Thiên 1 [学而 Học nhi]: 1.1

_Nguyên văn_

子曰: 學而時習之,不亦說乎?有朋自遠方來,不亦樂 乎?人不知而不慍,不亦君子乎?

_Phiên âm_

Tử viết:
“Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?
Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?
Nhân bất tri, nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?”

_Dịch nghĩa_

Đức Khổng tử nói:
“Học rồi mà tùy thời ôn tập, lại chẳng đẹp lòng sao?
Có bạn bè từ phương xa đến, lại chẳng vui thích sao?
Người ta không biết đến mình, mà mình không giận hờn, chẳng phải là bậc quân tử đó sao?"

_Kiến giải_

Chữ “học” ở câu nói này là tinh thần của Đức Khổng Tử và cũng là chung cho toàn bộ tư tưởng sách Luận ngữ không nhằm chỉ cái học chuyên môn về một nghề nghiệp hay một kỹ thuật nào, mà là nói học đạo lý để trở thành bậc quân tử.

Đạo của người quân tử là đạo nhất quán, bao gồm cả nhân đạo, thiên đạo và thánh đạo. Đạo này cũng có tên khác là đạo Trung dung, được bàn kỹ trong sách Trung dung.

"Học" không phải chỉ về học hình thức, mà là học về đạo lý, học của bậc quân tử.

Chính vì người quân tử học theo đạo ấy, nên những lúc rảnh rỗi ôn tập lại và thực hành, thấy mình tăng tiến trong đạo, lại chẳng thấy đẹp lòng lắm sao?

Mình đã vui trong việc học, nay lại được bạn bè cùng quan điểm, cùng với mình đồng thanh đồng khí (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu), từ xa đến thăm để cùng nhau bàn hỏi về lẽ đạo nhiệm mầu, lại chẳng vui thích lắm sao?

Học ở đây là học làm người quân tử, mà người quân tử ắt cầu đạo chứ không cầu danh. Vì vậy, dù người ta không biết đến tiếng tăm của mình, tài năng không có cơ hội thi triển, thì người học đạo cũng không cảm thấy buồn giận, luôn thanh thản an nhiên; điều ấy chẳng phải là xứng đáng nhân cách của bậc quân tử đó sao?

_Chú thích_

Quân tử là người hiểu biết đạo lý làm người và cố gắng cư xử theo đạo lý ấy.

Theo đạo Nho, quân tử là mẫu người lý tưởng ở cấp độ thứ ba, sau bậc hiền và bậc thánh.

Bậc hiền là người quân tử thành tựu được đức nhân.

Bậc hiền thêm đức thành nữa là trở thành bậc thánh.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lichsu