luc_mach_than_kiem

Kim Dung

Lục Mạch Thần Kiếm

Dịch Giả: Hàn Giang Nhạn

Hồi Thứ 1

Giả Người Giả Cảnh Ra Đi

Nhắc lại Đoàn Dự theo Vương Ngọc Yến, A Châu, A Bích từ Mạn Đà Sơn Trang trở lại Thính Hương Tĩnh Xá ở Yến Tử Ổ trong khu vực Cô Tô Mộ Dung thì đã thấy hai phái Thanh Thành và Tần Gia Trại đã đến đó từ trước, tìm Mộ Dung công tử để báo thù, rồi giữa hai phái này lại phát sinh xung đột.

Trong lúc hai phái đang đánh nhau kịch liệt thì đột nhiên Bao Tam tiên sinh , một nhân vật bản lãnh tuyệt luân, trong phe Cô Tô Mộ Dung tự nhiên xuất hiện và chỉ trong khoảnh khắc đã làm cho trại chủ Tần Gia Trại là Diêu Bá Đương cùng chưởng môn phải Thanh Thành là Tư Mã Lâm phải táng đởm kinh hồn.

Tư Mã Lâm thấy Bao Tam tiên sinh mải mê nói chuyện cùng Vương Ngọc Yến không thèm đếm xỉa đến mình , sinh lòng ghét cay ghét đắng , quên luôn cả cái ơn cứu mạng vừa xong , liền vẫy tay ra hiệu cho mọi người phái Thanh Thành đi về.

Bao Tam tiên sinh nói:

- Khoan đã! ta còn có điều muốn nói cho mi hay.

Tư Mã Lâm ngoái cổ lại, hỏi buông thõng :

- Sao?

Bao Tam tiên sinh nói :

- Nghe mi nói đến Cô Tô để báo thù cho phụ thân mi. Mi lầm rồi, phụ thân mi là Tư Mã Vệ không phải Mộ Dung công tử hạ sát nhé!

Tư Mã Lâm hỏi lại :

- Có đúng thế không?

Bao Tam tiên sinh tức mình, nói :

- Ta đã bảo không phải Mộ Dung công tử giết hắn, thì hẳn không phải là chàng đã giết. Giả tỷ chính chàng giết hắn thật, nhưng ta đã nói ra không phải thì mi không thể bảo là đúng chàng được nghe chưa! chẳng lẽ mi không đếm xỉa đến ta ư?

Tư Mã Lâm nghĩ thầm : Thằng cha này ăn nói ngang chướng thật . Y nói tiếp :

- Thù giết cha là mối thù chẳng đội trời chung. Tư Mã Lâm này tuy võ công kém cỏi nhưng dù tan xương nát thịt cũng phải rửa cái hận sâu cay đó. Tiên phụ tôi bị ai gia hại, xin tiên sinh chỉ bảo cho.

Bao Tam tiên sinh cười khanh khách, nói:

- Phụ thân mi có phải là con ta đâu mà ta cần để ý xem ai đã giết hắn. Ta bảo không phải Mộ Dung công tử ra tay giết hắn , mi còn ra vẻ không tin thế thì chính ta đây giết phụ thân mi đó. Muốn báo thù thì xông vào đây!

Tư Mã Lâm mặt giận xám xanh, nói:

- Cái thù giết cha há phải trò đùa? Bao Tam tiên sinh, ta tự biết sức mình không địch nổi ngươi. Vậy ngươi muốn giết ta thì giết, chứ làm nhục ta thế này không được.

Bao Tam tiên sinh cười, nói :

- Ta không muốn giết mi, chỉ làm nhục mi thôi. Vậy mi làm gì được ta?

Tư Mã Lâm tức khí xông lên tận cổ, những muốn nhảy xổ lại liều mạng nhưng lại không dám, đứng đực người ra, chẳng tiến mà cũng chẳng thoái, nơm nớp lo sợ.

Bao Tam tiên sinh lại nói :

- Võ công hèn kém như Tư Mã Vệ cần gì phải đến Mộ Dung công tử phải nhọc lòng. Mộ Dung công tử võ công gấp mười ta. Mi coi đó mà coi, Tư Mã Vệ lại dám động thủ ư?

Tư Mã Lâm chưa kịp trả lời thì Chử Bảo Côn rút phăng khí giới ra, nói:

- Bao Tam tiên sinh! Tư Mã Vệ lão tiên sinh là ân sư truyền thụ võ nghệ cho ta.

Ta cấm ngươi không được nhục mạ thanh danh người đã khuất.

Bao Tam tiên sinh cười, nói:

- Mi là một đứa gian trá trà trộn vào phái Thanh Thành lừa thầy học trộm võ nghệ thì còn bàn chi đến việc này?

Chử Bảo Côn lớn tiếng nói:

- Tư Mã sư phụ đãi ta nhân thâm nghĩa trọng. Nay Chử mỗ thẹn mình không thể báo đáp ơn sâu đành đem cái chết để bảo vệ thanh danh cho tiên sư hầu chuộc cái lỗi lừa thầy. Bao Tam tiên sinh! Ngươi quay lại xin lỗi Tư Mã chưởng môn đi!

Bao Tam tiên sinh cười, nói:

- Bao Tam tiên sinh có thèm xin lỗi ai bao giờ? Dù tiên sinh biết mình nhầm lỗi đấy nhưng vẫn cãi đến cùng. Hỡi tiên sinh Tư Mã Vệ có thanh danh gì đâu, hắn chết rồi thì thanh danh càng nát ra như cám. Hạng ấy đáng giết lắm, giết đi là phải! Giết đi là hay!

Chử Bảo Côn la lên:

- Ngươi lấy binh khí ra!

Bao Tam tiên sinh vừa cười vừa mỉa mai:

- Con cái cũng như đồ đệ Tư Mã Vệ đều là hạng bị thịt, ngoài cái trò phóng ám tiến hại người thì còn biết gì nữa.

Chử Bảo Côn kêu lên :

- Coi đây!

Gã phóng ra một thế Thượng Thiên Hạ Địa, tay trái cầm mũi cương chùy, tay phải cầm cây búa nhỏ, đồng thời nhằm Bao Tam tiên sinh đánh tới. Bao Tam tiên sinh không thèm đứng dậy, phất tay áo bên trái ra một luồng kình phong quật thẳng vào mặt Chử Bảo Côn. Chử Bảo Côn dường như bị nghẹt thở, nghiêng mình né tránh.

Bao Tam tiên sinh liền đưa chân phải ra móc một cái, Chử Bảo Côn ngã quay xuống đất. Tiện đà, Bao Tam tiên sinh đá luôn vào mông Chử Bảo Côn bắn ra ngoài cửa sảnh đường. Chử Bảo Côn tung lên không lộn đầu xuống Đầu vừa chấm đất gã xoay mình đứng dậy, lại chạy vào trong sảnh đường , giơ chùy lên đâm thẳng vào bụng Bao Tam tiên sinh.

Bao Tam tiên sinh vụt đưa tay ra chụp được cổ tay Chử Bảo Côn không hiểu hất thế nào mà người gã tung lên cao, đánh sầm một tiếng, đụng mạnh vào xà nhà, Chử Bảo Côn bị đau ê ẩm cả người. Gã vừa rơi xuống đất lại trở mình đứng dậy, xông vào Bao Tam tiên sinh lần thứ ba. Bao Tam tiên sinh chau mày, nói:

- Mi thật là một đứa không biết gì! Mi tưởng ta không giết mi được chăng?

Chử Bảo Côn nói:

- Ngươi giết quách ta đi cho rồi!

Bao Tam tiên sinh đưa hai tay ra nắm lấy tay Chử Bảo Côn đột nhiên đẩy về phía trước, bỗng nghe hai tiếng "rắc , rắc", xương tay Chử Bảo Côn bị gãy nát, vai bên tả đâm vào mũi chùy, vai bên hữu bị búa đập. Vai bên tả máu chảy đầm đìa, vai bên hữu bị gẫy xương. Gã bị thương rất nặng, chẳng khác gì do thế Tả Hữu Phùng Nguyên mà ra.

Tuy nhiên, Chử Bảo Côn vẫn chực tiếp tục liều mạng nhưng kiệt lực mất rồi.

Mọi người phái Thanh Thành nhìn nhau nhớn nhác phân vân không biết có nên vào cứu Chử Bảo Côn hay không. Họ rất đỗi ngạc nhiên thấy Chử Bảo Côn thụ thương rõ ràng như bị thế võ Tả Hữu Phùng Nguyên, một tuyệt kỹ của phái Thanh Thành. Vương Ngọc Yến quay sang nói với Chử Bảo Côn:

- Chử gia! Trước ta bảo ngươi là cái đó vô dụng, bây giờ ngươi đã tin lời ta chưa?

- Chưởng môn sư huynh! may mà võ công hai phái ta khắc chế nhau chưa bên nào ăn nổi bên nào. Tiểu đệ tuy có học được võ công của quý phái mà vẫn chưa chống nổi môn tuyệt kỹ của phái Thanh Thành. Xem Bao Tam tiên sinh đây vừa biểu lộ một đòn thì đủ rõ rồi nhé. Hỡi ôi! Thế là sư phụ tôi nhọc lòng vô ích!

Bọn Tư Mã Lâm nghe Chử Bảo Côn nói, dẫu mười phần chưa rõ cả mười, nhưng cũng đoán ra là: Bao Tam tiên sinh vừa sử dụng thế võ Tả Hữu Phùng Nguyên để đối phó với võ công của phái Bồng Lai. Chử Bảo Côn tuy đã học được võ công của phái thanh Thành mà vẫn bị thương ở vai và bị gẫy tay, không có cách nào chống đỡ.

Xem thế đủ biết rằng tuy gã có trà trộn vào phái mình học lén võ nghệ, nhưng vẫn chưa đủ gây nên thương tích chi cho phái Thanh Thành. Nghĩ tới đây, mọi người đều cởi được mối hận với Chử Bảo Côn.

A Châu lẳng lặng đứng xem từ nãy tới giờ, bỗng nói xen vào:

- Tư Mã đại gia cùng Chử đại gia! Chính mắt các vị đã trông thấy Bao Tam tiên sinh đây biết sử dụng môn tuyệt kỹ phái Thanh Thành. Thế thì trên cõi đời này chắc còn có người khác hiểu được môn đó , chứ đâu phải chỉ có một mình công tử nhà tôi. Vậy xét cho cùng thì người hạ sát Tư Mã lão tiên sinh vẫn còn trong vòng bí mật chưa rõ là ai, các vị hãy quay về điều tra cho kỹ.

Tư Mã Lâm toan nói nữa nhưng Bao Tam tiên sinh cả giận, quát:

- Đây là nhà cô em gái A Châu ta. Chủ nhân đã hạ lệnh đuổi khách, sao chúng bay ngu thế, còn toan lải nhải nói mãi.

Chử Bảo Côn nói:

- Hôm nay đã nhờ ơn chỉ giáo cho mấy lời rất bổ ích. Sau này sẽ có ngày tái hội.

Hai tay gã bị gãy xương không thi lễ được bèn cúi đầu chào rồi bước ra ngoài.

Bọn Tư Mã Lâm biết rằng còn nấn ná lại lúc nào là bị nhục lúc ấy nên cũng lục tục giã từ ra về. Diêu Bá Đương thấy Bao Tam tiên sinh võ nghệ cao cường, hành động quỷ quái, những muốn kết bạn với con người này. Lão thấy Vương Ngọc Yến võ học bao la cũng đem lòng ngưỡng mộ, chưa chịu về ngay. Lão thấy bọn Thanh Thành ra khỏi cửa rồi liền đứng dậy toan mở miệng cầu cạnh.

Bao Tam tiên sinh gạt đi, nói:

- Diêu Bá Đương! Ta không cho ngươi nói thêm một câu nào nữa. Mau lăn ra đi!

Diêu Bá Đương vừa ngạc nhiên vừa giận xám mặt, tay nắm chuôi đao.

Bao Tam tiên sinh nói:

- Thứ võ công hèn mạt của ngươi thôi đừng múa rìu qua mắt thợ nữa. Ta bảo ngươi lăn đi, sao không lăn ngay còn phải để ta nói đến lần thứ hai?

Bọn quần hào Tần gia trại vừa ném đơn đao vào Tư Mã Lâm, khí giới đều bị Bao Tam tiên sinh bắt hết bỏ thành đống ở dưới chân. Lúc này ai nấy đềy tay không, lại thấy Bao Tam tiên sinh làm nhục trại chủ Diêu Bá Đương một cách thái quá, đều nổi lòng công phẫn, nhưng không có khí giới nên thảy đều chột dạ.

Bao Tam tiên sinh cười khanh khách, chân phải đá loạn lên. Mỗi cái đá là một thanh đao bay ra, hơn mười thanh đao bay loạn xạ nhưng rất thong thả, rõ ràng không có ý hại người. Ai nấy đều rùng mình, biết rằng Bao Tam tiên sinh có ý hất đơn đao trả lại cho mình, không có một thanh đao nào bay ra quá tầm. Mọi người cầm lấy chuôi đao và đều lộ vẻ nơm nớp lo sợ. Bao Tam tiên sinh nói:

- Diêu Bá Đương! Mi không chịu lăn mình ra phải không?

Diêu Bá Đương gượng cười, đáp:

- Bao Tam tiên sinh đối với Diêu mỗ đã có cái ơn cứu mạng. Tôi còn sống được thật là nhờ ơn tái sinh của các hạ. Các hạ đã ra lệnh, dĩ nhiên tôi phải tuân theo. Thôi tôi xin cáo từ các hạ.

Nói xong lão khom lưng thi lễ, đưa tay trái ra vẫy một cái và hạ lệnh cho đồng đảng:

- Các ngươi ra đi!

Bao Tam tiên sinh nói :

- Ta đã bảo ngươi lăn người ra chứ không bảo ngươi đi đâu nhé!

Diêu Bá Đương ngạc nhiên hỏi :

- Tại hạ chưa hiểu ý tiên sinh muốn nói gì?

Bao Tam tiên sinh đáp:

- Ta bảo ngươi lăn cút đi là mi phải lăn người cút đi. Mi nghe rõ chưa?

Diêu Bá Đương nghĩ bụng : Thằng cha này thực là quái gở, dở điên dở khùng, không thể lấy lời phải trái nói với hắn được.

Lão nghĩ vậy, chẳng nói năng gì nữa, rảo bước chạy ra ngoài cửa sảnh đường. Bao Tam tiên sinh quát:

- Không được, không được Thế là mi chạy, mi bước, mi nhảy, đâu có phải mi lăn.

Bao Tam tiên sinh thoắt đã nhảy đến sau lưng Diêu Bá Đương, thò tay trái túm lấy sau gáy lão. Diêu Bá Đương đưa khuỷu tay phải huých lại. Bao Tam tiên sinh nhấc bổng Diêu Bá Đương khiến khuỷu tay lão trật ra ngoài . Tiên sinh lớn tiếng mắng:

- Trang viện của A Châu muội nương ta đâu phải là nơi để mi muốn tới thì tới, muốn đi thì đi dễ dàng thế được! Phải nằm xuống rồi lăn người đi!

Bao Tam tiên sinh hai tay lẳng mạnh một cái, thân thể Diêu Bá Đương to lớn là thế mà bị lão lăn đi mấy vòng ra đến tận cửa. May mà cửa rộng nên đầu và chân lão không bị đụng chạm vào đâu. Bọn Tần gia trại thấy thế gọi nhau chạy tới xúm vào ôm trại chủ dậy.

Diêu Bá Đương giục:

- Chạy mau đi! Chạy mau đi!

Được lệnh, mọi người ùa chạy như ong vỡ tổ. Bao Tam tiên sinh quay về phía Đoàn Dự, nhìn chàng từ đầu đến chân, vẫn không nhận xét ra chàng là hạng người thế nào bèn quay sang hỏi Vương Ngọc Yến:

- Tiểu muội! Đuổi hắn cút đi hay là lưu hắn lại đây?

Ngọc Yến đáp :

- Tôi cùng A Châu, A Bích bị Bình má má bắt giữ, lâm vào tình cảnh mười phần nguy ngập, may nhờ Đoàn công tử đây cứu trợ. Hơn nữa chàng biết rõ về tình hình Thiếu Lâm tự, chúng ta có thể hỏi thăm chàng về những điều mà chúng ta cần biết.

Bao Tam tiên sinh lại hỏi tiếp :

- Như vậy tức là tiểu muội có ý lưu hắn lại chứ gì?

Ngọc Yến đáp :

- Đúng rồi!

Bao Tam tiên sinh tủm tỉm cười và hỏi lại :

- Thế tiểu muội không sợ Mộ Dung công tử bực mình ư?

Ngọc Yến tròn xoe hai mắt, hỏi :

- Làm gì mà bực mình?

Bao Tam tiên sinh trỏ Đoàn Dự, nói :

- Thằng cha này đầu trơn mặt trắng, lại có khẩu tà . Tiểu muội coi chừng, đừng để y lừa bịp.

Ngọc Yến vẫn không hiểu, hỏi lại:

- Tôi mắc lừa về chuyện gì? Tam ca bảo y dám bịa đặt tin tức ở Thiếu Lâm tự chăng? Chắc y không dám đâu.

Bao Tam tiên sinh nghe lời Ngọc Yến nói, thấy nàng hãy còn ngây thơ, chưa hiểu mảy may gì về đường tình ái nên không tiện nói nhiều. Tiên sinh lại quay sang nhìn Đoàn Dự, cười khà khà rồi hỏi:

- Tình hình Mộ Dung công tử đến Thiếu Lâm tự ra làm saỏ Phải mau mau nói rõ sự thực cho ta nghe.

Đoàn Dự tức mình, cười lại, đáp:

- Có phải ông là người tra hỏi phạm nhân đó chăng? Tôi không nói dễ thường ông khảo đả tôi chắc?

Bao Tam tiên sinh ngẩn người ra, không biết nói sao, chẳng những tiên sinh không cáu giận mà lại tươi cười bảo:

- Giỏi! Thằng lỏi này to gan thực!

Dứt lời, đột nhiên ông nắm lấy cánh tay trái Đoàn Dự, mới hơi bóp chặt một chút, chàng đã cảm thấy đau buốt đến xương tuỷ, kêu nhói lên :

- Ủa! Ông làm gì thế?

Bao Tam tiên sinh đáp :

- Đây là ta thẩm vấn phạm nhân, phải nghiêm hình khảo đả.

Đoàn Dự cứ kệ cho Bao Tam tiên sinh làm gì thì làm. Chàng coi cánh tay ấy như không có nữa và nhếch mép cười, đáp:

- Ông cứ việc khảo đả, tôi chẳng cần nói gì với ông đâu.

Bao Tam tiên sinh bóp mạnh thêm làm cho xương tay Đoàn Dự kêu răng rắc như sắp gãy rời ra. Đoàn Dự cố nhịn đau, không thèm năn nỉ. A Bích nói:

- Đoàn công tử này tính khí cao ngạo lắm. Chàng lại là người đã có công cứu mạng chúng tôi. Xin tiên sinh đừng đả thương chàng.

Bao Tam tiên sinh gật đầu, đáp:

- Tốt lắm! Tốt lắm! Tính khí cao ngạo, rất hợp với dạ dày ta. Vừa nói vừa từ từ buông tay Đoàn dự ra.

A Châu mỉm cười, nói:

- Nói tới dạ dày chúng ta lại thấy đói cả rồi. Lão cố đâu?

Nghe chủ gọi, lão cố từ trong cửa bên ngoài thò đầu ra thấy bọn Diêu Bá Đương và Tư Mã Lâm đi hết không còn ai nữa, hắn mừng quá chạy xổ ra. A Châu căn dặn:

- Trước hết mi phải đánh răng hai lần, rửa mặt hai lần và rửa tay ba lần rồi hãy làm mấy món ăn cho tinh khiết, lỡ ra có chút dơ bẩn thì mi sẽ chết với Bao Tam tiên sinh đó.

Lão cố mỉm cười, đáp:

- Vâng được, tôi xin cam đoan làm được sạch sẽ.

Bọn nô bộc cũng vội vàng chạy ra xếp đặt lại bàn ghế, bày biện bát chén. A Châu mời Bao Tam tiên sinh ngồi ghế đầu, Đoàn Dự ngồi ghế thứ hai, Ngọc Yến ngồi ghế thứ ba còn mình cùng A Bích ngồi ghế cuối bồi tiếp. Ngọc Yến sốt ruột, hỏi:

- Tam ca! Chàng... chàng...

Bao Tam tiên sinh ngắt lời:

- Phong tứ đệ nghe được tin nói là Mộ Dung hiền đệ lên Thiếu Lâm tự rồi liền đi gấp cả đêm để kịp tiếp ứng. Tôi nhận thấy việc này có phần nhiêu khê đây. Chúng ta phải bàn định kế hoạch cho chu đáo mới được.

Ngọc Yến cuống quít hỏi:

- Cứu binh như cứu hoả, những tay cao thủ trong Thiếu Lâm tự rất đông, biểu huynh cô thân mạo hiểm, tất nhiên quả bất địch chúng. Tam ca cần phải đi tức khắc để tiếp ứng, còn điều chi mà phải bàn.

Bao Tam tiên sinh đáp:

- Không được đâu là không được đâu! Tiểu muội còn nhỏ tuổi chưa hiểu, việc đời có nhiều rắc rối lắm. Mộ Dung hiền đệ lần này đi Thiếu Lâm tự, hành động của y so với lúc bình thường khác hẳn. Ta đi tìm Đặng đại ca để thương nghị nhưng không thấy người ở Thanh Vân trang. Ta lại sang Xích Hà trang thì cả hai vợ chồng Công Dã nhị ca cũng không có nhà. Tiểu muội thử nghĩ xem như thế chẳng phải là có điềm kỳ dị ư?

Ngọc Yến nói:

- Đặng đại thúc, à quên Đặng đại ca và hai vợ chồng Công Dã nhị ca...

Bao Tam tiên sinh thấy Ngọc Yến nói líu lưỡi, câu nọ ra câu kia, cũng gật gù mỉm cười. Song cái cười vẫn không che giấu được vẻ lo lắng. Ngọc Yến nói tiếp:

- Ba người này thường nay đây mai đó thì đối với họ việc vắng nhà cũng chẳng lấy chi là lạ.

Bao Tam tiên sinh lắc đầu, đáp:

- Không phải đâu là không phải đâu! Người tổng quản ở Thanh Vân trang và Xích Hà trang nói là đại ca và vợ chồng nhị ca lúc rời trang đi còn có vẻ hoảng hốt vội vàng, không kịp dặn lời nào. Đấy chẳng phải là sự quái là sao?

Đoàn Dự nghe nói nào là Đặng đại ca và Công Dã nhị ca rồi lại Thanh Vân trang cùng Xích Hà trang, tựa hồ như có nhiều trang trại liên minh với nhau, thanh thế lớn lắm và đều là vây cánh của Mộ Dung công tử cả . Lúc đó thì hai tên người nhà đã bưng mâm món ăn lên.

A Châu tươi cười, nói:

- Tam ca, hôm nay tiểu muội bận không xuống bếp để tự làm các món ăn thết Tam ca , lần sau Tam ca giá lâm, tiểu muội sẽ đền bù lại...

A Châu vừa nói đến đó, thốt nhiên không trung có tiếng leng keng trong vắt, chính là tiếng nhạc bằng bạc. Bao Tam tiên sinh, A Châu, A Bích đồng thanh reo lên:

- Nhị ca có tin tới.

Ba người đứng dậy chạy ra hiên, ngửa mặt lên nhìn. Một con chim bồ câu trắng đương lượn vòng trên không rồi bay sà xuống đậu vào tay A Châu. A Bích thò tay ra cởi cái ống trúc nhỏ xíu buộc ở chân chim, móc ra một mảnh giấy. Bao Tam tiên sinh cầm lấy xem rồi nói:

- Thế này thì chúng ta phải đi ngay lập tức.

Đoạn quay vào hỏi Ngọc Yến :

- Tiểu muội có đi hay không ?

Ngọc Yến hỏi lại :

- Đi đâu? Có việc gì ?

Bao Tam tiên sinh cầm lấy lá thư giơ ra , nói :

- Nhị ca có thư về nói là Mộ Dung hiền đệ đã cùng với bẩy môn phái ở các châu Ký, Tấn, Lỗ, Dự đính ước một cuộc đại hội vào ngày hai mươi bốn tháng ba tại thành Tế Nam để tỷ võ và đấu kiếm. Hôm nay là ngày mười hai tháng ba rồi, chỉ còn mười hai ngày nữa sẽ tới kỳ hạn. Tiểu muội có đi Tế Nam không?

Vương Ngọc Yến mặt mày hớn hở, vội đáp:

- Tôi đi chứ! Trong thư còn nói gì nữa không?

Bao Tam tiên sinh nói tiếp:

- Ấy, trong thư còn bảo A Châu phải kiếm cách tìm cho được Đặng đại ca, Phong tứ đệ và ta, cần chúng ta phải nhất tề đến đó. Xem chừng lực lượng của đối phương hùng hậu lắm. Cuộc đấu này đâu phải dễ dàng...

Bao Tam tiên sinh ngoài miệng tuy nói thế nhưng nét mặt đầy vẻ hứng thú, hiển nhiên là tiên sinh đã lấy việc được tham dự cuộc đại chiến làm vui thích. Ngọc Yến chạy gần tới Bao Tam tiên sinh định nhòm xem trong lá thư nói những gì. Bao Tam tiên sinh vừa tủm tỉm mỉm cười vừa đưa thư cho nàng.

Ngọc Yến thấy trong thư có bẩy, tám dòng chữ viết rất đẹp và có gân. Tuy chữ nào nàng cũng biết song không hiểu nghĩa ra sao cả, chẳng khác gì đọc một cuốn Thiên thư vậy. Nàng thông kim bác cổ, những sách nàng đã đọc qua không phải là ít, nhưng lối vấn tự viết thế này thì đây là lần đầu tiên nàng mới thấy là một. Ngọc Yến chau mày, hỏi:

- Thế này là làm sao ?

A Châu mỉm cười, đáp :

- Vương cô nương, đây là do nhị tẩu chúng ta nghĩ ra cái lối chơi chữ cổ quái này theo trong thi vận và phiên âm chế biến ra. Chữ bình thanh đọc chệch ra nhập thanh, chữ nhập thanh đọc trệch ra là thượng thanh, vần nhứt đông thay bằng vần tam giang. Cứ thế đổi đi, đổi lại. Chúng ta xem quen thì hiểu ngay ý trong thư định nói gì, còn người ngoài xem vào thì mù tịt không thể nào hiểu được.

A Bích thấy Vương Ngọc Yến nghe đến câu "người ngoài" nét mặt có vẻ hơi kém vui, nàng vội chữa:

- Vương cô nương đây không phải là người ngoài, nếu cô nương cần biết, để chúng tôi xin giảng qua, cô nương sẽ hiểu ngay.

Vương Ngọc Yến vốn tính chân thật, nghe A Bích nói muốn giảng cho mình hiểu, nét mặt lại vui tươi ngay.

A Châu nói tiếp :

- Tam ca, nhị ca và nhứt tẩu trước nay vẫn tự phụ lắm, dù gặp phải cường địch đến mấy chăng nữa cũng không bao giờ viết thư cầu viện binh. Vậy mà lần này lại cần chúng ta đem toàn bộ đi, tôi e rằng đối phương chắc chắn là lợi hại lắm đấy.

Bao Tam tiên sinh đáp:

- Tính khí Nhị ca thì cố nhiên là tự phụ rồi! Song theo ý ta, lần này anh ấy phải cần viện binh không phải vì anh ấy, mà là vì Mộ Dung hiền đệ đấy.

Vương Ngọc Yến nghe nhắc đến Mộ Dung công tử, vội vàng hỏi:

- Thế nào? Làm sao lại vì chàng?

Bao Tam tiên sinh đáp :

- Võ công của nhị ca tuy chưa có thể bảo là đệ nhất thiên hạ được song hoặc giả gặp phải đối thủ lợi hại địch không lại, mà muốn chạy thoát thân, thì tôi xem hiện nay chưa có bậc cao nhân nào đủ sức giữ nhị ca lại được. Hai vợ chồng nhị ca sát cánh nhau vùng vẫy giang hồ thì không còn phải sợ ai nữa. Lần này phải cầu viện, tất là vì nghĩ đến Mộ Dung hiền đệ nên mới dùng đến kế sách vạn toàn đó.

Ngọc Yến lại hỏi tiếp :

- Bảy môn phải ở Ký, Dự, Tấn, Lỗ là những môn phái nào nhỉ?

Ngọc Yến đã thuộc lòng lực lượng võ công của các môn phái. Nàng muốn biết rõ tên bẩy phái đó là những phái nào để nàng hiểu cặn kẽ về lực lượng đối phương. Bao Tam tiên sinh coi lại lá thư, đáp:

- Trong thư nhị ca không nói tới, tôi chắc là chính nhị ca cũng không biết nên không viết tường tận. Bình Nhựt nhị ca làm việc gì cũng chu đáo kỹ càng lắm.

Thốt nhiên Bao Tam tiên sinh quay sang bảo Đoàn Dự:

- Ủa! còn gã họ Đoàn này Mời cậu tùy tiện đi thôi chứ! Đây chúng tôi bàn việc riêng, không muốn cậu tham dự vào. Và chúng tôi có tỷ võ với người ta cũng bất cần cậu đứng xem để vỗ tay.

Đoàn Dự đứng bên nghe bọn họ bàn về việc tiếp ứng cho Mộ Dung đã cảm thấy bực mình rồi. Bây giờ Bao Tam tiên sinh lại công nhiên trục khách, chàng thấy rằng có lưu lại trong tịch xá này cũng vô vị lắm, tuy chàng vẫn quyến luyến Ngọc Yến không muốn rời xa. Song không thể mặt dày mà nán lại được nữa nên chàng cả quyết đứng phắt dậy, nói:

- Vương cô nương và A Châu, A Bích hai vị cô nương! Tại hạ xin cáo biệt và hẹn sau này có ngày tái ngộ.

Vương Ngọc Yến đáp :

- Nửa đêm khuya khoắt anh đi đâu bây giờ? Đường thuỷ đạo trong Thái Hồ anh lại không thuộc, chi bằng hãy nghỉ lại đây đêm nay, sáng mai hãy đi cũng chưa muộn.

Đoàn Dự nghe giọng nói xã giao, không có vẻ chân tình, hiển nhiên là tâm hồn nàng đã để hết vào Mộ Dung công tử rồi. Chàng nhìn suốt tận tâm khảm nàng, càng cảm thấy buồn phiền. Là một vị thế tử trong hoàng tộc, chàng từ nhỏ đã được nuông chiều. Từ ngày lặn lội giang hồ tới nay, đã trải qua nhiều phen nguy hiểm, đau đớn nhưng chưa bị ai đối đãi với mình một cách ơ hờ lạnh nhạt như thế. Chàng tấm tức trả lời:

- Hôm nay đi hay ngày mai đi cũng thế thôi. Tôi xin cáo từ.

A Châu nói tiếp:

- Đã thế thì để tôi phái người đưa công tử ra Thái Hồ.

Đoàn Dự thấy A Châu cũng không có cố ý lưu khách, lòng càng ngao ngán. Chàng than thầm: Mộ Dung công tử kia có cái gì đặc sắc mà ai ai cũng coi hắn như chim phượng hoàng trên trời vậy. Vừa được tin hắn, người nào cũng chỉ muốn tức khắc đi tương hội với hắn ngay. Đoàn Dự thấy thế càng không thiết gì nữa.

Chàng nói :

- Cũng không cần phải thế, cô nương chỉ cho tôi mượn một con thuyền một mái chèo, tự tôi lênh đênh trên mặt hồ là được rồi.

A Bích trầm ngâm một lát rồi nói :

- Công tử không hiểu rõ đường thuỷ đạo trong Thái Hồ, tôi e rằng khó lòng tìm được lối ra.

Đoàn Dự đáp :

- Các cô đã được tin Mộ Dung công tử, cần phải cấp tốc bàn định việc tiếp viện. Còn tôi chẳng có ước hẹn gì với bẩy phái ở Ký, Tấn, Lỗ, Dự, lại không phải anh em hơi hướng gì với các cô thì cần chi phải quan hoài cho mệt?

Dứt lời, chàng bước ra khỏi sảnh đường ngay A Châu, A Bích cùng đứng lên tiễn chân.

A Bích nói :

- Đoàn công tử, sau này gặp công tử chúng tôi, biết đâu hai người lại chẳng trở thành bạn hữu.

Đoàn Dự cười lạt, đáp:

- Điều đó tôi chắc không dám với cao đâu.

A Bích thấy giọng nói Đoàn Dự đầy vẻ bực bội, trong lòng lấy làm kỳ lạ, nàng hỏi:

- Đoàn công tử! Sao công tử dường như có vẻ không vui? Hay là vì chúng tôi tiếp đãi có điều thất thố chăng?

A Châu cũng nói xen vào :

- Anh Bao Tam chúng tôi tính khí vốn ngang ngạnh như vậy, xin Đoàn công tử đừng để ý. Tôi và chị A Bích xin lỗi công tử.

Nói xong cười hì hì chắp tay vái. A Bích cũng vái theo. Đoàn Dự đáp lễ rồi xoay người đi liền. Rảo bước tới bên hồ, nhảy thót xuống thuyền chèo ra giữa hồ. Chàng cảm thấy trong lòng uất ức khó chịu, mà rút lại vì nguyên nhân nào cũng chẳng nói rõ ra được. Chỉ biết rằng nếu mình còn ở nán lại trên bờ lúc nữa thì đến phát khùng mất, mà thậm chí có thể phát khóc được. Đoàn Dự xuống thuyền rồi còn nghe văng vẳng tiếng A Bích nói:

- Này chị A Châu! Những quần áo lót mình của công tử không hiểu đã đủ dùng chưa? Đêm hôm nay hai chúng ta mỗi người may một bộ đưa đi cho công tử, chị tính có phải không?

A Châu đáp :

- Phải lắm, phải lắm! Ngươi nghĩ rất chu đáo.

Đoàn Dự đã từng bị phải Vô lượng kiếm và Bang Thần Nông làm nhục, bị Nam Hải Ngạc Thần hành hạ, bị thái tử Diên Khánh cầm tù, và trong lúc để cho Cưu Ma Trí lôi từ Vân Nam thẳng tuốt đến Cô Tô, đắng cay muôn dặm, chịu đựng biết bao nhiêu là sự gian nan khổ sở, song chưa có lần nào buồn như bây giờ. Thực ra, trong lúc ở Thính hương tịnh xá tuyệt không có ai làm cho chàng khó chịu lắm.

Bao Tam tiên sinh tuy trục khách nhưng cũng còn có chút nể nang, không đến nỗi quá tệ hại như thế đối với Chử Bảo Côn, nào bị gãy cánh tay, nào nát bả vai, cũng không nhục nhã như đối với Diêu Bá Đương bị quẳng lăn ra khỏi cửa. Vương Ngọc Yến còn lưu chàng ở lại một đêm, A Châu, A Bích cũng ân cần đi tiễn chân.

Song không hiểu sao trong lòng chàng vẫn có cái uất kết nói không ra được. Phải chăng người chàng ra đi mà lòng ta còn vướng vít.

--------------------------------------------------------------------------------

Lục Mạch Thần Kiếm

Hồi Thứ 2 >>

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: