Võ tướng hẩm hiu nhất Tam Quốc bị lãng quên
Từng đánh bại Tôn Sách - Tôn Quyền và giúp Tào Tháo - Lưu Bị bình thiên hạ, song số phận bị lịch sử lãng quên của nhân vật văn võ song toàn này khiến hậu thế không khỏi tiếc nuối.
Vào cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, những cuộc chiến tranh giữa các thế lực chư hầu nổi lên ở khắp nơi trên lãnh thổ Trung Hoa. Giai đoạn loạn lạc ấy cũng vì vậy mà thường được ví như một bệ đỡ giúp các võ tướng, mưu sĩ có cơ hội khắc ghi tên mình vào lịch sử.
Thế nhưng sự thực là ở vào thời kỳ võ tướng, mưu sĩ nhiều không đếm xuể như vậy, số nhân tài văn võ song toàn lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Và vị tướng vô tình bị hậu thế bỏ quên dưới đây cũng nằm trong số đó.
Vào thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của mình, nhân vật toàn tài này vẫn thường được ca tụng là người hội tài năng của cả võ tướng và mưu sĩ. Chỉ tiếc rằng sự vô tình của lịch sử đã khiến tên tuổi của ông bị thời gian vùi dập, thậm chí không ít những công lao quan trọng mà ông đóng góp cho thời thế cũng chìm vào quên lãng.
Vị tướng có số phận hẩm hiu nói trên chính là Trần Đăng – nhân vật lịch sử đóng vai trò trọng yếu trong việc phân định thế cục thời Tam Quốc.
Hé lộ danh tính của nhân tài văn võ song toàn hiếm có trong thời đại quần hùng tranh bá
Trần Đăng (169 – 208), tự Nguyên Long, là quan viên, tướng lĩnh cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông được sử sách đánh giá là người thông minh học rộng, đọc qua rất nhiều sách vở và có nhiều nhận định về thời cuộc vô cùng sâu sắc.
Tương truyền rằng Trần Đăng từ thuở thiếu thời đã nuôi chí lớn, tới năm 25 tuổi thì được cử làm Hiếu liêm và đề bạt lên chức Huyện trưởng huyện Đông Dương. Trong thời gian nhậm chức tại địa phương này, ông rất được lòng dân chúng nơi đây vì thường xuyên quan tâm và chăm lo cho cuộc sống của bách tính trong vùng.
Khi nạn đói ập tới khu vực này, thứ sử Từ Châu lúc đó là Đào Khiêm đã bổ nhiệm ông làm Điển nông giáo ý – chức quan chuyên phụ trách chăm lo việc phát triển nông nghiệp.
Với những kiến thức sâu rộng và cái tâm của người làm quan, các đóng góp của Trần Đăng đã đem lại vụ mùa bội thu cho người dân nơi đây. Con đường quan lộ của ông cũng nhờ đó mà càng lúc càng trở nên rộng mở.
Trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa", nhân vật Trần Đăng xuất hiện từ hồi thứ 11 cho tới hồi thứ 23. Dưới ngòi bút của La Quán Trung, hình tượng của ông trong tác phẩm này bị miêu tả là một người phản trắc.
Theo đó, Trần Đăng được tiến cử làm quan trong giai đoạn chuyển tiếp khi Đào Khiêm trao Từ Châu cho Lưu Bị. Ông và người cha Trần Khuê sau đó đã đóng vai trò rất lớn trong kế hoạch lung lạc, hãm hại Lữ Bố ở Từ Châu để giúp Tào Tháo đánh bại chư hầu này.
Không chỉ chấp nhận làm "tay trong", Trần Đăng trong "Tam Quốc diễn nghĩa" còn là kiểu người gió chiều nào che chiều nấy, lúc thì ngả theo Tào Tháo, khi lại hùa theo Lưu Bị. Kể từ sau sự kiện làm phản Quan Vũ khiến cho vị tướng này mất thành và buộc phải hàng Tào, Trần Đăng cũng không còn được La Quán Trung nhắc tới trong các tình tiết sau đó nữa.
Tuy nhiên khác với hình tượng mưu mô và phản trắc trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Trần Đăng ngoài đời thật lại là nhân vật sở hữu tính cách và tài năng trái ngược hoàn toàn.
Ông từng đánh bại Tôn Sách, khiến Tôn Quyền khiếp đảm, giúp Tào Tháo, Lưu Bị bình thiên hạ, đồng thời còn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phân địch thế cục Tam Quốc sau này.
Số phận hẩm hiu của nhân vật từng khiến các quân chủ khét tiếng Tam Quốc phải thán phục, nể sợ
Năm Hưng Bình thứ nhất (tức năm 194), Thứ sử Từ Châu là Đào Khiêm qua đời. Trước lúc lâm chung, ông vốn có lòng trao mảnh đất trong tay mình cho Lưu Bị.
Theo Bách khoa Toàn thư Trung Quốc, Lưu Huyền Đức khi đó tuy có chí bình thiên hạ nhưng lại lo lắng chư hầu không phục, bởi dẫu sao ông cũng từng nương nhờ nhiều thế lực và có tới không ít lần đổi chủ.
Hơn nữa, đối với việc phải chấp nhận nắm trong tay một mảnh đất Từ Châu không có quá nhiều ưu thế nổi bật, Lưu Bị trước sau vẫn luôn chần chừ. Và vị quân chủ ấy chỉ thực sự hạ quyết tâm lĩnh Từ Châu khi có được sự thuyết phục của Trần Đăng.
Trong quá trình thuyết phục Lưu Bị, Trần Đăng đã thể hiện tài diễn thuyết xuất chúng của một bậc mưu sĩ đại tài. Ông thậm chí còn tự mình viết thư cho Viên Thiệu, thuyết phục chư hầu nổi danh này đứng ra ủng hộ Lưu Bị.
Chỉ tới khi có được sự ủng hộ của thế lực chư hầu mạnh mẽ như Viên Thiệu, Lưu Bị mới có thể an tâm và quang minh chính đại nắm lấy Từ Châu vào tay mình..
Do đó sẽ không quá lời nếu nói rằng, những thành tích hiếm hoi trong buổi đầu gây dựng sự nghiệp của vị quân chủ họ Lưu ấy có liên quan rất lớn tới đóng góp của Trần Đăng. Bởi sự thuyết phục của Trần Đăng đã giúp Lưu Bị can đảm đi một nước cờ vô cùng trọng yếu.
Cũng bởi vậy mà một Lưu Huyền Đức được mệnh danh là "quý chữ như quý vàng" đã từng có lần đích thân hạ bút ngợi khen Trần Đăng là bậc văn võ song toàn.
Trần Đăng vốn là một văn thần, nhưng lại mang trong mình cái khí khái của bậc danh tướng. Bởi vậy mà ông vốn không ưa cách hành xử của kẻ phản trắc mang tiếng là "gia nô ba họ" như Lữ Bố.
Xuất phát từ lý do trên, Trần Đăng đã đích thân hiến kế cho Tào Tháo phá Lữ Bố, giúp vị quân chủ này tiến thêm một bước trên con đường bình thiên hạ.
Năm Kiến An thứ hai, Lữ Bố hớt tay trên Từ Châu của Lưu Bị, Trần Đăng khi đó liền quay về Hứa Đô, dâng kế cho Tào Tháo, đồng thời còn vào trong thành làm nội ứng ngoại hợp giúp quân Tào ly gián và bắt sống Lữ Phụng Tiên.
Nhờ chiến công này, ông được Tào Tháo phong làm Phục Ba tướng quân và sau đó bổ nhiệm làm Thái thú Quảng Lăng.
Theo nhận định của KKNews, so với chức vụ được ban khi ấy, điều khiến vị quan họ Trần quan tâm hơn cả vẫn chính là vấn đề làm cách nào để muôn dân trăm họ có được cuộc sống an cư lạc nghiệp.
Đây cũng là lý do mà khi cai trị quận Quảng Lăng, ông rất được lòng người dân khu vực sông Hoài, sông Trường Giang khi đó.
Địa bàn cai quản của Trần Đăng bấy giờ giáp với Giang Đông – Dương Châu. Chính sự kề cận về vị trí địa lý đã khiến vị tướng này lọt vào tầm ngắm của Tôn Sách – người làm chủ vùng Giang Đông khi đó.
Theo Bách khoa Toàn thư Trung Quốc (Baike), năm Kiến An thứ tư, Tôn Sách đã sai Tôn Quyền dẫn một đội quân vô cùng đông đảo tiến đánh thành trì của Trần Đăng. Đối mặt với thế địch mạnh như vũ bão, vị tướng họ Trần chẳng những không lo sợ mà còn chủ động trấn an mọi người và sắp đặt các cách để đối phó.
Bấy giờ, ông ra lệnh đóng chặt cổng thành, cấm mọi người gây tiếng động. Chờ tới lúc quân Giang Đông chuẩn bị tấn công, Trần Đăng liền hạ lệnh cho quân sĩ trong thành bí mật sắp sẵn vũ khí để chuẩn bị chiến đấu từ đêm hôm trước.
Rạng sáng hôm sau, ông hạ lệnh mở cửa nam của thành, dẫn quân tập kích doanh trại địch một cách bất ngờ. Trần Đăng khi ấy thậm chí còn tự mình gióng trống thúc quân đánh giết, quân Giang Đông vì không kịp trở tay mà đã bị đánh bại và tháo chạy toán loạn.
Không lâu sau đó, Tôn Quyền tiếp tục dẫn đại Đông Ngô trở lại, Trần Đăng khi ấy thế thế địch mạnh đến khó có thể chống cự. Vì vậy ông liền tương kế tựu kế, một mặt cho người về Hứa Xương xin cứu viện, mặt khác lại tự mình đem quân ra 10 dặm ngoài thành lập trại, sai binh sĩ đốt đuốc, mỗi người đứng cách nhau 10 bước rồi giả vờ hò reo và làm như viện binh đã tới.
Chiêu bài dùng lửa để tung hỏa mù như trên đã khiến quân Giang Đông sợ hãi không dám tiến thêm một bước. Ngay lúc đó, Trần Đăng thừa cơ thúc quân đánh giết, chém được hàng vạn quân địch, khiến Tôn Quyền đại bại và thành công bảo vệ thành Quảng Lăng thêm một lần nữa.
Với chiến công đánh bại Tôn Sách và khiến cho Tôn Quyền khiếp đảm, sẽ không hề quá lời nếu đánh giá rằng tài cầm binh của Trần Đăng thực chất vốn chẳng hề thua kém với hai nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đông Ngô.
Năm 205, Trần Đăng lâm bệnh nặng. Sử liệu ghi lại ông vì ăn quá nhiều thịt sống nên bị đau dạ dày, ngực nhức nhối, mặt đỏ, không ăn uống gì được.
Mặc dù lần lâm trọng bệnh ấy đã được Hoa Đà cứu chữa và qua khỏi, nhưng danh y nổi tiếng đương thời này cũng đã dự đoán rằng trong vòng 3 năm tiếp theo, ông sẽ có thêm một lần tái phát nghiêm trọng.
Không ngoài dự liệu của Hoa Đà, năm 208, bệnh của Trần Đăng lại tái phát và có phần trở nặng hơn lần trước. Chỉ tiếc rằng vị danh y họ Hoa ấy khi đó đã đi vắng, nên Trần Đăng đã không thể cầm cự được và buông tay trần thế ở tuổi 39.
Cũng bởi ra đi quá sớm trong một giai đoạn lịch sử liên tục có nhiều biến động, tên tuổi và tài năng của Trần Đăng nhanh chóng bị mờ nhạt trước nhiều nhân tài khác. Danh tiếng của vị tướng quân, mưu sĩ từng đánh bại Tôn Sách, dọa sợ Tôn Quyền, giúp Lưu Bị - Tào Tháo bình thiên hạ cứ như vậy mà dần chìm vào quên lãng.
Đây cũng là lý do mà giờ đây mỗi khi nhắc tới tên tuổi của Trần Đăng, nhiều người vẫn không khỏi tiếc nuối cho cuộc đời yểu mệnh và thường coi ông như một trong số những nhân tài có số phận hẩm hiu nhất Tam Quốc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top