Chương 7: Tri kỷ (1)

"Gia Chú, mưa rồi." Tiếng chuông điểm giờ vang lên trên quảng trường cũ. Cô bé đưa tay lên, lòng bàn tay hướng về phía trời đêm.

Lòng bàn tay còn chưa chạm tới xúc cảm lạnh lẽo thì bên tai đã vang lên tiếng tách, tách...

Cẩn thận lắng nghe thì đó không phải là tiếng mưa rơi trên sàn đá hoa cương, mà là âm thanh đặc biệt của chiếc đồng hồ báo giờ kiểu cũ. Vừa quen thuộc lại vừa xa lạ.

Lâm Phức Trăn mở mắt ra. Thứ đập vào mắt đầu tiên là bàn tay đang giơ lên giữa không trung kia. Cô chăm chú nhìn vào bàn tay đó, từ từ thuận theo chiều kim đồng hồ, xoay nửa vòng, lòng bàn tay hướng vào mặt.

Đó là đôi tay của một người hai mươi tuổi.

Bảy tiếng trước, Lâm Phức Trăn đã thổi tắt ngọn nến tượng trưng cho sinh nhật lần thứ hai mươi của cô.

Trong ngôi nhà cũ bên bờ Nam sông Seine, cô mơ thấy đêm sinh nhật năm mình mười tuổi. Cảnh tượng trong mơ tựa như những thước phim. Theo những hình ảnh xoay chuyển, cô quay trở về cái đêm mười năm trước. Đó là đêm dài nhất trong hai mươi năm nay của Lâm Phức Trăn.

Đêm dài kết thúc trong những hạt mưa bất chợt rơi xuống. Ánh đèn lộng lẫy tựa như chiếc kính vạn hoa của đêm Paris dần tan biến.

Cô bị âm thanh của chính mình trong giấc mơ đánh thức.

"Gia Chú, mình mơ thấy cậu rồi." Lặp lại tiếng nỉ non trong giấc mộng, cô lần nữa nhắm mắt lại.

Thời gian mười năm tựa như một cái chớp mắt.

Quá khứ như dòng chảy tăm tối chạm vào đôi mắt.

Mười một tuổi, vào một ngày trời đông, người phụ nữ có đôi mắt màu nâu hỏi cô muốn sống cùng bố hay mẹ. Giữa đôi vợ chồng đã từng được mệnh danh là trai tài gái sắc, bộ đôi trụ cột của Bộ Ngoại giao, mọi chuyện cứ lặng lẽ tan rã, cuối cùng chỉ còn lại đứa trẻ đó. Sau khi vấn đề của đứa trẻ được giải quyết, hai bên sẽ đường ai nấy đi.

Cái trò mỗi người một ngả này trong mắt trẻ con có một cách gọi thống nhất: ly hôn.

Đó là một buổi chiều mùa đông. Diện tích phòng xử án không lớn, trông giống một lớp học hơn. Hàng chục người có mặt ở đó giống như những người lớn trong nhà đến tham gia buổi họp phụ huynh.

Trong lòng Lâm Phức Trăn biết rõ đây không phải là một buổi họp phụ huynh. Thời điểm cho sự lựa chọn khó khăn mà Gia Chú nói đã đến.

Không, không, thực sự không khó chút nào. Thậm chí, trong lòng cô còn rất vui mừng vì đã xuất hiện cơ hội như vậy. Cô phải thay mẹ mình dạy dỗ người đã phản bội kia một chút.

Đối mặt với những người đang thăm dò ý kiến của mình, cô ngậm chặt miệng. Một người phụ nữ có mái tóc ngắn uốn xoăn nói với vẻ ngậm ngùi: "Chắc con bé đã quá buồn đến nỗi không nói được lời nào".

Gia Chú, nhìn mà xem, những người lớn vẫn tự cho mình là đúng như thế.

Cuối cùng, họ nói với cô rằng, nếu cháu muốn sống cùng bố thì hãy nắm lấy tay bố, nếu muốn sống cũng mẹ thì hãy đến nắm lấy tay mẹ.

Bọn họ chỉ cho cô năm phút để lựa chọn.

Người phụ nữ mắt nâu vẻ mặt hòa ái nhắc nhở bên tai cô, không còn nhiều thời gian nữa đâu con yêu.

Lâm Phức Trăn cất bước, chậm rãi đến trước mặt bố, ngẩng đầu lên.

Mắt bố rưng rưng, gần như không thốt lên được câu nói đó: "A Trăn, bố luôn có thể tìm được con dưới gầm bàn trước."

Cô mấp máy môi, bàn tay chạm vào cô kia cũng đang run rẩy.

Cô dừng lại, dùng hết sức mình đánh mạnh vào bàn tay đó, trút ra hết nỗi bi phẫn suốt một năm này. Rốt cuộc, cô và mẹ cũng không sánh được với người phụ nữ tên Thu Linh Lung kia.

Chuyện cũ mơ hồ đã trở nên vô cùng rõ ràng trong một năm nay: Cô đã từng nghe thấy bố thì thầm người gọi phụ nữ đó: "Thu". Cô đã từng bắt gặp bọn họ mắt đưa mày lại rất lâu. Tất cả những điều này đều xảy ra trong phòng học của cô.

Quá ghê tởm.

Cô cúi đầu, hung hăng phun nước bọt lên đôi giày da của người đàn ông tên Lâm Mặc đó. Tôi khinh thường ông, vĩnh viễn. Từ giờ phút này trở đi, ông không là gì nữa rồi.

Cô xoay người lại, đối diện với người phụ nữ sắc mặt tái nhợt như tờ giấy.

Khi bố thì thầm người gọi phụ nữ đó: "Thu"; khi bố cùng người phụ nữ đó mắt đưa mày lại sau lưng cô, trong lòng cô đã từng không chỉ một lần vui vẻ. Cô thích bố, cũng thích cô giáo Thu. Hai người mà cô yêu mến vui vẻ bên nhau là một chuyện không thể nào tốt hơn được nữa.

Thậm chí, cô còn mang ý trả thù mà thốt ra với mẹ "Tại sao mẹ không phải là cô Thu?"

Nỗi áy náy gặm cắn trái tim bé nhỏ của cô.

Cô chậm rãi đi về phía mẹ, vô cùng thân mật vùi mặt vào lòng bàn tay mẹ: Mẹ ơi, con đã thay mẹ dạy dỗ kẻ phản bội đó rồi. Mẹ à, con cũng đã thay mẹ dạy dỗ lại chính bản thân con rồi.

Về sau ông ấy chỉ là người xa lạ.

Lời nói nghe thì rất êm tai, nhưng lúc ra khỏi tòa án, ánh mắt cô vẫn không tự chủ mà đuổi theo một bóng dáng khác, cho đến tận khi bóng dáng đó biến mất. Lúc quay đầu lại, cô nhìn thấy ánh mắt thấu hiểu của mẹ.

"Không sao, ông ấy vẫn là bố của con. Bất cứ khi nào con nhớ ông ấy thì cứ nói với mẹ." Mẹ nói với cô.

Lời này làm cho cô rất tức giận: "Con sẽ không nhớ ông ta đâu. Ông ta đã không còn là bố con nữa rồi."

Thế nhưng...

Vào một đêm sấm sét, cô lén lút gọi đến một số điện thoại. Một giọng nữ nhẹ nhàng từ đầu dây bên kia truyền đến "Là A Trăn sao?"

Cô cúp điện thoại, đứng giữa trời mưa. Đó là sự trừng phạt của cô đối với bản thân.

Năm mười hai tuổi, vào một đêm mùa hè, Lâm Phức Trăn chứng kiến ​​những giọt nước mắt và sự cuồng loạn của mẹ mình. Người phụ nữ vốn luôn lý trí cưỡng chế kéo cô đến bên cửa sổ, kéo rèm ra rồi chỉ vào người phụ nữ đang đứng dưới gốc cây ngô đồng: "Lâm Phức Trăn, con hay nhìn cho kỹ, nhìn kỹ dáng vẻ của người đàn bà đó đi."

Lâm Phức Trăn không hiểu rõ sự tức giận của mẹ. Nhưng cô đã nghe lỏm được những gì chồng cũ của mẹ nói với mẹ: "Anh đã từ chức ở Bộ Ngoại giao rồi. Bọn anh chuyển đến sống ở một thành phố cách Paris bốn trăm tám mươi cây số. Cho dù em không nói thì anh cũng sẽ tận lực tìm cách tránh chạm mặt nhau. Cô ấy rất thích công việc hiện tại của mình."

Lời này khiến mẹ trực tiếp gọi điện thoại đến đồn cảnh sát. Sau khi báo tên và thân phận của mình: "Một người không được chào đón đã đến nhà tôi. Người này có khả năng gây ra uy hiếp đối với cá nhân tôi và người nhà tôi."

Người đàn ông đó vừa rời đi, mẹ liền nhìn cô, lúc đó đang trốn trong góc, với khuôn mặt đầy nước mắt. Dưới ánh mắt đó, cô giấu tay ra sau lưng, những bông hoa bằng giấy trên tay bị vò nát thành một cục. Đó là món quà sinh nhật mà cô định tặng cho một người.

Mẹ cô như phát điên lôi cục giấy từ trong lòng bàn tay cô ra. Cục giấy bị ném xuống sàn nhà, bị chân mẹ hung hăng giẫm lên.

Mẹ đã đem những thứ có thể đập được đều đập hết cả rồi.

Sau đó, mẹ kéo cô đến trước cửa sổ, chỉ vào người phụ nữ đang đứng dưới tán cây ngô đồng trong tiểu khu: "Lâm Phức Trăn, con hay nhìn cho kỹ, nhìn kỹ dáng vẻ của người đàn bà đó đi."

Không cần phải nhìn kỹ, cô bé đã quá quen thuộc với người phụ nữ đó rồi. Chỉ có điều, tại sao người phụ nữ đó vẫn còn có mặt mũi mà đến cửa nhà cô.

Lúc này mẹ đang rất đau lòng, cô phải nghe lời mẹ.

Vì vậy, Lâm Phức Trăn mở to mắt nhìn người phụ nữ đó, vừa mong manh vừa nhỏ bé. Chiếc váy liền màu trắng khiến cô ấy trông như bông hoa chỉ cần gió vừa thổi qua đã héo tàn.

Người đàn ông dáng cao gầy bước ra từ cửa nhà cô, đi về phía người phụ nữ mặc váy trắng. Người đàn ông vuốt tóc người phụ nữ, người phụ nữ tựa đầu lên vai người đàn ông. Hai người rời khỏi chỗ đó, hướng về nơi ánh sáng mà đi. Đó là con đường rời khỏi nhà cô.

"Lâm Phức Trăn, con đã nhìn rõ chưa?" Mẹ hỏi cô.

Cô gật đầu.

"Lâm Phức Trăn, sau này nếu con yêu một người, yêu vô cùng, thì con nhất định không được giống như mẹ. Con phải giống như cô ta. Đàn ông đều thích phụ nữ như vậy." Giọng mẹ bình tĩnh.

Bóng dáng một nam một nữ kia biến thành hai chấm nhỏ. Cô ngẩn ngơ nhìn hai chấm nhỏ đó, lắc đầu, nói: "Không, mẹ à, con sẽ không như vậy!"

"Lâm Phức Trăn, sau này nếu con yêu một người, yêu vô cùng, thì con nhất định không được giống như mẹ. Con phải giống như cô ta. Đàn ông đều thích phụ nữ như vậy." Đây là những lời mà Lâm Phức Trăn năm mười hai tuổi chán ghét nhất.

Mười ba tuổi, Lâm Phức Trăn đã hiểu ra những giọt nước mắt và sự cuồng loạn của mẹ mình vào mùa hè năm cô mười hai tuổi ấy.

Nói ra thì thật buồn cười, Thu Linh Lung vô duyên vô cớ bị sa thải. Bởi vì đó là công việc mà cô ta yêu thích, cô ta năm lần bảy lượt yêu cầu đơn vị công tác đưa ra lời giải thích, nhưng không có kết quả.

Thái độ mập mờ của những người đó khiến cô ta bắt đầu hoài nghi vợ cũ của người chồng hiện tại đã âm thầm đứng sau thao túng. Giai đoạn đó công việc của Lâm Mặc cũng trắc trở đủ bề. Những thất bại trong cuộc sống khiến tâm tính người đàn ông đó trở nên gay gắt: Chúng tôi đã trốn đến tận nơi thâm sơn cùng cốc rồi cơ mà.

Thế là, ông ta mang theo người vợ thứ hai đến Paris. Từ nay về sau, chúng ta không ai nợ ai. Tâm đầu ý hợp, thề non hẹn biển giống như những bông tuyết phiêu tán đầy trời, chỉ đẹp đẽ trong phút chốc mà thôi.

Năm Lâm Phức Trăn lên mười bốn tuổi, Lâm Mặc trở về nước, về lại Bắc Kinh nơi ông ta sinh ra. Trước khi về nước, Lâm Mặc nhờ dì Daisy đưa cho cô một tấm danh thiếp. Cô chưa thèm nhìn đã đem nó vứt vào thùng rác.

Thế nhưng, tại sân bay Charles de Gaulle, cô lúc đó đội một bộ tóc giả mái dày, nhìn thấy hình ảnh một nhà ba người ấm áp. Người đàn ông cao gầy đang đẩy xe đẩy hành lý. Trên xe đẩy chất đầy túi lớn túi nhỏ, còn có một bé gái trạc tuổi cô đang ngồi trên đó. Cô bé đó trông còn nhỏ hơn cả một chiếc vali.

Ánh mắt từ trên người bé gái kia rời đi. Sau đó, Lâm Phức Trăn nhìn thấy người phụ nữ với cái bụng hơi nhô lên đang đặt một tay lên xe đẩy. Đến đó, cô không còn dũng khí để nhìn ba người đó nữa.

Một nhà ba người kia, không, phải là một nhà bốn người rồi. Vào lúc một nhà bốn người kia bước vào một lối đi khác, Lâm Phức Trăn quay đầu, giật bộ tóc giả xuống, vứt vào thùng rác. Sau này, cô sẽ không bao giờ, không bao giờ làm những chuyện rỗi hơi như vậy nữa.

Khi Lâm Phức Trăn được mười lăm tuổi, "Vianne của chúng ta" đã ra đến tập thứ mười liên tiếp, đó cũng là tập cuối cùng.

Dùng lời của tác giả mà nói thì là: "Vianne đã lớn rồi, chúng ta nên đem cuộc sống yên bình trả lại cho cô bé."

Nhưng thật sự là như vậy sao? Người thông minh luôn hiểu được rằng những thứ tốt đẹp thì nên dừng lại đúng lúc.

Cô bé Vianne đeo kính, dáng vẻ quê mùa đã trở thành người bạn tuổi thơ không thể thiếu của cả một thế hệ trẻ em Pháp.

Vì để phối hợp với cách nói "Vianne đã lớn rồi, chúng ta nên đem cuộc sống yên bình trả lại cho cô bé", Lâm Phức Trăn đã bẻ gãy mắt kính tại chương trình phỏng vấn trên truyền hình, nói ra những lời khiến người ta lệ nóng dâng trào. Đương nhiên, những lời đó cô đã thuộc nằm lòng rồi.

Cuối cùng, cô nhấn mạnh rằng sau này sẽ tiếp bước quý bà Dora, cống hiến hết mình cho sự nghiệp công ích.

Chương trình truyền hình ngày hôm ấy đã đột phá tỷ lệ rating cao nhất trong các tiết mục trò chuyện những năm gần đây.

Đương nhiên, việc chứng minh Vianne đã trưởng thành không chỉ đơn giản là bẻ gãy mắt kính, phát biểu một đoạn tuyên ngôn.

"Nếu là như vậy, tôi sẽ coi thường cô ấy." Bọn trẻ nói.

Hãy nghe xem Vianne năm mười lăm tuổi này đã làm được những gì.

"Cô ấy đã giành được chức vô địch giải đua thuyền buồm liên bang dành cho thanh thiếu niên." "Để gây quỹ cho Nhà của Dora, cô ấy chọn điểm bắt đầu ở Monaco và kết thúc ở Tây Ban Nha để hoàn thành 72 giờ chèo thuyền liên tục qua eo biển Gibraltar trong kỳ nghỉ hè." Bọn trẻ nắm rõ như lòng bàn tay.

Mặc dù "Vianne của chúng ta" đã ngừng đăng, nhưng "Vianne" không đeo kính vẫn luôn luôn là đối tượng được giới truyền thông chú ý.

Dưới sự chăm chỉ không biết mệt mỏi của giới truyền thông, "Vianne đến thăm các em nhỏ trong viện phúc lợi vào lễ Giáng sinh"; "Vianne trở thành khách mời đặc biệt của Liên Hợp Quốc, đại biểu cho nhóm "triển vọng tương lai" phát biểu diễn văn."; "Trong buổi đấu giá từ thiện hàng năm, cặp kính gãy của Vianne được bán ra với giá trên trời, năm trăm nghìn euro." Những tin tức như vậy cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện trên mặt báo.

Mười sáu tuổi, báo chí điện tử, truyền hình, thậm chí cả những tờ báo nhỏ trên phố đều không hẹn mà cùng dùng cụm từ "duyên dáng yêu kiều" để hình dung Vianne của bọn họ.

"Vianne đã cao hơn rồi."; "Vianne đã trở nên thật xinh đẹp"; "Vianne xuất hiện tại buổi vũ hội xã giao"; "Vianne bắt đầu hẹn hò với các chàng trai." Tất cả những điều này trở thành chủ đề được học sinh trung học quan tâm.

Mười bảy tuổi, cái tên "Vianne" thường xuyên được gắn với "Petite France".

Vianne và Petite France cùng nhau đi biển, Vianne cùng Petite France xuất hiện trong siêu thị đồng giá, Vianne cùng Petite France đi trượt tuyết ở Thụy Sĩ. Sau đó, mọi người đi đến kết luận rằng "Có lẽ họ đang yêu nhau".

Cánh phóng viên rất vui lòng truyền đạt thắc mắc của mọi người. Thật không dễ dàng gì mới bắt gặp cả hai cùng xuất hiện trên khán đài sân bóng, họ không để ý đến hoàn cảnh ầm ĩ xung quanh, lớn tiếng đặt câu hỏi.

Câu hỏi được phóng viên đưa ra khiến Vianne cười đến nghiêng ngả trong lòng Petite France. Petite France nói với họ rằng chỉ cần không cản trở cậu xem bóng thì bọn họ thích viết thế nào cũng được.

Phóng viên thất vọng rời khỏi sân bóng, hai người bọn họ vừa nhìn đã biết là chẳng có gì cả. Điều này cũng khiến cho những người luôn mang trong mình ý nghĩ "Vianne ở bên Petite France thì đến lúc đó tổn thương chắc chắn là Vianne" thở phào nhẹ nhõm.

Phải biết rằng, những cô gái thích Petite France nhiều như sao trên trời. Tuy Petite France không thay bạn gái như thay áo giống đám bạn ăn chơi của mình, nhưng những tin tức về cậu cùng những cô gái thi thoảng lại xuất hiện trên mặt báo. Lần trước là cô gái tóc dài, lần này là cô nàng tóc ngắn. Cho dù là mỹ nữ tóc dài hay tóc ngắn cũng đều xinh đẹp thời thượng.

Phải, phải, Vianne của bọn họ cũng trẻ trung xinh đẹp. Nhưng kiểu tóc và cách ăn mặc của cô khiến cô càng giống với hình tượng học sinh ưu tú chưa từng yêu đương lần nào hơn. Học sinh ưu tú luôn khiến người ta liên hệ tới những khuôn mẫu tẻ ngắt. Người như vậy làm sao nắm giữ được trái tim của một chàng trai như Petite France?

Thế nhưng, hiện tại bọn họ không cần lo lắng nữa rồi. Giữa Vianne với Petite France chẳng có gì cả. Họ chỉ là hai đứa trẻ ưu tú như nhau cùng nhau lớn lên mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top