Luatkiemtoannhanuoc1

LUẬT

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm toán Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan; hoạt động và bảo đảm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đơn vị được kiểm toán.

2. Kiểm toán Nhà nước.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước.

Điều 3. Mục đích kiểm toán

Hoạt động kiểm toán nhà nước phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là việc kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

2. Kiểm toán báo cáo tài chính là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính.

3. Kiểm toán tuân thủ là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện.

4. Kiểm toán hoạt động là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

5. Bằng chứng kiểm toán là tài liệu, thông tin do Kiểm toán viên nhà nước thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán, làm cơ sở cho việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

6. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là văn bản do Kiểm toán Nhà nước lập và công bố để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán.

7. Tài sản nhà nước là tài sản hình thành hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, thuộc sở hữu, quản lý của Nhà nước, là đối tượng kế toán của đơn vị được kiểm toán.

Điều 5. Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đối với tính chính xác, trung thực của báo cáo tài chính

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các số liệu kế toán và các thông tin của báo cáo tài chính.

2. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ thích hợp và có hiệu quả.

3. Tổ chức kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật để bảo vệ an toàn tài sản; đánh giá về chất lượng và độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính; việc chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và các nội quy, quy chế của đơn vị.

Điều 7. Nguyên tắc hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

1. Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

2. Trung thực, khách quan.

Điều 8. Chuẩn mực kiểm toán nhà nước

1. Chuẩn mực kiểm toán nhà nước gồm những quy định về nguyên tắc hoạt động, điều kiện và yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, năng lực đối với Kiểm toán viên nhà nước; quy định về nghiệp vụ kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ khi tiến hành hoạt động kiểm toán; là cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước.

3. Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước trên cơ sở quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Điều 9. Giá trị của báo cáo kiểm toán

1. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

2. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là một trong những căn cứ để:

a) Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định dự án và công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và sử dụng trong hoạt động giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước, dự án và công trình quan trọng quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác ;

b) Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của mình;

c) Hội đồng nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và giám sát ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;

d) Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra sử dụng trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế, tài chính;

đ) Đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của đơn vị do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền sử dụng kết luận kiểm toán quyết định việc chấp nhận kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Kết luận kiểm toán đã được cơ quan, người có thẩm quyền chấp nhận có giá trị bắt buộc thực hiện.

Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước

1. Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

2. Khi nhận được báo cáo kiểm toán, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết đầy đủ, kịp thời kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời gửi báo cáo kết quả giải quyết cho Kiểm toán Nhà nước.

Điều 11. Áp dụng điều ước quốc tế

Trong trường hợp điều ước quốc tế về kiểm toán nhà nước mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước:

a) Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán;

b) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán;

c) Nhận hối lộ;

d) Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi;

e) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán;

g) Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức;

h) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan:

a) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

b) Cản trở công việc của Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

c) Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ và thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước;

d) Mua chuộc, hối lộ Kiểm toán viên nhà nước;

đ) Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách;

e) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top