luận điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc?

Câu 4: Phân tích và chứng minh bằng thực tiễn lịch sử Việt Nam những luận điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc?

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc có nội dung thể hiện qua hệ thống các luận điểm cơ bản như sau:

- Cách mạng giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản mới giành được thắng lợi hoàn toàn.

Hồ Chí Minh nghiên cứu phát triển yêu nước đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều bị thất bại do các phong trào này chưa có đường lối và phương pháp đấu tranh đúng đắn.

Các nước đế quốc liên kết với nhau đàn áp thống trị thuộc địa. Các thuộc dịa đã trở thành nơi cung cấp nguyên liệu, vật liệu cho công nghiệp và cung cấp binh lính cho quân đội đế quốc đàn áp các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chính quốc.

Hồ Chí Minh xác định cách mạng giải phóng và cách mạng vô sản chính quốc có chung một kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc thực dân. Hồ Chí Minh chỉ ra: Chủ nghĩa đế quốc như con đỉa hai vòi... và cách mạng giải phóng thuộc địa như cái cánh của cách mạng vô sản.

Vì vậy cách mạng giải phóng ở thuộc địa phải gắn bó chặt chẽ với cách mạng vô sản ở chính quốc, và phải đi theo con đường cách mạng vô sản mới giành được thắng lợi hoàn toàn.

- Cách mạng giải phóng dân tộc phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo mới giành được thắng lợi.

Các lực lượng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) đều thất bại do chưa có một đường lối đúng đắn, chưa có một cơ sở lý luận dẫn đường.

Nguyễn ái Quốc phân tích và cho rằng, những người giác ngộ và cả nhân dân ta đều nhận thấy: làm cách mạng thì sống, không làm cách mạng thì chết. Nhưng cách mạng giải phóng dân tộc muốn thành công, theo Người trước tiên phải có đảng cách mạng lãnh đạo. Đảng có vững cách mạng mới thành công. Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin. Cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi phải đi theo chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin.

Đảng cách mạng của giai cấp công nhân được trang bị lý luận Mác-Lênin, lý luận cách mạng và khoa học mới đủ sức đề ra chiến lược và sách lược giải phóng dân tộc theo quỹ đạo cách mạng vô sản, đó là tiền đề đầu tiên đưa cách mạng giải phóng đến thắng lợi.

- Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp đoàn kết của toàn dân, trên cơ sở liên minh công nông.

Thấm nhuần nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn ái Quốc khẳng định: Việt Nam làm cách mạng giải phóng dân tộc, đó "là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người". Cách mạng muốn thắng lợi phải đoàn kết toàn dân, phải làm cho "sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền". Trong sự nghiệp này phải lấy "công nông là người chủ cách mệnh... Công nông là cái gốc cách mệnh".

Để đoàn kết toàn dân tộc, Nguyễn ái Quốc chủ trương xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để liên kết sức mạnh toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Khi soạn thảo cương lĩnh đầu tiên của Đảng (1930), trong Sách lược vắn tắt, Nguyễn ái Quốc chủ trương: "Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt... để kéo họ đi về phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú, nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến...) thì phải đánh đổ". Sách lược này phải được thực hiện trên quan điểm giai cấp vững vàng- như Người xác định: "Công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ cũng bị tư sản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; ba hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi". Và "Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp".

Năm 1941, Nguyễn ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, Người đề xuất với Đảng thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Người chủ trị Hội nghị Trung ương tám (5-1941) của Đảng và đã đi đến nghị quyết xác định "lực lượng cách mạng là khối đoàn kết toàn dân tộc", "không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp- Nhật xâm chiếm nước ta". Tháng 9-1955, Hồ Chí Minh khẳng định: "Mặt trậnViệt Minh đã giúp cách mạng Tháng Tám thành công".

- Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.

Đây là luận điểm quan trọng, chẳng những thể hiện sự vận dụng sáng tạo mà còn là một bước phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh.

Mác-Ăngghen chưa có điều kiện bàn nhiều về cách mạng giải phóng dân tộc, các ông mới tập trung bàn về thắng lợi của cách mạng vô sản. Năm 1919, Quốc tế III ra đời đã chú ý tới cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng còn đánh giá thấp vai trò của nó và cho rằng thắng lợi của cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc. Ngay Tuyên ngôn thành lập Quốc tế III có viết: "Công nhân và nông dân không những ở An Nam, Angiêri, bengan mà cả ở Ba Tư hay ácmênia chỉ có thể giành được độc lập khi mà công nhân ở các nước Anh và Pháp lật đổ được Lôiit Gioocgiơ và Clêmăngxô, giành chính quyền nhà nước vào tay mình".

Cho đến tháng 9-1928, Đại hội VI của Quốc tế III vẫn cho rằng: "Chỉ có thể thực hiện hoàn toàn công cuộc giải phóng các thuộc địa khi giai cấp vô sản giành được thắng lợi ở các nước tư bản tiên tiến".

Vận dụng quan điểm của Lênin về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng ở thuộc địa, vào tháng 6-1924, Nguyễn ái Quốc cho rằng: "Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa..., nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các nước thuộc địa". Vì vậy, nếu khinh thường cách mạng ở thuộc địa tức là "muốn đánh chết rắn đằng đuôi".

Trong Điều lệ của hội Liên hiệp lao động quốc tế, Mác viết: "Sự nghiệp giải phóng của giai cấp công nhân phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp công nhân". Vào năm 1925, khi nói với các dân tộc thuộc địa, một lần nữa Nguyễn ái Quốc khẳng định: "Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em".

Theo Nguyễn ái Quốc: "Cách mạng thuộc địa không những phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước" và cách mạng thuộc địa "trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn".

Chỉ có thể bằng chủ động nỗ lực vượt bậc của các dân tộc thuộc địa thì cách mạng giải phóng dân tộc mới giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc được. Vì vậy, năm 1945 Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân Việt Nam "phải đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

- Cách mạng giải phóng dân tộc phải được thực hiện bằng con đường bạo lực, kết hợp lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ trang nhân dân.

+ Theo Mác: bạo lực là bà đỡ của mọi chính quyền cách mạng vì giai cấp thống trị bóc lột không bao giờ tự giao chính quyền cho lực lượng cách mạng.

+ Theo Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc phải được thực hiện bằng con đường bạo lực được quy định bởi các yếu tố:

Sự thống trị của thực dân đế quốc ở thuộc địa vô cùng hà khắc, không hề có một chút quyền tự do dân chủ nào, không có cơ sở nào thực hành đấu tranh không bạo lực.

Cách mạng giải phóng dân tộc là lật đổ chế độ thực dân phong kiến giành chính quyền về tay cách mạng, nó phải được thực hiện bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Như ở Việt Nam, Hồ Chí Minh xác định đó là từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

+ Những sáng tạo và phát triển nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lênin về con đường bạo lực ở Hồ Chí Minh là ở chỗ:

Khởi nghĩa vũ trang đương nhiên phải dùng vũ khí, phải chiến đấu bằng lực lượng vũ trang, nhưng không phải chỉ là một cuộc đấu tranh quân sự, mà là nhân dân vùng dậy, dùng vũ khí đuổi quân cướp nước. Đó là một cuộc đấu tranh to tát về chính trị và quân sự, là việc quan trọng, làm đúng thì thành công, làm sai thì thất bại.

Bởi vậy con đường bạo lực của Hồ Chí Minh là phải xây dựng hai lực lượng chính trị và vũ trang, trước hết là lực lượng chính trị.

Thực hành con đường bạo lực của Hồ Chí Minh là tiến hành đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, khi điều kiện cho phép thì thực hành đấu tranh ngoại giao; đồng thời phải biết kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao để giành và giữ chính quyền.

Mặt khác kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Trung Quốc, ấn Độ... và của Việt Nam trước năm 1930 cho thấy đấu tranh chống đế quốc thực dân giành độc lập dân tộc chỉ thuần túy đấu tranh vũ trang, hoặc đấu tranh hòa bình đều thất bại.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám và thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đã khẳng định tính đúng đắn cách mạng và sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top