Thiên 1 [学而 Học nhi]: 1.10

_Nguyên văn_

子禽问於子贡曰:夫子至於是邦也,必闻其政,求之与,抑与之与? ”

子贡曰:“夫子温,良, 恭,俭,让以得之。夫子之求之也,其诸异乎人之求之与 ?”

_Phiên âm_

Tử Cầm vấn ư Tử Cống viết: Phu tử chí ư thị bang dã; tất văn kỳ chính, cầu chi dự, ức dữ chi dự ?

Tử Cống viết: Phu tử ôn, lương, cung, kiệm, nhượng dĩ đắc chi. Phu tử chi cầu chi dã, kỳ chư dị hồ nhân chi cầu chi dự ?

_Dịch nghĩa_

Thầy Tử Cầm hỏi thầy Tử Cống: “Thầy ta đến nước nào, ắt nghe việc chính trị nước ấy. Thầy cầu nghe đó sao? Hay thầy được cho nghe đó sao?”

Thầy Tử Cống nói: “Thầy ta thì ôn hoà, lương thiện, cung kính, kiệm ước, khiêm nhượng, nhờ đó mà được mời nghe. Cách cầu nghe của thầy ta, chẳng phải khác với cách cầu nghe của người khác đó sao?”

_Kiến giải_

Trong đoạn văn trên, “thầy ta” (phu tử) chỉ Đức Khổng Tử. Vào thời Xuân Thu, sau khi gặp sự bất như ý ở nước Lỗ, quê hương mình, Đức Khổng Tử cùng một số đệ tử đi chu du liệt quốc trong 13 năm. Đến nước nào, Ngài cũng được vua quan chào đón ân cần và hỏi han về việc chính trị. Thấy vậy, thầy Tử Cầm mới hỏi thầy Tử Cống xem có phải Đức Khổng Tử cầu cạnh để được nghe về chính trị nước ấy, hay Ngài được các vua quan cho nghe và hỏi ý kiến.

Thầy Tử Cống giải thích rằng, Đức Khổng Tử có những đức tính tốt như: ôn hoà, lương thiện, cung kính, kiệm ước, khiêm nhượng. Nhờ những đức tính này và có tiếng là người học rộng biết nhiều, đã từng cai trị thành công ở nước Lỗ, đi tới đâu Ngài cũng được trọng vọng. Như thế, không phải Ngài cầu cạnh mà chính tài năng, đức hạnh của Ngài có một năng lực vô hình khiến cho các vua quan tìm kiếm mình. Nếu gọi là cách cầu, thì cách cầu của Đức Khổng Tử khác xa với cách cầu của người thường. Người thường cầu cạnh bằng lễ vật, đút lót hay nhờ lời giới thiệu. Còn Đức Khổng Tử thì chỉ tự biểu hiện tài đức để thu hút sự tìm kiếm của người.

Sở dĩ Ngài không được các vua liệt quốc thời ấy trọng dụng vì Ngài chủ trương một nền chính trị lấy đức nhân, lấy sự tu thân làm nền tảng; trong khi các vua chỉ muốn dùng bá thuật, cường quyền để cai trị và không muốn tự sửa mình theo tiêu chuẩn đạo đức.

_Chú thích_

Thầy Tử Cầm có tên là Trần Cang. Thầy Tử Cống là Đoan Mộc Tứ, có tài ăn nói hoạt bát. Cả hai đều là đệ tử của Đức Khổng Tử. Riêng Tử Cống ở trong nhóm Nhan Hồi, Tăng Sâm là những đệ tử xuất sắc.

Ôn: ôn hòa, lương: hiền dịu, cung: cung kính, kiệm: tiết kiệm, nhượng: nhường nhịn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lichsu