết dày quá! Thế đấy. Ấm và ngọt, đó là tháng Giêng của ngày xưa. Hơi ấm và vị ngọt cũng là những cảm giác rời bỏ tôi đầu tiên.
Tôi không uống được loại sô cô la đắng và đậm đặc như Valrhona của Pháp hay loại quá nồng vị cô nhắc. Chúng làm tôi căng thẳng cả người, y như lần đầu tiên mở miệng trước mặt đàn ông. Tôi nuốt một ngụm đầy sô cô la nóng vừa pha, chất lỏng xối vào cổ họng. Tuyết ngớt, từ tầng mây âm u bắt có những tia sáng mỏng manh lọt xuống. Nhưng miệng tôi vẫn tê tê. Tôi tự hỏi, thức uống này nóng hay lạnh? Cảm giác vô nghĩa như thể tự hỏi mình nóng hay lạnh vậy. Trạng thái không nóng cũng không lạnh là bước đầu tiên dẫn người ta đến con đường phẫn nộ và sợ hãi.
Trong cơ thể con người chỉ có bốn gien điều khiển thị giác, còn khứu giác và vị giác thì lại liên quan đến hơn một nghìn gien, nhưng một nghìn gien này tiêu biến nhanh hơn hẳn bốn gien kia. Tôi đã mất hai thứ: căn bếp, và khả năng cảm nhận vị ngọt-nóng. Tôi sẵn sàng mất mọi thứ đang có, nhưng tôi muốn giữ được hai thứ trên. Cũng không lấy gì làm lạ khi anh không nằm trong hai thứ ấy. Tôi biết có những người lựa chọn cái chết chỉ vì không còn các gai vị giác. Tôi cần một căn bếp, bếp nào cũng được, miễn là có thể tiếp tục làm việc.
Tôi đặt cái cốc đã nguội ngắt lên bàn đẩy nó ra xa. Phải tính xem giờ mình có thể làm gì, và thoát khỏi tâm trạng này bằng cách nào. Tôi nuốt nước bọt, nghĩ đến vị tươi mát của cà rốt mùa đông và củ cải giòn rôm rốp. Có những người thích ăn bất cứ thứ gì mềm dẻo, hoặc các món vỡ bung trong miệng khi cắn ngập xuống. Một số người thích cảm giác nước thịt rịn từ từ vào kẽ răng, những người khác nữa thì thích nhai rau sống. Tôi thuộc lại thứ ba. Hễ nghĩ đến món xa lát cà rốt-cà rốt tươi vừa nhổ khỏi đất còn rung rinh túm lá xanh, đem thái mỏng ra, tưới lên đó dầu ô liu, tỏi giã nát, nước cốt chanh, muối, hạt tiêu xay, cho vào tủ lạnh khoảng bốn tiếng, sau đó rắc mùi tây ngắt nhỏ lên rồi trộn đều - là tôi cảm thấy nước miếng bắt đầu dâng đầy trong miệng. Món ưa thích của anh là bò bít tết, tái, mềm, còn ướt, chỉ nướng vừa đủ để khỏi sống sít, ăn kèm với khoai tây bỏ lò nóng hổi. Đó cũng là món đầu tiên tôi làm cho anh. Cà rốt trộn xa lát ngọt và lạnh, cảm giác dễ chịu như gặm một miếng đá... Giờ thì ổn rồi.
Nhà hàng Nove. Trong tiếng Ý, " nove " có nghĩa là " số 9 ". Đây là nhà hàng duy nhất mà tôi từng làm. Không nghĩ rằng có ngày quay lại. Hồi mới vào làm, tôi khi đó hai mươi tuổi, đã đặt cho cây hồng trước cửa ngôi nhà hai tầng này cái tên Bạch Hoa, vì quả hồng đu đưa trên cành vào độ thu trông giống hệt những nụ bạch hoa sắp vào mùa nở rộ.
Tôi chậm rãi bước lên cầu thang, nhìn vào trong qua tường kính của nhà hàng. Đáng lẽ phải có điều gì đổi khác, nhưng mọi thứ thường như vậy. Giờ này nhà hàng đóng cửa để chuẩn bị phục vụ bữa tối. Từ tháng Chín đến tháng Hai, bàn ăn trải khăn lanh màu ghi thay cho màu trắng. Bếp trưởng ngồi bên bàn cạnh cửa sổ, lúc vẩn vơ nhìn ra ngoài lúc cặm cụi viết gạch trên sổ tay, trăn trở với với một thực đơn mới.
Ước gì tôi có thể đẩy cánh cửa kia và bước vào như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra. Lúc ấy liệu em có hạnh phúc chăng? Tôi thầm hỏi Bếp trưởng, qua vách kính ngăn giữa chúng tôi.
Đó là một người đàn ông cao lớn, đôi vai đặc biệt nở nang và tấm lưng vạm vỡ như vận động viên kendo, chỉ hiềm dáng người hơi gù. Nếu ví với động vật, thì anh sẽ là bò đực với ánh mắt mãnh liệt và thân thể tràn đầy sức mạnh, một con bò đực quả cảm, không thoả hiệp, luôn quyết đoán trong hành động. Nếu ví với cá, chắc chắn anh sẽ là một con cá vược to, vây răng cưa, dày mình, nặng trên bốn mươi cân, loài cá ăn thịt chuyên sống đơn độc. Lần đầu chúng tôi gặp nhau, anh ngồi khòm lưng ở một cái bàn trải khăn trắng, hút xì gà nhẩn nha như thể chỉ là chủ tiệm chứ không phải đầu bếp. Bấy giờ anh túm mớ tóc dài ra sau, buộc đuôi ngựa. Bây giờ tóc đã hoa râm, và anh cắt ngắn đi như quân nhân. Tôi thấy khuây khoả, chắc không chỉ trẻ con mới thấy an tâm khi vây xung quanh là những sự vật thân quen. Như đầu bếp nghỉ ngơi đôi chút sau bữa trưa rồi thay bộ đồ trắng sạch sẽ để quay lại chuẩn bị bữa tối, tôi kéo cánh cửa nặng nề và bước vào.
Bếp trưởng nhìn lên, ngạc nhiên.
- Em uống trà với nhé? - Tôi ngồi xuống, hất đầu về tách cafe au lait bằng sứ trắng đặt trước mặt Bếp trưởng. Giá anh hỏi tôi đến đây làm gì thì sẽ dễ dàng hơn, nhưng anh chẳng hé một lời.
- Em rẽ vào xin tách trà - Tôi tiếp tục.
- Gì?
- Hở?
- Định nói với tôi chuyện gì?
Tôi im lặng.
- Gần đến giờ mở cửa tối
rồi.
- Em muốn đi làm lại.
- Ở đâu?
- Ở đây.
- Em nói mọi việc đều ổn cơ mà.
- Mọi việc đều ổn.
Bếp trưởng quen tôi đã mười ba năm, từ khi tôi hai mươi. Không thể che mắt anh ấy được, nhất là khi ngồi đối diện thế này.
- Có chuyện gì?
Tôi không biết phải nói thế nào.
- Các lớp nấu ăn thì sao?
- Em sắp đóng cửa.
Xem chừng bứt rứt, anh đứng lên bước nhanh về phía bếp, nơi không phải bất cứ ai cũng có thể đặt chân vào, kể cả tôi. Bếp và phòng ăn được ngăn cách bởi bàn chuyển món, không xa, nhưng là hai khu vực khác hẳn nhau về tính chất và mục đích: người đợi ăn và người chế biến, người đợi phục vụ và người phục vụ. Bây giờ tôi không đợi ăn hay chế biến, cũng không đợi phục vụ hay phục vụ ai, vậy mà khoảng cách giữa nhà bếp và phòng ăn có vẻ xa vời. Ở đây nóng quá, trong khi tuyết bên ngoài đang bắt đầu đóng băng.
Ba năm trước họ phá bỏ bức tường ngăn giữa bếp để cho nội thất thông thoáng hơn, chứ hồi tôi còn làm, nhà bếp cứ hầm hập như một cái lò nướng bật ở mức 200 độ C. Đứng ở đây năm tiếng đồng hồ, với cửa sổ luôn luôn đóng chặt để giữ nhiệt thức ăn dù là giữa hè, đường may trên đồng phục sẽ chảy ra và bết vào da thịt, nhưng không ai nói đại loại như sao mà nóng quá. Ngay cả các nhà hàng lớn cũng không để bếp rộng, vì phải tiết kiệm chỗ mà kê thêm bàn.
Nếu mọi thứ vẫn y nguyên như thời tôi ở đây thì tôi có thể kể vanh vách mọi điều về nơi này, bắt đầu từ số cốc tách đang bày trong bếp. Nhưng chắc chắn đã có điều thay đổi, cũng như tôi không thể bạo dạn theo Bếp trưởng vào bếp được nữa. Đối với tôi, nhà bếp bây giờ không còn là nơi duy nhất tạo ra đồ ăn ngon.
Bếp trưởng trở ra, đặt một tách sứ lớn trước mặt tôi và ngồi xuống bên kia bàn. Tôi thổi trà cho nguội rồi chạm môi vào vành tách. Đắng, say, chua và gắt. Trong trà có cà phê, sữa, diếp xoăn khô nghiền bột. Hồi làm việc ở đây, tôi thường pha cho mình một tách tương tự vào giữa giờ chiều.
- Có điều này, tôi không biết có nên nên nói ra hay không...
- Anh nói đi.
- Trạng thái tuyệt vọng...
Tôi không mong đợi đoạn tiếp theo sẽ là :" vì tình".
-... đếno trôi qua, lúc nào cũng là một việc khó khăn.
Gặp cảnh ngộ như của tôi, tâm sự với người lớn tuổi hơn thì chỉ càng thêm bế tắc. Bếp trưởng nói bằng giọng của một người đã sống cả đời đầy tự tin. Sợ rằng cái giọng ấy sẽ túm lấy cổ mình mà lắc, tôi vội hỏi:
- Vậy là em có thể bắt đầu từ ngày mai, đúng không?
Tôi đến đây cốt để tìm việc. Không ai được phép nói rằng mối tình của tôi đã qua. Chưa phải bây giờ. Kiềm chế nỗi thôi thúc được lặng lẽ lẩn về theo cửa sau, tôi buộc mình nhìn vào mắt anh.
Vẫn còn một điều khủng khiếp hơn sự chia tay, đó là giữ người kia trong trái tim mình dù cả hai không còn bên nhau nữa. Ý tôi là, có lẽ nó là một phép thử, nếu muốn hiểu ai đó, thực sử muốn hiểu ai đó, nên thử chia xa ít nhất một lần, chỉ một lần thôi. Đừng hỏi đến chuyện của tôi vội.
- Vẫn còn thói quen nhìn vào mắt người khác - Bếp trưởng nói.
- Em vẫn thế mà.
- Có gì đó khác rồi.
Tôi im lặng.
- Chấm dứt đi khi em còn có thể. Đừng dây dưa. Một thời gian nữa em sẽ thấy mọi sự hóa ra rất nhẹ nhàng.
- Em đoán là đến mùa cá đù sẽ ổn hơn.
Tức là mùa hè.
Vào lúc năm giờ năm phút chiều hai mươi tháng Giêng, tiết Đại hàn theo lịch âm, ngày được cho là lạnh nhất trong năm, tôi lại nói về mùa hè vẫn còn xa tít tắp. Bếp trưởng đứng dậy, hừ một tiếng. Đây cũng là lúc nhà bếp bận rộn nhất.
- Ăn rồi hẵng đi - Anh gợi ý.
- Không phải anh đang bận à?
- Thế đi đi.
- Không, không, em đói. Hôm nay có món gì ngon?
- Cá mú.
- Được, cho em cá mú.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top