Luocsophatgiao
Phật giáo - một triết học mở và nhân bản
Trong vô lượng những tư tưởng, triết lý, tôn giáo đã hình thành, phát triển rồi tàn lụi trong suốt dòng phát triển cứ cao dần của tư duy nhân loại, thời gian như một bộ lọc khổng lồ. Không ai có thể đếm hết những tư tưởng, tôn giáo đã từng tồn tại rồi đã từng biến mất theo cái lẽ sinh-diệt rất thường của đại tự nhiên. Vậy nên, hễ còn một triết thuyết nào đứng vững đến ngày hôm nay, ta không khỏi cúi mình khâm phục trước sức sống lạ kì và khả năng thích nghi tuyệt vời của triết thuyết đó. Xuất hiện từ thế kỉ thứ 6 trước Công nguyên và còn đang phát triển mãnh liệt trong hiên tại, Phật giáo mang trong mình một triết học như vậy.
Vậy triết học Phật giáo là gì ? Vì sao triết lý xuất hiện rất sớm ấy (1) lại có một sức sống trường cửu và tầm lan tỏa mãnh liệt đến như vậy ? Nếu coi sức sống trường tồn của Phật giáo là "quả" thì "quả" ấy khởi từ "nhân" nào và do "duyên" nào ? Một người có kiến thức sơ lược về Phật học cũng có thể mường tượng ra được khối lượng to lớn của câu trả lời một khi được viết ra. Luận văn nhỏ này cùng với kiến thức khiêm tốn của người viết không đặt tham vọng giải quyết toàn bộ câu hỏi ấy, chỉ mong đưa ra những suy tư rất thành thực về hai điểm lý giải cơ bản, tính nhân bản và tính mở của Phật giáo.
Phật giáo nhân bản ở ngay mục đích của nó, ấy là triết lý nhằm giải minh nỗi khổ của kiếp người và hướng con người đến sự giải thoát.
1. Nguồn gốc của khổ và con đường giải thoát
Luật "nhân - quả" và thuyết "thập nhị nhân duyên"
Phật giáo cho rằng những sự vật, hiện tượng (pháp) trong thực tại là vô thủy, vô chung. Tất cả thực tại ấy (pháp) điều bị chỉ phối bởi luật "nhân-quả", nằm trong chuỗi biến hóa vô thường. Cái "nhân" nhờ có "duyên" mới thành "quả", "quả" lại là "nhân" của một cặp "nhân-quả" mới. Vạn vật cứ thế thành, trụ, hoại, diệt mà sinh sinh, hóa hóa mãi mãi. "Sắc" tức là "không" - không có hình thái, sự vật nào tồn tại mãi mãi - phật giáo phủ nhận sự đứng im tương đối của vật thể, chỉ có luật "nhân-quả" là vĩnh viễn và bao trùm mọi hiện tượng. Luật "nhân-quả" ấy ứng vận vào trong giới sinh vật tạo nên mười hai quan hệ nhân quả lớn (thập nhị nhân duyên).
(xem hình ở sau)
Theo đó, (1) Vô minh là cái không sáng suốt, mông muội, che lấp cái bản nhiên sáng tỏ, (2) Hành là hành động, do Vô minh nên mới có Hành, do Hành nên mới có Thức (ý biết). Vậy Hành là quả của Vô minh mà là nhân của (3)Thức. Do Thức mà có (4) Danh sắc (Hình và tên của bản ngã)... . (5) Lục xử (sáu cảm giác : mắt, mũi, lưỡi, tai, thân, tri thức) ... Lần lượt mười hai Nghiệp-quả cứ thay nhau tiếp diễn như nước chảy không ngừng. Chúng sinh trong cõi Sa-bà vì vô minh nên không thấy được cái bản chân của mình và của vạn vật vốn là không có thực, do đó mà nảy sinh tham, sân, si. Mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi ý nghĩ có hàm chứa dục vòng đều gây ra nghiệp, nghiệp chi phối hiện tại, tương lai của con người. Hiện tại là nghiệp báo của quá khứ, tương lai là nghiệp báo của quá khứ và hiện tại. Con người do vậy mà cứ mãi trâm luân trong luân hồi, mãi mãi không dứt ra khỏi bể khổ.
Tứ thánh đế ( bốn sự thật lớn)
Khổ đế. Khổ là một sự thật hiển nhiên của đời người. Con người sinh ra cất tiếng khóc lên đã là khổ, những ngày mạnh khỏe cường tráng không bao lâu thì tuổi già, bệnh tật đã đến. Sinh, lão, bệnh, tử là bốn nỗi khổ lớn của thân xác, đã bước chân vào luân hồi thì không ai tránh được. Con người ta sinh ra trên đời có cha mẹ, vợ con, có người thương mến, lại có người xung khắc, ghét nhau mà phải sống gần nhau là một nỗi khổ, yêu nhau mà phải xa cách là nỗi khổ. Những nỗi Ái, Ố, Hỉ, Nộ ấy làm mệt mỏi linh hồn, một khi đã bước chân vào luân hồi thì không ai ngoại lệ. Chân lý ấy của Phật giáo được Hải Nam Đoàn Như Khuê - một nhà văn hóa lớn của Việt Nam đầu thể kỉ hai mươi - thể hiện rất rõ :
BỂ THẢM
Bể thảm mênh mông sóng lụt trời,
Khách trần chèo một lá thuyền chơi.
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió,
Coi lại cùng trong bể thảm thôi.
Coi lại cùng trong bể thảm thôi,
Nổi chìm, chìm nổi biết bao người.
Kiếp người nghĩ cũng lênh đênh quá,
Quá cánh bèo trên mặt nước trôi.
Quá cánh bèo trên mặt nước trôi,
Nước trôi bèo nổi, ngán cho đời.
Cuộc đời đổi đổi thay thay mãi,
Trải mấy lần dâu hóa bể khơi.
Trải mấy lần dâu hóa bể khơi,
Một hai ba tuổi, chín mười mươi.
Xiết bao mừng rỡ bao thương xót,
Khóc mấy mươi phen, mấy trận cười?
Khóc mấy mươi phen, mấy trận cười?
Dẫu cười chưa hẳn đã là vui.
Trần vui sao lại cho là tục?
Mới lọt lòng ra đã khóc rồi!
Mới lọt lòng ra đã khóc rồi!
Kiếp trần ngán lắm khách trần ơi!
Một lần mình khóc, lần người khóc,
Sống thác đôi lần, giọt lệ rơi.
Sống thác đôi lần, giọt lệ rơi.
Cảnh phù du cũng khéo trêu người.
Bể bao nhiêu nước, bao nhiêu thảm,
Lấp chẳng đầy, cho tát chẳng vơi.
Ðoàn Như Khuê
Tập đế - (Sự thật về nguyên nhân khổ đau). Kinh Chuyển Pháp Luân giảng về Khổ tập thánh đế : "Lại nữa, này các Tỳ kheo ! Tâm lý nuối tiếc, khát vọng và chấp thủ là con đường đưa đến khổ đau, luân hồi tái sinh, nơi nào có mặt tham ái là có chấp thủ, ham muốn, ước vọng, mong cầu..., như vậy là Khổ tập thánh đế". Chúng sinh trong đại thiên thế giới này trầm luân trong khổ đau, vậy khổ đau từ đâu đến? Phật giáo dạy chúng ta đi tìm nguyên nhân khổ đau từ chính trong lòng mình. Khổ đau đến là do con người có làm tham, sân, si ( tham lam, giân dữ, si mê, dục vọng). Tham, sân, si có do con người vô minh, không hiểu được bản chất không có thực của thế giới.
Như thế, dẫn đến một vấn đề rõ ràng rằng nỗi khổ chỉ là quả của dục vọng. Để giải thoát khỏi nối khổ, cần phải thấu hiểu được mối quan hệ Nghiệp- quả của Thập nhị nhân duyên, từ đó mà lìa xa mọi dục vọng. Chân lý ấy là Diệt Thánh đế (sự thật về chấm dứt khổ đau). Như kinh Chuyển Pháp Luân đã nói "Lại nữa, này các Tỳ kheo ! Xa lìa, đoạn trừ tham ái, chấp thủ, ước vọng... mọi tâm lý dục vọng là giải thoát, an lạc như vậy là Diệt thánh đế".
Vậy thì, đau khổ là do tâm mình mà ra, cách chấm dứt đau khổ lại cùng phải tự tìm trong tâm của mình. Nhưng đấu tranh với tham, sân, si trong chính cái tâm của mình thật khó biết bao, đúng như lời của đại lão hòa thượng Thích Kim Cương tử đã dạy "kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình, thắng lợi lớn nhất của con người là vượt qua chính mình". Muốn lìa bỏ được tham, sân, si thì phải dứt được cái mối đầu tiên của nghiệp là sự u tối (vô minh). Con đường dứt khỏi đau khổ là con đường rèn luyện, đấu tranh, đào tạo trí óc không ngừng nghỉ để có thể đạt tới giác ngộ, diệt hết mọi ham muốn, mọi dục vọng tầm thường, đạt tới giải thoát để bước chân khỏi luân hổi, trở nên không sinh, không diệt. Con đường chấm dứt đau khổ ấy là Đạo Thánh đế. Con đường để giải thoát có lẽ không ai giống ai, để bước chân vào niết bàn cần tiệm tu hay đốn ngộ vẫn là một đề tài mà cả ngàn năm sau vẫn chưa dứt tranh luận. Dẫu vậy, vẫn có những phương pháp đúc rút từ kinh nghiệm tu hành ngàn năm được kết thành kinh điển, ấy là Bát chính đạo ( tám đường giải thoát) gồm
(1) chính kiến : nhận thức đúng ,
(2) chính tư duy : suy nghĩ đúng,
(3) chính nghiệp : hành động phải chân chính,
(4) chính ngữ : nói phải đúng,
(5) chính mệnh : sống phải trung thực,
(6) chính tịnh tiến : phải nỗ lực, có ý thức vươn lên,
(7) chính niệm : luôn hướng thiện,
(8) chính định : kiên dịnh không thoái chí.
Triết học Phật giáo cao sừng sững như núi Tu-di, rộng lớn như sông Hằng, nhưng lại gần gũi và lay động cả đến những số phận thấp kém nhất. Ấy là vì Phật giáo không chia người quân tử, kẻ tiểu nhân, Phật giáo không chia ngôi cha, con hay thánh thần, Phật giáo không đi tìm một sự giải thoát ở ngoài bản tâm của con người. Dẫu là ai, hay dẫu ở địa vị nào, trước phật giáo tất cả đều bình đẳng, chỉ cần một lòng hướng Phật là sẽ thoát khỏi bể khổ. Thế nên mới Phật-đà khi sắp vào cõi Niết Bàn mới dạy rằng "Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành". Logic trong triết lý của Phật giáo dung dị mà mà đầy biện chứng. Bát chính đạo là khuôn thước không chỉ cho công việc tu hành, mà còn là quy củ cho bất cứ ai muốn tôi luyện chính bản thân mình.
2. "Ngón tay chỉ mặt trăng" hay chân lý không nói ra được của Phật giáo
"Ngón tay chỉ mặt trăng" là câu nói hàm dưỡng cao nhất về sự thâm viễn triết học Phật giáo. Đây là câu nói của Phật đà để giải nghĩa những kinh điển của người. Phật giáo chỉ con người con đường đến với giải thoát, nhưng đòi hỏi con người ta phải bắt tay vào hành động. Ở đây, mặt trăng hàm chứa chân lý mà đức Phật muốn chúng sinh đạt đến, những thuyết pháp, kinh điển hay kinh nghiệm của đức Phật chỉ là một sự dẫn hướng, cũng như một ngón tay chỉ về phía chân lý, nhưng có đến được với giải thoát hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào những bước chân của người tu hành. Điều này thể hiện ra qua một kinh nghiệm nội chứng đức Phật được Kinh Brahmajàla (Phạm Võng) ghi lại: "Nầy các Tỳ kheo, Như Lai biết những kiến giải như vậy, những chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới như vậy, sẽ tạo thành những duyên nghiệp như vậy. Đó là điều Như Lai biết, và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Như Lai không chấp. Vì Như Lai không chấp vào cái biết ấy nên tâm được tịch tịnh. Như Lai biết "như thực", tướng sanh diệt của cảm giác (thọ), hương vị và độc vị của chúng ; nhân cái biết ấy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, rũ sạch hết mọi tập khí cảm nhiễm" "Từ những chi tiết này, rõ ràng triết lý trong giáo huấn của Phật là một triết lý sống bao gồm cả hai mặt nhận thức và hành động. Nếu không như thế thì giáo huấn của Phật dù cao thượng đến đâu cũng chỉ là những viên gạch vụn của ngôn ngữ, khái niệm héo hắt và rổng toác. Như thế, bao lâu con người còn khát vọng tìm kiếm một ân sủng nào bên ngoài mình hay từ đâu đến, thì khi đó khổ đau vẫn cứ bám chặt canh cánh trong thân phận của kẻ ấy. Vì, như đã đề cập, cảnh giới thực tại - giải thoát là cảnh giới bất khả thuyết bởi ngôn ngữ, bất khả tri bởi tri thức thường nghiệm. Bởi lẽ ngôn ngữ, khái niệm tự thân nó là tỉnh chỉ, là hữu hạn. Do đó, không thể lấy cái tỉnh chỉ, cái hữu hạn để diễn đạt cái sống động, vô biên, thực tại - giải thoát. Tuy nhiên, nếu không có ngôn ngữ, khái niệm thủ vai như những dấu hiệu, biểu tượng, chỉ dẫn... thì cuộc đối thoại giữa Phật và chúng sinh, giữa phàm phu và thánh trí chẳng khác gì "dã tràng xe cát". Do vậy, viện đến ngôn ngữ, khái niệm, luận lý v.v... là một trong những phương pháp triết học Phật giáo ; nhưng cái đích đến của nó không phải những gì được diễn tả bởi ngôn ngữ, mà chính là những gì nằm đằng sau ngôn ngữ, cảnh giới thực tại."(2)
3. Phật giáo - một triết học mở.
Phật giáo từ ra đời đến nay đã gần 3 thiên niên kỉ, Hằng hà sa số những bộ óc vĩ đại đã bổ khuyết làm dầy lên thêm, làm đặc sắc hơn những luận điểm ban đầu của Phật giáo. Truyền bá đến đâu, Phật giáo lại hập thụ, trao đổi, giao thoa với những luồng tư tưởng bản địa để làm giàu lên nền văn hóa địa phương và cũng làm đa dạng thêm lên chính triết lý của Phật giáo, dù không vì vậy mà Phật giáo đánh mất đi những tiên đề luận của bản thân mình...
Phật giáo xuất phát từ Ấn độ, cái nôi của triết học tôn giáo phương Đông, phải cạnh tranh từ thế yếu(3) với rất nhiều tôn giáo khác đã trước xuất hiện trong vùng đất thần thánh ven sông Hằng này, nhưng cùng với thời gian, Phật giáo đã chứng minh sức lan tỏa của mình trên không chỉ lãnh thổ Ấn độ cổ đại mà còn sang cả những vùng đất xa xôi khác.
Có được sự phát triển đó là do triết lý Phật giáo mang trong mình những triết lý hòa hợp với tư duy chung của nhân loại, đáp ứng được nguyên vọng tôn giáo của cư dân sở tại, gần gũi và đồng cảm với nền văn hóa riêng của của mỗi vùng đất mà tư tưởng Phật pháp truyền vào. Một trong những vùng đất mà Phật giáo hoằng dương và hoàn thiện được đến tột bậc triết lý của mình là đất nước Trung Quốc.
Diễn trình Phật giáo ở Trung Quốc
Phật học đại thừa(4) du nhập vào Trung Quốc rất sớm, đến thế kỉ thứ I và thứ II sau công nguyên đã có một vị trí xứng đáng trong đời sống tôn giáo Trung Quốc, ngang hàng với Âm dương gia và Tiên gia. Mới truyền bá vào Trung Quốc, Phật giáo đã lập tức được chấp nhận và bộc lộ những nét gần gũi với một triết học bản địa, đó là triết học Đạo giáo của Lão Tử - đến mức có thuyết coi Phật học như một dị bản hải ngoại của Đạo Đức Kinh(5) - thuyết đó cố nhiên sai, nhưng tư tưởng đó đã di duệ lại đời sau các triết học Phật giáo có nhuốm màu Đạo giáo, đó là Không tông và Thiền tông- triết lý trong im lặng. Đây là những luồng tư tưởng Phật giáo đầu tiên suy tư lại một cách nghiêm túc các vấn đề cốt lõi của Phật giáo "ý nghĩa thật của trạng thái giải thoát (Niết Bàn) là gì ?" "thế nào là vô- thế nào là thực ?" "bát chính đạo có phải là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát ?"
Nhị đế nghĩa - đóng góp thứ nhất của Phật giáo Trung Quốc vào triết lý Phật giáo.
Ở trên đã bàn về triết lý Phật giáo sơ thời, trong đó khẳng định chỉ có một chân đế duy nhất đúng, ấy là sự vận động, sinh diệt liên tục của pháp (vật thể hữu hình), từ đó Phật giáo sơ thời coi vạn pháp đều là không có thực (vô)-phủ nhận sự đứng im tương đối của vật chất. Không tông đã đề xuất xem xét và mở rộng thêm triết lý này và đưa nó lên một tầm triết lý cao hơn, đó là luận điểm về "nhị đế nghĩa" (hai chân lý). "Nhị đế" bao gồm "chân đế" và "thế đế", vấn đề này được Cát Tàng (549-623), một trong những đại tông sư của Không tông, đưa ra trong ba luận điểm trong sách "Nhị đế chương" sau :
(1) Kẻ phàm phù cho mọi vật là có thật, là "hữu", chẳng biết gì về "vô". Cho nên chư Phật mới có thuyết chư pháp (tức là muôn vật) thật ra là vô và không. Trên bình diện đó, nói "hữu" là thế đế, nói vô và chân đế.
(2) Bảo chư pháp đều là "hữu" là nhất biên(6), nhưng bảo chư pháp đều là "vô" cũng nhất biên(6), cả hai đều phiến diện vì cho ta cảm tưởng sai lầm rằng "vô" chỉ là kết quả của sự không có hoặc sự tiêu trừ của "hữu". Nhưng sự thật, "hữu" cũng đồng thời là "vô". Cho nên, theo bình diện nhị đế, thi bảo chư pháp là "hữu", bảo chư pháp là "vô" đều là thế đế. Vậy phải nói "trung đạo bất nhị" (đường ở giữa), hiểu rằng chư pháp là "phi hữu, phi vô" (không phải "có thật", mà cũng không phải là "không có thật"). Ấy là chân đế.
(3) Nhưng bảo rằng chân lý bậc trung là ở tại bất nhị (nghĩa là phi hữu, phi vô) tức là có ý thiên lệch. Hễ thiên lệch thì nhất biên. Do đó, bảo rằng chư pháp là phi hữu, phi vô và coi đó là trung đạo bất nhị thì, trên bình diện thứ ba, lại chỉ là thế đế. Chân đế bảo rằng chư pháp là phi hữu phi vô, phi hữu vô, và trung đạo là phi nhị, phi bất nhị."
Đọc Cát Tàng, như cảm thấy thật rõ ràng sự dằn vặt chung của những bộ óc triết gia vĩ đại trong lịch sử, trăn trở của Không tông về cái "vô", cái "hữu" cũng chính là những suy niệm về tính có thật hay không có thật của vật chất đã dằn vặt triết học châu Âu biết bao thế kỉ. Nếu như Phật giáo sơ thời nhấn mạnh đến tính "vận động" của sự vật, tuyệt đối hóa sự vận động đến mức phủ định sạch trơn sự đứng im tương đối thì ở đây, Không tông đã đưa sự vật (pháp) về gần hơn với sự thật. Đó là một vị trí nằm dao động, không nhất thiết là chính giữa, giữa "thực" và "vô". Ở đây, một bước phát triển của triết lý Phật giáo đã nắm đúng vào vấn đề cơ bản của triết học.
Đốn ngộ và tiệm tu hay Cơ chế dẫn đến Giải thoát - đóng góp thứ hai của phật học Trung Quốc vào triết lý Phật giáo.
Một trong những người Ấn độ có công truyền bá Phật giáo từ Ấn vào Trung Quốc là Cưu-ma-la-thập. Ông đến Tràng Anh vào năm 401 và mất ở đây vào năm 413. Học trò nổi tiếng nhất của Cưu-ma-la-thập là Đạo Sinh, một đại tông sư khác của Không tông, đã đặt lại vấn đề về con đường dẫn đến sự giải thoát.
Như trên đã nói, con đường dẫn đến giải thoát trong kinh điển Phật giáo chính tông là cần phải hiểu rõ Tứ Thánh đế, rồi bản thân người tu hành phải tuân theo Bát chính đạo, dần dần đến khi có được trí tuệ bát nhã rồi tức là phá bỏ được Vô minh, phá bỏ được Vô minh rồi sẽ thoát khỏi thập nhị nhân duyên, bước ra khỏi luân hồi mà chứng được Niết bàn. Con đường ấy là tiệm tu (học tập tích tụ dần hiểu biết mà giải thoát). Đạo Sinh không phải đối sự quan trọng của tiệm tu tích học, nhưng ông chủ trường rằng sự tu học ấy dù có lớn lao đến đâu cũng chỉ là công việc dự bị, tự nó không thể đưa người tu hành thành Phật. Chỉ có hành vi tức thì, giống như nhảy qua vực thẳm, mới có thể thành Phật. Hoặc là nhảy tới được bờ bên kia thì thành Phật trong chớp nhoáng, còn không tới được bờ bên kia thì ta vẫn là ta, không có giai đoạn trung gian giữa ta và Phật. Sự giác ngộ tức thì ấy, gọi là đốn ngộ.
Đặt lại vấn đề về bản chất và vị trí của Niết Bàn - đóng góp thứ ba của Phật học Trung Quốc vào giáo lý chung của Phật học.
Đạo Sinh bắt đầu đặt lại vấn đề về bản chất và vị trí của Niết Bàn từ luận điểm cho rằng con người có Phật tính. Theo Đạo Sinh, Phật tính đã tồn tại ngay trong bản thân con người, những con người lại không biết là mình có. Đây chính là một sự vô minh (u tối), làm cho con người vướng vào vòng sinh tử luân hổi. Như vậy, trước hết phải để cho con người ý thức được rằng mình vốn có Phật tính, sau đó phải học tập để "thấy" được Phật tính trong bản thân mình. Nhưng Phật tính vốn không thể phân chia được nên hoặc là thấy được toàn bộ Phật tính hoặc không thấy gì. Bước chuyển từ chưa thấy Phật tính thành thấy được hoàn toàn Phật tính là đốn ngộ. Thấy được hoàn toàn Phật tính tức là chứng được cõi Niết Bàn. Như thế, Niết Bàn không hẳn ở ngoài vòng luân hồi nhưng cũng không hẳn ở trong vòng luân hồi. Đạo Sinh nói " Ngộ của Đại thừa vốn không gần với sự dứt bỏ sinh tử luân hồi mà là cầu vậy. Chính ở sự sinh tử mà dùng cái thực làm ngộ". Phật gia dùng ví dụ "tới bờ bên kia" để diễn tả niết bàn, Đạo Sinh nói "nói tới bờ bên kia thì tức là không tới, nhưng không tới và không không tới mới thật là tới". Như thế, ta có thể thấy rõ ràng trong quan niệm của Không tông, Niết Bàn không rời khỏi thế giới mà một trạng thái ranh giới, vẫn ở trong thế giới mà cũng như không ở. Đây cũng là một đóng góp lớn lao của Không tông làm tăng tính "đời" của Phật giáo. Nó chứng minh con người ta có thể đạt tới hạnh phúc ngay trong cuộc sống hàng ngày, một khi nắm được tứ diệu để, loại bỏ được tham, sân, si và giải thoát khỏi sự vô minh.
Thiền tông - một bước phát triển cực đoan của Phật học Trung Quốc
Ở đây, nhận xét rằng "Thiền tông là cực đoan" hoàn toàn từ ý kiến cá nhân người viết.
Như trên đã nói, "nhị đế nghĩa" là nét đóng góp đặc biệt của phật học Trung Quốc vào triết lý Phật giáo, thuyết "nhị đế nghĩa" đòi hỏi xem xét lại luân điểm coi "sắc tức là không", vạn vật đều không có thực của Phật giáo nguyên thủy, kéo "pháp" lại gần hơn ví trí của nó - vị trí giữa "hữu" và "vô". Tuy nhiên, những bước phát triển sau này của Thiền tông đã đẩy phật giáo Trung quốc trở lại với quan điểm phủ định sạch trơn, hay là "vô". Điều đó thể hiện qua tranh luận về giáo lý Thiền tông giữa Thần Tú và Lục tổ Huệ Năng, hai đệ tử chính của ngủ tổ Thiền tông là Hoằng Nhẫn. Câu chuyện kể rằng khi biết mình sắp tịch, Hoằng Nhẫn bèn gọi các đệ tử lại để tìm người truyền pháp, người được chọn sẽ là người làm bài kệ hay nhất, tóm tắt được giáo lý của Thiền học.
Bài kệ của Thần Tú :
"Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương trong
Luôn luôn siêng lau phủi
Chớ để nhuốm bụi hồng"
Để phản đối Thần Tú, Huệ Năng đã làm bài kệ như sau :
"Vốn không cây bồ đề
Cũng không đài gương trong
Xưa nay không một vật
Đâu mà nhuốm bụi hồng"
Bài kệ của Thần tú thể hiện thái độ "tiêm tu" cũng như thiên về luận điểm thứ hai trong ba luận điểm của Cát Tàng (Không Tông). Bài kệ của Huệ năng phủ nhận cái "hữu", cũng phủ nhận luôn cái "vô", là một bước phát triển thêm luận điểm thứ ba của Cát Tàng. Sự phân liệt của Thần Tú và Huệ Năng đã dẫn đến sự hình thành Bắc tông (Thần Tú) và Nam tông (Huệ Năng) trong Thiên tông. Bắc tông phát triển chủ yếu trong tầng lớp quý tộc, Nam tông phát triển rộng trong nhân gian, về sau Nam tông chiếm ưu thế và trở thành dòng chảy chủ lực của Phật giáo Trung Quốc.
Luận điểm thứ ba của Cát Tàng trong Thiền tông gọi là "nghĩa thứ nhất". Như đã thấy qua luận điểm của Cát Tàng, "nghĩa thứ nhất" đó không thể nói ra được, bởi vì cái gọi là "nghĩa thứ nhất" đó vốn không thể định lượng, đã không thể định lượng thì không thể gọi tên, vì đã gọi tên tức là đã đạt cho "nghĩa thứ nhất" một giới hạn, khi đó "nghĩa thứ nhất" không còn là "nghĩa thứ nhất" nữa.
Có người hỏi Văn Ích thiền sư (mất năm 958) " thế nào là nghĩa thứ nhất ?"
Thiền sư đáp "Nếu nói được thì là nghĩa thứ hai"
Như vậy thấy rằng, nghĩa thứ nhất không thể diễn tả được mà chỉ "ám chỉ" được bằng cách im lặng. Thế nên gọi là triết học im lặng - thiền tông.
Thiền tông cũng nêu ra một phương pháp cực đoan để giác ngộ. Theo Thiền tông, cách hay nhất để tu cho thành Phật là không tu. Lý luận của Thiền tông cho rằng : tu tức là có cố gắng, có cố gắng tức là có hữu vi (làm), có làm sẽ gây ra nghiệp-quả. Nghiệp-quả ấy có thể tốt nhưng rõ ràng vẫn không ra ngoài luân hồi. Hi Vận thiền sư nói "Ví thủ trong hàng sa kiếp số một người thi hành lục độ(7), vạn hành mà được Phật bồ đề thì cũng không phỉa cứu cánh. Vì sao vậy ? Là vì thuộc nhân duyên tạo tác. Nếu nhân duyên mà hết, thì lại về vô thường". Lại nói " Mọi việc đều về vô thường. Thế lực đều có tân kì. Cũng như tến bắn trong không, sức hết lại rơi. Đều trở về sinh tử luân hồi. Tu hành như vậy là không hiểu ý Phật, chịu đắng cay không đâu, há chẳng phải là điều lầm lớn ư ?" Thiền tông chủ trương phép tu không cố gắng, hành động vô vi và vô tâm, cứ hành động như tự nhiên và sồng như tự nhiên, không dụng công. Có như vậy, việc tu mới không tạo ra nghiệp, không sinh quả. Như vậy, Thiền tông chủ trương loại bỏ sự cố gắng trong tu hành, con đường đến Niết Bàn chủ yếu dựa vào Duyên và sự Đốn ngộ. Ấy là một bước lùi.
Lược khảo diễn trình Phật giáo tại Việt Nam.
Việt Nam có một nền văn hóa mềm mại, trên nên tảng văn hóa đó, con người Việt Nam tiếp biến rất nhanh chóng những trào lưu tư tưởng bên ngoài, "vượt gộp"(8) tư tưởng ấy với nền móng tư tưởng văn hóa bản địa để tạo nên một tư tưởng hòa trộn.
Người Việt ta có tính lạc quan, có tư tưởng thực tế, tất cả những điều đó đều phản ánh trong phật học Việt Nam.
Phật giáo dòng tiểu thừa vào Việt Nam khá sớm vào khoảng thế kỉ thứ 2 sau Công Nguyên, Mâu tử - một tác gia Phật giáo nổi danh đã đến nước ta tại vùng chùa Dâu (Bắc Ninh) để truyền bá Phật pháp và trứ tác. Tuy nhiên, dòng Phật giáo thật sự có ảnh hưởng lâu dài ở nước ta lại là Phật giáo đại thừa, xâm nhập vào nước ta qua một nghìn năm Bắc thuộc.
Phật giáo bắt đầu giữ địa vị Quốc giáo ở nước ta từ triều Lý, mở đầu từ ông vua - nhà sư Lý Thái Tổ, tiếp tục phát triển đến đỉnh cao với phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tông làm thủy tổ, trước khi chính thức bị mất vai trò chính trị vào đời Lê Thánh Tông. Tuy nhiên sau đó, phật giáo vẫn thực sự phố biến trong các các giai tầng thấp hơn của xã hội.
Phật giáo ở Việt Nam chủ yếu là dòng Thiền tông du nhập từ Trung Quốc, nổi tiếng nhất có lẽ là dòng Vô Ngôn Thông, sách Thiền Uyển Tập Anh của Lê Mạnh Thát viết thế kỉ 14 cho thấy một đời sống Phật giáo sôi động ở nước ta trong triều Lý, Trần.
Thiền tông đời Lý - triết lý yêu đời dịu dàng
Quan sát bài kệ của Mãn Giác thiền sư trước khi mất :
Cáo tật thị chúng
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Mãn Giác thiền sư
Có bệnh bảo với mọi người
Xuân trỗi, trăm qua rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu tóc bạc phơ
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một cành mai .
dịch: Ngô Tất Tố
Cái lẽ sinh diệt trong Phật giáo qua con mắt của một thiền gia Việt Nam hiện lên nhẹ nhàng, nhuần nhị mà thấm đầy triết lý. Sinh hóa vốn là lẽ thường, có sinh ắt có diệt, hiểu được như thế chắc không ít. Thế nhưng, đứng trước cái chết mà vẫn ánh lên tia sáng yêu đời, vẫn tìm ra những tia hi vọng cho ngày mới. Triết lý nhập thế và lạc quan như vậy chính là nét kết hợp giữa tư duy thông thoáng của người Việt và triết lý của Phật giáo, một nét đặc sắc khó thấy ở Phật giáo một nơi nào khác.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - nét đặc sắc của Thiền tông Việt Nam
Sách Tam tổ thực lục truyền lại những mẩu truyển cho thấy sự phát triển rất cao của Thiên tông Trúc lâm qua đại diện là Thủy tổ Trần Nhân Tông.
Học trò hỏi Nhân Tông
- Như thế nào là Phật ?
Nhân Tống đáp :
- Như cám ở đáy cối.
Lần khác, một trò hỏi :
- Lúc giết người mà không để mất thì như thế nào ?
Nhân Tông đáp :
- Khắp toàn thân đều là can đảm.
Câu trả lời thứ nhất của Nhân Tông hàm ý về "nghĩa thứ nhất" không thể nói của Thiền tông, điều này cho thấy Thiền gia Việt Nam đời Trần đã đạt đến trình độ siêu hình rất cao về Phật học. Câu trả lời thứ hai của Nhân Tông cho thấy tính nhập thế tích cực trong tư duy người Việt. Việc chính nghĩa phải làm thì cứ đường đường chính chính mà làm. Ấy chính là chính nghiệp trong bát chính đạo, mà cũng là phong thái anh hùng của một ông vua hai lần chỉ huy toàn dân đánh giặc Nguyên giữ nước. Truyền thống tốt đẹp ấy vẫn còn ở Việt Nam cho đến ngày nay, cùng theo chân biết bao vị tu hành cầm súng chống quân xâm lược qua hai cuộc kháng chiến, lại cũng theo chân những nứ thanh niên xung phong - đã hiến trọn tuổi xuân cho mùa xuân đại thắng, lại gửi lại những tháng năm sau cùng của kiếp người nới cửa Phật từ bi.
Chú thích:
(1) Thích ca mầu ni Phật (tị tổ của Phật giáo) ra đời năm 563 TCN, sớm hơn năm thế kỉ rưỡi so với thời điểm Chúa Jesus ra đời và trước gần 11 thế kỉ so với thời điểm ra đời của Giáo chủ Muhammad.
(2) Lời của Thích Tâm Thiện.
(3) Phật giáo khi mới ra đời là một trong những tôn giáo phủ nhận uy quyền của Thánh kinh Vệ Đà, phủ nhận sự phần tầng giai cấp trong xã hội Ấn độ cổ đại nên bị xếp vào Tà thuyết.
(4) còn gọi là đại thặng, nghĩa đen là cỗ lớn chở được nhiều người, tức là chỉ lối tu Phật theo đạo lý "tự giác, giác tha" (mình biết rồi thì làm cho người khác biết).
(5) kinh điển của Đạo gia, tác phẩm tương truyền của Lão Tử, viết về Đạo - bản nguyên đầu tiên của thế giới và Đức - cái nuôi dưỡng Đạo.
(6) hiểu là thiên lệch (về một phía)
(7) Lục độ : sáu phép tu gồm :bố thí, trí giới, nhẫn nhục, tịnh tiến, thiền định, bát nhã - là một phương pháp để thi hành Bát chính đạo
(8) chữ của GS Phan Ngọc
Tham khảo
1. Các bài viết về Phật giáo của Thích Tâm Thiện
2. Phật lục - Trần Trọng Kim
3. Đại cương Triết học sử Trung Quốc - Phùng Hữu Lan
4. Nhà văn hiện đại - Vũ Ngọc Phan
5. Một số bài viết về Phật giáo - Ngô Văn Minh
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top