Chương 5: Hai con nhím (5)

"Gia Chú, xin lỗi, mình quên mất là bố mẹ cậu không còn nữa." Lâm Phức Trăn che miệng, nhìn Liên Gia Chú.

Bây giờ trong lòng cô bé mong rằng có thể cùng ai đó cãi nhau to một trận. Nếu như bản thân là một đứa trẻ không cha không mẹ, mà lại có người cố ý đem cha mẹ của cô bé ra nói, cô nhất định sẽ cùng người đó cãi nhau một trận.

Nhưng chuyện không hề như cô bé muốn. Thậm chí cô còn thấy khóe miệng Liên Gia Chú thấp thoáng ý cười. Lâm Phức Trăn chột dạ như kiểu lòng dạ hẹp hòi bị nhìn thấu. Cô bé mím môi, thật chẳng vui chút nào, lại lần nữa quay về tìm kiếm chân dung bà ngoại.

Liên Gia Chú cũng không vì bị cô bé lờ đi mà rời khỏi, trái lại còn cùng cô sóng vai đứng trước bức tường tranh.

"Cậu rất ghét người khác gọi cậu là Tiểu Họa Mi đúng không?" Cậu bé hỏi cô.

Còn phải nói sao. Dì Daisy đã nói rồi, những người gọi cô bé là Tiểu Họa Mi kia đều không có ý tốt. Họ rủa cô sau này lớn lên sẽ trở thành công cụ trao đổi quyền lực.

"Tiểu Pháp" thì khác. Nước Pháp cùng với Tiểu Pháp vừa nghe đã thấy rất thân mật rồi. Người Pháp coi cậu bé lớn lên ở Strasbourg như người mình.

"Tôi cũng không thích người khác gọi mình là Tiểu Pháp." Liên Gia Chú lại nói.

Thôi đi. Cô bé dịch sang bên trái một bước, không muốn ở gần đứa trẻ thích giả vờ như vậy chút nào. Cô lại chẳng phải Vianne ngốc nghếch trong sách kia.

"Nếu như tôi nói với cậu, Tiểu Pháp cũng chẳng khác gì Tiểu Họa Mi, nghe thì có vẻ rất hay nhưng thực ra nó là một từ ngữ mang ý xúc phạm thì sao?"

Làm sao mà Tiểu Pháp lại có thể mang ý xúc phạm được? Người Pháp vốn có tiếng là vừa tự luyến vừa kiêu ngạo. Lòng tự ái tự phụ kiểu này có thể thấy ở khắp mọi nẻo đường ngõ hẻm. Họ cho rằng tiếng Pháp là thứ ngôn ngữ đẹp nhất trên thế giới. Nếu có du khách nước ngoài hỏi đường bằng tiếng Pháp, người dân bản địa sẽ mời họ lên xe rồi đưa đến tận nơi cần đến. Nhưng nếu du khách nước ngoài không dùng tiếng Pháp khi hỏi đường, kể cả họ có biết thì cũng sẽ phớt lờ.

Hơn thế nữa, những người bán hàng rong trên phố sẽ bán hàng lỗ vốn cho những khách du lịch yêu tiếng Pháp. Trong khi chủ các cửa hàng trang sức thì đối xử lạnh nhạt với những khách hàng không nói tiếng Pháp, kể cả khi họ trả giá hào phóng đến đâu.

Những điều này đều là tổng kết của hầu hết các du khách nước ngoài về người Pháp. Đó cũng là lý do khiến Lâm Phức Trăn sinh ra bài xích với tiếng Pháp.

"Lâm Phức Trăn, con là cô bé Bắc Kinh." Mẹ lúc nào cũng nói với cô bé như vậy.

Bố cũng nói những lời tương tự như mẹ, nhưng chi tiết hơn nhiều.

A Trăn sinh ra trong một tứ hợp viện (*) ở Bắc Kinh. Khi A Trăn chào đời, tuyết bay đầy trên bầu trời Bắc Kinh, đó là trận tuyết cuối cùng ở Bắc Kinh. Tiếng khóc đầu tiên khi A Trăn đến với thế giới này đã dọa đến những bông tuyết đang phủ trên tứ hợp viện, khiến chúng thi nhau rớt xuống từ mái hiên.

Ngay khi những bông tuyết vừa đáp xuống trên giếng trời thì mặt trời ló dạng. Ánh nắng xuyên qua lớp giấy cửa sổ, rơi lên khuôn mặt của A Trăn. A Trăn cười rồi. Nhìn mà xem, trên má vẫn còn vương nước mắt này.

(*) "Tứ hợp viện" là một hình thức kiến trúc tổ hợp của nhà dân vùng Hoa Bắc Trung Quốc. Tứ hợp viện được xây bao quanh một sân vườn theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Thông thường gồm có nhà chính tọa Bắc hướng Nam, nhà ngang hai hướng Đông - Tây và nhà đối diện với nhà chính. Bốn nhà đều bao quanh sân vườn ở giữa, cho nên được gọi là Tứ hợp viện.

Mơ hồ, Lâm Phức Trăn dường như thấy được tứ hợp viện phủ đầy bông tuyết trong lời kể của bố. Cái mũi bắt đầu chua xót. Cô bé hít hít mũi, giọng điệu hết sức phản đối: "Liên Gia Chú, đừng quá tham lam. Người Pháp đã đem di sản văn hóa mà họ lấy làm kiêu ngạo gán lên người cậu rồi."

Còn không phải sao. Năm 1988, Strasbourg đã được đưa vào danh sách di sản thế giới. Bọn họ gọi thành phố đó là bức họa rực rỡ sắc màu của tự nhiên.

"Vào thời Trung Cổ, Strasbourg tập trung một số lượng lớn gái mại dâm. Gái mại dâm dẫn đến bệnh phong lưu (*), căn bệnh này còn được gọi là bệnh Pháp. Trong Thế chiến thứ hai, người Đức đã chiếm đóng Strasbourg. Để hạ bệ người Pháp, họ gọi Strasbourg là Petite France."

(*) bệnh phong lưu: ý chỉ những căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục

Lần đầu tiên Lâm Phức Trăn nghe được cách giải thích này.

"Khi những người đó gọi tôi là Tiểu Pháp, bọn họ đứng trên góc độ của người Đức, cười nhạo một thành phố gắn liền với bệnh phong lưu. Vì thế nên Tiểu Pháp với Tiểu Họa Mi chẳng có gì khác nhau cả. Thậm chí xét kỹ mà nói thì Tiểu Pháp còn mang nhiều ác ý hơn so với Tiểu Họa Mi."

Ai có thể tin được những lời này lại được nói ra bởi một đứa trẻ mười tuổi chứ?

Lâm Phức Trăn cảm thấy những gì bản thân biết đã đủ nhiều rồi. Nhưng Liên Gia Chú còn biết nhiều hơn cô bé.

Cậu bé từng phủi tóc cho cô bé có mái tóc xoăn vàng đến từ London dưới bầu trời đầy tuyết nhìn thế nào cũng giống như hoàng tử bé sống trong lâu đài thủy tinh, chẳng biết phiền não là gì.

Lâm Phức Trăn quay mặt sang, đối diện với ánh mắt của Liên Gia Chú.

Cậu bé với đôi mắt và mái tóc đen tuyền vẫn như mọi khi, dường như chỉ một giây sau sẽ dùng tư thế duyên dáng nhất giúp bạn chỉnh lại mái tóc bị gió đêm thổi loạn.

Bên tai vang lên lời dì Daisy vẫn hay nói "A Trăn, đừng gây sự với Liên Gia Chú."

Trước đây, cô bé nghĩ rằng dì Daisy nói lời này bởi vì Liên Gia Chú có một người ông nội tên Liên Chiêu Thành. Vào lúc này, Lâm Phức Trăn mơ hồ cảm thấy suy nghĩ trước đây của mình có lẽ sai rồi.

"Những người tùy tiện gán ghép biệt danh cho người khác kia có phải rất đáng ghét hay không?" Liên Gia Chú cười nhẹ, mặt xáp lại gần cô bé. "Nhưng mình càng ghét mấy người lớn tự cho mình là đúng hơn. Bọn họ cho rằng chỉ cần dùng chút sức như nhổ một sợi tóc là có thể lừa lũ trẻ đến xoay mòng."

Đằng sau Liên Gia Chú là ánh đèn rực rỡ trên đại lộ Champs Elysées. Trong ánh đèn ấy, Lâm Phức Trăn nghĩ rằng nụ cười của Liên Gia Chú đẹp vô cùng. Vừa đẹp lại vừa thuần khiết: Hãy đến lấy đi, niềm vui đang ở ngay đây này.

Niềm vui đang ở ngay trên khóe miệng khẽ cong đó. Như bị mê hoặc, đầu ngón tay cô bé chậm rãi đưa về phía trước...

"Lâm Phức Trăn."

Đầu ngón tay như tức khắc bị đông cứng, nhanh chóng hạ xuống, trở lại trong túi áo khoác.

"Lâm Phức Trăn, chúng ta tìm chút chuyện vui vẻ để làm đi."

Cô bé nhìn cậu với ánh mắt đầy dấu chấm hỏi.

"Chúng ta hãy dạy dỗ những người lớn luôn tự cho mình là đúng đó một chút. Bọn họ có thể lừa những đứa trẻ đến xoay mòng thì lũ trẻ cũng có thể lừa bọn họ như vậy." Liên Gia Chú đưa tay về phía cô bé.

Do dự một lúc, cô bé nhẹ nhàng rút tay ra khỏi túi áo khoác. Đầu ngón tay vừa chạm vào lòng bàn tay kia đã bị giữ chặt. Người nắm tay cô vừa kéo một cái, cả người cô liền nghiêng về phía trước, thuận theo lực kéo đó mà nghênh đón gió đêm, hòa vào biển người mênh mông ở Paris đêm nay.

*******

Từ vị trí của Lâm Phức Trăn có thể nhìn thấy bàn cà phê lộ thiên ở quảng trường. Chàng trai trẻ mặc áo khoác sẫm màu đang tiến đến xin số điện thoại của cô gái gợi cảm bàn bên lần nữa dưới sự khích lệ của bạn bè, nhưng vẫn không thành công. Chỉ trong vòng mười phút, đây đã là lần thứ ba anh ta bị từ chối rồi.

Bình thường Lâm Phức Trăn đối với những chuyện như vậy chẳng hề hứng thú. Nhưng lúc này cô bé không thể không hướng ánh mắt về phía ngoài cửa sổ, nhờ đó mà di dời lực chú ý. Đồ ăn trên bàn càng lúc càng vơi đi, lòng cô bé cũng theo đó mà càng trở nên thấp thỏm.

Nửa tiếng trước, cô bé và Liên Gia Chú cùng nhau bước vào tiệm đồ ngọt này. Đây là một tiệm đồ ngọt ở trung tâm thành phố Paris dám dán lên một chiếc bánh macaron mác giá 3,5 euro. Bởi vì chủ của nó cứ ba hôm lại hai lần xuất hiện trong chương trình ẩm thực trên tivi.

Đĩa và cốc của Lâm Phức Trăn đều đã sạch bách. Đĩa của Liên Gia Chú cũng cũng chỉ còn lại nửa chiếc macaron.

Bây giờ, trong túi họ đã hết sạch tiền. Liên Gia Chú đã đem ví của mình cất vào tủ khóa giữ đồ trong siêu thị.

Liên Gia Chú từ tốn nhã nhặn dùng dao dĩa cắt nửa chiếc macaron ra làm đôi. Khách trong tiệm không nhiều, nhân viên phục vụ rất dư giả thời gian. Hai đứa trẻ xuất hiện trong cửa hàng tráng miệng lúc nửa đêm trông thế nào cũng rất đáng ngờ. Thế nhưng, hai đứa trẻ đó từ đầu đến chân toàn là hàng hiệu.

"Lâm Phức Trăn, nếu không muốn bị lổ tẩy thì hãy thu ánh mắt của cậu lại đi."

Cô bé cụp mắt xuống, khi mi mắt lần nữa nhấc lên liền chạm vào ánh mắt của Liên Gia Chú.

"Đừng lo lắng," Liên Gia Chú hướng mặt lại gần phía cô bé một chút, "cho dù một lát nữa có bị lộ thì người ở lại rửa đĩa cũng sẽ không phải cậu."

Cuối cùng, đĩa của Liên Gia Chú đã sạch trơn. Người phục vụ cầm hóa đơn đến trước mặt họ. Hai tay Lâm Phức Trăn trượt xuống khỏi mặt bàn.

"Rất xin lỗi, lúc cháu ra ngoài quên không mang theo ví tiền rồi." Lời nói của Liên Gia Chú trực tiếp khiến quản lý cửa hàng đi tới. Đó là một người đàn ông trung niên với đôi mắt cá vàng (*).

(*) mắt cá vàng: ý chỉ đôi mắt hơi lồi ra một cách bất thường.

Quản lý tiệm đồ ngọt đánh giá hai đứa trẻ một phen, sau đó dò hỏi chúng có cần giúp đỡ hay không.

Liên Gia Chú lắc đầu: "Thưa ngài, ngài không cần phải nhắc nhở cháu điện thoại ở chỗ nào. Bây giờ cháu với bạn cháu đang bày trò để sa thải quản gia của cháu. Nhưng không khéo là trong lúc chơi trò chơi chúng cháu đói bụng. Chúng cháu lại không có thói quen mang theo ví tiền khi ra ngoài."

Người quản lý đứng thẳng người, lần nữa dùng đôi mắt cá vàng của mình đánh giá chúng.

Lâm Phức Trăn sờ sờ chiếc cúc áo khoác. Chiếc áo khoác mà cô bé đang mặc trên người là mẫu giới hạn được Chanel ra mắt trong năm nay, tâm điểm là hoa văn trên cúc áo.

Trong khi người quản lý đang đánh giá áo khoác của cô bé, Liên Gia Chú đã tháo đồng hồ ra. Đồng hồ được đặt nghiêng trên tờ hóa đơn, logo đại bàng kinh điển của Armani ở mặt sau lộ ra.

"Bọn cháu đã tiêu hết một trăm ba mươi lăm euro ở tiệm của các ngài. Cái này khẳng định giá trị hơn rất nhiều so với một trăm ba mươi lăm euro. Trước đó cháu đã đồng ý với những người lang thang ở ga tàu điện ngầm rằng sẽ mang hambuger đến cho họ. Thế này đi, nếu ngài đưa cho cháu thêm sáu mươi lăm euro." Liên Gia Chú chỉ vào chiếc đồng hồ đó "Nó sẽ thuộc về ngài."

Người quản lý vẫn bất động. Liên Gia Chú hơi nhướng mày, có vẻ khó hiểu trước phản ứng của ông ta. Ánh mắt chuyển sang phía đối diện, như muốn tìm câu trả lời từ người bạn đồng hành.

Lâm Phức Trăn thầm thở ra một hơi, nói: "Có lẽ ông ấy thích chiếc khăn quàng cổ của cậu hơn."

Khăn quàng cổ của Liên Gia Chú là mẫu mới nhất của Burberry, trước mắt mới chỉ được bán ở London.

"Thưa ngài, ngài thích chiếc khăn quàng cổ của cháu hơn chăng?" Liên Gia Chú bắt đầu tháo chiếc khăn ra, đưa đến trước mặt người quản lý "Họa tiết caro trông rất tuyệt đúng không?"

Do dự một lúc, người quản lý nhận lấy chiếc khăn. Ông ta một mặt kiểm tra nhãn hiệu của chiếc khăn, mặt khác, ánh mặt lại rơi trên cổ tay Liên Gia Chú. Liên Gia Chú đang đeo chiếc vòng da phiên bản kinh điển ra mắt năm ngoái của LV.

"Đừng nghĩ tới chiếc vòng tay, cháu rất thích thiết kế của nó." Liên Gia Chú lạnh lùng nói rồi nhanh chóng nhìn lướt qua một lượt, "Xem ra ngài không có hứng thú với khăn quàng và đồng đồ của cháu. Mặc dù cháu rất ghét lãng phí thời gian chờ đợi ai đó, nhưng có vẻ như cháu chỉ có thể chấp nhận lời đề nghị của ngài thôi. Hãy cho cháu biết điện thoại ở chỗ nào. Cháu sẽ gọi cho bạn cháu, để cậu ấy mang theo quản gia của cậu ấy đến thanh toán hóa đơn."

Người quản lý vẫn không nhúc nhích. Liên Gia Chú từ chỗ ngồi đứng dậy, ông ta liền ngăn cậu lại.

"Làm gì vậy?" Giọng điệu Liên Gia Chú vô cùng không kiên nhẫn.

Người quản lý giao chiếc khăn lại vào tay Liên Gia Chú. Tim Lâm Phức Trăn đập thình thịch.

"So với khăn quàng thì đồng hồ đáng yêu hơn." Người quản lý tỏ vẻ nghiêm túc, cứ như bản thân chiếc đồng hồ thực sự đáng yêu chứ không phải do giá trị của đồng hồ vượt xa khăn quàng nên mới trở nên đáng yêu vậy.

Dưới sự ra hiệu của quản lý, nhân viên phục vụ đem cả hóa đơn lẫn đồng hồ thu lại. Liên Gia Chú nhắc nhở rằng bản nhái của chiếc đồng hồ này bất cứ lúc nào cũng có thể mua được từ tay những người bán hàng rong trước cửa ga tàu điện ngầm.

"Nếu thật sự là như vậy thì cứ xem như tôi xui xẻo." Vẻ mặt người quản lý vẫn rất ung dung.

Lâm Phức Trăn đoán rằng sự tự tin của người này đến từ việc ông ta đã thông qua nhãn hiệu trên khăn quàng cổ mà xác nhận đó là hàng thật. Thu nhập hàng tháng của một công việc như quản lý cửa tiệm đồ ngọt chắc cũng phải trên dưới mười nghìn euro. Ở Paris, đối những người thuộc tầng lớp lao động có thu nhập trên dưới mười nghìn euro thì việc phân biệt hàng hiệu thật giả đương nhiên không thành vấn đề.

Sau khi xác nhận chiếc khăn là thật, người quản lý tiệm đồ ngọt trong lòng thầm tính toán: chiếc khăn là hàng thật thì đồng hồ đương nhiên cũng là hàng thật. Hơn nữa, còn có một chiếc vòng tay bản kinh điển của LV. Nơi khác thì ông ta không biết, nhưng ở Paris, sẽ không ai ngốc đến mức đi nghi ngờ một chiếc vòng tay chỉ có mười chiếc trên toàn thế giới.

Lúc rời khỏi tiệm đồ ngọt, trong túi của Liên Gia Chú đã có sáu mươi lăm euro mà người quản lý đích thân đưa cho cậu. Người kia còn tốt bụng cho hai đứa trẻ biết địa chỉ của nhà hàng đồ ăn nhanh gần đây nhất.

Mắt nhìn thẳng về phía trước, hai đứa trẻ một đường tiến bước.

Cách tiệm đồ ngọt mười mấy bước chân có một chỗ ngoặt. Liên Gia Chú hô một tiếng "Chạy", Lâm Phức Trăn liền co chân chạy về phía chỗ ngoặt đó, rồi lại hướng về một chỗ ngoặt khác. Chạy qua ba khúc ngoặt, chúng trở thành hai chấm nhỏ trong biển người mênh mông.

Hai đứa trẻ khom người, mặt đối mặt, há miệng thở hổn hển. Hết đám người này đến đám người khác lướt qua xung quanh chúng. Dần dần, hô hấp của chúng trở lại bình thường. Mắt đối mắt, không biết là ai bắt đầu cười trước, cũng không biết là ai cười thành tiếng trước, khi Liên Gia Chú lấy ra sáu mươi lăm euro từ trong túi, tiếng cười của chúng lớn đến mức khiến rất nhiều người quay đầu lại.

Người quản lý tiệm đồ ngọt với đôi mắt cá vàng hôm nay đã định trước là phải trở thành kẻ xui xẻo rồi.

Khăn quàng cổ là hàng thật, vòng tay cũng là hàng thật, nhưng đồng hồ là giả. Lại còn là loại hàng nhái kém chất lượng có thể mua được trước cửa ga tàu điện ngầm, giá mười euro nhưng chỉ cần trả sáu euro là mua được.

Trước khi bước vào tiệm đồ ngọt, Liên Gia Chú đã mượn được sáu người vô gia cư mỗi người một euro và hứa với sáu người đó rằng một euro kia có thể đổi được cho họ một phần hotdog và coke rất lớn. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top