Thông tư 20/2018 CHUẨN NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

Số: 20/2018/TT-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2018

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHUẨN NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG



KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG: Nguyễn Hữu Độ

QUY ĐỊNH CHUẨN NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi là chuẩn nghề nghiệp giáo viên), hướng dẫn sử dụng chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

2. Quy định này áp dụng đối với giáo viên trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Mục đích ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên

1. Làm căn cứ để giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

2. Làm căn cứ để cơ sở giáo dục phổ thông đánh giá phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên; xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, địa phương và của ngành Giáo dục.

3. Làm căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; lựa chọn, sử dụng đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

4. Làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phẩm chất là tư tưởng, đạo đức, lối sống của giáo viên trong thực hiện công việc, nhiệm vụ.

2. Năng lực là khả năng thực hiện công việc, nhiệm vụ của giáo viên.

3. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông là hệ thống phẩm chất, năng lực mà giáo viên cần đạt được để thực hiện nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

4. Tiêu chuẩn là yêu cầu về phẩm chất, năng lực ở từng lĩnh vực của chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

5. Tiêu chí là yêu cầu về phẩm chất, năng lực thành phần của tiêu chuẩn.

6. Mức của tiêu chí là cấp độ đạt được trong phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi tiêu chí. Có ba mức đối với mỗi tiêu chí theo cấp độ tăng dần: mức đạt, mức khá, mức tốt; mức cao hơn đã bao gồm các yêu cầu ở mức thấp hơn liền kề.

a) Mức đạt: Có phẩm chất, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao trong dạy học và giáo dục học sinh theo quy định;

b) Mức khá: Có phẩm chất, năng lực tự học, tự rèn luyện, chủ động đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ được giao;

c) Mức tốt: Có ảnh hưởng tích cực đến học sinh, đồng nghiệp, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông và phát triển giáo dục địa phương.

7. Minh chứng là các bằng chứng (tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng, nhân chứng) được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức độ đạt được của tiêu chí.

8. Đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên là việc xác định mức độ đạt được về phẩm chất, năng lực của giáo viên theo quy định của chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

9. Giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán là giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông có phẩm chất đạo đức tốt; hiểu biết về tình hình giáo dục; có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt; có uy tín trong tập thể nhà trường; có năng lực tham mưu, tư vấn, hỗ trợ, dẫn dắt, chia sẻ đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và trong hoạt động bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp.

10. Học liệu số là các tài liệu, dữ liệu thông tin, tài nguyên được số hóa, lưu trữ phục vụ cho việc dạy và học.

Chương II. CHUẨN NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN

Điều 4. Tiêu chuẩn 1. Phẩm chất nhà giáo

Tuân thủ các quy định và rèn luyện về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức và tạo dựng phong cách nhà giáo.

1. Tiêu chí 1. Đạo đức nhà giáo

a) Mức đạt: Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo;

b) Mức khá: Có tinh thần tự học, tự rèn luyện và phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo;

c) Mức tốt: Là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo.

2. Tiêu chí 2. Phong cách nhà giáo

a) Mức đạt: Có tác phong và cách thức làm việc phù hợp với công việc của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông;

b) Mức khá: Có ý thức tự rèn luyện tạo phong cách nhà giáo mẫu mực; ảnh hưởng tốt đến học sinh;

c) Mức tốt: Là tấm gương mẫu mực về phong cách nhà giáo; ảnh hưởng tốt và hỗ trợ đồng nghiệp hình thành phong cách nhà giáo.

Điều 5. Tiêu chuẩn 2. Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ

Nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

1. Tiêu chí 3. Phát triển chuyên môn bản thân

a) Mức đạt: Đạt chuẩn trình độ đào tạo và hoàn thành đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn theo quy định; có kế hoạch thường xuyên học tập, bồi dưỡng phát triển chuyên môn bản thân;

b) Mức khá: Chủ động nghiên cứu, cập nhật kịp thời yêu cầu đổi mới về kiến thức chuyên môn; vận dụng sáng tạo, phù hợp các hình thức, phương pháp và lựa chọn nội dung học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân;

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chuyên môn của bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

2. Tiêu chí 4. Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

a) Mức đạt: Xây dựng được kế hoạch dạy học và giáo dục;

b) Mức khá: Chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương;

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục.

3. Tiêu chí 5. Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

a) Mức đạt: Áp dụng được các phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh;

b) Mức khá: Chủ động cập nhật, vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học và giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế;

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp về kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm vận dụng những phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

4. Tiêu chí 6. Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

a) Mức đạt: Sử dụng các phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập và sự tiến bộ của học sinh;

b) Mức khá: Chủ động cập nhật, vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp, công cụ kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp kinh nghiệm triển khai hiệu quả việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập và sự tiến bộ của học sinh.

5. Tiêu chí 7. Tư vấn và hỗ trợ học sinh

a) Mức đạt: Hiểu các đối tượng học sinh và nắm vững quy định về công tác tư vấn và hỗ trợ học sinh; thực hiện lồng ghép hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục;

b) Mức khá: Thực hiện hiệu quả các biện pháp tư vấn và hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục;

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp kinh nghiệm triển khai hiệu quả hoạt động tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục.

Điều 6. Tiêu chuẩn 3. Xây dựng môi trường giáo dục

Thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường

1. Tiêu chí 8. Xây dựng văn hóa nhà trường

a) Mức đạt: Thực hiện đầy đủ nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử của nhà trường theo quy định;

b) Mức khá: Đề xuất biện pháp thực hiện hiệu quả nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử của nhà trường theo quy định; có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả các vi phạm nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử trong lớp học và nhà trường trong phạm vi phụ trách (nếu có);

c) Mức tốt: Là tấm gương mẫu mực, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường.

2. Tiêu chí 9. Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường

a) Mức đạt: Thực hiện đầy đủ các quy định về quyền dân chủ trong nhà trường, tổ chức học sinh thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường;

b) Mức khá: Đề xuất biện pháp phát huy quyền dân chủ của học sinh, của bản thân, cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ và đồng nghiệp trong nhà trường; phát hiện, phản ánh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế dân chủ của học sinh (nếu có);

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc thực hiện và phát huy quyền dân chủ của học sinh, của bản thân, cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ và đồng nghiệp.

3. Tiêu chí 10. Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường

a) Mức đạt: Thực hiện đầy đủ các quy định của nhà trường về trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường;

b) Mức khá: Đề xuất biện pháp xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường; phát hiện, phản ánh, ngăn chặn, xử lí kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường (nếu có);

c) Mức tốt: Là điển hình tiên tiến về thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường.

Điều 7. Tiêu chuẩn 4. Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Tham gia tổ chức và thực hiện các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

1. Tiêu chí 11. Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan

a) Mức đạt: Thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành đối với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan;

b) Mức khá: Tạo dựng mối quan hệ lành mạnh, tin tưởng với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan;

c) Mức tốt: Đề xuất với nhà trường các biện pháp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan.

2. Tiêu chí 12. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh

a) Mức đạt: Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình học tập, rèn luyện của học sinh ở trên lớp; thông tin về chương trình, kế hoạch dạy học môn học và hoạt động giáo dục cho cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên có liên quan; tiếp nhận thông tin từ cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên có liên quan về tình hình học tập, rèn luyện của học sinh;

b) Mức khá: Chủ động phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan trong việc thực hiện các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ và động viên học sinh học tập, thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học môn học và hoạt động giáo dục;

c) Mức tốt: Giải quyết kịp thời các thông tin phản hồi từ cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan về quá trình học tập, rèn luyện và thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học môn học và hoạt động giáo dục của học sinh.

3. Tiêu chí 13. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

a) Mức đạt: Tham gia tổ chức, cung cấp thông tin về nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử của nhà trường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan; tiếp nhận thông tin từ cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan về đạo đức, lối sống của học sinh;

b) Mức khá: Chủ động phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan trong thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh;

c) Mức tốt: Giải quyết kịp thời các thông tin phản hồi từ cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Điều 8. Tiêu chuẩn 5. Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục

Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

1. Tiêu chí 14. Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc

a) Mức đạt: Có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

b) Mức khá: Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày hoặc chủ đề đơn giản, quen thuộc liên quan đến hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc biết ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

c) Mức tốt: Có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

2. Tiêu chí 15. Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục

a) Mức đạt: Sử dụng được các phần mềm ứng dụng cơ bản, thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục và quản lý học sinh theo quy định; hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng, khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục theo quy định;

b) Mức khá: Ứng dụng công nghệ thông tin và học liệu số trong hoạt động dạy học, giáo dục; cập nhật và sử dụng hiệu quả các phần mềm; khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học, giáo dục;

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học, giáo dục tộc;

Chương III. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CHUẨN NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN

Điều 9. Yêu cầu đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên

1. Khách quan, toàn diện, công bằng và dân chủ.

2. Dựa trên phẩm chất, năng lực và quá trình làm việc của giáo viên trong điều kiện cụ thể của nhà trường và địa phương.

3. Căn cứ vào mức của từng tiêu chí đạt được tại Chương II Quy định này và có các minh chứng xác thực, phù hợp.

Điều 10. Quy trình đánh giá và xếp loại kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên

1. Quy trình đánh giá

a) Giáo viên tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên;

b) Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lấy ý kiến của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên được đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên;

c) Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá giáo viên trên cơ sở kết quả tự đánh giá của giáo viên, ý kiến của đồng nghiệp và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của giáo viên thông qua minh chứng xác thực, phù hợp.

2. Xếp loại kết quả đánh giá

a) Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt: Có tất cả các tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt mức tốt, trong đó có các tiêu chí tại Điều 5 Quy định này đạt mức tốt;

b) Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá: Có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí tại Điều 5 Quy định này đạt mức khá trở lên;

c) Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt: Có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên;

d) Chưa đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên: Có tiêu chí được đánh giá chưa đạt (tiêu chí được đánh giá chưa đạt khi không đáp ứng yêu cầu mức đạt của tiêu chí đó).

Điều 11. Chu kỳ đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên

1. Giáo viên tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học.

2. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá giáo viên theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học.

3. Trong trường hợp đặc biệt, được sự đồng ý của cơ quan quản lý cấp trên, nhà trường rút ngắn chu kỳ đánh giá giáo viên.

Điều 12. Giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

1. Tiêu chuẩn lựa chọn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán

a) Là giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông có ít nhất 05 năm kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp ở cùng cấp học cho tới thời điểm xét chọn;

b) Được xếp loại đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên đạt mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí tại Điều 5 Quy định này phải đạt mức tốt;

c) Có khả năng thiết kế, triển khai các giờ dạy mẫu, tổ chức các tọa đàm, hội thảo, bồi dưỡng về phương pháp, kỹ thuật dạy học, giáo dục, nội dung đổi mới liên quan đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và bồi dưỡng cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn tham khảo và học tập;

d) Có khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục, xây dựng và phát triển học liệu số, bồi dưỡng giáo viên;

e) Có nguyện vọng trở thành giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

Trong trường hợp cơ sở giáo dục phổ thông có số lượng giáo viên đáp ứng các điều kiện được quy định tại điểm a, b, c, d, e khoản 1 Điều này nhiều hơn theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên thì ưu tiên lựa chọn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán dựa trên các tiêu chuẩn sau: có trình độ trên chuẩn trình độ đào tạo; được xếp loại đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt; được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc trong dạy học, giáo dục; có sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật, giải pháp đổi mới trong dạy học và giáo dục được công nhận và sử dụng rộng rãi trong nhà trường, tại địa phương.

2. Quy trình lựa chọn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán

a) Cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn và đề xuất giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên;

b) Trưởng phòng giáo dục và đào tạo lựa chọn và phê duyệt giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán theo thẩm quyền; báo cáo sở giáo dục và đào tạo;

c) Giám đốc sở giáo dục và đào tạo lựa chọn và phê duyệt danh sách giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán theo thẩm quyền; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu.

3. Nhiệm vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán

a) Hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn phát triển phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, phù hợp với điều kiện nhà trường, địa phương;

b) Hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn các vấn đề liên quan đến đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục cho học sinh; tham gia biên soạn tài liệu chuyên đề môn học, tài liệu hướng dẫn (cho giáo viên, học sinh); tổ chức hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học cho học sinh theo yêu cầu của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và cơ quan quản lý;

c) Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn về các hoạt động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giảng dạy môn học; về việc thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng internet; về bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong trường hoặc các trường trên địa bàn; tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu hàng năm của ngành (cấp phòng, sở, Bộ);

d) Tham mưu, tư vấn cho cấp quản lí trực tiếp về công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm bảo đảm mục tiêu, chất lượng dạy học, giáo dục và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên; tham gia tổ chức, báo cáo chuyên môn, nghiệp vụ tại các hội nghị chuyên đề, các buổi sinh hoạt chuyên môn của trường hoặc các trường trên địa bàn;

e) Thực hiện kết nối, hợp tác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học giáo dục (đặc biệt là khoa học sư phạm ứng dụng).

Chương IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của văn bản này; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Điều 14. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo

1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy định này theo thẩm quyền; cập nhật, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên trước ngày 30 tháng 6 hằng năm.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo thẩm quyền dựa trên kết quả đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Điều 15. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo

1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy định này theo thẩm quyền; cập nhật, báo cáo sở giáo dục và đào tạo kết quả đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo thẩm quyền dựa trên kết quả đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Điều 16. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục phổ thông

1. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông chỉ đạo, tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên; cập nhật, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên kết quả đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo thẩm quyền dựa trên kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

3. Tham mưu với cơ quan quản lý cấp trên, chính quyền địa phương về công tác quản lý, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông dựa trên kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #law