LỤC ĐẠO VÀ KIẾN TÁNH - Bassui
LỤC ĐẠO VÀ KIẾN TÁNH
Bassui
Có người hỏi: "Chư Phật chư Tổ xưa nay đã dùng biết bao pháp môn và phương tiện để tu học pháp Phật, làm sao có câu nói là "không có gì ngoài kiến tánh thành Phật"? Xin đại sư chỉ giáo".
Bassui trả lời: "Ta thọ giới xuất gia trong những năm sau này, chưa từng học kinh. Ngươi hãy nói cho ta nghe có pháp nào ngoài việc "kiến tánh thành Phật" không.
Hỏi: "Theo như kinh nói, Đức Thế Tôn đã thành tựu Phật quả sau khi tu được Lục Độ Vạn Hạnh. Làm sao điều này có thể được gọi là "Kiến tánh thành Phật"?
Đại sư: "Lục Độ Vạn Hạnh" là gì?
Hỏi: "Đó là Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Tuệ. Cho đi hết những gì mình có với tâm không phân biệt gọi là Bố Thí. Nghiêm trì giới luật gọi là Trì Giới. Đối với thân thù đều bình đẳng, dù có bị đánh mắng cũng không nổi giận, đó là Nhẫn Nhục. Làm những hạnh lành không ngưng nghỉ trên con đường tu tập và hoàn thành đại nguyện là Tinh Tấn. Tọa thiền cho thân và tâm được tĩnh lặng là Thiền Định. Học hỏi kinh pháp, thâm nhập giáo lý không ngăn ngại gọi là Trí Tuệ."
Bassui trả lời: "Tất cả những điều đó chỉ đem lại phước báo trong cõi Trời Người. Hành trì những hạnh đó là điều nên làm nếu so với những hành động vô minh - khởi từ tâm ham muốn, xấu ác, sân hận, lười biếng, bất tín, chao đảo trong tư tưởng hành động và si mê - khiến cho chúng sanh phải rơi vào ba cõi Tam Đồ não loạn. Nhưng đừng tường sáu hạnh đó có thể khiến cho ngươi thành Phật.
Lục Độ Vạn Hạnh mà Đức Phật hành trì là chánh pháp để kiến Tánh. Ánh sáng chân chính của Tự Tánh thắp lên cả vạn những đức tính quý báu và tùy duyên mà trải đều đến chúng sinh khắp các phương trời. Đó gọi là Bố Thí.
Tánh Phật nguyên thủy là trong sáng thuần khiết, là chủ của sáu căn, nhưng không bị sáu trần làm ô nhiễm. Người nào giác ngộ được tánh ấy thì thân tâm sẽ tự nhiên hòa hợp an ổn. Người ấy không cần phải cố ý tỏ ra mình đang giữ giới luật, cũng không hề khởi ác niệm trong tâm. Đó gọi là Trì Giới.
Bởi vì Tánh Phật thường hằng không hề có phân biệt giữa ta và người, nên người ở trong sự hòa đồng không đối đãi ấy sẽ chẳng khởi sân hận khi bị phê bình chỉ trích, cũng không vui mừng khi được tôn vinh. Đó gọi là Nhẫn Nhục.
Tánh Phật vốn đã có vô lượng điều ích lợi; nó làm cho mọi công đức đều thành tựu, khởi phát vô lượng pháp. Nó tiếp tục cho đến tương lai, không hề có giới hạn. Đó gọi là Tinh Tấn.
Tánh Phật không biến đổi, vượt khỏi mọi hiện tượng, mọi pháp tu, mọi giới luật, không phân biệt thánh và phàm, không ở trong sự giới hạn của ngôn ngữ, cũng không bị vướng mắc trong những đánh giá tốt và xấu. Đó gọi là Thiền Định.
Tánh Phật tự nó là trong sạch, chiếu sáng vạn hạnh, là con mắt của thánh phàm như nhau, chiếu sáng thế giới này như mặt trời và mặt trăng. Đó là ánh sáng xuyên suốt quá khứ và hiện tại - là chân lý vô biên của ánh sáng thuần khiết. Đó gọi là Trí Tuệ.
Sự nhiệm mầu của tánh Phật là vô lượng vô biên, giống như đại dương với biết bao ngọn sóng lớn và nhỏ. Từ tánh Phật này phát ra diệu dụng trong đó có sáu chức năng gọi là Lục Độ Vạn Hạnh. Vì thế cổ đức có nói rằng: "Khi đã hiểu được Như Lai Thiền, nơi tự thân sẽ tràn ngập sự an bình với Lục Độ Vạn Hạnh."
Hỏi: "Nếu người nào kiến Tánh tức khắc thành Phật, vậy người ấy có đắc được sáu thần thông như chư Phật không?"
Bassui:" Kiến Tánh tức là có đủ lục thông."
Hỏi: "Kiến tánh chỉ là một trong lục thông. Sao ngài lại nói là có đủ lục thông?"
Bassui: "Tánh Phật vốn là chủ của sáu căn. Giữ cho người chủ luôn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi sáu trần gọi là lục thông của Phật."
Hỏi: "Tôi không nghe như vậy. Theo như tôi hiểu, sáu thần thông là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông, thân như ý thông, lậu tận thông. Làm sao người ta có thể đạt được sáu thần thông ấy chỉ trong một diệu dụng thôi?"
Bassui: "Tại sao tánh vi diệu hằng hữu của chúng ta lại không là gì hơn ngoài sáu thần thông được? Ánh sáng vô biên ấy tự chiếu sáng và thắp sáng tất cả, là chân không diệu hữu hằng chiếu và tịch tĩnh. Mọi hiện tướng đều được thấy trong thực tánh của nó, không bị mê hoặc. Đó là Thiên Nhãn Thông.
Tánh Phật là trong sạch và vô nhiễm. Khi tai nghe âm thanh, tiếng vang của những làn sóng rung động được nhận thấy rõ ràng, nhưng không có những khởi niệm phân biệt hay vướng mắc vào đó. Đó gọi là Thiên Nhĩ Thông.
Khi đã hiểu bản tánh của tự tâm rồi, ta sẽ tỏ ngộ thấy sự đồng nhất của tâm chư Phật chư Tổ trong ba cõi và tâm chúng sanh trong cõi giới hiện tại cũng như các cõi giới khác. Đó gọi là Tha Tâm Thông.
Kể từ lúc đã tỏ ngộ tánh hằng hữu của mình rồi, tâm ta sẽ thâm nhập vô lượng kiếp tánh Không từ vô thủy đến vô chung. Sáng tỏ và tự tại, tâm ấy không còn vướng mắc trong những hiện tượng biến đổi của sanh và tử, của quá khứ và tương lai, mà luôn luôn kiên cố thường hằng không có gì nghi ngờ ngăn ngại. Đó là Túc Mệnh Thông.
Khi đã hiểu rõ tánh của tự tâm, những hang sâu đen tối của vô minh sẽ được chiếu sáng, và cái đẹp nguyên thủy sẽ hiển lộ. Chỉ trong chớp mắt tâm ta sẽ bay bổng khắp mười phương, không ngừng lại đâu cả trên nền trời cao rộng. Đó là Thân Như Ý Thông.
Khi đã hiểu được tự tánh rồi, vô minh sẽ chuyển thành trí tuệ giác ngộ (Bồ Đề). Bởi vì Bồ Đề chính là bản chất hằng hữu nguyên thủy nơi ta, nên nó vượt ngoài mê và ngộ. Chẳng thấy mình là thánh hay phàm, cũng chẳng bị vướng nhiễm trong những hiện tượng sinh diệt của thế gian này, đó gọi là Lậu Tận Thông."
Hỏi: "Trên lý thuyết điều ngài nói về Lục Thông có thể như vậy. Nhưng nếu nó không hiển hiện ra ngoài qua những hiện tượng vật chất thì có thành vô giá trị hay không?"
Bassui: "Tánh Phật vốn đã hàm chứa vô lượng đức hạnh. Lục Độ Vạn Hạnh là pháp tu căn bản cho con người hoàn thiện trong thân xác này. Thế thì sao gọi là vô giá trị?
Người có trí tuệ xem những biểu hiện năng lực thần thông siêu nhiên như nghiệp chướng; kẻ phàm phu vô minh xem đó là điều đáng ham muốn nên muốn tìm cầu. Đối với cách suy nghĩ của người thường thì mức độ thâm sâu của thiền định khó mà đo lường được. Như mặt trời chiếu sáng mọi nơi trong nền trời trong không gợn mây, làm sao ngươi có thể đặt giới hạn trên năng lực có được từ sự kiến tánh?
Chư Phật, nhiều như cát sông Hằng, cũng không thể nói cho hết điều đó được. Năng lực ấy có thể thâu tóm đại dương trong một sợi tóc, đem núi Tu Di đặt lên trên một hạt giống, và chứa cả ba mươi hai ngàn ngai sư tử và tám mươi ngàn vị tăng trong một căn phòng chỉ có mười bộ vuông. Chỉ với một bát cơm cũng đủ để cúng dường vô lượng chư thánh hiền tăng. Thế nhưng Pháp chẳng phải là điều gì khác thường.
Bần tăng này không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả cho hết được năng lực siêu nhiên này. Nó như một bánh xe quay tít, chuyển động còn nhanh hơn cả ánh sáng. Khi những diệu dụng của nó được hoàn toàn hiển lộ, ngay cả mắt của Phật cũng không thể nhìn thấy được. Khi những hoạt động của nó trải rộng đến tất cả, những năng lực xấu ác sẽ bị phá hủy, những viên than hồng đang đun nước trong bếp lửa sẽ nổ bùng, và chỉ trong một tiếng hét, tất cả những cây kiếm và núi đao sẽ bị nghiền nát ra từng mảnh.
Tất cả chúng ta vốn sẵn đều có năng lực siêu nhiên này. Nếu bạn muốn hiểu điều đó, hãy ngưng lại những hoạt động tạo tác và nhìn vào bên trong mình. Bạn sẽ tự mình tỏ ngộ khi thấm thấu được tự tánh của mình. Tất cả chúng ta đều đã được trang bị sẵn bản tánh nguyên thủy của mình, và mỗi mỗi đều hoàn hảo toàn diện. Tánh ấy là chủ của sự thấy, nghe và hiểu. Đó được gọi là "Thậm thâm tối thắng trí Phật".
Sự nhiệm mầu không thể nghĩ bàn của năng lực siêu nhiên này đơn giản chỉ đặt trên nền tảng của Tánh Phật trong mỗi người chúng ta."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top