luat_phap_CNTT

Câu chuyện của người bị "lỡ tàu" Internet - 6/11/2007 15h:52

Khoảng 10 năm về trước, một doanh nghiệp tư nhân tuy có đủ các điều kiện kỹ thuật để trở thành nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet (ISP) nhưng đành phải "lỡ tàu" vì hai chữ "cơ chế".

"Đi trước thời đại"!

Đầu năm 1996, TS Nguyễn Quang A cùng một số cổ đông đã quyết định đầu tư thành lập một công ty mang tên Ba Tin để đón đầu cơ hội cung cấp dịch vụ Internet. Và vào mùa hè năm đó, khi các doanh nghiệp nhà nước với tiềm lực rất lớn còn đang loay hoay triển khai thì Ba Tin đã cho ra đời mạng Intranet có tên là Vinet với 10 đường dây điện thoại để phục vụ nhu cầu truy nhập của người sử dụng. Là mạng được xây dựng trên giao thức Internet (TCP/IP) nên Vinet có giao diện đẹp cùng với nhiều thủ tục tìm kiếm rất nhanh. Chính nhờ vậy mà rất nhiều cơ quan như Bộ Công nghiệp, Văn phòng Quốc hội, Tổng cục TC-ĐL-CL... đã đặt hàng Ba Tin xây dựng mạng Intranet cùng phần mềm quản lý dữ liệu trên mạng cho mình.

Còn riêng với Vinet, để có nội dung cho mình, mạng này đã hợp tác với các cơ quan báo chí mà đi đầu là Thời báo Kinh tế Việt Nam. Tiếp đó là các báo Tuần báo Quốc tế, Xưa & Nay, Doanh Nghiệp, Tia Sáng, Tin học & Đời sống... Và mặc dù Việt Nam chưa nối mạng Internet nhưng thông tin của các báo này vẫn đến được với độc giả toàn cầu khi truy cập địa chỉ http://www.batin.com.vn với máy chủ được đặt tại Australia. Có thể nói, mạng Vinet của Ba Tin chính là chuyến tàu đầu tiên để đưa các báo chí trong nước đến với bạn đọc toàn cầu.

Vì vậy, Ba Tin đã được xếp vào danh sách ưu tiên sẽ được làm ISP cùng với VDC, FPT và Saigon Postel (Netnam tuy có đủ điều kiện kỹ thuật nhưng lại chưa có tư cách để kinh doanh vì là dịch vụ của cơ quan nghiên cứu khoa học chứ không phải là doanh nghiệp, Viettel thì chưa sẵn sàng về kỹ thuật).

Nhưng "lỡ tàu"

Tháng 3/1997, Quy chế tạm thời về quản lý và khai thác dịch vụ Internet được ban hành với Nghị định 21/CP. Tuy nhiên, quy chế này chỉ cho phép doanh nghiệp nhà nước hoặc do nhà nước nắm cổ phần chi phối được làm ISP với lý do để đảm bảo an ninh thông tin của đất nước. Ba Tin đành đứng ngoài cuộc chơi nhưng vẫn còn hy vọng có thể làm nhà cung cấp nội dung trên Internet (ICP). Song việc này cũng không thành vì việc cung cấp thông tin lên mạng Internet phải tuân thủ Luật Báo chí. Mà theo quy định của Luật Báo chí Việt Nam thì tư nhân không có quyền ra báo. Trong khi đó, các cơ quan nước ngoài tại Việt Nam thì vẫn được quyền làm ICP vì Việt Nam tuân thủ công ước quốc tế về Internet.

TS. Nguyễn Quang A, trên cương vị Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam khi đó đã đề nghị phải sớm sửa đổi tận gốc Nghị định 21/CP: Trước hết, quy định bắt buộc phải đặt máy chủ tại Việt Nam là rất ấu trĩ vì đã là Internet thì đặt máy chủ ở đâu cũng như nhau. Còn khái niệm ICP là chuyện rất "riêng có" của Việt Nam vì đã thiết lập được website thì nghiễm nhiên phải cập nhật thông tin lên đó chứ chẳng ai lại muốn để tĩnh. Vì thế, ông đề nghị không áp dụng Luật Báo chí cho việc cung cấp thông tin lên mạng Internet. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề khác cần phải sửa đổi bởi quản lý phải theo kịp sự phát triển chứ không phải phát triển phải dựa trên năng lực quản lý như tinh thần của Nghị định 21/CP.

Quy chế tạm thời đã làm Ba Tin bị "lỡ tàu" để làm ISP và đành phải chờ đợi. Tháng 8/2001, Nghị định 55/2001/NĐ-CP được Chính phủ ban hành để thay thế Nghị định 21/CP, cùng với cơ chế "mọi thành phần kinh tế đều được phép làm ISP". Bên cạnh đó, xuất hiện một số khái niệm mới là nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) và nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến (OSP). Nhờ đó, một số doanh nghiệp tư nhân đã trình hồ sơ và được cấp phép là ISP như QT Net, Việt Khang, Techcom, OCI... Tuy nhiên, trong danh sách các doanh nghiệp trình hồ sơ với Tổng cục Bưu điện khi đó đã không có tên Ba Tin.

Về điều này, ông Lê Trung Nghĩa, nguyên là một cổ đông chiến lược của Ba Tin khi đó đã nhìn nhận là phải có tiềm lực rất mạnh thì mới có thể trụ được và các doanh nghiệp tư nhân thì rất khó có cửa. Lời dự đoán của ông nay đã nghiệm đúng vì với sự bùng nổ của Internet băng thông rộng (ADSL) thì chỉ khi chủ động được về hạ tầng truyền dẫn, doanh nghiệp làm ISP mới trụ được. Và thực tế là tất cả các doanh nghiệp tư nhân có giấy phép ISP đều không rục rịch được gì. "Đành rằng doanh nghiệp muốn kinh doanh thì phải tuân thủ luật pháp nhưng cơ hội thì đã mất đi, thậm chí vĩnh viễn mất đi!", ông Nghĩa nói.

Câu chuyện của công ty Ba Tin là một trang sử buồn của buổi khởi đầu Internet Việt Nam. TS. Nguyễn Quang A cho biết, dự thảo Nghị định 21/CP mà ông được mời tham gia xây dựng lúc đầu đâu có thắt chặt đến như thế. Nhưng cuối cùng, vì lý do thận trọng mà phải quy định chặt, theo một cựu quan chức có trách nhiệm của Bộ KHCN thì có quy định chặt như vậy lãnh đạo mới dám quyết định cho Việt Nam chính thức được nối mạng Internet vào ngày 19/11/1997.

Câu chuyện về công ty Ba Tin chính là một minh chứng rõ nét cho sự khó khăn, trắc trở trong buổi đầu đưa Internet vào Việt Nam, đồng thời ở góc độ nào đó cũng phản ánh quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước.

Sửa NĐ 55: "Cởi trói" để Internet phát triển - 7/11/2007 9h:34

Dự thảo sửa đổi Nghị định 55 sẽ "mở" cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet không có hạ tầng, đại lý Internet... nhưng vẫn còn "mắc" ở vấn đề quản lý nội dung trên Net.

Theo tổ biên soạn sửa đổi Nghị định 55 về quản lý Internet, hiện đã hoàn thiện xong dự thảo nội dung sửa đổi Nghị định 55 với nội dung được điều chỉnh thông thoáng hơn. Dự kiến, chậm nhất trong tháng 12/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới để thay thế Nghị định 55 về quản lý Internet.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ khắc phục nhược điểm của quy định về đại lý Internet hiện nay là quá chặt theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý, nhưng lại không thực thi trong cuộc sống.

Trước đây, khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet sẽ phải có đoàn kiểm tra liên ngành (các bộ Công an, Bưu chính Viễn thông, Văn hóa Thông tin) và được Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT & TT) có văn bản chính thức cho phép cung cấp dịch vụ. Nay dự thảo Nghị định sẽ bỏ quy định này song doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sẽ phải tự chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn an ninh và chỉ cần thông báo cho cơ quan quản lý địa điểm và thời gian cung cấp dịch vụ.

Theo Nghị định 55, chỉ có các nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) mới được kết nối trực tiếp đi quốc tế và được kết nối với các trạm trung chuyển lưu lượng kết nối Internet trong nước (IX). Đây là vấn đề mà các ISP cho rằng lâu nay đã hạn chế sự phát triển của các ISP không có hạ tầng. Trong dự thảo lần này đã "cởi trói" với quy định cho phép các ISP không có hạ tầng (NetNam, QT Net... ) được kết nối trực tiếp đi quốc tế và được kết nối với IX. Dự thảo sửa đổi Nghị định 55 cũng cho phép chủ thể được chuyển nhượng tên miền nếu không có nhu cầu sử dụng.

Vấn đề hóc búa nhất theo Tổ biên soạn là vấn đề quản lý nội dung trên Internet. Sự phát triển đa dạng của Internet đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý, trong khi đó, việc quản lý phải đảm bảo phát triển lành mạnh chứ không phải là hạn chế sự phát triển và theo đúng tư duy "quản phải theo kịp với mở". Bà Lê Thị Ngọc Mơ cho rằng, để thúc đẩy Internet Việt Nam phát triển rất cần có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và cả người dân để hoàn thiện nghị định mới này.

Bài toán thu cước của các ISP - 15/11/2007 9h:8

Tổ chức tốt việc thu cước sử dụng của khách hàng hóa ra lại là một bài toán không hề đơn giản của các các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP)

Ai có thể làm ISP?

Theo quy chế tạm thời về cung cấp, khai thác và sử dụng Internet được quy định bởi Nghị định 21/CP ban hành tháng 3/1997, để làm nhà cung cấp dịch vụ Internet thì ngoài các điều kiện về kỹ thuật, đơn vị xin làm ISP phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp do nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ.

Theo một chuyên viên phụ trách quan hệ khách hàng của một doanh nghiệp CNTT không tham gia thị trường này, điều quyết định là phải giải quyết được bài toán thu cước sử dụng của khách hàng. Đây quả thực là một vấn đề không đơn giản thời ấy và thậm chí chuyên viên này còn nói vui rằng chỉ có 4 ngành có thể làm ISP là bưu điện, điện lực, nước sạch và vệ sinh môi trường (!) vì họ có được một bộ máy rất chuyên nghiệp chuyên làm công việc này cùng sự tin cậy của khách hàng qua hàng chục năm.

Ở thời điểm đó, Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) chưa hề hiện diện trên thị trường Internet và có thể nói chỉ Công ty Điện toán & Truyền số liệu (VDC) là hoàn toàn có thể yên tâm về chuyện này bởi bài toán thu tiền cước của họ được thực hiện thông qua các bưu điện các địa phương cùng với dịch vụ thu cước điện thoại. Công ty Cổ phần Dịch vụ BCVT Sài Gòn (Saigon Postel) cũng có thể tương đối yên tâm vì họ tất yếu phải tổ chức được đội ngũ nhân viên thu cước điện thoại cố định phát triển tại TP. HCM và chính đội ngũ này cũng có trách nhiệm phải thu cước với các khách hàng sử dụng Internet (mạng Saigon Net).

Những khó khăn trong chuyện này có lẽ là điều mà hai nhà cung cấp FPT và Netnam phải có bài toán để giải quyết. Nếu không, với số lượng khách hàng phát triển được càng lớn thì việc tổ chức thu cước sử dụng sẽ lại càng là vấn đề và nếu không tổ chức quản lý tốt thì có thể dẫn đến thất thu.

Theo nguyên tắc, các khách hàng nợ đọng cước phí sử dụng sẽ bị cắt hợp đồng nhưng họ hoàn toàn vẫn có thể sử dụng tiếp nếu chuyển sang đăng ký với một ISP khác. Với FPT, chắc chắn đó là một bài toán phải tìm ra cách làm phù hợp bên cạnh việc tổ chức bộ máy nhân viên thu cước. Trong khi đó Netnam với tư cách là một ISP không chính thức do chưa phải là doanh nghiệp (tháng 5/1999, Netnam mới trở thành doanh nghiệp theo quy chế riêng của cơ quan trực thuộc viện nghiên cứu) thì đây là cả một vấn đề nan giải vì cả bộ máy của họ khi đó chẳng có ai chuyên trách cho công việc thu cước phí của khách hàng.

Bài toán phát hành thẻ cào

Sau gần 2 năm phát triển thị trường theo cách thức thu tiền trực tiếp của khách hàng tận nhà bên cạnh việc khách hàng tự nguyện nộp tiền tại trụ sở, FPT đã đi tiên phong với việc phát hành thẻ trả trước (thẻ cào) với các mệnh giá từ 100.000 - 500.000 đồng. Theo đó, khách hàng thay vì phải nộp tiền hàng tháng thì họ sẽ nạp mã số của thẻ và được sử dụng Internet quay số điện thoại (dial up) với mức giá cước hạ hơn so với thuê bao trả sau. Nhờ cách làm này, FPT đã giải quyết được về cơ bản bài toán phát triển thị trường trong điều kiện không tổ chức kịp. Tiếp sau đó, không chỉ có Netnam mà ngay cả VDC và Saigon Net cũng phát triển thuê bao theo hình thức này.

Chính sự phát triển của Internet theo hình thức "thẻ cào" đã tạo nên một thị trường khá sôi động tại Hà Nội và TP. HCM. Thậm chí đã có hẳn những doanh nghiệp đứng ra làm nhà thầu đầu mối để phát hành các loại thẻ cào của FPT, VDC, Saigon Net. Chính các doanh nghiệp này đã rất chủ động phát hành thẻ cào Internet đến mọi đối tượng có nhu cầu sử dụng Internet là cán bộ, công chức, nhân viên văn phòng, doanh nghiệp... và được biết, chính các chủ dịch vụ Internet khi đó lại là đối tượng tiêu thụ nhiều thẻ cào nhất không chỉ cho khách hàng mà cho nhu cầu của chính họ. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít ISP đã đẩy mạnh phát hành thẻ trả trước không tương xứng với việc nâng cấp hạ tầng của mình dẫn tới việc đã có nhiều khách hàng phải kêu ca về chất lượng Internet. Song điều đó cũng chỉ tồn tại không lâu khi dịch vụ Internet chuyển sang một chương mới với dịch vụ Internet tốc độ cao (ADSL) thay thế cho Internet dial up.

Kể từ năm 2004, các ISP phải chuyển dần sang cung cấp ADSL và chỉ khi chủ động được về hạ tầng thì mới có thể làm được. Sự chủ động về hạ tầng cũng đồng nghĩa với việc phải tổ chức được đội ngũ nhân viên thu cước tận nhà khách hàng bên cạnh việc khách hàng có thể chi trả tại văn phòng của họ hoặc chi trả thông qua tài khoản. Tuy nhiên, dẫu sao thì việc thu cước sử dụng Internet theo hình thức phát hành thẻ cào cũng là những dấu ấn của một giai đoạn trong lịch sử Internet Việt Nam và trong giai đoạn đó, hình thức thẻ cào Internet trong một chừng mực nào đó gần như không khác gì cách thức bán hàng của các mạng ĐTDĐ đã làm.

Thu hẹp khoảng cách số: Con đường rộng mở - 7/11/2007 15h:32

"Các chính phủ thường tập trung vào những lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe điện tử, chính phủ điện tử và văn hóa nhằm thu hẹp khoảng cách số. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách đi khác để mang những kỹ năng CNTT - TT đến với những khu vực kém phát triển", bà Trinna DeLeon, Phụ trách chương trình máy tính với hỗ trợ của chính phủ - Intel khu vực châu Á Thái Bình Dương chia sẻ.

Châu Á - Thái Bình Dương là thị trường Internet lớn nhất thế giới. Trong rất nhiều năm, những nền kinh tế phát triển ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đã chiếm thế thượng phong trong "Cuộc cách mạng về Internet". Trung Quốc cũng đang bắt kịp họ với hàng triệu người dùng được kết nối. Nhưng các quốc gia đang phát triển khác ở châu Á biểu hiện một mức độ tăng trưởng thấp hơn rất nhiều về mức độ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, một phần là do cơ sở hạ tầng yếu kém (hoặc thậm chí là chưa tồn tại), cước phí truy nhập đắt đỏ và sự chậm chạp trong việc thay đổi khung chính sách.

Tại hai hội nghị thượng đỉnh của thế giới về xã hội thông tin được tổ chức tại Geneva và Tunis, các chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết trong việc xây dựng một xã hội thông tin toàn diện, lấy con người và sự phát triển làm trung tâm, trong đó mọi người đều có thể truy nhập, sử dụng, chia sẻ thông tin và kiến thức.

Để thực hiện mục tiêu này, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến những khoản đầu tư chiến lược rất to lớn vào ICT, bởi cả các cơ quan chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân. Những khoản đầu tư đó về cơ bản bao gồm cơ sở hạ tầng, xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý và các cơ chế khuyên khích, thúc đẩy. Và những nơi tập trung lớn nhất là các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế điện tử, chính phủ điện tử, văn hóa và thương mại.

Tuy nhiên, trong khi những nỗ lực đó là rất đáng được biểu dương và mặc dù những lĩnh vực như giáo dục đào tạo là những lĩnh vực mấu chốt cần giải quyết thì câu chuyện vẫn chưa dừng ở đó. Nhiều quốc gia đang bắt đầu nhận ra rằng việc đó chỉ đơn thuần là tạo ra thêm nhiều nghìn sinh viên mới cho "thế giới thực", nhưng lại vẫn phải chịu những hạn chế về cơ hội việc làm như trước đây. Trừ khi có thêm nhiều việc làm, nếu không sẽ nảy sinh làn sóng thất nghiệp ở rất nhiều thị trường châu Á bởi một nền giáo dục đào tạo tốt hơn. Và một lĩnh vực mấu chốt có thể cải thiện tình hình là sự ưu tiên của các chính phủ trong đầu tư vào những năng lực và các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương.

Thị trường doanh nghiệp vừa và nhỏ: Miền đất hứa

Điều đáng ngạc nhiên là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 32% mức độ tiêu thụ máy tính cá nhân ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Các chính phủ hiện nay đang bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của thành phần kinh tế này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói. Nhưng vẫn tồn tại những cảm nhận rất khác biệt về các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc xem nhóm đối tượng này quá nhỏ bé, hoặc coi đó như một rào cản đối với các nhà đầu tư và khu vực công, hoặc coi đó là một yếu tố làm ngăn cản đầu tư, làm mất đi ý nghĩa thực tế rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cung cấp hàng nghìn việc làm và hỗ trợ, nuôi dưỡng những năng lực tại chỗ.

Ngoài khía cạnh quy mô, một khuynh hướng hấp dẫn khác của SMB thuần túy là vấn đề tài chính. Một nghiên cứu gần đây do AMI Partners tiến hành cho thấy, 32% trong tổng số 20 triệu SMB ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có sở hữu máy tính. Đáng hấp dẫn hơn nữa là các doanh nghiệp có sử dụng PC đã đạt tốc độ tăng trưởng trung bình gấp đôi mỗi năm với doanh số trung bình hàng năm đạt gấp khoảng 8 lần tốc độ tăng trưởng của những doanh nghiệp không sử dụng máy tính. Ẩn ý ở đây hết sức rõ ràng: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cải thiện cuộc sống thông qua sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Hành động để thay đổi

Với nhận thức ngày càng cao về việc chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là lực lượng quyết định, các chính phủ ủng hộ cho phát triển ICT như Hàn Quốc và Pakistan đang bắt đầu đưa ra các chính sách, các chương trình ứng dụng và hỗ trợ máy tính đã được khởi động trực tiếp hướng đến khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hàn Quốc nổi tiếng về cơ sở hạ tầng ICT rất phát triển, tuy nhiên khả năng truy nhập thông tin lại ngày càng khác biệt giữa các khu vực nông thôn và thành thị. Thêm vào đó, những cam kết quốc tế về FTA và WTO đã có ảnh hưởng rất lớn đến giá cả của sản phẩm nông nghiệp trong nước dẫn đến sự giảm sút rõ rệt trong thu nhập của các hộ gia đình. Trước vấn đề đó, Chính phủ và các công ty máy tính địa phương đã triển khai một chương trình hỗ trợ kết nối và hỗ trợ phần cứng cho những người nông dân dưới dạng các dự án về Những ngôi làng được kết nối tích hợp.

Bắt đầu bằng một chương trình thử nghiệm ban đầu với 25 ngôi làng được kết nối vào năm 2001, giờ đây dự án INV đã phủ khắp hàng trăm cộng đồng nông thôn, mỗi cộng đồng được hỗ trợ bởi khuôn khổ thị trường điện tử ổn định, được cá nhân hóa riêng theo đặc điểm của cộng đồng đó. Điều đó cho phép những người nông dân trong nước thực hiện mua bán sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu trên phạm vi khu vực chứ không chỉ bó hẹp trong thị trường địa phương.

Những nghiên cứu về IVN cho thấy một mức độ tăng trưởng thu nhập ấn tượng là 43% thông qua kinh doanh bằng thương mại điện tử. Giờ đây những người nông dân có thể tiếp cận đến những thông tin về thị trường toàn cầu, đồng thời các khoản đầu tư cũng làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động tại chỗ.

Là quốc gia đông dân thứ sáu trên thế giới, Pakistancó 168 triệu dân, trong đó độ tuổi chủ yếu là từ 18 - 40. Khi Chính phủ tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đào tạo, họ phải đối mặt với hiện trạng số sinh viên tốt nghiệp ra trường ngày càng lớn và tham gia vào con số 10% và thậm chí là cao hơn nữa về tỷ lệ người thất nghiệp. Xu hướng này đã dẫn đến sự ra đời của kế hoạch Rozga trên phạm vi toàn quốc.

Với mục đích cung cấp cơ hội việc làm cho giới trẻ và nâng cao mức độ sử dụng máy tính ở nông thôn, chính phủ (thông qua kế hoạch Rozgar) sẽ đầu tư 1,4 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Khoản đầu tư này sẽ được chia làm ba lĩnh vực: Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối và triển khai băng rộng; các chương trình đào tạo công dân để nâng cao trình độ kiến thức về ICT; và những hỗ trợ về tài chính dành cho các khoản vay để thành lập doanh nghiệp đối với những người thất nghiệp.

Những hỗ trợ tài chính ở dưới dạng các khoản hỗ trợ ưu đãi từ Ngân hàng Quốc gia Pakistan, và khế ước hoàn trả tạm thời từ các công ty tài chính. Các khoản vay có thể dành cho nhiều loại doanh nghiệp ICT khác nhau như các trạm điện thoại công cộng, những trung tâm liên lạc đầy đủ phương tiện hoặc các quán cà phê Internet. Những mục tiêu đặt ra là hết sức ấn tượng: tạo ra 1,8 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp ở các khu vực ngoại ô và nông thôn của Pakistan - và tất nhiên là nâng cao doanh số cũng như mức sống của chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Không còn nghi ngờ gì về việc lĩnh vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ hạt giống có thể cung cấp những lợi ích to lớn cho những cộng đồng mà họ phục vụ cũng như cho các quốc gia mà họ đang làm việc. Nhưng rào cản lớn nhất trong triển khai ICT ở mọi nơi là sự thiếu hiểu biết về những giá trị mà ICT có thể mang lại cho các doanh nghiệp. Giá cả hoặc chi phí của ICT cũng là một rào cản khác.

Điều cần nhớ là không nên chỉ đơn thuần dựa vào các chương trình của chính phủ mà phải huy động được sự tham gia cộng tác của các lĩnh vực công - tư nơi những người tham gia đóng góp tương ứng theo khả năng về nguồn lực và kiến thức. Sự thành công trong lĩnh vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất quan trọng này là hết sức cần thiết đối với những nền kinh tế đang phát triển và nó đòi hỏi có một sự thống nhất giữa chính phủ, ngành công nghiệp ICT và các đối tác khác trong hệ sinh thái như các công ty tài chính, các nhà khai thác dịch vụ viễn thông và các công ty phần mềm độc lập.

Người tiên phong trong lĩnh vực cung cấp tin qua mạng - 7/11/2007 15h:26

Với sự xuất hiện của Internet, rất nhiều dịch vụ đã được cung cấp qua mạng và không ít người trong giới báo chí đã đi đầu về việc này. Đến nay đã có không ít doanh nghiệp chuyên sống bằng việc cung cấp thông tin tổng thuật và phân tích dữ liệu từ báo chí nhưng cần phải nhìn lại một thời điểm lịch sử năm 1998.

Từ nhu cầu của báo chí nước ngoài

10 năm về trước, là trưởng phòng dịch thuật của tạp chí Vietnam Economic News (Bộ Thương mại), khi quan hệ với các đồng nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn Phạm Mười nhận thấy một thực tế là họ rất thiếu thông tin về Việt Nam, vì lúc đó cả nước chỉ có 2 tờ nhật báo tiếng Anh là Vietnam News của TTXVN và Saigon Times Daily của Thời báo Kinh tế Sài Gòn với những thông tin không thể đầy đủ mọi mặt. Chính vì vậy, nếu có một dịch vụ tổng thuật tóm tắt các tin tức mọi mặt từ báo chí Việt Nam thì chính họ sẽ là những khách hàng sẵn sàng chi trả tiền để tiết kiệm công sức cho mình và chủ động hơn trong công việc. Không chỉ có nguồn khách hàng này, chính các cơ quan ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng là những cơ quan rất cần cập nhật mọi tình hình thời sự của Việt Nam để phục vụ công việc của mình.

Chỉ vài tháng sau khi Việt Nam nối mạng Internet, ông Mười quyết định phải dấn thân vào công việc này. Bàn giao lại cương vị trưởng phòng dịch thuật cho người khác, ông lo tìm kiếm nhân sự để bắt tay vào công việc mới. Cả nhóm gồm 6 thành viên là những người có trình độ ngoại ngữ đủ ngưỡng đã căng mắt ra đọc hàng chục tờ báo tiếng Việt để rồi dịch thật nhanh và ngắn gọn tới mức không thể ngắn hơn được nữa sang tiếng Anh. Công việc tiếp theo là chuyển giao kết quả cho một biên tập viên người nước ngoài để chuẩn hoá ngôn ngữ rồi sắp xếp đúng trình tự cần thiết và gửi qua e-mail cho các báo chí nước ngoài và các địa chỉ cần tiếp thị.

Ngay lập tức, dịch vụ thông tin này đã có những phản hồi tích cực từ phía người sử dụng. Có một số vị đại sứ và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế chủ động gặp ông Mười để thực sự hiểu về dịch vụ thông tin mới lạ này trước khi chính thức ký hợp đồng. Thậm chí, cứ đến buổi trưa hàng ngày, nếu bản tin chưa được gửi hoặc bị trễ vì lý do đường truyền thì không ít khách hàng, đặc biệt là các báo chí nước ngoài đã không thể chờ đợi được và gọi điện thoại để "truy nã" nhà cung cấp. Dịch vụ thông tin bằng tiếng Anh sống được từ đó và cũng là những tiền đề để ra đời một doanh nghiệp về thông tin.

Doanh nghiệp về dịch vụ thông tin

Vì một số lý do, ông Nguyễn Phạm Mười cùng các thành viên của nhóm làm bản tin này chia tay toà soạn Vietnam Economic News từ tháng 9/1999. Công việc trong tình hình mới đòi hỏi một pháp nhân chính thức. Ông Mười cùng một thành viên sáng lập khác đã "gõ cửa" cơ quan chức năng là Sở KH&ĐT Hà Nội để đăng ký thành lập doanh nghiệp lấy tên là Toàn Việt. Cái khó cho việc này vì Toàn Việt là doanh nghiệp đầu tiên và chưa có tiền lệ nên mọi thủ tục là rất không đơn giản. May rằng Luật Doanh nghiệp có một điều khoản là cho phép doanh nghiệp thực hiện dịch vụ "cung cấp thông tin phục vụ kinh doanh" và chỉ khi tìm ra căn cứ này thì Sở KH&ĐT mới cho phép thành lập.

Không chỉ có khách hàng nước ngoài, dần dần chính các cơ quan trong nước cũng nhận thấy đó là nhu cầu của mình và đặt hàng dịch vụ. Đầu tiên là yêu cầu theo dõi thông tin liên quan đến sự cố máy tính năm 2000 của một cơ quan nhà nước có trách nhiệm. Tiếp đó một cơ quan của Chính phủ đã yêu cầu theo dõi, tổng thuật tóm tắt về hoạt động của hệ thống doanh nghiệp trên toàn quốc. Tuy số tiền của các khách hàng trong nước có thể chi trả là không cao và cũng không có nhiều khách hàng nhưng theo ông Mười, đó chính là những đảm bảo về sự hữu ích của Toàn Việt mà nhiều người từng lo ngại về sự nhạy cảm của dịch vụ này.

Là người đi trước, Toàn Việt có rất nhiều lợi thế do đã chiếm lĩnh được thị phần về tiếng Anh và các doanh nghiệp đi sau không dễ gì tranh phần được. Chính sự thành công của dịch vụ này cũng là tiền đề để Toàn Việt đầu tư sang các dịch vụ khác và điều mà ông Mười rất kỳ vọng là khi thị trường chứng khoán được mở ra thì các nhà đầu tư cổ phiếu sẽ rất cần biết đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và đó chính là cơ hội lớn của Toàn Việt. Chính vì thế mà trong bối cảnh hiện nay, Toàn Việt đã và đang là một địa chỉ tin cậy để trước hết chính các công ty chứng khoán quan tâm và đặt hàng những nghiên cứu, phân tích số liệu thị trường.

Câu chuyện về sự ra đời và thành công của một doanh nghiệp tư nhân như Toàn Việt chẳng có gì đáng nói nếu không đặt nó trong bối cảnh của sự phát triển Internet Việt Nam 10 năm qua. Chính Internet đã là môi trường rất thuận lợi để sản sinh ra những doanh nghiệp mới, với những ngành nghề kinh doanh mới, và đó cũng là công cụ kinh doanh vô cùng hữu ích với những ai thực sự nhiệt huyết và sáng tạo.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #cntt#luat