Tào Tháo-Bộ mặt trắng bệch của kẻ ác
Phế bỏ Tuân Úc, cất nhắc Hoa Hâm, Tào Tháo đã khép lại nền chính trị của hiền thần Trương Lương, mở ra thời kỳ của những kẻ "bức hiếp chị dâu, nhận vàng hối lộ", dưới danh nghĩa "có tài là dùng". Tào Tháo làm vậy không vì một tư tưởng chính trị cao siêu nào cả, mà là vì phục vụ lợi ích chính trị ngay trước mắt.
Tào Tháo cần chuẩn bị bối cảnh chính trị để xây dựng một triều đại mới, cũng là di sản mà Tào Tháo để lại cho đời sau. Di sản đó đã mang lại những gì?
Giữa đường phải bỏ
Không chỉ loại bỏ những hiền thần có tiết tháo, Tào Tháo còn ra tay đồ sát những người liên quan tới nhà Hán. Tháo giết Phục hoàng hậu cùng hai hoàng tử và tông tộc họ Phục hơn trăm người, rồi lập con gái mình làm hoàng hậu; giết luôn Lang Da vương Lưu Hi.
Sau vụ Cảnh Kỷ, Vi Hoảng khởi binh đánh Tháo, Tháo sai triệu trăm quan nhà Hán tới huyện Nghiệp, bảo ai ra cứu lửa thì đứng bên trái, ai không ra thì đứng bên phải, rồi giết hết những người ra cứu lửa vì cái cớ vớ vẩn là họ "mới thực sự là giặc". Con trai của Tháo là Tào Thực tự ý mở cửa Tư Mã để đi ra. Tháo biết tin, ban lệnh rằng "từ khi Tử Kiến tự ý mở cửa Tư Mã đi ra, ta chẳng tin tưởng các chư hầu nữa vậy".
Tào Tháo giống như kẻ tranh giành thiên hạ mà chặt hết chân tay mình, rồi bảo là "ta tất thắng", rõ ràng là chẳng thể được. Không khí nghi kỵ, khủng bố bao trùm ấy khiến rất nhiều người tài trở nên khiếp sợ.
Giả Hủ "tự biết mình chẳng phải là cựu thần của Thái Tổ, nhưng kế sách mưu tính rất sâu xa, sợ bị người khác nghi ngờ, nên đóng cửa tự giữ mình, nhún nhường không giao tiếp riêng tư với ai, trai gái lấy vợ gả chồng chẳng kết giao với nhà cao môn".
Nên nhớ Giả Hủ từng giúp Hán Hiến đế thoát khỏi Lý Thôi, Quách Dĩ. Từ Hoảng là thuộc hạ cũ của Dương Phụng, có công phò Hiến đế về Lạc Dương. Tào Tháo ví Hoảng như Chu Á Phu – người dẹp loạn chấn hưng nhà Hán. Hoảng "trọn đời chẳng giao kết rộng rãi".
Đến con mình còn không tin được, nên Tháo không bao giờ còn có thể yên tâm mà đi tranh giành thiên hạ. Tháo đánh Mã Đằng, Tôn Quyền, Trương Lỗ, Lưu Bị đều là đi vội, về gấp. Mưu sĩ Pháp Chính từng nhận xét rằng sau khi diệt Trương Lỗ, Tào Tháo bỏ qua kiến nghị sáng suốt, không thừa cơ đánh Ba, Thục, mà "vội vàng về bắc", không phải vì "trí hắn không kịp hay sức hắn không đủ, mà vốn là vì trong nội bộ có điều lo lắng".
Nhà nghiên cứu Lê Đông Phương đã chỉ ra: từ sau trận chiến Xích Bích, những chiến dịch quân sự mà Tào Tháo thực hiện đều có điểm chung là "không làm tới cùng", lúc thì không truy đuổi tàn quân (Mã Siêu), lúc thì chưa lập công đã quay về (Tôn Quyền), lúc thì đã chiếm được nhưng lại để mất (Trương Lỗ, Lưu Bị). Đó gọi là giữa đường phải bỏ. Sự nghiệp thống nhất thiên hạ của Tào Tháo đã tan thành bọt nước.
Hành động vô ý của Tào Thực đã khiến Tháo nghi ngờ cả con mình
Phong khí biến đổi
Dưới bàn tay thanh lọc của Tào Tháo, số nhân sĩ tài đức kiêm toàn dần dần rơi rụng. Bên cạnh Tào Tháo chỉ còn lại những nhân tài chỉ mở miệng khi cần thiết (như Giả Hủ), hoặc kẻ có khả năng nằm liệt giường liệt chiếu, giả vờ giả vịt (như Tư Mã Ý), hoặc loại người đón ý chủ nhân để tâu việc cho lọt tai (như Lưu Diệp). Những người này tuy chưa rời ra khỏi ranh giới của năng thần, nhưng ở mức độ nào đó đã tiệm cận với gian thần. Chính Tư Mã Ý sau này đã đạp nát cơ nghiệp mà Tào Tháo khổ công gầy dựng. Nhưng sở dĩ Tư Mã Ý làm được như thế là bởi phong khí chính trị do Tào Tháo sáng tạo.
Lư Bật đã chỉ ra rằng phong khí chính trị cuối Hán là phong khí "sùng thượng tiết nghĩa" vì thế "Tháo tuy gian hùng mà không dám di dời vạc Hán", thế nhưng "phong khí trọng nghĩa thời Đông Hán tới Ngụy mà một phen biến đổi, thành ra như thế đâu phải không có nguyên do". Tào Tháo muốn cướp ngôi nhà Hán thì phải tuyển chọn bọn người có tài nhưng bất nghĩa.
Bản chất của "có tài là dùng" trên thực tế là vừa có tài, vừa không đếm xỉa đến liêm sỉ, tiết nghĩa. Vì thế khi Tào Phi cướp Hán, mọi việc hết sức dễ dàng. Tào Phi mượn lấy danh nghĩa vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, tiếp nhận sự nhường ngôi cho nhà Hán, đồng thời cũng vẽ ra một con đường lớn để cho hươu chạy.
Khi Viên Thuật, Viên Thiệu muốn lên ngôi thay nhà Hán, họ vấp phải rất nhiều lực cản từ công luận. Thậm chí cả hai đều rơi vào tình trạng nội bộ lục đục, thuộc hạ phản bội. Mọi người cho rằng việc thay thế một triều đại vốn phải nằm ở mệnh trời, phải hội đủ nhiều yếu tố. Nhưng Tào Tháo, Tào Phi đã chứng minh rằng chỉ cần người làm bề tôi có đủ sức mạnh là có thể mượn cớ nhường cho người hiền để cướp ngôi.
Từ Ngụy cho đến sơ Đường, chỉ cần bề tôi có chút lực lượng là lập tức làm loạn, triều đại không mấy khi kéo dài được tới trăm năm. Đó là do Tào Tháo mở đầu. Trần Thọ nói rằng họ Tư Mã cướp ngôi nhà Ngụy chính là "như việc cũ thời Hán Ngụy" (như Hán Ngụy cố sự). Lư Bật nói rằng: "năm chữ này ẩn chứa ý nghĩa vô cùng".
Ông nói: "Ngụy lập quốc chưa lâu, Tấn đã cướp mất, tuy đạo trời có vay trả, nhưng cũng bởi vì cha con Tháo đối với kẻ sĩ cương trực chẳng thể dung nạp, bẻ gãy sĩ khí". Chính Tấn Minh đế khi nghe kể lịch sử xây dựng triều Tấn đã phải ôm mặt khóc, nói rằng như thế thì nhà Tấn sao được lâu dài!
Trang điểm màu trắng trong Kinh kịch chỉ dùng cho ma quỷ hoặc những nhân vật kiêu ngạo, như Tào Tháo
Bộ mặt trắng bệch
Tào Tháo muốn để lại hình ảnh giống như Văn vương, nhưng con đường chính trị bắt buộc ông ta phải "ngoài khoan hòa, trong nghi kỵ", sau đó là vấy máu nhiều người. Cho dù là chuyện giết người nơi hẻo lánh như nhà Lã Bá Sa, cho dù Vương Thẩm, Trần Thọ và nhiều người khác ra sức tán tụng, Tào Tháo vẫn không khỏi lộ ra bộ mặt trắng bệch của kẻ ác. Đó là chưa kể kẻ địch của Tào Tháo sẽ nhân đó mà vu khống, như chuyện Viên Trung, Hoàn Thiệu.
Tào Man truyện kể rằng Viên Trung lúc làm quốc tướng nước Bái đã từng muốn dùng pháp luật trừng trị Tào Tháo (nên nhớ hồi trẻ Tháo cũng là cường hào ác bá). Hoàn Thiệu là người nước Bái cũng khinh Tào Tháo. Lúc Tháo làm Duyện Châu mục, người quận Trần Lưu là Biên Nhượng nói năng động chạm đến Tháo. Tháo giết Nhượng và cả nhà Nhượng. Viên Trung, Hoàn Thiệu lánh nạn tới Giao Châu. Tào Tháo sai sứ tới chỗ Sĩ Nhiếp bắt diệt cả dòng tộc của hai người đó. Hoàn Thiệu ra thú tội, quỳ lạy trước sân. Tháo nói: "Lạy mà thoát chết được sao?", rồi giết Thiệu.
Chuyện Biên Nhượng là có thật. Tào Tháo giết Biên Nhượng đã làm danh sĩ Duyện Châu chấn động. Đám người Trần Cung cũng vì thế mà "tự nghi ngờ" nên mới bỏ Tháo mà đón Lữ Bố. Nhưng chuyện Viên Trung, Hoàn Thiệu thì có vấn đề.
Hậu Hán thư, Viên Hoành truyện có phụ chép tiểu truyện về Viên Trung. Phạm Diệp cho biết Trung "từ Bột Hải đi về nam tới Giao Chỉ; Hiến đế đóng đô ở Hứa, triệu làm Vệ úy, chưa đến nơi thì chết". Rõ ràng chẳng phải bị Tào Tháo giết hại. Hoàng Sơn chỉ ra rằng con của Trung là Bí trước đó đã bị Khăn Vàng giết, em Trung là Hoành thì không đáp ứng lời trưng triệu làm quan, chết ở nhà, đủ thấy rằng "gia tộc của Trung chẳng bị diệt".
Nhân vật Hoàn Thiệu mới rắc rối, vì các tài liệu khác chẳng nói Hoàn Thiệu mà nói người đó là Hoàn Diệp. Danh sĩ ưu vụ luận của Trương Phố nói "Khổng Văn Cử, Hoàn Văn Lâm đều vì căm hận mà bị giết". Hoàn Văn Lâm ở đây là Hoàn Diệp. Hậu Hán thư chép rằng Diệp "làm khách ở Giao Chỉ, vì bọn người hung ác vu cáo, chết ở trong ngục Hợp Phố", không phải là chết trong tay Tào Tháo (Sĩ Nhiếp là Thái thú Giao Chỉ).
Hoàng Sơn khảo sát Hậu Hán thư, Hoàn Vinh truyện cũng kết luận: "Trong khoảng năm Sơ Bình, người đi Giao Chỉ là Hoàn Diệp, chẳng có ai là Hoàng Thiệu". Nói tóm lại, Tào Man truyện kể ra ba việc, nhưng chỉ có một việc là có thật, là nhân hình tượng hung ác của Tào Tháo mà tô đậm thêm.
Tào Tháo nghi kỵ, giết người vốn không phải bản tính, khi không cần thiết thì Tháo sẽ không tự tay giết (như Nễ Hành, Trương Tú). Tào Tháo giết người chủ yếu là do nhu cầu chính trị. Bởi vì Hán đế quá nhu nhược, nhà Hán đã tàn tạ, Tào Tháo mới phải đứng ra nắn sửa ("thiết nghĩ quốc gia nếu không có Cô, chẳng biết có bao người xưng đế, bao kẻ xưng vương"). Có thực thế chăng?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top