Một cảnh quan bất như ý
Vua không muốn con trai của mình trông thấy những thứ phiền lòng khi đi du ngoạn. Bởi vì những thứ ấy có thể khiến cho thái tử khởi lên ý nghĩ sẽ từ bỏ vương quốc đi theo đời sống ẩn sĩ. Cho nên trước ngày thái tử đi thăm kinh thành, vua đã chỉ thị cho các quan quân đi thông báo cho dân chúng biết rằng: "Ngày mai thái tử Tất-đạt-đa sẽ đi thăm kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu). Mọi người hãy trang hoàng nhà cửa và đường sá cho sạch đẹp. Những người già yếu bệnh tật phải ở trong nhà suốt ngày mai. Mọi thứ trong thành phải tươi tốt sạch đẹp!". Sau đó, quân lính đã đưa tất cả những người ăn xin trên đường đến nơi mà thái tử không đi ngang qua.
Sáng hôm sau, Xa-nặc (Channa) người chăn ngựa đã chuẩn bị con ngựa Kiền Trắc (Kanthaka) yêu quý của thái tử và đưa thái tử ra khỏi hoàng cung. Trong suốt thời thơ ấu, đây là lần đầu tiên thái tử được ngắm nhìn quang cảnh thành Ca-tỳ-la-vệ. Và đây cũng là lần đầu người dân của kinh thành được nhìn thấy thái tử của họ. Mọi người rất sung sướng đứng xếp thành hàng trên những con đường mới trang hoàng để được ngắm nhìn chàng trai trẻ đẹp đi ngang qua. Họ nói với nhau: "Trông thái tử tướng hảo quang minh và dễ thương làm sao!". Người thì nói: "Cặp mắt của thái tử đẹp thật. Chúng ta rất diễm phúc được thái tử sẽ là vua của chúng ta trong tương lai!".
Thái tử cũng rất sung sướng khi nhìn thấy mọi thứ. Những con đường trang hoàng lộng lẫy và sạch đẹp. Nơi nào cũng thấy người ta vui cười, hoan hô và ca múa. Trên đường nơi thái tử đi qua dân chúng vui mừng rải hoa đầy lên người thái tử yêu quý của họ. Thái tử sung sướng nhớ lại: "Bài ca thật là đúng. Đây quả là một kinh thành phồn vinh, xinh đẹp và tốt lành!".
Thế nhưng khi thái tử và người chăn ngựa đang đi qua đám đông, họ bỗng phát hiện một người già khom lưng vẻ mặt buồn rầu trong đám người vui vẻ. Lạ kỳ - bởi vì thái tử chưa thấy những người già như vậy - nên thái tử quay qua hỏi: "Xa-nặc, người đó là ai vậy? Tại sao ông ta lại cúi gập người và không ca múa như mọi người? Tại sao gương mặt của ông không tươi sáng như những người khác, mà lại tái nhợt và nhăn nheo? Tại sao ông ta khác người như vậy?".
Xa-nặc chỉ người đàn ông đang lẩn khuất ở trong đám đông và trả lời với thái tử rằng: "Thưa thái tử, đó chỉ là một ông già".
"Ông già!", thái tử hỏi lại: "Người này luôn luôn "già" như vậy từ trước đến nay hay nó chỉ mới xảy ra gần đây?".
Xa-nặc trả lời: "Không, thưa thái tử. Nhiều năm trước ông già này cũng là một thanh niên khoẻ mạnh như những người khác mà ngài đã nhìn thấy tại đây hôm nay. Nhưng dần dần sức khoẻ của ông ta giảm sút, thân thể khom dần, màu sắc của gương mặt héo tàn, răng rụng. Và bây giờ thân thể ông ta tàn tạ như thế!".
Vừa ngạc nhiên, vừa buồn bã thái tử hỏi lại: "Người đàn ông đáng thương ấy chỉ có một mình ông ta đau khổ vì tuổi già sức yếu? Hay những người khác cũng phải bị như vậy?".
"Thưa thái tử, tất cả mọi người đều phải trải qua tuổi già. Thái tử, hạ thần, vợ và con thái tử cùng mọi người trong cung điện, chúng ta đang trở nên già từng giây từng phút. Một ngày nào đó chúng ta sẽ giống ông già này".
Những lời này làm cho thái tử buồn rầu trầm ngâm giây lâu. Thái tử giống như người bị khủng hoảng bởi một tiếng sét đột ngột. Một hồi lâu thái tử lấy lại bình tĩnh và nói: "Này Xa-nặc, những gì ta thấy hôm nay ta không muốn thấy nữa. Giữa những người trẻ tuổi vui sướng này, cảnh tượng của người già đã làm ta chán ngán. Hãy quay trở lại cung điện. Tất cả những thú vui của cuộc đi dạo này đã trôi qua. Hãy trở về ngay, ta không muốn thấy nữa!".
Xa-nặc vâng lệnh. Khi họ về tới nhà, thái tử đi một mạch vào cung điện không nói với ai lời nào, vội vã lên lầu vào phòng riêng ngồi lặng yên một mình. Mọi người nhận ra sự kỳ lạ này và đã cố gắng làm cho thái tử vui vẻ, nhưng không có kết quả. Tới giờ ăn thái tử không thiết ăn một món gì, dù cho người đầu bếp đã sửa soạn một bữa ăn thật ngon. Thái tử không quan tâm đến âm nhạc hay khiêu vũ, chỉ ngồi trầm ngâm một mình: "Tuổi già, tuổi già, tuổi già...".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top