Ngày tàn của Quan Vân Trường
Tôn Quyền mất nhiều năm trời trù bị để cuối cùng được nếm "quả ngọt" với chiến dịch kinh điển của Lữ Mông, đoạt lại Kinh Châu từ tay Lưu Bị, tiêu diệt danh tướng Quan Vân Trường.
Năm 219, Lưu Bị đánh chiếm được Đông Xuyên từ tay Tào Tháo, lại đánh lui được đại quân Tào, tự xưng là Hán Trung vương.
Trên đà thắng lợi, Lưu Bị sai Quan Vũ đang trấn thủ Kinh châu đem quân bắc tiến. Tháng 7/219, Quan Vũ khởi đại quân bắc phạt đánh Tào Tháo.
Ông vây hãm thành Tương Dương, sau đó lại vây đánh Phàn Thành do Tào Nhân trấn thủ, giành được thế thắng áp đảo trước Tào Ngụy.
Tào Tháo vừa chống trả với Quan Vũ, vừa sai người "hứa cắt đất Giang Nam phong cho Tôn Quyền", đề nghị Đông Ngô tập kích hậu phương Kinh Châu của Quan Vũ, giúp Ngụy giảm bớt gánh nặng.
Lời đề nghị của Tào Tháo vừa đúng với ý định chiếm lại Kinh Châu từ tay Lưu Bị, điều mà Tôn Quyền mưu tính đã lâu.
Chiến dịch "chấn động thiên hạ" của Lữ Mông
Đại đô đốc Đông Ngô Lữ Mông khi tới Lục Khẩu thì phát hiện Quan Vân Trường mặc dù đem quân chinh phạt Phàn Thành, nhưng vẫn để lại lực lượng phòng thủ hùng hậu, khiến quân Ngô khó đạt được bước đột phá đáng kể.
Lữ Mông bèn "tương kế tựu kế", bàn với Tôn Quyền đưa một nhân vật "không có tiếng tăm" lên thay mình, nhằm làm Quan Vũ lơi lỏng giới bị.
Người được Lữ Mông giới thiệu là Lục Tốn "tài cán hơn người, mà danh tiếng chưa vang xa, không khiến (Quan) Vũ cố kỵ".
Khi Lục Tốn vừa tới Lục Khẩu (Hồ Bắc) liền gửi thư "ca ngợi" Quan Công - "Trận Phàn Thành khiến Vu Cấm đầu hàng, mọi người gần xa đều bái phục Quan tướng quân, có thể nói là lưu danh muôn đời.
Dù là Tấn Văn Công hay Hàn Tín năm xưa cũng khó lòng so sánh với tướng quân.
Nhưng Tào Tháo mười phần lợi hại, nhất định không cam chịu thất bại mà sẽ tăng binh ứng chiến. Mong tướng quân không nên khinh địch.
Tốn chỉ là kẻ thư sinh, không có bản lĩnh nắm giữ trọng trách (ở Kinh Châu), cũng may gặp được 'láng giềng tốt' như Quan tướng quân, chỉ có vài ý kiến nhỏ, xin tướng quân chỉ giáo".
Trúng phải "công tâm kế" của Lục Tốn, Quan Vũ bắt đầu rút dần quân đội từ miền Đông để điều lên chiến trường Phàn Thành.
Lữ Mông sau khi nhận được tin tức thì lập tức tới Tầm Dương. Nhằm che mắt quân đội Kinh Châu mà Quan Vũ bố trí bên sông, ông cho hóa trang thuyền chiến thành thuyền buôn, bộ đội tinh nhuệ đều mặc áo trắng đóng giả làm thương nhân.
Toàn bộ quân đội của Lữ Mông đã vượt qua phòng tuyến tuần tra của Quan Vũ mà không gây ra bất kỳ sự chú ý nào.
Đây chính là chiến dịch "bạch y độ giang" kinh điển đã ghi danh Lữ Mông vào sử sách.
Trong khi đó, Quan Công ở tiền tuyến miền Bắc không hề hay biết về động thái quân sự cực lớn này. Quân Lữ Mông Tây tiến theo sông Trường Giang đến tận thành Kinh Châu.
Lực lượng Thục Hán tại Kinh Châu lúc này do Mi Phương thủ Giang Lăng, Phó Sĩ Nhân thủ thành Công An. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Quan Vân Trường và 2 tướng này đều rất tệ hại; ông từng phê bình và đe dọa sẽ trừng phạt Mi, Phó khi trở về.
Sự rạn nứt trong nội bộ quân Kinh Châu nghiêm trọng đến mức ngay khi quân Lữ Mông áp thành, Mi Phương và Phó Sĩ Nhân đều không đánh mà lập tức treo cờ trắng đầu hàng.
Lữ Mông và Lục Tốn thừa thắng tấn công chiếm nhiều cứ điểm quan trọng như Nghi Đô, Tỷ Quy... sau đó đưa quân về thủ tại Di Lăng, đề phòng Lưu Bị phát binh cứu Quan Vũ.
Khi Quan Vũ còn chưa kịp trở tay, hai đại tướng Đông Ngô đã gần như quét sạch thế lực Thục Hán ra khỏi miền Nam Kinh Châu, "cờ hiệu trên các thành trì đã đổi màu trong chớp mắt".
Ngay từ thời kỳ trù bị của chiến dịch này, Lữ Mông đã quán triệt mục đích "triệt tiêu quân đội của Quan Vũ".
Khi tới Kinh Châu, ông không tơ hào chút báu vật nào trong phủ Quan Vũ, mà đem xung công tất cả. Ông cũng thực thi hàng loạt chiến thuật tâm lý: úy lạo người dân, phát tiền cho người nghèo, cho phép gửi thư cho người thân ở tiền tuyến...
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đoạt được Kinh Châu, Lữ Mông đã tạo được tín nhiệm lớn tại Kinh Châu, khiến Quan Vũ không chỉ bị mất hậu phương, mà ngay cả tiền tuyến cũng dao động nghiêm trọng.
Cái chết của Quan Vân Trường
Để đảm bảo chiến dịch "hất cẳng Lưu Bị" thành công tuyệt đối, Tôn Quyền đích thân tới Công An chỉ huy cuộc "đi săn" Quan Vân Trường, đồng thời gửi thư "hy vọng Tào Công bảo mật, tránh Quan Vũ kịp có phòng bị".
Lúc này, Tào Tháo đã phái Từ Hoảng tiếp viện Phàn Thành. Đứng trước "điều kiện bảo mật" của Tôn Quyền, đa phần thuộc hạ của Tào chủ trương giữ bí mật, giúp Quyền tập kích thành công.
Nhưng quan Tư không Đổng Chiêu hiến kế - "Chúng ta vờ đáp ứng Tôn Quyền, mặt khác lộ tin cho Quan Vũ và Tào Nhân.
Như vậy, Quan Vũ sẽ bỏ vây về tính sổ với Tôn Quyền, chúng ta thì ngư ông đắc lợi. Nếu giúp Tôn Quyền bảo mật, ngộ nhỡ thành không giữ được, quân ta thiệt lớn".
Tào Tháo nghe theo Chiêu, bèn lệnh Từ Hoảng phóng tiễn đem theo "tin mật" vào Phàn Thành và doanh trại của Quan Vũ, đủ thấy Tào - Tôn dù mới bước đầu "bắt tay", song 2 bên không hề ngần ngại tìm cách lợi dụng đối phương.
Vụ "lộ mật" của Tào Tháo khiến "gió đổi chiều" ở Phàn Thành. Tinh thần quân đội Tào Nhân lên cao, trong khi nước lũ rút đi giúp thành trì kiên cố trở lại.
Trong khi Quan Công còn bất ngờ trước diễn biến mới, thì hung tin Kinh Châu thất thủ ập đến, buộc quân đội của ông phải triệt thoái khỏi chiến trường miền Bắc.
Quan Vũ và Từ Hoảng đều là người quận Hà Đông, từ nhỏ đã quen biết nhau và quan hệ khá tốt. Tuy nhiên, trong chiến dịch Phàn Thành, Từ Hoảng quyết thắng Quan Vũ.
Hoảng dương đông kích tây, phao tin đánh đồn Vi Trủng nhưng kỳ thực đánh đồn Tứ Trủng. Quan Vũ mắc mưu nên bị thua nặng.
Ông phải hạ lệnh giải vây Phàn Thành rút lui, quân Thục Hán bị rơi xuống sông Hán Thủy, tổn thất vô số.
Quan Vũ chạy về nửa đường mới biết Giang Lăng và Công An đã mất nên đành chạy về Mạch Thành.
Ông gửi thư cầu cứu Lưu Phong, Mạnh Đạt ở Thượng Dung, song 2 tướng này "quan hệ bình thường" với Quan Vũ nên không phát binh cứu ông.
Đến Mạch Thành, Quan Vân Trường lại biết tin Lục Tốn đã đánh chiếm được Nghi Đô.
Tháng 12/219, Tôn Quyền sai người dụ hàng ông.
Quan Vũ biết không thể dùng lực lượng ít ỏi còn lại để kháng cự, nên sai một số quân ở lại giương cờ trắng trên thành, còn mình dẫn hơn 10 quân kỵ theo đường nhỏ đổi hướng chạy lên phía bắc, hy vọng theo đường núi để phá vây để về Ích châu hoặc Hán Trung.
Khi Quan Vũ chạy tới Lâm Thư thì bị tướng Ngô là Chu Nhiên và Phan Chương chặn đường. Ông bị bộ tướng của Phan Chương là Mã Trung bắt được mang về.
Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền đều từng trải qua thất bại, nhưng lực lượng của họ không sụp đổ hoàn toàn mà vẫn có khả năng vãn hồi, điều quan trọng nhất chính là nhờ thế lực ủng hộ họ đủ lớn.
Nhưng đối với Quan Công, thời điểm ông chiến bại, những mâu thuẫn trong nội bộ thế lực của ông cũng bùng phát và quật ngã ông hoàn toàn, khiến Quan Vân Trường không còn cơ hội "trở mình".
Cùng tháng 12/219, Tôn Quyền chém đầu cha con Quan Vũ.
Lữ Mông qua đời
"Bạch y độ giang" là một trong những chiến dịch quân sự kinh điển thời Tam Quốc, đồng thời cũng là chiến công huy hoàng nhất của Lữ Mông.
Sau đại thắng này, Đông Ngô hoàn toàn đoạt lại Kinh Châu mà Lưu Bị đã "mượn" 10 năm trời, lãnh thổ mở rộng về phía Đông Tam Hiệp, phía Nam Trường Giang.
Thế nhưng, trong khi Lữ Mông còn chưa kịp nhận phong thưởng thì ông đã bệnh mất. Đại quyền quân sự vùng thượng lưu Trường Giang được trao về tay Lục Tốn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top